24.9.15

Đại học Stanford tuyển các siêu sao về kinh tế học như thế nào



Đại học Stanford tuyển các siêu sao về kinh tế học như thế nào
Trọng tâm của lực hấp dẫn về tư tưởng kinh tế ở Hoa Kỳ từ lâu đã được tìm thấy nằm dọc theo hai dặm ở Cambridge, Massachusetts, chạy dài giữa Đại học Harvard và trường M.I.T. Nhưng đã có một sự cạnh tranh mới về danh hiệu đó, và nó ở khá xa về phía Tây.
Đại học Stanford đã thu hút một đội hình toàn sao các nhà kinh tế học đến Palo Alto, California, trong vài năm gần đây – và đánh bật Đại học Harvard và trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) trong nỗ lực lôi kéo các nhà kinh tế học của Đại học Stanford.
Alvin E. Roth (1951-)
Những giáo sư mới được tuyển vào Đại học Stanford có một người đoạt giải Nobel – Alvin E. Roth, trước đây là người của Đại học Harvard – nhưng sự thay đổi đáng chú ý nhất là các nhà kinh tế học trẻ tuổi hàng đầu. Trong số 11 người nhận được Huy chương John Bates Clark cho danh hiệu nhà kinh tế học giỏi nhất dưới 40 tuổi kể từ năm 2000, thì đã có bốn người hiện ở Đại học Stanford, nhiều hơn bất kỳ trường đại học nào khác. Hai người trong số đó vừa mới gia nhập trong một vài tháng gần đây: Raj Chetty, nhà nghiên cứu về bất bình đẳng, từ Đại học Harvard, và Matthew Gentzkow, người đã rời Đại học Chicago.
Thành công của Đại học Stanford với các nhà kinh tế học là một phần của một chiến dịch rộng lớn để khẳng định mình như là trường đại học hàng đầu của đất nước. Nỗ lực ấy kết hợp danh hiệu là trường đại học “IT” của quốc gia — hiện nay với tỷ lệ tuyển sinh đại học thấp nhất, và vị trí thứ hai sau Đại học Harvard về khả năng huy động vốn lớn nhất — gần với nhiều công ty năng động nhất thế giới. Cuộc chiến với các trường đại học ở phía Đông lặp lại cuộc chiến trong các ngành nghề khác, trong đó các công ty đã được thành lập lâu năm, bất luận là các khách sạn hay nhà sản xuất ô tô, đang bị thách thức bởi đồng tiền và tinh thần doanh nhân của Silicon Valley.
Và điều ấy cũng phản ánh một sự thay đổi rộng lớn hơn trong nghiên cứu về kinh tế học, trong đó những công trình tiên tiến nhất ngày càng ít phụ thuộc vào một cá nhân học giả thông thái phát triển những lý thuyết toán học, mà phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng nghiền ngẫm một lượng lớn dữ liệu để hiểu được nhiều chủ đề đa dạng, như vấn đề thu nhập khác nhau như thế nào giữa các xã hội và các ngành nghề tự tổ chức như thế nào.
Tyler Cowen (1962-)
"Ai lại không muốn ở nơi mà tương lai của thế giới đang được hình thành?" Tyler Cowen, một nhà kinh tế học tại Đại học George Mason (và là cộng tác viên thường xuyên của tờ The New York Times), người thường xuyên viết blog về các xu hướng trong kinh tế học hàn lâm, cho biết. Ông nói, Khoa kinh tế học của Đại học Stanford "rất phấn khích về điều đó, điều mà Đại học Boston và Đại học Cambridge không thể tiếp cận”.
Về kinh tế học, Đại học Stanford thường chỉ xếp sau Đại học Harvard, trường MIT, Đại học Princeton và Đại học Chicago, theo một khảo sát gần đây nhất của US News & World Report về xếp hạng các trường đại học, được tiến hành vào năm 2013, và theo các tính toán về số các học giả của khoa được thường xuyên viện dẫn nhất trong các tài liệu học thuật. Điều đó có thể thay đổi. Trong bốn năm qua, Đại học Stanford đã tăng số lượng các giảng viên cấp cao lên 25%, và 11 học giả với tiền lương lũy tích hàng triệu đô la hoặc đã được tuyển từ các chương trình học thuật hàng đầu khác hoặc đã cưỡng lại nỗ lực săn đón đầu người từ các chương trình ấy.
Janet L. Yellen (1946-)
Điều đó nói lên rằng, danh tiếng của Đại học Stanford trong tương lai có thể ít phụ thuộc vào một vài tên tuổi lớn được tuyển dụng hơn là vào khả năng đào tạo các vị tiến sĩ mà công trình nghiên cứu của họ hoặc được viện dẫn rộng rãi và định hình lại các cuộc tranh luận kinh tế quan trọng, hoặc họ trở thành những nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng, tư vấn cho các tổng thống và lãnh đạo các ngân hàng trung ương. Mười người sau cùng từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, tất cả đều có bằng tiến sĩ (Ph.D) hoặc của Đại học Harvard hoặc của trường MIT (người cuối cùng không xuất thân từ hai “lò” đó là Janet L. Yellen, thôi việc vào năm 1999, và đã nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Yale). Trong số các nhà tiến sĩ kinh tế học, từng có ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, có Ben S. Bernanke, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ; Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu; Olivier Blanchard, kinh tế trưởng sắp nghỉ hưu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế; và Stanley Fischer, phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tất cả đã đều học tại trường MIT.
