9.2.23

Học thuyết Musk: công nghệ chính trị học của một gã khổng lồ về công nghệ

HỌC THUYẾT MUSK: CÔNG NGHỆ CHÍNH TRỊ HỌC CỦA MỘT GÃ KHỔNG LỒ VỀ CÔNG NGHỆ

Để hiểu tính hợp lý của hệ thống Musk, phải phá vỡ các nguyên tắc lớn của nó. Qua việc vô hiệu hóa internet vệ tinh Starlink ở Ukraine hay ý định mua lại Twitter với ít nhiều rối rắm, nhà tỷ phú đang xây dựng một thế lực địa chính trị chính quy, bổ sung cho những đặc quyền hiện nay của Mỹ - một thế lực được xây dựng trên một hỗn hợp mới: khiêu khích trực tuyến (trolling), công nghệ toàn phần, chính trị-công nghệ. Asma Mhalla phân tích rõ trong nghiên cứu này.

Tác giả: Asma Mhalla

Hình ảnh: © Patrick Pleul/Pool via AP

Elon. Musk. Một nhân vật, nổi tiếng thiên tài và kỳ khôi, chia rẽ, khiêu khích, làm cho cuồng loạn. Mỗi một tweet (bài đăng trên twitter - ND) của ông ta đều được bình luận, mổ xẻ, đưa lên trang nhất của chương trình truyền thông. Ông là một ngôi sao đang thụ hưởng một quyền lực mềm cá nhân mạnh mẽ, cùng với quyền lực tài chính to lớn của ông. Nhưng dù được ca ngợi hay bị ghét, người ta cũng phải biết ông vẫn là biểu tượng của những cải tổ định hình lại cấu trúc quyền lực. Để hiểu tính hợp lý của hệ thống Musk, cần thiết phải phá bỏ các nguyên tắc lớn của hệ thống này, có thể được cảm nhận dễ dàng qua những hàm ý trong các tweet của ông. Bài báo này đề nghị vài hướng suy nghĩ về nền tảng của học thuyết của ông.

Musk là tên của điều gì?

Cho đến những công bố gây luận chiến gần đây của ông về trường hợp của Ukraine hay Đài Loan, Elon Musk được biết đến như một doanh nhân có tầm nhìn xa và có tính đột phá. Sau một giai đoạn phát triển Paypal [công ty thanh toán điện tử] mà ông cùng làm việc với Peter Thiel và đã giàu lên, từ năm 2002 ông chuyển qua ba lĩnh vực chiến lược kết hợp các công nghệ mới và công nghiệp nặng: Tesla (xe hơi điện), Neutalink (khởi nghiệp công nghệ thần kinh, NBIC [Nanotechnology, Biotechnology, Information Technology and Cognitive Sciences], nổi tiếng với kỹ thuật cấy chip vào não người), Space X (hàng không vũ trụ, công ty mẹ của các vệ tinh Starlink), The Boring Company (một doanh nghiệp thượng vàng, hạ cám, từ đào các đường hầm, súng phun lửa cho đến nước hoa). Nhưng Musk không giới hạn vào việc thực hiện nhanh chóng và thành công nhiều dự án công nghiệp của ông, ông đặc biệt có một niềm vui tinh quái là đưa lên Twitter nhiều cuộc luận chiến đa dạng chắt lọc các ý kiến hay tầm nhìn của ông về thế giới. Tuần tự phê phán phe dân chủ hay phe cộng hòa, những cuộc đấu khẩu đối nghịch ông với tổng thống Joe Biden mà ông có quan hệ xấu, thương thảo căng thẳng với dàn lãnh đạo của Twitter lúc ông thông báo mua lại doanh nghiệp này, đề nghị một kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, ý kiến về quy chế của Đài Loan, lấy lập trường chính trị bảo thủ rõ ràng trong lĩnh vực phong tục hay tập trung vào công nghệ khi giải quyết sự rối loạn khí hậu hay sự suy giảm dân số, lập trường về các đồng tiền mã hóa [tiền điện tử] không ổn định và gây mất ổn định… Và phương thức này vận hành tốt. Mỗi tweet tự nó là một sự kiện nho nhỏ, khuấy động trong vài giờ lĩnh vực chính trị-truyền thông.

