31.8.24

'Sự thật là gì?' Lớp học về các môn nhân văn rèn cho sinh viên STEM trở thành nhà khoa học giỏi hơn

'SỰ THẬT LÀ GÌ?' LỚP HỌC VỀ CÁC MÔN NHÂN VĂN RÈN CHO SINH VIÊN STEM TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC GIỎI HƠN

Môn học được yêu thích hàng đầu này tập trung vào xu hướng nhìn thấy những hệ thống có ý nghĩa từ nơi chẳng có gìnhư các chòm sao chẳng hạnYuga Kurita/Moment tại Getty Images

Các khóa học không thường thấy là một loạt bài không định kỳ của The Conversation US nêu bật những phương thức giảng dạy độc đáo.

Tiêu đề khóa học:

Sự thật [fact] là gì?

Điều gì đã thúc đẩy ý tưởng tạo khóa học?

Với tất cả các thuyết âm mưu xuất hiện vào năm 2020 khi COVID-19 tấn công, tôi muốn giúp sinh viên của mình học cách xác định và đối phó với chúng. Tôi cũng lo ngại về tuyên truyền chính trị. Và tại ngôi trường thiên về STEM (Science, Technology, Engenering, Mathematics) của mình, tôi muốn giới thiệu những mà các học giả khoa học nhân văn có thể mang lại. Vì vậy tôi đã tạo ra lớp học này, nơi chắt lọc các khoa học nhân văn dành cho sinh viên năm nhất. Hầu hết mọi sinh viên ở trường trước nay đều theo học chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Print Friendly and PDF

29.8.24

Methodenstreit

METHODENSTREIT

Carl Menger (1840-1921)
Gustav Schmoller (1838-1917)

Methodenstreit, hay tranh cãi về phương pháp, là một cuộc tranh luận khoa học nổi tiếng trong những năm 1880, đối lập các nhà kinh tế thuộc trường phái lịch sử ở Đức với các nhà kinh tế thuộc trường phái cận biên ở Wien. Hai nhân vật chính của cuộc tranh luận này là B. von Schmoller, giáo sư đại học Berlin và C. Menger, giáo sư đại học Wien. Như thường xảy ra trong các tranh cãi này, các tác giả tham gia vào có xu hướng triệt để hóa quan điểm của họ đến độ có thể là đôi khi cuộc tranh luận diễn ra sau đó, trong một mức độ nhất định, có vẻ giả tạo. Tuy nhiên, những vấn đề tranh chấp đều là cơ bản. Thật vậy, nội dung cuộc tranh luận không gì khác hơn là vai trò của lí thuyết và của lịch sử trong việc hiểu biết các hiện tượng kinh tế; bởi thế dịp này vẫn sẽ là bổ ích để suy nghĩ về bản chất và hiệu lực của những đoạn tranh luận qua lại. Sau khi đề cập tình trạng của chính trị kinh tế học ở Đức và ở Áo vào thời nổ ra cuộc tranh luận này, chúng tôi sẽ mô tả các thời điểm chính và tự hỏi nên rút ra những bài học nào từ cuộc tranh luận lớn này.

Print Friendly and PDF

27.8.24

Sao không kết hợp Olympic và Paralympic thành một Thế vận hội duy nhất? Lý do vượt xa khỏi vấn đề hậu cần

SAO KHÔNG KẾT HỢP OLYMPIC VÀ PARALYMPIC THÀNH MỘT THẾ VẬN HỘI DUY NHẤT? LÝ DO VƯỢT XA KHỎI VẤN ĐỀ HẬU CẦN

Khi hoàng hôn buông xuống Thế vận hội Paris, một số người có thể tự hỏi tại sao Olympic và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic không được kết hợp thành một Thế vận hội duy nhất. (Ảnh AP/Daniel Cole)

Khi ánh đèn vụt tắt sau mùa Thế vận hội ấn tượng tại Paris, với sự chú ý của giới truyền thông phá kỷ lục và thành tích huy chương xuất sắc của Đội tuyển Canada, điều quan trọng cần nhớ là Thế vận hội vẫn chưa kết thúc — đây chỉ mới là dấu mốc cho nửa chặng đường.

Trong khi lễ bế mạc vào ngày 11 tháng 8 có vẻ như là hồi kết Olympic năm nay với việc chính thức bàn giao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2028 cho Los Angeles, thì Thế vận hội 2024 thực chất chỉ đang tạm dừng.

Khoảng nghỉ hai tuần giữa Thế vận hội Olympic và Paralympic thực chất không phải để nghỉ ngơi. Paris hiện đang chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Paralympic, bắt đầu vào ngày 28 tháng 8 với lễ khai mạc.

Trong hai tuần tới, một nhóm vận động viên quốc tế xuất sắc hoàn toàn mới sẽ đổ về Paris để tham dự sự kiện thể thao lớn thứ ba thế giới này. Canada sẽ cử 126 vận động viên đến Paralympic Paris để tranh tài ở 18 môn thể thao.

Đội ngũ nhân viên sẽ phải làm việc cật lực để thiết lập khu vực thi đấu cho các môn thể thao Paralympic. Tức dỡ bỏ một số khu vực tạm thời và dựng lên những khu vực khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các môn thể thao Paralympic, các vận động viên và đoàn hỗ trợ của họ.

