6.12.24

Mãnh lực của Ý tưởng: Di sản của Serge Moscovici

MÃNH LỰC CỦA Ý TƯỞNG: DI SẢN CỦA SERGE MOSCOVICI

Tác giả: Sandra Jovchelovitch

Serge Moscovici (1925-2014)

1 Lý thuyết của Moscovici về các ý tưởng được định hình một cách toàn diện trong cuốn Tâm phân học, Hình ảnh và Công chúng |Psychoanalysis, Its Image and Its Public| (Moscovici, 2008), mặc dù chúng ta cũng có thể thấy điều đó rất rõ trong lý thuyết của ông về sự ảnh hưởng của nhóm thiểu số |minority influence| (Moscovici, 1976). Trong nghiên cứu của mình về tâm phân học, Moscovici bắt đầu nghiên cứu cách tâm phân học xâm nhập vào công chúng và trở thành một nhân tố văn hóa. Ở đó, ông nghiên cứu việc một tập hợp các ý tưởng, giả định và cách thực hành di chuyển như thế nào vào lĩnh vực xã hội và được biến đổi khi gặp gỡ với số đông. Đây là một cuốn sách bàn về việc một ngành khoa học, tức tâm phân học, xâm nhập như thế nào vào công chúng, và trong quá trình này, được biến đổi thành một thứ gì đó khác. Điểm mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để một hình thái tri thức, tức khoa học, trở thành một thứ gì đó khác, tức lẽ thường |common sense|. Kết quả mà chúng ta biết rõ: một cuốn sách trở thành tác phẩm kinh điển của ngành tâm lý học xã hội nghiên cứu về tri thức và là nền tảng ban đầu cho lý thuyết những biểu trưng xã hội |social representations|. Những biểu trưng xã hội là những ý tưởng mà ta đang sống theo chúng và đôi lúc cũng sẽ chết vì chúng. Được tạo ra và biến đổi qua quá trình tương giao trong công chúng, những biểu trưng xã hội xuất hiện xuyên qua các lịch sử và những câu chuyện, các nền văn hóa và những thế hệ. Chúng thay đổi, chứ không biến mất. Những biểu trưng xã hội tham gia vào các lãnh địa mới song vẫn giữ liên kết với các lãnh địa gốc của chúng và, quan trọng là, với các cộng đồng khởi phát của chúng. Chúng tạo ra sự phá cách nhưng cũng làm quen với sự xa lạ. Trong lý thuyết của Moscovici, những biểu trưng xã hội cung cấp một sự liên tục giữa cuộc sống và tri thức, giữa khoa học và lẽ thường, giữa một ngành tâm lý học về tính duy lý và nhận thức với một ngành tâm lý học về kinh nghiệm, cảm xúc và xã hội (Jovchelovitch, 2007; Marková, 2003).

Print Friendly and PDF

4.12.24

Trước khi có trí tuệ nhân tạo, các cuộc “cách mạng” tin học có thực sự làm đảo lộn nghiên cứu trong kinh tế học không?

TRƯỚC KHI CÓ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, CÁC CUỘC “CÁCH MẠNG” TIN HỌC CÓ THỰC SỰ LÀM ĐẢO LỘN NGHIÊN CỨU TRONG KINH TẾ HỌC KHÔNG?

Các tác giả: Francesco SergiPierrick Dechaux

Máy tính EDSAC (Electronic Delay Storage Automatic Calculator ), một trong những mẫu máy tính đầu tiên đặt tại Bộ môn Kinh tế học ứng dụng, Đại học Cambridge. WikimediaCC BY

Theo các tạp chí có uy tín, trí tuệ nhân tạo sẽ là “tiềm năng làm cách mạng trong nghiên cứu” về kinh tế học. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với những đổi mới trước đây trong tin học được nêu ra theo cách tương tự?

Ngày nay, bạn có thể nêu tên một nghề không thể được thực hiện, ít nhất là một phần, bởi một robot hay một trí tuệ nhân tạo? Cách đây không lâu, nghiên cứu khoa học là một ứng viên thích hợp. Ngày nay không còn như vậy nữa: trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, các công cụ của trí tuệ nhân tạo tham gia viết những nội dung khoa học, thiết lập các giả thuyết… những hoạt động mà trước đây ta nghĩ là dành riêng cho trí tuệ con người.

