18.10.22

Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển: Giải mã sự bất ổn tài chính được tưởng thưởng

GIẢI THƯỞNG CỦA NGÂN HÀNG THỤY ĐIỂN: GIẢI MÃ SỰ BẤT ỔN TÀI CHÍNH ĐƯỢC TƯỞNG THƯỞNG

Tác giả: Laurence Scialom

Những rủi ro về sự bất ổn của hệ thống tài chính và ngân hàng hiếm khi gây ấn tượng mạnh đến thế kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Lỗi nằm ở chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh của các ngân hàng trung ương trong bối cảnh mà các tác nhân tư nhân làm nặng nề thêm các bảng cân đối kế toán do mắc nợ quá nhiều.

Từ góc nhìn này, việc ban giám khảo năm 2022 của Ngân hàng Thụy Điển lựa chọn ba nhà kinh tế để vinh danh những nghiên cứu có lưu ý đến nhiều kênh khác nhau về sự bất ổn tài chính và ngân hàng hẳn là đã diễn ra vào thời điểm thích hợp. Giải thưởng đặt trở lại hàng đầu những vấn đề mà chúng ta không thể không đối mặt trong thời kỳ đang mở ra hiện nay.

Alan Greenspan (1926-)

Tuy nhiên, như thường lệ, tiểu sử sơ lược của những người thắng giải rất khác biệt.

Một mặt, Ben Bernanke là hiện thân của một nhà nghiên cứu thực hành, quan tâm đến lịch sử kinh tế và tài chính. Ông đã kế nhiệm Alan Greenspan làm Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang từ năm 2006 đến năm 2014, ở vị thế khai thác các kiến thức học thuật của mình trong lĩnh vực chính sách tiền tệ khi quản lý cuộc khủng hoảng tài chính. Mặt khác, Douglas Diamond và Philip Dybvig là những nhà lý thuyết về kinh tế học ngân hàng, nổi tiếng với công trình mô hình hóa kinh tế vi mô về ngân hàng và những điểm yếu của kinh tế học ngân hàng.

Bernanke: từ lý thuyết đến thực hành

Trong suốt sự nghiệp học thuật, Ben Bernanke luôn gắn chặt lịch sử các sự kiện với lý thuyết kinh tế. Ông đặc biệt nghiên cứu về cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, về chu kỳ tài chính và các tác động kinh tế vĩ mô từ sự hoảng loạn ngân hàng.

Rất hiếm có những nhà kinh tế đã để lại dấu ấn trên bộ môn của mình trong việc tìm hiểu và giải mã các cơ chế kinh tế cơ bản, trong trường hợp này là các cơ chế lan truyền khủng hoảng tài chính, với một nét nhấn đặc biệt, chú trọng vào kênh tín dụng, và sau đó lại ở vào vị thế ứng dụng in situ [đúng chỗ] những khuyến nghị từ công cụ phân tích của họ.

Nhưng đó chính là những gì đã diễn ra với Ben Bernanke. Là Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, ông đã ở vào vị thế áp dụng kiến thức chuyên sâu của mình về những sai sót phạm phải trong chính sách tiền tệ và ngân sách thời kỳ cuộc khủng hoảng năm 1929 và về những biến động của những năm 1930, để không không lặp lại các sai sót ấy. Trong một bài báo có ảnh hưởng sâu xa vào năm 1983, khi giải mã cuộc khủng hoảng những năm 1930, Bernanke đã có nhận xét như sau:

Một khía cạnh thú vị từ các cuộc khủng hoảng tài chính, và nói cụ thể hơn, các vụ vỡ nợ ngân hàng, là sự tương hợp về thời gian cùng với sự thu hẹp hoạt động kinh tế. (…) Hoạt động kinh tế cũng như hệ thống tài chính đều chạm đáy vào thời điểm tạm dừng hoạt động ngân hàng vào tháng 3 năm 1933. Chỉ đến khi hệ thống tài chính năm 1933-35 được khôi phục bởi chính sách New Deal [Thỏa thuận mới], thì nền kinh tế mới bắt đầu thoát khỏi cuộc Đại suy thoái một cách chậm chạp.