Việc cải tạo ngôi làng, nơi sinh sống của hơn 14.000 vận động viên và nhân viên của các đội tuyển tham dự Olympic, để sẵn sàng đón 8.000 vận động viên khuyết tật và nhân viên của Paralympic không phải công việc đơn giản.

Một cơn ác mộng về hậu cần

Vào thời điểm này, câu hỏi thường nảy sinh là tại sao Olympic và Paralympic không được kết hợp thành một Thế vận hội. Lý do đằng sau quyết định này phức tạp hơn so với vẻ bề ngoài.

Print Friendly and PDF

25.8.24

Bàn luận về Max Weber

BÀN LUẬN VỀ MAX WEBER[*]

Lê Minh Tiến[**] (dịch)

Max Weber (1864-1920)

Vì sao Max Weber lại trở thành một qui chiếu kinh điển trong lĩnh vực khoa học xã hội trong khi bản thân ông dành toàn bộ thời gian để rao giảng về sự ngờ vực và cẩn trọng đối với việc ứng dụng các công trình nghiên cứu của mình? Theo sự nhìn nhận ở Đức thì việc không đón nhận Weber là một trong những đặc trưng nổi bậc nhất của nền xã hội học Pháp. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tạp chí Journal de la République des Lettres (RL) với Dirk Kaesler, Giáo sư trường đại học Marbourg tại Đức. Ông đồng thời cũng là một nhà chính luận, nhà báo và nhà xã hội học, là tác giả của hai bộ sách về các nhà xã hội học cổ điển trong đó có quyển “Max Weber. Sa vie, son oeuvre, son influence” (Max Weber. Cuộc đời, tác phẩm và ảnh hưởng) xuất bản năm 1995.

RL: Trong tiếp cận của Weber, điều gì đã làm cho các khoa học xã hội bị xáo động trong thời đại của ông ta? Đâu là những điều kiện lịch sử, xã hội, quốc gia, tiểu sử, nền giáo dục đại học hoặc điều kiện của các chuyên ngành trong sự đóng góp của Weber cho khoa học xã hội?

Dirk Kaesler (1944-)

Những nghiên cứu đầu tiên của Weber chẳng có gì đặc biệt cả. Trên thực tế, ông đã bắt đầu bằng những câu hỏi then chốt trong thời đại của ông đó là cuộc tranh luận về các nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản và sự phát triển của nó... Vấn đề này liên quan đến mọi lĩnh vực nghiên cứu từ kinh tế học, sử học, những ngành khoa học đang định hình vào thời kỳ đó. Phần lớn các nhà xã hội học và sử học đều không nhận ra thực tế đó, chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh một Weber siêu nhân (surhumain) và thiên tài được dựng lên và luôn được bảo quản trong khi có những học giả như Treitschke, Schmoller, Sombart, Troeltsch hay Theodor Mommsen cũng đã nghiên cứu cùng những chủ đề đó. Tầm quan trọng của Weber là đã mở rộng vần đề chủ nghĩa tư bản thành quá trình duy lý hóa để chuyển sang một xã hội học có chiều kích quốc tế: theo Weber người ta không còn có thể tách định mệnh của quá trình duy lý hóa với định mệnh của thế giới. Sự kiện chủ nghĩa tư bản là một trong những khuynh hướng nghiên cứu chính trong thời đó chỉ là một điểm khởi đầu, nhưng Weber lại đặt nó trong nhãn quan tổng quát của quá trình duy lý hóa như là thời khắc quyết định trong lịch sử loài người.

Print Friendly and PDF

23.8.24

Bà Trần Tố Nga và Luật sư William Bourdon kháng kiện: Cuộc chiến đấu tiếp tục!

Tòa phúc thẩm Paris y án Tòa sơ thẩm Evry

BÀ TRẦN TỐ NGA VÀ

LUẬT SƯ WILLIAM BOURDON KHÁNG KIỆN:

CUỘC CHIẾN ĐẤU TIẾP TỤC!

Ngày 22.8.2024, Tòa phúc thẩm Paris đã ra quyết định chuẩn y bản kết luận 2021 của Tòa sơ thẩm Evry, cho rằng đơn khiếu kiện của bà Trần Tố Nga đối với Monsanto-Bayer và 14 tập đoàn hóa dầu sản xuất chất Da Cam, là “không thể chấp nhận” (irrécevable). Thẩm phán của Tòa phúc thẩm cũng cho rằng các công ti nói trên đã “thừa lệnh chính quyền Hoa Kỳ” (nên được “miễn trừ pháp lý” về hậu quả việc rải chất khai quang có chứa độc tố dioxin), và tòa án Pháp không có thẩm quyền xét xử chính phủ một quốc gia khác.

Cùng ngày, luật sư William Bourdon, người đứng ra bảo vệ miễn phí bà Trần Tố Nga, đã ra ngay thông cáo báo chí:

Cuộc đấu tranh của thân chủ chúng tôi sẽ không ngừng ở quyết định này.

Chúng tôi sẽ khiếu kiện lên Toà phá án (Cour de cassation).

Đây là một vấn đề nguyên tắc, các thẩm phán đã duy trì một thái độ bảo thủ, đi ngược lại tính hiện đại của pháp lý, trái nghịch với pháp luật quốc tế và pháp luật Châu Âu.

