14.9.15

Trào lưu phi chính thống trong kinh tế học, một cơ may của nước Pháp

James Galbraith (1952-)
Trào lưu phi chính thống trong kinh tế học, một cơ may của nước Pháp
James Galbraith, tác giả của La Grande Crise: comment en sortir autrement[1] (Le Seuil, 2015), và giáo sư đại học Texas ở Austin (Hoa Kì) cung cấp cho Médiapart một bài biện hộ cho các nhà kinh tế phi chính thống mà sự công nhận có thể đặt nước Pháp vào “một vị thế tốt hơn vị thế của nhiều nước khác hiện nay”.
Vụ ám sát nhà kinh tế Bernard Maris gây chấn động và cướp đi của nước Pháp một khuôn mặt kinh tế đang ở đỉnh cao năng lực. Nhưng biến cố bi thảm này nhắc nhở thế giới rằng tại Pháp kinh tế học còn giữ được truyền thống về tính đa nguyên, độc đáo, phi chính thống và vì lợi ích chung. Thật vậy, các truyền thống này là một trong những điểm mạnh của đời sống hàn lâm Pháp và một trong những đặc trưng của tiếng nói nước Pháp trên trường quốc tế. Ngày nay, trong các đại học Pháp, có khoảng 600 nhà kinh tế phi chính thống, tức một phần tư các nhà kinh tế trong đại học.
Tuy nhiên, ở Pháp cũng như trong nhiều nước khác, tính đa dạng đang gặp nguy hiểm. Không chỉ trong kinh tế học mà cả trong nhiều bộ môn khác, các trào lưu đa số có khó khăn trong việc sống chung với các thiểu số phê phán. Sự va chạm giữa các hệ ý nhuốm màu sắc của bản năng đàn áp. Nói một cách nôm na hơn, cuộc tranh đua các học hàm làm cho mọi việc trầm trọng hơn: do số lượng học hàm có giới hạn nên tất yếu đây là một trò chơi tổng không: mọi học hàm mà những người ủng hộ hay sinh viên của một trào lưu giành được là một học hàm mất đi cho trào lưu khác.
Trong kinh tế học, trào lưu thống trị đã xác lập một cách có lợi cho mình một thứ bậc cứng nhắc những tập san khoa học, do chính mình chọn lựa. Những bài viết phi chính thống bị loại khỏi các tập san được xếp vào hàng đầu và mặt trái của tấm huân chương cũng thế: trong trường hợp tốt nhất, các tập san được xem là phi chính thống – keynesian, marxist, tiến hóa, nữ quyền hay “phê phán” – bị xếp cuối bảng, thậm chí bị loại ra khỏi bảng xếp hạng. Sau đó, việc xếp hạng tào lao này được dùng làm tiêu chí duy nhất để đánh giá thành tích hàn lâm. Để bài được đăng và để được thăng tiến, phải tự ép mình vào khuôn khổ, hay ít ra cũng làm như vẻ theo chính thống. Hành xử như vậy thì sự trung thực, đáng lí phải là cơ sở cho đời sống trí tuệ, đã bị hi sinh. Đó chính là điều mà các nhà phi chính thống từ chối.
Các vấn đề trên không đơn giản chỉ là một trò chơi tranh giành vị thế mà còn có những hậu quả trên thế giới thực tế. Những nhà kinh tế là những người có ảnh hưởng. Ý tưởng của họ có xu hướng lan ra ngoài nghề nghiệp của họ. Thật vậy, Keynes viết rằng: “Nói cho đúng, hầu như thế giới được hướng dẫn bởi những ý tưởng của các nhà kinh tế”. Trong thời kì trước cuộc đại khủng hoảng tài chính, lí thuyết thống trị (mainstream) bám vào những lí thuyết khẳng định rằng không thể nào xảy ra một tai họa như thế. Kể từ nay, họ cho rằng tất cả những gì đã xảy ra là không thể dự báo trước. Tuy nhiên, đã có nhiều tiếng nói từ nhiều truyền thống phi chính thống lên tiếng một cách xác đáng để tiên đoán vào chi tiết bằng cách nào những tai biến như thế xảy ra[2]. Sau này, trào lưu chính thống đã không đề xuất được mấy giải pháp và những cải cách phải tiến hành, trong lúc kiểu tranh luận những vấn đề này lại là động cơ của trào lưu phi chính thống.
Thế vậy mà thế giới kinh tế hàn lâm trong đa số các đại học ở Pháp, cũng như ở Hoa Kì và các nước khác, hoàn toàn khép kín trước nhu cầu rõ ràng về tính đa dạng, cởi mở và tái cấu trúc, nói cách khác nhu cầu glasnostperestroika. Trong sáu năm khủng hoảng, dù tìm ở đâu chăng nữa, không có bất kì ghế giáo sư nào trong một khoa kinh tế học chính thống được trao cho một nhà kinh tế phi chính thống. Thay vào đó, trào lưu phi chính thống vấp phải một nhóm khép kín những “người trong cuộc” (“insider”), với tiền sự đầy tai họa, tiếp tục tự phong mình như những tiếng nói duy nhất có thẩm quyền để nói cho thế giới với tư cách nhà kinh tế.
