7.10.22

Bí mật của các căn phòng

BÍ MẬT CỦA CÁC CĂN PHÒNG

Là biểu hiện mạnh nhất về mặt không gian của mối bận tâm đến bản ngã vốn tạo nên con người hiện đại, căn phòng – quy mô nhỏ nhất trong các nơi ở – có lẽ là thành phần nhỏ bé nhất của nền dân chủ. Một áng văn về học thuyết của Michelle Perrot.

Tác giả: Michelle Perrot

Jean Revillard “Jungles”, 2009, © Galerie Jacques Cerami

Ước muốn giữ bí mật chắc chắn là một ước muốn phổ quát. Ít nhất đó là điều khẳng định của một số nhà nhân học quan tâm đến những điều bất biến. Trong tác phẩm nổi tiếng Privacy [Sự riêng tư] của mình, Barrington Moore nêu ra sự đa dạng của các hình thức đời tư và các phương thức vận hành của chúng[1]. Nhưng cái “sở thích điều bí mật” này không phải khi nào cũng mang một dạng không gian, như trong trường hợp của văn hóa phương Tây, mang “tính hiện đại”, ít ra là từ một thời kỳ nào đó. Quá trình không gian hóa điều bí mật này tạo nên lịch sử của căn phòng.

Định nghĩa của Littré (1863-1872) về đời tư liên quan đến vấn đề này gây ấn tượng mạnh: Đời tư cần được tường che kín. Không được phép tìm và cho biết những gì diễn ra trong căn nhà của một cá nhân.” Theo định nghĩa, đời tư là bí mật và khép kín, cùng tồn tại với cái nhà và những bức tường bao quanh nó. Thành ngữ “bức tường của đời tư”, được Royer- Collard cũng như Stendhal sử dụng, xuất hiện từ những năm 1820.

Sau những bức tường này, ngôi nhà của tầng lớp trung lưu khá giả thiết lập một cơ cấu giao tiếp có quy tắc, với những ngưỡng, những ranh giới ngăn cách các phòng chức năng. Trong ngôi nhà, căn phòng là nơi càng ngày càng tách biệt của điều sâu kín nhất, cần được phân biệt với cái riêng tư, như gia đình phân biệt với cá nhân, và cái công cộng khác với cái riêng.

Jean Revillard, “Jungles”, 2009 © Galerie Jacques Cerami

Vì vậy, sau khi tham gia vào dự án của Philippe Ariès và Georges Duby về lịch sử đời tư, tôi đã có mong muốn tiến xa hơn vào những điều bí ẩn của các căn phòng[2]. Từ riêng tư đến sâu kín, tôi đã đi theo những nẻo đường của bí mật.

Trong ngôi nhà, căn phòng là nơi càng ngày càng tách biệt của điều sâu kín nhất, cần được phân biệt với cái riêng tư, như gia đình phân biệt với cá nhân, và cái công cộng khác với cái riêng.

MICHELLE PERROT

Phả hệ của căn phòng

Michelle Perrot (1928-)

Căn phòng có một lịch sử mà ta đọc được qua những ngôn từ, biểu tượng, hình ảnh mà các họa sĩ phác họa nên, những bản vẽ mà các kiến trúc sư đưa ra, những cách sử dụng mà các trang viết cá nhân và tiểu thuyết mô tả. Nghiên cứu các biểu tượng, hình ảnh nghệ thuật thoạt nhìn gây thất vọng, tưởng như thị giác xua tan điều bí mật, ít ra là không thể đạt đến nó. Tuy nhiên, nhờ quyển sách Histoire des chambres [Lịch sử các căn phòng] được biến đổi thành “quyển sách đẹp”, được xem là một tập hình ảnh vừa phải và các chú giải được viết một cách chính xác, đã xuất hiện một cơ hội để thực hiện một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Mỗi minh họa dẫn đến một lịch sử đặc thù cần được giải mã. Dù đó là một bức tranh nhỏ của thế kỷ XIII trình bày một vị tu sĩ đang viết trong phòng nhỏ riêng của ông, một tấm ảnh của Henri Roger về nơi ngủ của ba cô con gái của ông, hay tấm ảnh (của Jean Revillard) một cái chòi tạm bợ trong “rừng” vùng Calais được dựng lên bởi những người nhập cư đang tìm cách đi qua nước Anh, những hình ảnh này dẫn đến một điều khác: đến tác giả và đối tượng của chúng. Chúng cũng cho thấy căn phòng là một tinh thể của các cuộc sống, một nơi tập hợp, một nút thắt các bí mật. Một khoảng trống, một cảnh tượng, một cái hộp mà vai trò vật chứa có lẽ quan trọng hơn hình thức.

Florence Dupont (1943-)

Chúng ta hãy phác họa những nét lớn về một vài giai đoạn của phả hệ của căn phòng, ít ra là phả hệ bí mật của nó. Thời Cổ Đại Hy Lạp nói đến camara: căn phòng mà những người đàn ông cùng ngủ, trong khi các phụ nữ thì ở trong phòng dành riêng cho nữ nằm ở phía sau nhà chính (gynécée). Tóm lại, camara tương đương với những người ở trong cùng một phòng, ví dụ những người bạn cùng phòng, một từ ngữ mà có khi người ta quên nguồn gốc không gian của nó. La Mã đặt tên là cubiculum cho một góc nhà rất nhỏ mà rút vào đó là những công dân đi tìm sự nghỉ ngơi, giải trí hay tìm những cuộc tình bí mật; nhà nghiên cứu nữ Florence Dupont thấy đó là một trong những biểu hiện báo trước về căn phòng riêng[3].