Quyết định (từ nay) thuộc về Tòa phá án.

Print Friendly and PDF

20.8.24

Thần nông Việt Nam đã ra đi

THẦN NÔNG VIỆT NAM ĐÃ RA ĐI

GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN KHÔNG CÒN NỮA

🙏

Cuộc đời như một cuốn phim. Hãy để lại những thước phim có giá trị nhất.

Võ Tòng Xuân

GS.TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC (Báo Tuổi Trẻ)

Sáng thứ Hai, ngày 19 tháng 8, năm 2024, Giáo sư Võ Tòng Xuân, sau cơn bệnh nặng đã vĩnh viễn ra đi tại Thành phố Hồ Chí Minh, lúc 7 giờ sáng. Tin này như sét đánh. Có lẽ không ai không biết tên tuổi của ông, nhất là người dân của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôi hay gọi ông là Thần Nông Việt Nam. Thần nông trong truyền thuyết chỉ là truyền thuyết. Nhưng ở đây, Thần nông là câu chuyện có thật, “người thật, việc thật”, được lịch sử ghi chép rõ ràng. Ông rất xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

Võ Tòng Xuân sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 tại xã Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, phải làm nhiều nghề để lo cho 5 người em. Ông kể: “Khi tôi học xong Trung học đệ nhất cấp thì như những thanh niên khác muốn kiếm trường để lên cấp 3, rất may tôi đậu vào Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Học Cao Thắng là giai đoạn cực nhất vì gia đình nghèo tôi phải đi bán báo kiếm tiền lo cho việc học và phụ ba mẹ nuôi các em. Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 2 giờ 30 phút sáng đến chỗ phát hành lãnh báo, lãnh xong đem về nhà để cả gia đình cùng xếp báo lại, sau đó anh em tôi chia báo ra bán cho đến 6 giờ 30 sáng thì về đi học…”. Sau một thời gian ông bị bệnh lao nặng, và được điều trị tại Bệnh viện Sài gòn. Nhưng cũng chính nơi đây, như một duyên nợ tiền định, ông đã gặp người bạn đời của ông, bà Bùi Thị Ngọc Lệ, “người vợ tào khang” mà ông biết ơn suốt đời. Việc học kỹ thuật ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã có tác dụng rèn cho ông một khuôn mẫu suốt đời: đức tính kỹ lưỡng, kiên nhẫn, làm việc gì cũng phải chỉnh chu, tác phong nghiêm túc.

Print Friendly and PDF

19.8.24

Nỗi thất vọng lớn của thế kỷ XXI

Daniel Cohen, Giáo sư trường Đại hc Sư Phạm Ulm (ENS-Ulm) và là thành viên sáng lập trường Đại học Kinh tế Paris đã qua đời ngày chủ nhật 20 tháng 8 năm 2023. Lúc đó ông được 70 tuổi. Để tưởng nhớ ông, chúng tôi đề nghị đọc (hoặc đọc lại) bài báo này, ông đã gửi cho “nhật báo ý tưởng” trực tuyến của chúng tôi năm 2018.

NỖI THẤT VỌNG LỚN CỦA THẾ KỶ XXI

Tác giả: Daniel Cohen

Nhà kinh tế học, giáo sư, giám đốc bộ môn kinh tế

 trường Đại học Sư phạm Ulm Paris

Có phải thế giới hậu công nghiệp bị rơi vào một sức ì trong tăng trưởng kinh tế? Đó là điều mà Jean Fourastié đã tiên đoán năm 1948 khi ông chỉ ra sự thiếu vắng của tính kinh tế theo quy mô trong xã hội dịch vụ hóa [có tỷ lệ khu vực dịch vụ cao – ND] của nửa sau thế kỷ XX. Đó là do ông chưa tính đến cách mạng kỹ thuật số, có khả năng gia tăng hiệu suất theo quy mô trong khu vực dịch vụ. Nhưng nếu các công nghệ mới là phương tiện chính yếu của tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ XXI, chúng cần được sử dụng một cách có cân nhắc, nếu không thì con người sẽ phải hy sinh tự do và nhân tính của mình để cứu lấy tăng trưởng.

Mark Zuckerberg (1984-)
Manuel Castells (1942-)

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, thích tự giới thiệu mình là “người thừa kế nền văn hóa ngầm và nổi loạn mới (neo punk) của những chuyên gia thâm nhập máy tính, được hình thành trong những năm 1960 tại Mỹ”. Trong những năm 1970, Đại học với văn hóa tập trung vào giới trẻ quả thực đã là một nền tảng tuyệt vời của sự phổ biến cách mạng tin học. Đối với những người tiên phong của cuộc cách mạng này, đại học xuất hiện như một khoảng không gian tự do, cụ thể hóa một lý tưởng phẳng và miễn phí. Đối với nhà xã hội học Manuel Castells, chính qua nền tảng đại học mà những sinh viên trưởng thành trong văn hóa phản kháng của các đại học Mỹ đã tìm thấy phương tiện phá vỡ sự tiêu chuẩn hóa thế giới do cha mẹ họ tạo ra. Ông viết: “Các đại học đã là những tác nhân chính của phổ biến và đổi mới xã hội. Giới trẻ học đại học phát hiện và tiếp nhận những cách suy nghĩ, hành động và truyền thông mới.” Như nhà sử học François Caron cũng nói, chính “chủ nghĩa khoái lạc nổi loạn của những năm 1960 đã nảy nở trọn vẹn thông qua quá trình công nghệ hóa xã hội của những năm 1970 và 1980”.

