19.10.22

Mô hình Diamond và Dybvig


MÔ HÌNH DIAMOND VÀ DYBVIG

Tyler Cowen

Từ khóa: Kinh tế học

Mô hình Diamond và Dybvig lần đầu tiên được phác thảo trong một bài nghiên cứu của Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig vào năm 1983 trên tờ Journal of Political Economy nổi tiếng, “Các cuộc rút tiền ồ ạt, Bảo hiểm tiền gửi và Tính thanh khoản”. Bạn có thể coi mô hình này là sự am hiểu cơ bản nhất của chúng ta, ở dạng mô hình hóa, về việc trung gian tài chính vận hành như thế nào. Mô hình này là một nền tảng cho cách các nhà kinh tế học nghĩ về bảo hiểm tiền gửi và về chức năng bên cho vay cuối cùng [the lender of last resort] của Fed [Cục Dự trữ Liên bang Mỹ].

Douglas Diamond (1953-)
Philip H. Dybvig (1955-)

Đây là bài trình bày vào năm 2007 của Diamond về mô hình này. Bạn có thể bắt đầu với những thấu tri cơ bản rằng các tài sản ngân hàng thường kém tính thanh khoản, nhưng người gửi tiền lại muốn các tài sản này có tính đó. Nếu là một người gửi tiền và sở hữu 1/2000 khoản cho nhà hàng của người Hoa tại địa phương vay, thì bạn không thể dễ dàng viết tấm séc hoặc thực hiện giao dịch thẻ tín dụng dựa trên khoản cho vay đó. Khoản cho vay sẽ tốn kém khi bán, và mức chênh lệch với giá mua sẽ cao.

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu về ngân hàng. Các ngân hàng nắm giữ và cung cấp các khoản vay và chịu rủi ro biến động về giá trị tài sản đó. Đồng thời, các ngân hàng phát hành tiền gửi không kỳ hạn có tính thanh khoản cho các khách hàng của họ. Khách hàng có tính thanh khoản, và ngân hàng nắm giữ các tài sản. Rõ ràng là để điều này có hiệu quả, các ngân hàng sẽ (trung bình) kiếm được nhiều tiền từ các khoản cho vay của họ hơn từ việc họ sinh lời từ dịch vụ tiền gửi [không kỳ hạn]. Tuy nhiên, các khách hàng thích thỏa thuận này vì họ đã chuyển giao các vấn đề về rủi ro và tính thanh khoản cho ngân hàng.

Sự sắp xếp này có hiệu quả vì (thông thường) không phải tất cả các khách hàng đều muốn rút tiền của họ từ ngân hàng cùng một lúc. Tất nhiên, chúng tôi gọi đó là một cuộc rút tiền ồ ạt [bank run].

Nếu xảy ra một cuộc rút tiền ồ ạt, thì ngân hàng chỉ có thể hoàn lại tiền cho các khách hàng bằng cách bán bớt số lượng phần trăm đáng kể của các khoản vay, có lẽ là bán tất cả. Nhưng chúng tôi đã lưu ý rằng những khoản vay đó là không có tính thanh khoản và chúng không thể dễ dàng bán ra với một mức giá tốt, nhất là khi các ngân hàng đang cố gắng bán tất cả chúng cùng một lúc.

Hãy lưu ý rằng trong mô hình này có nhiều điểm cân bằng. Ở một trạng thái cân bằng, các khách hàng dự kiến rằng các khách hàng khác có lòng tin vào ngân hàng, và không có cuộc chạy đua ồ ạt để rút tất cả các khoản tiền gửi. Ở một trạng thái cân bằng khác, mỗi khách hàng đều chờ đợi một cuộc rút tiền ồ ạt, và điều đó trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Dẫu sao đi nữa, nếu biết ngân hàng sẽ có bất ổn khi đáp ứng các cam kết của mình, thì bạn sẽ cố gắng rút tiền ra sớm hơn thay vì để muộn mới rút.

Trong hình thức đơn giản nhất của mô hình này, ngân hàng là một nhà đầu tư, thuộc sở hữu của các khách hàng. Vì vậy, không có một cổ đông độc lập quyết định bỏ thêm vốn để hạn chế khả năng xảy ra kết quả xấu. Một số nhà kinh tế học đã coi mô hình Diamond-Dybvig là hạn chế vì lý do này, nhưng theo thời gian, mô hình này đã được nhiều nhà kinh tế học, bao gồm cả chính Diamond (với Rajan), làm phong phú hơn với nhiều giả định khác nhau. Mô hình này đã làm nảy sinh cả một loạt tài liệu của kinh tế học vi mô về trung gian tài chính, đẻ ra hàng ngàn mảnh ghép trong một mạch lý thuyết tương tự.

