25.6.17

SCHOLES Myron S., sinh năm 1941



Myron Scholes (1941-)

SCHOLES Myron S., sinh năm 1941

Damien Gaumont
Myriam S. Scholes sinh tại Timmins (tỉnh Ontario, Canada) năm 1941, cha là một nha sĩ và mẹ là một thương gia giàu có. Là một học sinh giỏi, cuộc đời của ông thay đổi năm 16 tuổi một phần sau cái chết của người mẹ và phần khác do bị rách giác mạc làm thị lực của ông giảm nhiều. Do không đọc được nữa, ông có thói quen lí luận trừu tượng và khái niệm hoá để tìm giải pháp cho những vấn đề ông gặp phải, đặc biệt là ở cương vị thủ quĩ của nhiều câu lạc bộ thiếu niên. Để tìm hiểu xác suất và rủi ro ông đánh cược nhiều và đầu tư vào chứng khoán. Để tìm hiểu thế giới kinh doanh thương mại ông làm việc với cậu của ông. Năm 26 tuổi, việc ghép giác mạc trả lại cho ông thị lực. Ông quan tâm đến khoa học kinh tế và đặc biệt hơn đến tài chính để tưởng nhớ mẹ ông đã từng muốn ông cộng tác với cậu ông để viết một cuốn sách quảng bá kinh doanh thương mại. Đi tìm một phương thức nhiệm mầu làm cho ông trở nên giàu có, ông đam mê tìm hiểu những nhân tố quyết định giá cả các chứng khoán. Ông tốt nghiệp cử nhân đại học McMaster Hamilton ở Canada. Việc khám phá những công trình của Stigler (Nobel 1982) và của Milton Friedman (Nobel 1976) gây cho ông ấn tượng mạnh. Ông quyết định tiếp tục học tại đại học Chicago. Ông gặp Michael Jensen, Richard Roll và Jack Gould, những người hướng dẫn ông trong những khám phá về lí thuyết tài chính. Ông quyết định không trở về làm với doanh nghiệp của cậu ông. Theo đề nghị của Merton Miller (Nobel 1990) ông làm luận án tiến sĩ tài chính và tốt nghiệp năm 1968. Ông trở thành giáo viên phụ đạo tại Sloan School of Management tại Massachussetts Institute of Technology và trở thành đồng nghiệp của Franco Modigliani (Nobel 1985), Stewart Myes và Paul Cootner. Ông gặp Fischer Black và Robert Merton (Nobel 1987), người tiến hành cùng ông một sự hợp tác có kết quả. Giáo sư thỉnh giảng của đại học Chicago từ 1973 đến 1974, ông được một công việc thường xuyên ở đây cho đến 1980 bằng cách hoạt động nhiều cho Trung tâm nghiên cứu giá cả các chứng khoán. Là giáo sư thỉnh giảng của đại học Standford năm 1981, ông có một chân giảng dạy thường xuyên năm 1983. Ông làm việc với William Sharpe (Nobel 1990). Là nhà tư vấn cho Salomon Brother Incorporation năm 1990, ông trở thành giám đốc công ti này và đặc biệt phụ trách những giao dịch trên các chứng khoán có thu nhập cố định từ 1992 đến 1993 và vừa giảng dạy tại đại học Standford và tiến hành những nghiên cứu. Năm 1994, cùng với một số đồng nghiệp ông sáng lập một công ti quản lí vốn dài hạn trong đó ông áp dụng những lí thuyết của mình. Là tiến sĩ danh dự của đại học Paris-Dauphine năm 1989, của đại học McMaster năm 1990, của đại học công giáo Louvain năm 1998, ông được Viện hoàng lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1997.
William F. Sharpe (1934-)
Richard Roll (1939-)
Việc quản lí rủi ro là thiết yếu trong những nền kinh tế hiện đại. Những thị trường tài chính nhờ những quyền chọn, những thị trường kì hạn và những chứng khoán phái sinh- cho phép các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình chọn mức rủi ro tối ưu cho những giao dịch của mình, bằng cách phân phối lại rủi ro cho những tác nhân khác có khả năng gánh chịu rủi ro này. Những chứng khoán này cung cấp cho người nắm giữ chúng những khả năng tự bảo hiểm khỏi những rủi ro bất ngờ, vì giá của một giao dịch tương lai được ấn định hôm nay. Do đó vấn đề là xác định giá tối ưu hôm nay để cho loại chứng khoán này là có hiệu quả. Myron S. Scholes, cùng với Robert C. Merton, đã đóng góp vào khoa học kinh tế bằng cách phát triển những phương pháp định giá các chứng khoán phái sinh.
