27.6.17

Trung Quốc: Khổng giáo kỹ thuật số



TRUNG QUỐC: KHỔNG GIÁO KỸ THUẬT SỐ
Các logo của giới truyền thông trực tuyến chính thức của Trung Quốc – “Nhân dân Nhật báo”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã – được đăng trên tường của trung tâm báo chí nhân phiên họp Quốc hội toàn quốc tại Bắc Kinh vào ngày 03/3/2014. (Ảnh: Jonathan Wu/EyePress/via AFP)
Bằng cách trở thành người ca ngợi toàn cầu hóa đồng thời là nhà vô địch của sự chuyển đổi kỹ thuật số, Trung Quốc dần dần vẽ ra một mô hình quản lý theo kiểu tự do-kỹ thuật. Huyền thoại của bộ máy quản lý của Hobbes [Thomas Hobbes, nhà triết học người Anh nổi tiếng với các tác phẩm về triết học chính trị – ND] từ nay hóa thân trong kỹ thuật số, đi kèm với thực tế xã hội để phục vụ các mục tiêu năng suất và hiệu quả tổng thể.
Xã hội công nghiệp của thế kỷ XX trước tiên là xã hội của chiếc đồng hồ, công cụ đo lường cuộc cách mạng của Taylor qua việc hợp lý hóa hoạt động sản xuất đến mức biến con người thành những cỗ máy tự động. Lenin cũng như Mao Trạch Đông, vào thời đó, là những người khởi xướng nhiệt thành của cách “tổ chức lao động khoa học” này, nâng tầm việc kế hoạch hóa sản xuất lên hàng mô hình [quản lý] chính phủ và xã hội. Việc Trung Quốc chuyển đổi theo hướng “chủ nghĩa cộng sản thị trường”, sau cái chết của Mao Trạch Đông, càng được tiến hành một cách tự nhiên hơn khi nó vẫn nằm trong lý tưởng của một sự hài hòa bằng thước đo được số hóa. Mô hình quản lý của chính phủ đã chuyển từ chủ nghĩa năng suất theo kiểu Xô-viết sang chế độ “duy lý” tự do.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Thomas Hobbes (1588-1679)
Chủ nghĩa tự do theo định nghĩa của Friedrich Hayek (1889-1992), người được giải Nobel Kinh tế (1974), kêu gọi đặt tính chủ thể dân chủ dưới sự chi phối theo luật tự nhiên của cơ chế thị trường. Các số liệu kinh tế không những là những chỉ báo mà còn là những chân lí tuyệt đối cần phải phục tùng. Không lâu trước khi qua đời, Hayek đã dự đoán sự đuối sức của một nền chính trị đối mặt với gánh nợ theo hàm số mũ của những Nhà nước tất yếu sẽ bị cấm cửa mọi hình thức mạng lưới bảo hiểm xã hội. Để đương đầu với khả năng thất bại này, Hayek mong mỏi kết thúc nền “dân chủ không giới hạn” để chuyển sang một “chính phủ quý tộc tự do”. Việc Trung Quốc gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa vào cuối những năm 1990 chính là kết quả của cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kỹ trị Khổng giáo, tạo ra một cách nhìn cố nhiên là trọng tài năng và có cả tính “chỉ huy” sự phát triển kinh tế.
Khổng Tử đã chủ trương, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, việc điều hành các vấn đề quốc gia bởi các nhà quản lý được tuyển chọn dựa trên tài năng. Như vậy, các quan lại phục vụ cho hoàng đế đã được tuyển chọn qua các cuộc thi cử kể từ năm 605 của kỷ nguyên chúng ta. Trung Quốc ngày nay muốn tiếp diễn chế độ nhân tài có chỉ đạo [từ chính phủ] này, mà theo các nhà cầm quyền Trung Quốc là hiện thân của các “giá trị châu Á”.
Kỹ thuật số như là vectơ của việc kiểm soát xã hội
Edward Snowden (1983-)
Trung Quốc, qua công nghệ, muốn đảm bảo và đóng khung “sự hài hòa xã hội”. Vì thế, kỹ thuật số đã trở thành, một cách tự nhiên, một công cụ được chính phủ Trung Quốc ưu đãi để cấu trúc xã hội. Những tiết lộ của Edward Snowden đưa ra ánh sáng hệ thống giám sát đại chúng của Mỹ đã củng cố thêm niềm tin của các nhà chức trách Trung Quốc về tính đạo đức giả của các giá trị phổ quát của phương Tây. Vì thế, Trung Quốc gần đây đã tăng cường kho vũ khí luật pháp để có thể bảo vệ tốt hơn không gian mạng của họ và đảm bảo “sự trung thành về mặt chính trị”.
Các điều khoản luật pháp đó cho thấy rõ là việc công bố những nội dung làm tổn hại đến “danh dự quốc gia” hoặc “gây rối trật tự xã hội và kinh tế” đều bị trừng phạt. Các nền tảng kỹ thuật số từ nay bị buộc phải xác minh danh tính của người dùng Internet, những người sử dụng không thể ẩn mình sau những bút danh để “tung tin đồn”. Trong trường hợp được chính phủ yêu cầu, các doanh nghiệp công nghệ bị buộc phải chia sẻ các khóa mật mã thông tin của họ. Cuối cùng, các số liệu thương mại và dữ liệu cá nhân phải được lưu trữ và xử lý tại Trung Quốc; mọi luồng thông tin ra ngoài lãnh thổ phải được sự chấp thuận trước của cơ quan hành chính.
Giảm thiểu phạm vi của những điều khó lường
Alan Turing (1912-1954)
Claude Shannon (1916-2001)
Ngoài việc kiểm soát không gian mạng, một không gian đã trở thành một phần mở rộng của chủ quyền quốc gia, người ta còn thêm yêu cầu đưa ra một ý nghĩa và từ đó kiểm soát đại dương các dữ liệu kỹ thuật số được tạo ra. Vì thế, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo và những nhà vô địch quốc gia của họ, như Alibaba, Baidu hay Tencent, đã ở vị trí hàng đầu của ngành này.
Được khái niệm hóa vào năm 1956 với các công trình của nhà toán học Alan Turing, trí tuệ nhân tạo kết hợp toán học và thuật toán để trang bị cho máy móc những khả năng nhận thức gần với trí tuệ của con người. Với sự ra đời của các kỹ thuật “deep learning [học sâu]”, việc lập trình sẽ phỏng theo các khoa học thần kinh. Máy móc được nối mạng theo mô hình các nơron và liên hợp thần kinh của bộ não con người. Như vậy, chúng sẽ được tự do khám phá và rút ra những kết luận từ khối lượng các dữ liệu được cung cấp. Từ nay, các máy tính sẽ học cách suy nghĩ độc lập.

