6.1.20

Lịch sử tư tưởng khoa học, ý thức về sự đột biến của trí tuệ con người


LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG KHOA HỌC, Ý THỨC VỀ SỰ ĐỘT BIẾN CỦA TRÍ TUỆ CON NGƯỜI
Tác giả: Alexandre Koyré[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
(1940)
Alexandre Koyré (1892-1964)

Ngày nay, may mắn thay, nhấn mạnh trên lợi ích và sự lý thú của việc nghiên cứu lịch sử khoa học không còn là điều thiết yếu nữa. Và cũng không còn cần thiết (...) phải nhấn mạnh trên lợi ích và sự phong phú của hướng nghiên cứu này cho triết học. Thật vậy, những công trình nghiên cứu về sự tiến hóa của (và các cuộc cách mạng về) những ý tưởng khoa học cho ta thấy trí tuệ của con người đã phải vật lộn với hiện thực như thế nào; bởi vì chỉ có lịch sử khoa học (cùng với môn liên thông với nó là lịch sử kỹ thuật) mới mang lại cho cái khái niệm từng được vừa tôn vinh, vừa bị gièm pha rất nhiều là sự tiến bộ, một ý nghĩa. Lịch sử khoa học tiết lộ với chúng ta những thất bại, các chiến công của trí tuệ con người, khiến ta thấy nó đã phải trả giá cho mỗi bước tiến trong sự khả tri hóa hiện thực bằng những nỗ lực siêu phàm nào – các nỗ lực đôi khi mở ra một cuộc “đột biến” thực sự của trí tuệ con người, nghĩa là một chuyển đổi nhờ đó những ý niệm đã được các thiên tài vĩ đại nhất “phát minh” một cách nhọc nhằn, nay đã không những chỉ trở thành tiếp cận được, mà còn là dễ dàng, thậm chí hiển nhiên đối với mọi học sinh.
Một đột biến như vậy – một trong những cái lớn nhất, nếu không phải là cái lớn nhất kể từ khi tư tưởng Hy Lạp phát minh ra ý tưởng Cosmos – chắc chắn là cuộc cách mạng khoa học ở thế kỷ XVII, một biến đổi trí tuệ sâu sắc mà vật lý học hiện đại, hay chính xác hơn, vật lý học cổ điển, vừa là biểu hiện vừa là thành quả.
(...) Chúng tôi đã nói rằng thái độ trí tuệ này dường như là kết quả của một đột biến quyết định: đấy là điều giải thích vì sao sự phát hiện ra những thứ có vẻ khá trẻ con ngày nay lại từng đòi hỏi nhiều nỗ lực đằng đẵng – không phải lúc nào cũng thành công – như vậy, từ các thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, từ một Galileo, hay một Descartes. Đấy là vì vấn đề không phải chỉ là chiến đấu chống lại các học thuyết sai lầm hay thiếu sót, mà là biến đổi ngay chính bản thân các khung tư duy, là đảo ngược một thái độ trí tuệ, nói cho cùng rất tự nhiên, để thay thế nó bằng một thái độ khác, chẳng tự nhiên chút nào (...)
Alexandre Koyré,
Nghiên Cứu Về Galileo I,
(Etudes Galiléennes I,
St Armand, Cher: R. Buissière, 1940, tr. 5, 6, 9).

(1966)

