1.4.20

Thomas Piketty: Tư bản và hệ tư tưởng


THOMAS PIKETTY: TƯ BẢN VÀ HỆ TƯ TƯỞNG

LTS: Sau Tư bản thế kỷ XXI, xuất bản năm 2013, được dịch ra 10 thứ tiếng và bán 2,5 triệu bản, nhà kinh tế học Pháp Thomas Piketty đã ra mắt tháng 9 2019 Tư bản và hệ tư tưởng (NXB Seuil), tác phẩm 1200 trang khảo sát sự hình thành và biện minh sự bất bình đẳng trên thế giới. Dưới đầu đề “Thế giới theo Piketty”, tạp chí Pháp Alternatives Economiques (số 394, tháng 10 2019) dành cho sự kiện này một hồ sơ gồm bài phỏng vấn tác giả Thomas Piketty, bài giới thiệu của nhà báo Christian Chavagneux và nhiều biểu đồ trích từ tác phẩm. Bản dịch của Trần Hải Hạc và Nguyễn Đôn Phước.
Thế giới theo Piketty
Hồ sơ của tạp chí Alternatives Economiques số 394, tháng 10 2019, tr. 22-34.
Đả đảo sở hữu!


“Đây là lần đầu tiên tôi trở thành chủ tịch của một cái gì đó” – Thomas Piketty phát biểu với nụ cười toe toét. Ông vừa được đồng nghiệp chỉ định đứng đầu tổ chức Ecineq, một hội bác học có mục đích đấu tranh chống bất bình đẳng. Thừa dịp diễn từ của “chủ tịch”, Piketty giới thiệu nội dung chủ yếu của Tư bản và hệ tư tưởng, quyển sách mới của ông xuất bản tại Pháp vào giữa tháng 9, trong khi chờ đợi bản tiếng Anh sẽ ra mắt tại Mỹ mùa xuân 2020.
Với quyển sách trước của ông đã phát hành đến 2,5 triệu bản, Piketty biết rằng dư luận phê phán chờ xem ông có tái diễn điều đó hay không? “Hiện tượng” Piketty phải chăng sẽ mất đi phần nào hiệu ứng bất ngờ của nó? “Đây chính là quyển sách xuất sắc nhất của tôi” – nhà nghiên cứu khẳng định với chúng tôi hồi mùa tựu trường tại văn phòng của ông ở Trường kinh tế học Paris. Thế thì có gì trong quyển sách mới đường bệ 1200 trang này?
Tổng kết lịch sử
Quyển sách mới tiếp nối điều đã làm nên sự thành công của quyển sách trước: khảo sát thực nghiệm động thái của bất bình đẳng trên thời kỳ dài. Với một nội dung rộng hơn về mặt lịch sử - cuộc khảo sát lùi về đến thế kỷ thứ XVIII -, cũng như về mặt địa lý - ngoài Tây Âu (đặc biệt các nước Pháp, Anh) và Hoa Kỳ, cuộc khảo sát gồm nhiều trường đoạn về Ấn Độ, Trung Quốc và còn đề cập đến Brasil, Nga và nhiều nước khác. Một cách tiếp cận bất bình đẳng không còn tập trung vào phương Tây như quyển sách trước đã xoáy vào các nước Pháp và Hoa Kỳ.
Từ đó, có thể nhận xét rằng Cách mạng Pháp, về cơ bản, không thay đổi sự tập trung tài sản trong xã hội. Đúng ra, ngày trước Thế chiến thứ nhất, Pháp cũng như Anh là những xã hội bất bình đẳng hơn thời chế độ cũ! Cuộc cách mạng thật sự xảy ra vào thế kỷ thứ XX, khi nổi lên một giai cấp gia sản trung lưu: trọng lượng của lớp 10% người giàu nhất giảm so với  lớp 40% người giàu tiếp theo. Piketty dành phần lớn quyển sách để lý giải động thái lịch sử này.
Vượt lên các con số
Song, quyển sách đi xa hơn những con số. Người đọc tò mò có thể tìm thấy một bài viết của Thomas Piketty năm 1995 trên Quarterly Journal of Economics, tạp chí chính thống của các kinh tế gia khoa học. Tuân theo các chuẩn chính thống thời đó, bài viết này là một công trình thuần túy lý luận với những “tác nhân duy lý” và giải đáp câu hỏi: vì sao những người có mức thu nhập như nhau lại bỏ phiếu khác nhau? Lời giải của Piketty nêu ra vai trò của những tư tưởng mà người ta đối diện trong cuộc sống.


