24.1.20

Các nhà đầu tư bắt đầu không còn mặn mà với các doanh nghiệp dầu khí + Khi rủi ro khí hậu trở thành rủi ro tài chính


CÁC NHÀ ĐẦU TƯ BẮT ĐẦU KHÔNG CÒN MẶN MÀ VỚI CÁC DOANH NGHIỆP DẦU KHÍ

Đứng trước tình trạng khẩn cấp của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, việc đặt cược vào việc khai thác các mỏ dầu được coi là ngày càng rủi ro.
Vào cuối tháng 11, công ty xếp hạng Moody đã chỉ ra rằng họ sẽ hạ thấp xếp hạng của công ty dầu mỏ ExxonMobil – nói cách khác là cho rằng tình trạng nợ của ExxonMobil có nhiều yếu tố rủi ro hơn – do không nỗ lực thích nghi với một nền kinh tế ngày càng hướng đến tiến trình hạ thấp carbon.
Nguồn lợi cạn kiệt
Thực vậy các doanh nghiệp dầu mỏ đang đối mặt với một vấn đề to lớn: cuộc chiến chống thời tiết nóng lên toàn cầu đang chuyển sang giai đoạn sử dụng dầu mỏ ít hơn, điều này sẽ buộc họ, vào một thời điểm chưa xác định, không khai thác và để một phần trữ lượng dầu nằm trong lòng đất. Trữ lượng dầu [không khai thác] đó sẽ chẳng có giá trị gì nữa, điều mà theo các nhà kinh tế gọi là “tài sản mắc cạn[*].”
Một nghiên cứu gần đây được hai nhà nghiên cứu công bố cho thấy các nhà đầu tư có thể đang bắt đầu xem xét chiều kích này. Họ đang xem xét diễn biến về giá trị của 679 công ty dầu mỏ Mỹ vào năm 1999 và năm 2918, để đo lường cụ thể tác động của các quy định pháp luật trong cuộc chiến chống lại tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu.
Họ đang cố gắng tìm hiểu xem liệu các nhà đầu tư có bắt đầu nghĩ rằng những công ty có trữ lượng dầu lớn có bị ảnh hưởng nhiều nhất hay không, và liệu người ta có nhìn thấy được điều này hay không trong việc định giá các công ty dầu mỏ đó.
Những dè dặt đối với trữ lượng dự trữ
Trên thực tế, nghiên cứu nhắc lại rằng những ước tính khoa học sẵn có làm cho các nhà đầu tư phải lo ngại: để duy trì tình trạng thời tiết nóng lên ở mức dưới 2°, thì sẽ có từ 33 đến 35% trữ lượng dầu, từ 49 đến 52% trữ lượng khí và từ 82 đến 88% trữ lượng than sẽ không được khai thác và nằm lại trong lòng đất. Một cuộc khảo sát bên cạnh các nhà đầu tư cho thấy chủ đề này rất nhạy cảm đối với họ: đại đa số người được khảo sát đều cho rằng những rủi ro tài chính gắn với tình trạng biến đổi khí hậu là có thật và những rủi ro đó sẽ biến thành hiện thực trong năm năm tới.
Nhưng không vì thế mà có một sự thoái vốn đại trà khỏi lĩnh vực khai thác dầu mỏ từ phía các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cách ứng xử đã bắt đầu thay đổi kể từ thỏa thuận Paris năm 2015, theo sự chứng minh của hai nhà nghiên cứu. Những doanh nghiệp sở hữu những trữ lượng dầu lớn nhất đã được chứng minh tiếp tục hưởng lợi từ một sự định giá cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Ngược lại, những doanh nghiệp nào đầu tư để phát triển những trữ lượng dầu mới đã bị phạt.
Vì vậy, các nhà đầu tư tin rằng những chi phí đầu tư, vào thời điểm này, để gia tăng trữ lượng dầu sẵn có là điều không cần thiết, bởi vì có rất ít cơ hội để các trữ lượng dầu đó có thể được sử dụng. Những doanh nghiệp khai thác dầu mỏ nào tham gia vào loại chi phí này đều không được coi trọng và hiệu ứng tiêu cực là rất đáng kể.
Sự bắt đầu của cái kết? 
Do đó, những tài sản bị mắc cạn đang bắt đầu tác động đến cách ứng xử của các nhà đầu tư. Người ta không biết động thái này sẽ đi xa đến mức nào, nhưng các công ty dầu mỏ đang có một khởi đầu tồi tệ. Khi mà những cam kết của các chính phủ trong cuộc chiến chống lại tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu trở nên thực sự đáng tin – và rốt cuộc cũng phải như vậy thôi – thì các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ sẽ thấy mình đứng đầu những trữ lượng dầu không còn nhiều giá trị nữa.
Christian Chavagneux
Tất nhiên, mỗi nhà đầu tư đều cho rằng mình thông minh hơn người khác, rằng mình sẽ là người đầu tiên hiểu được tình thế đảo ngược và mình sẽ thoát khỏi tình thế đó, điều này khiến tất cả các nhà đầu tư vẫn tiếp tục, cho đến ngày nay, đầu tư vào các doanh nghiệp dầu mỏ. Người ta có thể nói thêm rằng có khối nhà đầu tư đang cố gắng theo dõi diễn biến của chỉ số thị trường chứng khoán hàng đầu của mỗi nước, nơi mà các công ty dầu khí, ngày nay, vẫn có được một vị trí quan trọng! Nhưng đây là hành vi điển hình của bong bóng đầu cơ. Và, giống như tất cả các bong bóng đầu cơ, rốt cuộc thì nó sẽ nổ tung.
Vào thời điểm hiện tại, tin tốt là các công ty dầu mỏ đang trở thành những khoản đầu tư rất rủi ro. Và, trên hết, các nhà đầu tư đang bắt đầu nhận ra điều đó.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Les investisseurs commencent à bouder les entreprises pétrolièresAlternatives Economiques, 06/01/2020.

