5.2.23

Jacques Derrida: “Nếu tôi có thể nói nhiều hơn một câu ...”

JACQUES DERRIDA: “NẾU TÔI CÓ THỂ NÓI NHIỀU HƠN MỘT CÂU…”

Phỏng vấn do Sylvain Bourmeau[*], Jean-Max Colard[**]Jade Lindgaard[***] thực hiện

Jacques Derrida (1930-2004)
Jean-Michel Blanquer (1964-)

Theo Jean-Michel Blanquer[1], tư tưởng của Derrida là một loại virus. Đó là lý do chính đáng để dành thời gian cho nhà triết học của mục tiêu mới cần phải bắn hạ - “giải cấu trúc” - thời gian để triển khai tư tưởng của mình, như cách đây mười tám năm nó đã cho phép chúng ta nắm được những gì, trong sự vận hành của thế giới, chỉ càng nổi bật trong lĩnh vực chính trị và truyền thông.

Cùng với Foucault và Deleuze, và giữa cơn đại dịch toàn cầu, tư tưởng của Jacques Derrida gần đây đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, Jean-Michel Blanquer, mô tả như một “vi-rút”, người đã làm tôi ngạc nhiên khi tưởng tượng rằng ông chắc hẳn đã từng đọc Fig Mag vào thời điểm mà, phong trào sinh viên tháng 11-12 năm 1986, giám đốc của tờ báo này, Louis Pauwels, cho rằng cần phải mỉa mai về căn “bệnh AIDS tâm thần”... Ít, có quá ít phản ứng về điều khủng khiếp này đã được phát biểu một cách chính thức bên lề cái gọi là “hội thảo” Sorbonne, trong đó một hội đồng cau có đã quyết định lấy khái niệm “giải cấu trúc” của Derrida làm mục tiêu, ngoại trừ phản ứng của Elisabeth Roudinesco, một người trung thành, đã lựa chọn trên tờ Le Monde nói về “cuộc chiến chống trí tuệ”, và đó không phải là ngẫu nhiên.

Gilles Deleuze (1925-1995)
Michel Foucault (1926-1984)

“Lời kêu gọi chống lại cuộc chiến chống trí tuệ là tiêu đề của văn bản chẩn đoán mà vào tháng 2 năm 2004, cùng với một số người bạn, chúng tôi đã viết cho tạp chí Les Inrockuptibles sau đó quyết định kêu gọi công chúng ký vào, và nó đã trở thành trong vài giờ, tại Pháp, bản kiến ​​nghị đầu tiên tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số, thu thập hàng trăm nghìn chữ ký, đến mức được đưa lên trang nhất của tờ New York times và dẫn đến sự sa thải Bộ trưởng Văn hóa lúc bấy giờ là Jean-Jacques Aillagon. Đơn giản, đó là một câu hỏi về việc liên kết các phong trào xã hội khác nhau gần đây, từ các nhân viên giải trí không thường xuyên đến các thẩm phán, từ nhà nghiên cứu đến kiến ​​trúc sư, từ nhà phân tâm học đến sinh viên, tất cả những người, theo chúng tôi, dường như chống đối lại một điều mà chúng tôi đ nghị gọi bằng tên của chính nó: một cuộc tấn công triệt để vào trí tuệ, được hiểu theo từ nguyên là một cách kết nối, tạo ra xã hội.

Tất nhiên, Jacques Derrida là một trong những người đầu tiên đã ký kiến nghị. Và ông ấy rất tức giận khi, để thay thế vị bộ trưởng bị sa thải này – không phải là người tồi tệ nhất - Thủ tướng vào thời điểm đó, Jean-Pierre Raffarin, đã chỉ định người mà ông ấy đã cử đi làm nhiệm vụ đáp trả Lời kêu gọi của chúng tôi trên trang nhất của tờ Le Monde, một Renaud Donnedieu de Vabres nào đó…

Tức giận đến mức ông đã mời chúng tôi đến nhà ông để nói chuyện chính trị. Jacques Derrida bị ốm, tôi tin là ông biết rằng bệnh của ông không thể chữa được nữa - ông ấy đã mất sáu tháng sau đó. Vì vậy, Jade Lindgaard, Jean-Max Colard và tôi, cùng với nhiếp ảnh gia Laure Vasconi, vào một ngày tháng 3 năm 2004, đã đi về phía ngôi nhà nhỏ trong một khu nhà ở Ris-Orangis, trong đó, đó không phải là điều được bịa ra, Jacques và Marguerite Derrida chuyển đến vào tháng 5 năm 1968. Và chúng tôi đã có một buổi chiều tuyệt vời và khó quên để thực hiện, cho tờ báo khi đó của chúng tôi, Les Inrockuptibles, cuộc phỏng vấn dài này mà tôi nghĩ là đặc biệt thích hợp để xuất bản lại hôm nay, khi nó vang lên, mười tám năm sau.

Sylvain Bourmeau.

============================================

Những lý do nào khiến ông nghĩ rằng chính phủ đã thực hiện một hoặc nhiều chính sách có thể được xem là chống trí thức?

Nếu tôi ký rất nhanh chóng và không chút e ngại Lời kêu gọi chống cuộc chiến chống trí tuệ, thì đó là bởi vì nó đã xử lý rất thận trọng từ “trí thức” quá đỗi mập mờ. Khi nó bao hàm một lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy, nghệ thuật, cũng như các lĩnh vực khác như tư pháp hoặc sức khỏe cộng đồng, các anh chị đã phòng ngừa mọi sự phản đối. Chúng ta không còn có quyền nghĩ rằng văn bản này mang tính chủ nghĩa nghề nghiệp hẹp hòi hoặc có xu hướng bảo vệ cái gọi là các “nghề nghiệp” trí tuệ.

Jean-Pierre Raffarin (1948-)

Từ “trí thức” phải được sử dụng một cách cẩn thận, nhưng một từ chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng trong một câu, trong một bài phát biểu - và từ ngữ của các anh chị đã thật sự nhấn mạnh đến ý nghĩa của từ trí thức và, đối lập với nó, đến chủ nghĩa chống trí thức. Tôi cũng nhạy cảm với thực tế rằng, rất xa với bất kỳ mối quan tâm bầu cử nào, các anh chị đã vượt ra ngoài biên giới của cánh hữu của Chirac và Raffarin vốn đã đẩy các cuộc tấn công chống lại cái được gọi là tính trí tuệ đến mức biếm họa: các anh chị đã chỉ ra rằng sự nguy hiểm của chính sách này đã có những tiên đề ngay dưới thời các chính phủ gọi là thuộc cánh tả và chung sống với phe đối lập. Tôi cũng tin điều đó. Từ rất lâu rồi.

Và các anh chị cũng lưu ý rằng chính sách này không chỉ có hại cho nghiên cứu, cho giáo dục, cho nghệ thuật, mà nó có tác động đến toàn xã hội Pháp. Bao gồm cả kinh tế: Medef (nghiệp đoàn của giới chủ - ND), tổ chức truyền cảm hứng cho chính sách của chính phủ hiện tại, nên hiểu rằng nó có lợi trong sự phát triển của nghiên cứu. Ngày nay, theo cách riêng của mình, ai lại không phải là một nhà “trí thức”?

Marx đặt cược rất nhiều vào sự đối lập giữa người lao động chân tay và người lao động trí óc, nhưng, vào thế kỷ 19, sự phân biệt này cũng đã có vấn đề. Ngày nay, nó không có giá trị nào cả. Kể từ nay, bất kỳ kỹ năng nghề nghiệp nào cũng là “trí tuệ”, ở bất cứ nơi nào mà khoa học kỹ thuật hoặc khoa học máy tính (ít nhất) trở nên cần thiết, trong ngành công an cũng như trong y học, quân đội, giao thông vận tải và nông nghiệp, truyền thông, trong đời sống chính trị - nơi có cả những “trí thức lớn”, như người ta nói, và những “nhà văn” (Mitterrand), “những nhà văn lớn”, thậm chí đôi khi là những người gốc quân đội (De Gaulle).

Ông đã đề cập đến từ “tính trí tuệ”. Chúng tôi đã chọn từ trí tuệ, và chúng tôi nhận ra, từ sự bạo lực của một số phản ứng, rằng nó gần như không thể sử dụng được.

