23.1.20

Số học chính trị


William Petty (1623-1687)

SỐ HỌC CHÍNH TRỊ

“Việc áp dụng những tính toán số học vào những chủ đề hay thực tiễn chính trị, như các thu nhập công, số dân, quy mô và giá trị đất đai, lệ phí, các ngành nghề, thương mại, công trường thủ công; vào tất cả những gì liên quan đến sự hùng cường, sức mạnh, của cải, v.v. của bất kì dân tộc hay nền cộng hoà nào”. Đó là định nghĩa trong Cyclopedia của E. Chambers (1728) và được dịch trong mục “chính trị số học” của Encylopédie (Bách khoa toàn thư) của Diderot và d’Alembert.
Lịch sử
Thuật ngữ “số học chính trị” do người Anh W. Petty sáng tạo trong những năm 1670 hầu như biến mất ngay từ đầu thế kỉ XIX. Đây là một trong những nỗ lực để đề cập các vấn đề chính trị, theo nghĩa rộng (nghĩa là có cả kinh tế, xã hội, v.v.) một cách chính xác, có phương pháp và duy lí. Ngày nay nhìn lại người ta thường cho rằng số học chính trị là tiền thân của dân số học; nói cách khác, người ta chủ yếu giữ lại việc đếm số dân và những ước đoán (ít nhiều thấm đậm phép tính xác suất) về dân số, sự phân bổ và tiến hoá của dân số.
Christiaan Huyghens (1629-1695)
Số học chính trị ra đời trong hai nước tiến bộ nhất về mặt kinh tế và thương mại là Anh và Hà Lan. Vấn đề là đếm số người, và cả những hàng hoá, tô tức suốt đời (nhất là để trả những khoản vay của nhà nước) và bảo hiểm (trước tiên là bảo hiểm hàng hải, rồi tiếp đến là bảo hiểm hoả hoạn, nhân thọ, v.v.). Nhằm mục đích này, vấn đề nhanh chóng được đặt ra là lượng hoá và dự báo số tử vong, điều này dẫn đến việc xây dựng các bảng thống kê. Những tác giả đầu tiên là J. Graunt và Petty ở Anh, tiếp theo là J. Hudde, J. De Witt và Ch. Huyghens ở Hà Lan. Vào cuối thế kỉ XVIII, nhà thiên văn học Halley xây dựng những bảng tử vong thoả đáng.
Ngay từ đầu, thu thập dữ liệu và những vấn đề phương pháp luận, thậm chí thuần tuý toán học, đan xen nhau; và nhờ những tác giả như J. F. von Bielfed rồi G. Fontana, và những bộ bách khoa toàn thư khác nhau, số học chính trị lan sang Pháp, Italia, Đức (đặc biệt với J. P. Süssmilch ở Berlin). Trên đất nước xuất phát của nó, số học chính trị trở nên chính xác hơn với R. Price. Ở Pháp có thể kể A. Deparcieu, các cuộc điều tra của J. B. F. de la Michaudière, có liên kết với Viện hàn lâm khoa học Paris, tiếp đến là Condorcet với việc mở rộng trường ứng dụng, và với Laplace là sự khởi đầu của một thống kê toán giải tích. Tuy nhiên, những dự án này, đi trước thời đại rất sớm, vấp phải nhiều cản trở và nhiều cách nhìn khác sẽ được phát triển trong thế kỉ XIX theo một cách khác.
Chương trình, tình trạng thể chế
Nicolas de Condorcet (1743-1794)
Vào cuối thế kỉ XVII và suốt thế kỉ XVIII số học chính trị không được giảng dạy, không có tổ chức hàn lâm chuyên về lĩnh vực này, không có tạp chí đặc biệt, không có một trung tâm “châu Âu” của chuyên ngành này. Chương trình của nó có vẻ ngầm ẩn hơn là rõ ràng. Năm 1785 Condorcet còn nói rằng số học chính trị “tồn tại từng mảnh”. Thật vậy, các tác giả chỉ công bố những tiểu luận về những vấn đề đặc biệt và không có giáo trình số học chính trị nào cả. Chỉ với Condorcet và E. E. Duvillard một chương trình rõ ràng mới được xác định, nhưng chương trình này thay đổi hoàn toàn cách nhìn; đúng hơn đó là “toán học xã hội”.
