26.4.20

Điểm sách: Thế giới đối mặt với “nguy cơ” Trung Quốc


ĐIỂM SÁCH: THẾ GIỚI ĐỐI MẶT VỚI “NGUY CƠ” TRUNG QUỐC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Trung Quốc không còn là “thách thức” đối với thế giới, mà là “nguy cơ” đe dọa phương Tây và các giá trị của nó. Về căn bản, đó là cảnh báo của cuốn sách La Chine e(s)t le monde, essai sur la sino-mondialisation [Trung Quốc l(v)à thế giới, tiểu luận về sự toàn cầu hóa Trung Quốc], của các tác giả Sophie Boisseau du Rocher, cộng sự nghiên cứu tại viện Ifri, và Emmanuel Dubois de Prisque, cộng sự nghiên cứu tại viện Thomas More. Cuốn sách được viết bởi hai chuyên gia xuất sắc về châu Á, giới thiệu những vấn đề then chốt để phân tích sự nổi lên của một siêu cường mà vận mệnh liên quan đến tất cả chúng ta.
Sophie Boisseau du Rocher
Emmanuel Dubois de Prisque
Tiêu đề dưới hình thức chơi chữ nhấn mạnh đến mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với thế giới. Vào giữa thế kỷ XIX, Đế chế Trung Hoa, vốn tự coi mình đứng giữa Trời và Đất, đã mất hết uy tín khi các cường quốc phương Tây áp đặt những hiệp ước mà người Trung Quốc đã diễn giải là không bình đẳng trong những năm 1920. Theo các tác giả, trên thực tế điều gây sốc cho họ, trên hết, không phải là sự bất bình đẳng. Mà đó là sự “bình đẳng Westphaliannhững Nhà nước-dân tộc bình đẳng và độc lập thay vì luật của kẻ mạnh nhất – bị phương Tây áp đặt lên họ.
Vị trí của Trung Quốc trên thế giới làm gợi nhớ đến vị trí của con voi trong một căn phòng mà các nhà quan sát bị bịt mắt cố nhận diện nó bằng cách chạm vào, người thì chạm vào vòi của nó, người thì chạm vào chân hoặc thân của nó. Mỗi người phân tích từng bộ phận riêng lẻ mà không thể liên kết chúng thành một tổng thể mạch lạc. Trung Quốc ca ngợi “sự trỗi dậy hòa bình” và giới lãnh đạo của họ tuyên bố rằng chiến tranh không nằm trong DNA của họ. Một nhận thức tự trấn an tương phản với thực tế lịch sử: ngân sách quốc phòng tăng nhanh hơn GDP và việc chuyển đổi các hòn đảo nhỏ trên biển Nam Hải thành căn cứ hải quân. Người Trung Quốc có kế hoạch chiếm lấy vị trí dẫn đầu trên thế giới trong khi đòi được đối xử như một nước đang phát triển. Ngày nay, khi tự cho mình là “sứ giả của toàn cầu hóa”, đất nước này chỉ mới hé cửa. Là nước ký kết thỏa thuận Paris [về biến đổi khí hậu], họ duy trì các nhà máy điện chạy bằng than để bảo vệ việc làm và lượng khí thải của họ, cao gấp đôi so với Hoa Kỳ, tiếp tục gia tăng.
George Orwell (1903-1950)

Từ chương này đến chương khác và qua nhiều nét bổ sung liên tiếp, các tác giả giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con voi trong căn phòng. Trong một đoạn văn đặc biệt lạnh người, họ xem xét hệ thống xếp hạng công dân, một hệ thống sẽ bao trùm cả nước vào năm 2020. Các quyền công cộng – việc làm, hộ chiếu – và riêng tư phụ thuộc vào hệ thống này, một hệ thống nhắm đến việc đánh giá đức hạnh của công dân. Ví dụ, vào năm 2018, hệ thống này đã biện minh cho việc cấm bán 9 triệu vé máy bay cho những người được xếp hạng thấp, trong khi có một tin nhắn cảnh báo những ai tìm cách liên lạc với những người này qua điện thoại. Đặt việc xây dựng hệ thống này trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc, các tác giả nhắc lại sự phân biệt người dân thành những hạng người tách biệt nhau và được tìm thấy trong hệ thống hukou [hộ khẩu], hệ thống hộ tịch này đã có từ thời nhà Hán và được chính quyền Trung Quốc thời Mao Trạch Đông sử dụng lại. Kiểu hộ chiếu nội bộ này tạo ra một sự phân biệt đối xử thực sự đối với hàng triệu người lao động nhập cư, mingong. Hoạt động của hệ thống tín dụng xã hội được hưởng lợi từ vỏ bọc giám sát video toàn diện, được gọi là “độ trong của tuyết”. Một hệ thống mà các tác giả từ chối gọi đó là hệ thống Orwellian [mô tả một hệ thống chính trị mà chính phủ cố kiểm soát mọi ngóc ngách trong đời sống của người dân, tương tự như được mô tả trong tiểu thuyết “Nineteen Eighty Four [1984]”, của George Orwell – ND] vì nếu Đại ca [Big Brother] nhắm đến quyền lực vì quyền lực, thì đây không phải là trường hợp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kế thừa chế độ quan liêu thiên mệnh, họ tìm cách tạo ra một “xã hội văn minh” và “củng cố niềm tin lẫn nhau của công dân”.
Giống như tất cả các hệ thống toàn trị, Trung Quốc đã lợi dụng những điểm yếu của các chế độ dân chủ. Tuy nhiên, phản ứng của người Mỹ, được một số nước châu Âu chia sẻ, và sự gia tăng ngờ vực trong lòng những nước nơi có các “Con đường tơ lụa mới” đi qua, minh chứng cho​​ điều nói trên: Trung Quốc đã vượt quá ngưỡng của sự dung thứ. Thêm vào đó là những luồng gió trái chiều làm chậm đà tăng trưởng của Trung Quốc. Vấn đề nhân khẩu học, ví dụ: với tuổi trung vị là 37, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sẽ là điều mà người Trung Quốc dễ chấp nhận như một tất yếu. Nếu có một nửa dân số đã sống cảnh nghèo đói trước năm 1978, thì một nửa còn lại sẽ phản ứng thế nào, những người chỉ biết “ba mươi năm huy hoàng” kể từ các phong trào cải cách của Đặng Tiểu Bình? Đâu sẽ là hậu quả lên tính hợp pháp của một quyền lực đã trở nên độc đoán hơn, kể từ khi Tập Cận Bình tự cho phép mình nắm quyền nhiều hơn hai nhiệm kỳ? Sẽ là điều rất thú vị để đề cập đến chừng ấy câu hỏi, cũng như mối quan hệ Trung-Mỹ từ lâu được đặc trưng bởi một niềm mê hoặc có qua có lại. Nếu Trung Quốc không còn mê hoặc Hoa Kỳ nữa mà chỉ mê hoặc các doanh nghiệp lớn, thì “Đất nước tươi đẹp” (meiguo, Mỹ quốc ý muốn nói đến Hoa Kỳ – ND) mê hoặc người Trung Quốc và giai cấp thống trị họ, giai cấp này đầu tư tiền tiết kiệm và gửi con cái họ đến những trường đại học tốt nhất ở Hoa Kì.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Livre: le monde face au “risque” chinois, Asialyst, 19/02/2019.
Print Friendly and PDF