10.9.15

Kinh tế học công nghiệp



Kinh tế học công nghiệp

Industrial Economics
® Giải Nobel: COASE, 1991
Ngay từ đầu thế kỉ XIX, Jean-Baptiste Say giảng một giáo trình kinh tế học công nghiệp tại Viện bảo tàng quốc gia nghệ thuật và công nghệ[*]. Năm 1879, A. và M. Marshall xuất bản tác phẩm The Economics of Industry. Tiếp đấy bộ môn được phát triển lên và chưa bao giờ ngừng. Như vậy bộ môn đã thâm nhập vào lí thuyết về cạnh tranh, lí thuyết kinh tế vi mô, lí thuyết tổ chức và lí thuyết đổi mới. Từ nay bộ môn lấn sang trường của kinh tế học công cộng thông qua lí thuyết về những qui định, thậm chí cả vào lí thuyết lao động. Tóm lại, không mấy ngạc nhiên khi J. Tirole, trong phần giới thiệu tác phẩm có tính qui chiếu của ông về lí thuyết kinh tế công nghiệp lại có thể viết: Cuối cùng tôi muốn tránh đề xuất một định nghĩa chính xác của lĩnh vực này vì những ranh giới của nó là rất mờ (Théorie de lorganisation industrielle, 1993, t. 1, trang 4-5).
Jean Baptiste Say (1767-1832)
Chúng tôi cho sẽ là một điều thích hợp khi quay về với những nhà sáng lập kinh tế học công nghiệp để nắm rõ đối tượng của bộ môn này. Như thế, A. Marshall giải thích: Những nhận định này về cung và cầu chỉ có mục đích là chỉ ra những xu hướng dẫn đến việc có được một vị thế cân bằng. Nhưng trong thực tế không bao giờ đạt đến vị thế này được trừ khi hình dung một thị trường không có cạnh tranh tương tự như một biển không có sóng đòi hỏi là vị trí của trái đất, mặt trăng và mặt trời là bất động và đã vĩnh viễn lặng gió. Ẩn dụ này định vị đúng cách tiếp cận chung của những nghiên cứu rõ ràng tự nhận là thuộc về kinh tế học công nghiệp, tức là một phân tích lí thuyết và thực nghiệm về sự vận hành của các thị trường đang vận động
Ngày nay, có thể nhận diện ba lĩnh vực điều tra được ưu tiên trong bộ môn: tổ chức của các thị trường và điều tiết cạnh tranh, tổ chức và chiến lược của các doanh nghiệp, tổ chức và động thái của những hệ thống sản xuất.