David Laibson (1966-)
Người ta không ngạc nhiên khi những ai thuộc các chương trình East Coast (bờ biển phía Đông) hàng đầu xem vai trò lãnh đạo trí tuệ của hai Đại học bang Massachusetts là vẫn an toàn. "Sự quan tâm sâu sắc của Đại học Stanford trong việc tuyển dụng các giảng viên của Đại học Harvard là một minh chứng cho sức mạnh của chúng tôi", David Laibson, trưởng khoa kinh tế học thuộc Đại học Harvard, cho biết. "Chúng tôi có một mục tiêu lớn bởi vì nhiều học giả say mê nhất, sáng tạo nhất, và đổi mới nhất trên thế giới là giảng viên của chúng tôi, và Đại học Stanford đang mời gọi một số họ một cách chính đáng”. Ông lưu ý rằng khoa của ông có rất nhiều chương trình hợp tác với các trường khác tại Đại học Harvard, và rằng trường MIT lân cận và tổ chức Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia tập trung sâu vào tư duy kinh tế, và ông cho biết khoa đang đẩy mạnh công tác tuyển dụng.
Roland G. Fryer Jr. (1977-)
Nhưng sự thành công trong công tác tuyển dụng của Đại học Stanford gần đây cho thấy một cái gì đó rộng lớn hơn trong cách giới kinh tế học đang thay đổi. Chuyên môn của những người mới tuyển là đa dạng, nhưng tất cả họ đều là những ví dụ về sự vươn lên của kinh tế học, chuyển từ mô hình hóa mang tính lý thuyết sang hướng tới một "kinh tế học vi mô thực nghiệm”, phân tích sự vật vận hành như thế nào trong thế giới thực, thường dàn xếp những thí nghiệm phức tạp hoặc khai thác những tập hợp dữ liệu lớn. Kiểu công việc ấy đòi hỏi rất nhiều nhà trợ lý nghiên cứu, phối hợp với nhiều bộ môn bao gồm những lĩnh vực như xã hội học và khoa học máy tính, và sử dụng những kỹ thuật tính toán tiên tiến, chưa hề sẵn có cho thế hệ trước đây.
Esther Duflo (1972-)
Xu hướng này được thể hiện rõ qua các khoa kinh tế học hàng đầu — các định chế truyền thống có ảnh hưởng có rất nhiều học giả đang làm những công trình nghiên cứu theo hướng trên, trong đó có thể kể công trình của Esther Duflo tại trường MIT về cách thức thử nghiệm các chính sách để giải quyết tình trạng đói nghèo toàn cầu và công trình của Roland G. Fryer Jr. tại Đại học Harvard về gốc rễ của sự bất bình đẳng chủng tộc. Nhưng những học giả mới ký hợp đồng với Đại học Stanford đã mô tả đại học này là đặc biệt phù hợp cho công tác nghiên cứu theo xu hướng trên, kết hợp với không gian phòng thí nghiệm, có ngân sách dồi dào hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và gần với những tài năng kỹ thuật.
"Tôi rất hạnh phúc khi ở Đại học Chicago, nhưng tôi thấy như có một cảm giác kích động và thực sự xây dựng một điều gì đó ở Đại học Stanford”, ông Gentzkow nói. "Đại học Stanford ngày nay đang ở một vị trí thực sự vững vàng, có rất nhiều nguồn lực, và có vẻ rất cam kết trong việc sử dụng những nguồn lực ấy để đẩy lùi các ranh giới của kinh tế học”.
John W. Etchemendy (1952-)
Những người mới được tuyển gần đây cho biết gói thù lao của họ cũng tương tự như ở các trường đại học cũ, thế nhưng trong một số trường hợp, ngân sách dành cho nghiên cứu thì rộng rãi hơn. Hiệu trưởng John W. Etchemendy lập luận rằng công tác tuyển dụng của trường đại học hưởng lợi từ quan hệ liên phòng ban khi các nhà kinh tế học chia sẻ ý tưởng và nguồn lực, ví dụ, với các khoa khoa học máy tính và thống kê.
Ông Roth, người đã gia nhập Đại học Stanford từ Đại học Harvard vào năm 2012, viện dẫn công trình cấy ghép thận của chính ông như là một ví dụ. Ông đã nỗ lực để xây dựng một hệ thống "trao đổi kép", qua đó những người không thể hiến thận cho người thân vì lý do nhóm máu không phù hợp, vì kháng nguyên hay vì kháng thể, thì có thể hiến thận cho một người nhận là người phù hợp và có một người sẵn sàng và có khả năng hiến tặng thận cho một người nhận khác. Ông cộng tác với các đồng nghiệp từ các trường y khoa và kỹ thuật. "Điều này được tính toán rất phức tạp", ông nói.
