24.4.20

Bà Thái Anh Văn tái đắc cử [tổng thống] ở Đài Loan: những bài học từ một chiến thắng kép và sự không chắc chắn của Trung Quốc


BÀ THÁI ANH VĂN [Tsai Ing-wen] TÁI ĐẮC CỬ [TỔNG THỐNG] Ở ĐÀI LOAN: NHỮNG BÀI HỌC TỪ MỘT CHIẾN THẮNG KÉP VÀ SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN CỦA TRUNG QUỐC
Nữ tổng thống Đài Loan sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn đã tái đắc cử với 57% số phiếu bầu vào ngày 11 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: Hawai Public Radio)
Làm thế nào để diễn giải chiến thắng của bà Thái Anh Văn khi tái đắc cử tổng thống vào hôm 11 tháng 1 và việc đảng của bà duy trì được thế đa số tuyệt đối tại Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc [hay Quốc hội – ND]? Không thể hạ thấp các cuộc bầu cử ở Đài Loan thành một phong vũ biểu về các mối quan hệ với Trung Quốc. Người Đài Loan cũng đang bỏ phiếu vì đời sống chính trị trong nước của họ. Nhưng thách thức về các mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh vẫn giữ một vai trò không đổi trong các chiến dịch bầu cử của Đài Loan. Các cuộc bầu cử vào tháng 1 năm 2020 cũng không phải là ngoại lệ.
NHỮNG CON SỐ ĐẰNG SAU CHIẾN THẮNG CỦA BÀ THÁI ANH VĂN VÀ ĐẢNG PDP
Hàn Quốc Du (1957-)
Tống Sở Du (1942-)
Bà Thái Anh Văn, khi được Đảng Dân chủ Tiến bộ (PDP) bầu lại làm ứng cử viên [tổng thống], được coi là người đảm bảo cho chủ quyền của Đài Loan, luôn dẫn đầu các cuộc thăm dò kể từ cuối tháng 8 vừa qua. Về phần ông Hàn Quốc Du [Han Kuo-yu], đối thủ của bà, thuộc Quốc dân đảng (KMT), ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy và được Bắc Kinh ưa thích, ông đã thất bại trong việc biến thành công ban đầu trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11 năm 2018, khi​​ ông đã giành được tòa thị chính Cao Hùng, thành chiến thắng tiếp theo. Tận dụng những động lực thuận lợi, kể từ tháng 1, bà Thái Anh Văn đã làm một cuộc ngược dòng ngoạn mục, điều mà ông Hàn Quốc Du không có khả năng ngăn chặn. Nữ tổng thống sắp mãn nhiệm đã cải thiện bản thành tích năm 2016 của mình và đã giành được hơn tám triệu phiếu bầu, tương đương 57% số phiếu, đánh bại đối thủ của mình với khoảng cách rất xa. Ông Hàn Quốc Du chỉ nhận được 5,5 triệu phiếu bầu, khoảng 38,5% số phiếu, trong khi ông Tống Sở Du [James Soong], người luôn về thứ ba trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Đài Loan, chỉ nhận được khoảng 4% số phiếu. Điều quan trọng không kém khác là đảng PDP của bà Thái Anh Văn duy trì được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội với 61 ghế trên tổng số 113 ghế. Song, Quốc dân đảng cũng giành được thêm 3 ghế so với cuộc bầu cử năm 2016 và từ nay có 38 ghế. Mặc dù thành tích có kém hơn một chút trong các cuộc bầu cử lập pháp so với năm 2016, nhưng bà Thái Anh Văn vẫn đảm bảo một quyền tự do hành động nhất định trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Trong những ngày trước cuộc bầu cử, các phương tiện truyền thông xã hội đã tràn ngập những lời kêu gọi đi bầu, do lo ngại một tỷ lệ không can dự quá lớn – đặc biệt của giới trẻ – có thể dẫn đến việc Quốc dân đảng và ông Hàn Quốc Du có một cuộc đột phá trong bầu cử. Cuối cùng, tỷ lệ tham gia đi bầu là 75% và rất nhiều người Đài Loan đã đi xuyên đất nước, hoặc trở về từ nước ngoài để bỏ phiếu. Bởi vì ở Đài Loan, bạn chỉ có thể bỏ phiếu ở nơi mà bạn đã đăng ký trên danh sách cử tri. Con số này cho thấy cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đã được vận động một cách đặc biệt. Năm 2016, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 66%, đã là một kỷ lục vào thời điểm đó.
