9.6.17

Khi kinh tế học có đạo đức

KHI KINH TẾ HỌC CÓ ĐẠO ĐỨC
Tưởng nhớ Kenneth Arrow
Ảnh: Foundation for Economic Education [Quỹ Giáo dục Kinh tế]
Kenneth Arrow, một trong những nhà kinh tế học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã qua đời hồi tháng trước ở tuổi 95. Ông thuộc thế hệ những nhà kinh tế học có những ý tưởng được hình thành từ sự xáo trộn và hỗn loạn của cuộc Đại suy thoái và Thế Chiến II, một thế hệ bao gồm John Nash, Paul Samuelson, Harold Hotelling và Milton Friedman. Ngày nay, khi có quá nhiều phần của kinh tế học bị bó hẹp vì không xem xét đến tính đạo đức, thì các công trình của Arrow đã chứng minh rằng kinh tế học về cơ bản là một khoa học đạo đức. Đối với Ken, bất luận là xử lí sự biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bất bình đẳng hay thành kiến ​​chng tc, thì kinh tế hc trước hết và trên hết là một phương tiện để giúp cải thiện phúc lợi của con người. Thật vậy, trọng tâm của ông về vấn đề phúc lợi đã khiến ông xem xét đến tầm quan trọng của sự tin tưởng và các quy tắc đạo đức, cũng như các quy định của chính phủ, đối với hành vi của thị trường. Con người kinh tế [homo economicus] không thể chỉ biết có bản thân mình không thôi.
John Nash (1928-2015)
Harold Hotelling (1895-1973)
Những hỗ trợ mà thị trường cần để hoạt động là đặc biệt xác đáng khi mà chính phủ hiện tại của chúng ta cắt giảm mạnh tay các quy định về tài chính và kinh doanh. Thị trường có thể hoàn hảo trong một mô hình lý tưởng, nhưng thị trường thực tế không phải là lý tưởng. Thay vào đó, các vấn đề về thông tin, hiệu ứng của bên thứ ba, sự bất bình đẳng, và sự thiếu vắng khả năng cạnh tranh lại ngáng đường hoạt động của các thị trường. Hoạt động của các thị trường cũng phụ thuộc vào sự tin tưởng và sự hợp tác, những giá trị mà sự bất bình đẳng có thể làm suy yếu. Trong công trình của mình, Ken tự bộc lộ là bậc thầy về lập luận toán học trừu tượng, nhưng ông chưa bao giờ quên những bài học cụ thể của Cuộc Đại suy thoái. Thị trường không thể hoạt động một mình.
Vào thời điểm mà kinh tế học đã vứt bỏ nghĩa vụ đạo đức của nó, thì chúng ta nên đọc các công trình của Kenneth Arrow.
Gérard Debreu (1921-2004)
Léon Walras (1834-1910)
Không nên phóng đại những đóng góp của Ken đối với tư tưởng kinh tế. Hầu như không có bất kỳ lĩnh vực nào trong kinh tế học mà ông đã không làm sáng tỏ và tác động sâu sắc. Ông đã nhận giải Nobel năm 1972 vì công trình của ông về lý thuyết cân bằng chung. (Ông là nhà kinh tế học trẻ tuổi nhất từng được giải Nobel về Kinh tế học, 51 tuổi vào thời điểm nhận giải thưởng.) Leon Walras lần đầu phát triển ý tưởng về một mô hình cân bằng chung – trong đó tất cả các giá cả đều tác động đến cung và cầu của mọi hàng hóa – vào năm 1874. Nhưng phải mất thêm 75 năm để chứng minh sự tồn tại của trạng thái cân bằng này. Ken đã làm việc này, nghiên cứu riêng rẽ nhưng có trao đổi thông tin với Gerard Debreu của Đại học Berkeley. Công trình này hình thức hóa những điều kiện để sự cạnh tranh hoàn hảo có thể tồn tại. Đồng thời, nó cũng làm rõ những điều kiện mà sự can thiệp công cộng là cần thiết để làm cho thị trường hoạt động tốt. Thật vậy, thật khó hình dung là có ngay cả một thị trường đơn nhất nào có thể gần giống với những giả định của mô hình.
