7.8.14

Thomas d’Aquin (Tôma Aquino)

Nhà trí thức cấp tiến, tu sĩ và quân sư cho Quân vương, Thomas d’Aquin quan tâm đến những vấn đề kinh tế. Những suy tưởng của ông về sự công bằng, giá cả và thương mại đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà kinh tế lớn như Keynes và Schumpeter.
Thomas d’Aquin là tác giả đại diện chính cho tư tưởng kinh viện , một tư tưởng đạt đến đỉnh điểm vào thế kỉ XIII, đồng thời với nghệ thuật gotich. Thời Trung Cổ, học thuyết kinh viện được giảng dạy trong các đại học châu Âu, những hội đoàn tự quản các giảng viên và sinh viên được phát triển trong thế kỉ XII và XIII được các quân vương và giám mục dành cho nhiều tự do. Thomas d’Aquin được phong linh mục và thi hành sứ vụ linh mục của ông. Nhưng trước hết và trên hết, ông là một nhà trí thức, một nhà văn và một nhà giáo không ngừng đi khắp châu Âu và để lại một sự nghiệp khổng lồ mà việc sáng tạo ra nó chắc chắn đã làm ông mất sức và góp phần làm ông mất sớm.
Tranh của Diego Vélazquez.[*]
Tổng luận thần học (Summa theologiae), mà Schumpeter đánh giá rằng tác phẩm này đối với lịch sử tư tưởng như là mũi tên chỉ hướng tây nam của thánh đường Chartres đối với lịch sử kiến trúc, là một giáo trình bắt nguồn từ các bài giảng của Thomas d’Aquin. Năm 1265 ông từ chối tổng giáo phận Naples để có thể tiếp tục tập trung vào giảng dạy và viết sách. Cũng giống như nhiều nhà trí thức khác, ông còn tư vấn cho những người quyền uy của thế gian, kể cả giáo hoàng. Ông tham gia tích cực vào nhiều cuộc tranh luận, trong giáo hội, ví dụ giữa các dòng Phan Sinh và Đa Minh, cũng như ngoài giáo hội, với các nhà triết học Hồi giáo như Averroès. Việc ông gia nhập dòng hành khất và thuyết giảng của các tu sĩ Đa Minh khiến gia đình ông nổi giận và giam ông hơn một năm. Người ta kể rằng, các anh của ông nhằm làm ông đồi bại đã giới thiệu cho ông một ả làng chơi nhưng bị ông đuổi đi bằng que sắt cời lò. Phẩm hạnh của ông khiến ông có biệt danh là “Tiến sĩ thiên thần”.

Lao động và sở hữu

“Học thuyết Thomas” trở thành học thuyết chính thức của giáo hội công giáo và ngày nay được xem như một tư tưởng bảo thủ. Nhưng, ngoài việc là, về một số mặt, học thuyết ấy xa lạ với tư tưởng của Thomas d’Aquin, cũng như học thuyết marxist xa lạ với tư tưởng của Marx hay học thuyết keynesian xa lạ với tư tưởng của Keynes, thì trên bàn cờ ý thức hệ thời bấy giờ Tiến sĩ thiên thần ở bên phía tiến bộ, đến độ học thuyết của ông bị giám mục Paris kết án năm 1277.
Bên cạnh thần học tự nhiên, đặt cơ sở trên sự mặc khải, Thomas d’Aquin cho rằng trong các bộ môn triết học, đặt cơ sở trên lí tính con người, không có chỗ cho những luận cứ quyền uy. Ông là một trong những tác giả phục hồi Aristote mà các tác phẩm được các triết gia Ả rập bảo tồn và bị hàng giáo phẩm công giáo nghi ngại. Thomas d’Aquin cũng đã mượn của Aristote ý tưởng cho rằng đối với con người cộng đồng là tự nhiên, và do đó con người là một sinh vật chính trị[1]. Tổ chức chính trị không thuộc về tôn giáo và niềm tin mà thuộc về lĩnh vực của lí tính. Thomas d’Aquin cũng lấy cảm hứng từ Aristote để nghiên cứu các hoạt động kinh tế trong phần của Tổng luận thần học dành cho sự công bằng. 
Tuy nhiên, ông tách ra khỏi Aristote trên một điểm thiết yếu. Đối với Aristote, lao động và đặc biệt lao động tay chân, là không xứng đáng với công dân; đó là việc do các nô lệ đảm nhận. Phù hợp với thông điệp của Tin Mừng, Thomas d’Aquin khẳng định ngược lại rằng lao động là một hoạt động tự nhiên của con người tự do. Người thợ mộc Giêsu tập hợp mười hai môn đồ đều là những người lao động chân tay. Chính chế độ nô lệ là bất thường và đáng lên án. Tiếp bước Tổng luận thần học, giáo hội, chẳng hạn trong thông điệp Laborem exercens của giáo hoàng Gioan Phao Lô II năm 1981, tuyên bố tính hơn hẳn của lao động trên tư bản.
Nhưng sự bảo vệ sở hữu tư nhân của Thomas d’Aquin đồng thời cũng là cơ sở của việc giáo hội công giáo kết án chủ nghĩa xã hội, ít ra là trong phiên bản triệt để của nó. Thomas d’Aquin giải thích vì sao “con người được phép sở hữu cái gì đó cho riêng mình”. Sở hữu tư nhân là một quyền tự nhiên và dựa trên ba biện minh mà ta sẽ tìm thấy lại trong các văn bản tự do của thế kỉ XVIII và XIX. Trước tiên con người chăm sóc tốt hơn những gì mình sở hữu. Tiếp đó con người làm việc tốt hơn cho chính mình hơn là cho người khác. Cuối cùng trật tự xã hội được bảo tồn tốt hơn nếu tránh những xung đột gắn với sở hữu tập thể.
Lập luận này có một điểm tế nhị quan trọng. Nếu có người ở vào trường hợp thiếu thốn, ví dụ nếu họ không có gì ăn, thì thực phẩm trở thành sản phẩm tập thể. Do đó có thể ăn cắp khi cần thiết. Điều này biện minh cho Robin Hood! Lập luận của Thomas d’Aquin được sử dụng trong một phiên tòa ở Château-Thierry năm 1898 để tha bổng Louise Ménard, một bà mẹ ăn cắp bánh mì để nuôi con.        