 * * *


KHI RỦI RO KHÍ HẬU TRỞ THÀNH RỦI RO TÀI CHÍNH
Những hậu quả của tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu là cội nguồn chính của những rủi ro tài chính mà các doanh nghiệp và các cơ quan công quyền vẫn chưa tính đến.
Tình thế cấp bách về khí hậu cũng là một tình thế cấp bách về tài chính. Các dòng chảy đầu tư phải được định hướng lại một cách đại trà để thoát khỏi tình trạng hoạt động kinh doanh như thường lệ (business as usual) và để cho phép chuyển sang một nền kinh tế sử dụng ít khí carbon. Khi bỏ qua trách nhiệm này trong một thời gian dài, giới tài chính gần đây đã nhận ra rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tình hình tài chính một cách trực tiếp lớn hơn nhiều so với dự kiến. Bởi vì mối quan hệ tài chính/khí hậu là con dao hai lưỡi: thị trường định hình khí hậu của ngày mai, nhưng sự biến đổi khí hậu cũng có thể có tác động trở lại trên các thị trường tài chính. Vì thế xuất hiện những rủi ro tài chính khí hậu.
Mark Carney (1965-)
Mark Carney, khi đó là Thống đốc Ngân hàng (trung ương – ND) Anh Quốc và Giám đốc Ủy ban bình ổn tài chính, đã trình bày những rủi ro tài chính khí hậu nói trên lần đầu vào ngày 29 tháng 9 năm 2015 tại Lloyd’s London. Thống đốc người Canada đã mô tả ba loại rủi ro khí hậu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính: rủi ro vật chất, rủi ro trách nhiệm và rủi ro chuyển đổi. Những rủi ro này, phần lớn vẫn bị đánh giá thấp hoặc thậm chí không có mặt trong các biện pháp truyền thống, có thể làm tổn hại đến khả năng sinh lợi của một số khoản đầu tư. Khi không tính đến những rủi ro đó, chúng có thể dẫn đến việc đưa những quyết định đầu tư có phần thiên lệch. Theo Mark Carney, ngành tài chính do đó phải quan tâm đến vấn đề khí hậu không chỉ vì lợi ích của tập thể, mà còn vì lợi ích riêng của ngành.  
Các nhà đầu tư không phải là những người duy nhất nhận ra tầm quan trọng của vấn đề. Ngoài rủi ro gây ra cho những tác nhân cá thể, có thêm các rủi ro này còn làm suy yếu hệ thống tài chính trong tổng thể, đòi hỏi các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý cần phải dấn thân vào. Cuối năm 2017, một mạng lưới các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý nhằm xanh hoá hệ thống tài chính (Central Banks and Supervisors Network for Greening the Financial System– NGFS) đã được thành lập. Mục đích của mạng lưới này là phát triển và thúc đẩy các phương pháp luận để xác định và đánh giá tốt hơn mức độ ngành tài chính là đối tượng của các rủi ro khí hậu, thiết kế những kiểm định mức độ căng thẳng về khí hậu, cũng như tạo điều kiện cho việc tài trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế sử dụng ít khí carbon.
Thiệt hại hữu hình tốn kém hơn nhiều
Biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi về tần suất, cường độ và thời gian diễn biến của các hiện tượng thời tiết cực đoan (lốc xoáy, bão, thời tiết nóng bức, hiện tượng mưa lớn dai dẳn, v.v.), các yếu tố này đạt đến những mức độ chưa từng thấy. Các thảm họa nói trên đang làm xuống cấp hoặc thậm chí phá hủy những cơ sở hạ tầng và tài sản vật chất, cả công lẫn tư. Bất luận đó là sự phá hủy một khối tài sản (cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy...) hay là sự suy giảm các dòng chảy thu nhập (mùa màng bị phá hủy hoặc suy giảm, doanh thu của những doanh nghiệp có liên quan bị sụt giảm, thu nhập từ du lịch bị suy giảm...), thì khí hậu, trong các trường hợp này, đều có một tác động trực tiếp đến nền kinh tế thực.