Trí tuệ có một lịch sử triết học lâu đời. Nó thường được đối lập với trực giác (Bergson), hoặc lý tính (Kant, Hegel, v.v.). Trong bối cảnh này, và trong một ngôn ngữ thường ngày hơn, đó là sự cảnh giác về sự không thể tách rời giữa kiến ​​thức và hành động, giữa tri thức và hành động, giữa kiến ​​thức lý thuyết và kỹ năng kỹ thuật. Các ví dụ tốt nhất có thể được lấy từ các lĩnh vực y tế hoặc pháp lý. Các chuyên gia y tế phải vừa chú ý đến nghiên cứu vốn phát triển rất nhanh, vừa phải cam kết về tính cấp thiết của phương pháp điều trị.

Đối với luật gia cũng vậy: thông minh là phải biết lịch sử luật pháp, pháp chế và cũng phải biết cách ra quyết định tư pháp. Sự bực dọc xung quanh cái gọi là độc quyền của trí tuệ, sự mất giá của “người trí thức” (intello) dường như là một hiện tượng rất Pháp. Điều này xuất hiện một cách nghịch lý ở một đất nước mà trong mắt nhiều người vẫn còn mang tính biếm họa là một xứ của các “trí thức”.

Ở Pháp, trí thức hiện diện trên báo chí, đài phát thanh và ngày càng nhiều trên truyền hình. Tính thấm này giữa trường trí tuệ và trường truyền thông là một hiện tượng rất Pháp. Đối với không gian công cộng và đối với nền dân chủ, đó là một điều tốt khi tiếng nói này - và trách nhiệm này - được đảm nhận trong cuộc tranh luận chính trị, hay ít nhất nếu nó không trở thành sự khoa tay múa chân, nếu nó không cho phép mình bị ô nhiễm bởi những câu chuyện nhỏ nhặt để tự đề cao, những s dễ dãi mị dân hay các sự ham muốn thô tục trong xã luận. Bởi vì, như mọi khi, điều đó cũng có thể trở nên mập mờ.

Từ gần bốn mươi năm, chính trị ngày càng được thực hiện trên truyền hình đã trở thành một công cụ mạnh mẽ hơn nhiều so với báo chí viết. Tuy nhiên, từ hai mươi năm nay, lịch sử của truyền hình Pháp, với sự gia tăng của các kênh, sự cạnh tranh quảng cáo, sự chung sống đầy ghen tị giữa các kênh công cộng và tư nhân, đã áp đặt một sự điều chỉnh về diễn ngôn và hình ảnh lên trình độ được cho là trung bình (sai!), cũng có nghĩa là tầm thường, của người công dân Pháp. Tất cả các diễn ngôn có vẻ phức tạp, tinh vi, thận trọng, do đó những diễn ngôn tạo ra những nếp nhăn có thể bị coi là đã bị loại trừ ra khỏi truyền hình.

Diễn tiến này, mà tôi đã thấy đã xảy ra trong nhiều năm, cũng không chừa báo chí viết: đã bao nhiêu lần tôi được nói rằng nó quá phức tạp, rằng nó phải được cắt bỏ vì mọi người sẽ không “theo kịp”. Những người chịu trách nhiệm về truyền thông là những người cấu trúc hóa trường của không gian công cộng của Pháp đang dẫn đầu một cuộc săn lùng trí tuệ thực sự, một cuộc tấn công chống lại mọi thứ thể hiện trí tuệ và nhất thiết phải phức tạp, tạo nếp nhăn, thận trọng, tiến hành theo tốc độ riêng của nó, đòi hỏi thời gian và sự chậm rãi.

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Bourdieu đã nói những điều rất đúng về “tốc độ” điện báo được rất nhiều phương tiện truyền thông áp đặt một cách thô bạo. Tôi có ít kinh nghiệm về truyền hình, điều này là hiển nhiên rồi, nhưng tôi biết rằng tôi luôn được yêu cầu đi thẳng vào vấn đề, tóm gọn mọi thứ dưới dạng khẩu hiệu hoặc mnh lệnh. Nếu tôi bắt đầu có những thận trọng, đi vào cái tinh vi, họ cắt ngang tôi, họ ngắt lời tôi, họ cho tôi biết rằng việc đo lường sự quan tâm của quần chúng (audimat) sẽ bị ảnh hưởng. Tốt hơn là mời những người khác, luôn luôn cũng là những người chỉ yêu cầu tuân thủ luật này để thu được một số lợi ích nhỏ.

Sự bắt buộc đơn giản hóa này, chiến thắng của chủ nghĩa đơn giản này, có thể được hiểu là một cuộc chiến - có ý thức hay không, có chủ ý hay không, nhưng không nương tay - chống lại trí tuệ, người trí thức, hay rộng hơn là tính trí tuệ. Cho dù đó là văn học, chính trị hay bất cứ điều gì khác, việc truyền tải một bài phát biểu phức tạp trên truyền hình vẫn là một kỳ công.

Với sự gia tăng của các kênh, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi đã mơ về việc có những chương trình mà ta có thể dành thời gian, dành cơ hội cho sự im lặng, cho sự do dự (mà tôi tin rằng, trong một số trường hợp, sẽ hấp dẫn và “truyền thông” hơn so với cái ngược lại, nhưng thôi chúng ta hãy bỏ qua đi). Việc đo lường sự quan tâm – tức là quảng cáo – theo dõi truyền hình và sự cạnh tranh hoạt động theo hướng ngược lại. Các kênh công cộng đi theo con đường mòn của các kênh tư nhân.

Trong cuốn sách viết cùng với Elisabeth Roudinesco (De quoi demain.../Ngày mai...) về những cuộc trao đổi gia hai người, ông đã lưu ý rằng “không có gì nghiêm túc trong chính trị nếu không có ‘sự tinh vi hoá’ bề ngoài này giúp làm cho các phân tích sắc nét hơn mà không sợ hãi, cho dù là do sự thiếu kiên nhẫn của các phương tiện truyền thông”. Do đó, sự định dạng bởi các phương tiện truyền thông tạo ra những tác động tai hại ngay cả đối với các diễn ngôn và thực tiễn chính trị?

Đúng vậy, đặc biệt khi một số lượng lớn trí thức đã nội tại hóa những mệnh lệnh này về sự trong sáng bề ngoài, về sự trong suốt thông qua sự trống rỗng, sự dễ hiểu ngay lập tức. Họ bắt đầu tạo ra những bài phát biểu đơn giản và dễ dãi được đặt hàng cho họ. Trong những năm 1960 và 1970, những bài phát biểu “khó” có sức quyến rũ, chúng được thông qua, thậm chí chúng còn được “bán”. Đã từng có một sự tiếp thu, một nhu cầu về cách nói này.

Nhưng, dần dần, một số - và thường là các sinh viên của chúng tôi… - đã hiểu rằng tất cả những điều đó không còn được chấp nhận trên các phương tiện truyền thông nữa: nếu bạn muốn nhanh chóng trở thành một nhân vật trên các phương tiện truyền thông, bạn phải đơn giản hóa, đối lập trắng và đen, loại bỏ di sản mà không bị các khái niệm vướng víu. “Triết lý mới” bắt đầu vào thời điểm đó. Một diễn ngôn đơn giản, trên phương diện đạo đức, luật pháp và chính trị, đã được triển khai và đã ảnh hưởng đến lượng độc giả rộng lớn hơn, một tác động bại hoại của trào lưu dân chủ hóa giáo dục chính đáng. Các chính trị gia cũng đã điều chỉnh theo kiểu diễn ngôn này.

Sự mơ hồ và khả năng có thể được diễn giải theo nhiều cách - bởi vì ở đây có một điều phức tạp mà tôi muốn tính đến - là những người trẻ tuổi này thường được huy động vì những lý do chính đáng, chính nghĩa: đặc biệt là nhân quyền. Về nguyên tắc, thế hệ này chiến đấu vì những mục tiêu thường đáng trân trọng, nhưng tạo ấn tượng về việc sử dụng chúng hơn là phục vụ những mục tiêu ấy. Trò chơi truyền thông được điều hành bởi sự quan tâm này và rất khó để chống lại nó mà không tỏ ra quỷ quyệt và vội vàng cứu trợ cho những “lý do xấu”.

Tôi tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi về quyền con người, về lịch sử của khái niệm này, về những gì đã được làm với nó, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói rằng tôi “chống lại” nhân quyền. Tôi sẽ không bao giờ phản đối ai đó đấu tranh cho nhân quyền, người xuất hiện trên truyền hình dưới danh nghĩa này, tôi không thể và không muốn. Vì vậy, tôi bị bịt miệng. Rất khó để nói rằng nhân quyền có một lịch sử, rằng cần phải biết giới hạn về mặt khái niệm của ý tưởng này, rằng nó đã được phong phú hóa và trở thành phức tạp đến mức nào sau năm 1789...

