30.1.23

François Furet (1927-1997)

FRANÇOIS FURET (1927-1997)

Mona Ozuff[*]

François Furet (1927-1997)

Người ta kết hợp một cách máy móc cuộc Cách mạng Pháp với tên của François Furet. Chính với tư cách nhà sử học mà ông đã viết những tác phẩm đầu tiên của mình (Furret & Richet [1965] 1999). Ngày nay, cũng chính với tư cách này mà ông được biết đến, bên ngoài giới bác học, nhờ cuộc tranh luận vốn ngay từ đầu đã đi kèm với công trình của ông. Việc một sử gia trẻ lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu này gây ngạc nhiên: trong khi hầu hết các chuyên gia của cuộc Cách mạng này đều có một quan hệ đầy cảm xúc với đối tượng nghiên cứu, ông đặt thành điều kiện tiên quyết việc giữ khoảng cách với đối tượng này; trong lúc lịch sử chính trị bị xem là hời hợt và lỗi thời, ông lại dựa vào đó để xây dựng cách kiến giải của mình; khi cả thế hệ ông đều mang dấu ấn của lịch sử theo Trường phái Annales với việc coi trọng thời gian dài, ông lại ưu tiên cho mười năm nhiều biến động đột ngột và bạo lực trong lịch sử đất nước chúng ta.

Tuy nhiên đây không phải là một lựa chọn hạn hẹp: điều François Furet quan tâm không phải là một biến cố có ngày tháng chính xác nhưng là một chu kì cách mạng lâu dài bao gồm, ở thượng nguồn, một thế kỉ mười tám bị một quá trình giải thiêng tác động, và ở hạ nguồn, một thế kỉ mười chín không ngừng diễn ra những hệ quả của cuộc Cách mạng. Đó cũng không phải là một biến cố gắn chặt với một dân tộc nhất định, François Furet luôn đề cập lịch sử này dưới góc nhìn so sánh, hoặc là với cuộc Cách mạng Anh, hoặc là với cuộc Cách mạng Mỹ. Và điều ông thấy trong cuộc Cách mạng Pháp, chính là thời điểm hình thành ý thức chính trị hiện đại, cho thấy, như chưa hề có trước đó, việc phân chia thế giới giữa cái Thiện và cái Ác, sự phân chia thời lượng vô biên giữa một cái có trước và một cái có sau, cuối cùng là sự phân chia con người thành những kẻ ủng hộ và những đối thủ không thể hoà giải.

Cách quan niệm này về đối tượng nghiên cứu có ảnh hưởng lớn đến các kết quả trong công trình sử học của ông. Khi từ chối ý tưởng có tính chuẩn tắc, chung cho cả Marx các nhà tự do, theo đó Cách mạng là sản phẩm của một chiến lược giai cấp, sử thi của giai cấp tư sản đã dẫn ông ngày càng ít tách biệt, trong diễn tiến của những biến cố cách mạng, giai đoạn phi tự do – 1793 – với giai đoạn được cho là tự do – 1789 –; và xem, từ khởi thuỷ, cách nhìn cực đoan về chủ quyền của nhân dân, di sản của chính thể chuyên chế, đã trang bị tính triệt để cho cuộc Cách mạng Pháp; cuối cùng không xem giai đoạn Khủng bố là một đáp trả trong hoàn cảnh một cuộc nội chiến hay một cuộc chiến tranh với nước ngoài mà nhiều hơn như kết quả của một sự không khoan nhượng không thể tách rời với việc thực hiện dự án có tham vọng cắt đứt với quá khứ.

Trong việc nghiên cứu như vậy, ông tìm cách trả lời cho những câu hỏi thừa hưởng từ sự dấn thân chính trị trong những năm trai trẻ của ông: dự án ngông cuồng của con người đảo lộn toàn bộ “Khế ước xã hội” nảy sinh như thế nào? Vì sao tự do ban sớm của các cuộc cách mạng lại nhanh chóng chuyển thành hoàng hôn của sự thảm sát? Giải thích như thế nào việc cả một dân tộc căm thù tập thể truyền thống của mình? Bằng sự quyến rũ bí ẩn nào các hệ tư tưởng bị kết án kháng cự lại những phản bác mà thực tại giáng trả chúng? Những vấn đề này dẫn François Furet quan tâm đến những hình thái chính trị lớn, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, thông qua đó con người của thế kỉ hai mươi đã trải nghiệm chính sách cách mạng; tìm hiểu những lí do mà các hình thái này mê hoặc quần chúng; và cuối cùng dấn thân vào lãnh địa nguy hiểm của việc so sánh giữa hai chế độ này (Furet [1988] 1997).

Điều khiến các tác phẩm của F. Furet có tính thống nhất là sự tra vấn có tính phê phán ông tiến hành về các nền dân chủ khi làm rõ thế lưỡng nan chính của chúng: làm sao giải quyết sự thiếu hụt đạo đức và tinh thần của những xã hội không còn bất kì niềm tin chung nào vào cơ thể của các công dân mà không lặp lại những kinh nghiệm duy ý chí, từ Cách mạng Pháp đến Cách mạng Nga, từng diễn ra trong lịch sử? Nhưng tính thống nhất chặt chẽ này không làm ta quên chiều rộng của tính ham hiểu biết của ông và nhiều tác phẩm được ông dành cho những đi tượng nghiên cứu khác: khi là sự phổ biến của sách vở trong nước Pháp thời Khai sáng, khi là sự biến động của lợi nhuận trong thế kỉ XIX, khi là việc xoá mù chữ người Pháp từ Turgot đến Jules Ferry. Cần nói thêm là người mang thông điệp một lịch sử trừu tượng đã rải rác gieo những bức chân dung ý nhị trong một sự nghiệp mang dấu ấn của một niềm hạnh phúc viết lách trin miên.

· Livre et société dans la France du XVIIIè siècle, Paris & La Haye, Mouton, 1965-1970. – Penser la Révolution française (1978), Paris, Gallimard, “Folio”, 1985. – La Révolution de Turgot à Jules Ferry, 1770-1880 (1988), Paris, Hachette, “Pluriel”, 1977. – Le passé d’une illusion. Essai sur l’idée communiste au XXè siècle, 1995, Paris, Le livre de poche, 2003. – FURET F., BOUVIER J. GILET M., Le mouvement des prix en France au XIXè siècle, Paris - La Haye, Mouton, 1965. – FURET F. & OZOUF J., Lire et écrire. L’alphabétisation des de Calvin à Jules Ferry, Paris, Minuit, 1977. – FURET F. & OZOUF M. (chủ biên), Dictionnaire critique de la Révolution française (1988), Paris, Flammarion, “Champs”, (1993). – FURET F. & RICHET D, la Révolution française (1965), Paris, Hachette, “Pluriel”, 1999.

Duy lịch sử, Marx K., Ozouff M, Thay đổi xã hội, Trường phái Annales, Truyền thống và hiện đại, Xã hội-lịch sử.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Le dictionnaire des sciences humaines, Sylvie Mesure và Patrick Savidan chủ biên, Paris, PUF, 2006.




Chú thích:

[*] Giám đốc nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia - Pháp).

Print Friendly and PDF