E. Torricelli (1608-1647)
Lịch sử tư tưởng khoa học, như tôi hiểu và cố gắng thực hành, nhằm nắm bắt cuộc hành trình của tư duy khoa học ngay trong dòng vận động sáng tạo của nó... Để thực hiện mục đích ấy, điều thiết yếu là phải trả các công trình nghiên cứu về với môi trường trí tuệ và tinh thần của chúng, và giải thích chúng dưới ánh sáng của các thói quen tinh thần, những ưa thích hay kiêng kị của tác giả. Ta phải chống lại sự cám dỗ, mà quá nhiều sử gia khoa học đã không cưỡng nổi, là muốn làm cho tư tưởng thường là mơ hồ, lúng túng, thậm chí tối nghĩa của người xưa trở thành dễ tiếp cận hơn, bằng cách dịch nó sang ngôn ngữ hiện đại để suy diễn, soi sáng nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi bóp méo nó: ngược lại, không gì có nhiều giá trị thông tin hơn là nghiên cứu ngay chính các chứng minh cho cùng một định lý của Arkhimêdês[2] và Cavalieri[3], Roberval[4] và Barrow[5] chẳng hạn.
Điều cũng thiết yếu tương tự là sáp nhập vào lịch sử của một tư tưởng khoa học cách nó tự hiểu mình, và tự đối chiếu với những gì đã có trước nó và đi kèm theo nó. Ta không thể đánh giá thấp sự hữu ích của các trận bút chiến, giữa một Guldin[6] hoặc một Tacquet[7] với Cavalieri và Torricelli[8] chẳng hạn; và thật là nguy hiểm nếu không nghiên cứu kỹ hơn cách thức một Wallis[9], một Newton, hay một Leibniz tự xem xét lịch sử của những khám phá riêng của họ, hoặc bỏ qua các cuộc tranh cãi triết học mà chúng đã gây ra.
Robert Hooke (1635-1703)
Robert Boyle (1627-1691)
Cuối cùng, ta phải nghiên cứu những sai lầm và thất bại một cách cũng thật cẩn thận như các thành tựu. Những sai lầm của một Descartes* và một Galileo*, những thất bại của một Boyle[10] và một Hooke[11] chẳng hạn, không chỉ cung cấp cho ta thông tin; chúng cho ta thấy những khó khăn đã phải vượt qua, những trở ngại đã phải khắc phục.
Từng trải qua hai hoặc ba cuộc khủng hoảng sâu sắc về phương thức tư duy của ta – “khủng hoảng nền móng”“nhật thực của những tuyệt đối toán học”, cuộc cách mạng của thuyết tương đối, cuộc cách mạng lượng tử – và từng phải chịu đựng sự hủy diệt những ý tưởng cũ song song với bó buộc phải làm nhiều nỗ lực để thích ứng vào các ý tưởng mới, chúng ta có thể hiểu tốt hơn các thế hệ trước những cuộc khủng hoảng và tranh cãi thời xưa.
Tôi nghĩ rằng thời đại chúng ta là đặc biệt thuận lợi cho những nghiên cứu thuộc trình tự này, và một môn học sẽ được dành riêng cho nó dưới tiêu đề Lịch Sử Tư Tưởng Khoa Học. Chúng ta không còn sống trong thế giới ý tưởng của Newton*, thậm chí của Maxwell[12], và do đó chúng ta có thể xem xét chúng từ cả bên trong lẫn bên ngoài, phân tích những cấu trúc của chúng, nhận thức được các nguyên nhân của những thiếu sót của chúng, bởi vì chúng ta đã được trang bị tốt hơn để hiểu, vừa ý nghĩa của những tư biện trung cổ về “sự kết cấu của cái liên tục (la composition du continu)”[13], “mức biến thiên về hình thức (latitude des formes)”[14], vừa sự tiến hóa của cấu trúc tư tưởng toán học và vật lý học ở thế kỷ XIX trong nỗ lực của nó nhằm tạo ra những hình thức lý luận mới, vừa sự trở lui của nó nhằm phê phán các cơ sở trực quan, lô-gic, tiên đề liên quan tới hiệu lực của bản thân mình. (…)
Tôi tin rằng, nếu theo đuổi dựa trên phương pháp mà tôi vừa phác họa, những công trình nghiên cứu về lịch sử khoa học này[15] sẽ chiếu lên cấu trúc của các hệ thống triết học ở thế kỷ XVIII và XIX một nguồn sáng linh động, bởi tất cả các hệ thống sau đều đã tự xác định trong quan hệ với tri thức khoa học [của thế kỷ XVII] để, hoặc tích hợp nó, hoặc vượt lên trên nó, và do đó, chúng đều cho phép ta hiểu cuộc cách mạng triết học-khoa học ở thời đại chúng ta rõ nét hơn.
Alexandre Koyré,
Nghiên Cứu Lịch Sử Khoa Học
(Etudes d'histoire de la pensée scientifique,
Paris, Gallimard, 1973, xb lần 2, tr. 14-15),




Chú thích:

[1] Alexandre Koyré (1892-1964): triết gia và sử gia khoa học người Pháp gốc Nga. Tác phẩm chính: Trois leçons sur Descartes (1938); Études galiléennes (3 q., 1939); Entretiens sur Descartes (1944); Introduction à la lecture de Platon (1945, 1964); Mystiques, spirituels, alchimistes du XVIe siècle allemand (1955, 1971); From the Closed World to the Infinite Universe (1957) = Du monde clos à l’univers infini (1962, 2003); La Révolution astronomique (1961); Études d’histoire de la pensée philosophique (1961, 1990); Newtonian Studies (1965) = Études newtoniennes (1968, 1991); Études d’histoire de la pensée scientifique (1966, 1985); Chute des corps et mouvement de la terre de Kepler à Newton (1973); De la mystique à la science: cours, conférences et documents, 1922-1962 (1986).