Trái với những gì người ta có thể nghĩ, các thảm họa thiên nhiên nói trên không miễn trừ các vùng khí hậu ôn đới. Ví dụ, vào năm 2018, cơn bão Michael đã gây thiệt hại 16 tỷ US$, trong đó có 10 tỷ US$ cho các công ty bảo hiểm. Năm 2017, chỉ riêng cơn bão Harvey đã gây thiệt hại 125 tỷ US$. Một nghiên cứu của Liên đoàn Bảo hiểm Pháp cho thấy, trong giai đoạn 2015-2040, những thiệt hại được tích gộp do các sự cố thiên nhiên gây ra ở chính quốc Pháp có thể lên tới 92 tỷ euro, tương đương với một mức tăng 90%[1] so với giai đoạn 1990-2015.
Rủi ro hữu hình sau đó được truyền đến các thị trường tài chính qua hai kênh. Đầu tiên, trong những tình huống này, các hộ gia đình và các doanh nghiệp dựa vào các công ty bảo hiểm của mình để được bồi thường. Các công ty bảo hiểm này phải chịu lỗ, những phần lỗ này thường có mối tương quan cao với nhau. Nếu các công ty bảo hiểm là những trung gian tài chính bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi các rủi ro hữu hình, thì bất kỳ sự kiện khí hậu cực đoan nào, về bản chất là khó tiên đoán, có thể làm giảm đột ngột khả năng sinh lợi của một khoản đầu tư trong quá khứ và gây ra những vụ điều chỉnh giá trên các thị trường chứng khoán ở mức độ đáng kể. Vì vậy, rủi ro khí hậu có thể được truyền sang các trung gian tài chính thông qua sự suy giảm giá trị tài sản của họ, và còn qua cả những tiêu sản của các công ty bảo hiểm, những chủ thể có liên quan chính bởi bảng cân đối kế toán của họ bị ảnh hưởng đồng thời từ cả hai phía.
Trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp
Rủi ro trách nhiệm, còn được gọi là rủi ro pháp lý, cũng xuất hiện. Đây là những rủi ro về thủ tục tố tụng của các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên, có thể quy cho biến đổi khí hậu, đối với những ai bị các nạn nhân này cáo buộc phải chịu trách nhiệm. Những thủ tục như trên sẽ tăng lên rất nhanh trong những thập kỷ tới, và có khả năng tấn công mạnh vào các nhà khai thác và phát thải khí carbon (và ảnh hưởng gián tiếp đến các công ty bảo hiểm của họ).
Viễn cảnh về sự biểu lộ của nguy cơ nói trên có thể không còn xa, và có thể liên quan đến rất nhiều tác nhân khác nhau. Ví dụ, công ty điện lực PG&E của California được coi là vụ phá sản đầu tiên do tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu. Công ty bị cáo buộc, do sơ suất, vào tháng 11 năm 2018, đã gây ra những vụ cháy rừng gây chết chóc lớn nhất (hơn 85 người chết) và tàn phá nhiều nhất (15.000 ngôi nhà bị phá hủy) trong lịch sử của bang California. Vụ “Camp Fire [Lửa trại]” này xuất phát từ những tia lửa bắn ra từ các đường dây điện cao thế không được bảo trì đúng mức, đã đốt cháy một khu rừng quá khô cằn vì tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu. Trước những đơn khiếu nại chống lại mình, vào ngày 19 tháng 1 năm 2019, công ty đã ước tính rằng tổng số tiền yêu cầu bồi thường (gần 30 tỷ US$) buộc họ phải đăng ký phá sản theo Điều 11 của luật phá sản.