Trong kinh tế học, tạp chí có uy tín Journal of Economic Literature báo trước rằng những công cụ như ChatGPT có “tiềm năng làm cách mạng trong việc nghiên cứu”. Nếu điều ấy có vẻ là hiển nhiên, thì còn phải nhấn mạnh sự kết hợp thuật ngữ tiềm năng với biện pháp tu từ cách mạng – vì có nhiều trở ngại giữa những mong đợi và thực tế.

Print Friendly and PDF

2.12.24

Sự thống trị và Sự thống trị của nam giới

DOMINATION [Sự thống trị]

Tác giả: François Denord

Nếu xã hội học của Pierre Bourdieu thường được coi là xã hội học về sự thống trị thì khái niệm này chỉ dần dần xuất hiện trong sự nghiệp của ông, mặc dù thuật ngữ này đã xuất hiện trong tác phẩm của ông về xã hội Algérie. Bourdieu sử dụng nó, không chỉ để xác định các mối quan hệ nam/nữ [Xã hội học về Algérie/Sociologie de l’Algérie], mà còn để mô tả tính đặc thù của hệ thống thuộc địa, cụ thể là cán cân quyền lực giữa một “xã hội Châu Âu thống trị” và “một xã hội Algérie bị thống trị” [PB 1961a]. Quá trình thuộc địa hóa “ép buộc người thuộc địa phải áp dụng luật pháp của người thực dân, trong các vấn đề kinh tế và thậm chí cả trong lối sống” [PB 1966i: 130]. Ngầm dựa đến Karl Marx, Bourdieu cũng đề cập đến giai cấp thống trị trong một số tác phẩm của ông về xã hội học giáo dục và văn hóa vào cuối những năm 1960 [PB 1967c; 1968a]. Nhưng chính việc đọc kỹ Max Weber, cũng như những bài giảng và buổi hội thảo mà ông dành cho Max Weber [Gemperle 2008], đã khiến ông hệ thống hóa việc sử dụng thuật ngữ thống trị vào đầu những năm 1970.

Tiếp sau Max Weber, sự thống trị có thể được định nghĩa là khả năng một mệnh lệnh được chấp hành mà người ra lệnh không nhất thiết phải sử dụng thể lực. Thật vậy, qua thuật ngữ “sự thống trị”, chúng tôi muốn nói đến một ý chí đã được khẳng định (một “mệnh lệnh”) của “(những) người thống trị” tìm cách gây ảnh hưởng đến hành động của những người khác (của những người “bị thống trị”) và thực sự ảnh hưởng đến hành động này, khi mà, ở một mức độ có ý nghĩa về mặt xã hội, hành động này diễn ra như thể kẻ bị thống trị đã biến nội dung của mệnh lệnh này thành châm ngôn cho hành động của họ (“sự phục tùng”).” [Weber 2013: 49] Sự thống trị đòi hỏi sự phục tùng nhanh chóng và tự động “nhờ một khuynh/thiên hướng sở đắc”, “ý chí tuân theo tối thiểu, tức là một lợi ích từ bên ngoài hoặc từ bên trong để tuân theo” [Weber 1995: 285]. Do đó, không có sự thống trị nào mà không có sự đồng lõa tích cực của kẻ bị thống trị.

Print Friendly and PDF

30.11.24

Amos Goldberg, sử gia người Israel: “Điều đang xảy ra ở Gaza là một cuộc diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại”

Amos Goldberg, sử gia người Israel:

“ĐIỀU ĐANG XẢY RA Ở GAZA LÀ MỘT CUỘC DIỆT CHỦNG, VÌ GAZA KHÔNG CÒN TỒN TẠI”

Stéphanie Le Bars

Sử gia Amos Goldberg, giữ chức “Giáo sư Jonah M. Machover”[1] chuyên về Holocauste[2] tại Đại học Do Thái ở Jérusalem, đã đăng tháng 4 năm nay trên báo mạng Local Call [Tiếng Do Thái: Siha Mekomit][*], một bài viết cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Ông giải thích luận điểm này trong một cuộc phỏng vấn của báo Le Monde.

Amos Goldberg, sử gia người Israel. YANN LEGENDRE

Tháng 4 năm nay, ông đã cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Điều gì đã đưa ông đến kết luận ấy sáu tháng sau khi chiến tranh bắt đầu?