Jean Fourastié (1907-1990)

Lý tưởng của chủ nghĩa tự do về một xã hội không phân chia thứ bậc, ở đó mỗi người sở hữu một sức mạnh vốn giải phóng họ khỏi những cấu trúc công nghiệp lớn, là một thực tế rõ ràng thuộc về di sản của những năm 1960. Lý tưởng này đã lan truyền ý tưởng rằng thế giới mới sẽ đánh dấu sự xuất hiện của một xã hội rốt cùng được nhân tính hóa. Ta có thể thấy sự chờ đợi này đã được nêu lên khi ta lùi xa hơn trong quá khứ. Ngay từ năm 1948, trong quyển sách Le Grand espoir du XXesiècle (Niềm hy vọng lớn của thế kỷ XX) của mình, Jean Fourastié đã đề nghị một bản mô tả tóm tắt một cách hoàn hảo ý tưởng được triển khai tiếp sau. Sau xã hội nông nghiệp trồng trọt sử dụng đất đai rồi xã hội công nghiệp khai thác sử dụng vật liệu, ông giải thích rằng trong xã hội dịch vụ, cuối cùng con người được tự phát triển chính mình. Giáo dục, y tế, giải trí sẽ là trọng tâm của thế giới mới.

Print Friendly and PDF

17.8.24

GS Ngô Bảo Châu: Thấu hiểu toán học hay thấu hiểu thế giới trong chính chúng ta

GS Ngô Bảo Châu:

THẤU HIỂU TOÁN HỌC HAY THẤU HIỂU THẾ GIỚI TRONG CHÍNH CHÚNG TA

Phan Thị Hà Dương

GS Ngô Bảo Châu vừa cho ra mắt cuốn sách “Lý thuyết số sơ cấp”, viết chung với TS Đỗ Việt Cường. Đây là lần đầu tiên, anh viết một giáo trình toán bằng tiếng Việt, cho học sinh và sinh viên Việt Nam.

Ngày 9/8, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị, đồng thời với buổi Tọa đàm giới thiệu sách. Đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (1974-2024).

Nhân dịp này, GS. Ngô Bảo Châu và PGS. Phan Thị Hà Dương đã có cuộc trò chuyện về cuốn sách, toán học và nhiều vấn đề khác. Diễn Đàn trân trọng cảm ơn PGS Phan Thị Hà Dương đã gửi cho bản ghi đầy đủ cuộc trò chuyện này (đã được đăng một phần trên VnExpress). Nhân dịp này, cũng xin “bật mí”, bài phỏng vấn NBC trên Diễn Đàn gần 20 năm trước (chính xác là trên số báo 148, tháng 2.2005, được đăng lại tại đây nhân dịp anh được giải Clay), cũng chính là do PTHD thực hiện.

PTHD: - Anh Châu thân mến, khi đọc cuốn sách “Lý thuyết số sơ cấp” của anh và TS. Đỗ Việt Cường, tôi bỗng nhớ đến câu anh từng viết: “Yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình”. Phải chăng chính vì cảm nhận về mối liên quan mật thiết giữa mình với toán học Việt Nam, với tương lai của nó, với những con người sẽ học toán và làm toán... mà anh đã dành tâm huyết và chia sẻ nhiều suy tư trong cuốn sách này?

Print Friendly and PDF

15.8.24

Chúng tôi xếp hạng toàn bộ 34 môn thể thao Olympic theo tính bền vững – đây là bảng thành tích

CHÚNG TÔI XẾP HẠNG TOÀN BỘ 34 MÔN THỂ THAO OLYMPIC THEO TÍNH BỀN VỮNG – ĐÂY LÀ BẢNG THÀNH TÍCH

Đua thuyền là một trong bảy môn thể thao được trao giải 'vàng' về tính bền vững. Jacquelyn Martin/Alamy

Trước thềm Thế vận hội 2024 tại Paris, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã yêu cầu tất cả các liên đoàn thể thao Olympic chuẩn bị các chiến lược phát triển bền vững. Ủy ban cho biết tính bền vững là trọng tâm của phong trào Olympic. Nhưng một số liên đoàn không hề phản hồi, và có một khoảng cách lớn giữa những môn thể thao đạt thành tích tốt nhất và kém nhất.

Tôi và các đồng nghiệp tại Trung tâm Kinh doanh có trách nhiệm của Đại học Birmingham đã phân tích các chiến lược phát triển bền vững đã được công bố của 34 liên đoàn quốc tế quản lý tất cả các môn thể thao Olympic thường trực.

Mục đích của chúng tôi khi nghiên cứu các tài liệu chiến lược công khai này không phải để đánh giá các biện pháp hiện tại về tính bền vững của một môn thể thao, chẳng hạn như lượng khí thải carbon, mà là để đánh giá mức độ cam kết và tham vọng của từng liên đoàn quốc tế. Các tài liệu này cho chúng ta biết về hướng đi tương lai của từng môn thể thao.