Những tác động về tài chính vẫn còn rất nhiều và ngày càng cộng dồn. Các công ty bảo hiểm là những chủ thể đầu tiên bị ảnh hưởng, bởi vì họ phải bồi thường tương ứng với những thiệt hại được bảo hiểm (12,5 tỷ US$). Các khoản lỗ này cũng gây nhiễm đến những quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu của PG&E, mà mức giá trên thị trường chứng khoán đã lao dốc, mất gần 91% giá trị trong vòng hai tháng. Cuối cùng, trên thị trường trái phiếu, nhà quản lý quỹ Vanguard[2], công ty chính sở hữu các chứng khoán (khoảng một nửa số chứng khoán được phát hành!), đứng trước tiềm năng bị lỗ lên tới 415 triệu US$.
Sự điều chỉnh đột ngột giá các tài sản
Cuối cùng, trước tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu, mức giá những tài sản có carbon có thể được điều chỉnh một cách đột ngột và ồ ạt do sự điều chỉnh trong kỳ vọng của các tác nhân thị trường. Điều này được gọi là rủi ro chuyển đổi. Sự giảm giá đột ngột này có thể xảy ra sau khi những chính sách về khí hậu (thuế carbon, giới hạn việc vận chuyển bằng hàng không, đặt ra mục tiêu về tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo, v.v.) được triển khai hoặc sự xuất hiện của những công nghệ mới “sạch” có thể thay thế cho các công nghệ có carbon. Vì thế, người ta gọi các tài sản có carbon là những tài sản “mắc cạn”, sẽ sớm bị mất giá.
Ví dụ hoàn hảo về các tài sản mắc cạn là ví dụ về những trữ lượng carbon không đốt cháy. Nếu chúng ta muốn tôn trọng thỏa thuận Paris [về khí hậu] và hạn chế tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C so với mức thời tiền công nghiệp, thì phải có một định mức carbon không được vượt qua, một lượng năng lượng hóa thạch (dầu, khí...) phải để nằm lại dưới lòng đất [không được khai thác]. Thế nhưng, từ năm 2011, tổ chức phi chính phủ Carbon Tracker ghi nhận đã có 200 công ty năng lượng lớn nhất đã trữ đủ lượng hydrocarbon vượt định mức... và họ còn tiếp tục đầu tư vào triển vọng khai thác thêm! Nhận định trên có nghĩa là các doanh nghiệp đó không xem những cam kết của các nước là đáng tin khi tiến hành các chính sách đầy tham vọng về khí hậu. Nếu, bất chấp sự hoài nghi của các doanh nghiệp nói trên, chính phủ các nước áp dụng triệt để những quy định hạn chế việc sử dụng khí carbon, thì những tài sản tài chính liên quan đến các trữ lượng carbon không đốt cháy này sẽ bị mất giá một cách đại trà.
Vấn đề của các tài sản mắc cạn vượt xa các trữ lượng hydrocarbon dư thừa. Nếu quá trình chuyển đổi carbon diễn ra nhanh chóng, thì phần lớn các cơ sở hạ tầng, các cơ sở công nghiệp và các máy móc sẽ bị loại bỏ hoặc chuyển đổi công năng. Tất nhiên, các cơ sở hạ tầng khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch sẽ là những cơ sở đầu tiên bị ảnh hưởng, nhưng sự mất giá này sẽ lan rộng về phía thượng nguồn và hạ nguồn của năng lượng hóa thạch. Nếu các chính sách khí hậu càng bị trì hoãn, thì khối tài sản rủi ro càng tăng lên và quá trình mất giá càng diễn ra lớn hơn. Trong số phát hành vào tháng 6 năm 2019, tạp chí Revue de stabilité financière của Ngân hàng (trung ương –ND) Pháp Quốc đã ước tính rằng việc không hành động sẽ làm cho giá trị các tài sản mắc cạn sẽ lên đến 12 nghìn tỷ US$ từ nay đến năm 2050.
Chính sách công nào?