Và phương thức này vận hành tốt. Mỗi tweet tự nó là một sự kiện nho nhỏ, khuấy động trong vài giờ lĩnh vực chính trị-truyền thông.

ASMA MHALLA

Về cơ bản, Elun Musk là một người vô chính phủ cánh hữu, trong sự thể hiện hoàn hảo nhất của ông. Nếu cần tìm môt hình ảnh để đúc kết nhân vật này, ta có thể nghĩ đến một phiên bản vui vẻ hơn của nhân vật phản diện Joker trong truyện tranh Batman. Musk chơi với các quan chức chính quyền, thách thức họ, gây bất ổn, chế nhạo họ một cách công khai. Ví dụ, ông không bao giờ tôn trọng những nghĩa vụ của mình đối với cảnh sát chứng khoán của phố Wall. Rõ ràng là Musk thử nghiệm độ bền của hệ thống và đùa bỡn với nó. Ông có một tầm nhìn rõ ràng nhất quán về thế giới và nhất là về vai trò của các thể chế mà ông coi thường. Hơn bất kỳ một ông chủ nào khác ở Silicon Valley, ông tượng trưng cho sự xuất hiện của những hình thức mới của quyền lực giữa Big Tech [các công ty công nghệ khổng lồ] và các Nhà Nước, tóm lại là một giải pháp mới về sự phân bổ các quyền lực giữa hai thế giới này. Hệ thống Musk kết nối chặt chẽ chung quanh bộ ba 3T: Trolling économique, Technologie totale, Techno-politique. Musk-3T [khiêu khích kinh tế qua mạng, công nghệ toàn phần, công nghệ-chính trị].

Hệ thống Musk-3T

Khiêu khích kinh tế hay sự xuất hiện của “kinh tế học thời hậu sự thật”

Về phương diện kinh tế, Musk sáng tạo lại một cách xuất sắc điều mà Donald Trump đã bắt đầu trên Twitter trước đó vài năm. Từ “chính trị học hậu sự thật”[1], Musk đã đưa chúng ta vào kỷ nguyên của “kinh tế học thời hậu sự thật” thông qua sự sáng tạo một năng lực gây hại chưa từng có trên phương diện kinh tế.

Minh họa nổi bật nhất cho hiện tượng này là trò xung đột tâm lý đi kèm theo cả tiến trình sóng gió của việc mua lại Twitter trong suốt mùa xuân năm 2022. Thông báo đơn phương việc ngưng mua lại – Musk giải thích là không đồng ý với cách khấu trừ số tài khoản giả mạo được nền tảng mạng cung cấp – tạo điều kiện cho Musk chính thức có thái độ cứng rắn và khởi đầu một cuộc thương thảo căng thẳng và chiến tranh tâm lý với hội đồng quản trị của Twitter, một canh bạc bịp nhau mà không ai có thể biết những động cơ thực sự. Hoạt động sáp nhập-mua bán này không thể kết thúc, vì hai bên không đạt được thỏa thuận về một phương pháp đếm các tài khoản giả mạo, kết tội lẫn nhau là nói dối mà không bên nào có thể chứng minh cho tính xác thực của quan điểm của mình. Trình tự (dài) của việc đếm các tài khoản giả mạo không phải là không nghiêm trọng, nó đánh dấu một bước ngoặt, một giai đoạn đã được Trump khởi đầu vài năm trước đây với những “sự thật thay thế” (alternative facts)[2] nổi tiếng của ông ta: các số liệu đã trở thành một ý kiến như mọi ý kiến khác, không tạo điều kiện cho bất kỳ một hình thức đồng thuận nào. Đỉnh điểm của cuộc tranh chấp là biểu tượng cảm xúc nổi tiếng của Musk để đối chọi lại những lời gii thích dài dòng liên quan đến việc đếm các tài khoản giả mạo của Parag Agrawal, tổng giám đốc của Twitter. Sau đó, tweet mù mờ không rõ nghĩa được đưa lên Twitter như là một chứng cứ tố cáo trong hồ sơ mà Twitter sẽ nêu lên trong vụ kiện Twitter chống lại Elon Musk.

