4.1.20

Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu phải xoá bỏ sự chia rẽ

ĐỐI MẶT VỚI TRUNG QUỐC, CHÂU ÂU PHẢI XÓA BỎ SỰ CHIA RẼ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 4 tháng 11 năm 2019. (Nguồn: Planète Business)
Hơn bất kỳ giai đoạn nào khác gần đây, tháng 11 năm 2019 đã làm nổi bật những phức tạp trong cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc: chính sách mở cửa cho nguồn vốn Trung Quốc đổi lấy yêu sách về các giải pháp có qua có lại.
Trong khi tổng thống Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Bắc Kinh, thì người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Athens, nơi mà Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đang đợi ông – bản thân Kyriakos Mitsotakis cũng mới trở về từ Thượng Hải. Trong thành phần [chuyến thăm tới Bắc Kinh], tổng thống Pháp đã nỗ lực châu Âu hóa chuyến đi của mình càng nhiều càng tốt, khi trong phái đoàn của ông có một ủy viên châu Âu, Phil Hogan [người Ailen], và bà Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Đức, Anja Karliczek, và kết hợp Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc với các cuộc họp mặt của ông. Nhưng bất chấp những nỗ lực nói trên, việc Tập Cận Bình chọn đến thăm Hy Lạp không phải là điều ngẫu nhiên. Từ nhiều năm nay, trong số các nước châu Âu, chính phủ Athens đã áp dụng một chính sách nước đôi lớn nhất với Trung Quốc – và thuận lợi nhất cho Trung Quốc.
Điều chắc chắn là, trong năm 2019, Hy Lạp đã không ngăn chặn việc áp dụng chiến lược EU-Trung Quốc mới vào tháng 3, cũng như đã không ngăn chặn cơ chế mới về việc sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào Liên minh vào tháng 4, cho phép Ủy ban châu Âu xem xét những dự án đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính phủ mới của Hy Lạp, được bầu vào tháng 7 năm 2019, đã không từ bỏ bất kỳ cam kết nào của người tiền nhiệm. Cựu Thủ tướng Alexis Tsipras đã tham dự Diễn đàn các con đường tơ lụa mới tại Bắc Kinh vào tháng 4, và tham gia vào sáng kiến “16 + 1”, mà cho đến bây giờ chỉ dành riêng cho Trung Âu và Đông Âu, trong đó có các nước vùng Balkans. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nguồn vốn của chính quyền cảng Piraeus từ nay được coi là một phần không tách rời của sáng kiến “vành đai và con đường” (Belt and Road Initiative hay BRI, tên chính thức của sáng kiến các “Con đường tơ lụa mới”) – mặc dù sự can dự của Trung Quốc vào Hy Lạp đã khởi động từ năm 2009, sáng kiến BRI đã được Tập Cận Bình đề cập lần đầu tiên vào năm 2013.
Công ty quốc doanh về vận tải hàng hải, China Ocean Shipping Company (COSCO), từ nay sở hữu 51% cổ phần của cảng Piraeus và dự định sử dụng cảng ngó ra Địa Trung Hải này làm căn cứ hậu cần cho các sản phẩm của Trung Quốc trong khu vực. Trong dài hạn, cổ phần của COSCO trong nguồn vốn sẽ phải đạt 67%. Vào tháng 11, Tập Cận Bình đã đến thăm cảng và bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Hy Lạp.