Các thị trường: cạnh tranh và điều tiết

Jean Tirole (1953-)
Bản vẽ hoàn chỉnh của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo chỉ có trong những sách giáo khoa về kinh tế vi mô. Trong thực tế, mọi doanh nghiệp vận động trong một môi trường không phù hợp với những giả thiết của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Như thế hệ quả logic là các tác nhân được xem là nắm giữ một quyền lực trên thị trường nhất định. Có thể nào nhận diện quyền lực này không? Có thể nào đo nó không? Có thể nào đánh giá những hệ quả đối với người tiêu dùng và những nhà cạnh tranh khác không? Có nên giới hạn quyền lực này nếu nó tỏ ra là một việc lạm dụng vị thế khống chế không?
Như thế ở đầu nguồn của suy nghĩ là thị trường. Trên lí thuyết, thị trường xác định một không gian trong đó những nhà tiêu dùng mua sản phẩm do rất nhiều doanh nghiệp cung cấp. Về mặt thực nghiệm định nghĩa của thị trường đặt ra nhiều vấn đề đáng gờm. Thật vậy, chỉ được xem là cạnh tranh những doanh nghiệp nào cung cấp những sản phẩm thay thế được dưới mắt người tiêu dùng. Đến lúc nào thì tính thay thế này là có ý nghĩa? Ví dụ, sữa và nước cam là có đủ thay thế cho nhau không ở mức độ tiêu dùng để công nhận là những nhà sản xuất sữa cạnh tranh trực tiếp với những nhà sản xuất nước cam và, do dó đều ở cùng một thị trường? Để giải quyết vấn đề này, ta có, trong trường hợp tốt nhất khi có dữ liệu, một công cụ: đó là những độ co dãn chéo. Những ranh giới của thị trường như vậy được xác định bằng cách kiểm định giá trị của những độ co dãn này ở mức 10 % được xem, theo kinh nghiệm chứ không bằng lí thuyết, là mức có ý nghĩa.  Khi không có dữ liệu, trường hợp thường gặp nhất, duy chỉ một cách tiếp cận bằng chuyên khảo và định tính mới cho phép đề xuất vài câu trả lời có thể là xác đáng về ranh giới của các thị trường. Độ co dãn chéo đo biến thiên của những số lượng tiêu dùng của một sản phẩm X khi giá của sản phẩm Y thay đổi. Nếu hai sản phẩm này cạnh tranh nhau, do đó là thay thế cho nhau được, thì số lượng của sản phẩm X tăng khi giá của sản phẩm Y tăng, do đó độ co dãn chéo là dương. Người ta kiểm định phản ứng này với một biến thiên của giá là 10 %. Khi giá của sản phẩm Y tăng 10 %, nếu ta không ghi nhận biến thiên nào của số lượng tiêu dùng của X thì độ co dãn chéo bằng không và hai sản phẩm này là không thay thế nhau, do đó chúng không ở trong cùng một thị trường và các doanh nghiệp sản xuất ra chúng không cạnh tranh nhau.
Một khi đã xãc định những ranh giới của thị trường thì vấn đề là phân tích vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Như vậy, ta có thể tiến hành đo đạc, bằng những chỉ số, mức độ tập trung, nghĩa là quy mô tương đối của các doanh nghiệp trong cạnh tranh. Trong số nhiều chỉ số sẵn có, chỉ số được sử dụng nhất là chỉ số Hirshman-Herfindahl (xem liệt kê những chỉ số trong Y. Morvan, 1991). Chỉ số này là tổng những bình phương những tỉ phần của toàn bộ những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường. Như vậy chỉ số này đánh giá đồng thời sự tập trung tuyệt đối (trọng lượng của những doanh nghiệp lớn nhất) và sự dàn trải của các quy mô (quy mô tương đối của những doanh nghiệp lớn nhất so với những doanh nghiịep nhỏ nhất). Đặc biệt là những tính toán về độ tập trung được những cơ quan phụ trách cạnh tranh sử dụng để cho phép những cuộc sáp nhập doanh nghiệp. Một cách ngầm ẩn, cách tiếp cận này cho rằng sự tập trung làm biến chất sự cạnh tranh. Quan niệm này được gọi là quan niệm cấu trúc. Thật vậy, quan niệm giả định là sự tập trung hoá, tiêu chuẩn đánh giá cấu trúc, kéo theo một hành vi độc quyền của các doanh nghiệp quy mô lớn một khi một số mức thị phần đã bị vượt qua.
