7.10.14

Xã hội học và kinh tế học

Xã hội học và kinh tế học

Những quan hệ giữa xã hội học và kinh tế học thường được đặt thành những đối lập sai lầm. Sai lầm phổ biến nhất là cho rằng những khác biệt giữa hai bộ môn này trước hết và chủ yếu là một khác biệt về đối tượng nghiên cứu. Cái kinh tế, đối tượng của kinh tế học và cái xã hội, đối tượng của xã hội học, đều là những thực tế tự nhiên tồn tại ở trạng thái tự do, có trước những phương pháp tìm cách tìm hiểu chúng.
Theo cách nhìn này thì kinh tế học xử lí những đồ vật, những sản phẩm, nghĩa là những nguồn lực có ích và khan hiếm trong lúc xã hội học nghiên cứu những con người và những nhóm người họ hợp thành. Như thế lĩnh vực hậu cần đối lập với lĩnh vực những cứu cánh giống như cấu trúc thượng tầng đối lập với cơ sở hạ tầng. Sự phân biệt này nằm sau tổ chức bộ máy thông tin thống kê của Pháp được các nhà kinh tế lẫn các nhà xã hội học sử dụng: trường của thông tin kinh tế kết tinh trong những "Tài khoản của đất nước" (Comptes de la Nation) là sản xuất, phân phối, tiêu dùng và tích luỹ những sản phẩm và dịch vụ và những trao đổi giữa đất nước với phần còn lại của thế giới trong lúc trường của xã hội học, được khoanh lại trong "Những dữ liệu xã hội" (Données Sociales) bao phủ dân số, việc làm, giáo dục, văn hoá, sức khoẻ, pháp luật, nhà ở và những điều kiện sống của các cá thể và các gia đình. Hiển nhiên là khó giữ được phân biệt đầu này: phần giao nhau giữa hai lĩnh vực là quan trọng, những dữ liệu thực nghiệm vừa nêu trên cho thấy điều này; mặt khác chính là những con người và những nhóm xã hội sản xuất và trao đổi; cũng chính là trong việc sản xuất ra những trao đổi này mà các nhóm tự cấu trúc lại, những nhóm mà các nhà kinh tế không thể không quan tâm đến; cuối cùng ngay từ khởi thuỷ của xã hội học, Durkheim đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm: phương pháp của xã hội học đòi hỏi là "các sự kiện xã hội cần phải được xem như những đồ vật"[1] (Durkheim, 1895). Mặc dù có những phê phán này, phân công lao động giữa hai bộ môn theo truyền thống vẫn dựa trên phân biệt đầu này và dưới đây chúng tôi sẽ qui chiếu về đấy khi nói đến những sự kiện kinh tế hay xã hội.
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Theo một sự phân biệt khác, bắt nguồn từ Pareto, nhà kinh tế nghiên cứu những hành động logic và nhà xã hội học nghiên cứu những hành động không logic. Thể theo sự phân biệt này, Pareto đã quan tâm đến những hành động logic trong tác phẩm Manuel d économie politique và đến những hành động không logic trong Traité de sociologie (Pareto, 1917-1919). Weber còn phân nhỏ thành những hành động cảm xúc, được những đam mê cá thể hay tập thể hướng dẫn, những hành động truyền thống dựa trên tập quán và bắt chước, những hành động duy lí được những giá trị hướng dẫn (cái Đẹp, cái Tật, cái Đúng, ...) và những hành động duy lí được xác định đối với những mục đích (zweckrational), gắn với sự xuất hiện trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản (Weber, 1920 và 1921).
Cho dù những phân biệt trên có quyến rũ đến mấy thì hiển nhiên là chúng đặt vấn đề tiêu chí duy lí. Lí thuyết tân cổ điển, một lí thuyết thống trị trong các nhà kinh tế, giả định tính duy lí của các tác nhân, một tiêu chí rất hình thức vì ta có thể đồng hoá nó với một hành vi tối đa hoá dưới ràng buộc một hàm mục tiêu. Ở mức độ tổng quát này, tất cả những hành động của con người là duy lí nên chỉ cần mở rộng những mục tiêu và những ràng buộc để xoá dần sự phân biệt giữa kinh tế học và xã hội học.
Một sự đối lập cuối cùng giới hạn kinh tế học vào việc nghiên cứu những trao đổi trên thị trường trong lúc những trao đổi ngoài thị trường lại là đối tượng của xã hội học: tính hợp quần, trao đổi những dấu hiệu và biểu tượng, trao đổi trong nội bộ các nhóm và quan hệ giữa các nhóm với nhau. Giống như những phân biệt trên, phân biệt này cũng không đứng vững được: làn ranh giữa thị trường và ngoài thị trường thay đổi trong không gian và thời gian, nó không khép kín mít. Ví dụ, Bourdieu cho thấy bằng cách nào vốn kinh tế tích lũy trên thị trường có thể được chuyển hoá thành vốn xã hội, vốn văn hoá hay vốn biểu tượng hay ngược lại (Bourdieu, 1979). Vả lại có một cách tiếp cận xã hội về những trao đổi thị trường -ví dụ xã hội học về tiêu dùng, về lương và những thu nhập khác- và một cách tiếp cận kinh tế về những trao đổi ngoài thị trường -ví dụ kinh tế học về giáo dục hay kinh tế học về gia đình.
Xã hội học về tiêu dùng, được Maurice Halbwachs khởi xướng ở Pháp và từ đó được nhiều nghiên cứu thực nghiệm và lí thuyết làm phong phú thêm cho thấy đặc biệt là với thu nhập bằng nhau, những nhóm xã hội khác nhau không chi tiêu những số tiền giống nhau cho cùng những sản phẩm giống nhau. Tương tự như thế việc sinh đẻ trẻ con, đặc biệt là kể từ đứa thứ ba, có thể được phân tích từ những tiêu chuẩn thuần tuý kinh tế.
Do đó sự khác biệt giữa kinh tế học và xã hội học không nằm ở sự khác biệt đối tượng nghiên cứu. Là chị em sinh đôi (hay chị em họ, theo tuỳ chọn!), xã hội học và kinh tế học đều phân tích cùng một thực tế. Như thế có thể nào phân biệt hai bộ môn bằng một sự khác biệt về phương pháp luận tiếp cận chăng? Một cách tiên nghiệm đó là thử nghiệm gần đây mời các nhà kinh tế và các nhà xã hội học đề cập đến bốn chủ đề chung theo những đòi hỏi riêng của mỗi bộ môn (Baudelot và Mairesse, 1988). Kết quả thu được có vẻ có sức thuyết phục, gần như là biếm hoạ: diễn ngôn của những nhà xã hội học "văn chương" đối lập với những mô hình của các nhà kinh tế "khoa học", nếu quả thật là tính khoa học chỉ được đánh giá bằng tần số những công thức toán học được sử dụng. Theo Lévy-Garboua, các nhà xã hội học mô tả thực tế bằng nỗ lực tìm hiểu toàn bộ cái thực tế trong lúc các nhà kinh tế học lập luận trên những sự kiện cách điệu hoá[2] và những biểu trưng trừu tượng. Nhà xã hội học, thực nghiệm hơn, lập luận với "những nhận định về tất cả các điều kiện" trong lúc nhà kinh tế, trừu tượng hơn, lập luận với "những điều kiện khác không đổi".
Émile Durkheim  (1858-1917)
Ý đồ của nhà xã hội học nhằm nắm bắt thực tế trong tính toàn diện của nó dựa trên một giả thiết làm việc cơ bản mà Emile Durkheim là người đầu tiên phát biểu một cách rõ ràng: cái tổng thể không bằng tổng những bộ phận, nó là một cái gì khác. Một nhóm không thể qui về được tổng những cá thể hợp thành nhóm đó, hành vi của một nhóm không thể suy ra được từ những hành vi cá thể của các thành viên trong nhóm. Các nhóm có trước những cá thể và góp phần xác định các hành vi. Phương pháp luận này được gọi là phương pháp luận tổng thể[3]. Lập luận của các nhà kinh tế dựa trên một nguyên lí trừu tượng ngược lại; thật vậy, tiên đề của phương pháp luận cá thể[4] giả định là tất cả diễn ra như thể xã hội gồm toàn những cá thể tính toán thoả mãn tốt nhất những sở thích được sắp xếp theo thứ tự, có tính đến những ràng buộc các tác nhân gánh chịu; hành vi của một nhóm xã hội như thế có thể được mô tả bằng hành vi của một cá thể tiêu biểu[5].
Đây là một khác biệt chủ yếu về quan điểm tuy là nó không đủ để trình bày tất cả hiện thực. Có những người dị giáo trong cả hai bộ môn: có những nhà xã hội học theo phương pháp luận cá thể và có nhiều nhà kinh tế không biết mình theo phương pháp luận tổng thể! Thật ra những cuộc tranh luận phương pháp luận mang tính khá nghi lễ này là khó hiểu nếu ta không qui chiếu về lịch sử và xã hội học của cả hai bộ môn. Kinh tế học là khoa học xưa nhất trong số các khoa học xã hội và mong muốn là khoa học gần nhất với những khoa học chính xác. Thật vậy, đôi mắt của hầu hết các nhà kinh tế đều hướng về phía toán học và vật lí học -cân bằng và mất cân bằng. Giải Nobel, kể từ 1969, đã thừa nhận tham vọng của các nhà kinh tế mong nâng bộ môn của mình lên cương vị một khoa học chính đáng. Giữa Quesnay và Durkheim hơn một thế kỉ đã trôi qua; trên bình diện đại học, các nhà kinh tế Pháp đã chia tay với các nhà luật học vào cuối thế kỉ XIX trong lúc các nhà xã hội học phải đợi đến những năm năm mươi (của thế kỉ XX – ND) mới chia tay với các triết gia. Khác biệt về thâm niên và tự chủ này có thể giải thích rằng xã hội học, giống như kinh tế học vào những thời kì đầu, tỏ ra dè dặt đối với hình thức hoá toán học. Nguồn gốc đào tạo những tác nhân của hai bộ môn cũng thể hiện những khác biệt này trong các định hướng: các nhà kinh tế ngày càng được tuyển từ những học sinh và sinh viên trong những chuyên ban khoa học và toán học của trung học và bậc đại học. Các nhà xã hội học tiếp tục được tuyển đại trà từ những chuyên ban văn chương hơn.
Do những khác biệt về quan điểm và đào tạo, nhà kinh tế và nhà xã hội học chỉ có thể hưởng lợi từ việc hiểu biết những thành quả chính của mỗi bộ môn. Nếu về mặt trường hoạt động kinh viện của họ là xa cách nhau thì rất nhiều nhà nghiên cứu của hai bộ môn thường đối mặt nhau trên lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm hằng ngày. Dù cho đó là việc sáng tạo thông tin thống kê hay việc đánh giá những chính sách xã hội mỗi bên đều hưởng lợi từ tính liên ngành này. Thật vậy, điều cần thiết là phải tiến hành một phân tích xã hội học những sự kiện kinh tế cũng như một phân tích kinh tế những sự kiện xã hội học.