Trong hai mươi lăm năm sau đó, nhà kinh tế học trẻ tuổi biến mình thành nhà thu gom dữ liệu nhằm xác lập diễn biến của bất bình đẳng càng chính xác có thể. Và kết quả là quyển sách đầu tiên của Piketty, Các thu nhập cao ở Pháp thế kỷ XX, xuất bản năm 2001, trước quyển sách bán chạy nhất thế giới năm 2013, Tư bản thế kỷ XXI.
Trong quyển sách vừa mới xuất bản, Piketty không quên câu hỏi đặt ra những năm 1990: phần độc đáo nhất của quyển sách chính là phân tích xã hội về hoạt động bầu cử tùy theo mức độ bằng cấp, thu nhập và tài sản của cử tri. Ông cho thấy rằng các đảng phái dân chủ xã hội ở Pháp, Anh, Hoa Kỳ và những nước khác, cho dù khác biệt nhau chăng nữa, đều có diễn biến như nhau: tụ hợp giới cử tri nghèo nhất và có chuyên môn thấp nhất vào các năm 1950 đến 1980, đảng dân chủ xã hội đã trở thành đảng của giới có bằng cấp cao nhất.
Bỏ mặc những người có hoàn cảnh khó khăn nhất, cánh tả dân chủ xã hội nắm lấy hệ tư tưởng “sở hữu chủ nghĩa” đề cao quyền sở hữu, nhấn mạnh chiều kích giải phóng của nó – mọi người đều có quyền sở hữu cái gì đó và được nhà nước bảo hộ sở hữu đó. Tuy nhiên, phe dân chủ xã hội quên khía cạnh bất bình đẳng của sở hữu – rằng những người giàu nhất tích lũy không giới hạn. Nhiều chương của quyển sách cho thấy sự phục hồi của một tư tưởng bành trướng ở thế kỷ thứ XIX.
Những người hoàn cảnh khó khăn nhất bị bỏ rơi
Bởi ở thế kỷ thứ XX, cánh tả dân chủ xã hội đã từng phát triển nhà nước phúc lợi với các chế độ về thuế lũy tiến, bảo hộ người thất nghiệp, quỹ hưu trí, tiền lương tối thiểu. Thomas Piketty không sổ toẹt điều đó, nhưng ông trách các đảng dân chủ xã hội đã từ chối không bảo vệ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất nữa. Từ đó mà giới cử tri này chọn thái độ không tham gia bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu cho cánh cực hữu.
Mối quan hệ nhân quả là theo hướng như thế: các đảng phái cánh tả dân chủ xã hội đã bỏ rơi thành phần xã hội hạ đẳng, chứ không phải thành phần xã hội này từ bỏ các đảng phái đó. Diễn biến chính trị này khởi động trước khi các đảng phái cực hữu bành trướng ở châu Âu, và nó xảy ra kể cả ở những nước mà vấn đề người nhập cư không gây tranh chấp.
Cho nên, theo Piketty, sự phát triển của giới cử tri bài người nhập cư - tức là của các chủ trương bảo vệ thành phần bản địa thấp kém trong xã hội chống lại thành phần ưu tú và người nhập cư - không phải là diễn biến tất yếu. Các đảng cánh tả có thể chiếm lại thành phần cử tri bình dân nếu họ đưa vào lại trong cương lĩnh cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng, chống tích lũy sở hữu không giới hạn.
Một chủ nghĩa xã hội mới
Làm thế nào? Phần cuối của quyển sách trình bày nhiều “yếu tố hình thành một chủ nghĩa xã hội đồng tham gia” (socialisme participatif). Đồng hóa chủ nghĩa tư bản với sự tôn vinh sở hữu tư, Piketty cho thấy rằng xã hội “có thể vượt qua được thật sự và lâu bền chủ nghĩa tư bản”. Không có công thức thần kỳ hay toán học nào cho phép xác định mức bất bình đẳng “tối ưu” trong xã hội cả. Qua những phân tích lịch sử và địa lý, quyển sách phát hiện các hệ tư tưởng biện bạch cho bất bình đẳng, và tìm ra, qua các thử nghiệm lịch sử, những hướng đi hiệu quả khả dĩ giảm bất bình đẳng.
Piketty nêu nhiều đường hướng: trao quyền lực nhiều hơn cho người lao động làm thuê trong doanh nghiệp; trở lại chế độ thuế lũy tiến với thuế suất cao, như giữa những năm 1930 và 1980; khai thác nguồn thu thuế gia tăng để phân bổ vốn phổ quát cho mỗi người dân, như là một hệ thống mà mọi người đều thừa kế. Cũng như cần đầu tư ồ ạt vào giáo dục để đấu tranh chống bất bình đẳng trong nhà trường. Và cần một châu Âu dân chủ hơn để đặt lại vấn đề tự do lưu chuyển vốn và tạo điều kiện kiểm soát ai sở hữu những gì.