CHỦ ĐỀ không THỂ LẨN TRÁNH VỀ CHỦ QUYỀN CỦA ĐÀI LOAN
Ông Hàn Quốc Du dường như muốn thu hút những ưu đãi thuận lợi của Bắc Kinh để thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của hòn đảo. Nhưng ông không thể xác định những đường biên của một chương trình được coi là đáng tin. Chuyến đi của ông đến Trung Quốc đại lục vào tháng 2 năm 2019 và đến các đặc khu hành chính (SAR) Macao và Hồng Kông của Trung Quốc đã củng cố thêm cảm giác mơ hồ xung quanh mối quan hệ của ông và của đảng ông với Bắc Kinh. Nghiêm trọng hơn, trước cuộc bầu cử và trước khoảng cách ngày càng bị bỏ xa trong các cuộc thăm dò, đã xuất hiện nhiều nhân tố cho thấy những chia rẽ phiền phức trong hàng ngũ của một đảng già nua theo chủ nghĩa dân tộc: sự ngờ vực giữa các thành viên trong nội bộ Quốc dân đảng, nền tảng chiến đấu của đảng và ông Hàn Quốc Du, sự do dự trong việc giới thiệu ông làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống hoặc, hơn nữa, sự gia tăng những ứng cử viên không được lòng dân trong danh sách các cuộc bầu cử lập pháp, trong đó có những nhân vật thân Trung Quốc với lòng trung thành đáng ngờ.
Tập Cận Bình (1953-)
Kế tiếp là việc Trung Quốc nhắc nhở những cử tri còn do dự về các mục tiêu của mình. Vào tháng Giêng năm 2019, Tập Cận Bình đã trình bày một cách mạnh mẽ việc ông từ chối từ bỏ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan vào đại lục dưới sự bảo hộ của nước Cộng hòa nhân dân, theo công thức “một quốc gia hai chế độ”. Nguyên tắc này rất không được lòng dân trên đảo và bà Thái Anh Văn đã đáp trả một cách kiên quyết, và từ đó lại được thêm lòng dân. Kể từ cuối mùa xuân năm 2019, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã có tác dụng củng cố hơn nữa việc người Đài Loan bác bỏ nguyên tắc nói trên. Các sự kiện ở cựu thuộc địa Anh cũng làm lu mờ Quốc Dân Đảng, dù chính họ cũng phản đối công thức “một quốc gia hai chế độ”, nhưng, dưới con mắt của công luận Đài Loan có vẻ quá nhút nhát và quá chậm chạp trong việc lên án [chính quyền Hồng Kông] đàn áp phong trào. Cuối cùng, về quan hệ ở hai bờ eo biển, cử tri đã coi bà Thái Anh Văn và đảng PDP là những người có khả năng tốt nhất để bảo vệ chủ quyền của hòn đảo.
AI SẼ PHẢN ĐỐI BÀ THÁI ANH VĂN VÀ PHE ĐA SỐ CỦA BÀ SAU BẦU CỬ?
Ngay cả khi đây là lần thứ hai liên tiếp mà Quốc dân đảng thất bại trong việc chiếm đa số ghế tại quốc hội, người ta không loại trừ họ sẽ lại phục hồi sau này. Việc Quốc Dân Đảng chọn ông Hàn Quốc Du làm ứng cử viên tổng thống và làn sóng dân túy tại Đài Loan sau các cuộc bầu cử địa phương, được gọi là “9 trong 1”, vào tháng 11 năm 2018, đã cho thấy trọng lượng dai dẳng của những nhóm có khuynh hướng bảo thủ, đôi khi nhạy cảm với những bài phát biểu ủng hộ một quan hệ gần gũi với Trung Quốc ít nhất là về mặt kinh tế, thường tập hợp những người tương đối lớn tuổi và đối lập với đảng PDP. Các khuynh hướng chính trị đó, cùng với một nền tảng bầu cử có lợi cho Quốc dân đảng, vẫn tồn tại khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử. Ngoài ra, những nhân vật khác có thể tìm cách gây ảnh hưởng trong nội bộ Quốc dân đảng, như Hou You-yi, thị trưởng nổi tiếng của Tân Bắc, hay Jason Hsu [thành viên của nhóm nhạc nam 5566 – ND]. Jason Hsu, 41 tuổi, vào ngày 12 tháng 1, trên Facebook đã kêu gọi xây dựng lại diễn ngôn của Quốc Dân Đảng về các vấn đề hai bờ eo biển và tất yếu phải trẻ hóa đảng. Nhận thấy tình trạng lộn xộn bao quanh sự đồng thuận năm 1992[*], ông đã mời gọi giới trẻ tự khẳng định bản thân và lên tiếng.