Rất khó để giải thích rằng ngày nay cuộc đấu tranh cho nhân quyền không chỉ giới hạn ở những lý do cổ điển thường được viện dẫn, mà nó còn đi rất xa, rằng phần lớn nhân loại chết đói, bệnh AIDS đang phá hủy châu Phi, v.v., và rằng để chết đôi khi cũng nghiêm trọng, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là giết người. Ví dụ, không một nhà hùng biện nào được chứng nhận ở Pháp về “nhân quyền” đã tự động viên về những thảm kịch toàn cầu này và mặc cảm chính trị của tất cả công dân của các quốc gia giàu có, “các quê hương của những quyền con người”.

Cũng những nhà hùng biện này đã không tự vận động chống lại án tử hình (đặc biệt là ở Trung Quốc và Hoa Kỳ). Từ nhiều năm nay tôi đã nghĩ rằng tôi phải làm điều đó và không chỉ trong công việc giảng dạy của tôi. Tôi có thể nêu lên lịch sử về những sự im lặng bắt buộc của mình. Có những lúc, mặc dù “ở cánh tả”, như cách nói thông thường, và tôi vẫn luôn thuộc về cánh này, tôi không thể chấp nhận chính sách mác xít chính thức của Đảng Cộng sản, tức là chủ nghĩa Mác và thậm chí cả chủ nghĩa của Althusser, nhưng tôi cũng không muốn chống nó một cách công khai, cho dù đúng hay sai, để biến mình thành đồng minh “khách quan” của một chủ nghĩa chống cộng cũng đáng nghi ngờ, trong mắt tôi, trong một tình huống nhất định. Vì vậy, tôi đã im tiếng trong một thời gian rất dài. Nhưng một số người biết cách diễn giải sự im lặng của tôi thông qua những gì tôi đã xuất bản.

Tại sao ông lại giữ im lặng?

Tất nhiên, tôi luôn bỏ phiếu cho cánh tả, tôi đã nhấn mạnh sở thích của bản thân trong các văn bản của mình. Tôi không muốn xuất hiện theo cánh hữu. Tôi không ở bên cánh hữu. Do đó, đó là một sự im lặng mà tôi chỉ phá vỡ một cách rõ ràng rất muộn, nghĩa là sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, khi tôi viết Những bóng ma của Marx/Spectres de Marx.

Vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, trong khi có một đánh giá tiêu cực về một xu hướng sân khấu hóa của những trí thức này, những người mà bây giờ được gọi là “trí thức truyền thông”, tôi cũng không thể lên án họ. Tuy nhiên, khi tôi tổ chức, cùng với những người khác, Hội Đồng Triết học/États généraux de la philosophie vào năm 1979, trong phần giới thiệu của tôi, tôi đã tấn công những trí thức lạm dụng truyền thông và làm những điều không tốt cho triết học.

Bernard-Henri Lévy (1948-)
Dominique Grisoni (1945-2003)

Không chỉ Bernard-Henri Lévy và Dominique-Antoine Grisoni tấn công tôi, và cố gắng cản trở tiến trình của Hội Đồng Triết học, mà ngay cả một tổng thanh tra triết học, người đã từng là người thầy dạy tôi, Étienne Borne, đã buộc tội tôi tấn công những người đã dấn thân cho những chính nghĩa đạo đức và chính đáng. Cái mà tôi tấn công không phải là đạo đức và thậm chí lại càng không phải là công lý, mà là các thực tiễn truyền thông và sự lạm dụng mà những người này thực hiện với mục đích thể hiện, cũng như tôi đã nói ở trên, để tự đề cao - quảng cáo. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy phần nào bị tê liệt.

Và chính trào lưu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng mà các anh chị đang tố cáo hin nay, cả ở cánh tả và ở cánh hữu. Bởi vì hầu hết những người mà tôi đang nói đến ở đây, về phương diện chính trị, - ở cùng một thời điểm hay lần lượt -, là những người thiên hữu và thiên tả đã xoá bỏ sự phân chia tả-hữu, xóa bỏ sự phân chia và thích ứng với quyền lực thống trị, hoặc các quyền lực thống trị khi có cả hai (quyến lực thống trị) trong thời gian có sự chung sống trong cùng một chính quyền của cả hai đảng đối lập nhau. Họ sống chung với tất cả những người sống chung.

Nhiều nghệ sĩ, giống như ông, đã từ chối xuất hiện trên truyền hình vào những năm 1970 ngày nay hối tiếc vì cuối cùng đã phải nhường chỗ cho những người khác, những người ngày nay tiếp tục chiếm hết không gian.

Đúng vậy. Về phần tôi, cũng như đối với những ai đã thể hiện mình là người cực kỳ thận trọng, tần tiện, đó không phải là sự khinh thường. Tôi đã từ chối về nguyên tắc lên truyền hình. Đó không phải là một sự chống đối lại chính truyền hình. Đó là sự không tin tưởng vào cách truyền hình được thực hiện: nhịp điệu, thời gian, văn hóa của những người phỏng vấn bạn.

Tôi sẽ không bao giờ đồng ý tham gia chương trình của Pivot (thật ra ông ấy, vì lý do chính đáng, cũng chưa bao giờ mời tôi). Tôi không có gì chống lại ông này, một người đáng quý mến có một chương trình nổi tiếng đã cung cấp các dịch vụ tốt, nhưng tôi không thể nói chuyện với ông ấy - tôi thấy khoảnh khắc ông ta sẽ ngắt lời tôi để hỏi tôi liệu văn bản của tôi có phải là tự truyện hay không, để kể chuyện, cốt truyện sách của tôi, v.v..

Tuy nhiên, rất lâu trước loại truyền hình này, đã có một truyền hình khác, và những chương trình văn học có chất lượng cao hơn. Desgraupes và Dumayet đã nói chuyện với trí thức, với các nhà văn, dành thời gian của họ, để mọi người phát biểu, chấp nhận sự im lặng và sự đắn đo. Tôi không có gì chống lại loại truyền hình này và tôi tiếp tục hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể nhận ra và phục hồi những phẩm chất của nó.

Từ lâu, ông đã từ chối xuất hiện trong các bức ảnh, giống như Daniel Buren, cho đến khi anh ấy nhận ra rằng điều đó đã tạo ra một loại huyền thoại xung quanh anh ấy.

Daniel Buren (1938-)

Tôi thừa nhận rằng tôi đã bị cám dỗ bởi - làm sao tôi có thể gọi nó… “ý thức hệ”? – sự lám dáng có vẻ đoan trang. Chúng tôi đã chống lại sự thể hiện. Nhà văn hay nhà triết học không nhất thiết phải xuất hiện trên bìa sách. Đó không phải là vấn đề, nó không cần thiết. Ngoài ra, tôi có một mối quan hệ khó khăn và dằn vặt với hình ảnh của mình, nhưng đó là chuyện khác. Hai động lực tự củng cố với nhau, rất dễ dàng đối với tôi, trong gần hai mươi năm, nói “không, không có hình ảnh”. Hội Đồng Triết Học là khoảnh khắc đầu tiên hình ảnh của tôi được công khai hóa, có người chụp ảnh trong phòng, không thể có bất cứ sự kiểm soát nào. Tôi hoàn toàn không thể biện minh cho bản thân, ngoại trừ việc nói rằng tôi không phản đối bức ảnh mà chống lại một loại ảnh nhất định.

Ngoài vấn đề về bức ảnh, không gian nào của sự phản kháng, hoặc có lẽ là của sự sống còn, vẫn có thể tồn tại trong một thế giới bị truyền thông hóa khiến những người không thể hiện mình đang làm việc trở nên vô hình?

Chúng ta phải thoát ra khỏi tính vô hình này khi các cuộc đấu tranh chính trị đòi hỏi nó. Nhưng chúng ta cũng phải cố gắng kiểm soát những lần xuất hiện này, tận dụng cơ hội để bày tỏ sự ngờ vực của mình đối với việc được đưa lên các phương tiện truyền thông. Đó là điều mà tôi không quên nhắc nhở khi có cơ hội. Các đối tác nhà báo phải được nhắc nhở về trách nhiệm của chính họ.

Jean-Pierre Vernant (1914-2007)

Lần đầu tiên trong đời tôi đồng ý để truyền hình quay phim là khi tôi từ Praha trở về. Tôi đã bị bỏ tù, sau khi cùng Jean-Pierre Vernant thành lập hiệp hội Jan Hus (mà mục tiêu và quyết tâm là giúp đỡ các trí thức Séc bị chế độ cộng sản đe dọa), tôi đã đến Praha để tổ chức các cuộc hội thảo bí mật với một số trí thức hay nhà nghiên cứu bị đàn áp này, mang sách và tiền cho họ. Vào cuối thời gian ở Praha, tôi bị bắt tại sân bay, họ bỏ ma túy vào vali của tôi và tôi bị bỏ tù.