Những vấn đề thực nghiệm
Các nghiên cứu về dân số phụ thuộc vào việc thu thập dữ liệu về số sinh, số hôn thú và số tử vong cũng như vào sự phân bổ theo giới và ngành nghề. Hơn nữa người ta tìm cách kiểm kê định lượng bằng khoảng cách, diện tích, trọng lượng, đồng tiền, số đắm tàu, về đủ loại vấn đề kinh tế liên quan đến sản xuất, thuế khoá, vận chuyển. Khả năng tiến hành những liệt kê như thế phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của các chính quyền địa phương và quốc gia, vào sự hợp tác của giáo hội và vào sự kháng cự của dân chúng. Điều dễ đếm nhất là con người, đồng tiền và khoảng cách. Còn với những biến thường được gắn với các đối tượng này (ví dụ, “hạnh phúc”) chúng là không đếm được và hơn nữa là không tính toán được.
Nhiều cách khác, có tính định tính và mô tả hơn, để nghiên cứu những vấn đề tương tự đã được phát triển: đặc biệt là “thống kê” được thực hành nhiều nhất ở Đức. Với G. Archenwald, nhà tổ chức vĩ đại vào cuối thế kỉ XVIII rồi L. von Schzer, lí thuyết gia hơn, bộ môn cuối này thiết lập những phương pháp riêng và và có được một vị thế được thừa nhận trong đại học đặc biệt ở Göttingen. Người ta có thói quen đối lập số học chính trị với thống kê, nhưng thực tế là phức tạp hơn.
Những phê phán và tiến bộ trong nội bộ
Sự thiếu vắng những chuyên luận tổng hợp và chương trình rõ ràng không ngăn cản sự tồn tại của những phê phán về mặt phương pháp luận và những tiến bộ trong việc thiết kế các ý niệm. Những phê phán và tiến bộ này liên quan đến các nguồn và tính xác đáng của những gì ngày nay ta gọi là mẫu, quyền đồng nhất hoá “con người” hoặc “sự vật”, tất cả đều đặc thù, để có thể đếm chúng (đây là sự nghi ngờ về tính đồng nhất và khả năng đếm được chúng), các khái niệm “dân số học” như tỉ suất mắn đẻ, tử vong và kì vọng sống, việc sử dụng toán học ít nhiều cao cấp, từ số học sơ đẳng đến phép tính vi phân và xác suất (các trường hợp có xác suất bằng nhau, trung bình/trung vị, xác suất có điều kiện), việc biểu thị các kết quả (bảng, biểu đồ).
Trong một bản thảo để phác thảo một bộ bách khoa thư không bao giờ ra đời, vào khoảng năm 1770 Condorcet sáng suốt viết cho mục “số học chính trị”: “Trong hầu hết những vấn đề của nó, khoa học này chỉ đòi hỏi một hiểu biết vô cùng sơ đẳng về toán học nhưng 1) một khi nó đưa đến việc tính toán các xác suất thì ta thiếu những nguyên tắc được xác định rõ như ông d’Alembert đã chỉ ra; 2) rất khó để có được những quan trắc chính xác huống hồ gì là quy chúng về một dạng để có thể áp dụng phép tính; 3) những giả thiết mà ta buộc phải đặt ra gần như bao giờ cũng là tuỳ tiện. Có thể xem nó như một khoa học gần như mới ra đời”.
Đối đầu và tranh luận
David Hume (1711-1776)
Montesquieu (1689-1775)
Vậy ta đã hiểu là số học chính trị liên quan đến tất cả những vấn đề “đạo đức và chính trị”. Và do đó nó đã không để các nhà lí thuyết lớn về chính trị (Hume, Montesquieu, Rousseau) bàng quan, nhưng các tác giả này thường đề cập gián tiếp đến nó hơn. Ngược lại, nhiều nhà tư tưởng quan trọng trong các lĩnh vực thống kê, kinh tế và luật học đã rõ ràng quan tâm hơn đến số học chính trị. Dưới đây là ba ví dụ.