1. Tiến hành một phân tích xã hội học những sự kiện kinh tế

Phương pháp kinh tế thông dụng nhất là mô hình hoá: những giả thiết đơn giản được đối chiếu với những dữ liệu thực nghiệm, thường là bằng những phương pháp kinh trắc, và những biến được giữ lại trong mô hình giải thích ít nhiều một phần lớn phương sai của những quan sát. Tuy nhiên trừu tượng hoá bằng mô hình chỉ là một bước của phân tích kinh tế và nhà xã hội học can dự một cách có ích ở thượng nguồn và hạ nguồn của mô hình hoá.
1.1 Phân tích xã hội học cho phép đưa vào lại sự khác biệt
Nhà xã hội học cảnh giác trước những trung bình và tìm hiểu những độ lệch. Tìm hiểu những trường hợp ngoại lệ của "qui luật" kinh tế, phân tích đuôi của những phân bổ thống kê, nơi mà hành vi tối đa hoá thường ít khi xảy ra, các nhà xã hội học làm giảm phần của phương sai không được giải thích và gợi ý những giả thiết mới. Ví dụ phân tích tiêu dùng cho thấy lợi ích của xã hội học này về sự khác biệt. 
Lĩnh vực được cả hai bộ môn nghiên cứu từ lâu, tiêu dùng, minh hoạ tốt cho phương thức tương tác giữa phân tích kinh tế và phân tích xã hội học. Lí thuyết kinh tế vi mô giả định một người tiêu dùng có những sở thích được cho trước và ổn định và lựa chọn, trong số những rổ sản phẩm được cung ứng, rổ nào thoả mãn tốt nhất những sở thích của mình mà vẫn tuân thủ ràng buộc ngân sách; như thế tiêu dùng của một sản phẩm bất kì tùy thuộc vào thu nhập của người tiêu dùng và vào những giá tương đối của các sản phẩm. Tổng tiêu dùng chỉ phụ thuộc vào thu nhập của người tiêu dùng, với một độ co dãn dương đối với thu nhập và nhỏ hơn 1. Khi thu nhập thay đổi, trong thời gian cũng như trong không gian xã hội, cấu trúc của tổng tiêu dùng luôn lệch theo cùng một hướng: tỉ phần tương đối của cái ăn và cái mặc giảm nhường chỗ cho những chi tiêu nhà ở, đi lại, sức khoẻ và tiêu khiển.
Những kết quả này, được xác lập từ một thế kỉ nay, là vững chắc và những dữ liệu thực nghiệm rút ra từ những cuộc điều tra về ngân sách các hộ gia đình (dữ liệu theo lớp cắt) hay từ hệ thống tài khoản quốc gia (dữ liệu chiều dọc) cho phép xác định dạng của những hàm tiêu dùng và ước lượng những độ co dãn-thu nhập và những độ co dãn-giá. Những dự báo tiêu dùng rút ra từ những mô hình đơn giản này rất đáng tin trong trung hạn và chấp nhận được trong dài hạn.
Dù thừa nhận tác động của những nhân tố kinh tế trên cấu trúc của tiêu dùng, các nhà xã hội học làm rõ vai trò cơ bản trong hành động tiêu dùng của thành phần xã hội. Giáp mặt với cùng một hệ thống giá cả, và với thu nhập tương đương, người già và người trẻ, độc thân và chủ gia đình, nam giới và nữ giới, dân thành thị và dân nông thôn, công nhân và nhân viên bàn giấy, cán bộ công chức và cán bộ doanh nghiệp, công nhân gốc nông dân và công nhân gốc công nhân không tiêu dùng những rổ sản phẩm giống nhau. Do đó sở thích không được phân bổ một cách ngẫu nhiên; chúng được cấu trúc bởi vị thế trong thứ bậc xã hội, bởi nguồn gốc và quỹ đạo cá nhân. Những cách tiêu dùng khác nhau được tổ chức thành lối sống, giống như những từ của một ngôn ngữ được cấu trúc thành bao nhiêu cách ăn nói khi có bấy nhiêu nhóm xã hội (Baudrillard, 1968). Tiêu dùng là một cách khẳng định mình thuộc một nhóm xã hội và để tự phân biệt với những nhóm xã hội khác; nó chỉ một vị thế trong thứ bậc xã hội. Để triển khai những giả thiết của họ, các nhà xã hội học viện đến những dữ liệu đa dạng và tinh vi hơn những dữ liệu của các nhà kinh tế: những cuộc điều tra chi tiết về tiêu dùng, theo từng sản phẩm và nhóm xã hội-nghề nghiệp được ưa chuộng hơn là những chuỗi dữ liệu theo một tiêu chí duy nhất là sản phẩm; những cuộc điều tra dư luận cho phép tìm hiểu những sản phẩm được cảm nhận như thế nào; quan sát lối sống của các hộ gia đình cho thấy được bằng cách nào các sản phẩm được tổ chức để trở thành biểu trưng có ý nghĩa xã hội: như thế thực phẩm được biến đổi thành món, tổ chức thành thực đơn và những buổi ăn có những nghi thức khác nhau tuỳ theo giai cấp xã hội, nước, thời đại (phiếu số 1).    
Việc quan tâm đến sự khác biệt khiến các nhà xã hội học nghiên cứu vì chính nó những tiêu dùng có tính phân biệt nhất về mặt xã hội (áo quần, sách, di chuyển bằng máy bay ...) và những lối sống của những thành phần ở các cực (thất nghiệp và nomenklatura, trẻ và già) cũng như những hành vi tiêu dùng quái đản theo quan điểm của tính duy lí kinh tế: hội hè trong đó chuẩn mực là sự lãng phí, đua đòi khi tiêu dùng tăng với giá.
Quan tâm này cũng khiến họ buộc phải qua thử thách chặt chẽ của các sự kiện những luận điểm tổng quát chào mừng việc đồng điệu hoá những lối tiêu dùng trong không gian và việc các tầng lớp bị thiệt thòi đuổi kịp trong thời gian những tầng lớp ưu đãi. Thật ra tất cả tuỳ thuộc vào loại sản phẩm được xem xét: ngay cả khi về mặt số lượng những khoảng cách có xu hướng bị rút ngắn lại (điều này còn lâu mới đúng cho tất cả các sản phẩm: đặc biệt là đối với những kì nghỉ theo mùa) thì vẫn còn những khác biệt về chất lượng. Cho dù đồ vật được tiêu dùng một cách phổ cập không còn là một nhân tố phân biệt và quyến rũ xã hội đến mấy đi nữa thì cách tiêu dùng như vậy sẽ trở thành nguyên lí của sự khác biệt.
Phân tích xã hội học về tiêu dùng có một tác động ngược kích thích lí thuyết kinh tế và buộc lí thuyết này phải đưa vào hàm tiêu dùng những biến mới: tiêu dùng của những thời kì trước (để thể hiện sức ì của thói quen), thu nhập tương đối, thu nhập thường xuyên, vòng đời ... Các nhà kinh tế cũng có thể lấy lại những giải thích xã hội học hơi vội vàng: ví dụ một số thói quen tiêu dùng quốc gia có thể được giải thích bởi cấu trúc của những giá tương đối.
Ví dụ của tiêu dùng minh hoạ lợi ích của một tính liên ngành có cân nhắc. Những chuyên gia về tiếp thị hiểu rõ điều này khi kết hợp những phân tích kinh tế dự báo (được gọi là "định lượng") với những phân tích xã hội học theo lớp cắt (được gọi là "định tính").
1.2 Nhà xã hội học mở những hộp đen
Kinh tế học vĩ mô mô tả những trao đổi được tổ chức thành chu trình kinh tế giữa những tác nhân trừu tượng: doanh nghiệp, hộ gia đình, Nhà nước. Những tác nhân này được quan niệm như những hộp đen có những luồng sản phẩm và tiền tệ ra vào. Những hộp đen này phản ứng với những tín hiệu được thị trường phát ra theo một hàm biến đổi những đầu vào thành đầu ra (hàm sản xuất, hàm tiêu dùng ...). 
Từ lúc khởi thuỷ, xã hội học mở những hộp đen được gọi là doanh nghiệp, gia đình, Nhà nước, để đưa ra ánh sáng cấu trúc bên trong của những hộp đen này, khám phá nguyên lí hợp tác giữa những cá thể hợp thành hộp đen, làm lộ rõ những xung đột, bất bình đẳng giữa các tác nhân và tiểu nhóm, những tương quan lực lượng và những tương quan quyền lực thông qua đó quyết định tập thể được tiến hành. Ta lần lượt xét ba trường hợp này.
Doanh nghiệp
Xã hội học về các tổ chức và xã hội học lao động đã quan tâm đến doanh nghiệp như nơi diễn ra những quan hệ xã hội trong sản xuất, những quan hệ bổ sung những quan hệ kĩ thuật-kinh tế được thể hiện bằng hàm sản xuất. Như thế người ta tự hỏi "bằng cách nào những quan hệ giữa các cá nhân trong lao động có thể nối khớp với nhau đến độ hợp thành một công ti mà những đặc tính nội tại sẽ tạc nên một cách lâu dài một kiểu tự quản xã hội có khả năng tác động đến kết quả kinh tế của sản xuất" (Sainsaulieu trong Baudelot và Mairesse, 1988). Chủ yếu dựa trên phương pháp chuyên khảo, xã hội học lao động đã quan tâm trước hết đến hành vi của con người trong lao động, những tác động của phương pháp Taylor và chế độ Ford, thương thảo tập thể và những xung đột lao động. Với sự lên ngôi của xã hội học về các tổ chức, mối quan tâm đã dịch chuyển sang hệ thống điều tiết trong nội bộ doanh nghiệp: bằng cách nào những nhóm có những quyền lợi mâu thuẫn nhau -người làm công ăn lương thừa hành, khung tổ chức, ban lãnh đạo, cổ đông nhỏ và lớn- đi đến những tình thế hợp tác hay xung đột? Đâu là nguồn gốc của uy quyền và đâu là vai trò của ràng buộc tôn ti trật tự? Đâu là quyền lực song song của những ai nắm được một nguồn lực chiến lược -ví dụ, một thông tin phức tạp hay một kĩ năng hiếm có? Điều tiết trong nội bộ doanh nghiệp cũng có thể tiến hành bằng hệ tư tưởng; khái niệm mới đây về văn hoá doanh nghiệp là một minh chứng. Văn hoá doanh nghiệp tổng hợp tinh thần của những khối nghề nghiệp khác nhau, sự đoàn kết của những cựu sinh viên các trường lớn, những thói quen gắn với nơi làm việc, sự đối lập với văn hoá doanh nghiệp của các nhà cạnh tranh, thậm chí tinh thần trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên hay xã hội hay tinh thần phục vụ dịch vụ công ích. Tất nhiên các nhóm xã hội khác nhau ít nhiều chấp nhận văn hoá doanh nghiệp này và nhóm khống chế doanh nghiệp tự đồng hoá mình với nền văn hoá này. Được đặc biệt quan tâm là những thiểu số hành động, những đặc điểm của những tác nhân sáng tạo hay đổi mới những doanh nghiệp và môi trường xã hội cho phép làm nảy sinh những đặc điểm này. Trong nội bộ doanh nghiệp, những phản ứng trước sự thay đổi công nghệ và sự thay đổi xã hội đi kèm với thay đổi công nghệ, những thái độ trước sự hợp nhất, thôn tính hay biến mất của doanh nghiệp cũng là đối tượng nghiên cứu ưu tiên của xã hội học.   