Quan hệ trực tiếp này giữa quy mô của các doanh nghiệp và hành vi độc quyền dựa trên một cách nhìn một phần là tĩnh về cạnh tranh. Lí thuyết những thị trường tranh chấp được đã công kích có hiệu quả cách nhìn này bằng cách chứng minh là, với giả thiết tự do gia nhập thị trường và tự do xuất ngành không tốn kém (không có chi phí không thu hồi được hay sunk cost) những doanh nghiệp có mặt trên một thị trường không thể để giá lâu dài dưới mức chi phí, bất kể quy mô của doanh nghiệp là như thế nào. Như vậy sự đe doạ của những người gia nhập tiềm tàng buộc một doanh nghiệp, ngay cả khi doanh nghiệp ở thế độc quyền, phải có một hành vi gần như là hành vi cạnh tranh. 
Trong cách tiếp cận này, phân tích những hành vi và chiến lược của các doanh nghiệp trở thành thiết yếu để khoanh lại cường độ thực tế của quá trình cạnh tranh.
Thông thường hành vi lạm dụng được đồng nhất với một với một năng lực sinh lời không chính đáng (tô độc quyền) do những giá cao hơn giá lí thuyết của cạnh tranh sinh ra. Những giá cao này là kết quả hoặc của một vị thế khống chế tuyệt đối (quyền lực độc quyền) hoặc của một sự thông đồng giữa các nhà cung cấp (quyền lực cartel). Theo cách nhìn này, người tiêu dùng vẫn là nạn nhân chính của hành vi độc quyền.
Sách hướng dẫn những hành vi chống cạnh tranh ngày càng dày lên và cũng quan tâm đến những hành vi có hại cho cạnh tranh, tức có hại cho các đối thủ. Những hành vi lạm dụng từ nay bao gồm những phương tiện nhằm đẩy ra khỏi thị trường những đối thủ đang có mặt và nhằm ngăn chặn những đối thủ cạnh tranh mới gia nhập thị trường.
Để đạt được mục đích của mình, những công ti khống chế, đối mặt với những nhà cạnh tranh, có thể chọn: những chiến lược định giá tiêu diệt (giá cực thấp) hay những giá phân biệt đối xử (giá chọn lọc); những chiến lược phi giá cả bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm (phân biệt hoá quá đáng) hay bằng tăng nhanh những đổi mới công nghệ; những chiến lược theo chiều dọc thông qua việc từ chối cung cấp, bằng những trợ cấp chéo, những giá biểu cánh kéo (squeeze), v.v.
Giáp mặt với những người gia nhập tiềm tàng, các chiến lược đều có cùng một tính chất và nhằm dựng lên những rào cản. Tuy nhiên lí thuyết phân biệt những rào cản tự nhiên với những rào cản chiến lược. Những rào cản đầu gắn với những lợi thế cạnh tranh của các tác nhân đã có mặt trên một thị trường mà không có ý đồ chống cạnh tranh đặc biệt nào. Những lợi thế này bao gồm những lợi thế gắn với tính kinh tế theo qui mô, tính kinh tế theo tầm vóc hay những lợi thế có thể khác gắn với danh tiếng đã có. Ngược lại những rào cản chiến lược là những hành động tự nguyện với ý đồ loại trừ những đối thủ cạnh tranh bằng những răn đe đáng tin, như việc lắp đặt những khả năng sản xuất vượt trội, đầu tư quá mức vào quảng cáo, v.v. Ta ghi nhận rằng việc dựng lên những rào cản gia nhập cũng có thể là dựng lên những rào cản xuất ngành, như vậy nguy cơ đối với người gia nhập, nếu bị thất bại, nằm ở việc không thể xuất ngành mà không gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng (có những chi phí không thu hồi được) nhiều hơn là ở khó khăn gia nhập thị trường.