Việc biến Twitter thành công cụ của Musk không dừng ở đó. “Khiêu khích” (trolling) kinh tế cho phép ông phá vỡ các quy tắc của thị trường tài chính thế giới và các thể chế điều hành nó. Musk có thể gây mất ổn định thị trường tài chính của khối công nghệ, ngày nay khối này có giá trị cổ phiếu lớn nhất: chỉ một dòng tweet và thị trường, về lý thuyết, có thể sụp đổ, một cách phi lý. Quyền năng gây ảnh hưởng này cho phép ông coi thường lần thứ hai Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) hùng mạnh [Securities and Exchange Commission], là cảnh sát chứng khoán của Phố Wall, mặc dù cơ quan này đã xử phạt ông vào năm 2018 vì có những “tuyên bố sai trái và lừa bịp” sau khi ông đưa lên một tweet về ý định rút Tesla khỏi việc định thị giá chứng khoán nếu giá cổ phiếu đạt 420 đô la[3]. Lúc đó SEC do bị lấy mất quyền cũng đã buộc các luật sư của Tesla kiểm soát mọi tweet liên quan đến hoạt động của công ty trước khi công bố. Tiền phạt vốn quá thấp một cách nực cười so với tài sản của đương sự đã được chi trả, Musk vẫn giữ vị trí cũ và các tweet của ông cũng không bị kiểm soát nhiều hơn. Năm 2022, lại bắt đầu giống hệt như cũ, với dự án náo loạn mua lại Twitter. Vụ việc lớn tại Mỹ đến nỗi giới trách nhiệm chính trị công khai tự hỏi không rõ SEC có còn thích hợp để hoàn thành sứ mạng trong một hệ thống mà chỉ vài tweet đã có thể quyết định các động thái của thị trường chứng khoán, mà những số tiền phạt chỉ là những giọt nước đối với các doanh nghiệp lớn sở hữu hàng tỷ đô la nhưng những thủ thuật “trolling” [khiêu khích] có thể gây tổn thất hàng triệu đô la cho các nhà đầu tư và gây suy yếu lâu dài cho hoạt động quản trị nội bộ và sự vận hành của các doanh nghiệp bị nhắm vào.

Musk đã đưa chúng ta vào kỷ nguyên của “kinh tế học thời hậu sự thật” thông qua sự sáng tạo một năng lực gây hại chưa từng có trên phương diện kinh tế.

ASMA MHALLA

Một quan niệm toàn diện và tổng thể về công nghệ

Quan niệm về “công nghệ tổng thể” theo Elon Musk dựa trên một ý thức hệ vừa tự do cá nhân chủ nghĩa vừa lấy công nghệ làm trung tâm.

Hai ví dụ về tầm nhìn thế giới của Musk, một biểu hiện lai tạp của một dạng siêu tự do cá nhân chủ nghĩa mang màu sắc tân bảo thủ: dự án mua lại Twitter và dự án các vệ tinh internet Starlink của ông như là câu trả lời cuối cùng cho tất cả các vấn đề của thế giới.

Các vệ tinh Starlink trên quỹ đạo thấp là nền tảng của dự án công nghệ tổng thể của Musk. Khi tiếp nhận các cơ sở hạ tầng mới về kết nối thế giới, ông có tham vọng sáng tạo lại toàn cảnh ở quy mô toàn cầu. Thế giới, và mỗi mảnh nhỏ của cuộc sống của chúng ta, nhìn từ trên trời. Và một cách hứng khởi, ông khai thác các vệ tinh của ông để thử giải quyết gần như bất kỳ vấn đề gì: chiến thắng ở Ukraine, chống lại nạn phá rừng vùng Amazone hay chiến thắng nghèo khó và nạn đói ở châu Phi. Thấy hết, tiếp nhận hết, từ nhiều góc độ nhất có thể để giám sát, điều hành, kiểm soát tất cả.