Một trong những đóng góp có tính quyết định của xã hội học lao động và xã hội học những tổ chức này là đoạn tuyệt với một cách nhìn ngây thơ về những quan hệ quyền lực trong nội bộ doanh nghiệp. Giữa sự phân công lao động, như được thể hiện trong một sơ đồ tổ chức, và sự phân chia thực tế quyền lực có một khoảng cách lớn. Quyền lực thật sự không phải bao giờ cũng nằm tại những văn phòng giám đốc: những hình thức đặc biệt của phân công lao động có thể trao cho một số nhân viên thừa hành những quyền lực chiến lược trên đời sống -và sự sống còn- của doanh nghiệp, như ví dụ, mượn của Renaud Sainsaulieu, về "người chia cắt bên lề " cho thấy (phiếu số 2).
Gia đình
Phối hợp cùng với nhà dân số học, một chuyên gia khác về khoa học xã hội, nhà xã hội học tìm cách mở một hộp đen khác là gia đình. Thật vậy, chính đơn vị cụ thể gia đình là đối tượng nghiên cứu của nhà xã hội học hơn là hộ gia đình, một đơn vị phát hiện thống kê dựa trên sự sống chung dưới cùng một ngôi nhà của những cá nhân. Ngoại trừ những phạm trù xã hội độc lập (nông dân, nghệ nhân, thương gia), ngày nay gia đình đã mất đi chức năng sản xuất, vốn trong một thời gian dài là chức năng kinh tế của nó. Những chức năng xã hội cơ bản của gia đình ngày nay liên quan đến việc xã hội hoá và tái sản xuất sinh học và xã hội. Xã hội hoá là quá trình qua đấy cha mẹ truyền cho con cái một số những chuẩn mực và qui tắc ứng xử và dạy cho con cái những giá trị và hệ thống sở thích. Tái sản xuất trước hết là tái sản xuất sinh của xã hội bằng cách sinh con, nhưng những biến thiên của mức sinh khá phụ thuộc vào những biến xã hội để không thể xem mức sinh này chỉ duy nhất như một biến cố sinh học. Tái sản xuất cũng còn là tái sản xuất những vị thế xã hội, từ thế hệ này sang thế hệ khác theo những uốn nắn có thể qui cho tính cơ động xã hội (Thélot, 1982). Sự thăng tiến mà cha mẹ mong muốn cho con mình và nỗi lo con mất vị thế, một vị thế được cha mẹ bảo vệ là đối tượng của những chiến lược phức tạp của gia đình, kết hợp việc nắm giữ tài sản kinh tế, sử dụng hệ thống giáo dục, những lựa chọn kết hôn và sinh sản, môi giới và vốn quan hệ tích luỹ được. Không phải tất cả mọi gia đình đều tham gia cuộc chơi này và nhất là không phải mọi gia đình đều có những con bài giống nhau; nhà kinh tế quan tâm đến thu nhập và tài sản các hộ gia đình sẽ rất có lợi khi tìm cách phanh phui những logic, đôi lúc phức tạp và thậm chí mâu thuẫn nhau, của những chiến lược này (phiếu số 2).      
Là tiêu điểm của đời sống riêng, nên do đó có nhiều luồng xã hội đi qua gia đình. Những hành vi dân số cấu thành gia đình, mức sinh, lịch sinh đẻ, khuynh hướng hôn nhân, chung sống tự do hay độc thân, xác suất li dị ... thay đổi tuỳ theo những loại xã hội-nghề nghiệp, nơi cư trú, tôn giáo và mức độ sinh hoạt tôn giáo, mức bằng cấp nhiều hơn là theo thu nhập. Qui mô của gia đình gốc cũng có ảnh hưởng và điều này kéo theo một hành vi truyền thống: con của những gia đình đông con là mắn đẻ hơn những gia đình trung bình. Chế độ môn đăng hộ đối vẫn dai dẳng củng cố thêm những bất bình đẳng xã hội: cho dù các cuộc hôn nhân không còn được cha mẹ "dàn xếp" thì các chàng rể thường có những đặc điểm xã hội giống với những đặc điểm xã hội của bố vợ.
Tình hình gia đình ảnh hưởng đến nhiều biến kinh tế, mức thu nhập và tài sản, cấu trúc chi tiêu và tỉ suất tiết kiệm. Như thế, ví dụ, khi những điều kiện khác không thay đổi, đàn ông độc thân có thu nhập thấp hơn đàn ông có gia đình, trong lúc đối với phụ nữ thì ngược lại; những cặp sống không hôn thú có một tài sản thấp hơn những cặp có hôn thú, chủ yếu vì ít khi họ sở hữu nhà ở; người độc thân và những cặp không có con tiêu dùng dịch vụ nhiều hơn và những gia đình có con mua những sản phẩm lâu bền nhiều hơn. Do đó, những dự báo kinh tế phải tính đến sự biến đổi của cấu trúc các hộ gia đình, và đặc biệt là gia tăng hiện nay và tiên đoán trước được của những người sống một mình.
Nhà xã hội học xem xét những tương quan lực lượng trong nội bộ gia đình, giữa các giới tính và giữa các thế hệ, nhằm giải thích bằng cách nào những quyết định trao đổi được đề ra sau khi có sự thoả hiệp giữa các đối tác (de Singly, 1987); như ta thấy, ta ở rất xa sự lựa chọn của cá thể biệt lập của mô hình tân cổ điển đơn giản. Một trong những quyết định cơ bản của gia đình liên quan đến hoạt động của các thành viên. Những chuẩn mực xã hội trong những nước công nghiệp áp đặt đàn ông phải hoạt động toàn thời gian, ngoại trừ trường hợp không có khả năng. Ngược lại phụ nữ có thể "lựa chọn" giữa mô hình truyền thống của nhà nội trợ và mô hình của người phụ nữ hoạt động, có thể có những kết hợp trung gian giữa hai mô hình trong trường hợp lao động nửa thời gian, trường hợp đương nhiên dành cho phụ nữ. Những dữ liệu thực nghiệm cho thấy rằng thường chính phụ nữ là người quyết định cuối cùng, và quyết định này liên hệ chặt chẽ với lựa chọn mức sinh: chính vì có ít con nên phụ nữ đi làm nhiều hơn và những phụ nữ đi làm thường có ít con hơn phụ nữ ở nhà. Việc lưu truyền những giá trị gia đình cũng có phần ảnh hưởng: con gái của những bà mẹ có hoạt động đi làm nhiều hơn là con gái của những người mẹ không hoạt động, và mối quan hệ này còn mạnh hơn với hoạt động của mẹ chồng. Lựa chọn giữa việc tiếp tục đi học và vào đời cũng đặt ra cho người trẻ trong khuôn khổ gia đình, hoạt động và thôi sống cùng dưới một mái nhà thường gắn với nhau: con của cán bộ chấm dứt học hành trung bình bốn năm sau con công nhân và khoảng cách này vẫn được duy trì mặc dù việc kéo dài thời gian học là phổ biến. 
Ngược lại, hoạt động của phụ nữ đa dạng hóa các gia đình, xáo trộn những ranh giới giữa những loại xã hội-nghề nghiệp và làm thay đổi vai trò vợ chồng theo chiều hướng chia nhiều hơn những công việc nội trợ, tuy nhiên việc phân chia nhiều này còn rất giới hạn và thay đổi tuỳ theo công việc và theo những tầng lớp xã hội. Sự đa dạng hoá của gia đình cũng sinh ra từ việc nhân bội những gia đình khác dạng thông thường: gia đình một cha (hay mẹ) hay gia đình phức hợp ví dụ gia đình hợp thành từ việc một người li dị lập lại gia đình mới; đấy là bấy nhiêu nhóm xã hội mới mà những hành vi là đối tượng nghiên cứu ưu tiên.
Nhà nước
Một trong những cực cơ bản của chu trình kinh tế là Nhà nước, một hộp đen khác được nhà xã hội học khui mở. Một trào lưu xã hội học, có nhiều đại diện ở Pháp và ở Hoa Kì, phân tích việc cấu trúc hoá, những động cơ và những quan hệ quyền lực trong nội bộ của giai cấp lãnh đạo, trong nội bộ của tầng lớp có quyền lực chính trị nhưng chỉ tự đồng hoá một phần với giai cấp thống trị cũng như trong nội bộ của giai cấp đại tư sản nắm quyền lực kinh tế. Nguồn gốc của giới tinh hoa chính trị và phương thức hợp pháp hoá quyền lực của giới này, hành vi của những đảng viên các đảng chính trị, hành vi của cử tri các đảng và của những nhóm áp lực, cạnh tranh và xung đột giữa các phe phái trong giai cấp thống trị, chiến lược cá nhân hay tập thể nhằm chiếm lĩnh bộ máy Nhà nước, đó là bấy nhiêu khía cạnh được xã hội học chính trị phân tích đáng để cho nhà kinh tế quan tâm.
