3.3.16

Aristotle khám phá kinh tế

Aristotle (384-322 BC)

Aristotle khám phá kinh tế[1]

Karl Polanyi
Khi đọc chăm chú các chương trước[2], có lẽ bạn đọc đã đoán rằng vài kết luận quan trọng vẫn còn để ngõ. Cuộc tranh luận về oikos và những bàn luận của chúng tôi về các phương pháp của thương mại assyrian cũng như v các thương cảng ở Tây Địa trung hải dường như gợi ý rằng việc nghiên cứu thế giới cổ đại, thế giới đã sản sinh ra nền văn minh Hi lạp rực rỡ, sẽ dành cho chúng ta một sự ngạc nhiên. Sự chờ đợi này hoàn toàn không phải không có lí do vì để đánh giá lịch sử kinh tế Hi Lạp, việc thừa nhận sự vắng mặt của các thị trường ở Babylon thời Hammourabi có những hệ luận hiển nhiên.
Hình ảnh quen thuộc của thành Athens cổ điển phải giải quyết điều có vẻ là một mạng những mâu thuẫn. Kết luận chủ yếu phải là Attica (vùng Athens – ND) không thừa hưởng, như chúng ta hằng tin tưởng vững chắc, những kĩ thuật thương mại được giả định là được phát triển ở Đông phương, nhưng đúng hơn Attica nằm ở cội nguồn của phương pháp thương mại mới, có thị trường. Vì, nếu Babylon và Tyre không phải là, như ngày nay đã rõ, những trung tâm xưa của thị trường tạo ra giá cả thì những yếu tố của thể chế phôi thai này phải thể hiện trong thế giới Hi lạp trong thiên niên kỉ đầu trước công nguyên. Do đó, Hi lạp trong các thế kỉ VI và V, về các khía cạnh chủ yếu, còn ít kinh nghiệm kinh tế hơn những khẳng định của các “nhà nguyên thủy” quyết liệt nhất, trong lúc vào thế kỉ thứ IV bản thân người Hi lạp thiết lập những phương pháp thương mại có lời mà lâu sau này sẽ sản sinh ra sự cạnh tranh thị trường.
Điều này làm nổi bật một khía cạnh của cuộc tranh luận về oikos mà tầm quan trọng bây giờ mới nổi lên. Các “nhà nguyên thủy” chỉ khẳng định rằng cho đến các cuộc chiến chống người Ba tư, Attica không phải là một cộng đồng buôn bán. Họ không phủ nhận rằng vào thế kỉ thứ IV người Phoenicia đã mất ưu thế hàng hải nhường chỗ cho các thủy thủ Hi lạp mà nhờ óc kinh doanh được hỗ trợ bằng những nguồn đi vay trên hàng chuyên chở đã cho phép họ lấn thế các người thầy ngày trước. Hơn nữa, người Lydia đã truyền cho những học trò Hy lạp nghệ thuật thương mại làm lời mà bản thân họ tiếp thu từ các láng giềng ở Tây Lưỡng Hà.
Adam Smith (1723-1790)
Tất cả điều trên sụp đổ nếu Sumer, Babylonia và Assyria cũng như những người kế tục các đế chế trên là người hitite và tyrian có một nền thương mại – điều từ nay không gì nghi ngờ nữa – chủ yếu dưới dạng những “dàn xếp” và qua trung gian những thương gia có quy chế này trong xã hội. Nhưng thế thì, trong trường hợp này, người Hy lạp cũng như người Lydia lấy từ đâu nghệ thuật sáng kiến thương mại cá nhân vốn có phần rủi ro và lợi nhuận mà trong một chừng mực nhất định họ chắc chắn bắt đầu thực hành? Và, nếu họ tìm thấy trong chính bản thân mình những thái độ mới này – dường như đây là kết luận phải rút ra – thì văn chương Hi lạp cung cấp cho chúng ta chỉ dấu nào về sự khủng hoảng các giá trị mà các thái độ này tất đã kéo theo?
Làm sống lại hiện tượng văn hóa của Hi lạp vào thời điểm mấu chốt của bước chuyển từ nền kinh tế sơ khai sang một nền kinh tế nửa thương mại vượt quá năng lực của chúng tôi dù cho bố cục của tác phẩm này không loại trừ toan tính này. Tuy nhiên, có vẻ là phù hợp hơn, và ngay cả là cần thiết, dưới ánh sáng của những hiểu biết mới của chúng ta, nếu theo dõi biến cố này qua tư duy xã hội của nhà tư tưởng bách khoa trong thế giới Hi lạp là Aristotle khi ông bắt gặp lần đầu tiên hiện tượng mà ngày nay ta có thói quen gọi là “kinh tế”.
Sự khinh thường ngày nay gắn với “kinh tế” của Aristotle là một điềm xấu. Rất ít nhà tư tưởng đã gợi nên sự chú ý lâu đến thế bằng ông trên những chủ đề khác nhau được ông đề cập. Thế mà trong một lĩnh vực mà ông đã dành một nỗ lực hiển nhiên và cũng được thừa nhận như một trong những vấn đề sống còn của thế hệ chúng ta là kinh tế, những bộ óc lỗi lạc thời nay xem những bài giảng của ông là không phù hợp và thậm chí là không đúng lúc[3].
Thomas d’Aquin (1225-1274)
Ảnh hưởng của Aristotle, thông qua Tôma Aquino, đến kinh tế của nhà nước trung cổ là so sánh được với ảnh hưởng sau này của Adam SmithDavid Ricardo đến nền kinh tế thế giới trong thế kỉ XIX. Đương nhiên có thể nói rằng với việc thiết lập hệ thống thị trường và sự xuất hiện của những trường phái cổ điển sau này, các học thuyết của Aristotle về kinh tế bị lu mờ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Các nhà kinh tế hiện đại, không nói quanh co, có cảm tưởng là tất cả những gì ông viết về những điều kiện sinh tồn của con người là thiếu vững chắc. Hai chủ đề lớn của ông, về bản chất của kinh tế và về các vấn đề những trao đổi thương mại và giá chính đáng, đều không dẫn đến những kết luận rõ ràng. Theo ông, con người, như bất kì động vật nào khác, một cách tự nhiên có thể tự túc. Do đó nền kinh tế con người không phát sinh từ vô số những khát vọng và nhu cầu của con người, nghĩa là từ sự khan hiếm, để nói theo ngôn ngữ hiện đại. Còn về những vấn đề thực tiễn, tức là các trao đổi thương mại, Aristotle tìm thấy nguồn gốc của chúng trong một kích thích phi tự nhiên để làm giàu. Hiển nhiên rằng sự kích thích này là vô hạn, trong lúc giá cả đáng lí ra phải phù hợp với những quy tắc của công lí (cách trình bày chính xác là không mấy rõ ràng). Ta cũng biết những nhận xét lí thú, dù đáng ngờ về mặt logic, của ông về tiền bạc và những lời kết án nặng nề đáng ngạc nhiên chống việc cho vay có lãi. Các kết luận tầm thường và vụn vặt này được gán cho một thiên kiến ít mang tính khoa học: sự ưa chuộng cho điều phải là hơn là cho điều ấy là. Ví dụ, chủ trương rằng giá cả phải phụ thuộc vào vị thế tương đối trong cộng đồng các đối tác có liên quan trong trao đổi dường như là một điều phi lí.
David Ricardo (1772-1823)
Sự đoạn tuyệt rõ nét trên với toàn bộ tư tưởng thừa hưởng từ Hi lạp cổ điển đáng được chúng ta chú ý nhiều hơn cho đến nay. Tư cách của nhà tư tưởng và tầm quan trọng của chủ đề lẽ ra phải làm chúng ta do dự khi dứt khoát loại bỏ khỏi kinh tế học bài học của Aristotle.
Ở đây, chúng tôi đánh giá khác vị thế của ông, khi nhận xét rằng ông đã đề cập vấn đề sinh kế của con người bằng cách đặt vấn đề từ cơ bản, điều mà không có bất kì lí thuyết gia nào sau này làm được. Chưa ai đi sâu như ông vào tổ chức vật chất trong đời sống con người. Thật vậy, ông đặt vấn đề, trong tất cả các chiều kích của nó, vị trí của kinh tế trong xã hội.
Ta phải quay lùi rất xa về sau để giải thích tư tưởng của Aristotle về điều ta gọi là “kinh tế”, hay lí do thôi thúc ông xem việc sở đắc của cải trong thương mại và giá chính đáng như là những vấn đề chính trị chính. Chúng tôi cũng đồng ý để kết luận rằng lí thuyết kinh tế không thể hi vọng rút ra được gì từ Quyển I của Chính trị lẫn quyển V của Đạo đức Nicomaque. Suy cho cùng, phân tích kinh tế nhằm làm rõ các chức năng của cơ chế thị trường, một thể chế mà Aristotle chưa biết đến.
Hãy nắm bắt cơ sở của lập luận của chúng tôi: các nhà sử học kinh tế đặt sai vị trí của thời cổ đại cổ điển trên thang thời gian dẫn đến thương mại thị trường. Mặc dù có những trao đổi với cường độ cao và sự sử dụng khá tinh vi tiền tệ, đời sống kinh tế Hi lạp nói chung, ở thời Aristotle, còn ở buổi khởi đầu của thương mại thị trường. Phải quy những điểm không chính xác, và đôi lúc thiếu sáng tỏ của Aristotle, không nói đến khoảng cách có thể của triết gia với cuộc sống, cho những khó khăn trình bày trước những tiến bộ thật ra còn mới hơn là cho việc nắm bắt có thiếu sót những cách thực hành mạo xưng là thông dụng ở Hy lạp lúc bấy giờ và được truyền thống ngàn năm của các nền văn minh Đông phương duy trì.
Điều này đặt Hy lạp cổ điển, cho dù sự tiến hóa của một vài thành quốc ở phía tây của Hy lạp sang tập quán thị trường có rõ nét đến đâu, vẫn còn ở rất xa mức những trao đổi thương mại mà sau này người ta gán cho nó. Như vậy, người Hy lạp có lẽ không phải đơn giản là những người sau cùng vay mượn, như người ta từng tự tin khẳng định, những cách thực hành thương mại do các đế chế Đông phương phát triển. Đúng hơn họ là những người đến sau cùng của một thế giới văn minh không có thị trường, do hoàn cảnh buộc phải trở thành những người tiên phong phát triển những phương pháp thương mại hóa mới lúc bấy giờ vừa mới bắt đầu chuyển hướng sang một nền thương mại thị trường.
Tất cả những điều trên, trái với điều người ta lầm tưởng còn lâu mới làm giảm ý nghĩa của tư tưởng Aristotle về những vấn đề kinh tế mà phải làm tăng tầm quan trọng của các vấn đề này. Vì, nếu cách kiến giải của chúng tôi về một Lưỡng Hà “không có thị trường” là phù hợp với các sự kiện, điều không còn lí do gì để nghi ngờ nữa, thì chúng tôi có đủ lí lẽ để tin rằng trong các trước tác của Aristotle ta có được báo cáo của một chứng nhân mục kích một số nét độc đáo của một nền thương mại thị trường đang xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
1. Tính vô danh của kinh tế trong xã hội cổ
Aristotle tìm cách làm chủ về mặt lí thuyết những yếu tố của một hiện tượng xã hội phức tạp mới vào chính ngay lúc ra đời của hiện tượng ấy.
Khi triết gia trước hết ý thức được kinh tế dưới hình thái những trao đổi thương mại và những khác biệt về giá cả thì hình thái này đã được chuẩn bị để bước vào con đường đa dạng dẫn nó đến sự phát triển hai mươi thế kỉ sau. Từ mầm mống này, Aristotle dự cảm khuôn mẫu hoàn tất sẽ như thế nào[4].
Công cụ khái niệm, được chúng tôi đặt thành nguyên lí, để đề cập sự chuyển đổi từ một tồn tại vô danh sang một tồn tại tự chủ là sự phân biệt vị thế được lồng kết hay không của kinh tế vào xã hội. Nền kinh tế không lồng kết của thế kỉ XIX độc lập với phần còn lại của xã hội, đặc biệt với hệ thống kinh tế và chính quyền. Trong một nền kinh tế hàng hóa, việc sản xuất và phân phối những hàng hóa thiết yếu trên nguyên tắc được tiến hành bởi một hệ thống tự điều tiết các thị trường sản sinh ra giá cả. Nền kinh tế này bị chi phối bởi những qui luật riêng của cung và cầu. Động cơ của nó là nỗi sợ thiếu đói và hi vọng có lời. Những tình thế xã hội khuyến khích các cá thể tham gia vào đời sống kinh tế không sinh ra từ những quan hệ họ hàng, ràng buộc pháp lí, nghĩa vụ tôn giáo, sự phục tùng hay ma thuật nhưng từ những thể chế đặc biệt kinh tế như doanh nghiệp tư nhân và hệ thống lương.
Đương nhiên một tình trạng như thế là khá quen thuộc với chúng ta. Trong hệ thống thị trường, phương tiện sinh kế của con người được đảm bảo qua trung gian của những thể chế, các thể chế này được những lí do kinh tế chống đỡ và bị những quy luật hoàn toàn kinh tế chi phối. Có thể quan niệm cơ chế chung rộng lớn của nền kinh tế vận hành không có sự can thiệp có ý thức của con người, Nhà nước hay chính phủ: không cần viện đến bất kì lí do nào khác ngoài nỗi sợ cái nghèo và mong muốn lợi nhuận chính đáng. Không có bất kì đòi hỏi pháp lí nào khác ngoài đòi hỏi bảo vệ quyền sở hữu và thực thi hợp đồng. Với một sự phân phối nguồn lực, sức mua cũng như những thước đo cá nhân về sở thích nhất định, kết quả sẽ là sự thỏa mãn tối ưu nhu cầu của mọi người.
Đây là phiên bản thế kỉ XIX của một lĩnh vực kinh tế độc lập trong lòng xã hội. Động cơ của nó là khác biệt vì lĩnh vực này nhận xung năng từ sự khuyến khích của lợi nhuận tiền tệ. Nó tách biệt về mặt thể chế với trung tâm chính trị và chính quyền. Nó có một sự tự chủ đến độ tự trang bị những luật riêng. Ở đây ta có trường hợp cực đoan của một nền kinh tế không lồng kết bắt nguồn từ việc sử dụng rộng rãi tiền tệ như phương tiện trao đổi.
Bronisław Malinowski (1884-1942)
Theo bản chất của sự việc, tiến hóa của một nền kinh tế lồng kết sang một nền kinh tế không lồng kết là một vấn đề cấp độ. Tuy nhiên, sự phân biệt là cơ bản để hiểu xã hội đương đại. Vào những năm 1820, Hegel là người đầu tiên nêu lên vấn đề cơ sở xã hội của xã hội hiện đại, được Marx phát triển trong những năm 1840. Khám phá thực nghiệm, về mặt lịch sử, là do huân tước Summer Maine, người vào khoảng 1860, dựa trên những phạm trù của luật La mã là statuscontractus. Cuối cùng. Bronislas Malinowski trong những năm 1920, trình bày lại trường hợp này bằng những khái niệm chi tiết hơn và đầy đủ hơn của nhân học kinh tế.
Huân tước Summer Maine bắt đầu chứng minh rằng xã hội hiện đại đặt cơ sở trên contractus (hợp đồng), trong lúc xã hội cổ xưa dựa trên status (cương vị). Sự ra đời ấn định status – vị thế của một người trong gia đình – cương vị này xác định những quyền và nghĩa vụ của một người. Cương vị này bắt nguồn từ dòng họ và việc nhận con nuôi, được duy trì trong chế độ phong kiến và, với vài thay đổi, cho đến tận thời kì bình đẳng giữa các công dân, như đã từng tồn tại trong thế kỉ XIX. Nhưng ngay trong luật La mã, status dần dần nhường chỗ cho contractus, nghĩa là cho những quyền và nghĩa vụ bắt nguồn từ những dàn xếp song phương. Sau này, Maine phát hiện tính phổ cập của tổ chức theo cương vị trong trường hợp của những cộng đồng làng xã ở Ấn Độ.  
Ferdinand Tönnies (1855-1936)
Tại Đức, huân tước Summer Maine có một môn đồ là Ferdinand Tönnies. Tác phẩm Cộng đồng và xã hội (Gemeinschaft und Gesellschaft) tóm tắt quan niệm của ông. Cộng đồng ứng với status và xã hội ứng với contractus. Max Weber hay sử dụng từ Gesellschaft theo nghĩa nhóm thuộc kiểu hợp đồng và Gemeinschaft theo nghĩa nhóm thuộc kiểu cương vị. Như vậy phân tích riêng của ông về vị trí của kinh tế trong xã hội, mặc dù đôi lúc chịu ảnh hưởng của Mises, mang dấu ấn của Marx, Maine và Tönnies.