F. Modigliani (1918-2003)
Milton Friedman (1912-2006)
Vấn đề định giá những chứng khoán bắt nguồn từ những công trình của nhà toán học Pháp, vùng Bordeaux, Louis Bachelier năm 1900, người đã đề nghị một phương pháp định giá các quyền chọn trong luận án tiến sĩ bảo vệ tại đại học Sorbonne. Tuy nhiên công thức được đề nghị dựa trên những giả thiết không thực tế như một quá trình có thể dẫn đến việc xác định một giá cổ phiếu âm. Thế mà vào thời của ông, hệ thống lúc bấy giờ xác định các quyền chọn không cần đến việc hiện tại hóa do quyền chọn được thực hiện ngay hôm nay. Những công trình liên tiếp của Paul Samuelson (Nobel 1970), Cases Sprenkle, James Boness đã cho phép cải tiến công thức của Bachelier bằng giả thiết là sự phân phối của giá chứng khoán là một phân phối chuẩn loga, và điều này bảo đảm một giá dương. Năm 1964, Boness gợi ý một công thức gần với công thức của Black và Scholes bao gồm một bù đắp cho rủi ro trong giá của các chứng khoán nhưng lãi suất vẫn là một biến không biết được.
Phương pháp được dùng trước 1973 cho phép xác định giá trị kì vọng của một chứng khoán đến hạn và do đó hiện tại hóa giá của chứng khoán bằng giá trị của thời gian cần phải tính đến cho tới lúc định giá cuối cùng. Một cách tiếp cận như thế đòi hỏi phải có quyết định về giá rủi ro được sử dụng để hiện tại hoá. Đó là vì giá trị của một quyền chọn tuỳ thuộc vào con đường (rủi ro) của giá chứng khoán kể từ thời điểm ước lượng cho đến lúc đáo hạn, và điều này phụ thuộc vào giá của chứng khoán và cả vào sự thay đổi thái độ của các nhà đầu tư đối với rủi ro. Sự thay đổi này là dễ xác định về mặt lí thuyết nhưng rất khó quan sát trong thực tiễn.
Robert Merton (1910-2003)
Fischer Black (1938-1995)
Cộng tác với Robert C. Merton và Fischer Black (mất năm 1995), Myron S. Scholes, đã phát triển một công thức tiên phong để định giá những stock options, tức giá những quyền chọn (mua hay bán) các chứng khoán ở một giá ấn định trước. Phương pháp định giá của họ dựa trên một ý tưởng mới là không cần thiết phải ước lượng một giá rủi ro khi ấn định giá một quyền chọn. Điều này không có nghĩa là giá rủi ro đã biến mất mà là nó đã được trực tiếp tính vào giá của chứng khoán (1973). Phương pháp này, có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác của khoa học kinh tế, đã cho phép thiết kế nhiều kiểu sản phẩm tài chính và tạo điều kiện dễ dàng cho việc quản lí rủi ro trong các công ti.