Ko Wen-je (1959-)
Cũng cần theo dõi tiếp, ở Đài Loan, sự trỗi dậy từng bước của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), và người sáng lập đảng, thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je, cùng với Terry Gou, chủ tịch kiêm CEO của Foxconn và cựu thành viên của Quốc dân đảng. Đảng TPP là một lựa chọn thay thế Quốc dân đảng và đảng PDP, nhưng diễn ngôn của họ bị ảnh hưởng bởi sự mơ hồ đối với Trung Quốc và đối với chủ nghĩa bảo thủ của mình. Đảng TPP không giới thiệu ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng đã giành được 11,2% phiếu bầu và 5 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp. Điều này có thể mở đường cho việc Ko Wen-je ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, ngay cả khi ông chưa dứt khoát về vấn đề này.
Chen Bo-wei (1985-)
Hai đảng nhỏ khác, lần này có lợi hơn cho bà Thái Anh Văn, đã giành được ghế tại quốc hội. Đảng Sức mạnh mới (NPP), sau một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vào năm ngoái, đã giữ được 3 ghế, nhưng sẽ nhường vị trí “đảng lớn nhất trong số các đảng nhỏ” cho TPP của Ko Wen-je. Hơn nữa, Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan (TSP, cựu đảng cấp tiến Đài Loan), lần đầu tiên đã giành được một ghế với chiến thắng của ứng cử viên trẻ tuổi Chen Bo-wei tại Đài Trung.
TRUNG QUỐC VÀ DƯ LUẬN quẦn chúng ĐÀI LOAN
Các diễn biến nói trên cho thấy rõ những khó khăn mà Bắc Kinh gặp phải trong cách tiếp cận dư luận quần chúng ở Đài Loan. Trong khi Trung Quốc đặt cược, giống như trong các cuộc bầu cử trước đó, vào một chính sách cứng rắn đối với hòn đảo, với sự gia tăng các hành động ngoại giao, áp lực kinh tế hoặc đe dọa quân sự khác, thì sự kiên quyết đó đã thúc đẩy, ngược lại, một sự trỗi dậy chớp nhoáng của bà Thái Anh Văn, và gián tiếp góp phần vào sự tái đắc cử của bà. Tuy Bắc Kinh đã tạo những điều kiện dễ dãi về mặt kinh tế và ngoại giao cho những người có quốc tịch Đài Loan và cho các doanh nghiệp Đài Loan, nhưng sự hào phóng đó có lẽ có động cơ chính trị nhiều quá để người dân hòn đảo không khỏi ngờ vực. Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh có hành động phản tác dụng đối với cử tri Đài Loan. Những hành động sai lầm có tính lặp lại đó gợi lại ký ức về các cuộc bắn tên lửa ở vùng eo biển trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1996. Các hành động đó đã dẫn đến chiến thắng của một “chính trị gia theo đường lối độc lập” trong con mắt của Trung Quốc: Lý Đăng Huy [Lee Teng-hui].
Lý Đăng Huy (1923-)
Người Đài Loan tự coi mình là người Trung Quốc, ngày nay, chiếm một thiểu số nhỏ, khoảng 3% dân số. Theo một cuộc thăm dò vào tháng 6 năm 2019, những người tự coi mình vừa là người Trung Quốc vừa là người Đài Loan chiếm 36,5%, và những người tự coi mình là người Đài Loan chiếm 56,9%. Số người tự coi mình là người Đài Loan đã tăng lên so với năm 2018, cũng theo cuộc thăm dò này. Quan điểm này đã giảm xuống 54,5%, so với tỷ lệ tối đa 60,6% vào năm 2014, ngay sau “phong trào dù”. Ngay cả khi Trung Quốc là một nước hấp dẫn về mặt kinh tế đối với giới trẻ Đài Loan, thì Bắc Kinh chỉ gây một ảnh hưởng chính trị nhỏ lên họ. Số đông họ vẫn phản đối một quan hệ chính trị gần gũi với Trung Quốc. Vì vậy, những sở thích của lực lượng chính trị tương lai này là một thách thức chiến lược thực sự đối với Bắc Kinh.
TÁC ĐỘNG QUỐC TẾ CỦA CUỘC BẦU CỬ VÀ PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC
Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, bà Thái Anh Văn đã nhấn mạnh đến phạm vi quốc tế của sự kiện và tầm quan trọng của Đài Loan đối với thế giới với tư cách là “đối tác chứ không phải là vấn đề”. Đối với một nước bị tước đi một phần nào đó tư cách đại diện trên trường thế giới do áp lực của Trung Quốc, thì các cuộc bầu cử Đài Loan đã dấy lên một mối quan tâm chưa từng có trên thế giới. Việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử và đảng PDP duy trì được thế đa số tại quốc hội có thể có những tác động tích cực đến biên độ hoạt động quốc tế của hòn đảo, ngay cả khi Bắc Kinh gia tăng gấp đôi nỗ lực để đối phó với tình huống đó.