Doanh nghiệp: chiến lược và tổ chức

Michael Porter (1947-)
Được kinh tế học công nghiệp đề cập đến dưới góc độ tiêu cực của những hành vi chống cạnh tranh, chiến lược của các doanh nghiệp sẽ dần dần trở thành một chủ đề tích cực. Thật vậy, chiến lược thể hiện thành hành động cụ thể sự kích thích gia tăng lợi nhuận, động cơ thật sự của động thái cạnh tranh. Do đó phải phân biệt giữa những lợi nhuận tốt (thù lao của rủi ro và đổi mới) và những lợi nhuận xấu (tô độc quyền). Như vậy nhiều nghiên cứu sẽ hướng đến việc nhận diện những chiến lược thích hợp với việc tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Bằng cách này, kinh tế học công nghiệp đã bước vào một lĩnh vực cho đến nay được dành cho các khoa học quản lí: tiếp thị chiến lược. Hành trình tri thức của Michael Porter minh hoạ trào lưu chuyển dịch những bước đột phá lí thuyết của kinh tế học công nghiệp sang lĩnh vực riêng này của quản lí.
Như thế một trong những đóng góp không thể bác bỏ của kinh tế học công nghiệp là đã đưa lí thuyết trò chơi vào việc quan niệm chiến lược của doanh nghiệp. Không bằng những kết quả thực nghiện thu được, công cụ này giúp nắm bắt một cách cách điệu hoá và chặt chẽ những sự kiện cho phép đặt đúng vào một khung những khả năng hành động khác nhau và những hệ quả của những quyết định khi đứng trước một tình thế cạnh tranh nhất định. Những tình thế được hình thức hoá bằng những trò chơi lặp lại (trò chơi động) bộc lộ sự hình thành những cơ chế xung đột và hợp tác có thể được thiết lập trên các thị trường: thuật ngữ “tranh hợp” [coopétition] (rút ngắn của hợp tác [coopération] và tranh đua [compétition]) cũng tóm tắt tính chất hai mặt của những cân bằng chiến lược mà các doanh nghiệp tìm cách đạt đến.
Những phân tích và công cụ được huy động trong bối cảnh này chủ yếu lấy lại những chủ đề lớn của phân tích cạnh tranh: chính sách giá cả, phân biệt hoá, bảo hộ đối với việc gia nhập thị trường, v.v. Tuy nhiên, các công trình ít quan tâm đến việc đo những chênh lệch giữa những tình thế thị trường quan sát được với chuẩn của một cân bằng cạnh tranh lí thuyết bằng việc làm rõ chiến lược tốt nhất có thể cho một trong những tác nhân trên thị trường.
Việc đưa vào những mô hình lí thuyết nhiều giả thiết sát với thực tế hơn về những hành vi chiến lược và về những môi trường cạnh tranh được thể hiện bằng việc mất đi tính tổng quát của những kết quả. Nghiên cứu các trường hợp thực nghiệm (chuyên khảo) như thế hiện ra như một cách tốt để chọn lọc những giả thiết có thể chấp nhận được nhất về các hành vi cần hình thức hoá trong các mô hình. Như vậy, sau một đường vòng lí thuyết và một tích luỹ nhất quán những công cụ của kinh tế học vĩ mô, ta lại quay trở về với một nhận định giống với nhận định phổ biến cách đây khoảng nửa thế kỉ: những cơ chế thật sự của cạnh tranh chỉ có thể được xử lí tốt bằng một phân tích tinh vi những tình thế thực tế
Kinh tế học công nghiệp, bằng tất cả những công trình mới đây, đã biết khẳng định lại thiên hướng của một bộ môn trợ giúp các doanh nghiệp ra quyết định kinh tế. Như thế doanh nghiệp đã tìm lại được chỗ đứng của chính nó ở trung tâm của nền kinh tế thị trường. Thật vậy, suốt một thời gian dài, các nhà kinh tế đã xử lí doanh nghiệp như một hộp đen coi nhẹ cơ sở của những động cơ chiến lược và những nhân tố quyết định tổ chức bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Ronald Coase (1910-2013)
R. Coase trong bài viết gieo mầm của ông về bản chất của doanh nghiệp (1937) đã chỉ đúng vào sự cần thiết của một lí thuyết tổng quát bao gồm cả những cơ chế trao đổi trên các thị trường lẫn những cơ chế phối hợp trong nội bộ của các doanh nghiệp hay các tổ chức; những thể chế cuối này trong thực tế nằm ngoài những qui tắc thị trường. Tìm hiểu sự phối hợp giữa các tác nhân trong nội bộ một doanh nghiệp và những cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp do đó trở thành một chủ đề chính. Vấn đề là hiểu vì sao và bằng cách nào các tác nhân có thể đạt đến thoả thuận trong một khuôn khổ hợp tác. Như vậy lí thuyết những chi phí giao dịch xuất phát từ giả thiết là đối với các tác nhân các trao đổi trung chuyển trên một thị trường có những chi phí triển khai, phối hợp và tìm kiếm thông tin. Sự phối hợp các quyết định bằng thị trường như thế có thể tỏ ra ít hiệu quả bằng sự phối hợp bằng những dàn xếp hợp đồng đặc biệt. Trong những quan hệ giữa các công ti, những hợp đồng có thể đi từ quan hệ thị trường truyền thống (trao đổi thoáng qua) cho đến sự hợp nhất hoàn toàn, hay sự hợp nhất các đối tác của trao đổi, một tình thế dẫn đến sự biến mất của thị trường. Tuy nhiên bất kì hợp đồng nào cũng được thương thảo trong một bối cảnh bất trắc về tương lai và thông tin không đối xứng giữa các đối tác. Do đó phải tìm ra đồng thời những qui tắc hợp đồng bảo vệ tốt nhất các đối tác khỏi sự bất trắc và những qui tắc bảo vệ họ khỏi một hành vi có thể là cơ hội của một trong những đối tác. 
Lí thuyết động viên trong bối cảnh thông tin không đối xứng (lí thuyết người uỷ quyền-người đại diện) đã được huy động một cách logic để xử lí những vấn đề trên. Như thế những cơ chế lựa chọn nghịch và rủi ro đạo đức cho phép giải thích tốt hơn tính bội và tính đa dạng của những hình thức hợp đồng mà ta gặp trong đời sống kinh doanh thường ngày. Những nghiên cứu phong phú trong lĩnh vực này theo hai hướng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau: hoặc những nghiên cứu này tập trung vào việc xác định những hợp đồng tối ưu hay cân bằng đối với các tác nhân của trao đổi (lí thuyết động viên) hoặc quan tâm một cách cơ bản hơn đến sự hình thành của những hình thức tổ chức và thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho sự nổi lên của sự tin tưởng, nhân tố chính cho diễn tiến tốt đẹp của những quan hệ hợp đồng.

