9.6.21

Nhà sử học của hai thế kỉ

PTKT: Eric Hobsbwam (1917-2012) là sử gia lỗi lạc mà bản dịch chương 2chương 18 trong tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991 của ông đã được PTKT giới thiệu. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng toàn bộ các chương còn lại bản dịch của kiệt tác này. Để tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của ông, bạn đọc có thể tham khảo phim tài liệu Eric Hobsbwam: The Consolations of History của Anthony Wilks (London Review of Books) và bài viết “Nhà sử học của hai thế kỉ” dưới đây của dịch giả Nguyễn Ngọc Giao cùng với bản dịch bài viết của Nguyễn Quang.
 

============

NHÀ SỬ HỌC CỦA HAI THẾ KỈ

Nguyễn Ngọc Giao

Eric J. Hobsbawm đã từ trần ngày mồng 1 tháng 10 năm 2012, thọ 95 tuổi. Ông là sử gia lớn, nếu không nói là sử gia lớn nhất về lịch sử thế giới hai thế kỉ XIX và XX, đồng thời là một trí thức dấn thân từ thuở niên thiếu cho đến trọn đời.


Uy tín của Hobsbawm đã được xác lập với ba bộ sử về Thế kỉ XIX: The Age of Empire, 1875-1914 (Thời đại Đế chế 1875-1914, xuất bản lần đầu năm 1987), The Age of Revolution: Europe 1789-1848 (Thời đại Cách mạng: Châu Âu 1789-1848) và The Age of Capital: 1848-1875 (Thời đại Tư bản: 1848-1875).

Đối với nhà sử học (mác xít, tất nhiên) này, căn cứ vào các cuộc vận động lớn của lịch sử thế giới, Thế kỉ XIX bắt đầu từ 1789 (Cách mạng Pháp), và kết thúc vào năm 1914, khi Thế chiến lần thứ nhất bùng nổ, mở đầu sự cáo chung của “Thời đại Đế chế”. Vì thế, ông đã tạo ra tên gọi “Thế kỉ Dài” để nói về Thế kỉ XIX.

Thế kỉ XX, dưới nhãn quan sử học, bắt đầu từ năm 1914. Hobsbawm coi như nó kết thúc, không phải vào năm 2000 theo lịch, mà vào năm 1991, khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, kết thúc chiến tranh lạnh. Trăm năm thu gọn vào 77 năm, nên ông gọi nó là “Thế kỉ ngắn”. Thời đại của những Thái cực: Lịch sử Thế kỉ ngắn 1914-1991 chính là đầu đề bộ sử lớn thứ tư của Hobsbawm, nói về Thế kỉ XX mà chúng ta vừa từ biệt.

Viết về lịch sử đương đại là điều khó. Viết một bộ sử tổng quan về Thế giới đương đại là điều không thể. Hobsbawm, và có lẽ chỉ Hobsbawm, đã làm được điều không thể ấy. Ông là người uyên bác, trí nhớ phi phàm, một tầm nhìn xa, và cái nhìn sắc sảo. Con người bách khoa ấy không chỉ quan tâm tới lịch sử, mà còn đam mê văn học nghệ thuật: dưới bút danh Francis Newton, ông là nhà phê bình nhạc Jazz có uy tín của tạp chí New Statesman. Hội đồng Giải thưởng Balzan năm 2003 (dành cho những công trình sử học Âu châu từ năm 1900) trao giải cho ông vì “phân tích xuất sắc lịch sử đau thương của Châu Âu thế kỉ XX, kết hợp nhuần nhuyễn những công trình nghiên cứu sâu sắc của mình và tài năng văn học lớn lao”. Bộ ba lịch sử “Thế kỉ Dài” được tạp chí The New York Review of Books đánh giá là “một trong những bộ sử tổng quan vĩ đại nhất từ mấy chục năm nay”. Đối với sử gia David Caute (sử gia, nhà văn, nhà báo, giáo sư đại học, không mác-xít), Hobsbawm có lẽ là “nhà sử học đương thời lớn nhất -- không những của Vương quốc Anh, mà của toàn thế giới”.

David Caute (1936-)

Quan điểm mác-xít nhất quán của ông, nhất là sự trung thành với Đảng cộng sản (Hobsbawm gia nhập ĐCS từ năm 14 tuổi, tại Berlin, và sinh hoạt trong ĐCS Anh cho đến ngày chết... của đảng này vào những năm 1990; là một đảng viên nhưng không bao giờ để “tính đảng” lấn áp tinh thần phê phán, năm 1956 ông phản đối Liên Xô đàn áp cuộc nổi dậy của Hungary, nhưng không li khai), khiến cho Hobsbawm gặp nhiều sự công kích và chống đối. Bằng chứng cụ thể nhất là cuốn Thời đại của những Thái cực: Lịch sử Thế kỉ ngắn đã được dịch và xuất bản trên 40 nước, nhưng ở Pháp, không một nhà xuất bản lớn nào chịu xuất bản. Ban biên tập của những nhà xuất bản này chịu sự khống chế của trường phái François Furet (cựu đảng viên cộng sản Pháp) và mấy cậu “triết gia mới” (cựu mao-ít). Cuối cùng, một nhà xuất bản nhỏ ở Bỉ (Complexe), với sự hưởng ứng của tạp chí Le Monde Diplomatique (độc giả của nguyệt san này đã ghi tên mua đông đảo), đã đứng ra xuất bản, sau đó đã được tái bản với số lượng lớn.

Eric Hobsbawm sinh ngày 9 tháng 6 năm 1917 ở Alexandria (Ai Cập) trong một gia đình Do Thái, thuở nhỏ sống ở Wien (Áo). Mồ côi cha năm 12 tuổi, vừa đi làm vừa đi học để giúp mẹ và em, mồ côi mẹ năm 14 tuổi, được một bà dì (em mẹ) và một ông chú (em cha; hai người sau này kết hôn) nuôi dưỡng cho ăn học. Học trung học ở Berlin đến khi Hitler lên cầm quyền thì gia đình di cư sang London (1934). Bảo vệ luận án Tiến sĩ sử học (Cambridge) trước khi tham gia Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Giảng dạy đại học từ năm 1947 ở Birkbeck, London, và thỉnh giảng ở nhiều trường đại học trên thế giới (Stanford, UCLA...).

Những tác phẩm cuối đời: Interesting Times: a twentieth-Century life (Allen Lane, 2002, tự truyện); Globalisation, Democracy and Terrorism (Little & Brown, 2007); How to Change the World: Tales of Marx and Marxism (Little & Brown, 2011).

Ngay khi bản dịch “Thế kỉ ngắn” xuất bản tại Pháp, Diễn Đàn đã đăng liên tiếp 5 bài của Nguyễn Quang[*]. Nay chúng tôi đưa lại lên mạng (trước tiên là bản dịch tiếng Việt, vài ngày nữa, nguyên tác tiếng Pháp).

Cũng nhân dịp này, xin công bố lần đầu “Cách mạng Thế giới”, là chương 2 trong 19 chương của tác phẩm này. Xin cảm ơn anh Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, đã cho phép Diễn Đàn công bố trước. Kèm theo lời cảm ơn, là lời ăn năn hối lỗi gửi tới bộ biên tập nhà xuất bản, vì dịch giả đã kéo dài quá trình “mắc dịch”.

Nguyễn Ngọc Giao

Nguồn: Nhà sử học của hai thế kỉ, Diendan.Org, 04/10/2012 (cập nhật lần cuối 12/04/2016)

Print Friendly and PDF