19.5.15

Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung



Jean–Baptiste Say (1767–1832)

Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung

Jean–Baptiste Say cho rằng cung tạo ra cầu riêng của chính nó. Một quan niệm đã gây ra, và sẽ còn gây ra nhiều tranh luận nữa.
giáo sư đầu tiên ở Pháp của bộ môn kinh tế học chính trị, Jean–Baptiste Say (1767–1832), trong phần lớn thế kỷ XIX, là nhà kinh tế học nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của nước Pháp. Là giảng viên và nhà văn, Say còn là một chính trị gia và doanh nhân, điều không phải phổ biến ở các nhà kinh tế học. Gần gũi với nhóm Girondins trong cuộc Cách mạng Pháp, ông ủng hộ cuộc đảo chính Bonaparte, nhưng từ chối việc đăng quang của Hoàng đế Napoleon.
Từ góc nhìn con người và xã hội, ông xây cho mình một tầm nhìn định hướng những bài viết và hành động của ông. Tầm nhìn đó là tầm nhìn của cái gọi là nhóm những "nhà tư tưởng", triết gia và nhà tư tưởng chính trị tự do, những người đóng một vai trò quan trọng vào đầu thế kỷ XIX. Trong nhóm đó có thể kể đến Destutt Tracy, Cabanis, và Volney Daunou.
Chủ nghĩa tự do của họ, lấy cảm hứng từ Smith, mà họ đã phổ biến các luận đề[1], không mang tính cực đoan. Vai trò của Nhà nước nên được hạn chế, trước tiên trong lĩnh vực kinh tế, nhưng vẫn cần thiết để duy trì một sự gắn kết xã hội luôn bị đe dọa bởi những xung đột lợi ích. Say tin rằng con người được thúc đẩy bởi tính kiêu căng và lợi ích cá nhân, nhưng lại thường không thấy được lợi ích đó ở đâu. Từ đó nảy sinh sự cần thiết phải có một ​​công luận khai sáng để kiểm tra nhà cầm quyền.

Một kinh tế học tự chủ

Sự hình thành một công luận khai sáng qua cải cách giáo dục công cộng được sự tham gia chặt chẽ của các “nhà tư tưởng”. Các ngành khoa học đạo đức và chính trị phải chiếm vị trí hàng đầu trong công cuộc hoàn thiện bản chất con người và xã hội. Phát triển kinh tế là một điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội, và để đạt được điều này, việc phổ biến kiến thức về những quy luật của kinh tế học chính trị là điều thiết yếu. Say dạy học và viết sách không phải cho các chuyên gia, mà là cho cộng đồng dân chúng, đặc biệt cho những người mà ông gọi là "tầng lớp trung lưu". Những cuốn sách của ông là sách giáo khoa, một số trong đó thậm chí được viết dưới hình thức sách giáo lý.
Say là một trong những người đầu tiên tuyên bố nguyên tắc tự chủ của khoa học kinh tế đối với các khoa học nhân văn khác, đặc biệt là khoa học chính trị, mà mục đích là tổ chức xã hội. Kinh tế học chính trị nghiên cứu sự hình thành, phân phối và tiêu thụ của cải. Đối với Say, những định luật liên quan đến sự giàu có mang tính độc lập với tổ chức chính trị. Tầm nhìn đó, vào cuối thế kỷ XIX, dẫn đến việc thay đổi thuật ngữ kinh tế học chính trị thành kinh tế học (tiếng Anh, political economy bằng economics).
Kinh tế học chính trị là một khoa học thực nghiệm, dựa trên việc quan sát các sự kiện, cũng giống như các ngành khoa học nghiên cứu thế giới vật lí. Tuy nhiên, Say phản đối việc áp dụng toán học vào kinh tế học chính trị, cũng như việc sử dụng các lập luận trừu tượng, như trong các tác phẩm của Quesnay hoặc của Ricardo. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ này, nhiều nhà kinh tế học bắt đầu đi theo hướng bị Say lên án. Nhưng, sự lên án đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự thù địch được duy trì lâu dài bởi các nhà kinh tế học Pháp đối với kinh tế toán.
Là người ngưỡng mộ Smith, người đã dẫn nhập ông vào kinh tế học, Say vẫn coi các tác phẩm của Smith là lộn xộn, thiếu chặt chẽ và thường sai lầm. Khi bác bỏ một số luận đề chính của ông ấy, ông báo trước lý thuyết tân cổ điển, cái thuyết sẽ thắng thế trong thế kỷ XX. Điều đó bắt đầu với lý thuyết về giá trị, trong đó Say thay thế nền tảng lao động bằng lợi ích. Sự khác biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi không còn có ý nghĩa đối với ông. Từ đó, Say bác bỏ sự phân biệt của Smith giữa lao động sản xuất và lao động phi sản xuất. Mọi lao động mà dẫn đến một lợi ích đều có tính sản xuất, bất luận bản chất, hữu hình hay vô hình, của sản phẩm. Như vậy, hoạt động thương mại hay tài chính cũng như lao động khoa học cũng có tính sản xuất như lao động của người nông dân hay của người công nhân.
Lao động – cái mà Say gọi là sự khéo léo – không phải là nguồn duy nhất tạo ra giá trị, trái với tầm nhìn của Smith. Mọi của cải, chuyển tải lợi ích, đều là kết quả của sự kết hợp của cái mà Say gọi là dịch vụ sản xuất kinh doanh – lao động, vốn và các tác nhân tự nhiên. Một nhân vật mới, doanh nhân, có chức năng kết hợp các dịch vụ sản xuất kinh doanh đó để tạo ra sản phẩm, vật chất hay phi vật chất, trên thị trường. Giá trị được trao đổi của sản phẩm đó là kết quả đối chiếu giữa cung và cầu sản phẩm, cầu do nhu cầu của người mua xác định.
Tương tự, giá trị của dịch vụ sản xuất kinh doanh – tiền lương trả cho lao động, tiền lãi trả cho tư bản, tiền thuê đất hay thuê nhà trả các tác nhân tự nhiên – được xác định bởi cung và cầu. Giá cả và thu nhập được xác định đồng thời trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế được coi là một tập hợp những cá nhân có cung và cầu. Những tầng lớp xã hội, với lợi ích xung đột, biến mất.
Bảy mươi năm sau, Léon Walras diễn dịch theo toán học tầm nhìn đó bằng mô hình cân bằng chung mà sự phát triển của nó sẽ là một phần quan trọng của kinh tế học trong thế kỷ XX với những công trình nhận được nhiều "giải thưởng tưởng nhớ Alfred Nobel của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển.”