Một khó khăn cơ bản của rủi ro chuyển đổi bắt nguồn từ bản chất chủ yếu là nội sinh của nó. Việc cụ thể hóa các rủi ro tài chính khí hậu được dẫn dắt bởi những quyết định của các cơ quan công quyền và các doanh nghiệp trong việc theo đuổi một quỹ đạo theo hiện trạng [statu quo] và không hành động, hoàn toàn đi ngược lại với thỏa thuận Paris, hoặc tiến hành đường lối của một chính sách tích cực về giảm thiểu các rủi ro gắn với vấn đề khí hậu.
Vì vậy, mục tiêu đối với các cơ quan chức năng liên quan đến sự ổn định tài chính là tổ chức sự chuyển hướng của các dòng chảy tài chính từ “màu nâu [đầu tư có carbon]” sang “màu xanh [đầu tư thân thiện với môi trường]” và tích hợp những rủi ro mới để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, có thể làm trì hoãn đáng kể quá trình chuyển đổi.
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa vấn đề rủi ro khí hậu tài chính và sự định hướng lại các nguồn tài trợ mà chúng ta không thể né tránh. Một mặt, việc các tác nhân tích hợp các rủi ro có thể giúp điều chỉnh lại, một cách tương đối, các dòng chảy tài chính theo hướng những hoạt động tương thích với các mục tiêu về khí hậu. Nhưng nếu rủi ro chuyển đổi càng bị các cơ quan công quyền chậm thực hiện, thì rủi ro có tính hệ thống liên quan đến dòng chảy của các tài sản mắc cạn càng tăng lên.
Các rủi ro tài chính khí hậu nói trên mang tính hệ thống, vì vậy chúng thuộc phạm trù của chính sách thận trọng vĩ mô, vốn cố gắng kiềm chế những rủi ro tài chính toàn cầu. Không tính đến tính toàn diện, chúng tôi xin giới thiệu một vài công cụ có thể được các cơ quan điều tiết ngân hàng và các ngân hàng trung ương thích nghi để áp dụng hoặc tạo ra và vận dụng:
·    Ban hành một khung phạt trong tỷ trọng tài trợ nguồn vốn cho các khoản đầu tư “màu nâu” (các ngân hàng càng tài trợ thêm vốn sẽ càng bị phạt đắt hơn so với việc đi vay) và một khung thưởng cho việc tài trợ các khoản đầu tư “màu xanh”;
·    Áp đặt những hạn chế về nguồn vốn theo ngành, ưu tiên cho những ngành “màu xanh” và xử phạt những ngành “màu nâu”;
·    Trực tiếp hạn mức các tín dụng cho các ngành “màu nâu” và/hoặc áp đặt những khoản dự trữ bắt buộc trên các nguồn tài trợ đó;
·    Ngược lại, cải thiện lãi suất và trợ cấp cho các ngành đầu tư “màu xanh”;
·    Cung cấp những khoản bảo lãnh công cho một số hoạt động đầu tư “màu xanh” được tài trợ từ các quỹ tư nhân, có nghĩa là những công cụ công mua lỗ nếu dự án không sinh lãi;
·    Từ bỏ học thuyết về tính trung lập của thị trường và xanh hóa chính sách tiền tệ thông qua phương thức nới lỏng định lượng màu xanh và chính sách tài sản thế chấp (bảo lãnh), xử phạt những tài sản màu nâu và khuyến khích những tài sản màu xanh.
Công trường này mà chúng ta phải giải quyết không chậm trễ là vô cùng rộng lớn và trí tưởng tượng phải xứng tầm với thử thách được đặt ra.
Laurence Scialom là nhà kinh tế nữ. Bà đồng điều hành hai lớp Masters 2 tại Đại học Paris Ouest Nanterre la Défense (M2 Ngân hàng-Tiền tệ-Thị trường và M2 Các định chế-Kinh tế và Xã hội).
Jérôme Deyris, nghiên cứu sinh. Ông làm việc tại Phòng thí nghiệm EconomiX, Đại học Paris Ouest Nanterre và đồng thời trực thuộc ghế Giáo sư Kinh tế học Khí hậu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Quand le risque climatique devient risque financier, Alternatives Economiques, 22/10/2019
 




