23.10.22

Quản lý các cuộc khủng hoảng tài chính: Các nhà “Nobel” kinh tế giữa điều không có gì mới và điều có tính cách mạng

QUẢN LÝ CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH: CÁC NHÀ “NOBEL” KINH TẾ GIỮA ĐIỀU KHÔNG CÓ GÌ MỚI VÀ ĐIỀU CÓ TÍNH CÁCH MẠNG

Jean-Bernard Chatelain

Ben Bernanke (ảnh) và các đồng nghiệp được trao giải Nobel vì những công trình nghiên cứu đi ngược lại quan điểm của giới học thuật vào thời điểm chúng được công bố. Chip Somodevilla/AFP

Thế là kinh tế học tiền tệ và ngân hàng đã được vinh danh trong năm nay. Các nhà kinh tế học người Mỹ Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig là những người được trao Giải thưởng Khoa học Kinh tế năm 2022 của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.

Trong khi những người đồng cấp vẫn ít được công chúng biết đến, Ben Bernanke đã từng là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) từ năm 2006 đến năm 2014, và đã gây ấn tượng với cách quản lý cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2008, phần lớn dựa trên cách thực hành phi truyền thống. Sự nghiệp của ông cũng đã được đánh dấu bằng một bài phát biểu nổi tiếng vào năm 2005, làm thay đổi cách nhìn về sự thâm hụt của Mỹ: sự thâm hụt đó có thể không phải do một sự quản lý nội bộ yếu kém, mà là do một thặng dư tiền gửi tiết kiệm ở phần còn lại của thế giới. Người ta cũng đặc biệt chú ý đến một công trình nghiên cứu năm 1999, đã được tái bản kể từ đó, về cách thức sử dụng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Douglas Diamond nâng cốc chúc mừng sự kiện được nhận giải Nobel trước Đại học Chicago. Kamil Krzaczynski/AFP

Hẳn là ông đã ở vào một vị trí có tính quyết định trong một tình huống tương tự với những năm 1930, vốn là chủ đề nghiên cứu của ông, đó là tình huống cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, chính nhờ loạt bài báo tiếp theo sau một bài báo được đăng vào năm 1983 mà, ngày hôm nay, ông mới nhận được giải thưởng danh giá này.

Giống như Diamond và Dybvig, những người đã đăng bài báo tham chiếu vào cùng năm, những ý tưởng được trình bày, về cơ bản, không phải là điều gì mới. Nói một cách biếm họa, gần như có thể nói rằng đây là một giải Nobel cho người đã chết là Walter Bagehot và Irving Fisher, những tác giả đã lần lượt qua đời vào năm 1877 và 1947, trong khi giải thưởng chỉ mới được trao kể từ năm 1969. Tuy thế, đừng quên tầm quan trọng của nỗ lực mô hình hóa mà Diamond và Dybvig đã thực hiện, và chính công trình đó đã làm cho mô hình của họ có một sự tiếp nối nhất định nào đó. Cũng cần phải thán phục trực giác mạnh mẽ lúc bấy giờ đã làm nổi bật các tác giả xa xưa này vì, vào đầu những năm 1980 nghiên cứu chủ đề được họ đề cập không phải là điều hiển nhiên. Đây chính là những gì chúng tôi muốn gợi ý ở đây.

Mãi mãi là những người đầu tiên?

Philip H. Dybvig (1955-)

Như vậy, mô hình của Diamond và Dybvig đã vay mượn rất nhiều điều từ các bài viết của Bagehot. Thách thức của họ là giải thích, về mặt lý thuyết, lý do tồn tại của các ngân hàng cũng như rủi ro vốn có của các ngân hàng. Vấn đề là ở chỗ: trên thế giới, có những người có khả năng cho vay nhưng đồng thời cũng muốn tiền của mình luôn có sẵn nhanh chóng, đủ nhanh, để tiêu dùng; có những người muốn vay tiền và thường đi vay trong nhiều năm. Do đó, cần phải phát minh ra một tác nhân, một ngân hàng có khả năng làm trung gian giữa các dạng người nói trên, những người không có tầm nhìn xa như nhau.