Christian Chavagneux
Hiếm thấy trong giới các nhà kinh tế học, phong cách Piketty khiêm tốn, những đề xuất của ông thận trọng, được nêu ra để thảo luận, không như là giáo điều. Tuy vậy, nội dung những phân tích của Piketty khá quả quyết: không có quyền tư hữu nào là bất khả xâm phạm cả. Tích lũy là kết quả của một quá trình mang tính xã hội, chứ không phải cá nhân. “Trong điều kiện đó, các cá nhân đã tích lũy một số lượng tài sản quan trọng, mà hoàn lại một phân số cho cộng đồng, là điều hoàn toàn hợp lý”.
Cho dù thích thú hay không, người ta sẽ phải tồn tại với các ý tưởng của Thomas Piketty. Ở vào tuổi 48, Piketty đã cho ra tác phẩm trọng đại thứ hai của ông. “Và chưa hết!” – ông thốt lên trong tiếng cười phá.
Christian Chavagneux

Thomas Piketty
1971: Sinh ở Clichy, ngoại ô Paris.
1993: Tiến sĩ kinh tế học, giải thưởng luận án xuất sắc nhất.
2001: Xuất bản Các thu nhập cao ở Pháp thế kỷ XX.
2006: Giám đốc đầu tiên Trường kinh tế học Paris.
2013: Xuất bản Tư bản thế kỷ XXI, bán hơn 2,5 triệu bản.
2019: Xuất bản Tư bản và hệ tư tưởng.
Nguồn:À bas la propriété!”, Alternatives économiques, 03.10.2019.
* * *
CUỘC CÁCH MẠNG GIA SẢN CỦA THẾ KỈ XX
Tỉ phần (%) trong tổng sở hữu tư nhân của những thành phần dân số khác nhau theo mức thu nhập


Created with Highcharts 5.0.14Top 10% những thành phần có thu nhập cao nhấtTop 1 % những thành phần có thu nhập cao nhất40% những thành phần có thu nhập trung gian50% những thành phần có thu nhập thấp nhất1780180018101820183018401850186018701880189019001910191519201925193019351940194519501955196019651970197519801985199019952000200520102015020406080100Top 1 % những thành phần có thu nhập cao nhất : 53 % en 1900



* * *
“VÂNG, CHÚNG TA CÓ THỂ ĐẤU TRANH CHỐNG BẤT BÌNH ĐẲNG”
Alternatives Economiques (A.E.): Lối nhìn mang tính lịch sử và xuyên quốc gia của ông cho thấy tất cả các xã hội đều có những thời kỳ dài bất bình đẳng cao. Biện bạch cho những thời kỳ này là hệ tư tưởng mà ông gọi là “chủ nghĩa sở hữu”. Thế là gì?
Thomas Piketty (T.P.): Đó là một hệ tư tưởng chính trị xem chế độ tư hữu là phương thức điều tiết trung tâm của các quan hệ xã hội, cho phép xã hội đạt đến phồn vinh và hài hòa. Hệ tư tưởng này đối lâp với các xã hội tam phân như xã hội Pháp thời quân chủ, xã hội Ấn độ, xã hội Hồi giáo… các xã hội phân chia theo tam cấp là giáo sĩ, quý tộc và bình dân. Chế độ tư hữu được xem là nguồn cội giải phóng con người cá thể trong chừng mực mọi người đều có thể, trên lý thuyết, trở nên chủ sở hữu. Sau Cách mạng Pháp, đức tin vào tư tưởng này tới mức thế kỷ thứ XIX nâng chế độ bảo hộ tư hữu thành điều thiêng liêng, hầu như là tôn giáo. Chẳng hạn, khi nước Pháp bãi bỏ chế độ nô lệ, người ta quyết định bồi thường chủ những người nô lệ, chứ không bồi thường người nô lệ về sự ngược đãi của chủ đối với họ.
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản những năm 1990 đóng vai trò tương tự như sụp đổ của các xã hội đẳng cấp thế kỷ thứ XVIII. Nó cho phép triển khai một “chủ nghĩa tân sở hữu” biện bạch cho sự tích lũy tư hữu vô hạn. Cho dù lượng tài sản tư lên cao tới mức nào chăng nữa, người ta không được phép đặt vấn đề về nó, còn công nợ thì phải được thanh toán hoàn toàn, cho dù các thế hệ sinh sau xấu số bó buộc phải gánh vác.
A.E.: Trong lịch sử các nước giàu, thế kỷ XIX là thế kỷ bất bình đẳng cao nhất. Vì sao?
