1.3.16

Lý thuyết tổng quát của Keynes tròn 80 tuổi



Lý thuyết tổng quát của Keynes tròn 80 tuổi

Robert Skidelsky
LONDON - Năm 1935, John Maynard Keynes đã viết cho George Bernard Shaw: "Tôi tự tin đang viết một cuốn sách về lý thuyết kinh tế sẽ cách mạng hóa phần lớn – tôi không cho rằng ngay tức thì nhưng trong vòng mười năm nữa – cách thức mà thế giới suy nghĩ về những vấn đề kinh tế". Và, quả thật, tác phẩm vĩ đại (magnum opus) của Keynes, The General Theory of Employment, Interest and Money (Lý thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ), xuất bản vào tháng Hai năm 1936, đã làm thay đổi kinh tế học và việc hoạch định các chính sách kinh tế. Tám mươi năm sau, liệu lý thuyết của Keynes có còn đứng vững không?
John M. Keynes (1883-1946)
George B. Shaw (1856-1950)
Hai thành tố trong di sản của Keynes có vẻ còn vững chắc. Thứ nhất, Keynes phát minh ra kinh tế học vĩ mô – lý thuyết về đầu ra như một tổng thể. Ông gọi lý thuyết của ông là "lý thuyết tổng quát" để phân biệt với lý thuyết tiền Keynesian, trong đó giả định một mức độ đầu ra duy nhất – mức của toàn dụng lao động.
Khi chỉ ra cách thức mà kinh tế học có thể bị mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng "khiếm dụng lao động", Keynes đã thách thức ý tưởng trung tâm của kinh tế học chính thống vào thời của ông: đó là thị trường đối với tất cả các loại hàng hóa, kể cả lao động, đều cùng lúc được giá cả làm cho cân bằng. Và thách thức của ông ngụ ý một chiều kích mới để hoạch định chính sách: các chính phủ có thể cần phải kéo dài tình trạng thâm hụt để duy trì sự toàn dụng lao động.
Các phương trình tổng gộp làm cơ sở cho "lý thuyết tổng quát" của Keynes vẫn chiếm cứ các sách giáo khoa về kinh tế học và định hình các chính sách về kinh tế vĩ mô. Ngay cả những nhà kinh tế nào khẳng định rằng kinh tế thị trường hướng về sự toàn dụng lao động cũng buộc phải bảo vệ quan điểm của họ trong khuôn khổ mà Keynes đã tạo ra. Các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh lãi suất để đảm bảo sự cân bằng giữa tổng cung và cầu, bởi vì, nhờ Keynes, mà chúng ta biết được rằng trạng thái cân bằng có thể không xảy ra một cách tự động.
Robert Lucas (1937-)
Di sản lớn thứ hai của Keynes là khái niệm cho rằng các chính phủ có thể và nên tránh tình trạng suy thoái. Việc chấp nhận rộng rãi quan điểm này có thể được nhìn thấy trong sự khác biệt giữa chính sách phản ứng mạnh mẽ đối với sự sụp đổ tài chính của những năm 2008-2009 và phản ứng thụ động đối với cuộc Đại suy thoái của những năm 1929-1932. Robert Lucas, khôi nguyên giải Nobel và một người đối lập với Keynes, vào năm 2008 thừa nhận rằng: "Tôi đoán mọi người đều theo thuyết Keynes trong chiến hào của mình."
Sau khi nói như vậy rồi thì ngày nay lý thuyết của Keynes về cân bằng "khiếm dụng lao động" không còn được hầu hết các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách chấp nhận. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là minh chứng cho điều này. Sự sụp đổ của nền kinh tế phủ nhận phiên bản cực đoan nhất về sự tối ưu của nền kinh tế tự điều chỉnh; nhưng nó không khôi phục lại được uy tín của cách tiếp cận theo trường phái Keynes.
Chắc chắn, các biện pháp theo trường phái Keynes đã giúp dừng lại đà xuống dốc của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng nó cũng dồn trách nhiệm cho các chính phủ gánh nặng những khoản thâm hụt lớn, điều mà nhanh chóng được xem như là một trở ngại cho sự phục hồi kinh tế – trái với những gì mà Keynes đã dạy. Với tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, các chính phủ đã quay trở lại với lý thuyết chính thống tiền Keynes, cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách – và làm giảm sự phục hồi kinh tế trong quá trình này.
Có ba lý do chính để giải thích cho sự quay trở lại này. Thứ nhất, niềm tin vào sức mạnh của giá cả có trong việc cân bằng cung cầu thị trường lao động trong một nền kinh tế tư bản chưa bao giờ bị lật đổ hoàn toàn. Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế bắt đầu xem tình trạng thất nghiệp dai dẳng như là một tình trạng khác thường, chỉ phát sinh khi mà sự việc diễn ra hết sức tồi tệ, chắc chắn không phải là trạng thái bình thường của nền kinh tế thị trường. Việc bác bỏ khái niệm về sự bất trắc triệt để của Keynes nằm ở trung tâm của sự quay trở lại này với tư tưởng tiền Keynes.