Chúng tôi đánh giá chất lượng từng chiến lược: vàng, bạc, đồng hoặc DNF (did not finish – không hoàn thành), từ đó thu được bảng xếp hạng về tính bền vững của các môn thể thao Olympic.

Phân tích của chúng tôi đã tính đến nhiều nhân tố khác nhau. Ví dụ, chúng tôi xem xét liệu các chủ đề liên quan đến tính bền vững có được đề cập đến hay không, như biến đổi khí hậu, thiên nhiên và quyền con người. Chúng tôi xem xét liệu các chiến lược có mục tiêu có thể đo lường được (ví dụ như về lượng khí thải carbon hoặc tái chế) và cam kết báo cáo về tiến độ hay không. Và chúng tôi cũng xem xét liệu tính bền vững có được đưa vào tầm nhìn chiến lược chung cho môn thể thao này hay không.

Print Friendly and PDF

13.8.24

Thời Đại Khai Sáng – Hai luồng triết học chính

THỜI ĐẠI KHAI SÁNG – HAI LUỒNG TRIẾT HỌC CHÍNH

Tác giả: Tôn Thất Thông

Trong thời đại khai sáng, những lâu đài triết học mọc lên một cách nhộn nhịp, liều lĩnh và kiêu kỳ. Triết học trong thời đại này được vinh danh rực rỡ như chính trào lưu nghệ thuật Barock đương thời. Những tên tuổi lớn như Descartes, Spinoza, Leibniz cũng như Locke, Hobbes, Hume đại diện cho những lâu đài triết học tráng lệ. Nhưng khi đi vào bên trong để quan sát cấu trúc bản vẽ của từng lâu đài, chúng ta cũng thấy những nét đặc thù riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các lâu đài này thể hiện hai xu hướng nổi bật: Thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm[1].

Johannes Hirschberger, giáo sư đại học Frankfurt

* * *

Sự khác nhau căn bản giữa hai luồng triết học này là cách trả lời những câu hỏi: Nhận thức là gì? Đâu là nguồn gốc của nhận thức? Làm thế nào để đạt đến nhận thức? Những câu trả lời của hai luồng triết học đó dù rất khác nhau thậm chí xung khắc nhau, nhưng đều là những đóng góp vô cùng vĩ đại vào việc xây dựng hệ thống triết học hiện đại.

Nhưng không riêng gì trong thế giới triết học, cả hai thuyết duy lý (rationalism) và thuyết duy nghiệm (empirism) đã cung cấp cho người nghiên cứu khoa học tự nhiên những phương pháp hữu hiệu để cắt nghĩa các hiện tượng thiên nhiên và giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quá trình nghiên cứu. Đó là phương pháp diễn dịch vốn có nguồn gốc từ thuyết duy lý và phương pháp quy nạp[2] vốn là nhân cũng là quả của những luận cứ căn bản trong thuyết duy nghiệm.

Pierre Bayle (1647-1706)
Christian Wolff (1679-1754)

Thuyết duy lý chủ yếu được quảng bá rộng rãi ở các nước trên lục địa, trong lúc thuyết duy nghiệm thì phát xuất và được phổ biến mạnh ở đảo quốc Anh. Những tên tuổi đã đi vào lịch sử triết học thời đại khai sáng có thể kể như, ở Pháp có René Descartes, Blaise Pascal, Pierre Bayle, Baron de Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, cũng như đông đảo học giả thuộc nhóm khởi xướng Bách Khoa Toàn Thư; ở Đức có Gottfried Wilhelm Leibniz, Christian Thomasius, Christian Wolff, Moses Mendelssohn, Gottfried Lessing, Immanuel Kant; ở Anh có Francis Bacon, Isaac Newton, Thomas Hobbes, John Locke, David Hume; ngoài ra còn có Baruch de Spinoza của Hà Lan; Giambattista Vico của Ý, v.v.. Đó chỉ là những gương mặt nổi bậc nhất trong một tập thể học giả vô cùng đông đảo.

Mặc dù kể từ giữa thế kỷ 18, nhiều luồng triết học khác nhau ra đời được giới học giả nồng nhiệt đón nhận, vì chúng gần gũi với cuộc đời thế tục và những biến chuyển trong xã hội đương thời, nhưng thuyết duy lý và duy nghiệm vẫn tiếp tục giữ địa vị sáng ngời trong thế giới triết học cận đại.

Print Friendly and PDF

12.8.24

Kỷ Niệm với Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn

KỶ NIỆM VỚI THẦY CHU PHẠM NGỌC SƠN

(Nhóm cựu Sinh viên Đại học Khoa Học Sài Gòn)

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn

Cô Lê Thu Vân

Dáng người cao với đôi mắt sáng, thông minh là hình ảnh của Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, người Thầy đã mang về cho Ban Hóa Học Đại Học Khoa Học Saigon một lối giảng dạy mới, dễ hiểu và có tính biện luận. Thầy đã tận tụy hướng dẫn đàn em và học trò những kiến thức cập nhật trong nghiên cứu cũng như trong học tập. Chúng tôi thật ngưỡng mộ.