Max Weber (1864-1920)
Tuy nhiên nghĩa liên tưởng mang tính cảm xúc gắn với các từ statuscontractus, cũng như với các từ đối xứng “cộng đồng” và “xã hội” khác nhau rất nhiều trong tác phẩm của Maine và của Tönnies. Đối với Maine, thân phận của nhân loại trước contractus đơn giản tượng trưng cho thời kì tăm tối của chủ nghĩa bộ lạc. Theo ông việc đưa hợp đồng vào đã giải phóng con người khỏi sự nô lệ vào status. Cảm tình của Tönnies hướng về sự thân quen của cộng đồng, đối lập với tính phi nhân cách của xã hội có tổ chức. Đối với ông, “cộng đồng” tượng trưng cho tình thế lí tưởng trong đó đời sống con người được bao bọc trong một tập những trải nghiệm chung trong lúc “xã hội”, theo ông, chưa bao giờ xa cách lắm với cash nexus của Thomas Carlyle. Lí tưởng của Tönnies là phục hồi cộng đồng, tuy nhiên không phải cộng đồng ở giai đoạn tiền xã hội của quyền uy và chủ nghĩa gia trưởng mà là một cộng đồng tiếp sau nền văn minh hiện tại của chúng ta. Ông hình dung cộng đồng này như một giai đoạn hợp tác trong đời người, bảo toàn những lợi thế của tiến bộ kĩ thuật và của tự do cá nhân, đồng thời vừa phục hưng toàn bộ cuộc sống.
Thomas Carlyle (1795-1881)
Nhiều nhà trí thức châu Âu chấp nhận quan điểm về tiến hóa của nền văn minh con người của những Hegel, Marx, Maine và Tönnies như một tóm tắt lịch sử xã hội. Trong một thời gian dài, sự tiến triển trên con đường họ mở ra bằng số không. Maine đã xử lí chủ đề, kể cả những hình thái hợp tác xã quan sát được trong nông thôn Ấn Độ, chủ yếu như là thuộc về lịch sử luật pháp: xã hội học của Tönnies làm sống lại những nét lớn của nền văn minh trung cổ. Phải đợi đến sự điều chỉnh cơ bản của Malinowski về bản chất của xã hội nguyên thủy thì phản đề trên mới được áp dụng vào kinh tế học. Ngày nay có thể nói rằng status hay Gemeinschaft thống trị nơi nào mà kinh tế được lồng kết vào những thể chế phi kinh tế: contractus hay Gesellschaft đặc trưng cho sự tồn tại trong xã hội của một nền kinh tế có những động cơ đặc thù.
Dễ dàng nhận thấy vì sao bằng khái niệm hợp nhất. Contractus là khía cạnh pháp lí của trao đổi. Do đó không gì ngạc nhiên là một xã hội đặt cơ sở trên contractus có một lĩnh vực kinh tế trao đổi với những thể chế độc lập và động cơ riêng, nghĩa là một lĩnh vực của thị trường. Mặt khác, status tương ứng với một trạng thái nguyên thủy hơn mà về đại thể đi cùng với sự tương hỗ và tái phân phối. Ngày nào các hình thái hợp nhất ấy còn thắng thế thì không cần thiết phải có quan niệm về kinh tế. Trong trường hợp này, những yếu tố của kinh tế được lồng kết trong những thể chế phi kinh tế, bản thân quá trình kinh tế được phát triển thông qua gia đình, hôn nhân, các nhóm tuổi tác, những hội kín, hiệp hội totem và trong những nghi thức của đời sống tập thể. Ở đây, thành ngữ “đời sống kinh tế” không có bất kì ý nghĩa rõ ràng nào cả.
Những cộng đồng nguyên thủy thường là những trường hợp gây ấn tượng mạnh về trạng thái trên, làm hoang mang đầu óc của người hiện đại. Trong phần lớn các trường hợp, gần như là người quan sát không thể nắm bắt những yếu tố của quá trình kinh tế và phối hợp chúng với nhau. Cảm xúc của cá thể không chuyển tải bất kì kinh nghiệm nào giúp con người nhận diện được kinh nghiệm ấy là có tính “kinh tế”. Đơn giản vì không có lợi ích có hệ thống nào liên quan đến sinh kế của con người, và được nhìn nhận đúng như thế, hiện ra cho ý thức con người. Tuy nhiên sự thiếu vắng một quan niệm hóa như vậy dường như không gây lúng túng cho con người trong công việc hằng ngày. Đúng hơn nên tự hỏi là phải chăng việc ý thức một lĩnh vực kinh tế sẽ có xu hướng làm giảm khả năng phản ứng tự phát của con người trước những đòi hỏi của sự sinh tồn, vốn được tổ chức, nói chung, theo những nhận định phi kinh tế.
Đó là kết quả của cách mà, trong trường hợp này, kinh tế được thiết chế. Thường những động cơ được cá nhân ý thức và thể hiện bắt nguồn từ những tình thế do những sự kiện phi kinh tế có tính gia đình, chính trị, tôn giáo xác định. Vị thế của gia đình kinh tế thu nhỏ không biểu trưng gì khác hơn là điểm gặp nhau của những hoạt động được những nhóm quan trọng hơn của dòng họ tiến hành ở nhiều nơi: đất đai có thể được dùng chung như bãi chăn thả, hoặc giao cho những thành viên thuộc những nhóm khác nhau để sử dụng theo những cách khác nhau: lao động chỉ là sự trừu tượng hóa đơn giản “được yêu cầu” mà những ê-kíp hỗ trợ khác nhau cung cấp trong những điều kiện nhất định: bởi thế, bản thân quá trình tuân thủ những thói quen của những cấu trúc khác nhau.
Do đó, trước thời kì hiện đại, con người ít chú ý những phương tiện sinh tồn của bản thân bằng đến những khía cạnh khác của sự tồn tại có tổ chức của mình. Người ta không nói đến kinh tế vì bản thân nó trong lúc gia đình, ma thuật hay nghi lễ bị qui định bằng những mệnh lệnh mạnh mẽ. Nói chung, không có từ nào để chỉ ý tưởng kinh tế. Trong chừng mực mà ta có thể đánh giá, không có khái niệm này. Thị tộc và totem, giới tính và nhóm tuổi, quyền lực tinh thần và những cách thực hành nghi thức, tập quán và tục lệ được sắp xếp theo những hệ thống biểu tượng cực kì tinh vi trong lúc kinh tế không được chỉ định bởi bất kì từ nào chứa đựng ý cung cấp cho sự nuôi dưỡng cơ thể con người. Đây không phải đơn giản là một điều ngẫu nhiên nếu, cho đến thời kì rất gần đây, không hề có một từ trong ngôn ngữ của các dân tộc văn minh để tóm tắt sự tổ chức những điều kiện vật chất của cuộc sống. Chỉ hai trăm năm trước đây, những nhà tư tưởng Pháp của một giáo phái bí truyền sáng tạo ra thuật ngữ và tự nhận là những nhà kinh tế. Họ khẳng định là đã khám phá ra kinh tế.
Lí do chính của của sự thiếu vắng mọi khái niệm kinh tế là do khó khăn để nhận diện quá trình kinh tế khi quá trình này được lồng kết trong những thể chế phi kinh tế.
Hiển nhiên rằng duy chỉ khái niệm kinh tế là vắng mặt, chứ không phải bản thân kinh tế. Tự nhiên và xã hội có dồi dào những thay đổi địa điểm và chuyển động sở hữu tạo thành phần chủ yếu của cuộc sống con người. Các mùa mang đến những vụ gặt với nỗi nhọc nhằn và thư giãn: thương mại đường xa có nhịp điệu của nó: chuẩn bị, tập hợp và lễ hội kết thúc khi những thương gia mạo hiểm trở về: và tất cả những loại sản phẩm chế tạo, cho dù đó là con thuyền hay vật trang trí quý báu được làm ra và cuối cùng do những nhóm người khác nhau sử dụng: mỗi ngày trong tuần, thức ăn được chế biến trong gia đình. Mỗi biến cố đặc biệt tất yếu gồm có một số những yếu tố kinh tế. Mặc dù vậy, tính thống nhất và chặt chẽ của các sự kiện trên không có âm vang nào trong ý thức con người. Vì chuỗi những tương tác diễn ra giữa con người và thiên nhiên và giữa con người với nhau thường hàm chứa những ý nghĩa khác nhau mà khía cạnh kinh tế chỉ là một yếu tố. Những khía cạnh khác ấn tượng hơn, bi kịch hơn hay quan trọng hơn về mặt cảm xúc có thể can dự và ngăn cản những chuyển động kinh tế hình thành một tổng thể có ý nghĩa. Trong lúc những lực khác được hợp nhất trong những thể chế thường trực thì khái niệm kinh tế gây hoang mang cho cá thể hơn là soi sáng nó. Nhân học chứng minh điều này cho ta bằng nhiều ví dụ.
1) Khi không thể đồng nhất lãnh địa sinh sống của con người với một khía cạnh rõ ràng nào đó của kinh tế thì nơi cư trú – căn nhà và môi trường nhạy cảm của nó – ít có tầm quan trọng kinh tế. Thường điều đó xảy ra khi chuyển động của những quá trình kinh tế khác nhau gặp nhau tại một địa điểm duy nhất trong lúc những chuyển động cùng thuộc về một quá trình duy nhất được phân phối giữa một số địa điểm không có quan hệ gì với nhau.
Margaret Mead (1901-1978)
Margaret Mead[5] mô tả cách một người Arapesh, nói tiếng papoue, sống ở New Guinea, hình dung môi trường vật chất của mình như sau: “Do đó một người Arapesh điển hình sẽ sống, ít ra ở một số thời điểm, (vì mỗi người sống trong hai hay ba thôn, cũng như trong những cái chòi xây trong vườn, trên những địa điểm săn bắn hay gần những cây cọ sagou), trên một mảnh đất không thuộc sở hữu của mình. Xung quanh nhà, người vợ anh nuôi những con lợn của bố mẹ mình hay của bố mẹ chồng. Gần nhà, và cũng thuộc về những người khác, có những cây dừa và cây trầu mà anh không bao giờ đụng đến được trái cây nếu không được phép của chủ nhân hay của người được chủ nhân cho quyền thụ hưởng hoa quả. Ở rừng, ít ra vào một số lúc, anh đi săn trên đất của người anh/em vợ hay của anh/em họ: thời gian còn lại, cùng với những đồng nghiệp khác anh săn trên đất của mình, nếu có. Anh trồng những cây cọ sagou trên những cánh rừng sagou thuộc về người khác, cũng như trên những cánh rừng sagou thuộc về mình. Trong nhà anh, những sản phẩm cá nhân có giá trị thường xuyên, như các nồi lớn, những đĩa có hoa văn tinh tế, những cây lao tốt nhất đã được phân cho các con trai, cho dù chúng mới đi chập chững. Con lợn hay các con lợn của anh ở rất xa, trong những thôn khác, các cây cọ của anh mằm rải rác cách đó năm cây theo hướng này và ba cây theo hướng khác: các cây sagou của anh còn ở xa hơn nữa và những mảnh đất trồng trọt của anh nằm nơi này nơi khác, phần lớn trên đất của người khác. Nếu có thịt hun khói trên bếp lửa, thì đó là thịt con vật do một người khác giết được người anh/em, anh/em vợ, cháu, v.v. tặng và trong trường hợp này anh ta có thể ăn cùng với gia đình, hoặc đó là thịt một con vật do chính anh giết và hun khói để tặng cho ai đó, vì ăn thịt do chính mình săn, dù cho đó chỉ là một con chim nhỏ, là một tội ác mà chỉ những kẻ thiểu năng đạo đức, vốn đối với người Arapesh thường là những kẻ tâm thần, mới phạm phải. Nếu ngôi nhà trong đó anh sống thuộc về anh trên danh nghĩa thì nó được xây dựng, ít ra là một phần, bằng những cây cột và tấm ván của nhà những người khác đã bị phá đi hay tạm thời bỏ trống, mà anh đã mượn gỗ để xây lên. Anh không cưa những thanh rui theo chiều kích của nhà mình nếu chúng quá dài, để trong trường hợp sau này người khác còn có thể cần dùng khi xây dựng một căn nhà có dạng và kích thước khác […] Hình ảnh những mối liên hệ kinh tế bình thường của con người là như thế đó[6]”.
Tính phức tạp của những quan hệ xã hội giải thích các sự kiện hằng ngày là đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, chính nhờ những quan hệ như thế, vốn quen thuộc với mình, những quan hệ đan xen và triển khai ý nghĩa của chúng qua trải nghiệm bản thân mà người Arapesh có khả năng định vị mình trong một tình thế kinh tế mà các yếu tố nằm tản mạn trong cả tá những quan hệ xã hội có tính phi kinh tế.
Như thế là đã đủ cho khía cạnh phân định tình thế của quá trình kinh tế trong đó sự tương hỗ là nổi trội.
2) Một lí do quan trọng khác của sự thiếu vắng hiệu ứng hợp nhất kinh tế trong xã hội nguyên thủy là vì kinh tế không được lượng hóa. Trên nguyên tắc, người nào có 10 đôla không gán một cái tên khác cho mỗi đôla nhưng xem chúng như những đơn vị thay thế lẫn nhau được, cộng hay trừ nhau. Không có sự dễ dàng trong thao tác này, làm chỗ dựa cho ý nghĩa của các thuật ngữ như “quỹ” hay “cân đối thu hoạch và mất mát” thì ý niệm kinh tế sẽ mất đi mục đích thực tiễn. Ý niệm này sẽ không thành công trong việc đưa hành vi vào kỉ luật, tổ chức và hỗ trợ nỗ lực. Quá trình kinh tế không tạo ra điều này một cách tự động. Việc các vấn đề phương tiện sinh kế có thể được tính toán chỉ đơn giản là kết quả của cách chúng được thiết chế.
Ví dụ, nền kinh tế trên các đảo Trobriand được tổ chức theo nguyên lí quà tặng/quà đáp trả thường xuyên: tuy nhiên không thể lập một bảng tổng kết tài sản hay sử dụng khái niệm “quỹ”. Sự tương hỗ đòi hỏi một đáp trả thích hợp chứ không phải là một đẳng thức toán học. Do đó, không thể tập hợp các giao dịch và quyết định với một độ chính xác nào theo quan điểm kinh tế, nghĩa là theo cách mà chúng ảnh hưởng đế việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất. Các con số, nếu có, không tương ứng với các sự kiện. Bất luận ý nghĩa kinh tế nào của một sự kiện thì không có cách nào để đánh giá tầm quan trọng tương đối của nó.
Malinowski lập một danh sách những quà tặng/quà đáp trả, từ quà tặng tự do đến hàng đổi hàng thương mại thuần túy. Sự phân bổ các “quà tặng, chi trả và giao dịch” của ông được tiến hành theo bảy loại được ông đặt trong sự tương quan với những quan hệ xã hội mà trong mỗi quan hệ ấy có sự can dự của mỗi loại. Người ta đếm được tám quan hệ xã hội. Kết quả phân tích của ông là có ý nghĩa.
- Loại những “quà tặng tự do” là ngoại lệ, vì lòng từ thiện là không cần thiết lẫn không được khuyến khích, và ý niệm quà bao giờ cũng đi liền với ý niệm quà đáp trả phù hợp (nhưng không với ý niệm tương đương). Ngay cả những “quà tặng tự do” thật sự được kiến giải như những quà đáp trả tiếp sau một dịch vụ được giả định nào đó cung cấp cho người tặng. Malinowski nhận xét rằng “chắc chắn là người bản địa không xem rằng các quà tặng tự do đều có cùng một bản chất giống nhau”. Khi mà ý niệm “mất trắng” không tồn tại thì không thể áp dụng phép tính nhằm cân đối một ngân sách.
- Trong loại những giao dịch, chúng ta cũng gặp một sự kiện khác gây hoang mang. Theo quan niệm của chúng ta, đây là một loại gần như đồng nhất với thương mại. Thật ra không phải là thế. Một cách ngẫu nhiên, trao đổi được thể hiện bằng sự qua lại của một đồ vật giống đúc giữa các đối tác, và điều này tước đi mọi ý nghĩa kinh tế hình dung được của sự trao đổi. Từ việc đơn giản rằng con lợn quay trở về với người tặng, cho dù qua một đường vòng, thì sự trao đổi của những vật tương đương, thay vì hướng đến tính duy lí kinh tế, tỏ ra là một đảm bảo chống lại sự đột nhập của những nhận định duy lợi. Mục đích duy nhất của trao đổi là thắt chặt mạng những quan hệ bằng cách củng cố các mối liên hệ hỗ tương.