Tôi cần thời gian. Ngày 7 tháng 10 là một cú sốc, một thảm kịch, một cuộc tấn công rùng rợn. Một sự bi thương, một tội ác như chúng ta chưa bao giờ thấy. Chỉ trong một ngày có 850 thường dân [tổng cộng 1.200 người] bị giết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, kể cả trẻ sơ sinh, người già bị bắt làm con tin. Những kibboutz bị hoàn toàn huỷ diệt. Rồi những câu mắt thấy tai nghe về cuộc tấn công hung tợn, bạo lực tình dục, những tàn phá do Hamas gây ra. Trong số các nạn nhân có những người tôi quen biết, nhiều người rất thân thiết. Có người chết, có người bị bắt làm con tin, có người chỉ đủ sống sót. Tôi không có lời nào để giải thích sự kiện này, để tiêu hoá nó, để vượt qua nó. Một sự kiện ghê tởm, đánh vào bản thân, để lại chấn thương.

Print Friendly and PDF

28.11.24

Võ Tá Hân – Người truyền ánh sáng cho Việt Nam

VÕ TÁ HÂN

NGƯỜI TRUYỀN ÁNH SÁNG CHO VIỆT NAM

VỚI HƠN MỘT TRIỆU QUYỂN SÁCH ĐƯỢC GỬI VỀ

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

Trong nhiều thế giới mà con người được ban tặng không phải từ Tự nhiên, mà từ Trí tuệ của chính mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất.

—Hermann Hesse, tác giả của Siddhartha

Lời nói đầu. Tạp chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ngày 30-4-2023 mới ra mắt có bài phỏng vấn Võ Tá Hân dài 4 trang, và hình bìa báo mang ảnh anh. Một số báo vào “ngày lịch sử” lại “vinh danh” một người Việt Nam sống ở nước ngoài đã có công chuyển về cho Việt Nam hơn một triệu sách tiếng nước ngoài trong ba thập niên qua để phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Một sự tình cờ chăng? Nhưng dù là sự tình cờ, điều đó như muốn báo hiệu, giai đoạn phát triển tới của Việt Nam không được định đoạt bằng chính trị thuần túy như mấy thập niên qua nữa, mà bằng tri thức. Muốn thế, đất nước phải có thật nhiều tri thức, cơ sở hạ tầng tri thức, tủ sách, thư viện, phòng đọc sách, báo chí, seminar, phòng thí nghiệm, hội nghị, các định chế khoa học, lòng đam mê học hỏi, cần những người tri thức, nhà khoa học, nghiên cứu, và nhà kỹ trị để gánh vác nhiệm vụ mới. Số báo này sẽ “đi vào lịch sử” như báo hiệu một khúc quanh phải có và phải đến, nếu muốn có một đất nước phồn vinh, “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cạnh tranh kinh tế là cạnh tranh ý tưởng đổi mới sáng tạo. Không có sách để học, hay không chịu học, trao đổi thế giới, thì làm sao có ý tưởng sáng tạo? Đã đủ lắm rồi với sức ỳ của lịch sử, sự phung phí thời gian vàng ngọc. Bánh xe lịch sử đang quay sát bên ta và sẵn sàng nghiền nát những cái vô minh và lầm lạc. Tâm lý “sợ sách” và thiếu trách nhiệm phổ biến, một thời đã gây cho người tặng sách muôn vàn khó khăn, giờ đã trở thành sự đón tiếp nồng nhiệt và biết ơn. Hãy để tri thức và người trí thức có tiếng nói.

Một cảnh của sách nhập về của anh Võ Tá Hân
Print Friendly and PDF

26.11.24

Tổng thống ngầm đằng sau

TỔNG THỐNG NGẦM ĐẰNG SAU

Tác giả: Markus Becker, Simon Book, René Pfister, Marcel Rosenbach và DER SPIEGEL

Người dịch: Ninh Dương

Elon Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới, anh còn nhanh chóng trở thành người rỉ tai của Donald Trump. Hiếm khi thấy trong lịch sử Hoa Kỳ lại có một mối liên kết giữa quyền lực và tiền bạc báng bổ đến như vậy.

Nếu Elon Musk và Donald Trump có một điểm chung thì đó là xu hướng ưa thích những biểu hiện long trọng, nếu không muốn nói là khoa trương. Khi Donald Trump được bầu làm tân tổng thống vào thứ Ba tuần trước, Musk đã đăng trên X một bức ảnh hình anh ta nghiêm chào bên một lá cờ Mỹ khổng lồ, trong khi mặt trời mọc rực rỡ phía sau: “Trời lại sáng ở Mỹ” được viết trên bức ảnh, như một tham chiếu đến khẩu hiệu huyền thoại mà Ronald Reagan đã sử dụng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1984.

