15.1.20

Tư duy lại văn hoá về sự nghèo khổ


TƯ DUY LẠI VĂN HÓA CỦA SỰ NGHÈO KHỔ
Nicolas Duvoux[1]
Nicolas Duvoux

Một số đặc biệt của tạp chí do các nhà xã hội học Mỹ David Harding, Michèle Lamont, Mario Small phối hợp khảo sát các mối quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ. Các tác giả trở lại với văn hóa của sự nghèo khổ vốn đã trở thành cấm kỵ vào những năm 1970 vì đã bị diễn giải theo chiều hướng bảo thủ và kỳ thị chủng tộc. Một cái nhìn đa dạng và uyển chuyển về văn hóa giúp họ gỡ rối mối quan hệ giữa văn hóa và chủng tộc vốn nuôi dưỡng diễn ngôn bảo thủ.
Về cuốn Reconsidering Culture and Poverty (Xét lại khái niệm Văn Hóa và sự Nghèo Khổ) của David J. Harding, Michèle Lamont, Mario Luis Small, chủ biên, Tạp chí The Annals of the American Academy of Political and Social Science, Vol. 629, May 2010.
Nhà nhân học Oscar Lewis đã định nghĩa khái niệm văn hóa của sự nghèo khổ như là một tổng hợp những chuẩn mực và những thái độ có tác dụng là giam hãm các cá nhân trong một tình trạng nghèo khó, vốn thành hình lúc ban đầu như là phản ứng đối với những hoàn cảnh bất lợi, nhưng vẫn tồn tại khi được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, bất chấp sự tiến hóa của những hoàn cảnh. Luận đề nhân học này sớm trở thành đối tượng của một sự diễn giải lại mang tính bảo thủ ở Mỹ. Sự nghèo khổ trong các thành phố lớn bị quy cho sự tan rã của gia đình người da đen Mỹ bị nghi ngờ là sản xuất ra một văn hóa đích thực của sự lệ thuộc đối với chế độ cứu trợ xã hội. Sự diễn giải lại này đã có hậu quả là loại bỏ mọi sự quy chiếu đối với văn hóa trong những công trình nghiên cứu về sự nghèo khổ trong hàng thập kỷ. Thật vậy, người nào gán sự nghèo khổ cho những nguyên nhân văn hóa đều bị tố giác như là khiển trách nạn nhân, duy trì một sự kỳ thị chủng tộc không còn được diễn đạt một cách công khai và tất nhiên hạ thấp mọi chính sách xã hội.
Ngày nay, tạp chí The Annals of the American Academy of Political and Social Science dành một số đặc biệt cho các mối quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ. Sự đóng góp này chứng tỏ một sự tái đầu tư quan trọng của những nhà nghiên cứu theo xu hướng tự do vào chủ đề văn hóa của sự nghèo khổ, nhưng họ muốn được phân biệt với sự diễn giải lại mang tính bảo thủ về chủ đề này. Thật vậy, ý tưởng về một nền văn hóa thuần nhất của sự nghèo khổ đã bị sàng lọc qua nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm và bị kiến tạo lại rất mạnh. Sự tái đầu tư này đi kèm với một lời kêu gọi tới xã hội học (định tính) trong lãnh vực nghiên cứu về sự nghèo khổ vốn bị kinh tế học và các xã hội học định lượng thống trị cho đến nay.
Văn hóa của sự nghèo khổ ở Mỹ

Oscar Lewis (1914-1970)
Để hiểu được thách thức của sự đổi mới này, chắc cần phải nhắc lại rằng các mối quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ đã được tư duy trong khuôn khổ của luận đề của Oscar Lewis trong một thời gian dài. Nhà nhân học này, mà những nghiên cứu chuyên đề về những gia đình nghèo đã có một sự thành công khắp thế giới, định nghĩa, như ta đã thấy, văn hóa của sự nghèo khổ như là một tổng hợp những giá trị, những chuẩn mực và những thái độ, chủ yếu rất khác với văn hóa của các giai cấp trung lưu, đã được chấp nhận nhằm phản ứng với những hoàn cảnh không giúp họ hội nhập với xã hội[2]. Buộc phải sống theo từng ngày, những người nghèo tự rút vào hiện tại; ít có cơ hội thăng tiến xã hội, những người nghèo hạ thấp những nguyện vọng của họ; vì người đàn ông không thể nuôi gia đình của mình, người phụ nữ phải cáng đáng việc này, v.v.. Sau đó, do con cái chiếm lấy cách sống và thái độ này, sự thích nghi với những hoàn cảnh bên ngoài trở thành một lối sống kéo dài vốn cấm đoán con cháu của họ lợi dụng được một sự biến đổi có thể xảy ra của những điều kiện bên ngoài.