* * *

Nguyễn Bá Hiệp

1975 – Tôi rời bỏ bút tập để hòa mình vào công tác xã hội, chiến dịch, lao động cũng như hàng ngàn sinh viên, bạn bè cùng trường. Các buổi tối gác trường cuối năm tôi thường thấy một ông thầy cao dong dỏng, gầy gò rời phòng thí nghiệm trường đạp xe ra về khi trời đã vào khuya 9, 10 giờ. Hỏi ra mới biết đó là Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn. Tôi thường tự hỏi sao ông thầy này làm việc khuya thế!

1976 – Chúng tôi trở về trường lớp để hoàn tất năm học và tôi tiếp tục theo học khoa Hóa Đại Học Tổng Hợp. Tôi có dịp gặp lại Thầy Sơn qua các lớp Hóa Lý 1 và 2, rồi Hóa Lý Hữu Cơ. Cách giảng dạy đặc thù của Thầy – nêu vấn đề rồi suy luận, giải thích rõ ràng từng điểm – như mê hoặc và giúp tôi hiểu bài thông suốt tuy rằng Hóa Lý là môn khó nuốt. Qua các bạn bè đàn anh, tôi được biết sơ về nhóm các thầy cô dưới sự hướng dẫn nghiên cứu của Thầy. Như các sinh viên cùng lớp, tôi có mơ ước được làm học trò và làm việc với Thầy. Tôi chỉ biết cố học chăm để có hy vọng Thầy để ý. Năm thứ ba tôi xin được vào làm phụ thí nghiệm cho nhóm của Thầy qua sự giúp đỡ của các Cô Nhất Hoa và Cô Kim Dung. Được gặp và nói chuyện với Thầy trong phòng thí nghiệm làm tôi hãnh diện và vui thích lắm. Thầy hiền lành, bình dân và vui vẻ với học trò không phải như tôi thường nghĩ về các thầy thật nổi tiếng.

Print Friendly and PDF

11.8.24

Thế vận hội có trung lập về mặt chính trị không?

THẾ VẬN HỘI CÓ TRUNG LẬP VỀ MẶT CHÍNH TRỊ KHÔNG?

Mina Tanaka (Nhật Bản) và Keira Walsh (Anh) quỳ gối trước trận đấu giữa hai đội tuyển quốc gia của mình tại Thế vận hội Tokyo ở Sapporo vào ngày 24 tháng 7 năm 2021. Asano Ikko/AFP

Vào đầu thế kỷ 20, cha đẻ của Thế vận hội hiện đại, Pierre de Coubertin, đã viết rằng cuộc thi này cần phải “không bị can thiệp bởi chính trị”. Tuy nhiên, các nhà vô địch thường khó có thể thoát khỏi các vấn đề thời sự. Thử xem ví dụ về vận động viên judo người Algeria, Fethi Nourine, người đã rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo vào tháng 7 năm 2021 để tránh phải đối mặt với đối thủ người Israel của mình với lý do “anh ta ủng hộ phong trào đấu tranh của người Palestine”. Trong vòng hai tháng sau đó, Fethi Nourine và huấn luyện viên của anh đã bị Liên đoàn Judo Quốc tế đình chỉ (thi đấu) trong 10 năm.

Giống như các lệnh đình chỉ khác, Liên đoàn đã đưa ra quyết định dựa trên quy định gây tranh cãi 50.2 của Hiến chương Olympic:

Không cho phép bất cứ hình thức thể hiện hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc nào ở bất kỳ khu vực thi đấu, địa điểm tổ chức hay nơi nào khác của Thế vận hội.

Một vấn đề chia rẽ thế giới Olympic

Chỉ riêng câu trích bên trên đã gây chia rẽ sâu sắc trong thế giới Olympic kể từ khi Hiến chương được công bố vào tháng 7 năm 2020.

Print Friendly and PDF

9.8.24

Tình huống thuộc địa: cách tiếp cận lí thuyết

“TÌNH HUỐNG THUỘC ĐỊA. CÁCH TIẾP CẬN LÝ THUYẾT”[*]

Georges BALANDIER[**]

[TRÍCH]

Một bài đăng trong Cahiers internationaux de sociologie, vol. 110, janvier-juin 2001, pp. 9-29. Paris: Les Presses Universitaires de France.

-------------------------------------------------------------------

Georges Balandier (1920-2016)

Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử nhân loại là sự bành trướng trên toàn cầu của phần lớn các dân tộc châu Âu; nó đã dẫn đến sự khuất phục – thậm chí đôi khi còn là sự biến mất - của gần như toàn bộ các dân tộc được gọi là lạc hậu, cổ xưa hoặc nguyên thủy. Hoạt động thực dân trong thế kỷ 19 là hình thức quan trọng nhất, có hệ quả quan trọng nhất của sự bành trướng của châu Âu; hoạt động này, khi được thiết lập, đã áp đặt lên những dân tộc này một tình huống thuộc một loại rất đặc biệt. Chúng ta không thể không biết đến sự kiện này. Nó không chỉ quyết định các phản ứng của các dân tộc “lệ thuộc” mà còn giải thích một số phản ứng nhất định của các dân tộc vừa được giải phóng. Tình huống thuộc địa đặt ra vấn đề cho dân tộc bị khuất phục - vốn phản ứng với những vấn đề này trong chừng mực một “chút ít khả năng hành động” được dành cho họ - cho chính quyền đại diện cho cái gọi là quốc gia giám hộ (và bảo vệ lợi ích địa phương của quốc gia này), cho Nhà nước mới được thành lập phải chịu cái gánh nặng của cả một di sản thuộc địa; tình huống, còn tồn tại hoặc trong quá trình bị thanh toán này, kéo theo những vấn đề đặc thù cần phải thu hút sự chú ý của nhà xã hội học. Thời kỳ hậu chiến này đã chứng minh tính cấp bách và tầm quan trọng của toàn bộ vấn đề thuộc địa; đặc trưng của nó là những hoạt động khó khăn để khôi phục lại, với những cuộc giải phóng và nhượng bộ ít nhiều có điều kiện; thời kỳ này thông báo một giai đoạn kỹ thuật của tiến trình thuộc địa hóa tiếp nối giai đoạn chính trị-hành chính.