Max Weber (1864-1920)
Tuy nhiên ở đây ta ưu tiên cho việc phân tích hệ thống quan liêu, một thiết kế có tính quyết định của truyền thống xã hội học kể từ Weber, vì nó cho phép hiểu được quá trình ra quyết định trong một cơ quan. Đó có thể là bộ máy hành chính trung ương, Nhà nước, nhưng cũng có thể là những cộng đồng địa phương hay những cơ quan chức năng, ví dụ như hệ thống giáo dục hay hệ thống bệnh viện, hai hệ thống này là đối tượng của những chuyên ngành của xã hội học: xã hội học giáo dục và xã hội học y tế.
Đối với Weber, quan liêu, được định nghĩa như việc hợp lí hoá những hoạt động tập thể, gắn với tính chính đáng hợp pháp và nguyên lí liên tục của dịch vụ công ích. Do đó, nó dựa trên một tập những qui tắc khách quan, những đạo luật và qui định và trên một thủ tục bằng văn bản; quyền lực được thực thi theo một phương thức có thứ bậc, gắn liền với chức vụ chứ không với một con người -điều nay, ví dụ, biện minh cho sự thăng tiến theo thâm niên công vụ- và tính chất khách quan của tuyển dụng được bảo đảm bằng thi tuyển nặc danh. Cả hệ thống quan liêu do đó được quan niệm để tránh quyền lực tuỳ tiện và tuỳ nghi, hay đơn giản hơn để tránh quyền lực mê hoặc. Quản lí hành chính tốt dựa trên một tiêu chí phù hợp chứ không trên một tiêu chí hiệu quả. Crozier sẽ lấy lại phân tích của Weber nhưng phân tích hệ thống quan liêu như một hiện tượng bệnh lí, "một hệ thống tổ chức trong đó chu trình sai lầm-thông tin-sửa sai hoạt động tồi [...] và những rối loạn trở thành một yếu tố thiết yếu của cân bằng" (Crozier, 1970). Trong hệ thống không điều khiển này, chỉ có thể có những thời kì bất động ù lì nối tiếp những thời kì khủng hoảng; đó là một xã hội "bị kẹt". Đối với Weber, hệ thống quan liêu tượng trưng cho cấp độ hoàn chỉnh nhất của tính duy lí vì những thành quả của nó hoàn toàn bàng quan với nhân cách của những thành viên hợp nên nó: ở cùng một thứ bậc tương đương, tất cả các cá nhân là thay đổi cho nhau được. Ngược lại, đối với Crozier, phải đưa tác nhân trở vào lại hệ thống để cho hệ thống ngưng rối loạn; phải đưa trở vào nguyên lí trách nhiệm, những quan hệ uy quyền mặt đối mặt, những kích thích vật chất và những kích thích thị trường để gỡ thế kẹt của hệ thống quan liêu.       
1.3 Nhà xã hội học tính đến tính đa dạng của những cứu cánh
Như thế phân tích xã hội học cho phép đoạn tuyệt với cách nhìn đơn giản hoá và một chiều của những mô hình kinh tế: tất cả những tác nhân của đời sống kinh tế hoàn thành nhiều chức năng, cho dù sẽ là tiện lợi khi nhận dạng những chức năng này bằng một một chức năng chính. Bản thân phân tích chức năng cũng là qui giản vì coi nhẹ lịch sử hay dự phóng của thể chế; các cá thể đảm nhận những vai trò xã hội một cách tuần tự hay đồng thời khiến họ theo đuổi nhiều cứu cánh mâu thuẫn nhau. Chính như thế mà sự phân biệt giữa sản phẩm (có ích và hiếm) và chi phí (phi lợi ích) là quá đơn giản dưới mắt nhà xã hội học. Đối với nhà xã hội học, không có sản phẩm riêng tư, và mọi sản phẩm, có ích đối với người có nó, là không có ích, sinh ra những ngoại ứng tiêu cực cho ai không vươn tới được sản phẩm đó. Cũng chính vì thế mà ngày nay không thể chỉ còn xem lao động như một nhân tố sản xuất phi lợi ích. Ngược lại những phân tích xã hội học về thất nghiệp cho thấy rằng lao động cũng là một giá trị được mong muốn -như ngôn ngữ thông thường thể hiện qua cách nói cầu việc làm để chỉ khái niệm kinh tế cung lao động-. Không chỉ là đối phần tiêu cực của thu nhập mà nó là nguồn gốc, lao động cũng còn là một nhân tố quyết định của việc hội nhập xã hội và cân bằng bản thân, và là nguồn gốc của một mạng quan hệ. Người ta khám phá ra là trong một xã hội trong đó lao động cung cấp sự an toàn vật chất, bản sắc xã hội lẫn việc tổ chức không gian và thời gian hằng ngày, kinh nghiệm của thời kì thất nghiệp và những cách khác nhau mà những nạn nhân của thất nghiệp trải nghiệm thời kì này là một chỉ báo đặc biệt xác đáng để nắm bắt những chức năng xã hội thực tế mà ngày nay lao động đảm nhận. Và chức năng này không thể thu về chỉ vào chức năng kinh tế sản xuất ra sản phẩm vật chất hay dịch vụ.   
Karl Polanyi (1886-1964)
Fernand Braudel (1902-1985)
Trong nghĩa rộng nhất, phân tích xã hội học do đó cho phép tương đối hoá hệ chuẩn của homo economicus, hệ này mất đi tính phổ quát và chỉ còn giữ một phần giá trị trong những xã hội tư bản đương đại. Lỗi thời về mặt lịch sử, hạch toán kinh tế xuất hiện với chủ nghĩa tư bản thương nghiệp, như Polanyi hay Braudel đã chứng minh. Giới hạn về mặt địa dư, hệ chuẩn của homo economicus mô tả tồi những hành vi trong những xã hội đang phát triển, và những nhà dân tộc học như Mauss hay Sahlins cho thấy là những xã hội sơ khai là những xã hội trù phú. Thế mà, không có hạch toán kinh tế nếu không có khan hiếm; những trao đổi như thế hoàn toàn có tính biểu trưng. Ngay cả trong những xã hội đương đại của chúng ta, trao đổi hàng hoá được bổ sung, thậm chí đôi lúc được thay thế, bằng những trao đổi biểu tượng, thông tin và tri thức, hay bằng những quà tặng và những quan hệ ràng buộc; những trao đổi song song này là hoàn toàn thiết yếu, ví dụ, trong việc thương thảo những hợp đồng quốc tế.
1.4 Nhà xã hội học giải thích sự hình thành những sở thích
Hệ chuẩn thống trị trong kinh tế học kéo theo là những cá thể qui chiếu về một hệ thống sở thích cho trước và ổn định, điều này cho phép coi nhẹ hệ thống này và chỉ quan tâm đến những biến thu nhập và giá cả, thậm chí thời gian, trong việc xác định cân bằng. Ngược lại, đối với nhà xã hội học, cũng như đối với nhà quảng cáo, hệ thống sở thích này là được kiến tạo và khả biến, và do đó có thể tác động đến nó được: các cá thể đều thấm nhuần một cách tập thể những mô hình văn hoá và xã hội định hướng những ứng xử và không hề biết rằng mình thừa hưởng những mô hình này.
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Quá trình xã hội hoá -trong nội bộ gia đình, nhưng cũng trong trường học, nhà thờ, nơi làm việc hay thông qua những phương tiện truyền thông đại chúng- sinh ra cái được Bourdieu gọi là habitus, tức là hình thái hàm chứa của thân phận xã hội và của những điều kiện hoá mà hình thái này áp đặt. Habitus "biến tất yếu thành đức hạnh [...] làm ta có những gì ta thích bởi vì ta thích những gì ta có" (Bourdieu, 1979). Như thế không còn sự độc lập giữa ràng buộc ngân sách và hệ thống sở thích: nếu những giáo viên trung học thích dạo núi và những chủ doanh nghiệp thích trượt nước đó là vì những sở thích này phù hợp với những phương tiện kinh tế của họ và khả năng chiếm hữu biểu tượng (phiếu số 4). Điều mong muốn được qui về điều có thể: sự xa hoa của giai cấp đại tư sản đối lập với sự khắc khổ trọng văn bằng thường thấy hơn nơi các nhà trí thức.
Điều thường hiện ra cho cá nhân như là riêng tư nhất, những sở thích của mình lại do vị thế xã hội của cá nhân đó sinh ra mà bản thân lại không hề hay biết. Tất định luận này không thể là tuyệt đối vì vị thế xã hội không chỉ có một chiều kích và do có nhiều nơi việc xã hội hoá diễn ra; như thế những điều kiện hoá mâu thuẫn nhau mở ra những không gian tự do. Hơn nữa, một quĩ đạo xã hội thăng tiến hay trên đà đi xuống có thể gây nên một chênh lệch giữa vị thế xã hội và habitus. Chẳng hạn, giai cấp tư sản gốc chế giễu những thị hiếu và lối sống của những kẻ "nhà giàu mới" trong lúc những người đốc công vẫn giữ những "sở thích cần thiết" của người công nhân. Do đó những sở thích được thể hiện là sự khẳng định của một khác biệt xã hội: thị hiếu của một giai cấp xã hội trước hết là sự bác bỏ thị hiếu của những giai cấp khác, "Là những người phân loại người khác bị những thứ bậc sắp xếp, những chủ thể xã hội tự phân biệt bằng những phân biệt mà họ thực hiện -giữa cái lí thú và cái vô vị, cái đẹp và cái xấu, cái tao nhã và cái dõm, cái lịch sự và cái thô lỗ- qua đấy thể hiện vị trí của họ trong những phân loại khách quan" (Bourdieu, 1979).