Mô hình này cũng thể hiện điều được gọi là “ràng buộc dịch vụ theo từng bước” [sequential service constraint]. Điều này có nghĩa là ngân hàng ban đầu bị ràng buộc phải tuân theo cách tiếp cận ‘ai đến trước phục vụ trước’ để phục vụ các khách hàng. Nếu chúng ta nới lỏng ràng buộc dịch vụ theo từng bước, thì có thể ngăn chặn những cuộc rút tiền ồ ạt bằng một bộ hợp đồng phong phú hơn. Chẳng hạn, ngân hàng có thể bảo lưu quyền hạn chế hoặc đình chỉ hoặc trì hoãn khả năng chuyển đổi, có thể với một khoản tiền thưởng sau đó được gửi cho các khách hàng vì phải chờ đợi. Những biện pháp khuyến khích đó, hoặc các hợp đồng khác theo các phương thức tương tự, có thể ngăn chặn cuộc rút tiền ồ ạt.

Trong mô hình này, cuộc rút tiền ồ ạt không xảy ra vì ngân hàng mất khả năng thanh toán. Thay vì cuộc rút tiền ồ ạt xảy ra do những vết đen mặt trời - một cuộc rút tiền ồ ạt xảy ra do mọi khách hàng đều dự kiến về nó. Nếu ngân hàng mất khả năng thanh toán, thì chỉ mỗi việc hoãn khả năng chuyển đổi sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản.

Thật dễ nhận thấy việc bảo hiểm tiền gửi hoặc [chức năng] bên cho vay cuối cùng của Fed có thể cải thiện kết quả cơ bản như thế nào. Khi các khách hàng mới bắt đầu đi rút tiền khỏi ngân hàng, thì FDIC [Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ] hoặc Fed chỉ cần đảm bảo các khoản tiền gửi. Sau đó, chẳng có lý do gì để cuộc rút tiền ồ ạt tiếp tục, và nền kinh tế tiếp tục vận động theo nguyên tắc vượt trội [superior manner] của Pareto. Tất nhiên, [biện pháp] bảo hiểm tiền gửi hoặc Fed có thể tạo ra các vấn đề rủi ro đạo đức [moral hazard] đối với các ngân hàng - họ có thể gánh rất nhiều rủi ro khi đưa ra những biện pháp đảm bảo này - và những vấn đề này đã được nghiên cứu thêm trong các nghiên cứu sau đó.

Theo những phương thức liên quan (nhưng khá khác biệt!), (bản thân) Diamond có một bài nghiên cứu vào năm 1984 trên tờ Review of Economic Studies “Trung gian tài chính và Giám sát ủy nhiệm” [Financial Intermediation and Delegated Monitoring]. Bài nghiên cứu này mô hình hóa các lợi ích của trung gian tài chính theo một cách hoàn toàn khác biệt. Cần phải giám sát chất lượng các khoản cho vay, và các ngân hàng có một lợi thế so sánh trong việc này, so với những người gửi tiền. Hơn nữa, ngân hàng có thể giám sát chất lượng cho vay một cách đa dạng, vì ngân hàng có nhiều khoản vay trong danh mục đầu tư của mình. Việc giám sát của ngân hàng kéo theo rủi ro thấp hơn so với giám sát của người gửi tiền, sự giám sát này còn có chi phí thấp hơn. Bài nghiên cứu này cũng đã có một sức ảnh hưởng lớn lên các nghiên cứu sau đó.

Đây là các nghiên cứu của Diamond trên trang google.scholar.com - bạn có thể thấy ông ấy là một nhà kinh tế học rất tập trung vào một số chủ đề nhất định. Còn đây là các nghiên cứu của Dybvig trên trang sholar.google.com, hầu hết các nghiên cứu khác của ông thuộc về lĩnh vực hẹp hơn của tài chính, nhưng ông lại nhận được giải thưởng [khoa học kinh tế để tướng nhớ Nobel] năm nay cho công trình về ngân hàng và trung gian tài chính. Bài nghiên cứu của ông về định giá tài sản và thuật ngữ cấu trúc kỳ hạn của lãi suất [structure of interest rates] đã được nhiều người biết đến.

Đây là tất cả thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển mô tả về các nhà nghiên cứu [nhận giải thưởng khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel năm nay] và công trình của họ. Tôi chưa đọc những bài viết này, song chúng thường được viết và trình bày rất tốt.

Nhìn chung, những giải thưởng này chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả, và chúng đã được mong chờ trong một vài năm vừa qua.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The Diamond and Dybvig model, Marginal Revolution, Oct 10, 2022.

Print Friendly and PDF