Chỉ một vài năm trước đây, một ước tính thô sơ nhưng có ý nghĩa đã nhắc lại rằng các lãnh thổ thuộc địa khi đó bao phủ một phần ba diện tích địa cầu và rằng bảy trăm triệu con người, trong tổng số hai tỷ dân, là những dân tộc thần dân (peuple sujet)[1]; cho đến rất gần đây, phần lớn các dân số, nếu không tính Trung Quốc và Nhật Bản, không phải da trắng phải chịu một tình trạng lệ thuộc do một trong các quốc gia thực dân châu Âu kiểm soát. Những dân tộc bị thống trị này, phân bố ở Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương, đều thuộc về những nền văn hóa bị xem là “lạc hậu” hoặc “không có máy móc”. Chúng tạo nên lĩnh vực nghiên cứu trong đó các nhà nhân học hoặc dân tộc học đã hoạt động - và đang hoạt động. Và kiến ​​thức, có tính chất khoa học, mà chúng ta có được về các dân tộc thuộc địa, phần lớn là nhờ vào các công trình mà họ đã thực hiện. Về nguyên tắc, những công trình như vậy không thể (hoặc không nên) không biết về một thực tế quan trọng như vậy, quá trình thuộc địa hóa vốn, từ một thế kỷ trở lên, đã áp đặt một kiểu tiến hóa nhất định lên các dân tộc bị khuất phục; dường như không thể nào không tính đến những điều kiện cụ thể trong đó sự tiến hóa gần đây của các dân tộc này đã diễn ra. Tuy nhiên, các nhà nhân học chỉ đã xem xét theo một cách rất không đồng đều bối cảnh chính xác này do tình huống thuộc địa bao hàm; chúng tôi sẽ có cơ hội thể hiện điều này trong một công trình hiện đang được thực hiện. Một mặt, các nhà nghiên cứu tham gia vào nhiều cuộc điều tra thực tế và trong một phạm vi hạn chế, hài lòng với chủ nghĩa kinh nghiệm tiện lợi hầu như không vượt quá trình độ của một kỹ thuật; giữa hai thái cực này là một khoảng cách rộng - nó dẫn từ giới hạn của cái gọi là nhân học “văn hóa”, đến giới hạn của cái gọi là nhân học “ứng dụng”. Một mặt, tình huống thuộc địa bị gạt bỏ vì nó gây rối hoặc chỉ được coi là một trong những nguyên nhân của những biến đổi văn hóa; mặt khác, nó chỉ được xem xét dưới một số khía cạnh nhất định - những khía cạnh rõ ràng liên quan đến vấn đề được xử lý - và không xuất hiện như một tổng thể đang hoạt động. Tuy nhiên, bất kỳ nghiên cứu hiện tại nào về các xã hội thuộc địa, nhắm tới mục tiêu hiểu biết về thực tế hiện tại chứ không phải là tới sự tái tạo mang tính chất lịch sử, nhắm tới mục tiêu là sự hiểu biết không buộc phải hy sinh tính đặc thù có lợi cho một sự sơ đồ hóa giáo điều, chỉ có thể được thực hiện khi được đặt trong cái phức hợp này mà chúng tôi gọi là tình huống thuộc địa. Đây là những gì chúng tôi muốn thể hiện; nhưng, trước đó, điều quan trọng là phải vạch ra những nét cơ bản hình dung hệ quy chiếu mà chúng tôi vừa gợi lên.

Print Friendly and PDF

8.8.24

Vị nam tước người Pháp đã hồi sinh Thế vận hội tin rằng đây không chỉ là thể thao – mà là tôn giáo của sự hoàn hảo và hòa bình

VỊ NAM TƯỚC NGƯỜI PHÁP ĐÃ HỒI SINH THẾ VẬN HỘI TIN RẰNG ĐÂY KHÔNG CHỈ LÀ THỂ THAO – LÀ TÔN GIÁO CỦA SỰ HOÀN HẢO VÀ HÒA BÌNH

Các vận động viên xếp hàng cho cuộc đua 100 mét tại Thế vận hội Olympic năm 1896 ở Athens. Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images

Pierre de Coubertin, người sáng lập ra Thế vận hội Olympic hiện đại, luôn hình dung Thế vận hội không đơn thuần là tổng hợp các phần thi. “Chủ nghĩa Olympic [Olympism]”, như ông đã đặt tên, là một loại tôn giáo mới – một tôn giáo không có thần thánh, nhưng vẫn mang tính siêu việt.