- Hàng đổi hàng có tính duy lợi khác với mọi loại trao đổi hiện vật với nhau. Trong lúc trên nguyên tắc có một sự tương đương giữa các bên khi, ví dụ, những trao đổi theo tập quán cá để lấy củ cải gặp cảnh đánh bắt xấu hay mùa màng xấu làm giảm lượng hàng cung cấp, thì việc đổi cá lấy củ cải dưới dạng hàng đổi hàng ít nhất đưa vào một vẻ mặc cả. Hơn nữa đặc trưng của nó là sự thiếu vắng của những đối tác ưu tiên, và nếu đó là những sản phẩm được chế tạo thì còn bị hạn chế vào duy nhất các sản phẩm mới, vì một giá trị cá nhân có thể được gán cho những đồ vật đã qua sử dụng.  
- Trong nội bộ những quan hệ được xác định về mặt xã hội, vốn là rất nhiều, thường trao đổi có tính bất bình đẳng, như các trường hợp này đòi hỏi. Như vậy, những chuyển động chiếm hữu sản phẩm và dịch vụ thường được tổ chức nhằm làm cho các giao dịch là không thể đảo ngược và nhiều sản phẩm là không thể đổi lấy cho nhau.
Như vậy khó mà chờ đợi là có sự tham gia của một yếu tố định lượng vào lĩnh vực to lớn này của những cách thức mưu sinh được tập hợp dưới tên gọi “quà tặng, chi trả và giao dịch”.
3) Một khái niệm quen thuộc khác không áp dụng được vào những điều kiện nguyên thủy là khái niệm sở hữu, theo nghĩa thụ hưởng những đồ vật nhất định. Bởi thế không thể liệt kê chính xác những sản phm được sở hữu. Ở đây, chúng ta đứng trước những quyền khác nhau của những người khác nhau đối với cùng một đồ vật. Sự phân mảnh này phá vỡ tính thống nhất của đồ vật dưới khía cạnh việc sở hữu nó. Trên nguyên tắc, chuyển động sở hữu không áp dụng cho một đồ vật trong tổng thể của nó, ví dụ, cho một mảnh đất, mà chỉ cho những cách sử dụng có thể của mảnh đất ấy và như vậy tước bỏ tính xác đáng của khái niệm sở hữu đối với các đồ vật.
4) Trong các cộng đồng được tổ chức theo quan hệ gia đình, những giao dịch kinh tế, theo nghĩa hẹp của thuật ngữ này, hầu như không được đặt ra. Thời cổ xưa, các giao dịch là những hành động công khai liên quan đến cương vị của con người hay đến những đối tượng di động: cô dâu, người vợ, con trai, kẻ nô lệ, con bò, chiếc thuyền. Trong các dân tộc định cư, những thay đổi quy chế của một mảnh đất cũng được xác nhận công khai. 
Đương nhiên là các giao dịch này, ảnh hưởng đến một cương vị, có nhiều hệ lụy kinh tế quan trọng. Việc tán tỉnh, đính hôn và đám cưới, việc nhận con nuôi và sự trưởng thành đi kèm với những sản phẩm, trong một số trường hợp là tức thì và một số khác là ở một thời điểm trong tương lai. Bất luận ý nghĩa kinh tế của những giao dịch ấy là như thế nào thì nó cũng đứng ở hàng sau so với việc xác định vị thế của các cá nhân trong bối cảnh xã hội. Như vậy, bằng cách nào những giao dịch liên quan đến các sản phẩm cuối cùng lại tách biệt với những giao dịch điển hình về gia đình liên quan đến con người?
Ngày nào mà duy chỉ những vài sản phẩm gắn với một cương vị, như đất đai, gia súc, nô lệ mới có thể chuyển nhượng được thì không có bất kì nhu cầu giao dịch kinh tế nào một khi việc chuyển nhượng các sản phẩm này đi kèm với việc thay đổi cương vị, trong lúc việc chuyển nhượng sản phẩm mà không đi cùng với một sự thay đổi như thế sẽ không được cộng đồng chấp nhận. Mặt khác, không có bất kì ước lượng kinh tế nào có thể dễ dàng gắn với những sản phẩm mà sự tồn tại gắn kết không thể tách rời với vận mệnh của chủ nhân chúng.
Trong thời cổ xưa, các giao dịch tách biệt liên quan đến các sản phẩm giới hạn vào hai giao dịch quan trọng nhất là đất đai và nhân công. Do đó, chính những “sản phẩm” cuối cùng trở thành tự do chuyển nhượng lại là những đối tượng đầu tiên của những giao dịch giới hạn. Giới hạn theo nghĩa là trong một thời gian dài, đất đai và nhân công còn thuộc về mạng lưới xã hội và không thể bị tùy tiện huy động mà không phá vỡ mạng này. Đất đai lẫn con người tự do không thể bị buôn bán dứt điểm. Việc chuyển nhượng hai đối tượng này là có điều kiện và tạm thời. Chưa bao giờ sự chuyển nhượng đi đến mức thành một chuyển nhượng tuyệt đối về sở hữu. Trong số những giao dịch kinh tế tiến hành trong thành phố bộ lạc-phong kiến Arrapha bên bờ sông Tigris vào thế kỉ XIV trước công nguyên thì những giao dịch liên quan đến đất đai và nhân công soi sáng vấn đề này. Ở Nuzi, sở hữu đất đai cũng như con người thuộc về các cộng đồng – thị tộc, gia đình, làng. Duy việc thụ hưởng mới được chuyển nhượng. Câu chuyện bi đát kể việc Abraham mua mộ của người Hitite cho thấy khía cạnh ngoại lệ, vào thời kì bộ lạc, của việc chuyển nhượng sở hữu đất đai.
Điều đặc biệt là việc chuyển nhượng “chỉ sự thụ hưởng” lại có tính “kinh tế” hơn việc chuyển nhượng sở hữu. Những lí do về uy thế và những nhân tố xúc cảm có thể ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi sở hữu: còn trong việc chuyển nhượng sự thụ hưởng, yếu tố duy lợi thắng thế. Dùng từ vựng hiện đại, có thể nói rằng lãi suất, tượng trưng cho giá của sự thụ hưởng trong một khoảng thời gian, là một trong những số lượng kinh tế đầu tiên được xác lập.
Cuối cùng sợi tóc kinh tế mong manh có thể tách rời ra khỏi giao dịch gắn với vấn đề cương vị mà điểm quy chiếu là một cá nhân. Như vậy chỉ riêng yếu tố kinh tế có thể được trao qua tay khác, giao dịch được ngụy trang dưới vẻ một giao dịch gắn với cương vị, tuy nhiên bề ngoài này là giả tạo. Do việc bán đất đai cho những người ngoài thị tộc bị cấm nên những quyền còn lại của thị tộc để đòi hỏi đất đai nơi người mua có thể bị vô hiệu hóa bằng những thủ tục hợp pháp. Một trong những thủ tục này là việc kết nạp giả tạo người mua hay sự đồng ý giả tạo của các thành viên trong thị tộc để bán.
Như đã thấy, một cách khác để tiến đến những giao dịch kinh tế độc lập là thông qua chỉ “sự thụ hưởng” thôi, và như thế cố ý duy trì những quyền sở hữu còn lại của thị tộc hay gia đình. Người ta đạt được cùng mục đích ấy bằng việc trao đổi lẫn nhau sự “thụ hưởng” những đồ vật khác nhau, mà vừa đảm bảo sự quay về của chính các đồ vật đó.
Hình thức thế chấp (prasis epi lusei) cổ điển ở Athens có nhiều khả năng là một sự chuyển nhượng tương tự của chỉ “sự thụ hưởng” thôi, nhưng để (một cách đặc biệt) con nợ ở nguyên trạng mà vẫn bảo đảm cho chủ nợ một phần thu hoạch mùa màng như tiền lãi. Chủ nợ bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đặt một phiến đá khắc tên mình và số tiền nợ, nhưng không ghi lãi suất và ngày trả nợ. Nếu cách kiến giải này về horos của Attica là có giá trị, thì mảnh đất được ổn thỏa thế chấp trong một thời gian vô hạn định đổi lấy việc tham gia vào thu hoạch. Sự vỡ nợ và sau đó là xiết nợ hiếm khi xảy ra: trong trường hợp tịch thu đất của con nợ hay phá sản của toàn gia đình.
Trong hầu hết các trường hợp, việc chuyển giao tách riêng sự “thụ hưởng” nhằm củng cố các quan hệ gia đình và thị tộc và những mối ràng buộc xã hội, tôn giáo và chính trị. Như vậy việc khai thác kinh tế sự “thụ hưởng” trở thành tương hợp với tính có qua có lại thân tình của các mối liên hệ này. Nó duy trì sự kiểm soát của cộng đồng trên những dàn xếp giữa các thành viên riêng lẻ. Cho tới đây, yếu tố kinh tế mới chớm đưa quyền của mình vào trong các giao dịch kinh tế.
Plato (429-347)
5) Trong nhiều xã hội cổ đại, điều làm nên sự giàu sang không phải là sản phẩm mà những dịch vụ cung ứng bởi những nô lệ, người giúp việc và phục vụ. Nhưng làm cho con người chấp nhận sự phục tùng như một hệ quả của cương vị họ là một mục đích của quyền lực chính trị (đối lập với quyền lực kinh tế). Với sự gia tăng của những yếu tố vật chất gây thiệt thòi cho những yếu tố phi vật chất của sự giàu có, phương pháp kiểm soát chính trị mất lợi thế và nhường chỗ cho sự kiểm soát gọi là kinh tế. Người nông dân Hesiod nói đến tiết kiệm và nông nghiệp vài thế kỉ trước khi các triết gia quý tộc, Plato và Aristotle, biết đến các bộ môn xã hội khác hơn là chính trị học. Hai ngàn năm sau, ở Tây Âu, một giai cấp trung lưu mới sản xuất những hàng hóa dồi dào và biện hộ cho “kinh tế” chống lại những ông chủ phong kiến. Một thế kỉ sau, giai cấp công nhân của một thời đại công nghiệp thừa hưởng phạm trù này như một công cụ cho sự giải phóng chính mình. Giai cấp quý tộc tiếp tục độc quyền chính quyền và khinh bỉ việc sản xuất hàng hóa. Do đó, ngày nào việc chế ngự nhân công vẫn là một yếu tố thống trị của sự giàu có thì kinh tế chỉ tồn tại một cách mơ hồ.
6) Trong triết lí của Aristotle, ba lợi thế của sự thịnh vượng là danh vọng và uy tín, sự an ninh sống còn và an toàn cơ thể, sự giàu có. Lợi thế thứ nhất kéo theo đặc quyền và sự thần phục, vị thế và sự có mặt: lợi thế thứ hai bảo đảm chống lại những kẻ thù xưng danh hay ẩn mặt, sự phản bội và nổi loạn, chống lại sự nổi dậy của nô lệ, sự ngạo mạn của kẻ có quyền lực và ngay cả bảo vệ chống lại cánh tay của pháp luật: lợi thế thứ ba, tức sự giàu có, tượng trưng cho hạnh phúc được sở hữu, đặc biệt là sở hữu di sản, hay những vật có giá trị. Tất nhiên, thường ai có được danh dự và sự an ninh đều hưởng được những sản phẩm có ích, như thực phẩm và của cải vật chất, nhưng sự vinh quang làm lu mờ sản phẩm. Mặt khác, sự nghèo khổ, đi cùng với một cương vị thấp kém và tất yếu kéo theo phải lao động để sống, và thường là theo mệnh lệnh của người khác. Mệnh lệnh càng khắc nghiệt thì thân phận càng khốn nạn. Chính việc phục tùng những cái ngông và mệnh lệnh cá nhân của một người khác, chứ không phải lao động tay chân  – như sự kính trọng dành cho thân phận chủ nông trại chứng minh – mới quyết định sự miệt thị đối với tôi tớ. Một lần nữa, sự kiện kinh tế thuần túy, tức thu nhập thấp kém, bị che khuất.
7) Các agatha là những lợi thế lớn nhất, đáng mong muốn nhất và hiếm nhất trong cuộc đời. Thật ra điều ngạc nhiên là bối cảnh đặt ta đối diện với khía cạnh các sản phẩm mà lí thuyết hiện đại xem là tiêu chí của “kinh tế”, tức là sự khan hiếm. Vì nếu chúng ta xem xét những lợi thế với một tinh thần sáng suốt, điều gây ấn tượng là nguồn gốc của sự “khan hiếm” những lợi thế này vô cùng khác với nguồn gốc mà nhà kinh tế làm chúng ta giả định. Đối với nhà kinh tế, sự khan hiếm phản ảnh hoặc sự dè sẻn của thiên nhiên, hoặc là gánh nặng lao động mà việc sản xuất đòi hỏi. Nhưng trong hai lí do này không có bất kì lí do nào biện minh được cho sự khan hiếm của những danh dự lớn nhất và ưu đãi cao nhất. Những danh vọng và ưu đãi này là giới hạn đơn giản vì không có nhiều chỗ trên đỉnh của kim tự tháp. Sự khan hiếm các agatha gắn liền với thứ bậc, quyền miễn trừ và sự giàu sang, chúng sẽ không còn là những agatha nữa nếu nhiều người tiếp cận được. Điều này giải thích sự vắng bóng, trong xã hội nguyên thủy, của “ý liên tưởng kinh tế’ trong sự khan hiếm, cho dù các sản phẩm có ích có khan hiếm hay không. Những lợi thế đặc biệt không phụ thuộc vào cấp độ này. Như vậy nguồn gốc của sự khan hiếm thuộc về một trật tự phi kinh tế của sự vật.
8) Việc tự cung tự cấp của một nhóm người chỉ tìm cách tồn tại được đảm bảo khi “cái cần thiết” về mặt vật chất là sẵn có. Cái cần thiết này chỉ những vật cho phép sống còn và được tồn kho, nghĩa là giữ lâu được. Lúa, rượu và dầu ăn là những chrèmata, len và một số kim loại cũng thế. Mỗi người dân của thành quốc và mỗi thành viên của gia đình phải dựa trên chính bản thân trong trường hợp đói hay chiến tranh. Số lượng “nhu cầu” của gia đình hay của thành quốc tượng trưng cho cái cần thiết khách quan. Hộ gia đình là đơn vị tiêu dùng nhỏ nhất, polis là đơn vị tiêu dùng lớn nhất. Trong cả hai trường hợp “cái cần thiết” do những chuẩn của cộng đồng xác định. Từ đó có ý niệm số lượng giới hạn về thực chất của những vật cần thiết. Ý tưởng này rất gần với ý tưởng “khẩu phần”. Một khi những vật tương đương được xác định bằng phong tục hay luật pháp chỉ cho các sản phẩm mưu sinh, được dùng trong thực tế làm đơn vị thanh toán hay lương thì ý niệm “số lượng cần thiết” được kết hợp với những lương thực cơ bản thường lưu trong kho. Vì những lí do thao tác, các ý niệm về ham muốn và nhu cầu không giới hạn của con người – hệ quả logic của sự “khan hiếm” – hoàn toàn xa lạ với cách tiếp cận này.
Đó là một vài lí do chủ yếu trong một thời gian dài đến thế đã cản trở sự ra đời của một trường đặc biệt quan tâm đến kinh tế. Ngay cả đối với một nhà tư tưởng chuyên nghiệp, việc con người phải ăn để sống dường như không đáng là đối tượng của suy tưởng lí thuyết.
2. Những trực giác của Aristotle
Dường như có vẻ là điều nghịch lí khi giả định rằng kết luận về bản chất của đời sống kinh tế thuộc về một nhà tư tưởng vừa biết đến buổi ban đầu mới chớm nở của đời sống này. Tuy nhiên, Aristotle sống vào lúc ra đời của thời đại kinh tế ở một vị thế thuận lợi để nắm bắt bản chất vấn đề.
Vả lại điều này có thể giải thích vì sao, ngày nay, đứng trước một thay đổi vị trí của kinh tế trong xã hội, so sánh được về mặt tác động với sự thay đổi diễn ra vào thời Aristotle khi thương mại thị trường lên ngôi, ta có thể xem xét trong hiện thực trần trụi của nó những trực giác của Aristotle về những mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội.
Do đó, chúng tôi có đủ lí do để tìm trong các công trình của Aristotle, những chủ đề về các vấn đề kinh tế, vững chắc và có ý nghĩa hơn những chủ đề được gán cho ông trong quá khứ. Thật ra những disjecta membra (đoạn rời rạc) của Nicomachean Ethics và của Politics là một thể tư duy cực kì thống nhất.