Ngoài các công trình của ông về kinh tế học, Ken đã có một đóng góp làm thay đổi hệ ý của lý thuyết lựa chọn xã hội. Trong luận án tiến sĩ của mình, Ken đã chứng minh điều nay được biết dưới tên định lí bất khả của Arrow. Để hiểu được định lý, hãy thử giả định rằng con người duy lý có khuynh hướng xếp hạng các sở thích của họ theo cách bắc cầu: nếu họ thích ứng cử viên A hơn ứng cử viên B và thích ứng cử viên B hơn ứng cử viên C, thì họ sẽ thích ứng cử viên A hơn ứng cử viên C. Tuy nhiên, định lý của Arrow cho biết, khi áp đặt bốn điều kiện rất hợp lý (chẳng hạn như không cho phép sở thích của một người quyết định kết quả cho mọi người khác), thì sẽ không thể tổng gộp các sở thích duy lý của cá nhân thành các sở thích của xã hội mà vẫn duy trì duy trì được tính bắc cầu. Nói cách khác, không có cách nào để đảm bảo rằng các sở thích của tập thể (ví dụ như ai trong số một nhóm các ứng cử viên có thể giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử) có thể biết chắc một cách chính xác bằng cách cộng với nhau các sở thích của cá nhân. Theo quan điểm sâu sắc này, thực tiễn bỏ phiếu dường như ít giống với một bài tập về quyền tự quyết tập thể mà giống nhiều với một trò chơi may mắn hơn.
Vì những lý do hết sức hiển nhiên, đã có rất nhiều công trình trong lý thuyết dân chủ để chứng minh rằng Ken đã sai. Một cách thường được sử dụng để chứng minh điều nói trên là loại bỏ một trong bốn điều kiện giả định. Ví dụ: điều kiện được gọi là "miền phổ quát” cho rằng không có giới hạn trong việc xem xét các sở thích: tất cả các sở thích sẽ được xếp hạng. Tuy nhiên, trong trường hợp bỏ phiếu, chúng ta hạn chế phạm vi các sở thích của cá nhân – trong số những thứ khác, bằng việc viện dẫn hiến pháp và cùng nhau thảo luận. Tuy nhiên, dù cuối cùng bất cứ ai quyết định làm gì với những hệ luận của nó, thì định lý của Arrow cũng đưa ra những vấn đề về đạo đức cần phải được quan tâm. Người ta nói rằng công trình này quá độc đáo đến nỗi ngay cả những giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của ông tại Đại học Columbia cũng thiếu tự tin trong cách đánh giá luận án đó. Ủy ban [đánh giá luận án tiến sĩ] đã phải hỏi một số nhà kinh tế học thiên về toán học trong khoa để xem liệu luận án đó có thực sự tốt không. (Ủy ban đã được đảm bảo rằng luận án đó còn trên cả tuyệt vời.)
Các ý tưởng của Ken quá quan trọng cho sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về thị trường khiến ta khó nhớ rằng chúng thực sự cần được phát hiện.
Ken cũng đóng góp rất nhiều cho sự hiểu biết của chúng ta về những gì liên quan đến việc tài trợ cho một hệ thống chăm sóc y tế. Trong một bài viết tiên phong vào năm 1963, ông đã chỉ ra rằng do các bác sĩ và bệnh nhân có hiểu biết không đồng đều về y học và do không có sự cạnh tranh về giá cả (khi mà các bác sĩ chuyên khoa cần được chứng nhận về mặt chuyên môn và những người có trình độ thấp hơn không thể hành nghề y bằng cách giảm giá khám chữa bệnh) nên thị trường về chăm sóc y tế không mang tính tối ưu. Ông cũng nhận diện những vấn đề về rủi ro đạo đức (do người trả phí dịch vụ khám chữa bệnh là các công ty bảo hiểm chứ không phải bệnh nhân, nên các bác sĩ và bệnh nhân có động cơ để yêu cầu các liệu pháp xét nghiệm và điều trị nhiều hơn) và về sự lựa chọn nghịch (người mua bảo hiểm y tế có nhiều khả năng là những bệnh nhân có nguy cơ bệnh nặng, dẫn đến sự hình thành một nhóm đối tượng quá tốn kém để bảo hiểm) về chăm sóc y tế. Những ý tưởng này quá quan trọng cho sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về thị trường khiến ta khó nhớ rằng các ý tưởng đó đó cần được phát hiện. Thật không may là chính quyền hiện tại đã không chú ý đến công trình này khi họ bắt đầu triệt bỏ Đạo luật về Chăm sóc y tế với Giá cả phải chăng.
