1.2.23

Trung Quốc: Phải chọn giữa chủ nghĩa Marx và công nghệ cao!

TRUNG QUỐC: PHẢI CHỌN GIỮA CHỦ NGHĨA MARX VÀ CÔNG NGHỆ CAO!

Stéphanie BalmeJean-Baptiste Monnier

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm các cơ sở sản xuất của Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp, tại Vũ Hán, ngày 26 tháng 4 năm 2018. (Nguồn: Wire China)

Ở Liên Xô năm 1956, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX đã tuyên bố phi Stalin hóa và chung sống hòa bình với thế giới tư bản ở bên ngoài nước Liên bang Xô-viết. Ở Trung Quốc năm 2022, Đại hội Đảng Cộng sản, cũng cùng lần thứ XX, đã vừa công nhận sự sùng bái nhà lãnh đạo tối cao và một đường lối Mác-xít chính thống với những tham vọng toàn cầu. Điều hiển nhiên là một ngày sau Đại hội, cổ phiếu các công ty công nghệ lớn Trung Quốc đã mất hơn 15% giá trị. Thời gian cho bản kiểm kê thập kỷ cầm quyền đầu tiên của Tập Cận Bình (2012-2022) đã kết thúc. Từ nay, cần phải hình dung những kịch bản khả dĩ của “kỷ nguyên mới”. Về một trong những khía cạnh then chốt của “giấc mơ Trung Hoa”, cụ thể là tham vọng trở thành siêu cường công nghệ, việc kết hợp tính triệt để về hệ tư tưởng của Bắc Kinh với sự tách rời có lập trình của Washington khỏi hệ sinh thái công nghệ cao Trung Quốc có thể dẫn đến những hệ quả nào?

Loạt biện pháp có tính lịch sử, mà Văn phòng Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ban hành, ghi nhận việc quân sự hóa (“vũ khí hóa”) lĩnh vực công nghệ, há chẳng đang làm thay đổi quỹ đạo của “giấc mơ Trung Hoa” và giội gáo nước lạnh vào các tham vọng của nhà lãnh đạo vĩ đại Trung Quốc? Đây có phải là lý do vì sao, về mặt chính thức cho đến nay, Bắc Kinh đã phản ứng một cách dè dặt?

TẬP-TRUMP-BIDEN: SỰ xuống cấp DỒN DẬP trong QUAN HỆ TRUNG-MỸ

Sự thất bại của kế hoạch trăm ngày, được Donald Trump và Tập Cận Bình ký kết vào năm 2017, trong nỗ lực cân bằng, thông qua các chính sách thuế quan ưu đãi, mức thâm hụt thương mại của Mỹ đã kéo theo việc triển khai một loạt các hàng rào thuế quan và các biện pháp trừng phạt mới chống lại những gã khổng lồ về viễn thông ZTE và Huawei, và cả Wechat và TikTok. Tiếp đến, sau khi các công tố viên Mỹ cáo buộc Huawei về gian lận tài chính, đánh cắp thông tin và hoạt động gián điệp, Hoa Kỳ đã sử dụng các công cụ của quyền ngoại trị để ngăn nhà cung cấp thiết bị toàn cầu này tiếp cận các công nghệ về thông tin và truyền thông về các sản phẩm bán dẫn. Kết quả là từ năm 2021, Huawei đã chứng kiến doanh thu của họ lao dốc gần 30%.

Các biện pháp gần đây của Hoa Kỳ chống lại toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc có tính chất tương tự, nhưng quyết liệt hơn. Vào đầu tháng 8, Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật các Khoa học và CHIPS, đạo luật này bao gồm việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm bán dẫn, bằng cách khuyến khích xây dựng các FAB (các nhà máy sản xuất chip) mới ở Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố, “Tương lai của ngành công nghiệp chip sẽ được xây dựng ở nước Mỹ”. Rõ ràng, vấn đề an ninh của Đài Loan (và nhà vô địch của họ, TSMC, đang thống trị thế giới các sản phẩm vi mạch tích hợp, với một thị phần hơn 50%) đã củng cố chiến lược nói trên trong việc ngăn chặn Trung Quốc. Vào ngày 7 tháng 10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo, kể từ nay, các công ty phải đệ trình giấy phép xuất khẩu đối với hạng mục sản phẩm bán dẫn này, cũng như đối với các thiết bị và phần mềm, cần thiết để thiết kế và sản xuất chip. Nguyên tắc này sẽ được áp dụng đối với các công ty có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, cũng như các công ty đặt trụ sở ở các nước đối tác. Cuối cùng, các công dân Mỹ (rất nhiều người gốc Trung Quốc) sẽ không còn được làm việc cho các công ty Trung Quốc sản xuất sản phẩm bán dẫn.