Khi tôi được thả, tôi là người duy nhất có thể làm chứng cho những gì vừa xảy ra. Các nhà báo đến Stuttgart trên chuyến tàu đưa tôi từ Praha trở về. Đó là đêm ngày 1 đến ngày 2 tháng 1 năm 1982. Đến Gare de l'Est, vào lúc bình minh. Đông đảo các nhà báo. Tôi đã đặt điều kiện cho các nhà báo truyền hình đã lên tàu là tôi có thể xem trong trường quay những gì họ sẽ dựng lên và trình chiếu.

Vì vậy, vào lúc 7 giờ sáng, cùng với vợ tôi và hai con trai của tôi đã đến đón tôi, chúng tôi đến phố François-Ier. François-Henri de Virieu đã tiếp tôi, ông ấy cho tôi xem những hình ảnh mà họ sẽ phát vào buổi trưa. Sự phản kháng là lựa chọn những lần xuất hiện của bạn, liên kết chúng với các mục đích chính trị tập thể mà ta cho là chính đáng, và không đóng vai các anh hùng trong một cuộc phiêu lưu cá nhân (bi thảm và sinh lợi). Tôi chỉ bày tỏ lòng kính trọng đối với những trí thức Séc, những người chiến đấu xung quanh Hiến chương 77.

Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh lạm dụng các phương tiện truyền thông hoặc cho phép bản thân bị lạm dụng. Chúng ta phải tuyên bố, trên các phương tiện truyền thông, bất cứ khi nào có thể, những gì chúng ta nghĩ về trách nhiệm của chính các phương tiện này. Cố gắng đảm bảo rằng trên sân khấu của các phương tiện truyền thông, vấn đề về giới truyền thông phải thành chủ đề, và được phân tích. Càng nhiều càng tốt. Chúng ta không nên chống lại các phương tiện truyền thông một cách chung chung, mà chỉ chống lại một số thôi. Ta phải phân biệt giữa kênh này với kênh khác, chương trình này và chương trình khác. Điều này giả định rằng chúng ta tích cực quan tâm đến chúng. Tôi xem tivi rất nhiều. Tôi đọc các tờ báo một cách cẩn thận. Hơn nữa, theo cách riêng của tôi, ở một khía cạnh khác, tôi cũng là một trí thức truyền thông: trên không gian công cộng, tôi xuất bản, tôi giảng dạy, tôi chủ trì rất nhiều hội thảo, đôi khi là phỏng vấn...

Chuyến trở về này từ Praha hay sự huy động của Foucault và Bourdieu xung quanh Ba Lan vào đầu những năm 1980 đã đánh dấu sự kết thúc của những lần xuất hiện kinh điển này của giới trí thức. Như thể việc cánh tả lên nắm chính quyền diễn ra đồng thời với một thời gian dài im hơi lặng tiếng và một sự rút lui về công việc hàn lâm. Cần phải đợi đến đầu những năm 1990 để chứng kiến ​​sự xuất hiện của các hình thức can thiệp khác trong cuộc tranh luận công khai với Act Up, phong trào xã hội năm 1995 hoặc các cuộc vận động cho một tiến trình toàn cầu hóa khác... Các hình thức, có lẽ là một quyền lực mà giới chính trị rất khó khăn nắm bắt.

Làn sóng mà các anh chị đang nói đến, nó đã tồn tại, phần nào nó vẫn đang tìm kiếm cách để tự thể hiện, nhưng nó đang trong quá trình tự khẳng định. Cho phép tôi nhắc lại rằng tôi đã nhấn mạnh rõ ràng về điều này trong Bóng ma của Marx, năm 1993, khi nói về một liên minh mới hoặc một Quốc tế mới. Tôi thực sự tin tưởng vào trào lưu vì một tiến trình toàn cầu hóa khác. Không phải với các phương thức mà nó hiện có, thường không rõ ràng và không đồng nhất. Nhưng trong tương lai, tôi tin rằng, các quyết định sẽ được đưa ra từ đó, các quốc gia-dân tộc bá chủ và các tổ chức phụ thuộc vào chúng (đặc biệt là các “hội nghị thượng đỉnh” về kinh tế và tiền tệ) sẽ phải tính đến quyền lực này.

Các đảng phái chính trị, như chúng hiện đang tồn tại, ở Pháp hay các nơi khác, không có khả năng tích hợp một diễn ngôn vì một toàn cầu hóa khác. Sức mạnh mà các anh chị nói, nếu nó được cấu thành, tự khẳng định, hành động, không thể được thể hiện trong bất kỳ bộ máy chính trị nào, trong các diễn ngôn, tu từ học chính trị nào của cánh tả hay cánh hữu ngày nay. Tôi không có gì chống lại các đảng phái, chúng ta cần các đảng phái. Nhưng ý tưởng rằng các đảng phái, dù đảng phái nào đi nữa, sẽ xác định chính sách đã kết thúc. Quyền lực mới mà chúng tôi đang đề cập đến là sức mạnh không đảng phái, nó xuyên suốt toàn bộ lĩnh vực xã hội, nó cũng không thuộc về một giai cấp xã hội, tất cả các người lao động đều tìm thấy mình ở đó.

Ông hình dung không gian công cộng châu Âu có thể được xây dựng như thế nào, một yếu tố còn thiếu trong một kết cấu châu Âu vốn đã khá hoàn tất?

Không có con đường thênh thang nào cả. Chúng ta phải nhân rộng các diễn ngôn để châu Âu không chỉ là một liên minh kinh tế bảo hộ. Châu Âu mà vì nó tôi sẽ chiến đấu sẽ là một không gian sáng tạo phê phán về nền dân chủ, nó phải nghĩ đến việc tái định hình các nền dân chủ chống lại một kiểu bá quyền nhất định của Mỹ, chống lại các chủ nghĩa chính trị thần quyền Hồi giáo và chống lại một Trung Quốc nhất định.

Do đó cần phải nhân rộng những diễn ngôn và những lời cảnh báo. Tôi tin rằng đây là một trong những trách nhiệm lớn lao của trí thức, của những người mà nghề là suy nghĩ và phát biểu trong không gian công cộng, trước hết là các nhà triết học và các luật gia, các nhà kinh tế học nữa. Một điểm yếu khác của châu Âu chắc chắn là do châu Âu chưa trang bị cho mình một lực lượng quân sự hiệu quả và độc lập. Châu Âu không có quyền lực vũ trang để cho phép họ can thiệp trên thực địa vì những lý do mà họ cho là chính đáng.

Gerhard Schröder (1944-)
Jacques Chirac (1932-2019)

Các quan điểm được (tổng thống Pháp) Chirac và (thủ tướng Đức) Schröder đại diện, vì những động cơ phức tạp, khi họ phản đối chính sách “đơn phương” của Bush ở Iraq, những lập trường mà tôi đánh giá là đúng, bất kể động cơ phức tạp của chúng, chỉ có thể ở dạng phản đối bằng lời nói trên diễn đàn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà các quy tắc đã bị vi phạm. Đối với tôi, châu Âu cần phải cấp bách được trang bị với một lực lượng quân sự phục vụ cho một chính sách không phải của Mỹ, cũng không phải của Trung Quốc, cũng không phải là Ả Rập-Hồi giáo… Đó là một điều hơi không tưởng vào lúc này.

Nhưng trong lịch sử và ký ức của châu Âu (cả tốt và xấu, thời kỳ Khai sáng nhưng cả thời điểm tồi tệ nhất của các chủ nghĩa toàn trị hiện đại - chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa Stalin, thảm hoạ diệt chủng Shoah, chủ nghĩa thực dân và các thử nghiệm của một quá trình phi thực dân hóa mà không phải là không có “tội ác chống lại nhân loại, v.v.), ở một châu Âu “già cỗi bị bầm dập này, có một nguồn lực nghịch lý được thừa nhận, một nguồn lực “tương lai” cho phép châu Âu thay đổi tình hình và các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế, để chống lại cả Hoa Kỳ và các học thuyết chính trị thần quyền Hồi giáo, bằng cách liên minh với tất cả những ai, người Mỹ, người Ả Rập, người Iran hoặc người Trung Quốc, v.v. chống lại đường lối chính trị thống trị của đất nước họ.