Khi Aristotle bàn về một vấn đề kinh tế, ông cố gắng phát triển liên hệ vấn đề này với xã hội được quan niệm như một tổng thể. Khung qui chiếu là chính ngay cộng động, tồn tại ở những cấp độ khác nhau trong tất cả các nhóm con người đang hoạt động. Do đó, nói theo cách hiện đại, Aristotle đề cập những vấn đề con người theo cách xã hội học. Bằng cách xác định một trường nghiên cứu, ông nối kết tất cả những vấn đề có một nguồn gốc và một chức năng thể chế với toàn bộ xã hội. Cộng đồng, tự cung tự cấp và công bằng là những khái niệm then chốt. Nhóm hoạt động hợp thành một cộng đồng (koinomia) mà những thành viên được hợp nhất bởi quyết định của họ (philia). Cho dù đó là oikos, polis hay mọi cộng đồng nào khác, bao giờ cũng có một kiểu philia riêng cho koinomia ấy mà nếu không có nó nhóm không thể tồn tại. Philia được thể hiện bằng một ứng xử có qua có lại (antipeponthos[7]), là một khuynh hướng luân phiên nhau đảm nhận trách nhiệm và chia sẻ cùng nhau. Tất cả những gì cần thiết cho tính liên tục và sự duy trì cộng đồng, kể cả tính tự cung tự cấp của cộng đồng (autarkeia), là “tự nhiên” và tự nó là công bằng. Có thể nói rằng tự cung tự cấp là năng lực tồn tại mà không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Sự công bằng (trái ngược với quan niệm chúng ta) kéo theo là các thành viên cộng đồng ở trong thế bất bình đẳng. Điều đảm bảo cho công bằng, trong việc phân phối những lợi thế của đời sống, phân giải các cuộc xung đột hay giải quyết những dịch vụ hỗ tương, được xem là tốt do cần thiết cho sự liên tục của nhóm. Do đó tính chuẩn tắc không tách rời với hiện thực.
Các chỉ dẫn sơ lược trên về toàn bộ hệ thống cho phép chúng ta làm nổi lên những quan niệm của Aristotle về thương mại và giá cả. Thương mại là “tự nhiên” khi nó đảm bảo sự tồn vong của cộng đồng bằng cách duy trì sự tự cung tự cấp. Một khi gia đình mở rộng trở nên đông đúc và các thành viên buộc phải tách rời nhau thì nhu cầu thương mại xuất hiện. Như thế việc tự cung tự cấp hoàn toàn bị đe dọa nếu không có việc chia sẻ (metadosis) thặng dư. Thước đo việc chia sẻ các dịch vụ (hay có thể là sản phẩm) phụ thuộc vào điều mà philia đòi hỏi để cho thiện ý giữa các thành viên của cộng đồng có thể lưu truyền. Vì nếu không có nó thì cộng đồng không tồn tại nữa. Do đó giá chính đáng bắt nguồn từ nhu cầu của philia như được thể hiện qua sự tương hỗ vốn cấu thành tinh túy của mọi cộng đồng người.
Cũng từ những nguyên lí này bắt nguồn, trong tư tưởng của Aristotle, những hạn chế liên quan đến những trao đổi thương mại và những quy tắc ấn định các tương đương trong trao đổi cấu thành giá chính đáng. Người ta nói rằng thương mại là “tự nhiên” khi còn tương ứng với đòi hỏi của sự tự cung tự cấp. Giá cả được ấn định một cách chính đáng nếu chúng phù hợp với tình hình của các bên tham gia trong cộng đồng, và qua đó củng cố thiện ý trên đó cộng đồng được xây dựng. Trao đổi sản phẩm là một trao đổi dịch vụ: vả lại đây là một định đề của sự tự cung tự cấp áp dụng vào việc chia sẻ lẫn nhau theo giá chính đáng. Một trao đổi như thế không kéo theo bất kì lợi nhuận nào, sản phẩm có giá cả được biết là đã được xác định trước. Nếu, một cách ngoại lệ, nhằm đảm bảo một sự phân phối đúng đắn hàng hóa ở chợ phải có việc buôn bán lẻ có lời thì điều ấy phải do những ai không phải là công dân tiến hành! Lí thuyết của Aristotle về thương mại và giá cả không gì khác hơn là sự phát triển của lí thuyết tổng quát của ông về cộng đồng người.
Cộng đồng, tự cung tự cấp và công bằng, các trục này của xã hội học của ông hợp thành khuôn khổ tư tưởng của ông về tất cả các vấn đề kinh tế, dù cho đó là về bản chất của kinh tế hay những vấn đề chính trị của kinh tế.
3. Xu hướng xã hội học
Điểm xuất phát của Aristotle về bản chất của kinh tế luôn có tính thực nghiệm. Nhưng việc khái niệm hóa, ngay cả các sự kiện rõ ràng nhất, là sâu sắc và độc đáo.
Trong thơ của mình, Solon[8] tuyên bố rằng mong muốn của cải của con người là vô tận. Không thế đâu, Aristotle đáp trả khi đề cập chủ đề này! Thật ra điều làm nên của cải là những vật cần thiết cho sự duy trì cuộc sống, khi chúng được cất giữ nơi an toàn dưới sự canh giữ của cộng đồng và tượng trưng cho sự sống còn của cộng đồng ấy. Nhu cầu con người, dù cho đó là nhu cầu của gia đình hay của quốc gia, không phải là vô tận: cũng không có sự khan hiếm lương thực trong tự nhiên. Lập luận, khá lạ lẫm khi vang vọng trong những đôi tai hiện đại, được bảo vệ một cách mãnh liệt và được chăm chút triển khai. Trong mỗi chi tiết, việc quy chiếu đến các thể chế là rõ ràng. Tâm lí học bị gác sang một bên và xã hội học là hiển lộ.
Việc bác bỏ định đề khan hiếm (như ta nói ngày nay) dựa trên những điều kiện sống của động vật và được khái quát hóa cho những điều kiến sống của con người. Các động vật há chẳng tìm thấy điều kiện sinh tồn trong môi trường của chúng, ngay từ lúc ra đời? Con người cũng thế, há không tìm thấy chất nuôi dưỡng trong dòng sữa mẹ và cuối cùng trong môi trường, dù cho là người săn bắn, chăn nuôi hay trồng trọt? Do đối với Aristotle, chế độ nô lệ là “tự nhiên” nên không có gì mâu thuẫn khi ông mô tả các cuộc đột kích nhằm tìm bắt nô lệ như những cuộc săn một con thú đặc biệt, và xem những thú vui nhàn rỗi của những kẻ có nô lệ như là do môi trường cung cấp. Không có bất kì nhu cầu nào khác ngoài nhu cầu sống còn được xem xét và càng không được tán thành. Do đó, nếu nguồn gốc của sự khan hiếm “nằm bên phía cầu”, như ta nói ngày nay, thì Aristotle quy điều này cho một quan niệm sai lầm về sống tốt được xem như một ham muốn những sản phẩm vật chất dồi dào và hưởng thụ nhiều hơn. Không thể tích lũy lẫn chiếm hữu tinh túy của sống tốt – thú vui một ngày xem sân khấu, phân xử trong một phiên tòa với tư cách một bồi thẩm, luân phiên nhận các trách nhiệm, tuyên truyền và các chiến dịch vận động bầu cử, các lễ hội lớn và ngay cả nỗi rạo rực của trận đánh hay thủy chiến. Quả thật là cuộc sống tốt đòi hỏi, và “điều này được chấp nhận rộng rãi”, công dân thụ hưởng nhàn rỗi để dành sức phụng sự polis. Ở đây cũng thế, chế độ nô lệ là một phần của giải pháp: một giải pháp khác, triệt để hơn, là trả thù lao cho những công dân được giao việc quản lí công, hay từ chối cho nghệ nhân tư cách công dân, biện pháp mà dường như Aristotle chủ trương.
Aristotle không đặt ra vấn đề khan hiếm vì một lí do khác nữa. Kinh  tế, như gốc của từ này cho thấy, là một vấn đề gia đình, oikos: kinh tế trực tiếp liên quan đến những con người cấu thành thể chế tự nhiên là gia đình. Cấu thành thể chế này không phải là những vật sở hữu mà là cha mẹ, con cháu và các nô lệ. Aristotle loại khỏi ngoài trường của kinh tế những kĩ thuật làm vườn, chăn nuôi và các cách thức sản xuất khác. Ông chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh thể chế, và trong một chừng mực nhất định, đến sinh thái: ông đẩy công nghệ xuống lĩnh vực hạng hai những kiến thức có ích. Khái niệm kinh tế, theo quan niệm của Aristotle, gần như cho phép chúng ta xem kinh tế như một quá trình được thiết chế hóa, qua đó sự mưu sinh được bảo đảm. Tiếp tục phát biểu một cách tự do như thế, ta có thể nói rằng Aristotle qui quan niệm sai lầm về những ham muốn và nhu cầu vô tận của con người, hay về sự khan hiếm tổng quát các sản phẩm, cho hai trạng huống: thứ nhất, việc mua sắm lương thực nơi người bán hàng, qua đó đưa lợi nhuận vào việc tìm kiếm thực phẩm: thứ hai cho một ý niệm sai lầm về cuộc sống tốt được quan niệm như việc tích lũy duy lợi những lạc thú vật chất. Một khi đã chấp nhận nguyên tắc những thể chế phù hợp trong thương mại và một hiểu biết đúng đắn về sống tốt, Aristotle không thấy có chỗ nào dành cho sự khan hiếm trong nền kinh tế của con người. Ông không quên kết nối điều này với sự tồn tại của các thể chế như chế độ nô lệ, giết trẻ sơ sinh và một cách sống không biết đến tiện nghi. Không có sự tham chiếu thực nghiệm này thì việc ông phủ nhận sự khan hiếm có thể cũng là giáo điều và bất lợi cho việc nghiên cứu sự kiện không kém gì định đề ngày nay về sự khan hiếm. Nhưng đối với ông, dứt khoát là nhu cầu con người tiền giả định những thể chế và tập quán.
Việc Aristotle xem “kinh tế” có tính “thực chất” là điều cơ bản cho toàn bộ lập luận của ông. Do vì lí do nào mà ông lại xem xét kinh tế? Vì sao ông cần khởi động một loạt luận chứng chống lại niềm tin đại chúng theo đó ý nghĩa của lĩnh vực không được biết rõ này nằm ở sự hấp dẫn của của cải, một bản năng vô độ chung cho cả loài người? Tại sao ông lại phát triển một định lí đụng đến nguồn gốc của gia đình và Nhà nước để chỉ nhằm chứng minh rằng những ham muốn và nhu cầu của con người không phải là vô tận và rằng những vật có ích tự thân chúng không hiếm? Lí do nào núp sau việc dàn dựng một luận điểm tự bản thân là một nghịch lí và hơn nữa có vẻ quá tư biện để thật sự hài hòa với xu hướng nặng tính thực nghiệm nơi ông?
Lời giải thích là hiển nhiên. Hai vấn đề thực tiễn – thương mại và giá cả – đòi hỏi một câu trả lời tức thì. Trừ phi là không thể gắn vấn đề những trao đổi thương mại và sự ấn định giá cả với những đòi hỏi của sự tồn tại và tự cung tự cấp của cộng đồng, thì không còn cách duy lí nào khác để đánh giá hai vấn đề này, về mặt lí thuyết lẫn thực tiễn. Nếu có một mối liên hệ như thế thì câu trả lời là đơn giản: thứ nhất, thương mại được dùng để khôi phục sự tự cung tự cấp là “phù hợp với tự nhiên”: thương mại nhằm một mục đích khác là “trái với tự nhiên”. Thứ hai, thương mại phải củng cố mối liên kết cộng đồng, nếu không sẽ không còn trao đổi nữa và cộng đồng không còn tồn tại. Khái niệm trung gian, trong cả hai trường hợp là sự tự cung tự cấp của cng đồng. Như thế kinh tế liên quan đến những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống – ngũ cốc, dầu ăn, rượu, v.v. – đảm bảo sự sinh tồn của cộng đồng. Kết luận là không thể phản bác và loại trừ mọi kết luận khác. Suy cho cùng, hoặc đối tượng của kinh tế là những đồ vật cần thiết cho cuộc sống, cho phép con người tồn tại, hoặc là không có bất kì mối liên hệ duy lí thực nghiệm nào giữa, một mặt, những vấn đề thương mại và giá cả và mặt khác, định đề của một cộng đồng tự cung tự cấp. Do đó, tính tất yếu logic khiến Aristotle xem kinh tế có tính “thực chất” là hiển nhiên.
Qua đó ta hiểu được phê phán đáng ngạc nhiên bài thơ của Solon được trích rõ trong một quyển sách kinh tế[9].
4. Thương mại tự nhiên và giá chính đáng
Những trao đổi thương mại, hay nói như chúng tôi là thương mại thị trường, hiện ra như một vấn đề nóng bỏng nổi lên từ những điều kiện của thời đại. Đó là một sự đổi mới đáng lo, không thể định vị, giải thích lẫn đánh giá một cách xác đáng. Bây giờ những công dân đáng kính kiếm tiền bằng cách đơn giản mua và bán. Cho tới nay đây là một điều chưa biết, hay đúng hơn là một công việc dành cho những người thuộc tầng lớp thấp được gọi là con buôn (mercanti), thường là kiều dân thành Athens, vất vả sống bằng cách bán lẻ thực phẩm ở chợ. Những người này thu lợi khi mua một giá và bán lại với một giá khác. Vào thời ấy dường như cách làm này được mở rộng sang những công dân có vị thế tốt, và phương pháp này, xưa bị xem là mất phẩm giá, cho phép họ thu được nhiều tiền. Xếp hiện tượng này vào loại nào đây? Làm thế nào giải thích món lợi thu được một cách có hệ thống này? Đánh giá thế nào một hoạt động như vậy?
Bản thân nguồn gốc của những thể chế thị trường là một vấn đề phức tạp và mù mờ. Khó mà vạch lại một cách chính xác những buổi ban đầu của lịch sử và càng khó hơn để theo những giai đoạn phát triển của những hình thái thương mại đầu tiên dẫn đến thương mại thị trường.
Phân tích của Aristotle đi vào bản chất của vấn đề. Gọi những trao đổi thương mại – lúc bấy giờ chưa được đặt tên – bằng từ kapèlikè, ông gợi ý rằng đây không phải là một hiện tượng mới, ngoại trừ quy mô của nó. Có thể nói đến cách thực hành, trong một nghĩa rộng, của các con buôn. Mỗi người rút tỉa tiền của người khác (ap’allèlôn) bằng những phương pháp đội giá thường dùng ở chợ.
Luận chứng của Aristotle, mặc dù tính không hoàn hảo của ý niệm đội giá, phản ảnh một giai đoạn chuyển đổi then chốt trong lịch sử kinh tế nhân loại: một thời điểm quyết định khi thể chế thị trường bắt đầu đi vào lĩnh vực thương mại.
Một trong những ngôi chợ đầu tiên, nếu không phải là chợ đầu tiên, chính là agora của Athens. Không có gì cho biết nó cùng thời với sự thành lập của thành quốc. Tư liệu xác thực đầu tiên về agora là vào thế kỉ thứ V, khi nó đã được thiết lập, mặc dù còn bị phản bác. Vào thời kì đầu của lịch sử chợ, việc sử dụng tiền lẻ và bán lẻ đi cùng với nhau. Do đó sự xuất hiện của chợ phải trùng khớp với việc đúc tiền vào đầu thế kỉ VI. Có thể có một chợ tiên phong ở Sardis, thủ đô của vương quốc Lydia, mà về mọi mặt giống với kiểu các thành quốc Hi lạp. Ở đây cũng thế, những cách sử dụng tiền lẻ đã mở đường cho chợ, đặc biệt nếu chúng ta tính đến, điều mà ta phải làm, việc sử dụng bột vàng. Về điểm này, nhờ Herodotus ta nay không còn nghi ngờ gì nữa. Truyền thuyết về vua Midas cho biết sự có mặt của khối lượng lớn vàng đất bồi ở Phrygia, trong lúc tại Sardis, một dòng suối cuốn theo vàng tên là Pactolus chảy ngang qua chợ. Tại Halicarnassus, quê hương của Herodotus, những thiếu nữ Lydian, bằng những giao dịch yêu đương của mình, đã hào phóng góp phần xây dựng một tượng đài cho Alyatte, trong lúc Gyges, nhà sáng lập triều đại Mermnad, dường như đã khai trương việc đúc hợp kim vàng bạc. Croesus, con của Alyatte, trang trí đền Delphi với những hiến tặng huy hoàng bằng vàng ròng. Người ta không phát hiện ngọc trai hay sò ốc nào đến từ Tiểu Á có thể dùng làm tiền tệ nên việc chỉ báo có bột vàng là then chốt. Có rất nhiều khả năng là hai phát minh ở Lydia – đúc tiền và bán lẻ thực phẩm – được đưa cùng thời vào Athens. Hai đổi mới này chưa tách rời nhau. Đảo Aegina đúc tiền trước cả Athens có lẽ chỉ sử dụng đồng tiền cho ngoại thương. Dường như cũng tương tự như thế đối với các đồng tiền của Lydia trong khi bột vàng được sử dụng trong các chợ thực phẩm và những giao dịch yêu đương. Người ta nói rằng, cho đến ngày nay vẫn thế, chợ Bida, thủ đô của người Nupe ở Nigeria, sau mười hai giờ đêm trở thành nơi giao lưu của lính đánh thuê và nhiều khả năng là bột vàng được dùng làm tiền tệ. Cũng ở Lydia, sự có mặt của bột vàng có lẽ đã quyết định việc bán lẻ thực phẩm ở chợ. Athena tiếp bước Lydia, nhưng thay thế vảy vàng bằng đồng bạc.