Trong khi đó, ông Chetty lại thấy những lợi ích trong việc tập trung những nghiên cứu có sử dụng Big Data (dữ liệu lớn), những tập hợp nghiên cứu rộng lớn khó sưu tập tài liệu và khó phân tích. Ví dụ, công trình của ông xem xét liệu phẩm chất của một bảo mẫu trường mẫu giáo sau này có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống và thu nhập của một người hay không.
Matthew Gentzkow (1975-)
"Sức thu hút của Bay Area (vùng Vịnh) chỉ đơn giản là tại đây có những cơ hội lý thú với những dữ liệu và phương pháp và học máy”, ông nói. Và loại công việc đó đòi hỏi một không gian phòng thí nghiệm gần giống với những gì cần thiết trong các ngành khoa học cứng – một thực tế mà Đại học Stanford đã khai thác.
Chưa rõ là liệu các chòm sao kinh tế tại Đại học Stanford chung quy có trở thành kiểu trường phái tư tưởng chặt chẽ đã từng gặt hái thành công tại một số trường đại học lớn khác hay không.
Trường phái Chicago, mang dấu ấn sâu đậm của nhà trí thức Milton Friedman, là trường phái đi đầu về tư tưởng tân cổ điển, nhấn mạnh đến tính hiệu quả của thị trường và những rủi ro của sự can thiệp của chính phủ. Khoa kinh tế học của trường MIT có một tiếng tăm lâu đời về tư tưởng kinh tế theo truyền thống của Keynes, và đã sản sinh ra nhiều nhà hoạch định chính sách hàng đầu, dẫn dắt nền kinh tế thế giới qua nhiều năm song gió gần đây.
B. Douglas Bernheim (1958-)
"Không có một trường phái tư tưởng Stanford”, B. Douglas Bernheim, trưởng khoa kinh tế học của Đại học Stanford, cho biết. "Đây không phải là một nơi mang tính giáo điều. Nói chung học thuyết thường kéo theo việc đơn giản hóa, và chúng ta ngày càng nhận ra rằng những vấn đề xã hội mà chúng ta đang cố hình dung là những vấn đề mang tính phức tạp phi thường. Sự đồng thuận tại Đại học Stanford tập trung xung quanh ý tưởng cho rằng cần phải cởi mở với rất nhiều cách tiếp cận và cách suy nghĩ về sự vật, và cần phải đưa ra, một cách rất chặt chẽ, thấu đáo và cẩn thận, những tiêu chuẩn cao nhất liên quan đến những nghiên cứu của bạn”.
Nói cách khác, tập trung ít hơn vào những kết luận cụ thể mà một học giả cần đạt được, và nhiều hơn về cách thức để đạt được điều đó.
Raj Chetty (1979_)
"Ý của tôi là đây là một sự phát triển tốt cho kinh tế học”, ông Chetty nói. "Tôi nghĩ Đại học Stanford đang trở thành một khoa lớn khác làm công việc ấy ở trình độ của Đại học Harvard và trường MIT, đó là một ví dụ về kinh tế học đã trở thành một lĩnh vực sâu sắc. Đó là một điều tuyệt vời cho tất cả các trường đại họcTôi không nghĩ đó là trò chơi có tổng bằng không".
Và trong công tác tuyển dụng gần đây, Đại học Stanford có thể đã có một vũ khí bí mật, đến từ trên trời. "Ngay cả thời tiết cũng hợp tác với chúng tôi trong năm nay”, ông Bernheim nói. "Gần 3m tuyết ở Boston trong mùa đông vừa qua đã không thể gây hại đến công tác tuyển dụng”.
Neil Irwin
Neil Irwin là phóng viên cao cấp về kinh tế học cho tờ The New York Times, nơi ông viết cho The Upshot, một trang web của tờ Times về phân tích chính trị, kinh tế học và những chủ đề khác. Ông là tác giả của cuốn "The Alchemists: Three Central Bankers and a World on Fire", viết về những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, được Penguin Press xuất bản vào năm 2013.
Trước đây, ông Irwin là cây bút bình luận của tờ Washington Post và là một biên tập viên về kinh tế học của trang web Wonkblog. Là một phóng viên có tin đăng đầu tiên về kinh tế học và Cục dự trữ liên bang Mỹ, ông lãnh đạo việc đưa tin của tờ Post về cuộc khủng hoảng tài chính và phản ứng của chính phủ với cuộc khủng hoảng đó.
Ông Irwin đỗ bằng MBA tại Đại học Columbia, nơi ông là nghiên cứu viên của Knight-Bagehot về Kinh tế học và Báo chí về Kinh doanh, và học đại học tại trường St. Mary’s College of Maryland. Ông thường xuất hiện trên đài truyền hình phân tích các chủ đề về kinh tế học, kể cả trên các đài "PBS NewsHour" và CNBC.
Neil Irwin
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “How Standford Took on The Giants of Economics”, The New York Times, Sep. 10, 2015
Print Friendly and PDF