Milton Friedman (1912-2006)
Anna Schwartz (1915-2012)

Trong phần tiếp theo của bài báo, ông đã cố gắng đề xuất một lời giải thích bổ sung cho lời giải thích của Milton Friedman và Anna Schwartz, những người mà chính họ, với tư cách là những nhà trọng tiền giỏi, đã nhấn mạnh đến sự thu hẹp của cải của các cổ đông và nhất là đến sự sụt giảm nguồn cung tiền để giải thích lý do vì sao các ngân hàng đang làm cho cuộc suy thoái trở nên tồi tệ hơn.

Lập luận trọng tâm của bài báo của Ben Bernanke là “làn sóng đổ xô rút tiền ngân hàng và sự mở rộng các khoản nợ khó đòi có thể đã làm suy giảm tính hiệu quả của lãnh vực tài chính trong chức năng làm trung gian”. Vì thế, ông nhấn mạnh đến vai trò chủ chốt của các ngân hàng trong việc thu thập, xử lý và giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin giữa chủ nợ và con nợ, trong khi các thị trường tài chính là không đầy đủ và hoạt động còn kém hiệu quả trong lĩnh vực này.

Sự vỡ nợ của các ngân hàng còn làm tăng các chi phí trung gian, làm giảm nguồn cấp tín dụng và giảm cầu, đặc biệt khi các khoản vay ngân hàng và nợ trái phiếu không thay thế cho nhau. Vì thế, các cuộc khủng hoảng ngân hàng, thông qua kênh tín dụng, là động cơ của suy thoái.

Lý thuyết kinh tế vi mô của Diamond và Dybvig

Tiểu sử sơ lược của Douglas Diamond và Philip Dybvig rất khác biệt. Đó là những nhà lý thuyết. Họ đã xây dựng một mô hình kinh tế vi mô ngân hàng, có tác động mạnh mẽ và dẫn đến nhiều phần mở rộng và nghiên cứu sâu xa vấn đề.

Trong bài báo này, hai nhà kinh tế quan niệm ngân hàng trong vai trò cung cấp một sự bảo đảm về thanh khoản tốt hơn cho người gửi tiền, so với nguồn vốn mà các thị trường có thể cung cấp. Trong trường hợp cần thanh khoản, người gửi tiền không phải bán tài sản để đáp ứng nhu cầu, và vì thế không có nguy cơ thua lỗ từ việc giảm giá các tài sản mà họ sẽ phải bán gấp.

Thành công của mô hình này của hai nhà kinh tế là nhờ sự bảo đảm về thanh khoản, vốn có đối phần là tính dễ tổn thương của các ngân hàng trước các làn sóng đổ xô rút tiền của người gửi tiền, cho dù dưới bất cứ hình thức nào, hoán chuyển từ tiền gửi sang tiền mặt hoặc chuyển tiền đến một ngân hàng khác.

Bằng cách nhấn mạnh tính dễ tổn thương của bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, hai nhà kinh tế này đã thật sự chỉ ra nguồn gốc chính của sự yếu kém trong hoạt động ngân hàng, vốn đã xuất hiện trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, không phải dưới hình thức đổ xô rút tiền của người gửi tiền (ngoại trừ trường hợp rất cụ thể của ngân hàng Northern Rock) mà là dưới hình thức đổ xô rút tiền của thị trường, tức là một sự không tiếp tục cung cấp nguồn tài trợ ngắn hạn của các ngân hàng trên thị trường thanh khoản bán buôn và trên thị trường liên ngân hàng.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng các công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế này đã không có tác động ngay lập tức đến sự điều tiết ngân hàng, mà phải chờ đến cuộc khủng hoảng 2007-2008, để Ủy ban Basel mới nắm bắt vấn đề về sự điều tiết thanh khoản ngân hàng thông qua hai tỷ số chuyên dụng.

Những ngân hàng ... không phải là ngân hàng!

