20.10.22

Giải Nobel cho cái nhìn sâu sắc về ngân hàng và khủng hoảng tài chính: Bernanke, Diamond và Dybvig

GIẢI NOBEL CHO CÁI NHÌN SÂU SẮC VỀ NGÂN HÀNG VÀ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH: BERNANKE, DIAMOND VÀ DYBVIG

CONVERSABLEECONOMIST

Tác giả: Timothy Taylor

Thời gian càng trôi, tôi càng thấy khó giải thích với giới phi kinh tế về những gì đã xảy ra vào tháng 9/2008, khi trong một khoảng thời gian tầm 2-3 tuần dường như với tôi có một khả năng đầy ý nghĩa (và với từ “đầy ý nghĩa”, tôi có ý là đủ lớn để khiến cho tôi thao thức hàng đêm), rằng lĩnh vực tài chính và ngân hàng sẽ tan rã theo cách sẽ không chỉ dẫn đến một cuộc suy thoái đáng kể, mà còn dẫn đến thứ gì đó tệ hơn nhiều. Nhưng tại một trong những ngẫu nhiên kì lạ đó của lịch sử, Cục Dự trữ liên bang vào lúc đó đang được chủ trì bởi một cựu kinh tế gia hàn lâm tên là Ben Bernanke, người thực sự là một chuyên gia được công nhận trong chủ đề sự sụp đổ của ngân hàng và tài chính, dựa trên những nghiên cứu mà ông và những người khác như Douglas Diamond và Philip Dybvig đã thực hiện vào những năm 1980 và 1990. Cuộc Đại Suy thoái 2007-2009 rất rồi tệ, và còn có thể tồi tệ hơn nữa.

Viện Khoa học Hoàng Gia Thụy Điển đã trao giải thưởng có tên gọi chính thức là “Giải thưởng Sveriges Riksbank về các Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2022” cho Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig “cho các nghiên cứu về ngân hàng và các cuộc khủng hoảng tài chính”.

Ben S. Bernanke (1953-)

Như thường lệ, hội đồng giải thưởng công bố hai bài giải thích cho những ai muốn biết rốt cuộc vụ ồn ào này là gì. Có một bài “nền tảng khoa học phổ thông” ngắn hơn có tên là “Những người đoạt giải đã giải thích vai trò trung tâm của các ngân hàng trong các cuộc khủng hoảng tài chính”, và một bài “nền tảng khoa học” dài hơn, nặng tính kĩ thuật hơn (70 trang) với tựa đề “Trung gian tài chính và nền kinh tế”. Các bài tường thuật trước đây có xu hướng mô tả tính “Đại” của cuộc Khủng hoảng gắn liền với một danh sách những quyết định yếu kém và những thứ đã đi đến sai lầm. Bernanke đưa ra một luận điểm chắc chắn rằng độ dài và độ sâu của cuộc Đại Khủng hoảng gắn liền mật thiết với một nguyên nhân chính: cuộc khủng hoảng đối với hệ thống ngân hàng vào thời điểm đó. Ủy ban giải thưởng viết:

Trước nghiên cứu của Bernanke, nhận thức chung là cuộc khủng khoảng ngân hàng là hệ quả của nền kinh tế suy giảm, hơn là nguyên nhân của nó. Thay vào đó, Bernanke khẳng định sự sụp đổ của ngân hàng là yếu tố quyết định khiến sự suy giảm phát triển thành cuộc khủng hoảng sâu sắc và kéo dài. Khi một ngân hàng phá sản, mối quan hệ giữa ngân hàng và người đi vay bị cắt đứt; mối quan hệ này chứa đựng vốn tri thức cần thiết để ngân hàng quản lý hoạt động cho vay của mình một cách hiệu quả. Ngân hàng biết những người đi vay của mình, có thông tin chi tiết về việc những người đi vay đã sử dụng tiền vào việc gì, và yêu cầu nào là cần thiết để đảm bảo khoản vay sẽ được hoàn trả. Xây dựng vốn kiến thức như vậy mất nhiều thời gian, và không thể chỉ đơn giản là chuyển cho những người cho vay khác khi ngân hàng thất bại. Do đó, việc sửa chữa một hệ thống ngân hàng bị lỗi có thể mất nhiều năm, trong thời gian này nền kinh tế hoạt động rất kém. Bernanke đã chứng minh rằng nền kinh tế đã không bắt đầu phục hồi cho đến khi nhà nước cuối cùng thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các ngân hàng hoảng loạn thêm.

Douglas W. Diamond (1953-)
Philip H. Dybvig (1955-)

Vào cùng khoảng thời gian đầu những năm 1980, Diamond và Dybvig đang phát triển một mô hình lý thuyết về ngân hàng và lĩnh vực tài chính để giải quyết những vấn đề này. Họ bắt đầu với ý tưởng cơ bản về ngân hàng như một “trung gian tài chính” - nghĩa là, một số tác nhân kinh tế (người dân và doanh nghiệp) có khoản tiết kiệm mà họ không muốn chi tiêu trong hiện tại, trong khi những tác nhân khác muốn vay và chi tiêu ngay bây giờ, rồi trả nợ sau. Các ngân hàng đóng vai trò trung gian giữa các nhóm này.