Đối với Coubertin, việc rèn luyện thể chất và tinh thần của một vận động viên để đạt được thành tích cao nhất trong một cuộc thi một cách để “hiện thực hóa sự hoàn hảo”. Và nếu cuộc thi là nơi quốc gia thi đấu với thế giới, do nhiều thành phố khác nhau đăng cai mỗi bốn năm một lần, thì lợi ích cá nhân sẽ bị đặt dưới lòng tự hào dân tộc và sự hợp lực toàn cầu. Coubertin gọi đây là thể thao phục vụ cho sự hòa hợp toàn cầu – không gì khác hơn là một “religio athletae” mới hay “tín ngưỡng thể thao”.

Chỉ hai thập kỷ sau khi Thế vận hội hiện đại được hồi sinh vào năm 1896, châu Âu đã bị Thế chiến I xé nát, thể hiện vô cùng rõ những nguy hiểm của sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Và như Coubertin, một nam tước người Pháp và là người theo chủ nghĩa hòa bình, đã viết, sự cạnh tranh vô độ thậm chí còn tạo ra bầu không khí ganh ghét, đố kỵ, kiêu căng và ngờ vực.

Tuy nhiên, ông tin rằng những bản năng thấp hèn này có thể được kiềm chế bởi một “cơ chế điều tiết” “vĩ đại và mạnh mẽ”. Được thể hiện thông qua Chủ nghĩa Olympic, tôn giáo điền kinh có thể điều chỉnh thể thao và lòng tự hào dân tộc theo hướng tạo ra sự hòa hợp toàn cầu tại một địa điểm mỗi bốn năm một lần – một mục tiêu không thể đạt được bằng chính trị bè phái hoặc tôn giáo cuồng tín.

Nhưng Thế vận hội đã chứng kiến không ít thách thức trong 100 năm qua. Là những nhà nghiên cứu về tôn giáo và thể thao, chúng tôi tự hỏi liệu lý tưởng cao cả của Coubertin về tín ngưỡng thể thao ấy có còn phù hợp không – ấy là nếu nó đã từng tồn tại.

Print Friendly and PDF

7.8.24

Thế giới kinh doanh hôm nay và triết lý của Shibusawa Eiichi

THẾ GIỚI KINH DOANH CUỐI CÙNG ĐÃ SẴN SÀNG HỌC HỎI MINH TRIẾT CỦA SHIBUSAWA EIICHI?

Geoffrey Jones và Rei Morimoto

Ngày 05 tháng 11, 2021

(Courtesy of Harvard Business School)

Người dịchĐỗ Thị Thu Trà và Lê Tùng Quân (Mai Lý)

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

Lời nói đầu. Thế giới ngày càng nhiều tiền hơn, công nghệ ngày càng phát triển vượt bậc, nhưng khoảng cách giàu-nghèo càng lớn ra, tài sản ngày càng tập trung vào một số ít chủ nhân, chứ không thu hẹp lại, lợi nhuận đi trước môi trường và sức khỏe con người. Có điều gì sai ở hệ thống tư bản chủ nghĩa? Nó đã trở thành hoang dã – theo một cách khác chăng? Những ý tưởng “chủ nghĩa tư bản đạo đức” của doanh nhân Shibusawa Eiichi của Nhật Bản Minh Trị có thể là liều thuốc chữa trị? Dưới đây là một số suy nghĩ của hai tác giả Geoffrey Jones và Rei Morimoto đăng trên báo của Trường kinh tế Harvard. Sau đó, trong phần Lời bạt, chúng tôi nói thêm một số ý tưởng của Shibusawa trong cùng ngữ cảnh.

Nguyễn Xuân Xanh

Shibusawa Eiichi (1840-1931)

[I] Bài báo

Nhà tài chính huyền thoại Shibusawa Eiichi cổ vũ sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp, loại thịnh vượng cũng mang lại lợi ích cho xã hội. Một trăm năm sau khi ông qua đời, thông điệp của ông vẫn đang gây tiếng vang đối với một thế hệ lãnh đạo mới, Geoffrey Jones và Rei Morimoto cho biết.

Shibusawa Eiichi tiếp tục có ảnh hưởng ở Nhật Bản – mặc dù ông đã qua đời gần một thế kỷ trước.

Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng chân dung nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế kỷ 19 sẽ được in trên tờ 10.000 yên (90 USD) – tờ tiền có mệnh giá lớn nhất ở Nhật Bản – bắt đầu từ năm 2024. Câu chuyện cuộc đời ông là chủ đề của bộ phim truyền hình dài nhiều tập năm nay trên NHK (Japan Broadcasting Corp.), phiên bản PBS hoặc BBC của đất nước này.

Số lượng bài viết đề cập đến Shibusawa trong những năm gần đây đã tăng mạnh trên Nikkei, tờ báo kinh doanh hàng đầu của Nhật Bản. Và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây đã công bố kế hoạch thành lập một hội đồng chuyên gia để thảo luận về hình thức chủ nghĩa tư bản mới của Nhật Bản như một nền tảng chính sách quan trọng của ông, và mời một hậu duệ của Shibusawa làm thành viên cốt cán.

Vẫn là điểm nổi bật của truyền thông

Số lượng bài báo của Nikkei đề cập đến Shibusawa đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2010, và tăng vọt vào năm 2019.

Tại sao ngày nay Shibusawa lại nổi tiếng đến như vậy?

Print Friendly and PDF