Thông thường, đồng tiền phổ biến nhanh hơn các chợ. Trong lúc thương mại phát triển và tiền tệ được dùng như thước đo thì vẫn không có nhiều chợ và chúng cách xa nhau.
Vào cuối thế kỉ thứ IV, Athens nổi tiếng với thương mại ở agora, nơi mà người ta có thể mua một buổi cơm với giá khiêm tốn. Đúc tiền lan nhanh như sét nhưng ở bên ngoài thành Athens, phong tục chợ chưa được phổ biến. Trong cuộc chiến tranh Peloponnese, cả đội tàu căng tin đi kèm với hạm đội, vì quân đội không thể nhờ dựa vào các chợ địa phương để tiếp tế lương thực. Ngay cả vào đầu thế kỉ thứ IV, vùng Ionia không có chợ lương thực thường xuyên. Vào thời bấy giờ, những người khởi xướng chính các chợ là những đội quân Hi lạp, đặc biệt là những đội quân đánh thuê thường được sử dụng nhiều như những doanh nghiệp thương mại. Quân đội vũ trang truyền thống, tự lo trang bị cho mình chỉ tham gia vào những chiến dịch ngắn, và các chiến binh mang từ nhà một túi đại mạch để ăn. Vào cuối thế kỉ thứ V, lực lượng viễn chinh chính quy được thành lập với khung cán bộ là công dân của Sparta hay Athens, trong lúc chiến binh được tuyển mộ ở nước ngoài. Việc sử dụng những lực lượng như thế, đặc biệt nếu giả định là đi qua một lãnh thổ bạn, đặt ra nhiều vấn đề hậu cần mà các viên tướng có học thích bàn luận.
Các tác phẩm của Xenophon cung cấp nhiều ví dụ về vai trò thực tế và vai trò lí tưởng của chợ trong chiến lược mới. Chợ thực phẩm, nơi mà binh sĩ có thể mua hàng tiếp tế bằng cách sử dụng đồng tiền mà các sĩ quan nợ họ (trừ phi trưng dụng tại chỗ) nằm trong một tổng thể rộng hơn – bán chiến lợi phẩm, đặc biệt là nô lệ và gia súc, cũng như sự cung ứng của những chủ căng tin đi theo quân đội với hi vọng thu lợi nhuận. Tất cả những vấn đề trên quy về bấy nhiêu vấn đề thị trường. Cho mỗi vấn đề ấy ta có những chỉ báo về những hoạt động tổ chức và tài chính mà sáng kiến thuộc về các vị vua, tướng và chính quyền chịu trách nhiệm công tác quân sự. Bản thân chiến dịch thường giới hạn ở một cuộc đột kích nhằm mục đích thu chiến lợi phẩm, khi không phải là giới hạn ở việc thuê một đội quân, phục vụ cho một chính quyền nước ngoài, vì lợi ích của mẫu quốc tài trợ cho chiến dịch do những lí do thương mại. Đương nhiên hiệu quả quân sự là đòi hỏi đầu tiên. Việc bán chiến lợi phẩm của một cuộc viễn chinh, cho dù vì những lí do chiến thuật quân sự, dựa trên tính hiệu quả không kém gì sự cung ứng thường xuyên cho quân sĩ, trong khi điều này, trong chừng mực có thể, tránh sự chống đối của những Nhà nước bạn còn đứng trung lập. Những vị tướng năng nổ hình dung những phương pháp mới để kích thích hoạt động thương mại tại địa phương, tài trợ các chủ căng tin để chăm sóc quân sĩ và để tuyển dụng các nghệ nhân địa phương trong các chợ ứng biến nhằm đảm bảo việc cung cấp vũ khí. Các vị tướng này, bằng mọi cách sẵn có, quảng bá nhiều cho việc cung ứng và dịch vụ của thị trường, cho dù đôi lúc sự chủ động của địa phương là dè dặt và thiếu kinh nghiệm. Hầu như là không có sự tin tưởng vào tính tự phát của tinh thần thương mại của dân chúng. Chính quyền Sparta điều một ủy ban dân sự gồm những “người bán chiến lợi phẩm” đi kèm với vị vua lãnh đạo quân đội trên chiến trường. Nhiệm vụ của họ là bán đấu giá ngay tức khắc những nô lệ và gia súc bắt được. Vua Agesilaus quan tâm đến việc “chuẩn bị”, “thiết lập” và “tặng” cho binh sĩ những ngôi chợ trong các thành quốc bạn mà quân đội của ông sẽ đi qua. Xenophon mô tả bằng cách nào một thương gia bình thường muốn đi cùng quân đội và cần tiền để lo dự trữ đến gặp vị tổng tư lệnh và, sau khi chứng minh tính lương thiện, được ứng trước trên một quỹ dành cho việc này (Cyropaedia, VI, II, 38-39). Vào thời kì đó, Timotheus, một vị tướng thành Athens, quan tâm đến nhu cầu tài chính của các chủ căng tin, ứng xử giống như trong tiểu thuyết giáo dục của Xenophon. Trong cuộc chiến Olynthus (364 trước công nguyên), khi thay bạc bằng đồng, vị tướng thuyết phục các thương gia chấp nhận tiền đồng theo cùng giá của tiền bạc, và hứa chắc rằng tỉ giá sẽ được giữ nguyên khi mua chiến lợi phẩm, và những gì còn lại sau khi mua sẽ được mua lại bằng tiền bạc (Pseudo Aristotle, Economique, II, 23a). Tất cả những điều trên cho thấy rằng sự tin tưởng dành cho các chợ địa phương, trên phương diện cung cấp hàng cũng như khả năng tiêu thụ chiến lợi phẩm, là yếu, trừ phi được quân đội khuyến khích.
Do đó, vào thời Aristotle, các thị trường địa phương gặp khó khăn để lan rộng. Các phiên họp chợ diễn ra nhân một số cơ hội, trong trường hợp cần thiết cấp bách hay nhằm một mục đích cụ thể, và chỉ diễn ra nếu thuận lợi về mặt chính trị. Thị trường lương thực địa phương cũng không hiện ra như một bộ phận của thương mại đường xa. Việc tách biệt thương mại và thị trường phù hợp với tập quán đương thời.
Aristotle không biết đến thể chế nối kết hai mặt trên, tức cơ chế cung-cầu-giá. Hiển nhiên rằng cơ chế này khởi động những cách làm mới bắt đầu hiển lộ trong thương mại. Theo truyền thống, thương mại thuở xưa không có vẻ gì giống với thương mại mới của thị trường. Vốn nguyên thủy là một thương mại có tính nửa chiến trận, nó không bao giờ hoàn toàn tách khỏi những liên kết với chính quyền mà nếu không có chúng thì khó mà tồn tại trong những điều kiện cổ xưa. Món lợi thu được từ chiến lợi phẩm và quà tặng (tự nguyện hay bị cưỡng đoạt), danh vọng và đặc quyền, vương miện và đất đai do chúa công hay thành quốc ban thưởng, vũ khí và đồ vật xa hoa sở đắc được – kerdos trong Odyssey. Không có bất kì liên hệ vật chất nào giữa tất cả những điều trên với polis. Các emporoi (thương nhân) Phoenicia trình những bảo vật và đồ nữ trang ở cung điện quân vương hay giới quý tộc trong lúc thủy thủ đoàn trồng trọt những gì nuôi lấy bản thân cả năm trời trên đất nước ngoài. Sau này, những hình thức thương mại theo hướng hành chính mà lối xã giao của các công chức thương cảng làm dịu bớt. Giá do qua sử dụng và bằng hiệp ước ấn định giữa vai trò hàng đầu. Thương gia, Thương nhân, trừ phi được hoa hồng, “thu lợi” từ việc nhập khẩu tượng trưng cho chiến lợi phẩm của thương vụ.
Giá do hiệp ước ấn định là đối tượng của những cuộc thương thuyết, với vô số mặc cả ngoại giao trước đó. Một khi hiệp ước được phê chuẩn thì mặc cả chấm dứt. Thật vậy, có hiệp ước có nghĩa rằng giá cả đã được ấn định mà thương mại phải tuân theo. Do không thể có thương mại nếu không có hiệp ước nên sự tồn tại của hiệp ước khơi mào cho những cách thực hành thị trường. Thương mại và thị trường không chỉ khác nhau bởi tình hình, vị thế và các bên tham gia chúng, mà còn khác nhau về mặt mục đích, tâm thế và tổ chức.
Chúng tôi chưa có thể nói chắc chắn là vào thời nào và dưới dạng nào mặc cả và lợi nhuận được đưa vào lĩnh vực của thương mại, như gợi ý của Aristotle. Ngay cả khi không có thị trường quốc tế, tiền lời thu được qua thương mại viễn dương là bình thường. Tuy nhiên, không nghi ngờ là con mắt sáng suốt của nhà lí thuyết đã phân biệt những mối liên hệ giữa những trò gian xảo của con buôn ở agora với những hình thức mới của lợi nhuận thương mại đang cấu thành hiện tượng của thời đại. Nhưng Aristotle không nhận ra cơ chế xác lập sự gần nhau của mối liên hệ ấy, tức là cơ chế cung-cầu-giá. Việc phân phối thực phẩm ở chợ chỉ dành một vị trí giới hạn cho cơ chế này. Và thương mại đường xa không bị chi phối bởi sự cạnh tranh cá nhân mà bởi những nhân tố thể chế. Các chợ địa phương lẫn thương mại đường xa không khác nhau ở những biến động giá cả. Trong thương mại quốc tế, không thấy được sự vận hành của cơ chế cung-cầu-giá trước thế kỉ thứ III trước công nguyên. Cơ chế này xuất hiện trong thương cảng không bị đánh thuế Delos, trước tiên cho ngũ cốc, tiếp đó cho các nô lệ. Do đó, agora của Athens đi trước khoảng hai thế kỉ việc thành lập ở biển Aegean một cái chợ có thể xem là áp dụng cơ chế thị trường. Aristotle, tác giả viết vào nửa sau thời kì này, nhận ra những ví dụ đầu tiên của lợi nhuận thu được từ những khác biệt về giá như những triệu chứng của một tiến hóa trong tổ chức thương mại, và đúng quả là như thế thật. Tuy nhiên, do không có những thị trường tạo ra giá cả, ông chỉ nhìn thấy sự đồi bại với hi vọng rằng xung năng mới trong việc tìm kiếm tiền bạc có thể phục vụ cho một mục đích có ích. Còn nhà thơ Hesiod, lời ca tụng nổi tiếng của ông về một cuộc đấu tranh yên bình chỉ là việc ngợi ca những lợi thế của sự tranh đua tiền thị trường trong một bối cảnh địa phương – ngợi ca người thợ gốm, mời người đốn củi ăn, quà tặng người thắng cuộc trong một giải thi hát.
5. Trao đổi các tương đương
Tất cả những điều trên đủ để đánh đổ quan điểm theo đó Aristotle đã cung cấp một lí thuyết về giá cả. Thật ra một lí thuyết như thế là thiết yếu cho việc hiểu thị trường mà chức năng chính là xác lập một giá làm cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, không có bất kì khái niệm nào như thế là quen thuộc với Aristotle cả.
Định đề tự cung tự cấp kéo theo rằng thương mại cần thiết để tái lập sự tự cung tự cấp tự túc là điều tự nhiên, và do đó là đúng đắn. Thương mại đi cùng với trao đổi và, đến lượt nó, trao đổi kéo theo sự tồn tại của một giá chính xác của trao đổi. Nhưng làm thế nào chèn việc hàng đổi hàng vào trong khuôn khổ của một cộng đồng? Và nếu có trao đổi hiện vật thì sẽ diễn ra theo giá cả nào?
Còn về nguồn gốc của việc hàng đổi hàng thì không gì có thể hấp dẫn nhà triết học của Gemeinschaft bằng khuynh hướng vốn có của cá nhân mà A. Smith nói đến. Aristotle cho rằng trao đổi sinh ra từ nhu cầu của gia đình mở rộng. Lúc khởi thủy các thành viên dùng chung những vật được gia đình sở hữu. Khi số thành viên tăng lên và buộc phải ra ở riêng và họ thiếu những vật trước đây sử dụng chung, do đó họ buộc phải cung cấp lẫn nhau những vật mong muốn[10]. Điều này tương đương với việc chia sẻ lẫn nhau. Nói ngắn gọn[11], sự tương hỗ trong việc chia sẻ được thực hiện qua việc hàng đổi hàng[12]. Từ đó trao đổi ra đời.
Giá của trao đổi phải đảm bảo việc duy trì cộng đồng[13]. Một lần nữa, quyền lợi của cộng đồng chứ không phải của cá nhân là nguyên tắc chủ đạo. Những công trình của những người có cương vị khác nhau phải được trao đổi theo một giá tỉ lệ với cương vị của mỗi người: trong trao đổi, công trình của người xây dựng tương đương bội phần công trình của người thợ đóng giày. Nếu không tôn trọng một nguyên tắc như thế thì là vi phạm tính hỗ tương và cộng đồng không thể tồn tại[14].
Aristotle cung cấp một cách thức cho phép ấn định giá cả[15]: giá được xác định bởi giao điểm của hai đường chéo mà mỗi đường tượng trưng cho cương vị của mỗi bên[16]. Một cách hình thức điểm này được ấn định bởi bốn số lượng – hai trên mỗi đường chéo. Phương pháp là không rõ ràng và kết quả không chắc chắn. Phân tích kinh tế biểu trưng bốn số lượng quyết định một cách chính xác bằng cặp những chỉ số trên đường cung và cặp những chỉ số trên đường cầu. Giá thị trường được xác định như thế. Có một khác biệt cơ bản: nhà kinh tế hiện đại nhằm mô tả sự hình thành giá cả trên thị trường trong lúc cách nhìn này là xa lạ đối với Aristotle. Ông quan tâm đến một vấn đề rất khác và chủ yếu có tính thực tiễn: cung cấp một cách thức cho phép ấn định giá cả[17].
Một cách đáng ngạc nhiên, đối với sự khác biệt giữa giá ấn định và giá là kết quả của sự mặc cả Aristotle dường như chỉ nhìn thấy ở đây một vấn đề thời gian: giá thứ nhất có trước khi giao dịch còn giá thứ hai chỉ nổi lên sau khi giao dịch đã hoàn thành. Ông nhấn mạnh rằng giá kết quả của sự mặc cả có nguy cơ là quá cao do được quyết định trước khi cầu được thỏa mãn. Điều này đủ để chứng minh sự ngây thơ của Aristotle về sự vận hành của thị trường. Có vẻ ông tin rằng giá được ấn định một cách đúng đắn phải khác với giá là kết quả của mặc cả.
Ngoài tính chính đáng ra, giá ấn định còn có lợi thế là tách biệt thương mại tự nhiên và không tự nhiên. Một khi thương mại tự nhiên chỉ nhằm tái lập sự tự cung tự cấp, thì giá ấn định đạt được mục tiêu này bằng cách loại trừ lợi nhuận. Do đó những tương đương, từ nay chúng tôi gọi như thế giá ấn định, được dùng để bảo vệ thương mại “tự nhiên”. Giá như là kết quả của sự mặc cả có thể làm lợi cho một phía và gây thiệt thòi cho phía khác và như vậy làm tổn hại thay vì củng cố sự cố kết của cộng đồng.
Đối với một trí óc hiện đại quen thuộc với thị trường, những liên kết ý tưởng được trình bày và gán cho Aristotle như trên có vẻ như là một chuỗi những nghịch lí.
