SOCIOLOGIE [Xã hội học]
![]() |
![]() |
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
Được đào tạo về triết học, đã từng nghiên cứu về dân tộc học kể từ những công trình của ông về vùng Kabylie, Pierre Bourdieu đã tự nhận mình là một nhà xã hội học từ cuốn sách đầu tiên của ông, Sociologie de l’Algérie (1958). Tuy nhiên, ông có một tầm nhìn khá phê phán về ngành này, từ những nghiên cứu thực nghiệm đã phát triển ở Pháp kể từ năm 1945 mà đối với ông dường như “mù quáng” về mặt lý thuyết, đến lý thuyết xã hội học “trống rỗng” vĩ đại, được thể hiện bởi Georges Gurvitch. [Esquisse pour une auto-analyse: 46-47]. Thay vì tự đặt mình vào cái trật tự của ngành như nó thể hiện trước mắt mình, Bourdieu xây dựng quan điểm của riêng mình thông qua vô số cuộc khảo sát mà ông (đồng) lãnh đạo tại Trung tâm Xã hội học Châu Âu. Những nghiên cứu này, thường mang tính tập thể, cho phép chúng ta đặt những câu hỏi chính xác về các đối tượng rất đa dạng cũng như về công việc khái niệm hóa và về xã hội học với tư cách là một khoa học.
Từ chối những câu hỏi trừu tượng về tính khoa học, về “logic” hay “phương pháp” của khoa học đã thành hình, Bourdieu – cộng tác với Jean-Claude Passeron và Jean-Claude Chamboredon – đặt ra những câu hỏi về khoa học đang được xây dựng, tức là về thực tiễn điều tra và nghề nghiên cứu. Mở rộng những suy ngẫm của Gaston Bachelard và Georges Canguilhem về khoa học, và của các tác giả như Émile Durkheim, Max Weber hay Claude Lévi-Strauss về các khoa học nhân văn, tác phẩm Le Métier de sociologue (1968) biện hộ cho “sự cảnh giác về mặt nhận thức luận”. Sự cảnh giác về mặt nhận thức luận đòi hỏi sự đoạn tuyệt với những điều hiển nhiên và “những tiền ý niệm” (Durkheim) vốn cấu thành những trở ngại cho kiến thức. Để đoạn tuyệt với lý lẽ thông thường và những ý tưởng bán học thuật, chỉ áp dụng một phương pháp đặc thù hoặc bất kỳ lý thuyết xã hội học nào là chưa đủ. Chúng ta phải có thao tác phê phán xác định nghiên cứu khoa học là: “xây dựng đối tượng”. Các công cụ khác nhau mà các nhà xã hội học có sẵn, vốn tập thể của họ về các khái niệm, kỹ thuật, phương pháp, giúp họ có thể xây dựng các tập hợp có cấu trúc của các sự kiện xã hội như là đối tượng khoa học, tuân thủ sự liên kết chặt chẽ giữa tính mạch lạc về mặt lý thuyết và tính trung thực với thực tại [MS: 94].