Luận đề này đã là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận say mê vì, khi đưa ra một định nghĩa của văn hóa, nó được ghi nhận ở trung tâm của những vấn đề lý thuyết được tranh cải một cách sôi nổi. Tuy nhiên, chính những vấn đề chính trị mà nó chứa đựng làm cho nó gợi lên nhiều đam mê nhất. Thật vậy, cho dù Lewis có nghĩ gì đi nữa[3], nếu khó có thể không ghi nhận tính đặc thù của các cách xử sự, các thái độ và các giá trị của những người nghèo, thì có lẽ, đối với những trí thức tiến bộ, còn khó chấp nhận hơn nữa ý tưởng cho rằng, nếu không phải sự thiếu hụt những cơ hội giải thích sự nghèo khổ, mà chính là văn hóa, thì ngay cả một sự cải thiện của việc cung về mặt định chế cũng sẽ không làm cho tình trạng của người nghèo khổ được cải tiến. Như vậy, nó khuyến khích việc hướng tới thuyết định mệnh, nếu không phải là một xu hướng để “trách nạn nhân”, theo từ ngữ được thừa nhận[4] trong dịp này, bằng cách đặt các cơ chế tạo ra tình trạng bất lợi nạn nhân trong ngay chính bản thân nạn nhân, nếu không muốn nói là coi cách cư xử của một nhóm chủng tộc như là bẩm sinh.
Daniel Moynihan (1927-2003)

Ở Mỹ, sự thành công của khái niệm văn hóa của sự nghèo khổ không thể tách rời với sự xuống cấp trầm trọng của những khu biệt cư (ghettos)[5] của những người da đen trong những năm 1960 – 1970, với sự tăng trưởng của những đứa bé đẻ hoang và việc các bà mẹ độc thân ngày càng trông chờ vào chương trình cứu trợ xã hội chính: Aid to families with dependant children (Cứu giúp các gia đình có con bị phụ thuộc) (chính chương trình này sẽ bị thay đổi một cách triệt để với cuộc cải cách của chế độ tương trợ vào năm 1996[6]. Cuộc cải cách này bắt nguồn từ sự xuất bản của bản báo cáo The Negro Family. A Case for Public Action (Gia đình người dân da đen. Một trường hợp cho hoạt động công cộng) của Daniel Moynihan[7]. Tham vọng của Moynihan là giải thích vì sao chế độ nộ lệ đã dẫn tới sự tan rã của cộng đồng da đen. Theo ông, sự rối loạn xã hội được ghi nhận trong các khu dân cư có thu nhập thấp ở trung tâm thành phố là do sự tan rã của các định chế của cộng đồng da đen, trước hết là của gia đình trong đó người phụ nữ ngày càng đóng vai trò chính. Tuy rằng, như ta đã nói, ý tưởng về một nền tiểu văn hóa của người da đen trong các ghettos đã bị sự phê phán mang tính bảo thủ về Nhà Nước Phúc Lợi nay đã trở thành thống trị, chiếm lấy một cách có hệ thống. Sự diễn giải về sự nghèo khổ theo hướng của thuyết văn hóa đã được phổ biến cùng với diễn ngôn bảo thủ của thời đại Reagan vốn tái khẳng định những giá trị đạo đức của Mỹ. Văn hóa của sự nghèo khổ đã trở thành văn hóa của chế độ an sinh khi nó càng bị phê phán. Đối với những người phê phán chế độ an sinh xã hội, những ngân phiếu của chế độ an sinh, bị những người đã hoàn toàn mất mọi tinh thần trách nhiệm xã hội coi như là một món nợ của Nhà nước, đã xui giục những người này không làm việc và sinh đẻ ngoài hôn nhân. Ý tưởng về một giai cấp thấp kém ở thành thị được áp đặt để mô tả - và giải thích - chuỗi bạo lực và buôn bán má túy phát triển ở một mức độ chưa từng có trong các ghettos ở trung tâm các thành phố trong những năm 1980 - 1990, trước khi chuyển sang các vùng ngoại ô trong những năm 2000. Ngay cả sự diễn giải lại luận đề về văn hóa của sự nghèo khổ trong khuôn khổ của một diễn ngôn phản động[8] rất bạo lực, cũng đã dẫn các nhà xã hội học che giấu sự gần gũi của những kết quả họ đạt được với những công trình của Oscar Lewis.

William J. Wilson (1935-)
Sự xuất bản cuốn The Truly Disadvantaged (Những người thật sự bị thua thiệt)[9] của William J. Wilson đã đánh dấu một bước ngoặt. Nó đã dẫn một thế hệ nắm lấy vấn đề này, và nhân dịp này, tư duy lại khái niệm văn hóa, trong một trào lưu hội tụ với sự phát triển của các khoa học xã hội khác, đặc biệt là nhân học. Mặc dù, như các chủ biên của số đặc biệt của tạp chí Annals nhấn mạnh trong phần dẫn nhập, tuy trào lưu này không được cấu trúc hóa và không có được một chương trình nghiên cứu chặt chẽ, những kết quả do các nhà nghiên cứu khác nhau đạt được cũng có đủ ý nghĩa để đánh dấu một sự chuyển hướng về chương trình và chủ đề trong lãnh vực các nghiên cứu về sự nghèo khổ.