Hệ thống sản xuất: tính nhất quán và những động thái

Alfred Marshall (1842-1924)
Trong tác phẩm Những nguyên lí kinh tế chính trị học của ông, A. Marshall đã nhận diện những tính kinh tế bên ngoài được ông đối lập với những tính kinh tế bên trong của doanh nghiệp. Khái niệm tính kinh tế bên ngoài thật ra có hai thiên hướng. Một mặt vấn đề là giải thích rằng qui luật lợi tức giảm dần ở cấp độ mỗi doanh nghiệp dẫn đến việc giới hạn quy mô của doanh nghiệp có thể tương thích với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mặt khác phải giải thích những lí do thúc đẩy các doanh nghiệp chuyên môn hoá về cùng một nghề, do đó trực tiếp trở thành cạnh tranh nhau, tập hợp nhau lại trên cùng một lãnh thổ thay vì ở rải rác xa nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau này giữa các doanh nghiệp kéo theo là quyết định của mỗi tác nhân làm phát sinh những hiệu ứng mà doanh nghiệp không đưa vào trong những tính toán cá thể và riêng tư. Những tính kinh tế bên ngoài trực tiếp (hàng hoá) hay gián tiếp (phi hàng hoá) hay hiệu ứng ngoại lai được dùng để biện minh cho sự can thiệp của Nhà nước vào các hệ thống sản xuất dưới hình thức chính sách công nghiệp, chính sách khoa học và kĩ thuật, chính sách qui hoạch lãnh thổ, v.v. 
Mary P. Marshall (1850-1944)
Ngoài những cách tiếp cận chuyên khảo được thực hiện về nhiều hoạt động và ngành công nghiệp, đã có một sự lượng hoá có hệ thống những hiệu ứng ngoại lai trực tiếp này bằng việc phân tích những bảng đầu vào đầu ra của hệ thống tài khoản quốc gia (ma trận input-output của Leontief). Việc xử lí một cách thích hợp những bảng này (đặc biệt bằng kĩ thuật tam giác hoá) dẫn đến việc cách li những khu vực chuyển tải những hiệu ứng lôi cuốn mạnh nền kinh tế quốc gia, tính về mặt mua sắm đối với những khu vực ở thượng nguồn và hạ nguồn (tiêu dùng trung gian) cũng như tính về mặt việc làm hay phát tán những đổi mới. Dựa vững vàng trên những công trình này, ta có thể nhận diện những ngành sản xuất được định nghĩa như những ngành công nghiệp nối khớp nhau cả về mặt công nghệ, thị trường và vốn. Như thế nổi lên những khu vực trong đó Nhà nước có thể phát triển một chính sách công nghiệp tiến công (tối đa hoá những hiệu ứng lôi cuốn trong các ngành công nghiệp) thay vì tự bó mình trong những hành động thuần tuý phòng thủ (biện pháp đi kèm việc cơ cấu lại doanh nghiệp hay khu vực đang suy tàn).
Dù sao đi nữa, theo kinh nghiệm, rốt cuộc những cơ chế phát tán những đổi mới và tri thức đã tỏ ra cơ bản và hiệu quả hơn cho sự phát triển và tăng trưởng của các nền kinh tế hơn là những cơ chế phân phối trợ cấp hay kiểm soát công cộng các doanh nghiệp. Cuối cùng, những ngoại ứng (hiệu ứng gián tiếp phi hàng hoá) dường như có tính cấu trúc hoá hơn là những hiệu ứng ngoại lai trực tiếp. 
Wassily Leontief (1906-1999)
Trong một bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa những nền kinh tế quốc gia, các chính sách công nghiệp đặt ra vấn đề tính hiệu quả của những chính sách này về mặt phúc lợi tập thể. Những bố trí nhằm trợ cấp hào phóng những ngành hay doanh nghiệp trong một nền kinh tế có hiệu quả chăng khi những nước khác có thể cung cấp cùng những sản phẩm đó với một chi phí thấp hơn và không cần đến trợ cấp? Những công trình của các nhà kinh tế công nghiệp (xem P. Barbet, 1997) đã chứng minh là, khi có những hiệu ứng kinh tế qui mô và hiệu ứng tập huấn, thì những rào cản trao đổi có thể cho phép một nước cải thiện phúc lợi của mình và tỉ số mậu dịch trong sự phân công lao động quốc tế mà không bị ràng buộc phải tuân thủ những qui tắc của tự do mậu dịch gắn với học thuyết tự do kinh doanh. 