Nhưng nếu mọi người muốn rút tiền gửi ra thì sao? Tình hình có vẻ như vượt ngoài tầm quản lý, không phải là vì ngân hàng hoạt động thua lỗ, mà đơn giản là vì ngân hàng không thể tiếp cận các nguồn tiền gửi đã được cho vay, và không có ngay tiền mặt trong tay. Thế là các tác giả đã hình dung hai giải pháp: hoặc là nghĩ đến một hệ thống bảo hiểm tiền gửi, hoặc là nhờ đến một tác nhân khác, ngân hàng trung ương, trong vai trò của “người cho vay cuối cùng”, có thể cho các ngân hàng ký thác đang trong tình thế thiếu thanh khoản tạm thời vay.

Walter Bagehot (1826-1877), nhà báo của thế kỷ XIX, là người khởi nguồn những suy ngẫm đầu tiên về sự quản lý các cuộc khủng hoảng ngân hàng. Norman Hirst

Thực vậy, các lo ngại này đã xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, khi các ngân hàng bán lẻ bắt đầu phát triển vào thời đó. Walter Bagehot, nhà báo viết xã luận của tờ The Economist đã trình bày các lo ngại đó trong cuốn Lombard Street [Phố Lombard]. Ông đặt vấn đề về nền tài chính và sự quản lý các cuộc khủng hoảng, những thứ có thể sẽ xuất hiện. Thế nên, tên ông được đặt cho một học thuyết, theo đó cần phải cho những ngân hàng lâm vào tình cảnh thiếu thanh khoản vay tiền, trường hợp mà Diamond và Dybvig nghiên cứu, nhưng không phải cho một ngân hàng trong tình cảnh mất khả năng thanh toán, tức là không thể đáp ứng các cam kết của mình vì đã phát sinh thua lỗ.

Cơ chế gia tốc tài chính, ở trung tâm bài báo của Bernanke, về cơ bản, là lược đồ nợ-giảm phát đã được Irving Fisher mô tả vào năm 1933. Vài ngày trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 1929, Irving Fisher đã cho rằng giá cả đã đạt đến một “mức cao vĩnh viễn”. Nhưng bỗng nhiên cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra và làm cho toàn bộ nền kinh tế bị đảo lộn. Bong bóng vỡ ra và chính vào lúc đó người ta mới nhận ra mức độ nợ nần của các tác nhân. Họ sẽ phải bán tài sản để đối phó với tình trạng nợ nần, nhưng vì có rất nhiều người bán, nên giá cả lao dốc. Tài sản mất đi giá trị, tình trạng khó trả nợ vì thế mà tăng lên và đó là một vòng xoáy thực sự.

Andrew Weiss (1947-)
Joseph Stiglitz (1943-)

Bernanke sẽ đối chiếu tất cả các điều trên với những bài báo đương đại hơn, các bài báo của Joseph Stiglitz (Giải Nobel 2001) và của đồng tác giả Andrew Weiss. Ở đây trc giác là người cho vay chắc chắn sẽ cho vay ít hơn mức cần cho vay, khi không biết liệu có thể tin người đi vay hay không: liệu người đi vay có thực sự [có khả năng] trả tiền vay hay không, hay người cho vay sẽ trở thành nạn nhân của một trò lừa?

Do đó, sẽ có ít khoản vay được cấp hơn và với một lãi suất thấp hơn là trong tình huống tối ưu (người ta gọi là “tín dụng bị hạn mức”), dẫn đến đầu tư ít hơn, và vì thế tăng trưởng kinh tế được kích thích ít hơn. Tình trạng này cũng tác động đến giá trị của những gì mà người đi vay sở hữu. Thế mà, về nguyên tắc, đây là điều quyết định việc có hay không có niềm tin vào người đi vay: ví dụ, một hộ gia đình sẽ dễ dàng được cho vay hơn khi sở hữu một ngôi nhà.

Trong bản tin thời sự, vài giờ sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, Irving Fisher đã gợi lên vấn đề nợ nần.

Cơ chế tự nuôi dưỡng và hiệu ứng thậm chí còn trở nên mạnh hơn trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng có tính hệ thống của ngân hàng. Đây là lý do vì sao Bernanke khẳng định sự lan rộng của cuộc khủng hoảng những năm 1930 có liên quan đến phản ứng quá rụt rè từ các ngân hàng trung ương. Theo ông, các ngân hàng trung ương nên bơm thêm tiền vào hệ thống để kích thích tín dụng và, theo sau đó, là kích thích đầu tư và tăng trưởng.