T.P.: Vào thời điểm Cách mạng Pháp, đã có những cuộc tranh luận về khả năng đặt lại vấn đề quyền sở hữu. Có những dự luật đánh thuế thừa kế với thuế suất khoảng 70%, thậm chí lên 80%, được đưa ra thảo luận nhưng không thông qua. Do tình hình lúc đó, phe bảo vệ chủ nghĩa sở hữu nắm lại ưu thế, chính sách thuế nói trên không kịp được thử nghiệm. Suốt thế kỷ thứ XIX, thuế suất thừa kế vẫn giữ ở mức 1%. Phải đợi đến 1902, nước Pháp mới áp dụng thuế thừa kế lũy tiến tuy giới hạn, thuế suất chưa bao giờ vượt mức 6,5% năm 1910.
Kết cục, năm 1914, độ tâp trung sở hữu ở Pháp rất cao, gần 60% tài sản nằm trong tay của 1% thành phần giàu nhất, một tỷ lệ còn cao hơn thời Cách mạng cuối thế kỷ XVIII, và hầu như ngang với nước Anh là nơi bất bình đẳng bắt nguồn từ sự tập trung cực độ về đất đai. Giai cấp tư sản Pháp “Thời kỳ vàng son” (1880-1914) quả ngụy biện khi cho rằng, nước Pháp là một cộng hòa không cần thuế lũy tiến như Anh đã xác lập. Cũng phải nói rằng thời đó thiếu những thử nghiệm về thuế lũy tiến. Cho nên phe bảo thủ có thể tố cáo thuế lũy tiến trên thu nhập và tài sản mang tính tước đoạt.
A.E.: Cuộc cách mạng thật sự trọng đại trong lịch sử xảy ra ở thế kỷ thứ XX. Với sự sụt giảm giá trị của sở hữu, mức độ tập trung sở hữu cũng giảm sút. Trước hết là xu thế giảm giá - phải chăng nó là hậu quả trực tiếp của tàn phá do hai thế chiến gây nên?
T.P.: Không phải là yếu tố duy nhất cũng không phải là yếu tố chính. Hãy xem trường hợp của nước Anh, tuy không bị chiến tranh tàn phá ồ ạt, song vẫn có cùng xu thế. Ở Đức và Pháp, tàn phá chiến tranh giải thích khoảng ¼ giá trị sở hữu đã sụt giảm. Không phải là ít, nhưng còn ¾ phải lý giải.
Phải nói rằng phần lớn tiết kiệm tư nhân đã được đầu tư mua trái phiếu công nợ nhằm tài trợ chiến tranh. Rồi phải kể đến lạm phát, đến thuế đặc biệt trên vốn đầu tư nhằm tài trợ hậu chiến, tất cả khiến tiết kiệm tư nhân trở nên hầu như bằng không. Trọng lượng nợ công tính theo tỷ lệ GDP ở Đức, Pháp và Anh đã bị chia cho 10. Các chính phủ chọn lựa không thanh toán nợ công để nó không đè quá nặng lên tương lai đất nước. Điều này giải thích từ 1/3 đến 1/2 sự sụt giảm giá trị của tài sản tư.
Phần còn lại của sụt giảm giá trị là do tương quan lực lượng chính trị đã diễn biến theo hướng giới hạn quyền các chủ sở hữu. Chẳng hạn như biện pháp kiềm chế giá cho thuê nhà ở, khiến cho nhà mất giá; quyền của giới lao động làm thuê trong doanh nghiệp so với các chủ cổ phiếu được nâng lên trong các hội đồng quản trị (ở Đức và Bắc Âu), khiến giá trị doanh nghiệp giảm.
A.E.: Thế kỷ thứ XX chứng kiến độ tập trung tài sản cũng giảm mạnh.
T.P.: Yếu tố đầu tiên giải thích điều này là tầm quan trọng của đầu tư chứng khoán nước ngoài trước Thế chiến thứ nhất. Đặc biệt là trong những tầng lớp nắm tài sản càng cao. Chính những thành phần này đã mất mát nhiều nhất khi giá trị tích sản ở khắp nơi sụp đổ giữa 1914 và những năm 1950. Tột đỉnh thế giới bất bình đẳng 1880-1914 là đỉnh cao của thế giới theo chủ nghĩa sở hữu và thực dân.
Diễn biến của các chính sách công trong mỗi nước cũng giữ một vai trò trung tâm với sự hình thành loại thuế lũy tiến trên thu nhập và thừa kế. Đó là chấn động đối với giới người lâu nay sống nhờ tô tức và bây giờ đành hạ mức sống.
Sau Thế chiến thứ hai, tích lũy tư bản cần thiết cho tăng trưởng vẫn tiếp diễn, nhưng do một tầng lớp xã hội mới kích hoạt là giai cấp trung lưu. Nhờ nhân tố giáo dục, tích lũy tư bản vừa quy mô hơn và hiệu quả hơn, tỷ suất tăng trưởng cao hơn thời xã hội sở hữu chủ nghĩa tiền thế chiến thứ nhất.