Một mảng quan trọng khác của dự án công nghệ tổng thể của ông là việc mua lại Twitter. Nhưng còn hơn cả chiều kích ý thức hệ - vấn đề này đã được phân tích nhiều trong nghiên cứu của chúng tôi “Tehno-politique des reseaux sociaux (Công nghệ chính trị của các mạng xã hội)” - việc mua lại Twitter diễn ra trước khi đặt viên gạch đầu tiên của một dự án công nghiệp quan trọng khác đối với doanh nhân này: đó là “X App for everything [X App cho mọi thứ][4]. Được quan niệm dựa trên mô hình WeChat của Trung Quốc, X App của Musk là một hệ sinh thái công nghệ tổng thể, có thể hoàn toàn tự khép kín, ở đó mọi dịch vụ kỹ thuật số sẽ có sẵn và liên kết với nhau, do đó tập trung toàn bộ mọi sử dụng, hiệu ứng của một hệ thống không gặp trở ngại sẽ tổ chức sự bao đóng thuật toán và cho phép tiếp nhận không gián đoạn các dữ liệu. Nền tảng công nghệ đầu tiên của X App được xây dựng dựa trên thiết kế hiện hữu của Twitter. Cuối cùng, nếu ta kéo dài lập luận, X App có thể tr thành một không gian lai tạp cạnh tranh trực tiếp với metaverse [siêu vũ trụ ảo] trong đó có Meta. Và nếu Musk vẫn tiếp tục hưởng ân huệ của Bắc Kinh, thì rốt cuộc dự án có thể cạnh tranh với những Big Tech [công ty công nghệ khổng lồ] Trung Quốc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu nghi ngại.

Về phương diện chiến lược, để Musk thâm nhập sâu hơn một phần được kiểm soát của thị trường Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc làm suy yếu một phần ảnh hưởng của các BATX của họ [BATX là chữ viết tắt của bốn công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc: Baidu, Alibaba, Tencent, và Xiaomi - ND -] đồng thời làm cho doanh nhân Musk lệ thuộc kinh tế nhiều hơn vào Trung Quốc – có nghĩa là một công cụ chính trị chống lại Mỹ trong chiến tranh công nghệ công khai[5] giữa hai đối thủ này. Nghĩ kỹ, phải chăng giả thuyết này không thích hợp lắm?

Elon Musk phi đạo đức? Hay là con ngựa Thành Troy? Tương lai sẽ cho chúng ta biết, nhưng dù điều gì xảy ra đi nữa, những xét đoán vội vàng chỉ giúp ích cho một việc: tham gia vào mây mù của cuộc chiến công nghệ và che khuất những thách thức thật đang tác động một cách bí mật, vì Musk là một trong những công cụ.

ASMA MHALLA

Có lẽ sẽ có ích khi đặt lại tuyên bố gần đây của Musk về quy chế của Đài Loan trong bối cảnh quân sự hóa nền kinh tế. Thoạt nhìn, ông ta có vẻ thoát khỏi vai trò của mình khi nổi hứng làm một nhà địa chính trị rẻ tiền. Thật vậy, trong một cuộc trò chuyện trên Financial Times ngày 10 tháng 10 năm 2022[6], ông đề nghị Đài Loan nên trở thành một vùng hành chánh đặc biệt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Tuyên bố của ông đã gây nên những bình luận gay gắt – cũng đáng – từ Đài Bắc. Trái lại, lãnh đạo Trung Quốc thì hả hê, và ba hôm sau đã cấp cho ông một khoản tín dụng thuế tạo thuận lợi cho việc mua các mẫu xe hơi Tesla tại Trung Quốc[7] trong một bối cảnh thị trường ngặt nghèo của Tesla – căng thẳng về chuỗi cung ứng, những tác nhân mới gia nhập thị trường. Giả thuyết đầu tiên, không nhất thiết là giả thuyết duy nhất, cho thấy rằng tuyên bố của Musk hoàn toàn có tính cơ hội và con buôn. Nhưng đó là quên hơi nhanh rằng đằng sau Tesla có dự án tổng thể của Musk – X App, triển khai các vệ tinh starlink, chinh phục không gian – và như thế đương nhiên là có Mỹ[8].