Một vài phương trình tao nhã

Có phải là Diamond, Dybvig và Bernanke chỉ có công là được sống trong một thời đại dễ được “nobel” hơn những người tiền nhiệm hay không? Trước hết, không hề có sự gian dối: trong các bài báo của mình, Bernanke sẵn sàng trích dẫn Fisher. Nhất là việc trả lời “có” sẽ có nghĩa là bỏ qua tầm quan trọng trong kinh tế học của việc chuyển từ trực giác sang hình thức hóa.

Mark Gertler (1951-)

Công lao to lớn của ba tác giả này, mà chúng ta có thể thêm vào Mark Gertler cặp bài trùng và là đồng tác giả trong nhiều năm với Ben Bernanke, là, một mặt, chọn làm sống lại những vấn đề quan trọng nói trên trong cuộc tranh luận học thuật thời đương đại, và mặt khác, là đã diễn giải bằng vài phương trình tao nhã điều trước đó là một trực giác được trình bày nhiều hơn bằng li văn.

Thành công của một mô hình là phải đơn giản để giảng dạy, trong khi vẫn cho phép một cộng đồng các nhà nghiên cứu xây dựng một lượng rất lớn các biến thể, nhằm giải thích một đa tạp các hiện tượng kinh tế.

Liên quan đến Diamond và Dybvig, đây chính là điều mà cùng với Bruno Amable và Olivier de Bandt, chúng tôi đã có thể làm, trong một chừng mực nào đó. Trong một bài báo năm 1997, chúng tôi đã đưa ra một số giả định để tìm hiểu các giới hạn của nền tài chính và tác động của chúng đối với sự tăng trưởng. Chúng tôi đã đặt vấn đề về vị thế của các ngân hàng trung ương như là người cho vay cuối cùng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng có hệ thống.

Ví dụ, mô hình gốc không tính đến trường hợp cạnh tranh không hoàn hảo giữa các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, những gì đã quan sát thấy được, đặc biệt ở Canada, là tình trạng thiểu quyền của một nhóm nhỏ hơn chục ngân hàng, đã có khả năng chống chọi các cuộc khủng hoảng tài chính tốt hơn so với một hệ thống mang tính cạnh tranh cao như ở Hoa Kỳ.

Tương tự, chúng tôi đã sử dụng các kết quả của cơ chế gia tốc tài chính của Bernanke để nghiên cứu tác động của các ràng buộc tài chính đối với giá cả, để ước tính cường độ của kênh tín dụng trong chính sách tiền tệ ở khu vực đồng euro, hay việc thế chấp các bằng sáng chế để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sáng tạo đổi mới.

Một chút táo bạo

Milton Friedman (1912-2006)
Anna Schwartz (1915-2012)

Hơn nữa, việc quy chiếu về Fisher vào năm 1983 và đề cập lại đến cuộc khủng hoảng của những năm 1930, nửa thế kỷ sau đó, có một cái gì đó gần như mang tính cách mạng, cho dù theo quan điểm của lịch sử các sự kiện hay lịch sử các ý tưởng. Khi Fisher chọn nghiên cứu lại cuộc khủng hoảng những năm 1930, nó không còn hợp thời nữa, và dường như không có lý do gì để điều đó xuất hiện trở lại một lần nữa. Milton Friedman (giải Nobel năm 1976) và Anna Schwartz đã viết một cuốn sách được scoi là tài liệu tham khảo về chủ đề này, hai mươi năm trước, vào năm 1963.

Đặc biệt, các công trình nghiên cứu của Bernanke không có tác động tức thì. Các bài báo của ông, mà ngày hôm nay đã mang lại cho ông một giải thưởng “Nobel”, được đánh giá cao nhưng được trích dẫn tương đối ít cho đến cuối những năm 1990. Mãi đến năm 2008, những gì mà Bernanke đã làm trong những năm 1980 mới trở thành chuẩn mực trong kinh tế học vĩ mô. Ở Pháp, hiếm hoi lắm mới có những ấn phẩm đề cập đến chủ đề này, như cuốn La Dette, le boom, la crise [Nợ nần, bùng nổ, khủng hoảng] năm 1985 của Vivien Lévy-Garboua và Gérard Maarek, tổng thư ký tương lai của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE).