Michèle Lamont (1957-)

Đối với các tác giả của tạp chí, việc bỏ rơi vấn đề văn hóa là đáng tiếc, về mặt khoa học lẫn chính trị. Tuy nhiên, những cố gắng của các tác giả tập trung vào chiều kích khoa học, bằng cách vô hiệu hóa chiều kích chính trị[10]. Về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu cần phải quan tâm đến văn hóa để hiểu được các cá nhân phản ứng với sự nghèo khổ như thế nào, tức là họ đối phó với (cope with) và thoát khỏi (escape) nó như thế nào. Về điểm thứ nhất, nếu sự nghiên cứu đã xác định vài chiến lược khác nhau, các tác giả của phần dẫn nhập nhấn mạnh rằng có nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngõ; chẳng hạn như, tại sao những người nhâp cư nghèo lại tạo ra một mạng lưới hội đoàn dày đặc hơn các người nghèo bản địa? Chủ đề này khuyên khích việc phải đào sâu những kết quả mà Michèle Lamont[11] đã xác lập theo đó khả năng bật dậy của những người nghèo, kể cả khả năng kháng cự với vết sẹo gắn với bản sắc văn hóa và sự tham gia vào cuộc sống xã hội của họ. Về điểm thứ nhì (làm sao các người nghèo thoát khỏi sự nghèo khổ), các chủ biên của số đặc biệt kêu gọi nên tra cứu những sự biến đổi và sự không đồng nhất trong các cách cư xử và tiến trình lấy quyết định của những người nghèo. Vấn đề này lại càng quan trọng hơn nữa khi có những công trình nghiên cứu cho thấy rằng không phải chỉ cần xác định những nhóm có được tổ hợp giá trị “tốt” (tức là tổng hợp được xác định về mặt xã hội như là phù hợp và có giá trị) để có thể thoát khỏi sự nghèo khổ nhưng những giá trị “tốt” trong một bối cảnh xấu có thể trở thành phản tác dụng. Ở đây, sự đối lập tuyệt đối giữa những người nghèo đáng khen (meritant) và không đáng khen được tra cứu lại qua câu hỏi về sự thích đáng của những giá trị đáng giá về mặt xã hội trong bối cảnh của sự nghèo khổ (trg. 9-10).
Một cách tiếp cận đa chiều về văn hóa
Mario Luis Small

Để định nghĩa khái niệm văn hóa tốt hơn, các tác giả đề nghị sử dụng một tổng hợp khái niệm. Chẳng hạn, phần dẫn nhập phân biệt bảy khái niệm giúp có một sự hiểu biết tốt hơn về sự nghèo khổ nhờ vào những phạm trù phân tích tinh tế hơn. Lấy lại cái sườn của một bài xuất bản vào năm 2008, Michèle Lamont và Mario Luis Small[12] phân biệt giá trị (values), khung (frames), danh mục (répertoires), tự sự (narratives), ranh giới đạo đức (symbolic boundaries), vốn văn hóa và định chế.
Cách thứ nhất để nắm bắt lại từ đầu quan hệ giữa sự nghèo khổ và văn hóa là tương đối hóa tầm quan trọng của những giá trị mà diễn ngôn bảo thủ dựa vào để chủng tộc hóa những người nghèo, và cho thấy rằng những giá trị này không dựa vào những chứng cứ thực nghiệm. Những người nghèo không có những giá trị khác một cách cơ bản với phần còn lại của xã hội, nhưng họ lại không có những danh mục hành động và những chiến lược để giúp họ thực hành những giá trị này. Viễn tượng này khiến cho khái niệm văn hóa đa chiều hơn rất nhiều và giúp nhận diện những mâu thuẫn giữa những danh mục hành động mà mọi người đều phải sử dụng. Một cách sâu sắc hơn, Michèle Lamont chỉ rằng khái niệm danh mục không giải thích vì sao vài yếu tố của danh mục lại được lựa chọn trong tiến trình hành động.
Quan trọng hơn là ý tưởng về khung gợi ý rằng “cách mà các cá nhân hành động tùy thuộc vào hình tượng mà họ có về chính mình, và quan niệm mà họ có về thế giới và những người thân cận”. Bắt nguồn từ truyền thống của thuyết tương tác, ý tưởng về khung cho thấy những tác dụng thực tế của những nhận thức khác nhau về cùng môt sự kiện của những cá nhân hay những nhóm có những trải nghiệm và những sự hiểu biết khác nhau. Những khung diễn giải về nơi cư trú tác động đến sự tham gia của những cư dân. Việc nhấn mạnh đến các khung làm nổi bật tính không đồng nhất trong nội bộ các khu phố của người nghèo về mặt cư xử hay kết quả và phủ nhận tính hiệu lực của một nền văn hóa của những ghettos được người dân của những khu phố bị thiệt thòi chia sẻ một cách đồng nhất. Nhận thức về sự nghèo khổ thông qua khái niệm khung tạo điều kiện để từ bỏ quan niệm cứng nhắc về mối liên hệ nhân quả giữa văn hóa và cách cư xử. Khái niệm khung gợi ý rằng văn hóa làm cho hành động có thể xảy ra hay chắc sẽ xảy ra; nhưng không bao giờ là tất yếu. Nó tìm thấy một sự nối tiếp trong ý tưởng về tự sự vốn phần nào cá nhân hóa tính quyết định các cách cư xử của các yếu tố văn hóa. Nếu cá nhân hành động tùy vào những khung được thiết kế về mặt văn hóa, cá nhân cũng làm điều đó từ tự sự mà họ xây dựng về chính những trải nghiệm của mình.