Chẳng hạn, không ai đáng thương hơn tất cả những người Ả Rập và Hồi giáo, những người vừa phải chịu sự đàn áp (ví dụ như phụ nữ) ở đất nước của họ hoặc trong nền văn hóa của họ - trong khi vẫn bị kết hợp một cách bất công, trong dư luận thế giới, với tội ác khủng bố thuộc loại Al-Qaeda. Tôi nghĩ về họ rất nhiều, với tình bạn và lòng trắc ẩn: ví dụ về người Palestine, trong khi đấu tranh cho nền độc lập chính đáng và tương lai của Nhà nước họ, vẫn lên án các vụ tấn công liều chết, nhưng cũng nghĩ về những người Israel đang chiến đấu chống lại (thủ tướng Israel) Sharon, và đôi khi từ chối một số nhiệm vụ được giao cho họ, v.v..

Ông trả lời thế nào với những người nói về chủ nghĩa khủng bố ngày nay như một cuộc chiến tranh thế giới thứ tư?

Tôi buộc phải làm cho mọi thứ phức tạp hơn nữa. Trước tiên, tôi sẽ do dự khi gọi đó là “chiến tranh thế giới”. Đây không phải là một cuộc chiến. Có một lịch sử về khái niệm chiến tranh và nó đã kết thúc: có lẽ sẽ không còn “chiến tranh” nữa. Hiện tại không có chiến tranh, nếu “chiến tranh”, theo từ vựng và luật của Châu Âu, là sự thù địch công khai của một Quốc gia đối với một Quốc gia khác.

Những gì đang xảy ra ngày nay, “cuộc chiến chống khủng bố”, không phải là một cuộc chiến. Không có nhà nước nào, với tư cách là một Nhà nước, tán thành hoặc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố kiểu Al-Qaeda. Như vậy đó là sự thù địch, những xung đột đang hoành hành giữa những quyền lực, có lẽ nghiêm trọng hơn, có lẽ còn đáng lo ngại hơn bất kì cuộc chiến nhất định nào hay các cuộc chiến quốc tế hay các cuộc nội chiến, nhưng đây không còn là một cuộc chiến nữa. Đây không phải chỉ là về vấn đề từ vựng: từ “chiến tranh” làm chúng ta lầm lạc. Về mặt chính trị cũng vậy. Đây là cách Bush đánh lừa người dân của mình, khi kêu gọi một “cuộc chiến chống khủng bố”. Nhưng thực sự chống lại ai? Không phải là Afghanistan và cũng không phải là Iraq; đó không phải là một cuộc chiến tranh nhằm vào Quốc gia-dân tộc Iraq. Vì vậy, chúng ta phải tìm một từ khác. Cũng như đối với từ “khủng bố”, cũng đã lỗi thời.

Tại sao?

Tất nhiên, ta không thể không sử dụng nó. Ví dụ, chúng ta sẽ nói rằng những gì xảy ra gần đây ở Madrid là khủng bố. Nhưng nếu tôi yêu cầu chúng ta suy ngẫm về từ vựng này, đó không chỉ là sự quan tâm về ngôn ngữ hoặc ngữ nghĩa. Tôi tin rằng việc sử dụng từ này che mờ đi vấn đề chính trị, đôi khi là có mục đích.

Ở đây, các từ chủ nghĩa khủng bố hay khủng bố cũng có một lịch sử. “Khủng bố”, ví dụ “terror” trong tiếng Anh, là từ được Hobbes sử dụng để xác định đòn bẩy chính của bất kỳ chính phủ nào. Như Benjamin đã nói, mọi chính phủ đều tuyên bố giữ độc quyền về bạo lực một cách hợp pháp. Nó hoạt động thông qua sự sợ hãi. Người ta không quản lý mà không cưỡng chế bằng khủng bố, hoặc bằng bạo lực, hoặc bằng sợ hãi, v.v.. Ngay theo nghĩa thông thường, mỗi chính phủ đều là khủng bố theo cách riêng của nó!

Vả lại, để bước vào giai đoạn hiện đại, các cuộc chiến tranh hiện đại phần lớn là “chiến tranh khủng bố”: các cuộc ném bom không tránh người dân thường Pháp, Anh, Đức, Nga hoặc Nhật. Và quả bom nguyên tử, và Hiroshima và hàng chục ngàn nạn nhân của nó, không phải đó cũng là khủng bố sao? Chẳng phải chúng ta đã cố gắng gây ấn tượng với kẻ thù bằng cách gây chết chóc một cách tàn bạo người dân thường với số lượng lớn hơn không thể so sánh được với những nạn nhân của Tháp Đôi hay Madrid sao? Không chỉ có khủng bố Nhà nước, mà khái niệm truyền thống về chủ nghĩa khủng bố về cơ bản gắn liền với khái niệm Nhà nước, với tư cách là một Nhà nước.

Bây giờ, có một lịch sử của từ “khủng bố”, tôi tin rằng, bt nguồn từ cuộc Khủng bố trong cuộc Cách mạng Pháp. Sau đó, nó chuyển sang giai đoạn hiện đại, nhưng luôn ở trong tình huống một nhóm có tổ chức, không phải quân sự hay dân sự, cố gắng giải phóng hoặc tái lập một Quốc gia-dân tộc. Ví dụ: Israel đã bắt đầu bằng chủ nghĩa khủng bố, những người theo chủ nghĩa Zion đã sử dng chủ nghĩa khủng bố, tất nhiên sau đó là cả người Palestine. Đó cũng là điều hiển nhiên đối với Algeria, ở cả hai phía. Những người kháng chiến Pháp là những kẻ khủng bố! Dưới thời Vichy, kẻ chiếm đóng nazi và các đồng minh Pháp của mình đã tố cáo họ (những người kháng chiến) và chống lại họ, từ khủng bố là từ thông dụng vào thời đó. Sau đó, họ trở thành những anh hùng của công cuộc giải phóng hay của sự tái thiết một Quốc gia-dân tộc hợp pháp và đáng tự hào, được cộng đồng thế giới công nhận, giống như Israel, như Algeria.

Carl Schmitt (1888-1985)

Nó tương đương với cái mà Carl Schmitt gọi là “chiến tranh du kích”: không phải nội chiến hay chiến tranh quốc tế, mà là hành động có tổ chức của một nhóm những người kháng chiến sử dụng cái mà ngày nay được gọi là các cuộc tấn công “khủng bố” để cứu một Quốc gia-dân tộc, giải phóng nó, tái thiết nó hoặc tái lập một quốc gia-dân tộc mới, như trường hợp của Israel và Palestine.

Tuy nhiên, ngày nay, trong hầu hết các trường hợp, ngoài trừ Ireland, điều được gọi là “khủng bố” là những hành động bạo lực không còn được tổ chức vì mục đích chính trị, tức là nhằm chuyển đổi, cấu thành hoặc tái lập một Quốc gia-dân tộc. Không có tương lai chính trị nào trong các hành động của Al-Qaeda. Một phong trào do Al-Qaeda thể hiện là không có tương lai, ngay cả khi không may xu hướng phạm trọng tội hằn thù và không có tương lai có thể trở thành thảm họa cho cả những đối thủ được cho là kẻ thù lẫn những ai mà chính nghĩa, đức tin và tôn giáo bị phong trào khẳng định mình là người đại diện.

Vì vậy, tôi sẽ không gọi đó là “chiến tranh” hay “khủng bố”. Một tình huống khác, một lĩnh vực khác, một câu chuyện khác bắt đầu. Chúng ta phải phát minh ra các từ khác, nhận thức về các cấu trúc khác. Chính quan niệm về chính trị đang thay đổi. Kể từ thời Hy Lạp cổ đại, “chính trị” luôn gắn liền với polis, với thành quốc, tức là với biên giới của một Quốc gia-dân tộc được định vị trên trên một lãnh thổ.

Ngày nay, và vì cả ngàn lý do, chính trị không còn hình thức đó nữa, xét đến cùng, nó không còn là sự vật và không gian ổn định của Quốc gia-dân tộc. Các xung đột hiện tại hoặc trong tương lai có khả năng còn đáng sợ hơn, chính vì tính không xác định này của kẻ thù. Chúng ta không còn biết kẻ thù là ai.

Schmitt nói rằng chính trị được định nghĩa từ kẻ thù. Nay thì không còn có thể định nghĩa như vậy nữa, không còn, về mặt dân tộc, tôn giáo, chính trị, một kẻ thù có thể xác định được. Bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ thù. Thật đáng sợ, bởi vì công nghệ phục vụ bất kỳ ai cũng có thể gây ra những sự tàn phá: bằng bom thông thường hoặc bằng vũ khí vi khuẩn, hóa học, nguyên tử và thậm chí cả tin học. Bây giờ người ta có thể làm tê liệt toàn bộ quốc gia và quân đội từ những can thiệp tinh vi vào bộ máy máy tính. Một tầm nhìn có dáng vẻ của “ngày tận thế”.