2. Xây dựng một kinh tế học về những sự kiện xã hội

Lãnh thổ của nhà kinh tế dịch chuyển và trở nên phức tạp với sự phát triển kinh tế và nhà kinh tế ngày càng xử lí những chủ đề trước đó đã được nhà xã hội học đề cập. Để làm việc này nhà kinh tế cần có những công cụ phương pháp luận mới và buộc phải đề xuất một giải thích kinh tế cho điều có vẻ là không thể qui về phương pháp luận cá thể: những tổ chức.
2.1 Lãnh địa của nhà kinh tế đã dịch chuyển và trở thành phức tạp
Sản xuất chuyển dịch từ sản phẩm sang dịch vụ và sự tăng tốc của tiến bộ kĩ thuật đã làm cho sản phẩm có những biến đổi chất lượng nhanh chóng cũng như nhanh chóng trở thành lỗi thời. Mô hình thị trường cổ điển, thích hợp với việc mô tả những trao đổi vật chất những sản phẩm chuẩn hoá do đó phải thay đổi để tính đến những sản phẩm phi vật thể và đa dạng, thậm chí là những sản phẩm cá thể hoá.
Trong khu vực thứ ba, cách sản xuất và nhân cách của nhà sản xuất thường quan trọng không kém sản phẩm và gắn chặt với sản phẩm. Những giao dịch có thể liên quan đến nhiều người mua và bán, nhiều sản phẩm, có sự can dự của một người trả tiền thứ ba hay dự tính giao hàng hay chi trả chậm. Do đó thường khó xác định đơn vị sản xuất và giá thành đơn vị. Bản thân giá cũng có thể bị lẫn lộn với chất lượng các sản phẩm hay với những đặc điểm của giao dịch, và như thế kéo theo một phân tích thuần tuý luẩn quẩn. Đó là trường hợp khi có thông tin không đối xứng về chất lượng của sản phẩm giữa các đối tác của cuộc trao đổi. Như thế một giá cao có thể hiện ra như một chỉ báo về chất lượng đối với một người mua xe đã qua sử dụng hay những đòi hỏi lương cao như là một khả năng hiệu suất cao của một người mới tốt nghiệp dưới mắt người tuyển dụng. Nhưng người bán cũng có thể là đối tác ít được thông tin nhất: ngân hàng và bảo hiểm chỉ biết những rủi ro tốt và xấu một cách thống kê.
Lãnh thổ của nhà kinh tế cũng đã dịch chuyển từ đầu tư hữu hình sang đầu tư phi vật chất. Thật thế, đào tạo và nghiên cứu, tổ chức lao động, việc mua phần mềm, việc tạo một hình ảnh cho nhãn hiệu hay cho một mạng xuất khẩu đều góp phần không kém gì đầu tư hữu hình vào việc sản xuất tương lai của một doanh nghiệp. Do đó những chi tiêu này phải được tính như đầu tư chứ không phải như những chi phí sản xuất thông thường. Tương tự như thế, một trào lưu tân cổ điển đương đại (Becker và trường phái Chicago) coi những chi tiêu giáo dục, sức khoẻ, hay di cư mà một cá nhân hay một gia đình bỏ ra như một đầu tư vốn con người, nguồn gốc của những thu nhập cao hơn trong tương lai. Những chi tiêu này cũng là đối tượng của một hạch toán kinh tế liên thời gian như bất kì mọi quyết định đầu tư nào khác.  
Cuối cùng những trao đổi đã dịch chuyển từ lĩnh vực thực tế sang lĩnh vực tài chính, nghĩa là sang những thị trường không chắc chắn hơn nhiều trên đó không thể xác suất hoá sự bất trắc. Về cơ bản là không ổn định, những thị trường này nằm dưới sự khống chế của những chuyển động hồ hởi hay hoảng loạn bắt chước nhau, đôi lúc còn được củng cố bằng việc tin học hoá những quyết định mua hay bán. Bị một tiến bộ kĩ thuật có cường độ cao làm thay đổi, chính ngay tiền tệ cũng hoàn toàn bị phi vật chất hoá và như thế bộc lộ bản chất sâu sắc của nó, thể hiện một quan hệ tin cậy và/hay bạo lực giữa các quốc gia. Phân tích xã hội học những tin đồn, nguồn gốc và những tác nhân lan truyền tin đồn tất nhiên cho phép hiểu rõ hơn những qui ước làm giảm tính không ổn định của những trao đổi này. Nhưng nhất là phân tích kinh tế về lĩnh vực tài chính đã cho phép làm phong phú hệ chuẩn của homo economicus bằng cách mở rộng nó đến những tình thế thông tin không hoàn hảo và những quyết định tương tác lẫn nhau. Đặc biệt lí thuyết trò chơi xác định dưới những điều kiện nào các tác nhân nên hợp tác hay che giấu, và những chiến lược của các tác nhân phải như thế nào trong tình thế có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân. Có cả một trào lưu xã hội học đương đại (Boudon, Bourricaud) áp dụng lí thuyết trò chơi vào toàn bộ những tương tác xã hội và như thế xích gần đến phương pháp luận cá thể.
Cũng có thể quan sát việc mở rộng lãnh thổ của nhà kinh tế ở hai đầu của trao đổi: trước khi trao đổi, tại nơi sản xuất và sau khi trao đổi, trong nội bộ các hộ gia đình, có những hành động kinh tế cho dù không có thị trường theo nghĩa walrasian. Thật vậy, quan tâm ngày càng lớn dần đối với những ”thị trường” trong nội bộ của doanh nghiệp hay của nhóm: nội bộ của lao động nhưng cả ”thị trường” của sản phẩm (nguyên vật liệu, bán thành phẩm, nguyên mẫu hay tự trang thiết bị) hay những quan hệ tài chính nội bộ của tiền quĩ, tín dụng hay bảo hiểm. Một cách đối xứng, gia đình được Becker và trường phái Chicago phân tích như một đơn vị sản xuất những sự thoả mãn và ... trẻ con. Lí thuyết mới về người tiêu dùng, vốn cũng là một lí thuyết phân bổ thời gian, cho rằng việc mua những sản phẩm tiêu dùng tự bản thân không tạo ra lợi ích. Hầu hết những sản phẩm này phải qua một công doạn biến đổi cuối: được kết hợp với việc sử dụng những sản phẩm sản xuất lâu bền và với thời gian lao động trong gia đình, chúng được được biến thành những sản phẩm trực tiếp có khả năng thoả mãn những nhu cầu. Và chính việc kết hợp những sản phẩm cuối cùng này với thời gian nhàn rỗi tạo nên lợi ích. Trường phái Chicago cũng áp dụng hệ chuẩn của tính duy lí kinh tế vào việc lựa chọn sinh đẻ, với biến then chốt là chi phí cơ hội của thời gian của người phụ nữ.     
Do đó việc mở rộng lãnh thổ của nhà kinh tế có thể đi kèm với một hình thức chủ nghĩa đế quốc nhất định, như đó là trường hợp của trường phái Chicago hay của trường phái Public Choice: hệ chuẩn của homo economicus được vận dụng cho toàn bộ hành vi con người và những quyết định gắn với những hành vi này: kinh tế học về hôn nhân và gia đình (Becker), về giáo dục (Becker, Schultz), về sức khoẻ (Newhouse, Grossman), về luật pháp (Nozick), về tội ác (Becker) về thị trường chính trị (Buchanan và Tullock), về quan liêu (Niskanen) là những ví dụ của cách tiếp cận này, một cách tiếp cận làm những nhà xã hội học nổi cáu do tính ngây thơ và việc không biết đến những công trình được tiến hành trước đó trong các lĩnh vực này. Tuy không phủ nhận tính phong phú của những cách tiếp cận trên, người ta có thể thích một phương pháp liên ngành ít đơn chiều hơn.
2.2 Nhà kinh tế rèn dũa những công cụ mới
Để đo lãnh thổ mới của mình, nhà kinh tế không thể tự bằng lòng với hộp công cụ cổ điển. Những ngân hàng dữ liệu hiện có, hệ thống tài khoản quốc gia, hệ thống những bảng tổng kết tài sản, những danh mục khác nhau tỏ ra nghèo nàn về thông tin khi ta rời xa khỏi thị trường. Được thiết kế để mô tả một nền kinh tế công nghiệp, chúng ít thích hợp với thời đại hậu công nghiệp: chúng ghi nhận những trao đổi vật chất tốt hơn những trao đổi phi vật chất, những số lượng tốt hơn những chất lượng, những thay đổi chậm và đều đặn tốt hơn những đột biến cấu trúc và những cuộc khủng hoảng chính.  
Để có được những dữ liệu thực nghiệm phù hợp với những lĩnh vực mới này, những khái niệm và phương pháp quan sát được các nhà xã hội học sử dụng thường có những đóng góp quí giá. Ngược lại nhà kinh tế học truyền sang nỗi quan tâm về tính chặt chẽ và tính đầy đủ của những tài khoản quốc gia và sử dụng những phương pháp toán học phức tạp hơn. Ta chỉ đơn giản nêu hai ví dụ, những danh mục và thước đo chất lượng.