Thứ hai, các chính sách Keynesian thời hậu chiến về "quản lý cầu", từng được tín nhiệm vì đã tạo ra một giai đoạn dài bùng nổ kinh tế sau năm 1945, đã tạo ra một tình trạng lạm phát cao vào cuối những năm 1960. Trước một sự đánh đổi ngày càng xấu đi giữa tình trạng lạm phát và thất nghiệp, các nhà hoạch định chính sách theo trường phái Keynes đã cố duy trì sự bùng nổ kinh tế qua chính sách về thu nhập – kiểm soát các chi phí lương qua các thỏa thuận mang tính quốc gia với các tổ chức nghiệp đoàn.
Milton Friedman (1912-2006)
Nhiều nước đã thử nghiệm chính sách thu nhập từ những năm 1960 đến cuối những năm 1970. Trong điều kiện tốt nhất, đã có một số thành công trước mắt, nhưng các chính sách này cuối cùng cũng thất bại. Milton Friedman đã đưa ra một lý giải phù hợp với sự vỡ mộng ngày càng tăng trước việc kiểm soát tiền lương và giá cả, và tái khẳng định quan điểm tiền Keynes về cách thức vận hành của các nền kinh tế thị trường. Theo Friedman, tình trạng lạm phát bắt nguồn từ những nỗ lực của các chính phủ Keynesian trong việc duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn tỷ lệ "tự nhiên" của nó. Chìa khóa để bình ổn lại giá cả là từ bỏ mục tiêu toàn dụng lao động, làm yếu đi vai trò của các tổ chức nghiệp đoàn, và phi điều tiết hệ thống tài chính.
Và như vậy, lý thuyết chính thống cũ đã hồi sinh trở lại. Mục tiêu toàn dụng lao động đã được thay thế bằng mục tiêu lạm phát, và để ngỏ tình trạng thất nghiệp với tỷ lệ "tự nhiên" của nó, bất luận đó là tỉ lệ tự nhiên nào. Chính với thiết bị hàng hải khiếm khuyết này mà các chính trị gia đã lao thẳng vào các tảng băng trôi vào năm 2008.
Margaret Thatcher (1925-2013)
Ronald Reagan (1911-2004)
Lý do cuối cùng để lý giải cho sự sụp đổ của học thuyết Keynes là sự chuyển hướng ý thức hệ sang cánh hữu, bắt đầu với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan. Sự chuyển hướng này bắt nguồn từ thái độ thù địch đối với sự mở rộng của nhà nước sau Thế chiến thứ II, hơn là từ sự bác bỏ chính sách theo trường phái Keynes. Chính sách tài khóa theo trường phái Keynes bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, rất nhiều người thuộc phe cánh hữu lên án nó như là một biểu hiện của sự can thiệp "thái quá" của chính phủ vào nền kinh tế.
Hai suy nghĩ cuối gợi ý một vai trò đổi mới, nếu không muốn nói là khiêm tốn hơn, của kinh tế học Keynesian. Một cú sốc lớn hơn đối với lý thuyết chính thống trước năm 2008 so với bản thân sự sụp đổ của nó là việc phát hiện quyền lực thối nát của hệ thống tài chính và mức độ mà các chính phủ thời hậu phá sản cho phép các chủ ngân hàng đạo diễn các chính sách của họ. Kiểm soát thị trường tài chính vì lợi ích của toàn dụng lao động và công bằng xã hội về cơ bản hoàn toàn thuộc về học thuyết Keynesian.
Thứ hai, đối với các thế hệ sinh viên mới, tính thích đáng của Keynes có thể ít nằm trong các giải pháp cụ thể của ông về tình trạng thất nghiệp mà là trong những phê phán của ông đối với giới kinh tế học trong việc mô hình hóa nền kinh tế trên cơ sở những giả định phi thực tế. Những sinh viên về kinh tế học nào muốn thoát khỏi thế giới xương xẩu của những tác nhân tối ưu hóa để bước vào một thế giới của những con người thật s, được đặt trong lịch sử, văn hóa, và thể chế của họ, thì sẽ thấy kinh tế học của Keynes về thực chất là rất có thiện cảm. Đó là lý do vì sao tôi mong rằng Keynes sẽ sống mãi trong 20 năm tới, đến trăm tuổi của Lý thuyết tổng quát, và còn lâu hơn nữa.
Robert Skidelsky (1939-)
Robert Skidelsky, Giáo sư danh dự về Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh về lịch sử và kinh tế học, là thành viên của Thượng viện nước Anh. Là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề của Bộ Ngân khố tại Thượng viện, và cuối cùng bị buộc phải ra khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Keynes’s General Theory at 80, Project Syndicate, FEB 23, 2016.
Print Friendly and PDF