Alberto Manguel (1948-)

Căn phòng tiếp tục con đường của nó trong thời kỳ Trung Cổ với phòng riêng của tu sĩ, nơi cầu nguyện, nhưng cũng là nơi để đọc và viết. Một công trình trang trí chữ cho một bản viết tay của thế kỷ XIII biểu thị một tu sĩ chăm chỉ, chắc là người sao chép; ngồi trên cái giường hẹp trong căn phòng nhỏ (cella) của mình, chịu lạnh quấn trong một tấm chăn, chung quanh ông là sách và những tấm bảng để viết và ông có vẻ sung sướng. Alberto Manguel thấy đó là một trong những biểu hiện đầu tiên của sự đọc[4]. Một dạng khác, lần này là vấn đề vợ chồng: căn phòng của lãnh chúa của lâu đài phong kiến che chở một đời sống vợ chồng mà Giáo hội đã biến thành thiêng liêng thông qua kết hôn, nhằm mục đích sinh sản theo quy định của dòng họ. Lãnh chúa và vợ ông ta có quyền có cái giường của họ, trong khi các phụ nữ chen chúc trong “căn phòng các bà”, một nơi bí ẩn mà Jeanne Bourin đã viết thành một tiểu thuyết rất thành công[5]; ở đó họ được bảo vệ khỏi các hiệp sĩ luôn rình rập và chạy đi khắp nơi. Ở nông thôn, một số vùng (chứ không phải chỉ có vùng Bretagne) có cái giường che kín tương tự như phòng của lãnh chúa dành cho cặp vợ chồng người chủ, gia nhân thì ngủ trong nhà kho, chuồng gia súc, dưới các cầu thang hay trong các bụi rậm. Đã kết hôn là có quyền có giường cho hai người.

Căn phòng tiếp tục con đường của nó trong thời kỳ Trung Cổ với phòng riêng của tu sĩ, nơi cầu nguyện, nhưng cũng là nơi để đọc và viết.

MICHELLE PERROT

Kể từ thời kỳ hiện đại, và hơn nữa là thời kỳ đương đại, đang phát triển ven rìa thành phố một kiến trúc gia đình thực sự[6] - vả lại ta ghi nhận rằng sự kín đáo và đô thị hóa song hành với nhau -, nó phá vỡ kiến trúc theo dãy và thay vào đó là các phòng chức năng và khép kín. Các bản vẽ, ngày càng tinh vi, phân biệt các phòng và đặt tên cho chúng: phòng cha mẹ, phòng các con, phòng thiếu nữ, phòng bạn bè hay phòng người giúp việc, chúng tẽ nhánh ra trên các tầng gác, dọc theo các hành lang, tùy theo những cách bố trí khéo léo với sự kết hợp của nhiều nguyên tắc: đời sống vợ chồng, tình dục, tính chất cá nhân. Đôi vợ chồng là trung tâm điều khiển, đề ra quy tắc. Tình dục của họ phải được bảo vệ và kín đáo, được che kín dưới mắt tất cả mọi người. Mặc dù hợp pháp và lương thiện, quy tắc đòi hỏi “một phòng đóng cửa đối với bất kỳ người chứng kiến nào”. Theo thánh Augustin thì hành động xác thịt ám ảnh như một tội lỗi. Con cái không được trông thấy hành động ấy, và nhất là từ thế kỷ XVII, các tu sĩ cố gắng tách rời phòng ngủ của cha mẹ với phòng của con cái. Vào cuối thế kỷ XIX, Freud cho rằng việc bất chợt thấy cảnh vợ chồng ôm nhau qua cánh cửa hé mở là nguyên nhân của một san chấn cơ bản, nguồn gốc của sự kìm nén. Căn phòng của vợ chồng là một ngôi đền mà ta không được xâm phạm.

Jean Revillard, “Jungles”, 2009 © Galerie Jacques Cerami

Mặt khác, khẳng định quyền của cá nhân được giữ bí mật, mong muốn được ở một mình, ngủ một mình. Vì giữ vệ sinh, vì ghê tởm các mùi – tiếng động – tiếng ngáy –, những cử chỉ, cơ thể của một người khác xâm nhập vào là không mong muốn. Chung giường với một bậc người lớn/ông bà, một người anh em hay chị em, và hơn nữa với những người bà con xa hay những đồng nghiệp không thân thiết càng ngày càng trở nên không thể chịu đựng được đối với những công nhân quan tâm đến sự kính trọng, những người trẻ thiết tha với tự do, cũng như đối với những người cao tuổi vốn e ngại sự chung đụng ở nhà dưỡng lão hay ở bệnh viện. Có một giường cá nhân, một không gian riêng, một căn phòng của riêng mình nói lên những nguyện vọng mới của cơ thể và tinh thần, chúng dệt nên nền văn minh các phong tục tập quán” theo thành ngữ của Norbert Elias[7]. Mỗi người vạch ra chung quanh mình những giới hạn không được vượt qua, xây dựng một lãnh thổ, thiết lập các ranh giới, đòi hỏi được thừa nhận và cho phép. Căn phòng là biểu hiện mạnh nhất về mặt không gian của mối quan tâm đến bản ngã vốn tạo nên con người hiện đại, Về một mặt nào đó, căn phòng là thành phần nhỏ nhất của nền dân chủ.