Những danh mục thực hiện một phân hoạch trong một continuum xã hội. Chúng tôi đã nói đến đóng góp của Bourdieu và của trường phái ông trong việc xây dựng danh mục mới về nghề nghiệp và những tầng lớp xã hội-nghề nghiệp (PCS) trong phiếu số 4. Xuất hiện năm 1954, loại danh mục này dựa trên nguyên lí là, trong những xã hội phát triển, nghề nghiệp ấn định một phần lớn bản sắc xã hội của cá thể cũng như của hộ gia đình. Kết hợp nhiều tiêu chí về hoạt động, trình độ và thu nhập, những tầng lớp xã hội-nghề nghiệp, với điều kiện được gộp một cách thoả đáng, là cách tiếp cận thống kê ít tồi tệ nhất về khái niệm giai cấp xã hội. Được sử dụng ngay từ khi được xây dựng để phân bổ thu nhập hay những chi tiêu tiêu dùng, những tầng lớp xã hội-nghề nghiệp cũng tỏ ra hoàn toàn xác đáng để phân loại việc thụ hưởng khác nhau những trang thiết bị tập thể (y tế, giáo dục, tư pháp ...), những hoạt động văn hoá hay những hoạt động sản xuất trong gia đình. Tương tự như thế danh mục những hoạt động và sản phẩm phải được tu chỉnh để tính đến những hoạt động mới trong khu vực thứ ba. Thế mà, cũng giống những nghề nghiệp mới, nhiều hoạt động dịch vụ là mờ và ít được thể chế hoá: những chủng loại của danh mục không thể dựa trên những phân loại pháp lí được xác lập trước đây và do đó phải được kiến tạo.   
Cũng cần đến một nỗ lực xây dựng khái niệm để đo chất lượng. Đôi lúc thị trường cho được một thước đo về chất lượng; chẳng hạn, phương pháp những giá khoái lạc cho phép tách biệt một cách kinh trắc hiệu ứng chất lượng. Phương pháp này chỉ sử dụng được trong lĩnh vực hàng hoá. Trong lĩnh vực phi hàng hoá, phải sử dụng những công cụ khác: phân tích dữ liệu làm cho những biến đa dạng và tự hồi qui liên hệ với nhau và cho phép xây dựng những danh mục ad hoc; kinh trắc học về những biến định tính sử dụng những biến nhị nguyên về sự có mặt/vắng mặt; một loạt những chỉ báo xã hội đa chiều cũng có thể được tổng hợp bởi một chỉ số hỗn hợp để xấp xỉ hoá khái niệm chất lượng. Việc xây dựng một chỉ số bấp bênh từ những dữ liệu điều tra minh hoạ cho việc kết hợp những phương pháp khác nhau này (Villeneuve trong Sociologie et statistique, 1984). Những khó khăn gặp phải trong việc xây dựng một chỉ báo kết quả chất lượng được làm rõ trong phiếu số 5 đề cập đến một khái niệm gây tranh cãi là mức đào tạo. Thật vậy để biểu trưng sản xuất giáo dục có tính phi hàng hoá, không chỉ phải vạch rõ diễn tiến của những số người được đào tạo và thời gian đi học mà còn phải tính đến mức đạt được ở mỗi cấp học.
2.3 Có chăng một giải thích kinh tế cho sự hình thành các tổ chức?
Nhiều nhánh, rất sinh động, của phân tích kinh tế đương đại cố gắng trả lời câu hỏi trên xuất phát từ tiên đề của phương pháp luận cá thể. Câu trả lời thông thường là có những tổ chức vì những cá thể có lợi trong việc thiết lập chúng. Một trào lưu thứ nhất, tiếp theo Coase[6], cho thấy là tổ chức thay thế cho giao dịch trên thị trường khi giao dịch có những chi phí thông tin quan trọng gắn với những chi phí giao dịch[7] cao. Như thế doanh nghiệp, vốn là một tổ chức, trong những giao dịch sản xuất hàng ngày thay thế những quan hệ hàng hoá bằng những quan hệ thứ bậc. Ví dụ doanh nghiệp kí những hợp đồng lao động lâu dài với người làm công ăn lương hơn là mua dịch vụ của họ theo từng công việc. Quả thật là có sự không chắc chắn về trình độ nghiệp vụ thực tế của người làm công ăn lương, một trình độ có thể khác với trình độ được niêm yết, và những chi phí tuyển dụng là nặng, nhất là đối với những trình độ cao. Như thế doanh nghiệp đề nghị một mức lương, có thể khác trong một thời gian dài với với một lương cân bằng trên một thị trường lao động cạnh tranh, đổi lấy một số những công việc đước ấn định bằng những qui định và theo thứ bậc.
Một trào lưu khác, chung quanh Buchanan và trường phái Public Choice, phân tích những tình thế trong đó quyền lợi của các tác nhân là nên thành lập những tổ chức tự nguyện để theo đuổi một cách có hiệu quả hơn quyền lợi riêng của bản thân. Sự tồn tại của những chi phí cố định quan trọng, hay của những ngoại ứng về sản xuất hay về tiêu dùng biện minh cho sự liên minh. Tầm quan trọng của những chi phí giao dịch cũng biện minh cho điều này. Như thế ta có thể xác định qui mô tối ưu của nhóm, chiều kích tối ưu của sản phẩm hay qui tắc ra quyết định tối ưu trong nội bộ nhóm. Phân tích này cung cấp được một cách lí giải về nhiều tổ chức: nghiệp đoàn, hiệp hội, đảng chính trị và những nhóm gây áp lực khác nhau. Tuy nhiên Olson cho thấy là một nhóm người vô tổ chức, có chung một quyền lợi và ý thức được quyền lợi này, có thể không làm gì cả để cổ xuý cho quyền lợi ấy: đó là trường hợp khi mục đích chung có tính chất của một sản phẩm tập thể[8], nghĩa là một sản phẩm mọi người đều hưởng được khi có một người hưởng, cho nên mỗi người được khuyến khích ứng xử như một "người ăn không"[9] (Olson, 1966). Do đó theo quan điểm của tính duy lí kinh tế khả năng hình thành những nhóm khép kín, những câu lạc bộ dành những lợi thế riêng cho các thành viên là lớn hơn khả năng hình thành những tổ chức mở cung cấp những lợi thế cho mọi người. Chính Nhà nước, tác nhân có độc quyền cưỡng bức chính đáng mới sản xuất được những sản phẩm tập thể vì đây là tác nhân duy nhất thu được thuế và như thế loại trừ những “người ăn không”. Những tổ chức tư nhân vô vụ lợi cũng sản xuất những sản phẩm tập thể, với điều kiện là được tài trợ.
Một cách tiếp cận thứ ba là cách tiếp cận của "Kinh tế học qui ước"[10] (Revue économique, 1989) hợp nhất những đóng góp của các khoa học xã hội nhiều hơn hai cách tiếp cận trên. Xuất phát từ một tiên đề cá nhân luận, và một cách nghịch lí gặp lại Durkheim, các tác giả thuộc trào lưu này cho rằng không thể có sự thoả thuận giữa các cá thể, dù là trên thị trường hay trong một tổ chức, nếu không có một qui ước cấu thành. Đối với họ ”qui ước là một đều đặn [...] vừa là kết quả của những hành động cá thể vừa là một khuôn khổ ràng buộc các chủ thể”. Việc thiết lập những qui ước đòi hỏi phải mất thời gian; đường vòng sản xuất này được gọi là một ”đầu tư hình thái”.  Đối với trào lưu này, việc phối hợp những hành động cá thể bằng thị trường chỉ là một trong những hình thái phối hợp kinh tế khác; hình thái này xung đột với sự ”phối hợp công nghiệp”, một hình thái phối hợp của nhà kĩ sư vốn thống trị trong giai đoạn sản xuất, xung đột với sự ”phối hợp gia đình”, dựa trên những mối quan hệ liên cá nhân về tín nhiệm và danh tiếng, một hình thái phối hợp chủ yếu đối với các dịch vụ và tín dụng, hay xung đột với sự ”phối hợp công dân” dựa trên một nguyên lí đoàn kết phổ biến trong các cơ quan hay tổ chức tư nhân không vụ lợi (Thévenot trong Economie des conventions, 1989).
Do đó thị trường không tóm trọn hết trao đổi, cho dù thị trường trong những xã hội phát triển xâm nhập vào tất cả những quan hệ trao đổi. Một sự giao lưu giữa kinh tế học và xã hội học cho phép đặt chủ nghĩa công lợi vào đúng chỗ của nó: một vị thế hàng đầu, ngày nay và bây giờ, nhưng không phải là một vị thế độc quyền. 
Thuật ngữ then chốt:
-   Chất lượng
-   Danh mục
-   Doanh nghiệp
-   Gia đình
-   Khác biệt
-   Ngoài thị trường
-   Nhóm
-   Tiêu dùng
-   Tính cơ động xã hội
-   Tổ chức
-   Vị thế xã hội
-   Xã hội hoá
----------