A.E.: Chính sự trồi lên của giai cấp gia sản bậc trung, chiếm vị trí của giai cấp giàu nhất, mới thật sự làm nên cuộc cách mạng. Bởi tình thế của 50% người dân ở cấp dưới trong xã hội không có chuyển biến bao nhiêu.
T.P.: Đúng thế, và tôi muôn nhấn mạnh trên điểm đó: các nước đi theo con đường dân chủ xã hội thời hậu chiến, tuy đạt nhiều thành quả, song có một hạn chế quan trọng. Phân nửa nghèo nhất của xã hội không hề thật sự trở thành chủ sở hữu. 50% người nghèo nhất không bao giờ nắm nhiều hơn 10% tổng sở hữu, trong lúc 10% người giàu nhất của xã hội chưa bao giờ nắm ít hơn 50% tổng sở hữu.
A.E.: Từ những năm 1980, bất bình đẳng có xu hướng gia tăng trở lại. Trong tất cả các nước giàu, những đảng cầm quyền thuộc cánh tả không hề phản ứng lại diễn tiến đó. Vì sao?
Ở đây, có thể nêu ba yếu tố: thiếu vắng tham vọng giáo dục, thiếu vắng ý chí lưu chuyển sở hữu, thiếu vắng suy nghĩ tìm tòi giải pháp ngoài khuôn khổ của quốc gia trong một thời đại toàn cầu hóa.
Trên bình diện giáo dục, nếu xét thành phần cử tri bỏ phiếu cho các đảng dân chủ xã hội ở châu Âu và Hoa Kỳ, người ta nhận thấy đó là những đảng phái của giới có bằng cấp, chứ không còn là đảng phái của giới lao động. Vào các năm 1950-1980, cử tri bỏ phiếu dân chủ xã hội là giới có bằng cấp thấp nhất, còn trong các năm 1990-2020 lại là giới có bằng cấp cao nhất. Diễn biến từng bước trên nhiều thập niên qua cho thấy rằng thành phần thắng cuộc trong hệ thống giáo dục đã trở thành đối tượng ưu tiên mà các đảng dân chủ xã hội nhắm đến, và phần còn lại của xã hội cảm thấy như bị bỏ rơi.
Phải nói rằng vào những năm 1980, đưa tất cả một lớp tuổi đến hết tiểu học, rồi hết trung học, tương đối dễ. Nhưng sau khi đạt mục tiêu này mà muốn đưa toàn dân lên trình độ cao học hay tiến sĩ quả khó hơn nhiều! Tuy nhiên, không có gì cấm cản chúng ta đưa ra một chính sách vào đại học công bằng hơn – điều mà các chính quyền dân chủ xã hội không hề làm một cách thỏa đáng. Người ta vẫn chi cho những trường trung học và đại học ưu tú nhiều hơn các trường khác, và trong bối cảnh chung đầu tư giáo dục giảm. Từ 1% tổng thu nhập quốc dân đầu thế kỷ thứ XX, đầu tư giáo dục lên 6% trong những năm 1990, rồi đình đốn từ đó, thậm chí sụt giảm, trong lúc tổng số sinh viên đã gia tăng nhiều. Điều này giải thích phần nào tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Và phe dân chủ xã hội đã mất phiếu của giới cử tri bằng cấp thấp, trong khi giới cử tri giàu nhất tiếp tục bỏ phiếu cho phe bảo thủ, cho dù họ có xu hướng xích gần giới ưu tú có bằng cấp.
A.E.: Còn các chính sách công về lan tỏa sở hữu?
T.P.: Các đảng dân chủ xã hội không giữ lời hứa này. Một phần vì họ trở thành đảng của giới có bằng cấp. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản cũng có vai trò của nó. Đảng xã hội Pháp và Công đảng Anh đã trung thành với đường lối quốc hữu hóa cho đến những năm 1980, rồi bất thần chuyển sang con đường tư nhân hóa. Tại Đức và các nước Bắc Âu, nơi đã tiến hành đường lối sở hữu xã hội và đồng quan trị doanh nghiệp từ những năm 1950, con đường này không được đào sâu như đáng lẽ phải làm. Hệ thống thuế lũy tiến trên sở hữu và sự lưu chuyển sở hữu không được triển khai như cần thiết phải có.
A.E.: Sự thiếu vắng đề xuất đối phó với toàn cầu hóa cũng giải thích phản ứng yếu ớt của các đảng dân chủ xã hội trước sự gia tăng bất bình đẳng.