Chúng kéo theo việc không biết rằng thị trường chuyển tải ý tưởng về thương mại, sự hình thành giá cả như là phụ thuộc vào thị trường, mọi chức năng khác của thương mại khác với chức năng tự cung tự cấp, tất cả những lí do có thể kéo theo sự khác biệt giữa giá ấn định và giá do thị trường xác lập và để ngõ cho những biến động có thể của giá thị trường, và cuối cùng là việc không biết đến cạnh tranh như quá trình tạo ra một giá duy nhất theo nghĩa là giá này quyết định thị trường và do đó có thể xem là giá tự nhiên của trao đổi.
Thay vì như vậy, Aristotle quan niệm thị trường và thương mại như những thể chế tách biệt và khác nhau, giá cả là do phong tục, luật pháp hay tuyên bố quyết định, thương mại có lời là “phi tự nhiên”, giá ấn định là “tự nhiên”, biến động giá cả là điều không mong muốn và giá tự nhiên, thay vì biểu trưng cho một đánh giá khách quan về những sản phẩm được trao đổi, như một biểu hiện của sự đánh giá hỗ tương về cương vị những nhà sản xuất.
Để giải quyết những mâu thuẫn biểu kiến này, sự can dự của khái niệm tương đương có tính then chốt.
Trong đoạn mấu chốt về nguồn gốc của trao đổi (allagè), Aristotle làm rõ hoàn toàn thể chế cơ bản này của xã hội cổ xưa – trao đổi các tương đương. Gia tăng của gia đình đồng nghĩa với sự kết thúc của việc gia đình tự cung tự cấp. Các thành viên khi thiếu vật này hay vật khác phải dựa lẫn nhau để có được nó. Aristotle cho rằng vài dân tộc man dã vẫn còn tiến hành trao đổi bằng hiện vật vì “người ta được giả định trao đổi những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống với những sản phẩm khác cũng cần thiết cho cuộc sống, ví dụ rượu đổi lấy lúa, trong chừng mực mà hoàn cảnh đòi hỏi và không hơn số lượng đó: họ cho một vật đổi lấy một vật khác và tương tự như thế cho mỗi thực phẩm cơ bản. Do đó hàng đổi hàng dưới dạng này không trái với tự nhiên, cách thực hành này cũng không tượng trưng cho một khía cạnh của nghệ thuật tích lũy của cải vì thể chế này nhằm tái lập sự tự cung tự cấp tự nhiên của con người[18]”.
Thể chế trao đổi tương đương nhằm đảm bảo cho tất cả các chủ gia đình quyền được nhận một phần những thực phẩm cần thiết, theo những giá nhất định, đổi bằng những thực phẩm mà bản thân họ có. Vì không ai buộc phải tặng sản phẩm của mình chỉ theo yêu cầu mà không thu được gì trở lại: trong thực tế, người bần cùng không có bất kì sản phẩm tương đương nào để trao đổi sẽ phải làm việc để trả nợ (do đó tầm quan trọng của thể chế nông nô vì nợ). Như thế việc hàng đổi hàng là hệ quả của thể chế phân chia những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống: mục đích của nó là cung cấp vừa đủ cho các chủ gia đình các thực phẩm cần thiết cho cuộc sống: nó được thiết chế như một nghĩa vụ đối với các chủ gia đình phải cho, theo yêu cầu, thặng dư của mình cho bất kì chủ gia đình nào khác thiếu chính sản phẩm ấy và chỉ cho trong chừng mực nhu cầu ấy thôi: trao đổi được tiến hành theo giá được xác lập (tương đương) và người yêu cầu cung ứng những thực phẩm khác họ có dư. Trong chừng mực có thể áp dụng vào những điều kiện sơ khai như thế, có thể khẳng định rằng người chủ gia đình buộc phải tiến hành giao dịch bằng hiện vật, giới hạn ở nhu cầu có thực của người yêu cầu, được thực hiện theo những giá tương đương, không có tín dụng và cho tất cả các thực phẩm căn bản.
Trong Ethics, Aristotle nhấn mạnh rằng mặc dù có tính tương đương của của những sản phẩm trao đổi nhưng một trong các bên có lợi thế, bên cảm thấy có nghĩa vụ đề nghị giao dịch. Tuy nhiên trong dài hạn, thủ tục này tương ứng với việc chia sẻ hỗ tương, vì trong một cuộc trao đổi tới sẽ đến phiên bên kia được hưởng lợi. “Chính sự tồn tại của Nhà nước phụ thuộc vào những hành động tương tự có qua có lại theo tỉ lệ […] vì nếu không có các hành động ấy thì sẽ không có bất kì sự chia sẻ nào và chia sẻ là sợi dây liên kết chúng ta. Chính vì thế chúng ta dựng tượng đài cho ba nữ thần Grâces ở một nơi công cộng để nhắc nhở con người đáp trả cái thiện bằng cái thiện. Đó là một trong những đặc tính của Ân huệ. Vì nghĩa vụ không chỉ là trả nghĩa mà còn tự bản thân chủ động làm ơn[19]”. Theo tôi, không có lập luận nào tốt bằng lập luận trên để chỉ ra ý nghĩa của sự tương hỗ. Có thể gọi đó là sự tương hỗ lương thiện. Ở đây trao đổi được xem như thuộc về một hành vi tương hỗ, đối lập với quan niệm thị trường gán cho việc hàng đổi hàng những đặc tính trái ngược với lòng rộng lượng và ân huệ đi kèm với ý tương hỗ.
Không có các văn bản then chốt này, có lẽ chúng ta vẫn không có khả năng nhận diện thể chế cốt tử này của xã hội cổ xưa, bất luận hàng đống tài liệu được các nhà khảo cổ khai quật trong hai hay ba thế hệ qua. Các nhà Đông phương học diễn giải mọi nơi những con số tượng trưng cho tỉ suất toán học giữa những đơn vị sản phẩm thuộc những loại khác nhau bằng từ “giá” vì sự tồn tại của các thị trường được thừa nhận là đương nhiên. Thật ra ý nghĩa những con số này là những tương đương hoàn toàn xa lạ với thị trường và giá thị trường. Về bản chất, chúng là cố định và không kéo theo bất kì biến động nào trước đó bị một quá trình “xác định” hay “ấn định” giá nào chặn lại, như các thành ngữ ấy làm ta lầm tưởng. Ở đây chính ngôn ngữ đánh lừa chúng ta.
6. Các văn bản
Hammourabi (-1750 TCN)
Chúng tôi không có ý định xem xét ở đây những khác biệt trên nhiều điểm trong phần trình bày của chúng tôi với những trình bày đã có trước đây. Tuy nhiên chúng tôi cần tham chiếu ngắn đến chính các văn bản. Gần như không thể tránh được, một quan niệm sai lầm về đối tượng diễn ngôn của Aristotle được phát triển. Như chúng ta nhận thấy ngày nay, những trao đổi thương mại từng được xem như là đối tượng ấy chỉ mới bắt đầu được thực hành vào thời bấy giờ. Trách nhiệm của sự tiến hóa này không thuộc về Babylonia thời Hammourabi nhưng về miền Tây Á nói tiếng Hi lạp và chính ngay Hi Lạp vào hơn một nghìn năm sau. Do đó Aristotle không thể nào mô tả sự vận hành của một cơ chế thị trường phát triển, cũng như bàn luận về những tác động của cơ chế này đến đạo đức thương mại. Bởi thế một số thuật ngữ then chốt của ông, đặc biệt là kapèlikè, metadosischrématistikè đã bị dịch sai. Đôi lúc sai lầm là tế nhị. Kapèlikè được dịch là “nghệ thuật bán lẻ”, trong lúc nghĩa của nó là “nghệ thuật những trao đổi thương mại”, chrématistikè được dịch là “nghệ thuật kiếm tiền” thay vì “nghệ thuật tồn trữ”, nghĩa là “sở đắc bằng hiện vật những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống”. Một ví dụ bóp méo rõ ràng khác là metadosis, được xem như “trao đổi” hay “hàng đổi hàng” trong lúc nó có nghĩa ngược lại là “hành động trao tặng phần của mình”.  
Nói ngắn và theo thứ tự.
Về mặt ngữ pháp kapèlikè có nghĩa là “nghệ thuật kapèlos”. Theo cách dùng của Herodotus vào giữ thế kỉ thứ V, kapèlos, mà ý nghĩa về đại thể được xác nhận, là một kiểu người bán lẻ, đặc biệt là thực phẩm, người chủ tiệm đồ ăn, người bán thực phẩm và đồ ăn đã qua chế biến. Phát minh tiền đúc gắn liền, theo Herodotus, với việc là người Lydia trở thành những kapèloi. Herodotus cũng kể rằng Darius được mệnh danh là “kapèlos”. Thật ra dưới triều vị vua này, có thể những cửa hàng quân sự bắt đầu bán thực phẩm[20]. Cuối cùng kapèlos thành đồng nghĩa với “kẻ lừa đảo, lường gạt, bịp bợm”. Nghĩa xấu bắt nguồn từ nguồn gốc của từ này.
Tiếc rằng điều này không soi sáng ý nghĩa thuật ngữ kapèlikè của Aristotle. Hậu tố ikè chỉ “nghệ thuật của”, do đó kapèlikè có nghĩa là “nghệ thuật của kapèlos”. Thật ra, chữ này không thông dụng: từ điển chỉ nêu một ví dụ (ngoại trừ của Aristotle) và trong ví dụ này, như có thể chờ đợi, nó có nghĩa là “nghệ thuật bán lẻ”. Làm sao lại đi đến việc sử dụng nó như tựa cho một chủ đề có tầm quan trọng hàng đầu hoàn toàn không giới ở thương mại bán lẻ, tức là những trao đổi thương mại? Vì, không nghi ngờ gì, đó là chủ đề của diễn ngôn của ông, loại trừ mọi chủ đề khác.
Không khó để tìm câu trả lời. Trong lời đả kích kịch liệt chống thương mại có lời, Aristotle dùng thuật ngữ kapèlikè với một âm hưởng mỉa mai. Những trao đổi thương mại, cũng như thương mại bán lẻ, hiển nhiên không phải là những cách thực hành của con buôn và bất luận bản chất của chúng là như thế nào thì các cách thực hành này xứng đáng được gọi bằng một hình thức hay biến thể của emporia, vốn thường chỉ thương mại đường biển, cũng như mọi hình thức quy mô lớn khác hay thương mại bán sỉ. Đặc biệt, khi Aristotle ám chỉ những kiểu thương mại đường biển khác nhau, ông dùng emporia trong nghĩa thông thường của từ này. Vì sao ông không dùng từ ấy trong phân tích lí thuyết chính của chủ đề, mà lại dùng một từ mới và lạ có nghĩa xấu?
Aristotle thích sáng tạo con chữ và óc hài hước của ông giống với B. Shaw. Nhân vật kapèlos là một thành công được xác nhận của nghệ thuật sân khấu hài kịch. Aristophanes trong vở The Acharnians đã biến người hùng của mình thành kapèlos và dưới hình dạng này được đội nhảy múa long trọng ca tụng như là triết gia thời thượng. Aristotle cương quyết cho thấy là những kẻ mới giàu và nguồn gốc mạo xưng là bí hiểm của của cải của họ không gây ấn tượng mấy cho ông. Những trao đổi thương mại không có gì là bí mật. Nghĩ cho cùng, đó chỉ là những cách thực hành của con buôn ở qui mô lớn.
Thay vì dùng chrèmatistikè theo nghĩa thông thường là “nghệ thuật làm ra tiền”, Aristotle cố ý dùng theo nghĩa đen là “nghệ thuật cung cấp những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống”. Laistner dịch đúng đắn thuật ngữ này bằng “nghệ thuật cung ứng” và Ernest Baker nhắc lại trong lời bình nghĩa nguyên thủy của chrèmata mà ông nhận xét rằng nó không tượng trưng cho tiền bạc nhưng cho chính những sản phẩm tối cần thiết, một cách kiến giải được Defourny và M. I. Finley ủng hộ trong một bài diễn thuyết chưa công bố. Thật ra, việc Aristotle nhấn mạnh đến ý nghĩa phi tiền tệ của chrèmata là hoàn toàn logic, do ông không vượt qua định đề tự cung tự cấp, một định đề không còn ý nghĩa bên ngoài một cách kiến giải tự nhiên về của cải.
Sai lầm hiển nhiên khi dịch metadosis bằng “trao đổi” trong ba đoạn then chốt của PoliticsEthics còn nghiêm trọng hơn[21]. Aristotle giới hạn ở ý nghĩa thông thường của metadosis. Chính các dịch giả đã đề xuất một cách kiến giải võ đoán. Trong một xã hội cổ xưa với những buổi lễ công cộng, những cuộc đột kích theo nhóm, và những cuộc hội họp khác có diễn ra sự giúp đỡ lẫn nhau và sự tương hỗ thì metadosis có một nghĩa đặc biệt – đó là “hành động trao cho một phần”, đặc biệt từ quỹ lương thực chung, trong một buổi lễ tôn giáo, tiệc nghi lễ hay mọi hoạt động tập thể và công cộng. Đó là ý nghĩa được từ điển gán cho metadosis. Từ nguyên của nó nhấn mạnh tính đơn phương của quà tặng, của sự đóng góp hay chia sẻ. Tuy nhiên, chúng ta giáp mặt với một điều đáng kinh ngạc: trong những đoạn mà Aristotle khẳng định mạnh mẽ rằng trao đổi bắt nguồn từ metadosis, trong ba đoạn then chốt nói trên, thuật ngữ này được chuyển thành “trao đổi” hay “hàng đổi hàng”, một điều hoàn toàn trái ngược. Cách dùng này được từ điển chính công nhận và xem metadosis, trong ba đoạn then chốt nói trên, như những ngoại lệ! Chỉ có thể hiểu sự chênh lệch này so với nguyên tác như một biểu hiện của ảnh hưởng của hệ tư tưởng thị trường trên các dịch giả hiện đại, và trên điểm này họ đã không có khả năng theo nghĩa của văn bản. Đối với các dịch giả này, trao đổi tượng trưng cho một khuynh hướng tự nhiên của con người không cần bất kì giải thích nào nữa. Nhưng, ngay cả khi thừa nhận rằng đúng như thế thật thì trao đổi không thể nào ra đời từ metadosis, theo nghĩa được thừa nhận là “hành động trao cho một phần”. Do đó khi dịch metadosis là “trao đổi”, họ đã biến khẳng định của Aristotle thành một điều đương nhiên vô nghĩa. Sai lầm này là nguy hại cho cả thiết kế tư tưởng kinh tế của Aristotle trên điểm mấu chốt này. Khi cho trao đổi bắt nguồn từ ý tưởng “hành động trao cho một phần”, Aristotle xác lập một mối liên hệ logic giữa lí thuyết kinh tế của ông nói chung và những vấn đề thực tiễn phải giải quyết. Chúng ta nhớ rằng ông xem trao đổi thương mại như một hình thức thương mại phi tự nhiên, và rằng thương mại tự nhiên không mang lại bất kì lợi nhuận nào một khi chỉ nhằm duy trì sự tự cung tự cấp. Để hỗ trợ luận đề này, thật sự ông có thể viện đến các tình huống: nhằm đảm bảo số lượng giới hạn cần thiết, và chỉ số lượng này thôi, cho việc duy trì sự tự cung tự cấp, việc trao đổi bằng hiện vật vẫn còn diễn ra rộng rãi, theo những tương đương được ấn định, trong một số dân tộc man dại, đối với những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống, và có lợi cho bên này hay bên kia, tùy trường hợp hay ngẫu nhiên. Như vậy, trao đổi, được quan niệm như xuất phát từ việc mỗi người góp phần mình vào qũy lương thực chung, là điểm nối khớp giữ chặt những yếu tố của một lí thuyết về kinh tế đặt cơ sở trên định đề tự cung tự cấp của cộng đồng và sự phân biệt giữa thương mại tự nhiên và phi tự nhiên. Nhưng tất cả điều ấy ấy dường như là xa lạ với tinh thần những dịch giả vốn quen với thị trường đến độ ẩn trú vào một cách kiến giải trái với văn bản và cuối cùng đánh mất mạch của lập luận. Như vậy, luận đề táo bạo nhất của Aristotle, mà cho đến nay đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng chỉ sức mạnh của tính độc đáo, bị qui về một điều tầm thường. Cho dù điều tầm thường này có hàm chứa một ý nghĩa chính xác thì có lẽ Aristotle đã bác bỏ nó như một quan niệm rỗng tuếch về những lực cơ bản làm chỗ dựa cho nền kinh tế của con người.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Aristote découvre l’économie”, chương 3 trong Essais de Karl Polanyi, Michèle Cangiani và Jérôme Maucourant tuyển chọn và giới thiệu, Paris, 2008, Seuil.