NHỮNG NƯỚC NHỎ NHẤT Ở CHÂU ÂU LUÔN LÀ NHỮNG NƯỚC ĐƯỢC vE VÃN NHIỀU NHẤT
Khi đón tiếp một cách huy hoàng Tổng thống Pháp, “khách mời danh dự” của Hội chợ các mặt hàng nhập khẩu của Thượng Hải, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy một mức độ sẵn sàng nào đó trong việc theo đuổi các mối quan hệ lâu dài với những nước quan trọng nhất ở châu Âu, trong đó có cả những nước từng khởi xướng chiến lược mới của EU đối với Trung Quốc. Pháp là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Pháp là một cường quốc quân sự, hoạt động trên bốn lục địa. Năm 2017, Pháp đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris với sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Tổng thống Macron là người ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại quốc tế – những khái niệm mà Bắc Kinh đã không ngừng cổ vũ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, chuyến thăm tiếp theo của Tập Cận Bình tới Athens là bằng chứng cho thấy Trung Quốc dự định tiếp tục ve vãn những nước nhỏ nhất ở châu Âu, những nước luôn tìm kiếm nguồn viện trợ và sự hỗ trợ về nguồn vốn. Năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã trở thành một nhà đầu tư quan trọng tại một số nước đang mắc nợ nhiều nhất ở miền nam châu Âu, đặc biệt là Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Mặc dù nền kinh tế Hy Lạp đã khởi động lại nhưng nó vẫn trong tình trạng rất mong manh. Cảng Piraeus đã trở thành một biểu tượng thành công của việc Trung Quốc hiện diện ở lĩnh vực các cơ sở hạ tầng của châu Âu. Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế Hy Lạp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
ĐỐI TÁC, ĐỐI THỦ CẠNH TRANH HAY ĐỐI THỦ HỆ THỐNG?
Trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với những nền kinh tế lớn của châu Âu – Pháp và Đức – khi mức tăng trưởng kinh tế [của Pháp và Đức] đã chậm lại và phải lường trước tương lai, mà phần lớn cuộc chơi sẽ diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đức đang kề cận một cuộc suy thoái và các doanh nghiệp của Đức bị chia rẽ giữa những công ty vẫn tin vào thị trường tiêu dùng to lớn ở Trung Quốc (Siemens, Volkswagen hoặc Daimler) và những công ty – được đại diện bởi BDI, liên đoàn các ngành công nghiệp tập hợp những doanh nghiệp hạng trung chuyên về các công nghệ tiên tiến. Vào tháng 1 năm 2019, BDI đã công bố một báo cáo bùng nổ kêu gọi tăng cường tình đoàn kết châu Âu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. 
Pháp và Đức là cội nguồn của chính sách châu Âu mới được khởi xướng sau một quá trình làm việc chung giữa Berlin và Paris (cũng như Rome) vào năm 2017. Tháng 3 năm 2019, Ủy ban đã công bố Triển vọng chiến lược EU-Trung Quốc, và lần đầu tiên, mô tả Trung Quốc như là một “đối tác thương mại mà Liên minh châu Âu phải tìm ra một sự cân bằng, một đối thủ cạnh tranh về kinh tế đang tìm kiếm một vai trò lãnh đạo công nghệ và một đối thủ có hệ thống đang triển khai các mô hình quản trị thay thế”.
Theo Liên minh châu Âu, một tình huống như vậy đòi hỏi một cách tiếp cận vừa “linh hoạt, thực dụng và toàn châu Âu”. Các đại diện của EU đang yêu cầu các doanh nghiệp châu Âu phải được tiếp cận một cách tốt hơn thị trường Trung Quốc, mà phần lớn vẫn còn nằm dưới sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Chiến lược này đi kèm với việc chính thức triển khai một quá trình sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào các nước EU, đặc biệt trong lĩnh vực các công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng. Luật mới dự kiến ​​sẽ chính thức có hiệu lực vào mùa thu năm 2020.
TẬn dỤng SÁNG KIẾN các “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI”
Kể từ tháng 9, đã có những thông báo khác đánh dấu các mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu. Ví dụ như, báo cáo của Ủy ban châu Âu xem xét những rủi ro tiềm ẩn của an ninh mạng với cách tiếp cận mạng 5G, hoặc thỏa thuận mới giữa EU và Nhật Bản về mạng kết nối.