Một cách bài trí không gian

Dù được bố trí hàng loạt (những phòng nhỏ của tu sĩ dọc theo hành lang của một tu viện, dọc theo lối đi dài trong nhà tù hay hành lang của một khách sạn) hay được thiết kế gắn kết với sự bài trí của một căn nhà hay căn hộ, căn phòng là một không gian nhỏ vuông vắn, một hình khối, một cái hộp mà sự đơn giản của nó tương phản với sự phức tạp của những biến cố diễn ra ở đó (sự sống, sự chết, tình yêu) và với những người sống hàng ngày ở đó. Sự cách biệt, sự im lặng, sự ẩn giấu, sự phô bày là những tính chất chủ yếu của căn phòng, mặc dù nó không chiếm một mặt bằng tương ứng với tầm quan trọng của nó, nhất là trong những nền văn hóa đặt nặng biểu tượng – la bella figura [ấn tượng tốt] – đối với tính riêng tư sâu kín. Thường thường các căn phòng riêng nhỏ hơn phòng khách hay phòng ăn; kích cỡ khiêm tốn của chúng tương phản với những phòng tiếp khách. “Căn phòng đẹp” ở tầng một thường dành cho cặp vợ chồng; con cái ở nhiều phòng nhỏ hơn, trước khi “phòng con cái” trở thành phòng chính. Những người giúp việc leo lên cao ở tầng sát mái. Ít di chuyển, cha mẹ già ở tầng trệt.

Mỗi người vạch ra cho mình những giới hạn không được vượt qua, xây dựng một lãnh thổ, thiết lập các ranh giới, đòi hỏi được thừa nhận và cho phép. Căn phòng là biểu hiện mạnh nhất về mặt không gian của mối quan tâm đến bản ngã vốn tạo nên con người hiện đại, Về một mặt nào đó, căn phòng là thành phần nhỏ bé nhất của nền dân chủ.

MICHELLE PERROT

Tất cả các yếu tố của cái hộp này đều có ý nghĩa và bảo đảm nó được đóng kín và bí mật. Trước tiên đó là những bức tường mà độ dày ngăn chặn những tiếng động không đúng lúc của giấc ngủ, của bệnh tật hay của sự yêu đương. Những vách ngăn quá mỏng sẽ để lọt qua những tiếng động này và gây nên sự khó chịu, tức giận, thậm chí sự tò mò, của những người bên cạnh thiếu tế nhị. Trong tác phẩm Le Diable au corps [Tình cuồng] của Raymond Radiguet, những người chủ nhà của Marthe rình nghe trong buổi chiều những tiếng kêu cọt kẹt không đúng lúc của cái giường, tiết lộ vụ ngoại tình. Trong sự giận dữ của những kẻ hẹp hòi, họ mời cả bạn bè đến để bắt quả tang [Marthe và người tình]! George Sand đã cho nhồi nệm tường căn phòng của Chopin ở Nohant để ông có thể sáng tác nhạc tùy thích. Proust đã lót thảm điên điển trong phòng của ông trên đại lộ Haussmann để viết một cách yên ổn trên giường, bao quanh bởi đêm của Paris. Việc sáng tác La Recherche du temps perdu [Đi tìm thời gian đã mất] đã có một kẻ thù là tiếng động.

Các loại giấy hoa giảm tiếng ồn và trang trí các bức tường. Việc xếp chồng chúng lên nhau tiết lộ những sở thích của những người tuần tự lưu trú căn phòng; ở Nohant, người ta còn thăm dò cả các tầng giấy hoa để tìm hiểu các thị hiếu thời trang. Nhưng chúng xóa đi tất cả các biểu hiện cá nhân, trong khi các tranh phun sơn vẽ trên những bức tường trống của các nhà tù hay các xà lim nói lên biểu hiện này rõ hơn. Nếu các bức tường biết nói, thì chúng sẽ kể không biết bao nhiêu chuyện, Virginia Wolf đã viết như vậy khi đề cập đến những phụ nữ cùng thời với Shakspeare, bị nhốt trong nhà. Những bức tường bóp nghẹt những tiếng kêu, tiếng thở dài và tiếng khóc. Chúng bảo vệ, nhưng cũng giam giữ, và sự an toàn của chúng có thể biến thành tù ngục. Hòn đảo hoang vắng có thể trở thành một nơi đóng kín mít.

Các cửa sổ mở ra vùng tự do. Chúng đem lại không khí, ánh sáng, phong cảnh, sự sống. Những chuyên gia về vệ sinh bị ám ảnh bởi sự thông thoáng và hướng nhà. Các khách sạn khoe các “căn phòng có hướng đẹp” vốn kéo dài niềm vui thích của du khách. Trong các hành trình đây đó của mình, Stendhal rất say mê chúng và mô tả trong nhật ký của mình quang cảnh của cảng Luân Đôn; làn khói của những tàu thủy chạy bằng hơi nước [steamers] gợi ra cho ông sức mạnh của nền thương mại Anh quốc. Qua cửa sổ, ta có thể thưởng ngoạn phong cảnh, cảnh ngoạn mục của đường phố, chiếm lĩnh không gian bên ngoài, ra khỏi sự cô lập.