Qua việc Musk phát ngôn thay, Mỹ giữ một chân (nhỏ) ở Trung Quốc. Mặt trái của đồng tiền, một tuyên bố sơ lược của một “công dân bình thường”, nhanh chóng bị lãng quên trong khối thông tin ngập tràn, về cơ bản không đáng gì tại Mỹ nhưng củng cố vị trí địa chiến lược của Musk tại Trung Quốc. Mặt phải của đồng tiền, Musk sẽ trở thành một vũ khí gây áp lực kinh tế đối với Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ đối đầu với Mỹ. Thế thì tại sao lại là Musk phi đạo đức? Hay là con ngựa Thành Troy? Tương lai sẽ cho chúng ta biết, nhưng dù muốn dù không, những xét đoán vội vàng chỉ giúp ích cho một việc: tham gia vào mây mù của cuộc chiến công nghệ và che khuất những thách thức thật đang tác động một cách bí mật, vì Musk là một trong những công cụ của cuộc chiến này.

Mặc cho những giả thuyết này có đáng tin hay không, dự án công nghiệp tổng thể của Musk vẫn là một chiến lược đạt mục đích theo đường vòng: điều diễn ra sau vụ mua lại Twitter không phải chính Twitter, mà là sự chinh phục một phần hay cả thế giới trong bối cảnh mà kinh tế tổng thể trở thành địa chính trị, quân sự hóa, phi toàn cầu hóa. Thế thì việc xác định chỗ đứng trung gian của Musk tượng trưng cho các chiến lược ràng buộc kinh tế và công cụ hóa những sự tùy thuộc lẫn nhau về thương mại vào lúc mà hai nước dường như không vì thế mà tách rời vĩnh viễn nền kinh tế của nhau.

Musk đang xây dựng một sức mạnh địa chính trị chính thức, bổ sung cho những đặc quyền hiện có của Hoa Kỳ.

ASMA MHALLA

Một (địa) chính trị học công nghệ được xây dựng trên một sự liên tục về chức năng với Nhà Nước Mỹ, ở đó quyền lực không hẳn là sức mạnh

Musk đang xây dựng sức mạnh địa chính trị chính thức, bổ sung cho những đặc quyền hiện có của Hoa Kỳ. Trái với những gì được viết hay truyền tải quá nhanh trong thảo luận công cộng, các gã khổng lồ công nghệ Big Tech không phải là những “Nhà Nước song hành”, trái lại chúng cùng với các Nhà Nước ở trên một sự liên tục, hợp lý. Kiểu “chính trị học quyền lực” (Power politics) này được cụ thể hóa bởi những giải pháp mới về phân bổ quyền lực không có nghĩa là sự pha loãng quyền tối cao của Nhà Nước Mỹ mà là tái thiết mô hình của nó. Như tình trạng hiện có, theo luật pháp, quyền lực tối cao vẫn còn, một cách khá cổ điển, là quyền của Nhà Nước Mỹ, vì các gã khổng lồ công nghệ Mỹ về cơ bản là những phụ trợ chiến tranh về mặt công nghệ ít nhiều có thế lực trong một không gian điều khiển được quân sự hóa tối đa. Trong trường hợp cụ thể này, quyền lực công nghệ-sản xuất không giống một cách chính xác quyền lực về thể chế và chính trị.

Musk để quyền lực của SpaceX phục vụ cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, chính sách này có tiếng nói sau cùng, nói cách khác là có quyền hành tối thượng, qua sự ràng buộc tài chính – trợ cấp, đặt hàng trong lĩnh vực công, đánh thuế - hay qua pháp luật. Tính phức tạp của các quan hệ quyền lực hướng về bên ngoài không bị gây rối bởi các hoạt động truyền thông cá nhân hay được đặt hàng của Elon Musk, như kế hoạch hòa bình có vẻ không thật giữa Nga và Ukraine của Elon Musk – kế hoạch này đóng vai trò thăm dò đối với Putin, cũng như trường hợp của Henry Kissinger hay của những người khác, nếu ta tin vào Fiona Hill[9]. Trên bình diện có tính cấu trúc hơn và vượt lên những tiếng ồn ào liên tục trên các mạng xã hội, nhất thiết không được bỏ qua những vấn đề chính trị thực sự được khơi dậy bởi động thái quyền lực mới này giữa Nhà Nước Mỹ và các gã khổng lồ công nghệ.