Nhưng một thách thức ngay lập tức nảy sinh ở đây. Một số lượng đáng kể người gửi tiết kiệm đã quyết định rút tiền của họ khỏi các ngân hàng lý thuyết này, có lẽ vì những người gửi tiết kiệm không tin tưởng rằng tiền tiết kiệm của họ an toàn tại ngân hàng chăng? Ngân hàng lý thuyết sẽ không có tiền cho tất cả mọi người: vì số tiền đó đã được đưa cho những người vay để mua nhà và ô tô, và cho các doanh nghiệp vay để đầu tư. Do đó, có khả năng xảy ra “rút tiền hàng loạt” (bank run), khi mọi người đổ xô đến ngân hàng lý thuyết và cố gắng rút tiền của họ ngay bây giờ - và khi làm như vậy, họ khiến ngân hàng không thể tiếp tục hoạt động.

Việc rút tiền hàng loạt hiển nhiên là một phần cốt yếu của những câu chuyện và tường thuật của thời điểm trước những năm 1930: hai trong số những ví dụ nổi tiếng nhất từ các bộ phim là từ Jimmy Stewart trong It's a Wonderful Life và khi cậu bé Michael cố gắng rút tiền của mình khỏi ngân hàng do Dick van Dyke điều hành trong Mary Poppins. Tuy nhiên, nếu chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi thì không có lý do gì cho việc rút tiền hàng loạt. Từ góc độ này, không phải ngẫu nhiên mà khi bảo hiểm tiền gửi ngân hàng liên bang được ban hành vào năm 1933, vai trò của hệ thống ngân hàng mong manh trong việc làm cuộc Đại Khủng hoảng lan ra đã biến mất và điều tồi tệ nhất của cuộc Đại Khủng hoảng kết thúc.

Nhưng một sự đánh đổi theo sau đó xuất hiện ở đây. Nếu có bảo hiểm tiền gửi ngân hàng, thì người gửi tiết kiệm không còn phải lo lắng về việc liệu ngân hàng có đưa ra quyết định hợp lý về việc cho vay hay không, hay liệu các chủ ngân hàng có đang theo đuổi mức rủi ro cao hơn và có lẽ là mức lời cao hơn hay không. Do đó, Diamond đặc biệt nhấn mạnh rằng bảo hiểm tiền gửi cần được kết hợp với sự giám sát của chính phủ đối với các ngân hàng để đảm bảo rằng họ không chấp nhận rủi ro quá mức. Sự kết hợp giữa bảo hiểm tiền gửi và giám sát tài chính của các ngân hàng có chức năng giữ cho hệ thống tài chính và ngân hàng Hoa Kỳ ổn định trong vài thập kỷ.

Nhưng đã có những dấu hiệu cảnh báo rằng không phải tất cả các vấn đề đã được giải quyết. Có lẽ đáng chú ý nhất là trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay vào cuối những năm 1980, một số Hiệp hội tiết kiệm và cho vay (Savings and loans associations - S&L) nhận thấy mình đang trong tình trạng tài chính tồi tệ: họ đã cho vay dài hạn khi mua thế chấp nhà trong vài chục năm trước đó với lãi suất tương đối thấp, nhưng tỷ lệ lạm phát cao trong những năm 1970 đã đẩy lãi suất lên. Theo luật, các S&L bị giới hạn về lãi suất mà họ có thể trả, vì vậy những người tiết kiệm thay vào đó muốn chuyển tiền của mình vào các tài khoản thị trường tiền tệ, nơi không có các hạn chế tương tự. Đây là một kiểu “rút tiền hàng loạt” hiện đại: tiền được rút từ một bộ phận của khu vực tài chính và chuyển sang một khu vực khác. Một số S&L đã phải đối mặt với phá sản khi tiền gửi của họ giảm dần, và một số nhà quản lý đã chọn chiến lược cho vay rủi ro với lãi suất cao để cố gắng lấy lại khả năng thanh toán. Một số chính trị gia đã gây áp lực buộc các cơ quan quản lý tài chính của các tổ chức tài chính địa phương của họ để không đổ vỡ. Cuối cùng, chính phủ liên bang đã phải trả hơn 150 tỷ đô la để bảo vệ những người gửi tiền đã để tiền trong các tổ chức này. Để biết thêm thông tin cơ bản, độc giả có thể bắt đầu với ba báo cáo ở hội nghị chuyên đề trên tạp chí Journal of Economic Perspectives số ra mùa thu năm 1989.