Marcel Fournier (1945-)
Khái niệm ranh giới biểu tượng, do Michèle Lamont và Marcel Fournier tạo ra, cho phép kết nối mức độ xã hội học vi mô của trải nghiệm, mức độ nghiên cứu cách mà các cá nhân gắn ý nghĩa cho hoàn cảnh của mình, với những khía cạnh mang tính cấu trúc hơn, như các truyền thống chính trị và văn hóa của các nước khác nhau. Các tác giả (của khái niệm khung) nhắc đến các kết quả của những công trình nghiên cứu trước đó vốn cho thấy rằng ở Mỹ công nhân khác một cách rõ ràng với người nghèo, do chủ nghĩa cá nhân thống trị trong giới công nhân và ít hơn nhiều ở Pháp, nơi mà phần nào do các truyền thống công giáo và xã hội chủ nghĩa đã tạo ra một cơ sở cho ý tưởng cộng hòa về sự đoàn kết. Vấn đề là ở chỗ các phạm trù văn hóa về sự công lao như vậy tương ứng với những chính sách khác nhau trong cuộc đấu tranh chống lại sự nghèo khổ ở hai nước. Có thể coi khái niệm ranh giới biểu tượng đóng vai trò của một giao diện khi đề xuất một định nghĩa văn hóa về sự hình thành các cấu trúc xã hội.
Ranh giới biểu tượng, ranh giới xã hội
Virag Molnar
Theo Lamont và Fournier, ranh giới biểu tượng là “những sự phân biệt lý thuyết mà các tác nhân xã hội thực hiện để sắp xếp các đồ vật, các con người, các cách hành xử cũng như không gian và thời gian. Các ranh giới tạo nên một hệ thống quy tắc hướng dẫn sự tương tác bằng cách xác định những ai hợp lại với nhau và cho những hành vi xã hội nào. Như vậy, nó phân chia các cá nhân thành các lớp, các nhóm làm việc, các nghề nghiệp, các thể loại, các giới và các chủng tộc. Do đó, các ranh giới không chỉ có sức mạnh tạo ra những nhóm, nó còn có khả năng tạo ra sự bất bình đẳng vì nó là một công cụ chủ yếu thông qua đó các cá nhân có được một vị thế, chiếm hữu được những tài nguyên, gạt bỏ các mối nguy, hay chính đáng hóa những ưu thế xã hội của họ, và thường dựa vào sự quy chiếu vào một phong cách sống cao hơn, những thói quen, một đặc tính hay những năng lực.” (Michèle Lamont và Marcel Fournier (chủ biên), Cultivating Differences: Boundaries and the Making of Inequality, Chicago / Nuôi dưỡng sự khác biêt: Ranh giới và sự cấu tạo sự bất bình đẳng, University Press of Chicago, 1992, trg. 2). Phải phân biệt những ranh giới biểu tượng với những ranh giới xã hội vốn là “những hình thức được khách quan hóa của những sự khác biệt xã hội được biểu hiện qua sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với những tài nguyên (vật chất và phi vật chất) và những cơ hội xã hội cũng như sự phân bố bất bình đẳng của những điều này.” Sự tồn tại của những ranh giới biểu tượng là điều kiện cần thiết nhưng không đủ cho việc tạo cơ sở và chính đáng hóa cho sự loại trừ xã hội vốn có thể thể hiện qua sự phát triển sự bất bình đẳng và kỳ thị. Michèle Lamont và Virag Molnar, The Study of Boundaries across the Social Sciences (Nghiên cứu các ranh giới trong khoa học xã hội), Annual Review of Sociology, 2002, 28: 168-169. Tuy nhiên, trong khi các ranh giới xã hội được định chế hóa, các ranh giới biểu tượng nêu lên đặc tính của những cuộc đấu tranh để xếp hạng thông qua đó đa số các nhóm cố gắng duy trì những sự ưu đãi gắn với vị thế của họ, xem Paul Lichterman và Nina Eliasoph, Culture in Interaction (Tương tác Văn hóa), American Journal of Sociology, 2003, 108: 735-94.
Nina Eliasoph
Paul Lichterman
Sau cùng, các khái niệm vốn văn hóa và định chế bổ sung cho khung lý thuyết này khi gắn thành quả của những sự phân biệt đầu tiên với những hệ quả gắn với sự phân tầng xã hội. Sự truyền lại các thị hiếu - và các sự chán ghét - cho phép tái sản xuất ưu thế của các gia đình thuộc thành phần trung lưu. Việc tiếp tục sự phân tích nêu bật một sự lạc điệu văn hóa (cultural mismatch) giữa những thị hiếu cần thiết cho sự hội nhập vào nhóm đồng đẳng và sự hội nhập vào môi trường học đường. Chiều kích này làm cho sự phân tích các kỹ năng và sự không thích hợp về mặt không gian được sâu sắc hơn, những khái niệm mà Wilson đã sử dụng để phân tích tình trạng thất nghiệp của những người nghèo ở các ghettos.