Phiếu số 1:  Buổi cơm của người đốc công

So sánh giữa chế độ ăn uống của những đốc công và chế độ ăn uống của nhân viên bàn giấy hay của những cán bộ hạng trung làm nổi rõ sự đối lập giữa chế độ ăn uống bình dân và chế độ ăn uống tư sản hay tiểu tư sản. Tiêu dùng quá mức của đốc công cũng gần giống như những tiêu dùng quá mức của công nhân, kể cả đối với những sản phẩm rẻ và ngay cả đối với những thực phẩm thay thế những thực phẩm cao cấp hơn: đốc công tiêu dùng (luôn bằng giá trị) bánh mì và khoai tây không kém những công nhân có chuyên môn, nhiều rượu bình thường hơn, nhiều margarin và thịt ngựa hơn (trong tất cả các tầng lớp xã hội, đây là sản phẩm họ có tỉ số tiêu dùng cao nhất). Như vậy trong trường hợp người đốc công đời sống được nâng cao không được thể hiện, ít ra là về mặt chế độ ăn uống, bằng việc từ bỏ những “thị hiếu của người nghèo”; nó cũng không thể hiện nhiều hơn qua việc vay mượn những thị hiếu và mô hình thống trị. Chế độ ăn uống của người giàu (với ngân sách là 5.675 quan mỗi người hàng năm năm 1979, tức ít hơn những nhà công nghiệp và những người hành nghề tự do, nhưng nhiều hơn những cán bộ cao cấp một chút), đây là một chế độ qui chiếu về những biểu trưng bình dân về sự giàu sang, tiện nghi và xa xỉ hơn là về những chuẩn của chế độ ăn uống của nhân viên bàn giấy hay của cán bộ; đây là một chế độ vững chắc nhưng không sang, tham ăn nhưng ít kén ăn, nó hé mở cho thấy thế nào là một chế độ bình dân nếu không bị những ràng buộc và hạn chế kinh tế chi phối. Như thế đốc công ăn ngọt và nhiều chất béo hơn công nhân: họ tiêu dùng nhiều mácgarin và bơ hơn công nhân, nhiều phó mát nhưng không nhiều yaourt hơn (ít hơn nhân viên bàn giấy), trái cây tươi nhiều hơn một chút, nhưng nhất là nhiều đồ ngọt, mứt, sôcôla hơn (đốc công là những nhà tiêu dùng sôcôla nhiều nhất) và bánh ngọt hơn (nhiều hơn cán bộ cao cấp một chút và ít hơn những nhà công nghiệp một chút). Nếu đốc công rõ ràng tiêu dùng nhiều rượu có chất lượng hơn công nhân thì, cũng giống như công nhân, họ tiếp tục tiêu dùng nhiều rượu bình thường và bia hơn là nhân viên bàn giấy và cán bộ và ít nưới suối hơn; là những quán quân tiêu dùng rượu khai vị, đốc công tiêu dùng ít whisky hơn cán bộ trung và cao cấp (theo thứ tự hai và ba lần nhiều hơn đốc công). Cũng một sự gắn bó với sở thích bình dân trong việc tiêu dùng thịt: nếu đốc công tiêu dùng nhiều bít tết hơn công nhân (nhưng chỉ nhiều hơn nhân viên bàn giấy một ít và kém hơn cán bộ nhiều) thì cũng giống như công nhân họ ít tiêu dùng thịt bê và thịt cừu. Họ tiêu dùng nhiều thịt lợn, đặc sản từ thịt lợn, thỏ và gia cầm hơn là công nhân, nhân viên bàn giấy và cán bộ; sang trọng ở đây là chuyển từ việc tiêu dùng gà sang vịt, hay gà tây.       
Khác với thành phần đang giảm của những tầng lớp trung lưu (thương gia nhỏ, nghệ nhân) hay những thành phần cũ của các tầng lớp trên (nghề tự do, các nhà công nghiệp), đốc công không tỏ ra dè dặt đối với thực phẩm công nghiệp hiện đại (đặc biệt là đồ hộp), đối với ăn uống truyền thống, trong chừng mực mà giống như công dân và nông dân, họ tiêu dùng nhiều những thực phẩm đang suy yếu (bánh mì, rượu bình thường, khoai tây, v.v...) nhưng chế độ ăn uống của họ không thủ cựu. Trong số những thực phẩm hiện đại họ có xu hướng không chọn những thứ được khuyến cáo nhất nhưng chọn những thứ giúp họ giảm lao động và làm ”đơn giản cuộc sống”, như những thực phẩm đông lạnh. Nhưng khả năng thoả mãn sở thích bình dân về những ”mẹo thực tiễn” không loại trừ việc tiêu dùng thực phẩm tự làm, từ vườn tược đến việc đông lạnh tại gia (những chỉ số và tỉ suất này gần với những tỉ số và chỉ số của công nhân); tất cả diễn ra như thể là những cách làm ”tiện lợi”, thể hiện trực tiếp những ràng buộc kinh tế vẫn được duy trì ngay cả khi những ràng buộc này được nới lỏng, dưới dạng thói quen và sở thích ”bất vụ lợi”. Một cách tổng quát hơn, so sánh chế độ ăn uống của công nhân và của đốc công cho thấy là việc mức sống được nâng cao không tất yếu được thể hiện bằng một thay đổi triệt để của lối sống, cũng như không có sự ”tiểu tư sản hoá” của thị hiếu, cho dù mức sống được nâng cao đi kèm với, như trong trường hợp này, một thăng tiến xã hội và vượt qua hàng rào ngăn cách người thừa hành và ”người có trách nhiệm”. 
Claude và Christiane Grignon, ”Les pratiques alimentaires“, Données sociales, 1984
----------

Phiếu số 2: Người chia cắt bên lề

Trước hết, xét trường hợp của một doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ. Cuộc điều tra được tiến hành vào cuối những năm dài tăng trưởng về những điều kiện phát triển một doanh nghiệp cho thuê xe tải mà tài xế là của chính khách hàng và qua đó khách hàng tránh việc phải bảo dưỡng xe tải.
Doanh nghiệp này, với hơn 200 nhân viên phân bố trong nhiều chi nhánh địa phương, có những ga ra để chứa, sửa chữa, kiểm tra và cho khách hàng thuê xe. Những tài xế của khách hàng có hợp đồng thuê xe phải đưa xe đến bảo dưỡng và làm vệ sinh xe đều đặn. Thế mà, vào thời điểm cuộc điều tra, việc kinh doanh chạy rất tốt, nhưng cũng có sự xuất hiện của cạnh tranh. Cần phải quản lí một cách chặt chẽ hơn. Và người ta đã khám phá gì trong nhiều gara? Có những quĩ đen đáng kể được giao cho các những người bảo vệ gara để thưởng cho những tài xế vốn là nhân viên của khách hàng chứ không phải của doanh nghiệp cho thuê, vì lái xe thận trọng và đưa xe đi bảo dưỡng thường xuyên!
Tại sao có những quĩ mờ ám để trả đều đặn cho người ngoài doanh nghiệp? Phân tích xã hội học về tình thế này cho thấy thật ra những tài xế bên ngoài đã trở thành, mà không ai hay biết, những tác nhân thật sự của hệ thống xã hội của người cho thuê. Thật vậy, chính những tài xế này kiểm soát một bất trắc chủ yếu: tình trạng bảo dưỡng xe tải. Chính họ nằm ở giao diện của hai logic mâu thuẫn nhau. Đối với khách hàng, cần phải giao hàng nhanh, lái xe không quá thận trọng, trong một mật độ lưu thông dày dặc có nhiều va chạm trầy trợt nhẹ. Phải tránh mất thì giờ với những lần kiểm soát xe tải. Xe có dơ bẩn cũng không quan trọng vì xe không sơn tên của khách hàng. Ngược lại đối với người cho thuê xe, cần phải điều khiển xe một cách thận trọng và đến kiểm tra và làm vệ sinh định kì xe để bảo dưỡng vốn của xe. Nhưng trong một bối cảnh mà doanh nghiệp, đi đầu trên thị trường đã mất độc quyền của dịch vụ này thì trong thực tế chính khách hàng có quyền áp đạt logic của mình nếu không thì sẽ chuyển sang đối thủ cạnh tranh khác. 
Ban giám đốc của doanh nghiệp phản ứng như thế nào? Bằng cách yêu cầu những người trách nhiệm các chi nhánh làm áp lực trên những người phụ trách dịch vụ vận tải của khách hàng. Một cách ít nhiều chính thức ban giám đốc để cho những người bảo vệ sử dụng quĩ đen để khuyến khích các tài xế tôn trọng những điều khoản của hợp đồng. Ban giám đốc tìm cách liên lạc với các đối thủ để chuẩn hoá thị trường bằng cách kí những thoả thuận về những qui định chung về bảo dưỡng phải tuân thủ trong tất cả những hợp đồng cho thuê xe. Thậm chí còn liên lạc với chính quyền địa phương và những cơ quan an toàn giao thông để tổ chức một cuộc thi đua trong vùng và trên cả nước về những tài xế giỏi nhất. Tóm lại doanh nghiệp khám phá ra những tác nhân mới trong hệ thống xã hội. Phải tính đến những tài xế và những khách hàng vì chính họ kiểm soát một phần bất trắc trong việc bảo dưỡng xe tải. Lĩnh vực này không chỉ liên quan đến bộ phận gara. Mặt khác, những người bảo vệ gara ở vị thế chiến lược của người chia cắt bên lề. Chính họ, cụ thể bằng tiền thưởng và những quan hệ tốt với các tài xế, kiểm soát sự điều chỉnh giữa hai logic mâu thuẫn nhau của người cho thuê và người đi thuê xe tải. Hệ thống xã hội xác đáng của doanh nghiệp tỏ ra là phức tạp và rộng hơn là những quan hệ lúc đầu được dự tính trong tổ chức của doanh nghiệp. 
Renaud Sainsaulieu, Sociologie de l’organisation et de l’entreprise, Dalloz et Fondation nationale des sciences politiques, Paris, 1988: 123-124
----------