Schlözer xem thống kê như là một khoa học (chứ không đơn giản chỉ như một công cụ để cai trị). Thống kê phải nhắm đến tri thức, cũng như đến lợi ích cho công dân lẫn cho nhà nước. Trên một số khía cạnh, ông có thể xem số học chính trị như việc đếm đơn giản, phụ thuộc vào khoa học thống kê của ông, nhưng quan điểm của ông tiến hoá và đến cuối sự nghiệp của mình ông đến gần với tư tưởng của Süssmilch. Ít lâu sau đó, ngay từ thập niên đầu của thế kỉ XIX, học trò và người tiếp nối ông, J. Lüdder đổi ngược quan điểm, đánh giá rằng thống kê là bất lực và cho rằng cách thật sự để đề cập các vấn đề xã hội phải lấy cảm hứng từ những khái niệm kinh tế chính trị học của Adam Smith, vốn không có chỗ cho phép tính.
J. Peter Süssmilch (1707-1767)
L. von Schlözer (1735-1809)
Đối với A. Morellet, chính kinh tế học chính trị mới là nền tảng cho khoa học trên cơ sở của tự do thương mại. Nhân vật lớn này trong việc phổ biến tư tưởng kinh tế ở châu Âu giải thích rằng ông hoàn toàn không tin vào số học chính trị và những khái niệm của môn này là quá mù mờ và hay thay đổi khiến cho tính toán không thể bám vào. Dù sao đối với ông, bộ môn này chỉ có thể bổ trợ cho kinh tế chính trị học. Điều này không ngăn cản ông nhiều lần “hì hục lắp” tính toán đủ kiểu về dân số, ngành nghề hay thuế má vốn thuộc về lĩnh vực của số học chính trị.
C. Beccaria không chỉ là lí thuyết gia về cải cách luật pháp và là người chống đối nổi tiếng án tử hình. Ông còn nhắm đến việc hình thức hoá các khoa học đạo đức và chính trị. Trong các bài giảng về kinh tế chính trị học ông ủng hộ ước vọng của số học chính trị, và như thế đi cùng với những tác giả Italia cùng thời, như G. Ortes hay G. Vasco.
Adolphe Quetelet (1796-1874)
Nếu thuật ngữ “số học chính trị” sớm biến mất trong thế kỉ XIX, đó là vì những ý tưởng và phương pháp của bộ môn này sẽ nhanh chóng xâm nhập vào những lĩnh vực mới, trong số đó có thống kê (đặc biệt là thống kê đạo đức) được A. Quetelet đổi mới, thậm chí làm cho phép tính xác suất thêm phong phú.
BRANCHINI M. (1982), Bonheur public et méthode géométrique. Enquête sur les économistes italiens (1711-1803), Paris, INED, 2003 – BIELFELD J. F., Institutions politiques, La Haye, Gosse, 1760, 2 vol. – BRIAN E., La mesure de l’État, Paris, Albin Michel, 1994 – CONDORCET, N. de (1767-1789), Arithmétique politique. Textes rares ou inédits, Paris, INED, 1994 – COUMET E., “La théorie du hasard est-elle née par hasard?”, Annales ESC, 1970, 25, 574-598 – DEPARCIEUX A. (1746), Essai sur les probabilités de la durée de la vie humaine, Paris, INED, 2003 – DUPÂQUIER J. et M., Histoire de démographie, Paris, Perrin, 1985 – GRAUNT (1662), Observations naturelles et politiques, Paris, INED, 1973 – HORVATH R., “Le développement de l’école statistique descriptive allemande”, Acta Universitatis Szegediensis (Acta juridica et politica), 1981, 3-69 – MARTIN Th éd., Mathématiques et action politique, Paris, INED, 2000 – MOREAU M. (1778), Recherches et considérations sur la population de la France, Paris, INED, 1994 – PETTY W., The Economic Writings, New York, Kelley, 1963, 2 vol. – SCHÖLSER I. von (1804), Introduction à la science de la statistique, Paris, Imprimerie impériale, 1805 SÜSSMILCH J. P. (1741), L’Ordre divin, Paris, INED, 1998 – THUILLIER G., Le premier actuaire de France – Duvillard (1755-1832), Paris, Comité d’histoire de la Securité sociale, 1997.
Pierre Crépel
Đại học Lyon I – Claude Bernard
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Condorcet; Dân số học và xã hội học; Graunt; Thống kê đạo đức; Toán học xã hội.
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique của Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.
Print Friendly and PDF