George Stigler (1911-1991)
Công trình nghiên cứu của M. S. Scholes cũng hướng vào những vấn đề nợ các công ti, đầu tư và hợp đồng bảo hiểm. Ông cũng nghiên cứu những vấn đề đánh thuế cổ tức, về mặt lí thuyết cũng như thực nghiệm (1978 và 1982). Khi những khoản vay đến hạn và giá trị của doanh nghiệp thấp hơn giá trị của những khoản nợ thì các cổ đông, có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, phải trả các khoản vay. Phương pháp do Black và Scholes thiết kế có thể được sử dụng để xác định giá trị các chứng khoán, và điều này là rất quan trọng nếu các cổ phần không có người mua. Như thế, Black, Merton và Scholes đã cung cấp những cơ sở cho một lí thuyết thống nhất về giá những khoản nợ các công ti, và điều này tạo điều kiện cho việc phát triển nhanh chóng của lí thuyết những hợp đồng tài chính (1972 và 1974). Còn về đầu tư, Scholes chứng minh rằng tính linh hoạt là một nhân tố quan trọng và công thức của Black và Scholes có thể soi sáng các doanh nghiệp và tạo điều kiện dễ dàng cho việc ra quyết định đầu tư. Thật thế, khi doanh nghiệp phải dùng những thiết bị mà những đặc điểm thay đổi với năng lượng được sử dụng để sản xuất thì doanh nghiệp hình dung ex ante những thay thế có thể giữa các thiết bị khác nhau khi giá năng lượng thay đổi. Mặt khác, có thể đánh giá nhiều kiểu hợp đồng bảo hiểm và bảo hành bằng cách vận dụng lí thuyết hiện đại định giá những quyền chọn. Nếu một công ti bảo hiểm muốn bảo hiểm cho các cổ đông rủi ro là đầu tư của họ vào một doanh nghiệp không lành mạnh không dẫn đến lỗ lã thì công ti bảo hiểm phải ấn định giá của hợp đồng bảo hiểm xấp xỉ bằng với giá bán của quyền chọn (put) của trái phiếu với một giá mua bằng với giá danh nghĩa của trái phiếu. Nếu giá trị của chứng khoán xuống dưới giá mua thì người sở hữu chứng khoán có quyền bán trái phiếu ở mức giá mua, và điều này giới hạn thua lỗ tiềm năng của người này. Trong thực tiễn, một công ti bảo hiểm không chỉ cạnh tranh với những công ti bảo hiểm khác, mà còn cạnh tranh với thị trường những quyền chọn. Kể từ 1975, công thức của Black và Scholes đã được áp dụng, đặc biệt là tại Chicago, nơi các nhà môi giới chứng khoán đã đưa công thức này vào các máy tính của họ để bảo vệ những vị thế họ nắm giữ trong những quyền chọn. Một sự phát triển nhanh và quan trọng đến thế là hoàn toàn mới trong kinh tế học, đặc biệt là do việc sử dụng toán học, vốn hoàn toàn không được sử dụng trên các thị trường tài chính vào đầu những năm 1970, được phát triển một cách đáng kể và nhanh chóng (1972, 1974 và 1977).
Năm 1997, cùng với Robert C. Merton, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì đã phát triển những phương pháp mới cho phép xác định giá của những sản phẩm phái sinh”.
Merton Miller (1923-2000)
Michael Jensen (1939-)
· BLACK F & SCHOLES M. S., The valuation of option contracts and a test of market efficiency [Định giá những quyền chọn và một kiểm định về tính hiệu quả thị trường], Journal of Finance, 1972, vol. 27, p. 399-717; The pricing of option and corporate liabilities [Định giá quyền chọn và nợ công ti], Journal of Political Economy, vol. 81, p. 637-654; The effect of dividend yield and dividend policy on common stock prices and returns [Tác động của cổ tức và chính sách cổ tức trên giá chứng khoán và lợi tức], Journal of Financial Economics, 1974, vol. 1, p. 1-22; The Capital Asset Pricing Model: Some Empirical Tests [Mô hình định giá tài sản vốn: một số kiểm định thực nghiệm], ed. M. C. Jensen, Praeger, 1972 (Studies in the Theory of Capital Markets) [Những nghiên cứu về lí thuyết các thị trường vốn].   MILLER M. H. & SCHOLES M. S., Dividend and taxes [Cổ tức và thuế], Journal of Financial Economics, 1978, vol 6, p. 333-364; Dividend and taxes: some empirical evidences [Cổ tức và thuế: một số bằng chứng thực nghiệm], Journal of Political Economy, 1982, vol 90, p. 1118-1141. SCHOLLES M. S. & WILLIAM J., Estimating betas from nonsynchronous data [Uớc lượng những tham số bêta từ dữ liệu không đồng bộ], Journal of Financial Economics, 1977, vol. 5, p. 309-327
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1046-1048.
Print Friendly and PDF