10.4.20

Đa dạng sinh học: Đằng sau dịch bệnh, cuộc khủng hoảng sinh thái


ĐA DẠNG SINH HỌC: ĐẰNG SAU DỊCH BỆNH, CUỘC KHỦNG HOẢNG SINH THÁI
Ngày 30/03/2020
Covid-19 là ví dụ mới nhất về những căn bệnh đang bùng nổ dưới áp lực của con người lên môi trường. Và những căn bệnh đó đang lan truyền nhanh ngang hàng với mức độ suy thoái của môi trường.
Nguồn gốc của virus corona? Nó đã được người Mỹ tạo ra để làm suy yếu Trung Quốc. Không hề! Một phòng thí nghiệm cỡ lớn đã nộp bằng sáng chế nó, trước khi để nó trốn thoát hòng lấy tiền bán vắc-xin hiện đang được hoàn tất...
Những tin cải chính và làm rõ, như thông tin của Viện Pasteur hoặc công trình của các nhà báo, cũng như như bài viết này trên trang báo mạng Huffington Post, rất khó ngăn chặn sự lan truyền của tin giả theo thuyết âm mưu. Sự lan truyền của tin giả đó càng được củng cố, khi ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và tâm chấn của dịch bệnh, có một phòng thí nghiệm sinh học, được bảo vệ siêu ngặt, nghiên cứu về các loại virus nguy hiểm nhất trên hành tinh và được xây dựng trong quan hệ đối tác với các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp.
Tê tê và dơi
Đúng là Covid-19 khởi đầu từ Vũ Hán và từ những con người đứng đằng sau nó. Nhưng nguyên nhân thì rất bình thường so với trong tiểu thuyết. Đơn giản hơn là một hoặc nhiều lần tiếp xúc giữa các động vật hoang dã bị nhiễm Sars-CoV2 với con người, trong đó có những người săn bắt, vận chuyển, bán hoặc mua chúng.
Vũ Hán, giống như các địa điểm khác ở Trung Quốc, thu hút một thị trường khổng lồ – hiện đã đóng cửa – nơi có tất cả các loài sinh vật có thể có để đáp ứng mọi sở thích ăn uống có thể có: rắn, chó, cầy hương, tê tê... Trong trường hợp được xem xét, thủ phạm là loài động vật nhỏ có vú và vảy này, được người châu Á rất chuộng, một trong những loài bị săn bắn trái phép nhiều nhất trên thế giới và có nguy cơ tuyệt chủng.
Để tồn tại, con virus cần một vật chủ có thể cho nó lưu trú mà không giết nó. Người ta gọi vật chủ đó là ổ chứa. Trong trường hợp của virus Corona, và cả của virus Ebola và các mầm bệnh khác, ổ chứa rõ nhất là dơi. Loài động vật có vú này có tố chất tốt để cùng tồn tại với tất cả các loại sinh vật gây hại cho các sinh vật khác... và thường sống gần với con người.
Tuy nhiên, các đặc điểm di truyền của virus có trên loài dơi đến mức lan truyền sang cho người là điều không thể. Vì vậy, sự lan truyền chỉ được thực hiện thông qua một động vật trung gian mà con virus có thể thích nghi. Năm 2002, một dịch bệnh đầu tiên của SRAS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay SARS, viết tắt trong tiếng Anh, đã xuất hiện ở Trung Quốc, trước khi lan rộng vào năm sau đến phần còn lại của thế giới. Một lần nữa, tác nhân chịu trách nhiệm lại là virus Corona, được gọi là Sars-Cov1. Và một lần nữa, thị trường động vật của Trung Quốc đại lục đứng đằng sau đại dịch viêm phổi do virus này gây nên. Vào thời điểm đó, cầy hương đã được nhận diện là một mắc xích giữa ổ chứa tự nhiên con virus với con người.
Một thách thức ngày càng tăng về y tế cộng đồng
Hôm qua cầy hương, hôm nay là tê tê... Nhưng về căn bản, nguồn gốc phát sinh sự bất hạnh không phải là điều quan trọng: chúng ta nói đến một và cùng một thực tế, về cái gọi là các bệnh zoonotic (được truyền từ động vật sang người) đang nhân lên từ nhiều thập kỷ qua sau những tiếp xúc trực tiếp ít nhiều với các loài động vật hoang dã thường mang mầm bệnh. AIDS, Ebola, SARS là những bệnh nổi tiếng, nhưng còn nhiều bệnh khác nữa.
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, có nghĩa là xuất hiện lần đầu tiên hoặc xuất hiện trở lại sau khi đã biến mất từ ​​lâu, đã trở thành một thách thức lớn về y tế cộng đồng và huy động ngày càng nhiều công trình nghiên cứu của cộng đồng khoa học và y tế quốc tế. Năm 1995, trang web chuyên ngành PubMed đã liệt kê khoảng một trăm ấn phẩm về chủ đề này, con số này đã tăng lên gần 2.800 vào năm 2017. Tất cả các tài liệu này đều nhấn mạnh đến vị trí vượt trội của các bệnh truyền từ động vật sang trong số các bệnh mới này.