Milton Friedman (1912-2006)
Paul Samuelson (1915-2009)
Ken đã dành phần lớn sự nghiệp của ông tại Đại học Stanford, nơi ông là một thành viên sáng lập của chương trình Đạo đức trong Xã hội và vẫn còn hoạt động trong ban lãnh đạo chương trình. Là một giáo viên tận tâm, ông đã có năm sinh viên nhận được giải thưởng Nobel. Ông cũng là một người bạn của tôi trong gần 30 năm. Cả hai chúng tôi đều là sinh viên của City College of New York [Trường Cao Đẳng Thành phố New York], cả hai chúng tôi đều đồng cảm với các giá trị của học thuyết tự do Do Thái, và cả hai chúng tôi đều nhìn thấy những giao điểm then chốt giữa triết học chính trị và đạo đức với kinh tế học. Tôi đã cùng đứng giảng với ông tại một semina về đạo đức học và kinh tế học về bất bình đẳng, năm ngoái, khi ông 94 tuổi. Tôi có thể chứng thực rằng ông biết tất cả mọi thứ – không chỉ về kinh tế học, mà còn về triết học của Kant, Shakespeare, lịch sử La mã, thậm chí các mô hình giao phối của cá voi. Có một lần ngồi cạnh ông trong một lớp giảng, tôi nhớ lại ông đang vẽ nguệch ngoạc một cái gì đó và nói đùa với ông về điều đó. Hóa ra ông đang giải quyết bài toán về một mô hình biến đổi khí hậu.
Ken chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào sức mạnh của tri thức – và của chính phủ – để thúc đẩy lợi ích chung. Trong những năm gần đây, ông là chủ tịch một Học viện của Ủy ban Y khoa tranh luận về các loại thuốc được trợ cấp ở các nền kinh tế đang phát triển; là một ủy viên sáng lập Quỹ các Nhà kinh tế học vì Hòa bình và An ninh; và tham gia vào Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu. Di sản của ông đưa chúng ta trở lại với những cách thức mà kinh tế học là một khoa học đạo đức, không chỉ xem xét các điều kiện mà còn cả những giới hạn của lý luận thị trường và sự tăng trưởng kinh tế tàn bạo. Trọng tâm tư tưởng của Ken là ý tưởng cho rằng tự do thị trường là một công cụ quý báu đối với phúc lợi của con người, có thể hoặc thúc đẩy, trong một số trường hợp, hoặc cản trở [phúc lợi này]. Suy nghĩ về kinh tế học theo cách này đòi hỏi phải mở rộng khung được sử dụng để đánh giá các chính sách kinh tế: sự được mất trong các quyết định về kinh tế không chỉ là vấn đề hiệu quả mà còn là các vấn đề khác, bao gồm cách thức mà các thị trường định hình sự phát triển con người và cơ cấu việc sử dụng quyền lực. Đây là một khung có sức cộng hưởng đặc biệt trong ngày nay. Ken là một cây cổ thụ trí thức và là một hiền nhân. (Nếu có một giải thưởng Nobel cho những người này, thì có lẽ ông cũng xứng đáng để nhận giải thưởng).


Debra Satz là Giáo sư (Marta Sutton Weeks) về Đạo đức trong Xã hội và Giáo sư Triết học tại Đại học Stanford và là đồng tác giả của cuốn sách sắp được phát hành Economic Analysis, Moral Philosophy and the Public [Phân tích kinh tế, Triết học đạo đức và Công chúng].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: When Economics Had Ethics, Boston Review, March 08, 2017.
Print Friendly and PDF