Văn hóa, sự nghèo khổ và chính sách 
Phần thứ nhất là phần quan trọng nhất, vừa qua số trang vừa qua việc xác định một định nghĩa mới về văn hóa xuất phát từ những trải nghiệm. Nó đề cập đến nhiều chủ đề: quan hệ với việc làm, hình tượng về các vai trò trong gia đình và những khát vọng gắn với giáo dục. Đa số những phân tích xuất phát từ những cuộc điều tra thực địa với những người trẻ nghèo. Ở đây, chúng tôi sẽ tập trung vào hai bài dành cho quan hệ với việc làm để cho thấy sự đa dạng của những cách tiếp cận có thể có về một đối tượng gần như tương tự. Hai đóng góp này minh họa cho sự kết nối việc nhận thức lại truyền thống nghiên cứu với việc trình bày một nghiên cứu trường hợp thực nghiệm. A Test of Sincerity (Kiểm định sự thành thật) của Sandra Susan Smith thử thách trong một cuộc điều tra định tính ý tưởng cho rằng các yếu tố văn hoá đóng một vai trò mấu chốt trong việc huy động vốn xã hội. Cũng qua nghiên cứu này, bà đổi mới sự phân tích của xã hội học vế các mạng lưới qua việc xét lại chủ đề tạo nền móng cho phương pháp luận này. Nghiên cứu của bà là về những nhân viên văn phòng tại trường đại học nơi bà giảng dạy. Từ những cuộc phỏng vấn sâu bán hướng dẫn, bà tìm cách hiểu cách mà những người Mỹ gốc Phi Châu và những người gốc Tây Ban Nha giúp các thành viên thuộc nhóm của họ thiết lập quan hệ với người tuyển dụng – nói một cách khác khi các quan hệ vững chắc đóng vai trò của những quan hệ yếu kém. Nó cho thấy chính xác rằng những người Châu Mỹ La Tinh giúp nhiều hơn và rõ ràng hơn những thành viên thuộc nhóm của họ kiếm được việc làm. Điều này là do họ thường tham gia ít hơn các người Mỹ gốc Phi Châu vào các mạng lưới bao gồm một số quan trọng người không có việc. Tham số này có thể và đáng lẽ tác động ngược lại vì các nhân viên da đen quan niệm sự nghèo khổ dưới lăng kính đạo đức, tức là họ đã bị những định kiến thống trị chi phối. Do đó, họ diễn giải các yêu cầu như là những mưu tính để bảo toàn cái bề ngoài, khi họ có những biểu hiện về động cơ để làm việc, một cách hoàn toàn bề ngoài. Sự tương trợ người khác được thực hiện một cách thụ động và có chọn lọc. Giữa các ghettos của người da đen và các ghettos của người Châu Mỹ La Tinh, một sự khác biệt cơ bản được phơi bày: nhóm đầu phải chịu sự thất nghiệp, còn nhóm thứ nhì thì phải chịu tình trạng thiếu việc làm (sous emploi): kết quả là có một sự tin cậy xã hội mạnh hơn giữa các dân cư của những khu thứ hai. Viễn tượng này, được minh chứng qua một cuộc điều tra thực địa được thực hiện và trình bày một cách tốt đẹp, đào sâu hơn là xét lại những kết quả đã được thu thập trong suốt hai mươi lăm năm nghiên cứu về tình trạng thất nghiệp của người da đen được thực hiện trong khuôn khổ trào lưu nghiên cứu xã hội học về các mạng lưới và vốn xã hội. Những cơ chế của sự kỳ thị về mặt thống kê, được cập nhật, ngay trong nhóm chủng tộc vốn là nạn nhân chính. Chúng kéo dài sự kỳ thị và sự loại trừ ra ngoài xã hội mà các người da đen phải gánh chịu.
Alford A. Young
Sau đó, Alford A. Young quan tâm đến khái niệm gióng khung. Để xét lại những tư liệu về văn hóa của sự nghèo khổ, ông bắt nguồn từ việc vạch rõ cách mà những người lao động có lương thập diễn giải và trình bày những hình ảnh về thực tại xã hội của họ. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề là cách mà người Mỹ gốc Phi Châu bị thiệt thòi tìm thấy ý nghĩa cho những cơ hội đã bị coi thường để nhường chỗ cho một logic đạo đức nhị nguyên: hoặc họ cần phải được khuyến khích nắm bắt những cơ hội kinh tế và những viễn tưởng về sự thăng tiến qua giáo dục … hoặc họ phải bị trừng phạt vì đã không nắm lấy các cơ hội ấy. Viễn tưởng mà sự gióng khung tạo ra làm cho việc nghiên cứu các chiều kích văn hóa của sự nghèo khổ thoát khỏi chiều kích chuẩn tắc và đạo đức của nó. Do đó, nên quan tâm đến những nét đặc thù của những trải nghiệm sống để thuật lại những hình tượng đa dạng về thế giới xã hội của những người dân đó. Bài dựa trên những cuộc phỏng vấn hai mươi sáu người trẻ Mỹ gốc Phi Châu ở Détroit là một thành phố mang dấu ấn của sự nghèo khổ - năm 2002, Détroit là thành phố nghèo nhất nước Mỹ[13] – và là nơi mà các người Da Đen đã gánh chịu tình trạng không có đủ việc làm. Đặc biệt, cuộc nghiên cứu tập trung vào ý nghĩa mà họ có thể gắn cho ý tưởng về một “công việc tốt”, nhằm hiểu được cách mà những cá nhân đó thiết kế một ý hướng về trật tự và hệ thống thứ bậc khi họ nhìn vào môi trường kinh tế. Một cách không bất ngờ, những người nào có đi học xem những phần thưởng gắn với sự tự lập và sự biểu hiện là quan trọng hơn. Sự linh hoạt và tính tiến hóa của chính khái niệm gióng khung được suy ra từ sự phân tích này, vượt qua ngay cả sự đa dạng của những biểu tượng trong một nhóm được cho là đồng nhất.