Chính vì tất cả những lí do trên mà các nhà kinh tế phi chính thống, ở Pháp, đòi hỏi thành lập một ban mới trong Hội đồng quốc gia các đại học để họ có thể có những đánh giá riêng công nhận các ứng viên vào chức vụ giáo sư và phó giáo sư. Các nhà phi chính thống Pháp mong muốn được độc lập trong việc đánh giá thành tích và quản lí sự nghiệp của các thành viên thuộc trào lưu họ – nói cách khác họ muốn tự nắm lấy vận mệnh của mình. Nếu đề nghị của họ được chấp nhận, Pháp có thể ở vào một vị thế tốt hơn vị thế của nhiều nước khác hiện nay, như Hoa Kì, đất nước mà trào lưu phi chính thống chỉ còn hiện diện trong vài trường về chính sách công hay trong những năm đầu của bậc đại học. Thật vậy, một cải cách như thế sẽ cho phép trào lưu phi chính thống Pháp khai thác sâu hơn nữa tiềm năng của mình và đạt đến những đỉnh cao mới.
Phản ứng của các nhà kinh tế thuộc trào lưu thống trị – trong số đó hẳn là có Philippe Aghion (Harvard) và Jean Tirole (Trường kinh tế Toulouse) – chủ yếu chống lại đề nghị trên bằng sự can thiệp trực tiếp với các cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Theo chúng tôi được biết, cốt lõi luận chứng của họ là đáng giá rằng 600 nhà kinh tế phi chính thống của Pháp, xét về mặt thành tích khoa học, đều nằm ở cuối bảng xếp hạng trong giới kinh tế. Trong số 600 nhà kinh tế nam/nữ này, không ai có giá trị cả.
Phản ứng này, cho dù có tính phỉ báng và xúc phạm, rất có tính hiển lộ. Bất kì nhà thống kê nào cũng sẽ nói với bạn rằng thành tích hàn lâm (bất luận cách đo thành tích này là như thế nào đi nữa) được phân phối theo đường hình chuông: một số sẽ nằm gần đỉnh và một số khác ở gần chân chuông nhưng duy chi vài trường hợp ngoại lệ mới nằm ở hai thái cực này. Trung bình của các nhà phi chính thống có thể, hoặc không, giống với trung bình của các nhà chính thống. Nhưng trong mọi trường hợp, các điểm sẽ được phân phối xung quanh điểm trung bình cho bất kì kiểu nhà kinh tế nào.
Do đó, không thể tưởng tượng được rằng tất cả 600 nhà kinh tế phi chính thống Pháp lại tồi tệ hơn 1800 đồng nghiệp của họ thuộc trào lưu thống trị. Và cho dù khoảng cách giữa những giá trị trung bình lớn đến bao nhiêu – nếu tồn tại một khoảng cách như thế, một điều còn phải chứng minh – thì chắc chắn là có một số lớn những nhà kinh tế phi chính thống hàng đầu mà phẩm chất (nếu được đo một cách trung thực) sẽ vượt hẳn phẩm chất của những nhà kinh tế làng nhàng thuộc trào lưu chính thống.  
Các giáo sư bảo vệ luận chứng không đủ chất lượng trong các công trình nghiên cứu của những nhà kinh tế phi chính thống, như vậy đã chứng minh sự bất tài của mình trong một vấn đề thiết yếu cho mọi nhà kinh tế, tức là việc hiểu những nguyên lí sơ đẳng của xác suất và thống kê. Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi sau: nếu những thành viên lừng lẫy nhất của mainstream – theo chính hệ thống xếp hạng của họ – nêu được những lập luận yếu kém đến thế và ngay cả, xin đừng ngại dùng đúng từ là bất tài, thì làm sao họ có thể đòi có được bất kì sự ưu việt trí tuệ nào trên toàn bộ truyền thống phi chính thống Pháp?
Hiển nhiên rằng điều này là không thể. Hiển nhiên rằng trào lưu phi chính thống Pháp có quyền tự mình đánh giá mình, và được giải phóng khỏi cái ách của một đa số thù nghịch với họ.
James Galbraith
Bản dịch tiếng Pháp của Gilles Raveaud, phó giáo sư đại học Paris & Saint-Denis và Bruno Tinel, phó giáo sư đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “L’hétérodoxie, une chance pour la France”, Médiapart, 24 février 2015.




[1] Đây là bản dịch tiếng Pháp của nguyên tác “The End of Normal: The Great Crisis and the Future of Growth” (ND).

[2] Có thể tham khảo “Nhưng những nhà kinh tế học đó, họ là ai?” trên trang này (ND).

Print Friendly and PDF