Léonie, cô của Proust, bị bệnh và ở ẩn, dò xét hàng xóm từ sau bức màn được vén lên và hỏi Françoise hay một nữ khách đến viếng về những dấu hiệu bí ẩn mà bà trông thấy: những cuộc đi và đến kỳ lạ, những lời trao đổi, quần áo lố lăng, kỳ dị. Đối với phụ nữ, thường được chỉ định ở trong nhà, cửa sổ tạo thành một bao lơn nhìn ra sân khấu của thế giới. Vả lại, “Người phụ nữ bên cửa sổ” là một họa tiết được lặp lại của các tranh ấn tượng.

Việc sáng tác La Recherche du temps perdu đã có một kẻ thù là tiếng động.

MICHELLE PERROT

Cửa sổ cho phép mình thấy mà không bị thấy. Từ đó có chức năng chính yếu của màn cửa, chúng bảo vệ tránh ánh nắng thái quá và những cái nhìn soi mói, và bảo đảm mờ tối cần thiết cho giấc ngủ đồng thời được vững tâm với ánh sáng ban ngày xuyên qua. Là một yếu tố của tiện nghi, màn cửa tạo thành một dấu hiệu của sự trang nghiêm, của ít nhiều thoải mái cũng như của sự e lệ. Treo màn lên cửa sổ là một động tác đầu tiên của bà nội trợ, dù nghèo. Từ đó, bà nội trợ vẽ ra không gian của mình và bảo vệ sự riêng tư của gia đình. “Chúng ta đang ở trong nhà của chúng ta”, họ có thể nói như vậy.

Jean Revillard, “Jungles”, 2009 © Galerie Jacques Cerami

Nhìn từ bên ngoài, cái cửa sổ kích thích sự tò mò qua những bóng tối và ánh sáng của nó. “Cửa sổ sáng sủa” không chỉ là chủ đề của thơ ca Beaudelaire. Nó nói điều gì đó từ bên trong. Nó tiết lộ cho người tình đang âu lo một sự hiện diện không đúng lúc hoặc được mong muốn. Swann nghi ngờ sự không chung thủy của Odette qua những bóng dáng mà anh ta nhận thấy dưới ánh sáng phập phù của một ngọn đèn. Trái lại, người kể chuyện trong Diable au corps, vừa mới tìm gặp Marthe trong căn hộ mà cô ta đang ở nơi tầng một của một ngôi nhà thuê, đang thắc mắc bởi những ánh phản chiếu lạ lùng: “Trời đã tối rồi. Duy chỉ có một cái cửa sổ tiết lộ sự hiện diện của lửa, do không có sự hiện diện của người. Khi thấy cái cửa sổ sáng lòa bởi những ngọn lửa không đều nhau, như những đợt sóng, tôi đã nghĩ đến sự khởi đầu của một đám cháy.” Đám cháy nung đốt trái tim và các giác quan của anh ta.

Cửa sổ là một ranh giới, nham hiểm nếu nó tố giác bạn, đồng lõa nếu nó che giấu bạn. Đó là một chỗ mở, một kẽ hở, một điểm xâm nhập của những ánh mắt nhìn và những thân thể. Julien Sorel chinh phục Mathilde de La Mole bằng cách leo lên cửa sổ của nàng với một cái thang của người làm vườn. Những cánh cửa sổ, những tấm màn che nửa dưới cửa sổ, những cửa chớp (cửa lá sách), những bức mành, bảo vệ khỏi những đột nhập không mong muốn. Sự hiện diện/vắng bóng những thứ này ở mặt tiền nhà có một ý nghĩa văn hóa xét về sự kín đáo và độ sáng.

Nhưng lối vào bình thường là cửa lớn, một lối đi chính, kể cả được thiêng liêng hóa, phân biệt nơi khép kín với nơi mở, ngăn cách cái chung và cái riêng tư, nó bảo vệ nơi cư trú/căn nhà. Những luật lệ hợp pháp và dân sự bảo vệ quyền được vào nhà. Bởi vì sự đột nhập, trộm cắp vào nhà bị phạt nặng hơn nhiều so với trộm móc túi. Ngay cả trong thời kỳ Khủng bố của Cách mạng Pháp, những cuộc khám xét nhà bị cấm vào ban đêm. Trong nhà của tầng lớp giàu có, một tiền sảnh tạo thành một nơi người ta sàng lọc những người thân quen và những người lạ. Những cuộc chiến tranh đã gây xáo trộn các quy tắc, xô đổ các cửa, xâm phạm nơi chốn và thân thể. Sự xâm nhập của kẻ thù vào nơi riêng tư sâu kín của căn nhà là mối đe dọa tồi tệ nhất đè nặng lên người phụ nữ.