Paromita Sanyal
Vijayendra Rao
Phần thứ hai bao gồm hai bài đề cập đến những mối tương quan nối liền văn hóa và sự nghèo khổ trong việc thiết kế và thực thi các chính sách công. Nó thực hiện, nếu không phải là một sự so sánh, thì ít nhất cũng đã mở đường cho một cách tiếp cận quốc tế qua đóng góp của Vijayendra Rao và Paromita Sanyal, Dignity through Discourse: Poverty and the Culture of Deliberation in Indian Village Democracies (Phẩm cách qua diễn ngôn: sự nghèo khổ và văn hóa hiệp thương trong nền dân chủ ở các làng xã Ấn Độ). Bài này nghiên cứu sự tác động của những thủ tục của một nền dân chủ thương nghị trên văn hóa của người nghèo trong hai triệu làng xã ở Ấn Độ. Cách tiếp cận của nó hoàn toàn dựa trên sự truyền thông được ghi nhận trong xu hướng chuẩn tắc của Amartya Sen và môn xã hội học về sự công nhận. Nhưng việc phân tích thực nghiệm những bản báo cáo về những buổi họp của các ủy ban làng biểu lộ những giới hạn của sự tác động của nền dân chủ thương nghị để xây dựng “một văn hóa chính trị của sự nghèo khổ”. Sự cạnh tranh suy lý được thiết lập thay cho nền dân chủ thương nghị. Thật tiếc là định nghĩa văn hóa dựa trên quan hệ - vốn nhấn mạnh đến sự truyền thông - không thực sự cho phép trở lại một trong những khía cạnh của sự liên tục của các quần thể được khảo sát (tức là những người phải chịu sự thiệt thòi là thành viên của những giai tầng (caste) thấp kém ngoài việc phải chịu sự bất bình đẳng xã hội kinh tế - một sự áp bức kép còn được củng cố với sự áp bức gắn với giới tính) với luận đề của văn hóa của sự nghèo khổ mà tầm quan trọng đã được nhấn mạnh trong phần dẫn nhập và được nhắc lại qua công thức mang tính nghịch lý “văn hóa chính trị của sự nghèo khổ”.
Bài thứ hai nghiên cứu những hình tượng mà các thành phần ưu tú xây dựng về sự nghèo khổ, từ những diễn ngôn về các chương trình giảm nghèo được phát biểu tại quốc hội ở hai giai đoạn chủ chốt: trước hết là giai đoạn của “Đại xã hội”, thời kỳ mà Johnson đã tuyên bố một “cuộc chiến không nhân nhượng chống lại sự nghèo khổ” (1964-1968), thời điểm chủ chốt để huy động một tập hợp những chuyên gia về sự nghèo khổ[14], và sau đó là thời kỳ tấn công “tân tự do” chống lại các chương trình của thời kỳ “Đại xã hội” (1981-1986). Dựa trên hiện trạng của những nghiên cứu về mối quan hệ giữa các ý tưởng và các chính sách xã hội, các công trình nghiên cứu này có một điểm chung: thiết lập mối quan hệ giữa phạm vi và sự rộng lượng của mạng lưới an sinh với hình tượng về “công lao” của người nghèo. Nếu điểm này là quan trọng, theo tác giả, nó không cho phép trả lời cho hai câu hỏi chủ yếu: hiểu được sự biến đổi của các chính sách xã hội và sự phát triển của các công cụ giảm nghèo. Như vậy, đề cập đến sự cải tổ chương trình AFDC (Aid to Families with Dependent Children / Cứu trợ các gia đình có con bị phụ thuộc) và sự biến đổi nó thành chương trình TANF (Temporary Assistance for Needy Families / Cứu trợ tạm cho các gia đình nghèo túng), ông nhắc lại rằng những người đề xướng việc này không chỉ mô tả người nghèo là người không xứng đáng (underserving) mà còn giới thiệu họ như là những nạn nhân của một mạng lưới bảo hộ mà sự rộng lượng đã đẩy họ vào sự lệ thuộc. Trong cách nhìn này, đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về thời gian cho quyền thụ hưởng sự cứu trợ, như đã được thực hiện, là một hành động trắc ẩn đối với họ. Cần phải xem xét lại những quan niệm chính trị về sự nghèo khổ trong khuôn khổ của những “phạm trù văn hóa về giá trị” tinh tế hơn. Sự phân tích của ông về diễn ngôn chính trị, trở lại cái gốc của vấn đề, giúp ông vượt qua những khái niệm này về sự xứng đáng hay sự không xứng đáng được khen thưởng (deservingness/undeservingness) như là những phạm trù quan trọng cho khoa học xã hội vốn muốn gắn một ý nghĩa cho các sự tiến hóa và cả cho chính các tác nhân chính trị, sau khi mọi chuyện đã kết thúc[15]. Với khái niệm “khung”, tác giả cho thấy là, trong hai giai đoạn được nghiên cứu, những biện pháp tương ứng với cách mà người làm luật đặt các nguyên nhân của sự nghèo khổ và những năng lực và động cơ của người nghèo vào một cái khung. Những năm 1960 đánh dấu sự sụp đổ của cộng đồng bị xem như là chịu trách nhiệm về sự nghèo khổ, nhưng những vấn đề tâm lý mà người Da Đen gặp phải bị gắn với sự giới hạn những cơ hội mà họ có để hội nhập vào trào lưu chính. Người nghèo bị xem như là những nạn nhân không có phương tiện và tuyệt vọng của những sự biến đổi kinh tế và những sự kỳ thị. Xã hội bị xem như chịu trách nhiệm về số phận của những người này. Những người muốn thoát khỏi hoàn cảnh không thể thực hiện được ý muốn của họ. Còn những người không muốn hay hơn nữa là những nạn nhân của một bối cảnh cản trở họ phát triển những giá trị hội tụ với phần còn lại của xã hội.                          