Thương mại và giá chính đáng

Thomas d’Aquin phân biệt công lí phân phối của nhà lãnh đạo chia sẻ sản phẩm giữa các thần dân và công lí thực định chi phối những trao đổi giữa các cá thể. Nguyên lí cơ bản là không ai được làm giàu mà gây thiệt thòi cho người khác. Giá cả phải tôn trọng công lí thực định. Giá chính đáng là một trong những ý tưởng nổi tiếng nhất của tư tưởng kinh tế kinh viện. Tương tự như thế, lương chính đáng là lương đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng. Keynes sẽ đối lập học thuyết được ông ủng hộ này với học thuyết theo đó lương phải được ấn định bởi cung và cầu. Về phần mình, Schumpeter xem lí thuyết về công lí thực định và lí thuyết giá chính đáng như phác thảo của những lí thuyết hiện đại về trao đổi và giá cạnh tranh.
Thương mại là tự nhiên vì đó là kết quả của sự phân công lao động: “Mua và bán được thiết chế vì lợi ích của đôi bên, vì mỗi người có nhu cầu sản phẩm của người khác, và ngược lại”. Nhưng người từng đọc Aristote lại chua thêm “có điều gì đó hèn hạ trong bản thân thương mại”. Không thể kiếm lời bằng trao đổi. Bán đắt hơn mua là một tội lỗi. Tuy nhiên Thomas d’Aquin chấp nhận những ngoại lệ mở đường cho việc thừa nhận ích lợi xã hội của thương mại và sự biện minh cho lợi nhuận: sự cần thiết phải kiếm sống, mong muốn làm từ thiện và phục vụ công ích bằng tiền lời của thương mại, việc cải tiến hàng hóa trong giao dịch, những khác biệt liên thời gian và liên không gian của giá trị, rủi ro của người bán buôn.  