Định luật tiêu trường

Định luật luật tiêu trường là di sản nổi tiếng nhất của Jean–Baptiste Say. Người ta còn gọi đó là Định luật Say và, tiếng Anh, Định luật thị trường của Say. Vào thời của Say, người ta lý giải các cuộc khủng hoảng do sự khan hiếm tiền tệ. Một số người cho rằng chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu của người giàu, là điều rất cần cho sự thịnh vượng. Say phát triển lý thuyết của ông dựa trên quan điểm chống lại suy nghĩ đó. Cụ thể, ông dựa vào một khái niệm đặc biệt xem tiền tệ như là một "cỗ xe giá trị." Tiền tệ không được mong ước vì chính nó; nó chỉ được sử dụng để giúp cho sản phẩm lưu thông. Người ta lao động không phải vì tiền, mà là vì hàng hoá, trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng cách sản xuất ra những hàng hoá khác.
Do tiền có được từ việc bán sản phẩm được sử dụng để mua lại các sản phẩm khác, Say kết luận rằng "sản xuất mở cửa thị trường cho sản phẩm" (Traité, trang 138, xem mục "để tìm hiểu thêm"). Đó là một trong nhiều báo cáo của định luật này, trong đó công thức phổ biến nhất là "cung tạo ra cầu của chính nó." Điều đó có nghĩa là, trong một nền kinh tế, không thể có sản xuất dư thừa. Say không phủ nhận sự tồn tại của những cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng ông quy trách nhiệm của điều này cho những mất cân bằng cục bộ (của các ngành – ND) và cho những sự can thiệp yếu kém của Nhà nước và của các ngân hàng. Sự thịnh vượng của một quốc gia không đến từ sự kích thích tiêu dùng, mà là từ sản xuất.
Có những dấu vết về một quan niệm như thế trước Say, trong đó có một số nằm trong các tác phẩm trước của Smith. Nó đã xuất hiện kín đáo và một cách mơ hồ năm 1803 trong lần xuất bản đầu tiên của Chuyên luận về kinh tế học chính trị. James Mill trình bày tinh tế hơn quan niệm này trong cuốn Commerce Defended (Bảo hộ thương mại), năm 1808, trước khi chính bản thân Say phát triển nó trong những lần tái bản liên tiếp của cuốn Traité khi cuộc tranh luận mà nó khơi lên ngày càng gay gắt. Cuộc tranh luận này gắn chặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế mà người ta tìm cách lý giải và phòng ngừa.
Định luật Say đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau và dẫn đến nhiều cuộc tranh luận dữ dội cho đến ngày nay. Ricardo và những người theo ông đã ủng hộ định luật này, mặc dù họ bác bỏ khái niệm giá trị và phân phối của Say. Malthus và Sismondi tại thời điểm đó là những đối thủ cương quyết chống nó. Vào cuối thế kỷ XIX, Walras trình bày lại một cách tinh vi và phức tạp hơn quan điểm ấy trong lúc Marx lại bác bỏ nó. Vào thế kỷ XX, Keynes là đối thủ nổi tiếng nhất của định luật. Khi trao cho tiền tệ một vai trò tích cực hơn, một tiền tệ được mong muốn vì chính bản thân nó, các nhà phê phán định luật Say bác bỏ ý tưởng cho rằng một khi một sản phẩm được bán ra thì tự động sẽ có một sản phẩm khác được mua vào, và mọi khoản tiết kiệm sẽ được chuyển thành khoản đầu tư. Ngược lại, theo các phê phán này, tiết kiệm và tích trữ có thể trở thành rào cản kiềm hãm sản xuất, và không tự động tạo ra thị trường. Keynes, cũng như Malthus trước ông, coi việc phải có trước một cầu thực tế là điều cần thiết để thúc đẩy sản xuất và đảm bảo toàn dụng lao động.
Trong số các nhà phê bình học thuyết Keynes, nhiều nhất kể từ cuối những năm 1970, các nhà kinh tế học trọng cung đã rõ rệt đối lập nguyên lí ưu tiên cho cầu với cách nhìn của Say. Cuộc tranh luận này còn lâu mới chấm dứt: nó luôn là trung tâm của những vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế đương đại.