Năm 2008, một bài báo trên tạp chí Nature [Thiên nhiên] đã liệt kê hơn 330 căn bệnh từng “nổi lên” kể từ năm 1940, với tốc độ nhanh gấp bốn lần vào cuối thế kỷ 20 so với thời kì sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phần lớn (60% theo bài báo đó, nhưng có nhiều người cho rằng con số đó còn cao hơn) là những bệnh zoonosis [bệnh truyền từ động vật sang người] và, trong số này, 72% phát sinh từ động vật hoang dã. Sự phát triển các trang trại công nghiệp, có thể thiếu sự kiểm soát và vệ sinh, với các động vật bị căng thẳng, bị giam cầm, bị buộc nuôi ăn theo chế độ đơn giản hóa, có hệ quả là khả năng phòng vệ miễn dịch bị suy yếu hoặc được dựng lên một cách nhân tạo qua việc sử dụng ồ ạt các chất kháng sinh – những thứ ngược lại đặt ra những vấn đề đáng gờm về sức đề kháng chống lại những virus tấn công – vì vậy, không phải là nguyên nhân duy nhất.
Một thế giới siêu kết nối
Nhưng tại sao thế giới hoang dã – hay thế giới còn tồn tại ở các vùng nhiệt đới – lại đánh thức những ký ức tốt đẹp của một nhân loại chỉ không ngừng rời xa nó? Liệu những căn bệnh được truyền từ động vật rừng hay thảo nguyên có còn tồn tại hay không? Liệu những căn bệnh đó có lây nhiễm những người thợ săn vô tình bị động vật cắn, cào, hoặc làm bị thương hay không?
Rodolphe Gozlan
Xưa kia, một người thợ săn đã có thể mang bệnh đến làng, đã từng có tử vong, nhưng con virus có lẽ không đi xa hơn, theo lời giải thích của Rodolphe Gozlan, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD). Ngày nay, con người đối mặt trực tiếp với dịch bệnh, do sự kết nối giữa người với người là điều hết sức quan trọng. Ở các vùng nhiệt đới, áp lực lên môi trường ngày càng mạnh mẽ hơn, ngày càng thường xuyên hơn. Và người ta không chỉ mang bệnh đến làng xã mà còn đến những thành phố, nơi có dân số bùng nổ, và những thành phố đó ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với phần còn lại của một thế giới siêu kết nối.” Hơn nữa, nhà nghiên cứu cho biết thêm, hệ thống miễn dịch của rất nhiều cư dân tại các khu vực tiếp xúc này thường bị suy yếu, do nghèo đói hoặc ô nhiễm không khí (giống như ở Vũ Hán), tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát sinh và từ đó lây truyền.
Áp lực của con người lên động vật hoang dã không chỉ gói gọn trong những sở thích riêng về ẩm thực hay niềm tin vào những tính năng tình dục nhắm vào các tầng lớp trung lưu và giàu có châu Á, như là những thủ phạm thông thường. Theo báo cáo về sự đa dạng sinh học trên thế giới được tổ chức liên chính phủ IPBES [Intergovernmental Science‑Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem, Diễn đàn chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái] công bố vào tháng 5 năm ngoái, việc nuôi sống 350 triệu người có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào các sản phẩm từ rừng. Ở các vùng nhiệt đới, đó sẽ là sáu triệu tấn động vật hoang dã bị giết thịt mỗi năm. Việc tiêu thụ “thịt rừng” không chỉ là một thực tế văn hóa, mà còn là một nguồn protein góp phần đảm bảo an ninh lương thực của dân số ngày càng tăng, đặc biệt ở châu Phi, cũng là ổ chứa của nhiều căn bệnh truyền từ động vật sang người.
Vai trò của nạn phá rừng
Theo IPBES, việc huỷ hoại động vật hoang dã là nhân tố thứ hai làm mất đi sự đa dạng sinh học trên trái đất sau khi phá hủy môi trường sống tự nhiên. Sự hủy hoại này, chủ yếu xuất phát từ nạn phá rừng để mở rộng các diện tích nông nghiệp, cũng là một nhân tố làm lây lan mầm bệnh. Rodolphe Gozlan: “Khi chúng ta phá rừng, chúng ta không chỉ chặt cây. Chúng ta điều chỉnh môi trường sống của các động vật mang mầm bệnh. Hệ động vật này được phân phối lại ở những khu vực mà con người sẽ tiếp cận dễ dàng hơn, tạo ra những mặt tiếp xúc lớn hơn rất nhiều và do đó sẽ cho phép mang về thành phố những ổ chứa virus và vi khuẩn.”