Thực vậy, vào đầu những năm 1980, hầu như không thấy bất kỳ sự sụp đổ quan trọng nào của các ngân hàng ở các nước phương Tây, kể từ sau chiến tranh. Bị chỉ mặt trong cuộc khủng hoảng những năm 1930 và sau đó trải qua những năm kinh tế thời chiến và sự tái thiết mang tính chỉ huy cao, trên thực tế, các ngân hàng đã thấy mình bị đặt dưới sự bảo trợ của chính phủ các nước, chẳng hạn như sự tách biệt nghiêm ngặt giữa các ngân hàng đầu tư và ngân hàng ký thác ở Hoa Kỳ (đạo luật Glass-Steagall năm 1933), sự hạn chế các dòng vốn quốc tế (hiệp định Bretton Woods năm 1944), các chính sách quốc hữu hóa hoặc hậu thuẫn đối với các ngân hàng hợp tác xã.

Vì thế, các nhà kinh tế đã cho rằng sẽ có nhiều năm ánh sáng nữa mới có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tiếp theo sau sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Họ không thấy có lý do gì để lo lắng, ngoại trừ từ quan điểm của nhà sử học về các cuộc khủng hoảng tài chính như Kindleberger vào năm 1978.

Các luận đề của Finn Kydland và Edward Prescott, Nobel năm 2004, đã thống trị lĩnh vực học thuật vào đầu những năm 1980, trong đó lược đồ do Ben Bernanke đưa ra khó tìm được chỗ đứng. Sven Nackstrand/AFP

Tuy vậy, hệ thống Bretton Woods đã biến mất kể từ năm 1971, một hình thức phi điều tiết đã xuất hiện và tình trạng lạm phát mạnh đã bắt đầu chớm nở. Tuy nhiên, với các mức lãi suất danh nghĩa thấp hơn tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ tăng lương, có vẻ như người ta chấp nhận tăng nợ mà không sợ rủi ro.

Paul Volcker (1927-2019)

Điều này kéo dài cho đến nửa cuối năm 1979, khi Paul Volcker bắt đầu nhiệm kỳ làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang. Việc tăng các mức lãi suất chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang một cách mạnh mẽ và lâu dài, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, đã dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu kết hợp với một sự giảm phát tàn bạo. Một chế độ tiền tệ mới vừa ra đời, trong đó những khoản nợ của các quốc gia có chủ quyền, của các doanh nghiệp, các ngân hàng và các hộ gia đình đã trở thành các mối quan tâm quan trọng.

Do đó, việc bắt đầu cảm thấy chủ đề nợ và tín dụng sẽ trở thành vấn đề chính trong một thời gian dài, giống như Ben Bernanke đã cảm thấy, đòi hỏi phải có tài năng, và thậm chí là hành động độc lập và đơn độc. Cùng thời gian đó các nhà kinh tế vĩ mô, những người thu hút được sự chú ý trong giới học thuật là Finn Kydland và Edward Prescott (giải Nobel năm 2004). Thật vậy, lý thuyết về các chu kỳ kinh doanh thực tế của họ, được trình bày trong một bài báo năm 1982, làm cho những biến động trong nền kinh tế trở thành những hệ quả của các sự kiện ngẫu nhiên bên ngoài (ví dụ như một cú sốc dầu mỏ hoặc một phát minh mới).

Theo họ, không chỉ có tín dụng, mà còn cả tiền tệ và các chính sách tiền tệ và tài khóa đều được cho là không có ảnh hưởng đến các chu kỳ hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ thời hậu chiến. Trong bối cảnh học thuật không đúng lúc này của chế độ tiền tệ mới, việc dám xét lại công trình nghiên cứu của Milton Friedman và Anna Schwartz về cuộc khủng hoảng những năm 1930 và đưa chủ đề nợ-giảm phát của Irving Fissher trở lại thời sự là tỏ ra một chút táo bạo.

Tác giả

Jean-Bernard Chatelain

Giáo sư về Khoa học Kinh tế tại các trường đại học, Paris School of Economics, Université Paris 1 Panthéon-Sorbonne

Tuyên bố công khai

Jean-Bernard Chatelain là thành viên của Trung tâm Cournot.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Gestion des crises financières : des “Nobels” d’économie entre déjà-vu et révolution, The Conversation, ngày 19/10/2022.

Print Friendly and PDF