Trong giai đoạn tân tự do, chính các cá nhân bị coi là chịu trách nhiệm về sự nghèo khổ của họ, vì họ thiếu những giá trị đáng lẽ giúp họ có những quyết định tốt. Sự tan rã của gia đình bị xem như là kết quả của hành động của chính phủ mà sự hào phóng đã tạo ra sự lệ thuộc đối với sự cứu trợ xã hội – tức là tạo ra sư duy trì họ trong sự nghèo khổ - cũng như nhiều điều tệ hại khác (chi tiêu; tăng trưởng chậm, v.v.). Trong những năm 1980 và 1990, chính sách phúc lợi chứ không còn là sự nghèo khổ đã trở thành vấn đề. Sự gia tăng của những vụ sinh đẻ ngoại hôn của những thiếu nữ (da đen) Mỹ là chỉ báo của nền văn hóa lệ thuộc mà sự tái sản xuất liên thế hệ là đáng ngại – cho dù rằng không có điều gì chứng thực cho luận điểm này[16]. Nếu sự nghèo khổ bị coi như là sự thiếu hay sự mất đi nhưng giá trị của trào lưu trung tâm của xã hội (giá trị gia đình và đạo đức lao động), những người nghèo được mô tả như là những tác nhân duy lý thích ứng với những khích động tai hại của sự cứu trợ xã hội. Sự cứu trợ xã hội khuyến khích việc sinh đẻ ngoại hôn và việc trốn tránh lao động.

Phần cuối, bao gồm một bài của William Julius Wilson và những suy nghĩ của vài chính khách trình bày quan điểm của họ về những bài đóng góp, trở lại vấn đề của sự kết nối cấu trúc và văn hóa trong việc hiểu biết và đấu tranh chống sự nghèo khổ. Đóng góp của ông nối tiếp những luận đề được ông bảo vệ trong cuốn sách cuối của ông, More Than Just Race? (Còn hơn cả chủng tộc?)[17], trong đó nhà xã hội học, được biết đến với việc nhấn mạnh đến những lực kinh tế và xã hội cấu trúc vốn quyết định vận mệnh của những người trẻ da đen ở các ghettos, đã nêu bật tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa. Trong bài của ông, ông đề nghị kết nối những yếu tố văn hóa và cấu trúc để không còn chỉ chấp nhận việc đặt các hệ quả cấu trúc và văn hóa bên cạnh nhau (cách mà các vị thế xã hội, các vai trò và các mạng được tổ chức trong các định chế[18]) và đặc biệt để không còn coi thường hệ thống thứ bậc giữa hai loại thế lực này, tức là để nhắc lại ưu thế của các yếu tố cấu trúc.
Thật vậy, dù ông có quan tâm đến các yếu tố văn hóa – mà ông nhận thức không chỉ như là hệ quả của chủng tộc và sự nghèo khổ mà còn dưới hình thức của những đáp án cho sự nghèo khổ và những đáp án có thể khiến cho tình trạng nghèo khổ kéo dài – luận chứng của Wilson hoàn toàn rõ ràng. Những yếu tố cấu trúc là quan trọng nhất. Khẳng định điều này lại càng cốt yếu hơn nữa khi mà điểm nổi bật của Mỹ vẫn là niềm tin vào trách nhiệm cá nhân của người nghèo. Như vậy trước sự ưu tiên mà Mỹ dành cho việc giải thích sự nghèo khổ bằng những yếu tố văn hóa thì lý lẽ khoa học cần phải lưu ý để không nuôi dưỡng nó. Nếu các yếu tố văn hóa là quan trọng nhất, thì người dân của những khu tập trung sự nghèo khổ đã không thể lợi dụng được sự tăng trưởng kinh tế của những năm 1990. Nhưng điều đó đã xảy ra: sự nghèo khổ ở thành thị đã giảm đi rất nhiều. Do đó luận chứng của Wilson được triển khai trong một bình luận tinh tế về những công trình nghiên cứu về các hệ quả của các khu dân cư. Được hiểu một cách đúng đắn, hệ quả của những khu dân cư – hệ quả đặc thù gắn liền với việc sống ở một khu tập trung sự nghèo khổ cần phải được phân biệt với hệ quả của những biến số cá nhân – không chỉ mang tính cấu trúc. Những khả năng để nhận thức và để diễn đạt bằng lời nói bị giảm đi trong môi trường này. Sự kỳ thị và sự tái sản xuất nó trong thời gian đặt các cá nhân trong những trạng thái tâm lý mà các nhà phân tích có thể sai lầm khi xem các trạng thái này như là những chuẩn mực khi mà có vẻ như chúng điều chỉnh các cách cư xử. Đó chính là trường hợp của sự cam chịu. Những hệ quả tâm lý của sự kỳ thị chủng tộc và vị thế kinh tế cô đọng lại trong những mô hình cách cư xử vốn, ngược lại, sẽ cũng cố những khó khăn để hội nhập vào trào lưu trung tâm của xã hội.