Cách đọc tình trạng/kết cấu quốc tế mới với lăng kính của thuyết tận thế là một trong những yếu tố được viện dẫn để biện minh cho chính sách dựa trên sự sợ hãi (pháo đài châu Âu, hình sự hóa các trường hợp bất lịch sự nhỏ nhặt…) được áp dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Nỗi ám ảnh về an ninh này thay đổi điều gì trong chính trị?

Còn ai còn có thể phủ nhận điều này? Mọi nền dân chủ đều bị đe dọa bởi nhu cầu tự bảo vệ mình chống lại cái gọi là “chủ nghĩa khủng bố”. Chúng ta không thể để tất cả mọi người làm bất cứ điều gì trong một lãnh thổ. Cần thiết và rất khó tìm ra một chính sách dân chủ có khả năng quản lý tốt sự “tự miễn dịch”, một quá trình gần như tự sát này bao gồm, đối với một sinh vật, phá hủy hệ thống phòng thủ của chính nó và gây nguy hiểm cho khả năng tự bảo vệ mình.

Trong nhiều văn bản gần đây, tôi đã mở rộng “mô hình” của ý niệm sinh học này cho toàn bộ lĩnh vực kinh nghiệm, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Người ta có thể tìm thấy hàng nghìn ví dụ về điều này ngày nay, và không chỉ ở khía cạnh tự sát trong các chính sách của Mỹ hoặc Israel. Khả năng tự miễn dịch này không thể bị xóa bỏ, nó trước hết là một phần của các khả năng cấu trúc của vô thức, thậm chí của xã hội, của chính trị.

Theo định nghĩa, chúng ta không thể thoát khỏi sự tự miễn dịch. Do đó, trách nhiệm chính trị chỉ có thể bao gồm, thông qua một sự can thiệp lúc nào cũng đặc biệt (không có quy tắc trước cho việc này), trong việc hạn chế nguy cơ và thiệt hại. Sự mơ hồ của chính quyền Bush, giống như của chính phủ Raffarin, là sử dụng nỗi sợ hãi để củng cố quyền lực và cảnh sát của họ, trong khi vẫn nói với mọi người: “Đừng sợ, chúng tôi ở đây.

Để chống lại nỗi sợ hãi, để cho ý tưởng về một nỗi sợ hãi tất yếu không bị các chính phủ lợi dụng/công cụ hóa, rất tiếc cần phải biết rằng chúng ta không thể chống lại chủ nghĩa khủng bố mà không có nguy cơ hạn chế các quyền tự do công cộng, mà không đe dọa nền dân chủ. Đây là trường hợp hiện tại ở Hoa Kỳ, nơi, kể từ Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), sau ngày 11 tháng 9, các vụ vi phạm quyền công dân đã tăng lên gấp bội. FBI thực hiên một cách “hợp pháp” các vụ can thiệp vi hiến, ví dụ như Đối với các thư điện tử. Chưa kể đến nhiều lời hăm dọa bí mật và xảo trá. Hoặc những gì đang xảy ra tại Guantanamo.

Cuộc chiến cần thiết chống lại “chủ nghĩa khủng bố” đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các Quốc gia. Quốc gia, lực lượng cảnh sát và quân đội là cần thiết. Chủ quyền phải được chia sẻ, phải xem xét lại khái niệm này và sắp xếp lại không gian của nó. Chủ quyền, có lẽ, trong những điều kiện nhất định và trong những giới hạn nhất định, vẫn là một nguồn lực tốt để chống lại cả chủ nghĩa khủng bố lẫn các bá quyền toàn cầu, đặc biệt là về kinh tế, khi chúng không gắn với các Quốc gia-dân tộc. Đặc biệt là một chủ nghĩa siêu tự do kinh tế nhất định, khi chúng không liên kết với các quốc gia. Chẳng hạn, một chủ nghĩa siêu tự do kinh tế nào đó chỉ có thể lợi dụng sự yếu kém của Quốc gia-dân tộc. Việc điều tiết thị trường cũng cần có các quyền lực của Nhà nước.

Chẳng may, ngày nay chúng ta có cảm tượng rằng cố gắng hiểu chủ nghĩa khủng bố có nghĩa là có nguy cơ bị buộc tội bào chữa cho nó, biện minh cho nó. Do đó, chúng ta phải chịu một mệnh lệnh thường xuyên nhắc nhở là phải tuân thủ trật tự.

Tôi không muốn chọn hoặc thậm chí phân biệt giữa “hiểu” và “biện minh”. Không phải là chọn một. Nhưng chúng ta phải cho phép các “trí thức”, tất cả những người phát biểu trước công chúng, được nói nhiều hơn một câu. Ta phải có thể nói một mặt “Tôi lên án chủ nghĩa khủng bố”, “Tôi lên án Al-Qaeda”, “Tôi có lòng thương xót vô hạn đối với các nạn nhân”, và mặt khác, đồng thời, ngay trong câu sau: “Nhưng tôi muốn hiểu tại sao và nó xảy ra như thế nào”, “Tôi muốn hiểu lịch sử của thực địa địa chính trị và thậm chí cả nguồn gốc thần học, để thể hiện lại phả hệ rất xa của một sự kiện”.

Hành động để hiểu biết này không chỉ đơn giản là một hành động của trí thông minh lý thuyết. Vấn đề không phải là hiểu để hiểu, theo cách tư biện, mà là hiểu để thay đổi các sự vật, bằng cách đề cập đến các chuẩn mực, đến công lý (và không chỉ đối với luật thực định). Vì vậy, tôi phải có khả năng nói nhiều hơn một câu, rằng tôi không bị nhốt vào tình huống khó xử.

Nếu tôi bắt đầu nói rằng chúng ta phải phân tích nguồn gốc của từ “khủng bố”, rằng chúng ta có lẽ phải tìm một thuật ngữ khác, phải để tôi tiếp tục, đi xa hơn một chút để nói rằng điều đó không ngăn cản tôi lên án, chống lại cái vẫn vẫn được gọi là “khủng bố”. Người ta phải cho tôi thời gian để nói hai câu này. Và một vài câu khác.

Ở Pháp, chúng ta đã biện minh, và điều này đúng, cho sự khủng bố những người kháng chiến, chúng ta phải có thể tự hỏi mình tại sao, và dựa trên lý lẽ nào, người Israel nghĩ rằng họ có quyền biện minh cho chủ nghĩa khủng bố trước ngày thành lập quốc gia, rồi đôi khi chủ nghĩa khủng bố Nhà nước của họ, và cả người Palestine nữa, về phần họ, là “chủ nghĩa khủng bố” để phục vụ cho quốc gia Palestine tương lai.

Phân tích này, mà tôi không thể thực hiện ở đây, có thể là vô tận và trở ngược lại thời gian rất xa, ngay cả trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, về những trách nhiệm, trong ví dụ này, hoàn toàn không phải chỉ của người Palestine hay người Israel. Do đó, sự đánh giá mang tính chuẩn tắc không thể tách rời khỏi hành động để hiểu biết này. Nếu tôi chỉ muốn ủng hộ một chính nghĩa chính đáng, hoặc biện minh cho điều gì đó, mà không cố gắng hiểu nó, thì tôi không biện minh cho bất cứ điều gì cả.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có rất nhiều diễn ngôn chính trị và triết học mang tính chuẩn tắc, nói về thế giới như nó phải là, chứ không phải như nó là...

Đúng vậy, nhưng ta cần cả hai loại tham chiếu. Trong tất cả các văn bản của tôi, tôi cố gắng chỉ ra rằng có những khẳng định vô điều kiện, chẳng hạn như công lý, sự biếu tặng, lòng hiếu khách, không còn có thể được thực hiện hoặc có thể xảy ra, không thể dẫn đến một chính sách hoặc một pháp luật: chúng ta không thể biến lòng hiếu khách vô điều kiện thành một khái niệm chính trị hoặc pháp lý, đó là điều không thể. Chừng nào còn luật pháp, chính trị, quốc gia, lãnh thổ thì dù ta có lòng hiếu khách đến đâu, ta cũng phải hạn chế tính hiếu khách.