Nhìn vào bức ảnh, người ta có thể nghĩ rằng không phải Trump, mà là Musk sẽ là người dẫn dắt nước Mỹ trong tương lai. Và quả thật là hiếm có ai tích lũy nhiều quyền lực như người đàn ông 53 tuổi này. Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 300 tỷ đô la, mà còn thống trị thị trường ô tô điện, truyền thông vệ tinh và hàng không vũ trụ. Và giờ đây, anh đã trở thành người rỉ tai số một của tổng thống mới, người lãnh đạo đội quân lớn nhất và có sức gây tử vong cao nhất trên Trái đất, đồng thời phải đối mặt với ba điểm nóng tranh chấp ngay từ ngày đầu tiên: chiến tranh ở Ukraine, xung đột đẫm máu ở Trung Đông và sự phân tranh đảo Đài Loan.

Print Friendly and PDF

25.11.24

Vụ ám sát ba chị em nhà Mirabal: nguồn gốc quốc tế của ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

VỤ ÁM SÁT BA CHỊ EM NHÀ MIRABAL: NGUỒN GỐC CỦA NGÀY QUỐC TẾ XOÁ BỎ BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

Tác giả: Catherine Pélage

Giáo sư văn học và văn hoá châu Mỹ La tinh, 

Giám đốc Chương trình nghiên cứu văn hoá Dominica Sœurs Mirabal, 

Đại học Orléans

Tem chính thức của Cộng Hoà Dominica in hình ba chị em Mirabal (2007). Prachaya Roekdeethaweesab

Vào tháng 8 năm 1930, Rafael Leonidas Trujillo lên nắm quyền ở Cộng Hoà Dominica sau một chiến dịch tranh cử chức tổng thống mang nặng dấu ấn của nhiều bạo lực. Một hệ thống dựa trên khủng bố và tham nhũng được nhanh chóng thiết lập. Trong suốt ba thập kỷ tiếp theo (Trujillo bị ám sát năm 1961), những tội ác chống lại nhân loại tăng lên nhiều. 

Trong những năm cuối cùng của chế độ độc tài này, lực lượng chống đối được tổ chức và được tăng cường: trong số những người phản kháng có ba chị em Patria, María Teresa và Minerva Mirabal. Vào năm 1959, Minerva Mirabal cùng chồng là Manolo Tavárez sáng lập phong trào cách mạng gọi là “14 tháng sáu”; ngoài ra, 10 năm trước đó, bà đã công khai đối đầu với Trujillo.

Ngày 25 tháng 11 năm 1960, khi ba chị em đi thăm chồng của họ đang bị giam vì lý do chính trị, ba chị em bị các nhân viên của Trujillo giết hại.

Mặc dù ngày nay ba chị em Mirabal được phong danh hiệu nữ anh hùng dân tộc, những nghiên cứu về họ vẫn còn ít. Thế nhưng tầm quan trọng lịch sử và chiều kích mang tính biểu tượng của họ trên trường quốc tế là quá hiển nhiên: ngày các bà bị giết, 25 tháng 11, đã được Liên Hiệp quốc chọn là Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, vào năm 1999.

Print Friendly and PDF

24.11.24

Kết nối với mạng đường sắt Trung Quốc: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

KẾT NỐI VỚI MẠNG ĐƯỜNG SẮT TRUNG QUỐC: NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

Chính phủ Việt Nam vừa quyết định với Trung Quốc xây ba tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng và Móng Cái – Hạ Long – Hải phòng và canh tân nâng cấp đường Hà Nội – Hải Phòng. Đây là một dự án hai bên cùng có lợi.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày lợi ích của bốn tuyến đường này và phương pháp khắc phục những nguy cơ tiềm tàng của sự hợp tác với Trung Quốc[i].

Kết nối với mạng đường sắt của Trung Quốc là một cần thiết

Một mạng hậu cần chỉ có giá trị nếu được kết nối với mạng khác, của quốc gia khác, của đại lục khác. Việc kết nối mạng đường sắt của Trung Quốc với mạng của các nước Đông Nam Á và thiết lập Mạng Đường sắt Liên Á là hợp lý đối với tất cả các quốc gia của khối ASEAN. Chính ra, vế đường sắt và đường bộ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative, BRI) do Trung Quốc đề xướng nằm trong kế hoạch Đường sắt Xuyên Á (Trans Asia Railways, TAR) và Mạng Đường bộ châu Á (Asia Highways Network, AHN) của UNESCAP (United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc). Mạng hậu cần của chúng ta cũng nằm trong kế hoạch đó (xem hình 1 và 2).