Alain Supiot (1949-)
Trên cơ sở này, các kỹ thuật nhằm mục tiêu quảng cáo sẽ trở nên tinh vi hơn để làm tăng xác suất của hành vi mua hàng. Trong lĩnh vực y học, việc phân tích bộ gen và các hành vi của con người cho phép xác suất hóa rủi ro mắc một số bệnh. Các hệ thống xử lý ngôn ngữ tự động sẽ cho ra đời những trợ thủ ảo được trang bị những khả năng đối thoại ngày càng được nâng cao hơn nữa. Cuối cùng, với ứng dụng mang tính biểu tượng của trí tuệ nhân tạo, từ nay chiếc xe hơi sẽ không cần đến người lái.
Đằng sau các ứng dụng này, sẽ nảy sinh quyết tâm muốn tạo ra những cơ chế giảm thiểu sự không chắc chắn và hoài nghi. Do lượng thông tin cần thiết để dự đoán một biến cố bằng với logarit của nghịch đảo xác suất của nó (Claude Shannon), việc xử lý các luồng dữ liệu kỹ thuật số bằng các thuật toán ngày càng tinh vi nhằm làm giảm thiểu sự khó lường. Vì thế, kỹ thuật số ngày nay được dựng lên như là một kiểu “siêu bản ngã” với phẩm chất là tối ưu hóa và dự đoán đời sống con người (xem tác phẩm của Eric Sadin, la Silicolonisation du monde – l’irrésistible expansion du libéralisme numérique [Silicon hóa thế giới – sự bành trướng không thể cưỡng lại của chủ nghĩa tự do kỹ thuật số], năm 2015).
Trí tuệ nhân tạo, các thuật toán và tổng quát hơn là các mô hình kinh doanh kỹ thuật số khắc sâu trong một công cuộc tìm kiếm, lấy cảm hứng từ Khổng giáo và chủ nghĩa tự do (theo nghĩa của Hayek), một cỗ máy cai trị tự động và được cấu trúc bởi những luật khách quan về xác suất (xem La Gouvernance par les nombres [Sự quản trị bằng những con số] của Alain Supiot, 2015). Hơn bao giờ hết, kỹ thuật số sẽ là xương sống của sự tăng trưởng kinh tế và của các mô thức quản lý của Trung Quốc.
Bertrand Hartemann

Giới thiệu tác giả
Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự trục trặc về kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: le confucianisme numérique, Asialyst, 28 Février 2017
Print Friendly and PDF