Tiền bạc và tiền lãi

Trước câu hỏi “nhận lãi cao từ tiền cho vay có phải là một tội lỗi không?”, Thomas d’Aquin trả lời có. Ở đây, lãi cao đồng nghĩa với tiền lãi. Ông dựa lập luận của mình trên một quan niệm đặc biệt về tiền bạc, mượn từ Aristote, theo đó về bản chất đồng tiền không sản sinh. Là phương tiện trao đổi và thước đo giá trị, tiền tự bản thân nó không có ích lợi. Tiền được tiêu dùng bằng hành động sử dụng nó, giống như rượu, ngược lại với, ví dụ, một căn nhà mà ta có thể đòi hỏi tiền thuê. Không thể đòi hỏi tiền thuê cho việc sử dụng rượu. Tương tự như thế, bắt phải trả tiền cho việc sử dụng đồng tiền là không chính đáng vì đó là phải trả cho một điều không tồn tại. Keynes sẽ lấy lại một phần ý tưởng này và đối lập nó với quan điểm cổ điển theo đó tiền lãi là sự tưởng thưởng cho việc tiết chế, đó chính là sự tưởng thưởng cho việc từ bỏ tính thanh khoản. Về các luận điểm kinh viện, ông viết rằng “học thuyết này […] đáng được phục hồi và coi trọng” (Lí thuyết tổng quát). Ông quy trách nhiệm của một phần đáng kể các nan đề của chủ nghĩa tư bản cho lãi suất.
Cũng như đối với thương mại, Thomas d’Aquin chấp nhận có những ngoại lệ “cho phép một khoản vay tiền đòi hỏi được thêm một số lợi thế”. Chẳng hạn đó là trường hợp khi phải phòng chống rủi ro một sự mất mát hay khi được nhận thưởng do đã trợ giúp. Ta cũng có thể đòi hỏi một phần lợi nhuận người đi vay thu được từ tiền ta cho họ vay. Tất nhiên điều này mở toang cửa cho sự biện minh lãi suất, theo một cách đặt vấn đề sẽ được các nhà kinh tế cổ điển lấy lại.
Sau các Công đồng Latran (1215) và Lyon (1274) mà Thomas d’Aquin đáng lẽ phải tham gia, Công đồng Vienne năm 1311 tuyên bố rằng cho vay có lãi là một tội lỗi. Sự lên án việc cho vay nặng lãi được Bênêdicto XIV khẳng định lại năm 1745 trong thông điệp Vix pervenit. Nhưng dần dần người ta phân biệt lãi cao và lãi suất và năm 1830 các Thánh bộ Roma cho phép lãi suất pháp định theo bộ dân luật Napoléon và sau đó một chỉ thị năm 1838 lệnh cho các vị giải tội đừng làm phiền những ai áp dụng lãi suất hiện hành. Và trong các khoảng thời gian trên, những tổ chức gắn với giáo hội đã đi vay và cho vay! 
*
*     *
Thomas d’Aquin qua vài năm tháng
1226: sinh tại Rocca Secca, vương quốc Naples, con của Landolphe, bá tước của Aquin và  Theodore, nữ bá tước của Théate.
1230-1239: nội trú tại tu viện Biển Đức ở Mont-Cassin.
1239: học ở đại học Naples, tại đó ông khám phá Aristote và tiếp xúc với các tu sĩ Đa Minh.
1243: Thomas trở thành tập sinh dòng Đa Minh bất chấp sự chống đối của gia đình và lưu lại tại tập viện Sainte-Sabine de Rome. Trên đường đến Florence, ông bị các anh ông bắt cóc và giam giữ hơn một năm trong lâu đài gia đình ở San Giovani.
1245: Ông khấn dòng và trở thành tu sĩ dòng thuyết giảng và trở thành học trò của nhà thần học và triết học Đức Albert le Grand (1193-1280) ở Cologne.
1245-1248: học tại tu viện Saint Jacques ở Paris.
1248-1252: giảng dạy tại Studium generale của các tu sĩ Đa Minh ở Cologne.
1250: thụ phong linh mục ở Cologne.
1259: giảng dạy ở Paris.
1256: Tác phẩm về Bộ các châm ngôn (Écrits sur Le livre des sentences).
1257: tiến sĩ thần học của đại học Paris.
1259: được giáo hoàng Alexandrô IV chỉ định là nhà thần học của Giáo triều Roma.
1259-1258: ông chia sẻ thời gian ở Italia, giữa Roma, Bologne, Naples và nhiều nơi khác.
1259-1264: viết Somme contre les gentils (Tổng luận chống lại dân ngoại).
1261: được giáo hoàng Urbanô IV cử làm Trưởng điện Tổng tòa.
1264-1268: giảng dạy tại Sainte-Sabine.
1265-1273: viết Somme théologique (Tổng luận thần học).
1269-1271: giảng dạy ở Paris.
1272-1273: giám đốc khoa thần học đại học Naples.
1273: sức khoẻ ông giảm sút đột ngột và nhanh chóng, ông ngưng viết.
1274: trên đường đến Lyon để tham dự Công đồng chung, ông mất ngày 7 tháng 3 tại tu viện dòng Xitô ở Fossanova, gần Priverno.
1277: Etienne Tempier, giám mục Paris, lên án Tổng luận thần học.
1323: giáo hoàng Jean XXII phong thánh cho ông.
1369: thi hài ông được dời về nhà thờ Jacobins ở Toulouse và nay vẫn ở đây.
1567: giáo hoàng Piô V phong ông làm Tiến sĩ Giáo hội.
1879: thông điệp Aeterni Patris của giáo hoàng Lêô XII biến tư tưởng Thomas d’Aquin thành học thuyết chính thống của giáo hội công giáo.
    

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Thomas d’Aquin
Somme théologique, Éditions du Cerf, 1984, 4 tomes. Cũng có trên Internet, đặc biệt ở địa chỉ: http://www.editionsducerf.fr   
Somme théologique : la justice, Desclée de Brouwer, 1932.
Somme contre les gentils, coll. GF, Flammarion, 1999, 4 tomes. Cũng có trên Internet, ở: http://www.editionsducerf.fr

Những tác phẩm viết về Thomas d’Aquin
Saint Thomas Aquinas của Mark Blaugh (chủ biên), Edward Elgar, 1991
L’anthropologie politique de Thomas d’Aquin của Yves Catin, L’Harmattan, 2001.
Une introduction à la pensée économique médiévale của André Lapidus trong Nouvelle histoire de la pensée économique. Vol. 1: des scolastiques aux classiques do Alain Béraud và.Gilbert Faccarello (chủ biên), La Découverte, 2000.
Initiation à Saint Thomas d’Aquin của Pierre Torrell, Éditions du Cerf, 1993

Nguyễn Đôn Phước dịch



Nguồn: “Thomas d'Aquin et le péché de l’usure” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche n0057, tháng mười 2012.



[1] Xem bài “Aristote và sức mạnh xói mòn của đồng tiền”.

[*] tranh của Diego Vélazquez (1599-1660): thiên thần choàng cho Thomas d'Aquin giải khăn tinh khiết sau khi ông đã chứng minh sự trong sạch của mình.

Print Friendly and PDF