Bằng cách ngăn cản Trung Quốc nhập khẩu và, một cách gián tiếp, sản xuất sản phẩm bán dẫn hiệu quả nhất, lệnh phong tỏa này gây bất lợi không chỉ cho các ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, vốn là mục tiêu nhắm đến rõ ràng, mà còn cho tất cả các lĩnh vực mũi nhọn được các kế hoạch khao khát nhắm đến mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ: “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, “Trí tuệ nhân tạo 2017”, “Internet+” hoặc kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Các ngành công nghệ cao, cho dù là các trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, viễn thông hay lĩnh vực máy bay không người lái, đều yêu cầu các công suất tính toán mạnh và các thiết bị tiên tiến nhất. Người Mỹ có một át chủ bài lớn khác: gã khổng lồ GitHub, hệ thống thần kinh trung ương của 85 triệu lập trình viên trên thế giới, người lính canh các mã nguồn mở được sử dụng trên điện thoại và trên các máy chủ lớn. Tóm lại, bằng cách quân sự hóa những thách thức liên quan đến công nghệ trong mối quan hệ song phương Trung-Mỹ, các biện pháp của chính quyền Biden sẽ làm gia tăng những khó khăn vốn đã tồn tại trong lĩnh vực này, bắt đầu từ chính sách siêu chính trị hóa hệ sinh thái của họ.

chủ nghĩa mác-xít chính thống VÀ CÔNG NGHỆ CAO

Wu Guoguang (1957-)

Một chuyên gia lỗi lạc về chính trị Trung Quốc, Wu Guoguang, cho rằng một trong những mục tiêu chính của Tập Cận Bình là khôi phục quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với khu vực kinh tế và công nghệ ngoài quốc doanh. Khi nhân rộng các siêu kế hoạch công nghệ, chế độ Bắc Kinh đã xa rời học thuyết mềm mỏng về “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, được Đặng Tiểu Bình ủng hộ trong giai đoạn nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chắc chắn là, thoạt nhìn, thuyết Colbert đối với công nghệ cao, có tính kế hoạch hóa và bảo hộ đang đơm hoa kết trái. Chẳng hạn, Trung Quốc ngày nay đang đứng thứ 11 trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng trước Pháp, và nằm trong số các cường quốc có tốc độ phát triển đổi mới sáng tạo (chủ yếu trong sinh hoạt) nhanh nhất. Ở lần đọc thứ hai, chỉ số xếp hạng cho thấy Trung Quốc còn tốt hơn (đứng thứ 8) về kết quả đổi mới sáng tạo (đầu ra) so với kết quả các điều kiện chung (đầu vào) về đổi mới sáng tạo (đứng thứ 21). Khi muốn chống lại “sự bành trướng hỗn loạn của tư bản” và duy trì “sự chuyên chính của đảng” trên một lĩnh vực được coi là cạnh tranh quyền lực tuyệt đối của mình, Bắc Kinh đã tuyên chiến với các nhà vô địch công nghệ của họ. Kể từ năm 2020, đã có một loạt các quy định tài chính được triển khai liên quan đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, các tình huống kinh doanh độc quyền, và chính sách kiểm duyệt các thuật toán của các trang web.

Hậu quả của chủ nghĩa can thiệp của Đảng-Nhà nước là rõ ràng. Trong hai năm, Tencent và Alibaba đã lần lượt mất đi hai phần ba và ba phần tư giá trị trên thị trường chứng khoán và, lần đầu tiên kể từ khi các công ty này niêm yết cổ phiếu, doanh thu của họ đã giảm trong quý 2 năm 2022. Chưa kể đến sự tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của TSMC của Đài Loan, hiện đã vượt giá cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghiệp và công nghệ Trung Quốc. Cho đến nay, không còn công ty nào của nước Cộng hòa Nhân dân nằm trong danh sách Top 20 công ty toàn cầu về các sản phẩm bán dẫn. SMIC, nhà vô địch Trung Quốc đứng thứ 27. Hẳn là SMIC vừa công bố ra mắt một thế hệ chip ở cấp độ 7 nanomet (nm) nhưng người ta nghi ngờ khả năng sản xuất chip của họ ở cấp độ này, vì thiếu các thiết bị và dịch vụ cần thiết.

khả năng CHỊU ĐỰNG TỪ PHÍA TRUNG QUỐC?