Kể từ khi đảng Dân chủ tiến bộ lên nắm quyền vào năm 2016, Đài Loan đã tự coi mình như là một Nhà nước lính canh của nền dân chủ, trên tuyến đầu cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng của các chế độ độc tài. Nữ tổng thống tái đắc cử đã kết thúc bài phát biểu của mình với ghi nhận này: “Chính qua cuộc bầu cử này cho thấy chúng ta có quyền tự do và dân chủ hay không.” Đúng là hòn đảo đã có được quyền tự do và dân chủ. Bà Thái Anh Văn sẽ tiếp tục đường lối tái lập quan hệ gần gũi với các đối tác dân chủ của Đài Loan, như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ, trong số những đối tác khác. Nhưng một sự lạc quan quá thiên về một phía có thể được tiết chế bởi hai nhân tố: tiếng động của những người theo đường lối biệt lập tiếp tục được nghe thấy ở Mỹ và sự thống nhất dễ vỡ của các cường quốc dân chủ, đặc biệt trong các mối quan hệ với Trung Quốc.
Vương Nghị (1953-)
Nếu Tập Cận Bình đã tuyên bố không từ bỏ sử dụng vũ lực để, một ngày nào đó, nắm quyền kiểm soát Đài Loan, thì một cuộc phiêu lưu quân sự chống lại hòn đảo này hiện bộc lộ nhiều rủi ro hơn vì nhiều lý do. Thế nhưng, mối đe dọa này vẫn duy trì một áp lực thường xuyên lên Đài Loan. Mối đe dọa đó có thể gia tăng theo tốc độ mà Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí quân sự của họ. Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu sử dụng các phương tiện khác để gây ảnh hưởng đến hòn đảo, từ các áp lực ngoại giao và kinh tế đến các đe dọa về quân sự và tâm lý, thông qua việc sử dụng mạnh tay các phương tiện truyền thông và công cụ kỹ thuật số (mạng, trí tuệ nhân tạo) phục vụ cho những mục đích cung cấp thông tin sai lệch. Đối với một số nhà phân tích, Đài Loan đóng vai trò là nơi thử nghiệm các chiến thuật gây ảnh hưởng của Trung Quốc, và chiến thuật hiệu quả nhất trong số đó có thể là việc nhắm đến các xã hội dân chủ khác về sau này. Để tự bảo vệ mình, hòn đảo đã đặc biệt thông qua một luật “chống xâm nhập” nhằm ngăn chặn sự can thiệp của các “thế lực thù địch” trong các tiến trình chính trị, bầu cử và trưng cầu dân ý của hòn đảo. Với Trung Quốc, xuất hiện ở hậu trường, trong tầm ngắm.
Trong số những phản ứng chính thức hiếm hoi của Trung Quốc về kết quả các cuộc bầu cử ở Đài Loan, Văn phòng Đài Loan vụ (TAO) phụ trách các mối quan hệ ở hai bờ eo biển, trên website của mình, đã nhắc lại tầm quan trọng của nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” làm nền tảng cho việc “thống nhất đất nước trong hòa bình” và “sự kiên quyết phản đối bất kỳ dự án li khai nào” từ phía Bắc Kinh. Vương Nghị [Wang Yi], bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc cũng có bài phát biểu tương tự. Không có gì mới trong các công thức ngắn gọn đó, mà theo cách tốt nhất cho thấy một mức độ nào đó trong phản ứng của Trung Quốc, cho đến bây giờ. Nhưng tích lũy những điều chưa biết cho phần còn lại.
Hugo Tierny
Tác giả Hugo Tierny
Tác giả xin cảm ơn Alexandre Gandil về những góp ý hiệu đính rất cẩn thận.
Giới thiệu tác giả
Hugo Tierny là nghiên cứu sinh học bổng tiến sĩ tại học viện Institut Catholique de Paris (ICP) và trường Ecole Pratique des Hautes Etudes (EPHE). Ông đã sống bốn năm ở Đài Bắc (Đài Loan) và quan tâm đến các vấn đề về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và các mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[*] Sự “đồng thuận năm 1992” là một thuật ngữ chính trị đề cập đến một thỏa thuận được giả định giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo đó hai bên khẳng định nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng chấp nhận nhiều cách diễn giải khác nhau. Trong khi Bắc Kinh thường hay giới thiệu sự “đồng thuận” nhưng không đề cập đến “nhiều cách diễn giải khác nhau” (rất quan trọng đối với Quốc Dân Đảng), và lấy đó làm hòn đá tảng cho những tương tác ở hai bờ eo biển, thì bà Thái Anh Văn xem đó là một sự vi phạm chủ quyền của Đài Loan.

Print Friendly and PDF