Hình 1 – Mạng Đường sắt Xuyên Á (Hình của UNESCAP)
Print Friendly and PDF

22.11.24

Ratan Tata: một nhà công nghiệp giàu lòng nhân ái, quan tâm đến nhân viên và công dân cũng như lợi nhuận

RATAN TATA: MỘT NHÀ CÔNG NGHIỆP GIÀU LÒNG NHÂN ÁI, QUAN TÂM ĐẾN NHÂN VIÊN VÀ CÔNG DÂN CŨNG NHƯ LỢI NHUẬN

Xuất bản: Ngày 11 tháng 10 năm 2024 2.27 chiều theo giờ BST

Ratan Tata tại Đại hội đồng cổ đông công ty con của Tata. EPA/DIVYAKANT SOLANKI ID: 3944798 

Ratan Tata, người vừa qua đời ở tuổi 86, là một người khổng lồ của ngành công nghiệp toàn cầu, với những mối quan tâm [trong ngành công nghiệp] ô tô, thép, du lịch, và trà. Tuy nhiên ông cũng được ca ngợi là một người có tầm nhìn xa trông rộng, với công việc vượt xa thế giới kinh doanh, thông qua cam kết của công ty ông đối với các vấn đề xã hội.

Là người đứng đầu Tập đoàn Tata, một đế chế kinh doanh của Ấn Độ được thành lập từ hơn 150 năm trước, Tata đã gắn bó sâu sắc với sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội Ấn Độ. Và ông đã đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng sự hiện diện của Tata trên toàn cầu.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của ông là mua công ty trà Tetley của Anh với giá 271 triệu bảng Anh vào năm 2000, đưa Tata trở thành một trong những công ty trà lớn nhất thế giới.

Đây là một bước đi táo bạo hướng tới việc chuyển đổi tập đoàn Tata từ một tập đoàn mạnh tại Ấn Độ thành một tay chơi toàn cầu. Tương tự như vậy là việc mua lại Jaguar Land Rover vào năm 2008.

Bất chấp những khó khăn về tài chính của công ty sản xuất ô tô này vào thời điểm đó, Tata vẫn nhìn thấy tiềm năng trong thương hiệu Anh quốc này. Ông đã giám sát khoản đầu tư đáng kể vào công nghệ và thiết kế, và canh bạc của ông đã được đền đáp. Các mẫu xe mới nhận được sự công nhận trên toàn cầu và Tata Motors trở thành một thế lực lớn trong ngành ô tô.

Print Friendly and PDF

20.11.24

Việt Nam: Căn cứ hậu cần của Đông Nam Á? Phần IV – Đường sắt

VIỆT NAM: CĂN CỨ HẬU CẦN CỦA ĐÔNG NAM Á?
PHẦN IV – ĐƯỜNG SẮT

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

Bài này tổng hợp các bài chúng tôi đã viết trong quá khứ về ngành đường sắt cho nước ta. So với những gì chúng tôi đã viết trong những bài trước, bài này cập nhật tình trạng hiện nay của đất nước về kinh tế, xã hội và kỹ thuật cộng với biến đổi tư duy của giới cầm quyền nước ta về những vấn đề đó.

Chúng tôi sẽ bàn về

- mạng đường sắt,

- các tiêu chuẩn kỹ thuật,

- hợp tác quốc tế.

Mạng đường sắt

Khi nhìn bản đồ mạng hậu cần của nước ta thì người ta sẽ thấy nước Việt Nam là một hải đảo chứ không phải là bao lơn của bán đảo Đông Dương như các nhà địa dư học thường nói. Đặc biệt mạng đường sắt của ta giống như mạng của Indonesia hay Philippines, không kết nối với mạng của bất cứ nước nào hết. Hai tuyến Hà-Nội – Lào-Cai và Hà-Nội – Đông-Khê hiện có thì theo khổ 1.000 mm trong khi mạng đường sắt của Trung-Quốc lại theo khổ 1.435 mm.

Các tuyến đường sắt hiện nay

(Nguồn: Trang thông-tin báo Lao-Động)

Để phát triển ngoại thương chúng ta phải nối liền mạng đường sắt của ta với mạng của Trung Quốc và mạng của các nước ASEAN lục địa khác. Giá trị của một mạng hậu cần (trong nước gọi là giao thông vận tải, GT–VT) là ở sự kết nối của nó với các mạng hậu cần khác, một vùng khác, một nước khác, một địa lục khác.

Print Friendly and PDF