Tranh Le verrou (Then cài) của Fragonard

Cánh cửa của căn phòng lại còn đóng kín hơn nữa, ví nó là cái ngưỡng của riêng tư sâu kín vốn trên nguyên tắc tùy thuộc vào người chiếm giữ nó. Đối với người này, họ có quyền mời, cho ông hay bà nào đó đi vào hay không, và sự khác biệt giới tính có đầy đủ vai trò ở đây. Một người đàn ông cảm thấy phật ý vì cánh cửa đóng có nghĩa là từ chối; anh ta có thể tìm cách mở cánh cửa đó. Người đàn ông trẻ sôi nổi trong tranh của Fragonard một tay khoá cửa phòng của một phụ nữ trẻ, tay kia ôm siết và muốn quyến rủ nàng mà ta không thể ước đoán được sự đồng ý của nàng. Đóng cánh cửa là đã sở hữu một thân thể. Các sinh viên của đại học Nanterre vào mùa xuân năm 1968 đã đòi quyền vào phòng của nữ sinh viên vào buổi tối. Là đối tượng của sự quyến rủ, phụ nữ tự bảo vệ. Đối với họ, quyền đóng cửa phòng mình là một sự thừa nhận tự do của họ, một bước chính yếu đạt đến sự tự chủ.

Cánh cửa này cũng có thể là bắt buộc phải ở nhà; từ đó là sự nhập nhằng của căn phòng của thiếu nữ, tượng trưng cho một sự trinh trắng bắt buộc cũng như biểu tượng của một không gian riêng cho mình. “Do not disturb” tấm bảng bảo vệ của phòng khách sạn viết như vậy.

Đóng cửa phòng mình, ở một mình, tự bảo vệ tránh khỏi sự hiện diện của cái nhìn của người khác, thả mình cho sự chiếm lĩnh của những người khác, của người khác: đó là uy quyền mà chìa khóa là dụng cụ và là lá bùa. Chìa khóa phòng, chìa khóa của thân thể.

MICHELLE PERROT

Đóng cửa phòng mình, ở một mình, tự bảo vệ tránh khỏi sự hiện diện của cái nhìn của người khác, thả mình cho sự chiếm lĩnh của những người khác, của người khác: đó là uy quyền mà chìa khóa là dụng cụ và là lá bùa. Ở khách sạn, phải để chìa khóa lại trên bảng treo chìa khóa, đó là thiết lập một dạng kiểm soát, mà việc thuê một phòng riêng giải thoát khỏi sự kiểm soát ấy, đó là tham vọng của những người nhập cư, sinh viên và người lao động. Đối với một công nhân vừa mới đến, có chìa khóa của mình, chính là rời bỏ cái phòng trọ có sẵn đồ đạc, mở toang ra tám hướng, để đi vào một cái phòng ở thành phố mà anh ta mơ ước, trang bị nó, sống tại đó. Là người thuê phòng thường xuyên, anh ta có các quyền mà người cho thuê về nguyên tắc không thể vi phạm. Việc giao các chìa khóa, sở hữu chúng, sử dụng chúng là một bảo đảm về thụ hưởng, ít nhất là tạm thời.

Đưa chìa khóa cho một người nào đó là một dấu hiệu của sự tin cậy, của tình bạn, thậm chí là tình yêu. Người kể chuyện Diable au corps nhớ lại: Ngay từ đầu cuộc tình của chúng tôi, Marthe đã trao cho tôi một chìa khóa căn hộ của nàng, để tôi khỏi phải chờ trong vườn nếu tình cờ nàng đi ra phố. Tôi có thể dùng chìa khóa này một cách ít ngây thơ hơn.” Quả nhiên, anh ta quyết định đến với Marthe ngay buổi tối và nó sẽ là đêm yêu đương đầu tiên. “Tôi run rẩy, tôi đã không thể tìm thấy lổ ổ khóa. Cuối cùng, tôi xoay chìa khóa chậm chậm để không đánh thức ai […]. Tôi đi mò mẫm đến tận căn phòng.” Anh ta chuồi vào giường của nàng. Cũng như sự chờ đợi trước cánh cửa, sự chờ đợi trước tình yêu không thể lâu được.” Chìa khóa của căn phòng, chìa khóa của thân thể.

Jean Revillard, “Jungles”, 2009 © Galerie Jacques Cerami

Trong căn phòng, đồ nội thất tạo nên quang cảnh của sự riêng tư sâu kín mà có người thích đơn sơ, có người lại thích nhiều, thậm chí ngổn ngang. “Tôi không hiểu là một khi người ta thực sự ở giữa bốn bức tường, người ta lại không cảm thấy có nhu cầu chất đầy phòng, dù chỉ là những khúc cây và rổ rá […]. “S trống trải và bất động làm tôi sợ đến lạnh người”, George Sand đã viết như vậy. Ngoài các nhu cầu cần thiết, đồ nội thất nói lên các di sản và sở thích. Cái tủ mà người ta chất đầy áo quần trong đó, bảo toàn cái gì đó của chung, là di sản, là của gia đình; bà nội trợ tự hào với các chồng khăn trải giường, khăn trải bàn trong đống vải vóc của bà; bà trưng bày chúng ra.

