VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY
MAI
Chủ biên:
Trần Văn
Thọ & Nguyễn Xuân Xanh
Sau một năm lao động tích cực,
chúng tôi hết sức vui mừng được giới thiệu với bạn đọc quyển sách mới ra mắt:
VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI, một công trình biên soạn tập thể của 22 học
giả, nhà nghiên cứu, công nghệ, giáo dục Việt Nam trong và ngoài nước, với tâm
tư nóng bỏng muốn góp phần vào quá trình đổi mới đất nước:
Hồ Tú Bảo – Huỳnh Thế Du –
Giáp Văn Dương – Kim Hạnh – Nguyễn Thị Hậu – Vũ Ngọc Hoàng – Trần Quốc Hùng –
Phạm Chi Lan – Trương Trọng Nghĩa – Nguyên Ngọc – Nguyễn Quang Ngọc – Huỳnh Như
Phương – Trần Đức Anh Sơn – Huỳnh Bửu Sơn – Đặng Kim Sơn – Trần Hữu Phúc Tiến –
Trần Văn Thọ – Phạm Duy Thoại – Nguyễn Trung – Nguyễn Tùng -Trần Ngọc Vương –
Nguyễn Xuân Xanh
Quách Thu Nguyệt phụ trách
phần biên tập và xuất bản.
Xuất bản: Ban Tu thư Đại
học Hoa Sen và Nhà xuất bản Đà Nẵng
Đây là một tác phẩm phân
tích, tổng hợp, nhìn về quá khứ, hiện tại, để phóng chiếu tương lai, chạm đến
những vấn đề lịch sử, tư tưởng, kinh tế, phát triển, giáo dục, y tế và khai
sáng, trong bối cảnh rất phức tạp của thế giới. Người Việt Nam đang đứng trước
nhu cầu ngày càng bức thiết phải thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện và hiệu
quả để “lột xác” và bắt kịp thế giới. Chúng ta đang ở vào thời kỳ “giông bão và
thôi thúc”, cần có những nhận định và bước đi tương xứng.
Dưới đây là những dòng chữ
đầu tiên đọc được khi cầm lên quyển sách:
Những người trí thức dấn
thân xã hội phải chấp nhận thực trạng như họ đang sống, và tìm cách định hình
nó theo những mục tiêu xã hội tích cực, chứ không đứng cô lập bên lề tự cho
mình là đúng.
JOHN DEWEY
Việt Nam đang đứng trước
một thập niên mới, đánh dấu bởi nhiều sự kiện quan trọng: Covid-19 với nhiều hệ
quả to lớn lên toàn thế giới, kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, 45 năm hòa bình và
thống nhất đất nước, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người Việt Nam cũng đang có
“giấc mơ hóa rồng”, muốn tạo ra được những sản phẩm công nghệ, công nghiệp đẳng
cấp trên thị trường thế giới, có những tập đoàn công nghiệp mạnh, để có thể
nâng cấp nhanh chóng nền kinh tế lên tầm mức thế giới. Vâng, người Việt Nam
thấy cần thay đổi cả vận mệnh lịch sử của mình, như các dân tộc xung quanh từng
làm.
Đổi mới cho nên là mệnh
lệnh của thời đại, từ quản lý hành chính, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo, đào tạo
nhân tài, đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học, và hoạt động của doanh
nghiệp.
Nhà nước cũng cần phải có
tính chất đổi mới sáng tạo để dẫn dắt, “kiến tạo và phát triển”, khuyến khích
động não, từ bỏ những lề lối cũ. Einstein cũng từng nói, chúng ta không thể
giải quyết những vấn đề phát sinh bằng những tư duy cũ đã sản sinh ra chúng.
Quyển sách này là sự hội tụ
của nhiều trí thức, học giả, nhà nghiên cứu từ nhiều lãnh vực khác nhau nhằm
đáp lời cho một sự đổi mới sáng tạo trước những thử thách mới thời đại đặt ra.
Cuốn sách này gồm 4 phần,
bao gồm gần hết các mặt của đất nước Việt Nam hiện nay. Hầu hết các bài viết
phân tích từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải
cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp.
Đổi mới sáng tạo là mệnh lệnh của thời đại. Trong tinh thần đó, một
số trí thức trong và ngoài nước đã tập hợp lại những suy nghĩ của mình về những
chủ đề như kinh tế, lịch sử, văn hóa, tư tưởng, thể chế, giáo dục, khoa học,
công nghệ và y tế. Như một nhà lãnh đạo châu Á từng nói, “Lịch sử luôn cho thấy
những quốc gia được dẫn dắt bởi những trí thức năng động, tham vọng và nhiệt
tình sẽ phát triển nhanh hơn những quốc gia không có.” Chúng tôi muốn chia sẻ
trách nhiệm đó. Đây cũng là món quà tinh thần tặng GS Cao Huy Thuần như một sự
tri ân cho những đóng góp văn hóa hơn nửa thế kỷ qua của ông.
Và những
lời từ trái tim của một người bạn lâu năm dấn thân và nhiệt huyết:
Sáng kiến
quyển sách này quả thật bất ngờ với tôi. Một phần thưởng mà tôi không hề dám
nghĩ đến. Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn đối với tình cảm của các anh chị đã có
sáng kiến cũng như đối với các anh chị đã đồng lòng hưởng ứng. Thực sự, tôi tự
thấy mình bé nhỏ trước vinh dự quá lớn mà các anh chị đã dành cho tôi.
Nhưng,
vượt qua xúc động đầu tiên, tôi nghĩ lại: quyển sách này đâu phải chỉ để thực
hiện những tình cảm cá nhân giữa chúng ta với nhau? Chúng ta, những người trí
thức ở bốn phương, gắn bó với nhau, vượt không gian và thời gian, trên hết còn
vì tình cảm chung đối với quê hương đất nước. Bởi vậy, tôi xin được xem vinh dự
này không phải chỉ là vinh dự cá nhân mà là vinh dự chung. Vinh dự được là
người trí thức trước sóng gió của thời cuộc.
CAO HUY
THUẦN