Rất nhiều nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa sự phân mảnh và sự tàn phá rừng với sự lây lan của bệnh, cho dù là bệnh truyền từ động vật sang người hay không: bệnh Lyme ở Bắc Mỹ, bệnh leishmania ở Costa Rica, bệnh sốt rét ở các vùng nhiệt đới (loài muỗi rất thích những vùng đất ẩm thấp mở ra dưới ánh nắng mặt trời)... “Vấn đề không phải là bảo vệ những khu rừng này chỉ vì có những con bướm xinh đẹp. Các khu rừng này còn là rào cản y tế cho quần thể con người”, Rodolphe Gozlan nhấn mạnh, viết trên tạp chí The Conversation [Đàm luận]: “Ở các đảo Sumatra, sự di cư của loài dơi ăn quả, do mất rừng vì nạn cháy rừng, đã dẫn đến sự xuất hiện của bệnh Nipah ở các nhà chăn nuôi và công nhân các lò mổ ở Malaysia.”
Nhìn chung, sự xáo trộn các hệ sinh thái, cho dù có có gắn với sự thay đổi trong vấn đề sử dụng đất hoặc gắn với các điều kiện khí hậu, có xu hướng điều chỉnh sự phân bố các sinh vật mang mầm bệnh và các vật chủ của chúng. Chúng ta biết rằng có nhiều dịch bệnh (sốt rét, sốt vùng thung lũng Rift, sốt xuất huyết...) được tạo điều kiện phát sinh bởi các sự kiện khí hậu mà tần suất có thể tăng lên cùng với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu.
Sự gia tăng nhiệt độ trung bình có thể đã có một tác động đáng kể đến tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, do một loại virus lan truyền từ ve, cũng như đến độ dài thời gian sống của virus Zika, được lan truyền từ muỗi ở những vùng cận nhiệt đới và ôn đới”, cũng theo lời của Rodolphe Gozlan. Do đó, các bệnh lý có thể lan ra ngoài vùng nhiệt đới với sự gia tăng nhiệt độ và sự thay đổi lượng mưa. Ở các khu vực phía bắc, sự tan chảy của đất đóng băng vĩnh viễn có thể giải phóng những mầm bệnh đã biến mất, trong đó có bệnh than.
Gậy ông đập lưng ông
Antoine de Ravignan
Emmanuel Macron (1977-)
Con virus Corona, giống như hầu hết các bệnh mới nổi khác, là hiện tượng “gậy ông đập lưng ông” của thiên nhiên. Ngược lại thiên nhiên có thể bảo vệ con người nếu con người biết cách bảo vệ thiên nhiên. Nghiên cứu đã chứng minh vai trò của sự đa dạng các loài trong việc kiềm chế sự lây lan mầm bệnh. Ví dụ, bệnh Lyme ở Hoa Kỳ, lây lan nhờ bọ ve được chuyển tải bởi chuột: người ta tìm thấy có rất ít bệnh này ở những nơi có động vật khác mang mầm bệnh nhưng có khả năng loại bỏ chúng, chẳng hạn như loài chồn opossum Virginia. Hoặc như bệnh sán máng: “sự lây truyền sang người của bệnh mang ký sinh trùng này, ảnh hưởng đến 200.000 người trên thế giới, có thể được giảm thiểu đáng kể nếu có tồn tại một số loài ốc sên, vốn là vật chủ cho con ký sinh trùng này, nhưng ốc sên không đủ tư chất để lan truyền ký sinh trùng”, theo nhà nghiên cứu của IRD [Institut de recherche pour le développement, Viện Nghiên cứu Phát triển của Pháp]. Do đó, một sự đa dạng lớn hơn của hệ sinh học sẽ thúc đẩy “hiệu ứng pha loãng” của mầm bệnh trong các vật chủ không lây nhiễm cho con người.
Mai này, khi chúng ta đã thắng, thì đó sẽ không phải là sự quay trở lại với ngày hôm trước. Chúng ta đã học và tôi cũng vậy, sẽ cùng với các bạn rút ra những hệ quả, tất cả những hệ quả”, tổng thống Emmanuel Macron đã trịnh trọng tuyên bố trong diễn văn trước người dân Pháp, vào ngày 16 tháng 3 vừa qua. Liệu chúng ta có học được rằng cuộc khủng hoảng này về cơ bản là một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu hay không? Và liệu chúng ta có rút ra được những hệ quả, tất cả những hệ quả hay không?
Antoine de Ravignan
Phó Tổng biên tập Alternatives Économiques
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: BIODIVERSITÉ: Derrière l’épidémie, la crise écologique, Alternatives Économiques, ngày 30/03/2020.
Print Friendly and PDF