Với cuộc Đại Suy thoái 2007-2009, một vấn đề có phần tương tự lại nảy sinh. Một bộ phận đáng kể và đang phát triển của khu vực tài chính Hoa Kỳ đã chuyển ra bên ngoài các ngân hàng, sang lĩnh vực thường được gọi là khu vực “ngân hàng song song” (shadow banking). Một bộ phận đáng kể và đang phát triển của khu vực tài chính Hoa Kỳ đã chuyển ra bên ngoài các ngân hàng, sang khu vực thường được gọi là khu vực “ngân hàng bóng tối” (shadow banking). Nếu bạn muốn có một khoản vay để mua nhà, bạn có thể nhận nó thông qua một tổ chức phi ngân hàng, và đằng sau hậu trường, các khoản vay thế chấp được đóng gói lại và bán cho các nhà đầu tư như quỹ hưu trí hoặc công ty bảo hiểm. Các doanh nghiệp cũng tìm ra những cách khác để vay, bằng cách sử dụng thị trường trái phiếu cũng như các phiên bản cho vay của chính họ được đóng gói lại và bán lại. Các tổ chức tài chính ngân hàng song song này không tuân theo các quy tắc của bảo hiểm tiền gửi liên bang hoặc sự giám sát cẩn thận của các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang. Các khoản cho vay rủi ro đã được thực hiện. Và khi các tổ chức ngân hàng song song đi theo chiều hướng này thì hệ thống ngân hàng thực tế cũng bị đe dọa. Điều cực kỳ quan trọng là phải có một nền tảng kiến thức và những người phụ trách hiểu được nền tảng kiến thức đó, để nhận thức rằng những vấn đề nghiêm trọng của các tổ chức tài chính trong năm 2007 và 2008 không nên chỉ được coi là kết quả của các vấn đề trong khu vực thế chấp, mà là những vấn đề này có thể trở thành nguyên nhân của các vấn đề khác và sâu hơn.

Những vấn đề cơ bản này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Mọi đổi mới trong khu vực tài chính rộng lớn hơn - khu vực ngân hàng song song - đặt ra vấn đề về khả năng rút chạy tài chính có thể chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, cùng với các câu hỏi về cách chính phủ có thể tạo ra (hoặc không!) một số sự kết hợp nhằm đảm bảo an toàn và một bộ công cụ điều tiết. Ủy ban giải thưởng Nobel đã viết:

Ngân hàng và các tổ chức giống như ngân hàng đã tồn tại hàng nghìn năm. Ngày nay họ đang hoạt động ở mọi quốc gia trên thế giới. Các ngân hàng rõ ràng thực hiện các chức năng quan trọng, nhưng họ cũng là tâm điểm của một số cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc nhất trong lịch sử, chẳng hạn như cuộc Đại Khủng hoảng. Tuy nhiên, phải đến khi công trình của những người đoạt giải năm nay, Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig, chúng ta mới có một lý thuyết toàn diện về lý do tại sao các ngân hàng tồn tại dưới hình thức mà chúng ta quan sát được [ngày nay], chúng đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế, tại sao chúng lại mong manh, và một nguyên nhân thực nghiệm về hậu quả của những thất bại ngân hàng lớn có thể mang tính tàn phá và lâu dài như thế nào.

Timothy Taylor (1960-)

Nghiên cứu từ những năm 1980 được trao Giải thưởng Khoa học Kinh tế năm nay rõ ràng không cung cấp cho chúng ta những khuyến nghị chính sách cuối cùng. Không phải lúc nào bảo hiểm tiền gửi cũng hoạt động như ý muốn. Nó có thể dẫn đến những khuyến khích ngược khiến cho các ngân hàng và chủ sở hữu của chúng đánh bạc để thu lợi nhuận nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp và để người nộp thuế trả giá nếu không suôn sẻ. Việc rút tiền (runs) trên các trung gian tài chính mới, tham gia vào quá trình chuyển đổi kỳ hạn có lãi như các ngân hàng, nhưng lại hoạt động ngoài quy định của ngân hàng, được cho là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 dẫn đến cuộc Đại Suy thoái. Khi các ngân hàng trung ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng, điều này có thể dẫn đến việc tái phân phối lớn tài sản và không mong muốn và có những tác động rủi ro đạo đức tiêu cực lên các ngân hàng, vốn là những tác nhân có thể gia tăng việc cho vay thiếu thận trọng, có khả năng dẫn đến khủng hoảng trong tương lai.

Làm thế nào để điều tiết thị trường tài chính để nó có thể thực hiện chức năng quan trọng của nó là chuyển tiền tiết kiệm sang các khoản đầu tư hiệu quả, mà không thỉnh thoảng gây ra khủng hoảng tài chính, là một câu hỏi đang được tranh luận sôi nổi cho đến ngày nay. Điều này cũng đúng về những chính sách nào là hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có nguy cơ phát triển. Tuy nhiên, dựa trên công trình mang tính nền tảng của những người đoạt giải này và tất cả các nghiên cứu sau đó, xã hội hiện được trang bị tốt hơn để xử lý các cuộc khủng hoảng tài chính.

Nguyễn Thị Trà Giang dịch

Nguồn:A Nobel for Insights about Banks and Financial Crisis: Bernanke, Diamond and Dybvig, Conversable Economist, 10.10.2022

----

Bài có liên quan:

Những người đạt giải đã giải thích vai trò trọng yếu của các ngân hàng trong những cuộc khủng hoảng tài chính

Print Friendly and PDF