Tuy nhiên, người ta không thể nghĩ đến và ủng hộ một sự hiếu khách có điều kiện mà không nghĩ đến sự hiếu khách vô điều kiện: một điều không thể có mà không tiêu cực. Tôi giải thích điểm này tốt hơn ở nơi khác. Chúng ta không thể cải thiện hoặc cách mạng hóa luật pháp mà không có ý tưởng về một công lý cao hơn, về một pháp luật công bằng hơn. Nếu tôi muốn trở nên công bằng hơn, tôi phải thể hiện công lý hiện nay bằng một luật pháp tốt hơn. Nếu tôi hoàn toàn muốn niềm nở chào đón người kia, để người kia đến mà không hỏi anh ta hộ chiếu hoặc tên của anh ta, bộc lộ mình một cách vô điều kiện trước sự xuất hiện của người kia, tôi cũng cần phải có một cái gì đó cụ thể để cho, và do đó tôi cũng đặt điều kiện cho lòng hiếu khách. Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy mình khó nghĩ về hai khái niệm không đồng nhất, không thể rút gọn cái này trong cái kia, nhưng đồng thời không thể tách rời với nhau.

Nếu không may, tôi được yêu cầu lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Al-Qaeda, tôi sẽ chọn Hoa Kỳ, không phải là tôi tán thành các chính sách của Bush trong bất kỳ khía cạnh nào, mà bởi vì tôi biết rằng trong nền dân chủ Mỹ, có một nguyên tắc cầu toàn. Một tính lịch sử nội tại. Đối với tôi, đó là dân chủ: tự phê bình công khai là có thể có về mặt pháp lý, tính cầu toàn thì cởi mở đến vô cùng.

Tất nhiên, Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm. Họ đã thực hiện những hành động thuộc loại diệt chủng, trải qua một lịch sử đáng sợ vẫn còn đang bị xét xử (sự đối xử với người da đỏ, chế độ nô lệ, bom nguyên tử hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt mà họ là người duy nhất trong lịch sử, cho đến nay, đã sử dụng hoặc tuyên bố là chính đáng). Có rất nhiều ví dụ khác về bạo lực sau Chiến tranh thế giới thứ hai không thể biện minh được.

Nhưng đồng thời, tôi nhấn mạnh với tất cả sức mạnh cần thiết, sẽ thật sự là một bất công nhục nhã, đáng ghê tởm và lố lăng nếu phủ nhận rằng Hoa Kỳ đã bãi bỏ chế độ nô lệ, đã nỗ lực sửa chữa bạo lực chống lại người da đỏ, đã thiết lập và nâng cao các quyền công dân, đã thường tôn trọng tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp của họ (tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do bày tỏ quan điểm trước công chúng, sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước ngay từ lúc khởi đầu - rất lâu trước Pháp, ngay cả khi nền chính trị ở đó mang dấu ấn sâu sắc của tính tôn giáo của Thiên chúa giáo).

Đất nước này và dân tộc này biết rằng họ có thể được cải thiện và tha thiết về một tương lai dân chủ hơn, ngay cả khi quyền bá chủ về kinh tế và quân sự của họ bấp bênh hơn người ta thường tin (do đó có sự căng thẳng hiện nay). Chính nhân danh tương lai dân chủ này mà tôi sẽ đứng về phía này, ngược lại với Al-Qaeda, trong mắt tôi, tôi xin nhắc lại, là không có tương lai. Những hệ tư tưởng thuần túy mang tính tôn giáo, hoặc được cho là tôn giáo, không có mô hình chính trị, chúng chỉ đối lập những tín đồ chống lại những kẻ không tin và kêu gọi tiêu diệt tất cả “những kẻ ngoại đạo”, tôi tin rằng chúng sẽ bị diệt vong về lâu về dài, ngay cả khi chúng có thể làm cho thế giới rơi vào biển lửa và máu trong một thời gian. Trong một tình huống nhị phân, như vậy tôi sẽ bỏ phiếu cho nền dân chủ Mỹ, nhưng các anh chị thấy rằng điều chính đối với tôi là không để bản thân bị dồn vào một sự lựa chọn như vậy. Các cách khác phải được chuẩn bị.

Những người ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào Iraq cũng là những người chỉ trích nhiêu nhất chủ nghĩa tiến bộ. Một lời chỉ trích kết hợp với sự chỉ trích “chủ nghĩa nhân quyền”. Những người bảo vệ quyền tự do công cộng sau đó bị buộc tội là quá ngây thơ, không đúng về mặt chính trị. Hệ tư tưởng nào làm nền tảng cho quan niệm này về sự vật?

Sự tố cáo tính politically correct (tính đúng đắn chính trị) này (tôi muốn để điều này trong ngôn ngữ gốc của nó) là một sự lạm dụng và có nhiều. Chúng ta nhập về một cụm từ có một ý nghĩa nhất định và một hiệu quả nhất định ở Hoa Kỳ, nơi thuật ngữ này là một phần của cuộc chiến chống lại sự phân biệt giới tính, chủ nghĩa lấy dương vật làm trung tâm, sự kỳ thị đồng tính, sự phân biệt chủng tộc, v.v., với những hoàn cảnh không giống hoàn cảnh ở Pháp.

Ở Pháp, lập luận được công cụ hóa để lên án một cách dứt khoát bất kỳ thái độ nào có tính quy phạm, bất kỳ ý kiến nào tự nhận là đúng, và được người ta chính xác loại bỏ mà ít tốn công nhất. Nếu bạn chống phân biệt chủng tộc, bạn “đúng về mặt chính trị”. Nếu bạn chống lại sự kỳ thị đồng tính, bạn sẽ sớm bị quy kết là “đúng về mặt chính trị” để bịt miệng bạn, khóa miệng bạn, áp đặt sự im lặng đối với bạn.

Luc Ferry (1951-)

Tôi rất ghét việc chúng ta sử dụng từ này (politically correct) ở Pháp vì chúng ta tự cho mình, với một lương tâm trong sáng, quyền tố cáo bất cứ điều gì xuất phát từ mối quan tâm đến công lý. Đó là một sự chính thống mới. Chúng ta có thể sử dụng biểu thức này để loại bỏ bất kỳ kẻ thù nào. Như Luc Ferry đã làm về văn bản của Les Inrockuptibles, khi ông ta ngắn gọn chê trách chúng ta là những người “đúng đắn về mặt chính trị”: ông nói gần như sau, là một trí thức, là phải đứng về phía cánh tả và ký vào các kiến nghị. Tôi nghĩ rằng đây là sự can thiệp duy nhất của ông trong các cuộc tranh luận nhiều kịch tính với các nhà nghiên cứu, các cuộc tranh luận mà ông nói rằng đã theo dõi từ tầng trên của Bộ (Giáo dục Quốc gia).

Tôi ủng hộ việc bảo vệ quyền con người, nhưng tôi chống lại một “chủ nghĩa nhân quyền” tự thỏa mãn với một sự tham chiếu hoàn toàn mang tính hình thức về quyền con người, để che giấu đủ loại vấn đề chính trị-xã hội trên bề mặt hành tinh, quên mất quyền con người trong nhiều tình huống. Chủ nghĩa nhân quyền không thể thay thế cho chính sách, và đặc biệt là cho chính sách xã hội.

Chúng ta quay lại sự cần thiết để cho tất cả chúng ta khả năng nói lên nhiều hơn một câu “chính”, ví dụ: tôi chống lại chủ nghĩa nhân quyền, nhưng, câu thứ hai, không theo cách của Le Pen hoặc một phái cực tả mác xít nào đó vừa chống pháp luật và vừa chống chủ nghĩa hình thức! Về nguyên tắc, tôi ủng hộ LHQ, một thể chế và một pháp luật quốc tế vốn ấn định pháp luật, ví dụ như nhân danh quyền con người được ghi trong Hiến chương của nó, nhưng (câu thứ hai) tôi ủng hộ một LHQ được thay đổi sâu sắc về mặt cấu trúc, hiến pháp, quyền lập pháp và hành pháp của nó, v.v..

Trong La Pensée 68 (Tư tưởng những năm 1968), Renaut và Ferry cáo buộc ông chia sẻ với Foucault, Lacan và Bourdieu sự căm ghét nền dân chủ trong khi về mặt triết học, lý thuyết, chính trị, các ông có ít điểm chung, có lẽ ngoại trừ việc đặt cược vào sự hiểu biết, mong muốn và khát khao giải thích sự phức tạp của mọi sự vật.

Đúng vậy, đó là điều khiến tôi hoài niệm, và ngay cả u sầu khi nghĩ về những năm tháng ấy. Bất chấp sự khác biệt và những bất đồng giữa chúng tôi, chúng tôi có một niềm đam mê chung, một quy định chính trị-đạo đức, gắn với mệnh lệnh phải biết, hiểu, phân tích, tinh chế, không để bản thân bị ru ngủ. Bất chấp những khoảng cách ngăn cách chúng tôi, chúng tôi đã chia sẻ một điều gì đó gần như đã bị đánh mất kể từ lúc bấy giờ.