Tủ com-mốt nhỏ hơn, riêng cho cá nhân hơn, có các ngăn kéo, hai hoặc ba, người ta xếp vào đó đồ nhỏ, những vật dụng riêng, thậm chí nhật ký riêng, vì một số khóa nó lại. Thợ mộc và thợ đóng đồ gỗ đã thành công trong việc nhân bản loại tủ này.

Un lit défait của Delacroix

Cái giường tập trung những bí mật của căn phòng và của thân thể được nhận biết qua các nếp nhăn hớ hênh của tấm vải trải giường. Một cái giường không được dọn dẹp – ví dụ cái giường của bức tranh cùng tên của Delacroix – gây bối rối vì nó gợi ra nhiều điều. Những người phụ nữ tự trọng phải tự tay làm giường của mình và không cho phép người giúp việc, cho dù họ là “người dọn phòng”, xâm nhập vào đêm của họ. Vì sự chỉnh tề, những bà nội trợ giỏi chú ý dọn dẹp giường từ sáng sớm. Mỗi người bảo toàn phần thuộc về đêm của mình. Ở đầu giường, cái bàn nhỏ có ngọn đèn để đọc ban tối và có cái chậu nhỏ trong phòng để chứa chất thải [excreta], những bí mật của thân thể và tinh thần. Nữ nhiếp ảnh gia Sophie Calle đã xin làm người dọn phòng trong một khách sạn trong tám ngày để quan sát các tập quán của những người tuần tự ở trong phòng. Căn phòng, nhất là cái giường, thường xóa cái cũ và chồng cái mới lên.

Căn phòng, nhất là cái giường, thường xóa cái cũ và chồng cái mới lên. Mọi căn phòng đều ít nhiều là căn phòng của những điều kỳ diệu, một sự tích lũy các dấu vết mà duy nhất người ở đó có chìa khóa. Sự riêng tư của nó cho phép một sự lộn xộn nào đó.

MICHELLE PERROT

Trong căn phòng, người ta để những vật dụng mang tính cá nhân nhất, những vật mà người ta không để trong phòng khách ngõ hầu không bày chúng ra dưới mắt nhìn của người khác. Đồ lưu niệm những chuyến du lịch, những hình ảnh chọn lọc, vỏ sò ốc ở những bãi biển mùa hè, những tấm ảnh gia đình biến bệ ống khói thành bàn thờ. Mọi căn phòng đều ít nhiều là phòng của những điều kỳ diệu, một sự tích lũy các dấu vết mà duy nhất người ở đó có chìa khóa. Sự riêng tư của nó cho phép một sự lộn xộn nào đó. Flora Tristan đã ngạc nhiên về sự cẩu thả trong các phòng của các bà người Anh, tương phản với sự ngăn nắp của những đồng đẳng người Pháp, mà vào năm 1840 còn chuyên tâm vào những ràng buộc của việc tiếp tân. Tập quán thực hành kiểu phòng salon văn học theo cách của nữ hầu tước Rambouillet còn kéo dài lâu.

Những đường chéo của bí mật

Trong căn phòng, rất nhiều đường chéo của bí mật giao nhau: bí mật của cá nhân, của cặp vợ chồng, của tình dục, của giấc ngủ và giấc mơ, của bệnh tật và sự chết, bí mật của linh hồn và thể xác.

Đối với cá nhân, trước tiên đó là một không gian ở ẩn tránh khỏi đám đông, công việc, thậm chí là gia đình, những môi trường gây lo lắng và tấn công cá nhân. Cá nhân ấy cuối cùng có thể nghỉ xả hơi, buông rơi cái mặt nạ, tẩy xóa trang điểm, cởi áo quần, cởi bỏ y phục bề ngoài, ném chúng vào bốn góc phòng nếu cần; buông thả. Trần trụi, thật là một sự giải phóng! Nhưng cũng đau khổ biết bao khi ta phát hiện rằng mình mệt mỏi, bải hoải, suy sụp, già nua, chạm trán với cái tuổi mà ta trang điểm khi ra ngoài.

Đối với một số người, đó là thời gian đọc và viết. Đọc thư từ, những sách yêu thích và được chọn cho buổi tối, vui vẻ hơn, thâm chí là tự do hơn. Viết nhật ký hành trình trong phòng khách sạn, hay nhật ký riêng tư trong căn phòng thường, nhật ký mà ta cất khóa lại để tránh mọi tò mò. Lâu rồi, nhà văn không còn văn phòng đã viết trong phòng của mình, thậm chí trên giường, như Proust, Walter Benjamin hay Colette. Mauriac, Perec, Kafka, Pamuk, và những người khác, họ đã ca ngợi căn phòng của ham muốn và tự do của họ. Những bài viết của họ tạo thành một tuyển tập về các căn phòng và về đêm của bí mật.

Đối với những người khác, đó là thời khắc của trầm tư mặc tưởng, của cầu nguyện. Sự cô độc tạo thuận lợi cho sự gặp gỡ với Thượng Đế. Truyền thống đời tu sĩ đã được tăng cường vào thế kỷ XVII bởi việc đi tìm tính nội tâm mà căn phòng vừa là phương tiện vừa là biểu trưng. “Tất cả đau khổ của con người xuất phát từ một điều duy nhất, đó là không biết nghỉ ngơi, trong một căn phòng”, Pascal, nhà tư tưởng theo trường phái Jansénisme (đạo lý khắc khổ) về căn phòng đã viết như vậy, căn phòng đối với ông đồng nghĩa với rút lui ở ẩn cần thiết cho sự yên tĩnh, nếu không phải là hạnh phúc[8].