[1] Aristotle Discovers The Economy”, in Karl Polanyi, Conrad M. Arensberg and Harry W. Pearson (ed.), Trade and Market in the Early Empires. Economies in History and Theory, Glencoe, Ill. Free Press, 1957.

[2] Đó là bốn chương đầu của Trade and Market in the Early Empires. Economies in History and Theory về các nền kinh tế nguyên thủy, đặc biệt là về các “thương cảng” của Tây Địa trung hải và nền kinh tế của vùng Lưỡng Hà cổ (ND).

[3] J. A. Schumpeter, History of Economic Analysis, New York, 1954 (di cảo), trang 57: “Tác phẩm của Aristotle là […] trung bình, nhạt nhẽo và hơi yếu. Nó chỉ đôi chút cường điệu hóa lẽ thường thôi”. Schumpeter hoàn toàn không nghi ngờ rằng Aristotle dấn thân vào “việc phân tích những cơ chế thực tế của thị trường. Nhiều đoạn cho thấy […] đó là toan tính của Aristotle và ông đã thất bại”. Nghiên cứu chi tiết gần đây nhất phủ nhận không kém công lao của Aristotle. Xem C. J. Soudek, “Aristotle’s Theory of Exchange”, Proceedings of American Philosophical Society, vol. 96, n01, 1952. J. J. Splenger, “Aristotle on Economic Imputation and Related Matters”, Southern Economic Journal, vol. XXI, April 1955, p. 386, n. 59, là ngoại lệ duy nhất: “Aristotle không quan tâm tìm hiểu bằng cách nào giá cả hình thành trên thị trường”.