Điều này cũng đúng với văn học. Trong những nhóm tiên phong thiểu số như vậy, có một đòi hỏi, thậm chí tôi có thể đến một “nền văn hóa” văn học đã hoàn toàn bị hòa tan hoặc bị băng hoại, đôi khi đến mức thảm thương. Đối với cuốn sách mà bạn vừa ám chỉ, được đề cập lại vì những lý do mà bạn biết (nó bây giờ được trích dẫn trong hành lang của chính quyền: tất cả những điều xấu xa đã bắt đầu vào năm 68!). Tôi luôn thấy nó vô giá trị, thô tục và lộn xộn về mặt triết học: đó là ví dụ về việc đọc sai một cách vô trách nhiệm nhất.

Ông đã có kinh nghiệm tham gia trực tiếp vào quyền lực, vào “đời sống chính trị” nào?

Tôi chưa bao giờ là thành viên của bất kỳ đảng phái nào, ngoại trừ khi tôi còn là sinh viên: khi đó có một đảng cấp tiến nhỏ, nhỏ hơn PSU (Parti socialiste unifié/Đảng xã hội thống nhất) nằm giữa PS (Parti socialiste/Đảng xã hội) và PC (Parti communiste/Đảng cộng sản). Tôi thậm chí còn không nhớ tên của nó vì nó quá nhỏ: UGS, có lẽ, Liên minh của Cánh Tả Xã hội chủ nghĩa chăng? Với một hoặc hai đại biểu quốc hội, chắc nó liên kết với nhóm Cộng sản trong Quốc hội, và đó là lần duy nhất tôi có thẻ đảng viên.

François Mitterrand (1916-1996)
Jack Lang (1939-)

Tôi luôn ở phe “cánh tả”, như người ta nói, tôi luôn bỏ phiếu cho cánh tả nhưng không phải lúc nào cũng cho cùng một cánh tả, điều đó phụ thuộc vào các cuộc bầu cử. Sau khi Mitterrand lên nắm quyền, có những thời điểm rất ngắn và rất hạn chế khi tôi đồng ý hiện diện, trong những lĩnh vực mà tôi nghĩ là tôi có thẩm quyền, chẳng hạn như giáo dục. Jack Lang (bộ trưởng bộ Văn hoá trong chính quyền Miterrand - ND) đã mời tôi hai hoặc ba lần tháp tùng ông ấy trong các phái đoàn đi nước ngoài, đến Tokyo, Mexico City, Madrid. Tôi rất sợ trở thành một trí thức Nhà nước và tất cả những điều đó đã không kéo dài.

Trong sự liên tục của cuộc đấu tranh mà tôi đã trin khai với những người khác xung quanh việc giảng dạy triết học (thành lập Greph - Nhóm nghiên cứu về việc giảng dạy triết học/Groupe de recherches sur l’enseignement de la philosophie - quan tâm đến nghiên cứu nhưng cả đến sự can thiệp chính trị), chúng tôi đã được giành được từ Mitterrand những lời hứa không bao giờ được giữ. Với cái đà này, tôi cũng đồng tổ chức Hội Đồng Triết học/États généraux de la philosophie vào năm 1979 và tham gia vào việc thành lập Trường Cao đẳng Triết học Quốc tế/Collège international de philosophie, mà tôi là giám đốc đầu tiên được bầu. Tất nhiên, tổ chức này là tư nhân trong quy chế của nó (Luật 1901), nhưng nó đã không thể được thành lập nếu không có sự hỗ trợ và khuyến khích của Jean-Pierre Chevènement (bộ trưởng bộ Giáo dc quốc gia trong chính quyền Miterrand - ND). Cuối cùng tôi đồng ý, dưới thời của Lionel Jospin, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, đồng chủ trì một ủy ban giảng dạy triết học với Jacques Bouveresse, dựa trên nhiệm vụ được giao cho Pierre Bourdieu và François Gros. Trải nghiệm cuối cùng này rất đáng thất vọng, tất cả đều vô ích…

Tại sao?

Đó chỉ là những vai phụ! Năm 1991, báo cáo mà chúng tôi đã đệ trình về tổ chức và chương trình giáo dục triết học, về phương pháp đánh giá, v.v., sau khi tham khảo ý kiến ​​rộng rãi và nhiều công sức, Bộ lập tức cho vào ngăn kéo mà từ đó nó chưa bao giờ ra khỏi. Tiến trình công cụ hóa này rõ ràng là một hình thức xảo quyệt của chủ nghĩa chống trí tuệ, một cách tự cho mình những cái cớ mang tính tri thức. Điều này bao gồm việc nói “các trí thức đang ở bên chúng tôi”: họ làm việc cho chúng tôi, họ cung cấp cho chúng tôi báo cáo, thậm chí họ còn xuất hiện trong danh sách ủng hộ (điều mà tôi chưa bao giờ làm).

Tất nhiên, rõ ràng, tôi có khuynh hướng làm việc với cánh tả hơn là cánh hữu, nhưng tôi đã bị lừa dối, bởi họ đã hoàn toàn không tính đến chuyện này. Và chắc chắn tôi không phải là ví dụ duy nhất. Trong trường hợp này, chủ nghĩa chống trí thức là giả vờ kêu gọi các “trí thức” được biết đến để cung cấp cho mình một cái cớ. Sau đó, người ta làm những gì mà việc xào nấu chính trị hoặc bầu cử hoặc các ràng buộc kinh tế yêu cầu; và người ta còn dám khẳng định rằng chính trị là bất lực trước kinh tế học mà không nhận ra sự khủng khiếp của nó, mà không tính đến những gì đã được nói, ngay cả với một số nhà kinh tế học, và thậm chí không đọc bất cứ điều gì.

Nếu chúng ta muốn quan tâm đến “trí thức”, chúng ta không chỉ yêu cầu họ những báo cáo vô bổ, chúng ta phải đọc chúng, xem xét chúng. Thậm chí, đôi khi - tôi mơ ước - còn phải tham dự các buổi hội thảo của họ! Cần phải lắng nghe những gì đang xảy ra. Một thủ tướng ngày nay nên biết, ít nhất là trong nét chung của chúng, những vấn đề của khoa học vật lý, y tế, di truyền sinh học, v.v., là gì. Hoặc nếu chính thủ tướng Raffarin cũng không biết, thì hãy để cho Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu của ông ta biết đến chúng (hoặc một Tổng thống của nước Cộng hòa chịu trách nhiệm trước đa số đã bầu cho ông ta mà ông ta nhanh chóng quên rằng đa số này không phải là của mình), để ông ấy nhận thức được điều đó và phản đối, một cách có trách nhiệm, việc cắt giảm gây chết người về nhân sự và ngân sách, ông ấy phải làm mọi thứ để hạn chế những gì đang bắt đầu giống như một làn sóng di cư của các trí thức và các nhà nghiên cứu.

Có một vấn đề di cư thực sự ở Pháp: một mặt, nhập cư bị hạn chế nghiêm trọng hoặc không có “sự hòa nhập” xã hội tương ứng (xem vấn đề của “khăn trùm” (hồi giáo) với tất cả các vấn đề về “an ninh” được gắn với chúng một cách quá đáng và định hướng tất cả đời sống chính trị và bầu cử; mặt khác, nguy cơ lớn về sự di cư ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu và học giả; chưa kể đến việc di dời các cơ sở kinh tế và một số tác động xã hội tai hại của hiện tượng này. Do đó, các vấn đề về chính sách biên giới, các vấn đề về chủ quyền (về khái niệm chủ quyền và các cuộc khủng hoảng của khái niệm này). Vấn đề sắp tới của châu Âu. Tất cả những điều này cần được xem xét lại. Nhưng tôi lý giải chúng tốt hơn ở nơi khác và đây là quá nhiều cho một cuộc phỏng vấn ngẫu hứng.

Cuộc phỏng vấn này được công bố vào tháng 4 năm 2004 trên tạp chí Les Inrockuptibles, xin cảm ơn Joseph Ghosn, giám đốc của tạp chí, đã cho phép chúng tôi đăng lại.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Jacques Derruda: «Si je peux faire plus qu’une phrase...», AOC, 29.01.2022.

----

Có thể tham khảo:

Về cái bóng ma của Mác, Diễn Đàn, 03.01.2011.




Chú thích:

* Nhà báo, Giám đốc AOC

** Nhà phê bình nghệ thuật, Nhà tổ chức triển lãm và chuyên gia về văn học Pháp hiện đại

*** Nhà báo

[1] Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp từ 17-5-2017 đến 20-5-2022 (ND).

Print Friendly and PDF