Trong căn phòng, rất nhiều đường chéo của bí mật giao nhau: bí mật của cá nhân, của cặp vợ chồng, của tình dục, của giấc ngủ và giấc mơ, của bệnh tật và sự chết, bí mật của linh hồn và thể xác.

MICHELLE PERROT

Không lâu nữa là đến giờ ngủ, thoải mái, bình an hay ngược lại, muộn màng, không yên, bị chờ chực bởi sự mất ngủ làm cho ta thức và lo lắng vì không ngủ được, hay thức dậy trong ta vào một lúc âu lo, nửa đêm khi ta đã luôn luôn làm hỏng cuộc sống của giấc ngủ. Giấc ngủ là một cuộc phiêu lưu mà căn phòng là nhà hát về đêm, đôi lúc hư ảo, chứa đầy những tiếng ồn ngấm ngầm và những xì xào có phần đe dọa. Giấc mơ trú ngụ trong giấc ngủ. Ngày xưa giấc ngủ được thần linh thăm viếng – Thượng Đế, ác quỷ, cảm hứng –, giấc ngủ trở thành nơi trỗi dậy của những ký ức đã bị chôn vùi, những hình ảnh baroque kỳ dị hay phi lý ở đó ngành tâm lý học, nhất là ngành phân tâm học giải mã những bí ẩn của vô thức. Căn phòng là chìa khóa của những giấc mơ, biểu lộ cái tôi sâu kín (rất nhiều nhà phân tâm học khuyến nghị bệnh nhân của họ ghi lại những giấc mơ).

Căn phòng là nơi của yêu đương, của những lạc thú và bi kịch của nó, và chắc hẳn là bí mật nặng nề nhất của nó, vì s im lặng bao quanh tình dục trong văn hóa Ki Tô giáo, bị ám ảnh bởi nỗi sợ tội lỗi về xác thịt.

Những cuộc tình “không chính đáng” của những người tình đi tìm những căn phòng kín đáo và nhất thời, trong các khách sạn “cho gái mại dâm” mà họ sẽ không nhớ nhiều, và những cặp đồng giới tính lại càng khó đi vào hơn. Tình yêu chính đáng của căn phòng vợ chồng, phòng đóng chặt nhất, bí mật nhất, một ngôi đền bất khả xâm phạm, thậm chí không được hé mở cửa. Về tính dục, căn phòng biết các bổn phận, nhưng cũng là những lạc thú, được các cặp tìm đến và lặp lại, thậm chí ở thời đại ngày nay được các bác sĩ ca ngợi vì họ thấy đó là sự “hòa hợp” thuận lợi cho sự sinh đẻ[9]. Nhưng căn phòng ấy cũng biết những nỗi khổ của những quan hệ tình dục bị trục trặc, sóng gió vì bất lực hay lãnh cảm, nỗi xấu hỗ vì vô sinh, nỗi ám ảnh về có thai không mong muốn, mất sự ham thích, bị chán ngấy bởi thời gian xói mòn. Điều này còn đi đến sự thù ghét, bạo lực và cả tội phạm. Phần lớn các tội phạm trong gia đình xảy ra trong một căn phòng ở đó cảnh sát truy tìm các dấu hiệu của tội phạm.

Jean Revillard, “Jungles”, 2009 © Galerie Jacques Cerami

Ký ức về các căn phòng

Ngắn ngủi, không ngừng bị “bỏ trống”, bị dọn đi, bị bỏ hoang, căn phòng hiếm khi là một nơi của ký ức. Những người ở đó rời phòng, mang theo hành lý nhẹ, bao gồm cả cái khung giường bằng gỗ mà ngày xưa được xem là vật dụng cá nhân. Vì quan tâm đến vệ sinh, thậm chí do mê tín, người ta thay cả tấm nệm, sẽ bị đốt đi sau đám tang. Người ta dọn hết đồ trong phòng cha mẹ[10], từ đó thiếu thốn các bảo vật trong phòng. Ta hầu như không giữ gì về vật dụng thời Louis XIV, chỉ còn những biểu tượng lễ nghi theo quy ước, nhưng không có đồ đạc bằng gỗ.

Được tái tạo quanh một cái bàn hay cái giường, ít nhiều giống nguyên mẫu, các phòng của văn sĩ, thường là giả tạo, ít liên quan đến chúng ta. Ta khó mà tưởng tượng Sand [George Sand] “lục lọi” trong “tủ quần áo” của căn phòng màu xanh của bà ở Nohant, hay Proust “nguệch ngoạc” trên những “tờ giấy xoắn” trong khung cảnh trang trí bảo tàng mà người ta cho ông mượn ở bảo tàng lịch sử Paris Carnavalet[11].