Phiếu số 3: Tính cơ động xã hội

Cách đọc: biểu đồ này cung cấp, cho mỗi tầng lớp xã hội-nghề nghiệp, sự phân bổ bằng phần trăm của những định mệnh con người thành ba tầng lớp (giai cấp thống trị, tiểu tư sản, giai cấp bình dân). Mỗi cạnh của tam giác tượng trưng cho một trục. Ví dụ 51 % những người con có người bố là chủ doanh nghiệp nằm trong giai cấp thống trị, 36 % là tiểu tư sản và 13 % thuộc về tầng lớp bình dân.
Thứ bậc của những nguồn gốc xã hội của những người con trai tuỳ theo vị thế đạt được tương ứng khá trung thành với vị thế được suy ra từ danh mục PCS. Biểu đồ làm rõ ba nhóm tầng lớp xã hội-nghề nghiệp tương ứng với phân chia như trên biểu đồ, trừ một ngoại lệ (giáo viên tiểu học). Những giai cấp bình dân được tập hợp chung quanh hai cực khác nhau: một bên là những công nhân phi nông nghiệp, có chuyên môn hay không, và một bên là những nông dân và công nhân nông nghiệp.
M. Gollac và P. Laulhe, "La transmission du statut social: l’échelle et le fossé", Economie et statistique, mai-juin 1987
----------

Phiếu số 4: Xã hội học về văn hoá

Pierre Bourdieu kết nối không gian những vị thế xã hội và không gian những phong cách sống trong biểu đồ dưới đây; cách đọc biểu đồ này đã tạo nhiều cảm hứng cho những tác giả của danh mục mới những nghề nghiệp và tầng lớp xã hội-nghề nghiệp (PCS: professions et catégories socio-professionnelles) được sử dụng kể từ cuộc điều tra 1982.
Không gian xã hội được phân cực trên hai trục: trục tung tương ứng với khối lượng vốn theo nghĩa rộng của Bourdieu, nghĩa là tổng của vốn kinh tế (thu nhập và tài sản), vốn văn hoá (bằng cấp) và vốn xã hội (uy tín và quan hệ xã hội); trục hoành tương ứng với cấu trúc vốn, bên trái nặng về văn hoá hơn, và bên phải nặng về kinh tế hơn. Những cá nhân hay gia đình tìm cách tối đa hoá vốn của mình và có những chiến lược chuyển đổi giữa những hình thức vốn khác nhau.  
Trong không gian những phong cách sống, Bourdieu ưu tiên cho những sở thích nghệ thuật vì đây là một trường hợp ở thái cực. Thật vậy, nghệ thuật tự muốn là sự phủ nhận thế giới xã hội, và diễn ngôn về nghệ thuật, mĩ học đại học đặt ra sự tồn tại của một thứ tự tuyệt đối của cái Đẹp; thế mà Bourdieu cho thấy là, một cách nghịch lí, những hành xử văn hoá và những quan điểm về nghệ thuật là những nhân tố có tính phân biệt nhất về mặt xã hội và sự phân biệt này thể hiện trong hai trục của không gian xã hội.
----------

Phiếu số 5: Đo tiến hoá của mức đào tạo

Những thành tựu ta đòi hỏi ở học sinh vào một tuổi nhất định không ngừng thay đổi. Một số kĩ năng tri thức hoặc kĩ thuật mất hết hay một phần hiệu quả xã hội của chúng: ví dụ như viết chữ đậm, chữ rời, tính rợ. Nhiều tri thức mới được đưa vào (tin học, các khái niệm của lí thuyết tập hợp, ...). Qua đấy trường học đi cùng hoặc dự kiến chuyển động chung của khoa học và kĩ thuật. Như thế thử thách vẫn như cũ nhưng những hệ số xã hội được gán cho những môn thi thay đổi theo thời đại. Một xã hội mà tính chính danh của quyền lực dựa trên truyền thống luôn dành một vị trí quan trọng cho trí nhớ và việc học thuộc lòng. Ngược lại, hướng đến tương lai, những xã hội hiện đại có xu hướng chống lại những cách dạy này như những lối mòn, cùng lắm thì chăm chút chúng như những xa xỉ thứ yếu hay những tài nghệ riêng tư.
Khó khăn thứ nhì là làm thế nào đánh giá diễn tiến những kết quả của một kì thi, khi chính ngay cấu trúc những văn bằng đã thay đổi đáng kể? Ngày nay, có 25% số người sinh cùng năm dự thi tú tài, con số này chỉ là 6 đến 7% trong những năm 1950. Lấy bằng tú tài như một buồng thông áp, không phân biệt các chuyên ban, rõ ràng là, ví dụ trong môn triết, những thành tựu của các cô cậu tú năm 1987 thấp hơn những thành tựu của thiểu số đậu tú tài năm 1957. Nhưng, giữa hai thời điểm này, đã có một sự phân biệt mạnh trong thứ bậc các chuyên ban (từ ban khoa học tự nhiên đến các ban về dịch vụ). Chỉ có thể so sánh được giữa những lớp 12 của các ban khoa học hay văn chương. Còn lại những chuyên ban kĩ thuật: phải phân biệt chúng với cái gì? Tương tự như thế, năm 1982, không thể so sánh được hoàn toàn những người có bằng tiểu học với những người có bằng này năm 1967. Đại đa số những người trẻ có thể được xếp là "không có văn bằng" năm 1967, do việc phổ cấp giáo dục, đều có bằng tiểu học năm 1982; và hầu hết số này được xếp vào loại thất bại trong học tập trong cấp hai. Năm 1967, thường những người trẻ có bằng tiểu học không phải là những học sinh bị hệ thống giáo dục "thải" ra ngoài. 
Cuối cùng, để đo mức đào tạo, con số trung bình là không đủ. Một gia tăng của trình độ trung bình có thể che lấp một bước nhảy vọt kì diệu của một thiểu số và một sự đình trệ thậm chí thụt lùi của số đông. Do đó cần phải có thể đo, bằng tiến trình, độ lệch thật sự của sự phân tán. Những 10% kém nhất hôm qua đã tiến bộ (hay thụt lùi) hơn 10% những học sinh giỏi nhất? Phải chăng đây là một bước chuyển chung hay sự dãn ra của hai cực, ở một cực trình độ bị sụt giảm và ở một cực khác trình độ lại tăng lên?  
Giữa việc sử dụng một khái niệm ý thức hệ thoát khỏi mọi kiểm định thực nghiệm ("trình độ xuống dốc") và sự từ chối khắc kỉ một độ đo không hoàn hảo (không có khái niệm trình độ) phải chăng không có lối thoát nào cả? Không phải là không thể lập luận một cách tương tự như các nhà kinh tế và các sử gia kinh tế trên những chỉ báo lớn như mức giá, chỉ số sản xuất hay tổng sản phẩm trong nước (GDP). Khái niệm cuối này là đặc biệt soi sáng cho chủ đề của chúng ta. Ví dụ, thành phần của GDP hôm nay rất khác với thành phần của GDP cách đây một thế kỉ. Trong GDP năm 1896 nổi trội là ngũ cốc, rượu, thú chuyên chở đồ đạc, than, v.v... Trong GDP ngày nay, Airbus, Ariane, dịch vụ du lịch và chuyển giao công nghệ, sản phẩm của công nghệ thực phẩm có vị trí quan trọng. Tuy nhiên không vì thế mà thước đo tăng trưởng bằng GDP là hoàn toàn một ảo tưởng nếu ta luôn nhớ rằng đây là một đại lượng tổng gộp và không chờ đợi là nó phản ảnh cái toàn bộ lẫn cái chi tiết của nền kinh tế.   
C. Baudelot và R. Establet, “Le niveau intellectuel des jeunes conscrits ne cesse de s’élever”, Economie et statistique, février 1988
-----------

Phiếu số 6: Tài liệu nên đọc

Baudelot C. và Mairesse J. (chủ biên), “Economie, sociologie”, numéro spécial de la Revue économique, janvier 1988 
Baudrillard J., Le système des objets, Gallimard, Paris, 1968
Bourdieu, La distinction, Ed. De Minuit, Paris, 1979.
Crozier, La société bloquée, Seuil, Paris, 1970 
Durkheim E., Les règles de la méthode sociologique (1898), PUF, Paris, 1968
“L’économie des conventions“, 1989, Revue économique, mars 1989, vol. 40, n0 2, pp. 141-400
Olson M., La logique de laction collective (1966), PUF, Paris, 1978
Pareto V., Traité de sociologie générale (1917-1919), Droz, Paris, 1968
Schnapper D., Lépreuve du chômage, Idées, Gallimard, Paris 1981
“Sociologie et statistique“, numéro spécial d Economie et statistique, juillet-aoỷt 1984
Thélot C., Tel père, tel fils, Dunod, Paris, 1982
Weber M., Léthique protestante et lesprit du capitalisme (1920), Plon, Agora, Paris, 1964
Weber M., Économie et société (1921), Plon, Paris, 1971
Edith Archambault & Christian Baudelot[*]
 Nguyễn Đôn Phước dịch.
Nguồn: “Sociologie et économie”, của Edith Archambault và Christian Baudelot trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), do Xavier Greffe, Jacques Mairesse và Jean Louis Reiffers chủ biên, nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 817-846.







[1] Xem Một số vấn đề về xã hội học và nhân loại học (một số bài dịch), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, in lần thứ 2, trang 16 (ND).

[2] Xem mục "Sự kiện cách điệu hóa" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[3] Xem mục "Phương pháp luận tổng thể" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[4] Xem mục "Phương pháp luận cá thể" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[5] Xem mục "Tác nhân tiêu biểu" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[6] Xem mục “Coase (“định lí”)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[7] Xem mục ”Chi phí giao dịch” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[8] Xem mục "Sản phẩm tập thể (hay công cộng)" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[9] Xem mục ”Người ăn không” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[10] Xem mục "Qui ước (kinh tế)" trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[*] theo thứ tự giáo sư đại học Poitiers và Paris I Panthéon-Sorbonne và giáo sư đại học Nantes (Pháp)

Print Friendly and PDF