[2] Arkhimêdês xứ Syracuse (287-212 tCn): nhà thiên văn, vật lý, toán học, kỹ sư và nhà phát minh Hy Lạp cổ đại.

[3] Bonaventura Francesco Cavalieri (La-tinh: Cavalerius, 1598-1647): nhà toán học và thiên văn học Ý. Tác phẩm: Geometria indivisibilibus continuorum nova quadam ratione promota (1635); Trigonometria plana (1636); Exercitationes geometricæ sex (1647).

[4] Gilles Personne (Personier) de Roberval (1602-1675): nhà toán học và vật lý hoc Pháp, người phát minh ra “bàn cân Roberval”. Tác phẩm: Traité de Mécanique des Poids Soutenus par des Puissances sur des Plans Inclinés à l’Horizontale (1636); Le Système du Monde d’après Aristarque de Samos (1644); Divers Ouvrages de M. de Roberval (1693).

[5] Isaac Barrow (1630-1677): nhà toán học Anh. Tác phẩm: Lectiones Mathematicae (1664-1666) = The Mathematical Works of Isaac Barrow, chủ biên W. Whewell (1860).

[6] Paul (Habakuk) Guldin (1577-1643), tu sĩ dòng Tên, nhà toán học và thiên văn học Thụy Sĩ. Trước tác của ông đều bằng tiếng La-tinh.

[7] Andreas Tacquet (1612-1660). Trước tác của ông đều bằng tiếng La-tinh.

[8] Evangelista Torricelli (1608-1647): nhà vật lý, nhà toán học người Ý, người phát minh ra phong vũ biểu. Tác phẩm: Trattato del moto (trước 1641); Opera geometrica (1644); Lezioni accademiche (1715); Esperienza dell'argento vivo (1897).

[9] John Wallis (1616-1703): nhà toán học Anh. Tác phẩm toán học chính: Operum mathematicorum pars prima (1657); Arithmetica infinitorum (1656); Opera (1670-1671); Treatise of Algebra (1685); Mathesis Universalis (1685); Tractatus de Sectionibus Conicis (1659).

[10] Robert Boyle (1627-1691): nhà vật lý và hóa học người Ireland. Trước tác của ông được tập hợp trong: The Works of the honourable Robert Boyle, Birch chủ biên (6 q., 1772; tái bản: Georg Olms Verlag, 1965-1966).

[11] Robert Hooke (1635-1703): nhà khoa học người Anh, một trong các nhà thực nghiệm lớn nhất và nhân vật mấu chốt của cuộc mạng khoa học trong thế kỷ XVII. Tác phẩm: Micrographia (1665); Collection of Lectures: Physical, Mechanical, Geographical and Astronomical (1679); The Posthumous Works of Robert Hooke (1705).

[12] James Clerk Maxwell (1831-1879): nhà toán học, vật lý học người Scotland. Thành tựu nổi bật nhất của ông là lý thuyết cổ điển về bức xạ điện từ, lần đầu tiên kết nối điện học, từ học, và ánh sáng như biểu hiện của cùng một hiện tượng. Tác phẩm: A treatise on electricity and magnetism (2 q., 1873); An Elementary treatise on electricity (1881); The scientific papers of James Clerk Maxwell (2 q., 1890); Theory of heat (1908).

[13] Đây là vấn đề tiến tới giới hạn mà Cavalieri đã đặt ra dưới hình thức sau: liệu ta có thể nói rằng một đường thẳng được cấu thành từ những điểm, một mặt phẳng được cấu thành từ những đường thẳng chăng?, v.v.. Phiên bản đầu tiên được biết tới của vấn đề đã cũ này là nghịch lý do Zênôn xứ Elea (khg 490 – 430 tCn) đưa ra.

[14] Khái niệm được định nghĩa bởi Thánh Thomas Aquinas (1225-1274). Theo ông, một phẩm chất có thể biến thiên mà thể nền (substance) vẫn không thay đổi: ví dụ, lòng từ thiện có thể là ít hay nhiều, nhưng không bao giờ có thể hóa thành sự thờ ơ hoặc lòng bác ái của thần linh được. Khái niệm được các nhà kinh viện, cụ thể là Nicolas Oresme (1320-1382), đem áp dụng cho sự chuyển động – vẫn được xem cho đến thời đó như một phẩm chất – và dẫn đến các triển khai khác trong nghiên cứu về chuyển động sau này.

[15] Những công trình chung quanh cuộc cách mạng khoa học trong thế kỷ XVII.

Print Friendly and PDF