T.P.: Đối với các đảng phái dân chủ xã hội, công cuộc xây dựng châu Âu đáng lý ra là một giải đáp. Bởi đã chấp nhận một khuôn khổ kinh tế và tài chính xuyên quốc gia thì cơ chế điều tiết công về kinh tế, thuế khóa và môi trường, tự nhiên, phải mang chiều kích xuyên quốc gia. Điều đáng nói là những suy luận của phe dân chủ xã hội về các vấn đề này không mấy tiến bộ. Họ không bao giờ tự hỏi làm sao có thể thoát ra quy tắc nhất trí của các nước trong lĩnh vực thuế khóa châu Âu. Họ chấp nhận tư bản tự do lưu chuyển mà không đòi hỏi hệ thống trao đổi thông tin giữa các nước về ai sở hữu những gì, cho nên không thể nào đánh thuế tài sản và thu nhập được.
Hannah Arendt (1906-1975)

Hannah Arendt đã từng phê phán họ trên vấn đề này trong Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (1951): trong thời kỳ giữa hai thế chiến, các đảng phái dân chủ xã hội như lạc đường vì họ tư duy cương lĩnh chính trị trong khuôn khổ của nhà nước quốc gia. Trong khi đó các hệ tư tưởng kiểu thực dân, Bon-sê-vich, Đức quốc xã hay Hoa Kỳ đều tìm cách tư duy sự điều tiết kinh tế thế giới ở mức độ xuyên quốc gia.
Tư duy chủ quyền chung của nhiều quốc gia một cách dân chủ thật không dễ, nhưng tôi cho rằng có những con đường đi đến. Chúng ta cần khẩn cấp đưa ra những đề xuất trong hướng đó. Riêng tôi đang thử góp phần.
A.E.: Điều đó phải chăng có nghĩa rằng, ngược lại, không có giải pháp trong khuôn khổ quốc gia nào hữu hiệu cả?
T.P.: Không, tôi vẫn tin rằng trong các lĩnh vực về giáo dục, lưu chuyển sở hữu, thuế khóa, v.v., chúng ta có thể tiến hành nhiều điều ở bình diện quốc gia. Chẳng hạn Thuế đoàn kết trên của cải của chính phủ Pháp - Impôt de solidarité sur la fortune (ISF): tổng thu ISF tăng từ 1 tỷ euro năm 1990 tăng lên 5 tỷ lúc thuế bị bãi bỏ, tức nhân gấp 5 lần, trong khi GDP chỉ nhân đôi. Nếu hiện đại hóa thuế này, với lời khai điền sẵn (như thuế trên lương), tổng thu sẽ cao hơn nhiều, vào khoảng 10 tỷ euro.
Có thể nêu một trường hợp khác: thuế nhà đất của Pháp mang tính vô cùng thoái triển do nó tính tới nợ nần của người trả thuế (người sở hữu một ngôi nhà 200.000 euro và có một món nợ 190.000 euro, sẽ trả thuế bằng như người thừa kế ngôi nhà này và không có nợ nần nào cả); nó cũng không tính tới tài sản tài chính của người trả thuế (người sở hữu ngôi nhà 200.000 euro và 2 triệu euro chứng khoán sẽ trả thuế như là người không có chứng khoán). Trong các vấn đề này, chúng ta đều có thể cải thiện tình hình hiện nay. Sự gia tăng bất bình đẳng không hề là định mệnh. Có những chính sách công cho phép chống chọi chủ nghĩa sở hữu đang ngự trị.
A.E.: Những đề xuất của ông là gì?
T.P.: Các đề nghị của tôi đi theo hai hướng chính: sở hữu xã hội và sở hữu nhất thời. Về sở hữu xã hội trong doanh nghiệp, tôi chủ trương phân bố phân nửa phiếu biểu quyết trong các hội đồng quản trị cho phía người lao động làm thuê, như Đức và các nước Bắc Âu đã tiến hành từ nhiều thập niên. Cũng có thể thử nghiệm biện pháp định mức phiếu biểu quyết tối đa mà các cổ đông quan trọng có quyền nắm. Nếu chúng ta muốn giảm bớt bất bình đẳng thi cần đạt đến nhiều sở hữu xã hội hơn.
Về hướng thứ hai là sở hữu nhất thời, tôi chủ trương một thuế hàng năm và lũy tiến trên sở hữu và kế thừa. Hiện nay tài sản bình quân của người Pháp tuổi thành niên là gần 200.000 euro. Ai ở dưới mức bình quân này, thuế suất sẽ rất thấp, khoảng 0,1% của giá trị của cải, tức ít hơn thuế nhà đất hiện tại. Trái lại, đối với của cải giá trị cao và nhất là thật cao, vượt một 100 triệu euro hay 1 tỷ euro, thuế suất có thể lên đến 90% nếu tài sản cao gấp 10.000 lần tài sản bình quân, tức vượt lên 2 tỷ euro.