Một tập hợp các văn bản nói trên là hệ quả của một nhận thức mới khi đối mặt với sự gia tăng nhanh về sức mạnh Trung Quốc, được hiện thực hóa thông qua sự chia rẽ ở châu Âu trong những năm gần đây. Mặc dù không chống lại chính sách mới của EU, nhưng những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary, Bulgaria hay Croatia đang bảo vệ, một cách không ngượng ngùng, chính sách mở cửa” đối với các nguồn vốn Trung Quốc. Hungary và Hy Lạp cũng đã từ chối tham gia vào các tuyên bố của EU chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Sự chia rẽ nói trên đang đặt Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu mới – cơ quan này đã làm cho địa chính trị trở thành một trong những trục của mình – gặp khó khăn. Giới lãnh đạo châu Âu chắc chắn đã bắt đầu suy nghĩ lại, một cách tập thể, về “vấn đề Trung Quốc”, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Tại Brussels, Trung Quốc – với khả năng áp dụng chính sách “chia để trị” – đã trở thành một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận. Chuyến thăm của tổng thống Emmanuel Macron tới Bắc Kinh đã phần nào phản ánh suy nghĩ nói trên. Nhưng sẽ không dễ tìm được sự cân bằng phù hợp, khi mà các Nhà nước [trong EU] tiếp tục chơi trò chơi chia cắt của mình, mang đến cho Trung Quốc nhiều cơ hội – đặc biệt là những nước ở vùng ngoại vi của châu Âu.
Khi sức mạnh tài chính của Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu, thì các nước châu Âu phải cho thấy tính thực dụng của mình, và đưa ra cho Trung Quốc những lựa chọn thay thế cho chính sách của Donald Trump. EU vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, với mức thâm hụt lớn có lợi cho Trung Quốc, và đây là điều hoàn toàn bất thường khi các nước châu Âu không tận dụng được lợi thế đó. Xét cho cùng, liệu sáng kiến “vành đai và con đường” có đặc biệt nhắm đến lục địa châu Âu như là một vùng đất tiếp nhận các sản phẩm và các nguồn đầu tư của Trung Quốc hay không? Đã đến lúc châu Âu cần tận dụng tình hình quốc tế để không là một người quan sát thụ động. Liên minh châu Âu phải yêu cầu những giải pháp có qua có lại, lớn tiếng tuyên bố những giá trị của châu Âu trong khi vẫn duy trì mở cửa hợp tác với Trung Quốc về những vấn đề đa phương lớn bên ngoài biên giới của EU.
Giới thiệu tác giả
Philippe Le Corre (1964-)

Philippe Le Corre là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy và là nhà nghiên cứu cao cấp không thường trú tại Carnegie Endowment for International Peace [Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế]. Ông cũng liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John K. Fairbank tại đại học Harvard và viện ESSEC-Irené (Viện Nghiên cứu và Giảng dạy về Đàm phán). Từ năm 2014 đến năm 2017, ông là nhà nghiên cứu tại Viện Brookings ở Washington. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của các tác phẩm sau: “China’s Offensive in Europe [Cuộc tấn công của Trung Quốc ở châu Âu]” (Brookings Press, 2016); “China's Global Rise: Can the EU and the US pursue a coordinated strategy? [Sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc: Liệu EU và Hoa Kỳ có thể theo đuổi một chiến lược phối hợp hay không?]” (Brookings, 2016); “Rethinking The Silk Road [Suy nghĩ lại về con đường tơ lụa]” (Palgrave-Macmillan, 2018); “China’s Rise as a Geoeconomic Influencer. Four European case studies [Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nước gây ảnh hưởng về địa kinh tế. Bốn điển cứu ở Châu Âu]” (Carnegie, 2018) và “Enhancing Europe’s Role in the Indo-Pacific [Nâng cao vai trò của Châu Âu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]” (Carnegie, 2019). Nghiên cứu của ông tập trung vào các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa châu Á và Liên minh châu Âu, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Cựu phóng viên báo chí ở châu Á trong mười năm, Philippe Le Corre cũng là giảng viên tại đại học Science Po, cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng, và phó giám đốc công ty Publicis, nơi ông lãnh đạo một nhóm tư vấn cho cuộc Triển lãm Thế giới Thượng Hải năm 2008-2010.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Face à la Chine, l’Europe doit effacer ses divisions, Asialyst, ngày 21/12/2019.
Print Friendly and PDF