Jean-Baptiste Say qua vài năm tháng

1767: sinh ra ở Lyon, trong một gia đình theo đạo Tin Lành.
1782: sau khi cơ nghiệp của người cha thất bại, ông bắt đầu đi làm cho một văn phòng kinh doanh thương mại ở Paris.
1785: nhân viên văn phòng ở Anh trong hai năm.
1787: làm việc cho một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Paris. Ông đọc tác phẩm Richesse des nations (Sự giàu có của các quốc gia) của Adam Smith.
1789: làm việc ở tòa báo Courrier de Provence, Mirabeau.
1792: tình nguyện đi quân đội.
1793: cùng với những cộng tác viên khác, ông thành lập tổ chức Le décade philosophique, littéraire et politique (Thập kỷ triết học, văn học và chính trị), cơ quan của những nhà tư tưởng.
1799: Say, giống như các nhà tư tưởng khác, ủng hộ cuộc đảo chính 18 Brumaire (ngày 09 tháng 11), theo đó Napoleon Bonaparte lật đổ chế độ đốc chính (Directoire), chính phủ cuối cùng từ cuộc cách mạng, và thiết lập chế độ tổng tài (Consulat), bước đệm cho chế độ đế chế. Cùng với những nhà tư tưởng khác, ông tham gia vào viện dự luật (Tribunat), cơ quan quốc hội theo hiến pháp mới.
1800: tác phẩm Olbie ou Essai sur les moyens d’améliorer les mœurs d’une nation (Olbie hay tiểu luận về những phương tiện để cải thiện tập quán của một quốc gia).
1803: tác phẩm Traité d’économie politique (Chuyên luận về kinh tế học chính trị).
1804: phản đối việc Napoleon tổng tài đầu tiên tuyên bố làm hoàng đế vào ngày 18, Say được loại bỏ khỏi viện dự luật (Tribunat) và cấm xuất bản sách báo.
1806-1812: ông thành lập và điều hành một nhà máy bông ở Auchy, Pas-de-Calais.
1814: sau sự phục hồi của chế độ quân chủ, tiếp sau sự thoái vị của Napoleon, ông được chính phủ lâm thời giao nhiệm vụ thu thập thông tin ở Anh. Ông đã gặp Mill, Ricardo, Malthus và Bentham.
1815: tác phẩm De l’Angleterre et des Anglais. Catéchisme d’économie politique (Từ nước Anh và người Anh. Giáo lý kinh tế học chính trị).
1816: Ông giảng kinh tế học chính trị ở trường Athénée Royal ở Paris.
1817: tác phẩm Petit volume contenant quelques aperçus des hommes et de la société (Một tập nhỏ với vài cái nhìn thoáng qua về con người và xã hội). 

1819: thành lập cho Say một ghế giáo sư kinh tế học công nghiệp ở Học viện Nghệ thuật và Nghề nghiệp.
   1820: tác phẩm Lettres à M. Malthus (Những bức thư gửi cho ông Malthus).
   1828-1829: tác phẩm Cours complet d’économie politique pratique (Toàn bộ giáo trình về kinh tế học chính trị thực hành).
   1831: sau cuộc Cách mạng Tháng bảy, người ta thành lập cho Say một ghế giáo sư kinh tế học chính trị ở trường College de France.
   1832: qua đời ở Paris.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Jean-Baptiste Say
   Traité d’économie politique (Chuyên luận về kinh tế học chính trị), Calmann-Lévy, 1972.
   Cours d’économie politique et autres essais (Giáo trình kinh tế học chính trị và các tiểu luận khác), coll. GF, Flammarion, 1996.
   “Manuscrits sur la monnaie, la banque et la finance (1767-1832)” (Bản thảo về tiền tệ, ngân hàng và tài chính), In Cahiers Monnaie et Financement, Université Lumière-Lyon 2, 1995.
Những tác phẩm viết về Jean-Baptiste Say
   La “loi de Say” sera-t-elle enfin rejetée? Une nouvelle approche de la surproduction (Định luật Say cuối cùng có bị bác bỏ không? Một cách tiếp cận mới về sản xuất thừa), par Henri Denis, Economica, 1999.
   La loi de Say (Định luật Say), par Thomas Sowell, Litec, 1991.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Say,pionnier de l'économie de l'offre” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012



[1] Xem bài “Adam Smith, moins libéral qu'il n'y paraît”(Adam Smith, ít tự do hơn người ta nghĩ), page 102.

Print Friendly and PDF