Barem mà tôi đề nghị nhằm chấm dứt những tài sản khổng lồ, đồng thời cho phép những tài sản hàng triệu euro, thậm chí hàng chục triệu euro đối với những người giàu nhất. Ý tưởng một người một mình có thể sở hữu nhiều tỷ euro thật khó biện bạch. Tôi đề nghị chúng ta trở lại mức thuế suất không mang tính triệt để đã từng tồn tại đến các năm 1980. Kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ nó không cản trở tăng trưởng kinh tế.
Với tiền thuế thu về từ đó, xã hội có thể xác lập một chế độ phân bổ vốn phổ quát: mọi người, khi đến 25 tuổi, được thừa hưởng 120.000 euro. Hiện nay, nếu tài sản bình quân đầu người ở Pháp là 200.000 euro, phân nửa xã hội Pháp không hưởng được gì cả. Với chủ trương của tôi, sở hữu sẽ lưu chuyển đồng thời sẽ trẻ hóa. Trong những xã hội già nua của chúng ta, quyền lực kinh tế do những người ngày càng cao tuổi kiểm soát. Đây cũng là phương tức xã hội hóa thừa kế, cho phép mỗi người nhận được vốn vào thời điểm cuộc đời mình cần nhất, để mua nhà ở hay tạo doanh nghiệp, v.v., thậm chí để đầu tư vào doanh nghiệp mình đang làm thuê.
A.E.: Quả ông chủ trương phát triển chế độ người làm thuê cổ đông. Nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt, họ sẽ mất cả việc làm lẫn tiết kiệm.
T.P.: Hình thức người làm thuê cổ đông không thích họp với mọi trường hợp, nhưng đôi khi nó có hiệu ứng bổ sung sở hữu xã hội. Ngoài 50% phiếu biểu quyết trong hội đồng quản trị mà đại diện người lao động làm thuê giữ, người làm thuê còn có thể nắm nhiều quyền hơn trong doanh nghiệp nhờ sở hữu cổ phiếu. Dù sao, đây không phải là mô hình phổ quát, mỗi người đều có tự do sử dụng vốn phân bổ phổ quát của mình. Người ta thường nghe phê bình rằng ngay khi đại diện người làm thuê nắm 50% phiếu biểu quyết, người sở hữu cổ đông vẫn quyết định tất cả. Với một ít người làm thuê cổ đông, quyền lực trong doanh nghiệp có thể ngã sang phía họ.
A.E.: Thay vì tác động lên tái phân phối, tại sao không không tác động trước đó, trên phân phối ban đầu, chẳng hạn như tăng tiền lương?
T.P.: Khi sức mạnh thương thuyết của người làm thuê được tăng cường thì sẽ có tác dụng đó. Kết quả là phép phân chia giá trị gia tăng giữa tiền lương và lợi nhuận sẽ được cân đối lại. Chúng ta có thể tác động thông qua nhiều tham số, đặc biệt là tăng lương tối thiểu – tuy nhiên chúng ta không thể chỉ hành động từ bên dưới. Theo tôi, quan trọng nhất là tạo cho người làm thuê một thế đứng thật sự trong ban lãnh đạo doanh nghiệp.
A.E.: Ông ít đề cập đến các vấn đề điều tiết tài chính. Song, khi khủng hoảng xảy đến, đâu có cuộc thảo luận nào khác nữa. Hơn thế, tài chính cũng là nguyên nhân làm gia tăng bất bình đẳng.
T.P.: Sự bành trướng tài chính từ những năm 1990 là kết quả của tự do hóa các luồng vốn phi điều tiết. Chúng ta phải khởi đi từ đó để hành động. Về mặt này, trước hay sau gì châu Âu cũng phải bãi bỏ các hiệp định hiện hành cho phép vốn lưu chuyển không giới hạn, trong đó một phần là những phi vụ ảo nhằm tránh né thuế và các qui định. Kiểm soát sự lưu chuyển vốn đang tiến công vào chủ quyền các quốc gia, theo tôi, là phương cách nhốt thần xấu tài chính lại vào lọ mà nó đã thoát ra.
Đường hướng khác cần triển khai là thiết lập lãi suất chung cho toàn bộ thành viên vùng euro. Bởi có tiền tệ duy nhất và 19 lãi suất là mở cửa cho đầu cơ. Chúng ta có thể tiến vào con đường ấy mà không cần tương tế hóa công nợ các nước, không cần đến chuyển ngân giữa các nước. Trong đấu tranh này, chúng ta có thể thắng lợi.