Trong một thông cáo báo chí, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thụy Điển đã chỉ ra rằng ba người thắng giải “đã cải thiện đáng kể sự hiểu biết về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng tài chính”. Khẳng định này là điều không thể chối cãi đối với Ben Bernanke, nhưng không hoàn toàn đúng đối với mô hình của Douglas Diamond và Philip Dybvig, bởi vì cái mà hai nhà kinh tế này gọi là “ngân hàng” không phải là ngân hàng! Và điều này vì hai lý do chính.

Đầu tiên, các ngân hàng được đề cập đến trong mô hình của hai nhà kinh tế này không có quyền lực tạo ra tiền. Kế đến, tài sản của các ngân hàng, các khoản cho vay, được coi là không có rủi ro. Điều này cho phép đóng khung tình trạng có thể không ổn định chỉ về bên phía người gửi tiền.

Do đó, các vấn đề từ phía con nợ đã không được đề cập sâu trong khi chúng vẫn là trọng tâm của hoạt động trung gian của ngân hàng. Vì thế, cách biểu trưng các vấn đề này của hai nhà kinh tế trên đúng hơn là một mô hình trung gian tài chính, lưu ý đến tính dễ tổn thương do sự chuyển đổi kỳ hạn thanh toán trên bảng cân đối kế toán, tức là do bên có có tính dài hạn và tính thanh khoản thấp hơn so với bên nợ của bảng này.

Và như vậy, mô hình của hai nhà kinh tế này vì thế có thể được áp dụng cho hệ thống ngân hàng ngầm hay ngân hàng trong bóng tối (shadow banking), vốn thực sự đảm nhận vai trò trung gian tín dụng phi ngân hàng này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Douglas Diamond, trong một bài báo năm 1984, đã cố gắng tính đến tốt hơn việc một ngân hàng có thể chấp nhận rủi ro bằng cách cho vay bằng tiền của người gửi tiền.

Ông cho thấy là khi danh mục cho vay có nhiều sự đa dạng và có giá trị lớn, thì mức độ rủi ro sẽ thấp hơn và người gửi tiền không có gì phải lo sợ. Lần này, trong công trình mô hình hóa, ngân hàng trông giống một ngân hàng nhiều hơn, nhưng kết luận cho rằng việc các chủ nợ/người gửi tiền kiểm soát ngân hàng đã được giải quyết với sự gia tăng quy mô kinh tế của ngân hàng là điều đáng suy nghĩ, khi nhìn lại vấn đề. Há chẳng phải chính các ngân hàng trong hệ thống mới là người tạo ra rủi ro đạo đức nhiều nhất trong hệ thống tài chính?

Điều thực sự tập hợp Bernanke, Diamond và Dybvig lại với nhau là các công trình nghiên cứu của họ đã dẫn đến việc đặt vấn đề về các cơ chế mang tính thể chế trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động tàn phá từ sự vỡ nợ của các ngân hàng: bảo hiểm tiền gửi để loại bỏ động cơ đổ xô rút tiền của người gửi tiền, người cho vay cuối cùng để cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng trong những thời điểm căng thẳng về thanh khoản, người nộp thuế cứu trợ các ngân hàng, các quy định về vốn và về tính thanh khoản của các ngân hàng, v.v..

Laurence Scialom

Như thường lệ, năm nay Ủy ban Ngân hàng Thụy Điển đã khen thưởng các nhà kinh tế, những người hẳn đã cấu trúc mạnh mẽ ngành kinh tế trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng các công trình nghiên cứu của họ giờ đây đã cũ rồi và thường lỗi thời. Đối với giải thưởng lần này, nhận xét này áp dụng khá đúng cho Douglas Diamond và Philip Dybvig hơn là cho Ben Bernanke, người đã có những nghiên cứu có tuổi đời cao hơn, chắc chắn là do bám rễ sâu hơn vào lịch sử kinh tế và tài chính.

Bà Laurence Scialom

Giáo sư kinh tế tại Đại học Paris Nanterre và là thành viên Hội đồng Quản trị tổ chức Observatoire de l’Éthique Publique [Quan sát Đạo đức Công cộng]

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Prix de la Banque de Suède : le décryptage de l’instabilité financière récompensé, Alternatives économiques, ngày 13/10/2022

Print Friendly and PDF