Bên cạnh các lĩnh vực công nghệ cao, mức độ tập trung của công nghiệp sản xuất chế tạo toàn cầu hóa ở Trung Quốc và quy mô của thị trường nội địa cho thấy các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng ở đó. Như thế, ngay cả khi ở trong nước, các công ty Trung Quốc vẫn là một phần của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cũng có thể thấy sự tiến bộ trong một số lĩnh vực, khi quốc gia này đã thể hiện khả năng chịu đựng và khả năng dẫn đầu cuộc đua trong các lĩnh vực then chốt như siêu máy tính, máy tính và vệ tinh lượng tử cũng như công nghệ sinh học (cho đến trường hợp các trẻ sơ sinh Crispr-9). Sau khi Đại hội ĐCSTQ kết thúc, Trung Quốc có thể sẽ công bố các biện pháp đối phó, bằng cách siết chặt một số lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là đất hiếm. Tập Cận Bình, giống như Mao trước đây, cần phải huy động khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và tuyên bố sẽ đi một mình. Trong thời kỳ Đại nhảy vọt (1958-62), phải “đánh bại nước Anh trong mười lăm năm” bằng cách chủ trương mạnh mẽ “sự tự cung tự cấp”. Đồng thời, Bắc Kinh có thể làm nổi bật sự đối kháng với Đài Loan, bằng một quyết định phong tỏa của hải quân xung quanh hòn đảo này.

Sau khi Trung Quốc quyết định tách khỏi Internet, việc tách khỏi phần cứng do Washington tổ chức đang báo hiệu những biến động có tính hệ thống và toàn cầu, kể cả ở Hoa Kỳ, dọc theo các “Con đường tơ lụa kỹ thuật số mới” và cả với Liên minh châu Âu. Không còn nghi ngờ gì là chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự sắp tới của Hội đồng Công nghệ và Thương mại (CTC) Liên minh Châu Âu/Hoa Kỳ. Bị Bắc Kinh chỉ trích, liệu nền tảng thảo luận mới này, nhắm đến việc cấu trúc sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề công nghệ và thương mại, có cho phép làm xuất hiện một quan điểm châu Âu thống nhất và/hoặc một tùy chọn thay thế hay không?

Tác giả Stephanie Balme và Jean-Baptiste Monnier

Diễn đàn này được đăng với sự hợp tác của Sciences Po.

Thông tin về tác giả

Stéphanie Balme

Stéphanie Balme

Bà Stéphanie Balme, Hiệu trưởng trường Cao đẳng đại học thuộc Học viện khoa học chính trị [Sciences Po], là giáo sư tại PSIA (Trường Quan hệ Quốc tế Paris), giám đốc nghiên cứu FNSP (CERI), thành viên sáng lập ESDI (Sáng kiến Khoa học Ngoại giao Châu Âu), thành viên hội đồng khoa học của IHEDN (Viện Nghiên cứu Cao cấp về Quốc phòng) và EURICS (Viện Nghiên cứu châu Âu về Trung Quốc) và Phó Chủ tịch ECLS (Hiệp hội Nghiên cứu Luật EU-Trung Quốc). Từng là người phụ trách chương trình nghiên cứu “Law, Justice and Society in China [Luật pháp, Công lý và Xã hội ở Trung Quốc]”, nhà nghiên cứu cộng tác tại IHEJ (Viện Nghiên cứu Cao cấp về Công lý), Stéphanie Balme đã có chuyến công tác, cho Sciences Po, tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc (2003-2006), rồi tại Bắc Kinh (Đại học Thanh Hoa, Khoa Luật 2006-2012). Bà cũng là đại biểu của Trung Quốc về Công trình Nhận con nuôi của tổ chức Bác sĩ Thế giới (1996-1998), là trưởng văn phòng của Quỹ Pháp luật lục địa (Sáng kiến Luật Dân sự 2010-2011), và là tùy viên về hợp tác đại học và khoa học tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh (2017-2018).

Jean-Baptiste Monnier

Jean-Baptiste Monnier

Với vai trò là nhà điều hành trong lĩnh vực phần mềm, Jean-Baptiste Monnier đã có 13 năm làm việc ở Trung Quốc (Bắc Kinh và Hồng Kông) với tư cách là phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực Châu Á và các nước mới nổi tại công ty Bentley Systems Inc. Ông cũng đã có 14 năm làm việc ở Hoa Kỳ và 3 năm ở London. Jean-Baptiste Monnier có bằng PhD tại Đại học Illinois Tech Chicago về Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, và ông cũng có bằng eMBA tại Trường Cao cấp Thương mại Paris [HEC Paris]. Jean-Baptiste Monnier là phó chủ tịch Quỹ Asia Centre, và là thành viên của tổ chức Ashoka hỗ trợ các doanh nhân xã hội ở Pháp và ở nước ngoài.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Chine: entre marxisme et high-tech, il faut choisir!, Asialyst, ngày 28/10/2022.

Print Friendly and PDF