A.E.: Khởi điểm là tư tưởng. Ông cho rằng tư tưởng có thể đảo lộn những qui trình lịch sử. Tuy nhiên chỉ có sự thử nghiệm thực tiễn thành công mới chuyển đổi tình thế thông qua biến đổi tương quan lực lượng chính trị - tư tưởng hệ. Ông sẽ khuyên gì với đối tượng người trẻ: trở thành nhà nghiên cứu hay nhà hoạt động chính trị?
T.P.: Cả hai! Không có một cuộc sống tốt đẹp độc nhất. Nó tùy thuộc vào khát vọng của mỗi người. Về mặt tư tưởng, tôi nghĩ rằng sự hoang mang về dân chủ của chúng ta hiện nay xuất phát từ sự tự trí quá lớn chúng ta dành cho lĩnh vực kinh tế - tài chính và giám định của nó đối với xã hội còn lại. Đó không phải là một lĩnh vực hoạt động tùy theo ý muốn hay không của mỗi người. Đáng lý ra mọi người đều phải nắm lấy các vấn đề kinh tế. Tôi cố đóng góp phần của mình.
Đường đi của tôi là quy trình của một nhà nghiên cứu, bởi đó là sở thích của tôi, và là hoạt động mà tôi nghĩ rằng có năng lực tương đối nhiều nhất. Khởi đầu là tư tưởng và phải phổ biến nó càng rộng càng tốt. Song, vào đến thời điểm bầu bán, tôi không ở trong tháp ngà, mà tự bó buộc mình phải dấn thân, kể cả đồng hành với những ứng cử viên không hoàn toàn thỏa mãn tôi. Nhưng tôi vẫn làm vì tôi nghĩ điều đó quan trọng – và tôi sẽ tiếp tục làm như thế.
Ông kêu gọi đan kết sử học, chính trị học, kinh tế hoc, xã hội học: lời kêu gọi của ông có được hưởng ứng hay không?
Tôi lạc quan được hưởng ứng của giới sử học, xã hội học, chính trị học hơn là giới kinh tế học! Thế hệ trẻ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội cần nắm lấy các vấn đề kinh tế, và họ đang làm điều đó. Không nên bỏ mặc những vấn đề kinh tế cho các nhà kinh tế học. Cũng có những nhà kinh tế học cởi mở nhưng phần lớn họ vẫn tin chắc rằng kinh tế học là một ngành tự trị so với các khoa học xã hội khác.
François Simiand (1873-1935)
Trong Tư bản và hệ tư tưởng, tôi tìm cách chứng minh rằng không thể cải tiến hiểu biết của ta về bất bình đẳng giữa các giai cấp xã hội chỉ trên cơ sở của công cụ kinh tế học. Chúng ta cần tiếp cận của xã hội học, sử học, chính trị học, văn hóa học. Tại Trường cao đẳng học thuật về khoa học xã hội (EHESS) và Trường kinh tế học Paris, chúng tôi nỗ lực triển khai những cách tiếp cận đa phương, như ở Trung tâm sử học kinh tế và xã hội François-Simiand. Qua những đối tượng nghiên cứu chính xác, chúng ta cần chứng minh rằng các môn học bổ sung cho nhau mà không phải mất thời giờ tranh cãi vô bổ về phương pháp luận. Tôi tin rằng, nhờ các khoa học xã hội khác, ranh giới giữa giữa các môn học đang được xác định lại. Trước hay sau gì, khoa kinh tế học cũng phải chấp nhận điều đó.
Quyển sách của ông cho thấy bao giờ cũng có một bộ phận kinh tế gia, như là Paul Leroy-Beaulieu, đứng ra phục vụ giới nhà giàu, từ thế kỷ thứ XIX cho đến ngày hôm nay.
Paul Leroy-Beaulieu (1843-1916)
Nicolas de Condorcet (1743-1794)
Trường hợp Leroy-Beaulieu khá tiêu biểu! Các nhà kinh tế học thường rất bảo thủ. Đối với Adam Smith, thị trường đủ sức tạo nên tiến bộ: cho nên bãi bỏ Viện qúy tộc hay chế độ nô lệ, không cần có tác động chính trị đặc biệt và nhất không cần có thay đổi đột phá. So với Condorcet hay Paine, Smith thật lạc hậu. Tiếp đến có Karl Marx, song những người kế tục ông hầu như chỉ hứa hẹn chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ mà không cần biết cái gì sẽ xảy ra sau đó. Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội kiểu Xô viết có trách nhiệm nặng nề trong sự phục hồi hệ tư tưởng tân sở hữu chủ nghĩa. Đó không chỉ là kết quả của hệ tư tưởng các Leroy-Beaulieu ngày hôm nay.
Phỏng vấn do Christian Chavagneux ghi lại.
Trần Hải Hạc dịch
Nguồn: Thomas Piketty: “Oui, on peut combattre les inégalités!, Alternatives économiques, 12.09.2019.
----
Print Friendly and PDF