Những hiện tượng được làm rõ ở cấp độ quốc gia có thể quan sát được ở cấp độ dưới quốc gia mà không gặp phải khó khăn lớn nào về mặt quan niệm. Như thế, một số công trình kinh tế học công nghiệp đã làm phong phú thêm những nghiên cứu về kinh tế học không gian và kinh tế học vùng. Khái niệm quận công nghiệp, một vùng trong đó có sự hiệp đồng giữa những tác nhân hoạt động trong cùng một ngành hay trong những lĩnh vực gần nhau về mặt khả năng hay thị trường, đã cung cấp những cơ sở lí thuyết cho những hiện tượng tập trung trong không gian của các doanh nghiệp để lại dấu ấn trên địa lí và trong động thái của những không gian sản xuất: Silicon Valley là nguyên mẫu của hiện tượng này vào cuối thế kỉ XX.
Cuối cùng, ta gặp lại trong những phát triển gần đây của kinh tế học công nghiệp những phân tích mà tiền đề đã có mặt trong những công trình của A. Marshall, một tác giả đã tìm hiểu những lí do của việc nền công nghiệp dệt len Anh tập trung vào vùng Manchester vào cuối thế kỉ XIX.
Kinh tế học công nghiệp đã có một bước phát triển theo hàm mũ trong hai thập niên qua. Trong vài dòng trên chúng tôi đã trình bày một số những định hướng chính có tính cấu trúc của bộ môn này và đã không nêu được nhiều công trình và nghiên cứu chuyên sâu hơn. Chúng tôi chỉ có thể khuyến khích bạn đọc tham khảo một vài tác phẩm chọn lọc trong thư mục dưới đây. Như đã nhấn mạnh, bộ môn đã đóng góp vào việc đổi mới lí thuyết trong nhiều lĩnh vực rất đa dạng: kinh tế học về cạnh tranh và qui định, chiến lược doanh nghiệp, kinh tế học tổ chức, kinh tế học quốc tế, kinh tế học công cộng, v.v. Không nghi ngờ gì là tính dài dòng này đã làm thiệt cho một tính thuần nhất nhất định của bộ môn, đến độ một số tác giả nói đến một cuộc khủng hoảng về bản sắc. Chúng tôi nghĩ ngược lại rằng sự đa dạng tăng dần là dấu hiệu của một sự năng động về mặt quan niệm và lí thuyết biến kinh tế công nghiệp thành một bộ môn đa bộ môn nằm ở trung tâm của lí thuyết kinh tế, bảo đảm cho tính phong phú về mặt quan niệm, và do đó cho tương lai của bộ môn này.
ARENA R., BENZONI L, et al., Traité déconomie industrielle, Paris, Économica, 1988. CHEVALIER J. M., économie industrielle des stratégies dentreprises, Montchrestien, Domat économie, 1975. GLAIS M., Économie industrielle: les stratégies concurrentielles des firmes, Paris, Litec Économie, 1992. MORVAN Y., Fondements déconomie industrielle, Paris, Économica,Gestion, in lần thứ 2, 1991. TIROLE J., The Theory of Industrial Organization, MIT Press, 1988, bản dịch tiếng Pháp Théorie de lorganisation industrielle, Paris, Économica, Économie et statistiques avancées, 2.t., 1995.
Laurent BENZONI
Giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Độc quyền vài người; Đổi mới; Kinh tế thị trường; Marshall; Người uỷ quyền-người đại diện; Tính cạnh tranh; Thị trường tranh chấp được; Tô (tìm kiếm).
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001




[*] Conservatoire national des arts et métiers (Pháp).

Print Friendly and PDF