Ngược lại, ký ức về các căn phòng nằm trong ký ức của các cư dân, bị chôn vùi cùng với những bí mật của họ. Họ nhớ lại những đêm mất ngủ, những đêm thức, đọc sách, viết và yêu đương, những phiền muộn mà họ đã trải qua, những giọt nước mắt mà họ đã tuôn ra, những hận thù mà họ nghiền ngẫm, những quyết định mà họ chấp nhận. Perec [George Perec, nhà văn, nhà làm phim người Pháp – ND ] đã nhớ lại hầu hết các phòng mà ông đã ngủ ở đó, và đã làm một danh mục tưởng tượng về chúng. “Không gian được làm sống lại của căn phòng đủ để làm hồi sinh, đem trở lại, thổi bùng lên những kỷ niệm thoảng qua nhất, nhỏ bé nhất cũng như những kỷ niệm quan trọng nhất.” Nhưng đó là là sự hồi tưởng những cảm xúc đã trải qua hơn là sự mô tả các sự vật. Kỷ niệm về một hình ảnh nào đó chỉ là sự tiếc nuối một khoảnh khắc nào đó”, Proust nêu ý kiến. Căn phòng là một sự cô đọng những bí mật của đời sống, những bí mật làm nên cuộc sống.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Le secret des chambres”, Le grand continent, 22.7.2022.

----

Chú thích:

Bản công bố gốc: “Le secret des chambres”, trong Le Visiteur n°20, Paris, Société française des architectes và Infolio, 2014.

Ở đây, bài báo được minh họa bởi loạt ảnh “Jungles” của nhiếp ảnh gia Jean Revillard (1967-2019). Các ấn bản được in lại với sự cho phép của Galerie Jacques Cerami.

Vài nét về tác giả:

Michelle Perrot là thạc sĩ sử học (agrégée d’histoire), giáo sư danh dự các trường đại học. Trong một thời gian đầu, bà quan tâm đến giới công nhân, sau đó chú ý đến tội phạm và giới lao tù tại Pháp. Hơn nữa bà được xem là một trong những chuyên gia lớn về lịch sử phụ nữ, một lĩnh vực mà bà đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nó. Có thể kể một số trong nhiều tác phẩm của bà:

- Les ombres de l’histoire, Crime et châtiment au xixe siècle [Những bóng đen của lịch sử], Paris, Flammarion, 2001; 

- L’impossible prison – recherches sur le système pénitentiaire au xixe siècle [Nhà tù bất khả thi – Nghiên cứu hệ thống lao tù trong thế kỉ XIX], M. Perrot chủ biên, Paris, Seuil, 1980; 

- Une histoire des femmes est-elle possible? [Có thể có một lịch sử phụ nữ?], Rivages, 1984; 

- L’histoire de la vie privée, t. 4, de la Révolution à la Grande Guerre [Lịch sử đời tư, tập 4, từ Cách mạng Pháp đến Đại thế chiến lần thứ nhất], với Philippe Ariès và George Duby, Paris, Seuil, 1987; 

- Histoire de femmes en Occident, t. 2, le Moyen Âge [Lịch sử phụ nữ ở phương Tây, tập 2], với Georges Duby, Plon, 1991; 

- Histoire des femmes, t. 4, xixe siècle [Lịch sử phụ nữ, tập 4, thế kỷ XIX], với Georges Duby, Plon, 1991; 

- Les femmes ou les silences de l’histoire [Phụ nữ hay những sự im lặng của lịch sử], Paris, Flammarion, 1998; 

- Histoire des femmes [Lịch sử phụ nữ], các tập 1, 2, 3 và 5, với Georges Duby, Perrin, 2002.

Theo https://www.cairn.info/revue-champ-lacanien-2011-1-page-155.htm#re2no2




Chú thích:

[1] Barrington Moore, Privacy, Princeton, Princeton University Press, 1984.

[2] Tôi đã phụ trách Tập IV (thế kỷ XIX) của quyển sách Histoire de la vie privée (Lịch sử đời tư), [do Philippe Ariès và Georges Duby chủ biên]; mặt khác tôi là tác giả của Histoire de chambres (Lịch sử các căn phòng), Paris, Seuil, 2009.

[3] Florence Dupont, “La chambre avant la chambre”, Rêves d’alcôves. La chambre au cours des siècles, Paris, musée des Arts décoratifs, 1995.

[4] Alberto Manguel, Une histoire de la lecture, Arles, Actes Sud, 1998.

[5] Jeanne Bourin, La Chambre des dames, Paris, La Table ronde, 1979.

[6] Anne Debarre et Monique Eleb, Architectures de la vie privée. Maisons et mentalités, XVIIe–XIXe siècles, Bruxelles, 1989; Invention de l’habitation moderne, Paris, 1880-1914, Paris, Hazan, 1995.

[7] Norbert Elias, La Civilisation des mœurs, Paris, Calmann-Lévy, 1973.

[8] Jean-Louis Chrétien, L’Espace intérieur, Paris, Éditions de Minuit, 2014. Voir la première partie, “La chambre du cœur”.

[9] Alain Corbin, L’Harmonie des plaisirs. Les manières de jouir du siècle des Lumières à l’avènement de la sexologie, Paris, Perrin, 2008.

[10] Lydia Flem, Comment j’ai vidé la maison de mes parents, Paris, Seuil, 2004.

[11] Ở lâu đài Breteuil còn tệ hơn, người ta đặt một ngưởi mẫu bằng sáp trên giường của ông trong một căn phòng quen thuộc của ông.

Print Friendly and PDF