Chính ở mảng này mà Musk gây chia rẽ nhất. Tháng 2 năm 2022, theo đề nghị của chính phủ Ukraine và được sự chấp thuận của chính quyền Mỹ, Musk gửi các vệ tinh Starlink nổi tiếng của ông vào các vùng bị (Nga) chiếm đóng. Thách thức là bảo đảm kết nối thông tin dồi dào – điều cốt tử đối với hậu cần quân sự và sự phối hợp hành động trên mặt đất – và tránh sự phá hoại mạng ở những vùng bị quân đội Nga tấn công trong lĩnh vực vận động hoặc qua mạng internet. Vấn đề là: ngày 14 tháng 10 năm 2022, trong một cuộc trò chuyện trên đài CNN[10], vài ngày sau đó lại cải chính, Elon Musk khẳng định rằng không thể bảo đảm cung cấp tài chính cho các vệ tinh ở Ukraine từ nguồn quỹ của SpaceX được nữa, (tương đương với 20 triệu đô la Mỹ mỗi tháng theo một thư do SpaceX gửi cho Bộ Quốc phòng Mỹ), tình hình gây ra do sự gia tăng chi phí phòng thủ và an ninh mạng để khống chế các cuộc tấn công của Nga nhắm mục tiêu “giết Starlink”, theo một tweet của chính Musk. Trong thư này, SpaceX yêu cầu Pentagone (Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ - ND -) thanh toán chi phí hoạt động cho 12 tháng sắp tới.

Ngoài trận chiến những con số (ai đã trả bao nhiêu?) và trận chiến đạo đức (Musk bị lần lượt được xem như một người hùng và một tội đồ), trình tự là quan trọng vì nó chỉ ra ba yếu tố căn bản. Trước tiên, chiến lược bao vây do Musk thiết lập trên một phần của chuỗi phục vụ và chức năng của Lầu Năm góc, bị đặt vào thế lệ thuộc tương đối vào Musk, và đến lượt ông lại cần nguồn tài chính của Bộ quốc phòng trong một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, một điều rất thú vị để theo dõi trong tương lai. Tiếp đến là vai trò hoàn toàn địa chính trị của các công ty khổng lồ công nghệ (Big Tech): trên quan điểm này, cũng như những doanh nghiệp ít ồn ào hơn là Microsoft, Palantir hay Google, Musk tham gia theo cách của mình vào việc hình thành vai trò của nước Mỹ trong nền địa chính trị thế giới. Cuối cùng, tính hai mặt của công nghệ, nó có thể đồng thời phục vụ xã hội dân sự và quân đội trong chiến tranh, đặt ra những vấn đề quan trọng về quản trị và kiểm soát các cách sử dụng này.

Hệ thống Musk phải thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi về vai trò và sự cần thiết phải định nghĩa lại Nhà Nước như là công trình chính trị và pháp lý đối diện với các tác nhân lại tạp kiểu mới, vừa là doanh nghiệp tư nhân, vừa là tác nhân địa chính trị và đôi khi là không gian công cộng.

ASMA MHALLA

Các vấn đề chính trị căn bản cần được giải quyết

Tất cả những viên gạch này được đặt lên nối tiếp nhau, hệ thống Musk phải thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi về vai trò và sự cần thiết phải định nghĩa lại Nhà Nước như là công trình chính trị và pháp lý đối diện với các tác nhân lại tạp kiểu mới, vừa là doanh nghiệp tư nhân, vừa là tác nhân địa chính trị và đôi khi là không gian công cộng. Đặc biệt là hệ thống này chỉ ra bốn chủ đề cốt yếu về vai trò của các thể chế:

  • Sự kiểm soát cần thiết đối với việc quản trị nội bộ của một số công ty công nghệ lớn quan trọng cho lợi ích chung, sự phân bổ rõ ràng các vai trò giữa Nhà Nước và tác nhân tư nhân, trách nhiệm giải trình của họ cũng như các cơ chế kiểm soát thể chế cần được nghĩ ra và xây dựng mới lại, vì phn lớn các thể chế hiện hữu đã trở nên lỗi thời. Ở đây, hiển nhiên thách thức là bảo tồn được những đặc quyền của Nhà Nước về phương diện quyền lực, nghĩa là quyền tối thượng, nhất là khi Nhà Nước tùy thuộc một phần sức mạnh công nghệ của những tác nhân tư nhân, hầu như không tránh được họ hay khi các tác nhân này mơ tưởng trở thành cảnh sát – tuỳ tiện – của thế giới.
  • Hiện nay, việc quan niệm và thương mại hoá không phân biệt các công nghệ lưỡng dụng. Trong phạm vi các hoạt động thuần quân sự của các Big Tech, sự tách biệt cần thiết và lành mạnh những cách sử dụng quân sự và dân sự về phương diện kiểm soát, quản lý công-tư (đồng quản lý), tính bảo mật nhưng cũng là những mô hình tài chính theo dõi được (trường hợp tài trợ các vệ tinh starlink tại Ukraine là một biểu hiện).
  • Sự đa dạng hóa cần thiết, trong một thị trường công kỹ nghệ mặc định là rất tập trung, của những nhà thầu phụ hay của Nhà Nước đặt hàng để Nhà Nước có thể giữ một mức độ chủ động và các giải pháp rút lui trong trường hợp thất bại, về mặt cá nhân hay về kỹ nghệ, của một trong những Big Tech này, vốn là những nhà cung cấp công nghệ chính thức. Vì ý tưởng ở đây là tránh những tình huống độc hại của sự tùy thuộc lẫn nhau đối diện với một “người gác cổng” (“gatekeeper”) mà cuối cùng người ta muốn từ bỏ.

Cuộc tranh luận – lúc đầu được mở ra chung quanh Donald Trump, được Musk thổi bùng lên và chắc chắn Kayne West sẽ đi theo bằng cách mua lại mạng xã hội cực hữu Parler theo thuyết âm mưu[11] - về trách nhiệm của lời nói trước công chúng của những người lãnh đạo dư luận để những người này không gây nhiễm độc cho cuộc tranh luận công cộng hoặc không tạo những tình huống chính trị hay ngoại giao rối rắm. Giả thử Elon Musk là người Trung Quốc, có lẽ ông ta sẽ biến mất vài tuần với ơn phước của Đảng để có một đợt “tu nghiệp” ngắn theo kiểu Jack Ma. Nhưng trong chế độ dân chủ thì sao? Hiện nay, Mỹ có một cách tiếp cận tự do ngôn luận khoan hòa hơn châu Âu nhiều. Thế nhưng các mạng xã hội phương Tây nhưng được thành lập tại Mỹ thì có nhiều lỗ hổng, nhanh chóng phát tán tin, và hầu như không thể ngăn chặn sự lây nhiễm của các mạng thông tin khác nhau. Gần đây, một dân biểu người Anh đã đề nghị phạt Elon Musk về mặt tài chính tiếp sau các cuộc luận chiến mới đây, nhưng đó có phải là một giải pháp bền vững? Hiện giờ, về bản chất, Musk không gây cản trở cho những lợi ích của Mỹ, nhưng mai này thì sao? Hiện giờ, nước Mỹ nằm trong tay phe dân chủ, nhưng mai này thì sao?

Những điều chỉnh này sẽ là trọng tâm của việc tạo ổn định cho hệ thống chính trị của Mỹ, và một cách gián tiếp là cho hệ thống của châu Âu, vì nó hàm chứa một sự cập nhật kiến trúc của Nhà Nước, huống chi đây là một Nhà Nước dân chủ pháp quyền. Hiểu tầm vóc chính trị, ý thức hệ, địa chiến lược của dự án của Elon Musk làm cho thấy rõ hơn những hình thức quyền lực mới và một cách gián tiếp hiểu rõ hơn những yếu kém hiện nay của các mô hình thể chế của chúng ta. Hơn tất cả các doanh nhân khác của Silicon Valley, đó là điều cốt lõi mà Musk mời gọi chúng ta suy nghĩ.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La doctrine Musk: technopolitique d’un géant technologique”, Le Grand Continent, 18.10.2022.

----

Bài có liên quan




Chú thích:

Print Friendly and PDF