Chú thích:

[*] Tài sản mắc cạn
Aude Martin
Alternatives Economiques N°396, 27.11.2019

Thử tưởng tượng một ngân hàng có đủ niềm tin vào tương lai của than đá để đầu tư vào đó (vâng, vâng, vẫn còn những người tin như vậy!) và mong chờ thu lợi. Thử tưởng tượng thêm rằng, khi nhận thức được tình trạng cấp bách của biến đổi khí hậu, các nước sẽ áp đặt một quy định mới hoặc tăng giá carbon trên thế giới nhằm hạn chế lượng phát thải khí nhà kính. Điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn khả năng sinh lợi của ngành sản xuất kinh doanh than, và không chỉ có vậy thôi! Chỉ cần một ván bất ngờ thôi, thì tất cả cổ phiếu của các doanh nghiệp, mà hoạt động sản xuất có phát thải khí carbon, đều sẽ bị mắc cạn. Không phải mắc cạn trên bãi biển, giống như những con cá voi thường xuyên trôi dạt trên bờ biển New Zealand, mà là mắc cạn tại nghĩa trang của các khoản đầu tư thua lỗ.

Các nhà tài chính nói đến “tài sản mắc cạn” để chỉ những chứng khoán đột nhiên bị mất giá của các doanh nghiệp, tiếp sau việc công bố một chuẩn hoặc sáng tạo mới liên quan đến tất cả những công nghệ hiện hành. Đó từng là trường hợp của Kodak, khi mà các cổ phiếu của công ty bị biến thành “tiền vàng mã” sau khi công ty Mỹ này đã bỏ lỡ bước ngoặt kỹ thuật số vào những năm 2000.

Ngày nay, chính sự biến đổi khí hậu có nguy cơ làm chao đảo một số lớn các định chế. Để kiềm chế thời tiết gia tăng nhiệt độ ở mức dưới hai độ, chúng ta phải để một phần ba trữ lượng năng lượng hóa thạch nằm lại trong lòng đất [không khai thác]. Cuối cùng (hãy hy vọng điều đó xảy ra càng sớm càng tốt!), sẽ không còn ai đầu tư vào những đại công ty về than đá, dầu mỏ hoặc khí đốt mà hoạt động sản xuất-kinh doanh tất sẽ phải suy tàn. Nói một cách gián tiếp, chính những định chế đã tài trợ cho các công ty nói trên sẽ sớm thấy mình sở hữu những chứng khoán không có giá trị. Giống như việc ngày nay bạn đang cố gắng bán lại chiếc máy điện thoại minitel hoặc chiếc máy cassette sử dụng băng VHS của mình. Và một vấn đề nữa là liệu có còn những nhà sưu tập có thể quan tâm đến những cổ vật đó hay không. Tương tự, khí carbon không còn được nhiều người quan tâm.

Để hạn chế thiệt hại, các nhà đầu tư, về nguyên tắc, có hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất là bán lại tất cả các chứng khoán của mình, càng nhanh và với mức giá càng rẻ càng tốt. Rủi ro lúc đó là [các chứng khoán đó] rơi vào tay một người mua vẫn chưa nhạy cảm với hệ sinh thái, nhưng, theo họ, đó không còn là vấn đề của họ nữa. Giải pháp thứ hai là tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đó và khuyến khích các doanh nghiệp gây ô nhiễm đó đầu tư, ví dụ, vào những năng lượng tái tạo. Trong khi chờ đợi, hãy yên tâm đi, nhà sản xuất dầu mỏ Saudi Aramco của Ả-rập Saudi gần đây đã vay được 100 tỷ US$ trên các thị trường và đang nỗ lực hết sức để phát hành cổ phiếu ra công chúng trong vài tuần tới. Bằng chứng cho thấy các tác nhân tài chính vẫn bơi thuyền một cách bình thản, giả vờ không thấy bờ biển xuất hiện ở đường chân trời.

[1] Sử dụng giá năm 2013 làm cơ sở.

[2] Quỹ quản lý toàn cầu lớn hàng thứ ba, quỹ này rõ ràng chưa hiểu bài học PG&E, khi vẫn bỏ qua rất nhiều những rủi ro khí hậu mặc cho những tuyên bố của họ (https://www.novethic.fr/actualite/gouvernance-dentreprise/engagement-actionnarial/isr-rse/blackrock-vanguard-jp-morgan-de-grands-investisseurs-se-font-epingler-pour-leurs-pratiques-d-actionnaires-147778.html
Câu chứa liên kết)

Print Friendly and PDF