[4] Xem Karl Polanyi, The Great Transformation, New York, 1944, trang 64.

[5] Margaret Mead (1901-1978), nhà nhân học Mĩ.

[6] Cooperation and Competition, New York and London, trang 33.

[7] Aristotle, Nicomachean Ethics, 1132 b 21-35

[8] Nhà lập pháp và nhà thơ của Athens, xem Những anh hùng Hi lạp cổ đại của Plutarch, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2005, trang 55-68 (ND).

[9] Câu thơ của Solon là “Đối với con người, chẳng có giới hạn nào là đủ cho việc thu thập của cải” trong Chính trị luận của Aristotle, NXB Thế giới, Hà Nội, 2013, trang 64 (ND).

[10] Aristotle, Politics, 1257 a 24 [Chính trị luận, NXB Thế giới, Hà Nội, 2013, trang 66 - ND]

[11] n.t., 1257 a 19

[12] n.t, 1257 a 25 [Chính trị luận, NXB Thế giới, Hà Nội, 2013, trang 66 - ND]

[13] Aristotle, Nicomachean Ethics, 1133 b 16, 1133 b 9.

[14] n.t., 1133 b 29.

[15] n.t., 1133 b a 8.

[16] n.t., 1133 b a 10.

[17] n.t., 1133 b a 15.

[18] Aristotle, Politics, 1257 a 24-31.

[19] Aristotle, Nicomachean Ethics, 1133 a 3-6

[20] Pseudo-Aristotle, Economics, II, 1353 a 24-28.

[21] n.t., 1133 a 2: Politics, 1257 a 24: 1280 b 20.

Print Friendly and PDF