Sự đa dạng của các chủ đề và các cách tiếp cận, từ những chiều kích vi mô và sự tác động của những yếu tố văn hóa đến tính đa dạng của các phương pháp, là đáng chú ý. Nó cho phép thiết lập cuộc đối thoại giữa xã hội học văn hóa định tính với những kết quả xuất phát từ những nghiên cứu định lượng. Nó khẳng định sự tự chủ của xã hội học định tính mà vẫn bảo đảm sự hòa nhập của nó vào trường của các nghiên cứu về sự nghèo khổ bị các nghiên cứu theo xu hướng định lượng hoàn toàn thống trị ở Mỹ. Sau đó, các nhà xuất bản đã chấp nhận những đóng góp vốn khuyến khích việc làm cho cái khung mà họ đề nghị tinh vi hơn. Stephen Vaisey đã từng quay lại những sự khác biệt trong những nguyện vọng trong lãnh vực giáo dục của các nhóm khác nhau và Wilson cũng nghiên cứu những yếu tố văn hóa trong viễn tưởng của sự kết nối với văn hóa được hiểu vừa là những chuẩn mực và giá trị và vừa là những yếu tố mang tính cấu trúc. Những đóng góp này giúp cho độc giả đánh giá được những giới hạn của hệ chuẩn được đề nghị và mở rộng những lãnh vực mới cho nghiên cứu.
Về vài hướng tiếp nối nghiên cứu so sánh có thể có
Bài này, vốn trước hết nhắm tới việc tiếp liệu cho cuộc tranh luận ở Mỹ về sự nghèo khổ, thể hiện một sự đổi mới của các phân tích về văn hóa trong nền xã hội học của Châu Âu[19]. Theo tôi, có vài lợi thế khi đặt sự tiến hóa của các mối quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ trong những tiến trình tổng quát vốn là đặc tính của điều mà Peter Wagner[20] gọi là sự hiện đại hóa mở rộng, mà đặc tính là sự cá nhân hóa và toàn cầu hóa, nối tiếp sự hiện đại hóa được xây dựng xung quanh Nhà Nước-Dân Tộc (hay đúng hơn là Nhà nước quốc gia và xã hội). Việc đưa vào lại những khái niệm của xã hội học về tính hiện đại cho phép làm cho đối tượng được nghiên cứu bị lệch tâm (quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ) đối với mọi nền xã hội học quốc gia.
Được đặt lại trong những phạm trù lớn của xã hội học về tính hiện đại, những biểu hiện văn hóa về sự tập trung sự nghèo khổ ở thành thị ở Mỹ và Âu Châu[21] có thể được phân tích trong cùng một tiến trình biện chứng về sự tan rã (hay sự hướng ngoại) văn hóa bao hàm một chiều kích không gian vì những việc làm đã rời bỏ trung tâm của các thành phố (spatial mismatch)[22] và một chiều kích gắn với những năng lực vì những việc làm về dịch vụ đòi hỏi người lao động có tay nghề kém nhất và gia đình của họ phải chiếm lấy những năng lực xã hội gần với những tập tính của các giai cấp trung lưu (skills mismatch) trong khuôn khổ của một nền kinh tế vừa là kinh tế dịch vụ và kinh tế kỳ thị (chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc mới được gọi là văn hóa hay phân biệt) và tự kỳ thị (theo các quy tắc của đường phố[23] hay dựa trên tiến trình sự truyền thống hóa mới của các cách cư xử), cũng bị quy định một cách mạnh mẽ bởi các hiện tượng vốn tạo ra sự thất nghiệp và sự thiếu việc làm của những người trẻ thành thị, đặc biệt là những người thuộc những thiểu số dễ nhận thấy. Rốt cuộc, nếu thật sự có nền văn hóa đặc thù của người nghèo, theo nghĩa mạnh của một tổng hợp những ý nghĩa và thái độ được chia sẽ, thì đó là “một cơ chế để chống lại sự thống trị mà họ phải chịu đựng”[24]. Tức là, thay vì ở trong thế bị động, “nhóm tham gia một cách tích cực vào tiến trình tự cô lập hóa”, với những hệ quả phản tác dụng của thái độ này: “mặc dù thái độ này đối với họ trước hết là một cách để kháng cự, nó cũng đóng góp vào sự giam hãm mà các cơ chế của sự thống trị đã đặt họ vào.” (ibid.) Trong cách nhìn này, ngay cả những hình thức cách biệt văn hóa triệt để nhất và một sự đồng nhất bề ngoài đều có thể là đối tượng của một sự (tái) thiết kế phân tích mà các khái niệm được trình bày trong phần dẫn nhập của tạp chí Annals sẽ giúp tiến hành. Như vậy, một cách nhìn về văn hóa của những người nghèo, từ dưới, từ những ý nghĩa của những trải nghiệm của các tác nhân, có thể xác định vai trò của những tiến trình tổng quát và những khung quốc gia trong đó những thực tiễn được ghi nhận.

Như vậy, việc làm nổi bật những nét chung của những xã hội khác nhau sẽ giúp tường thuật các phương thức phát triển của văn hóa của người nghèo trong từng nước cũng như sự định chế hóa nó thông qua những thực tiễn xã hội (các diễn ngôn thông thái và xã hội, sự thiết kế những chính sách xã hội, v.v.). Tầm quan trọng của chủ đề văn hóa của sự nghèo khổ ở Mỹ có thể bước đầu được giải thích. Thật vậy, đúng là trong khuôn khổ của một sự mở rộng diễn ra vào giữa những năm 1960 trong xã hội Mỹ của chủ nghĩa tình nguyện (mà một công trình nghiên cứu xã hội học rất phong phú về tính hiện đại được áp dụng cho trường hợp của Mỹ[25] đã cho thấy tầm quan trọng trong nước này) mà luận đề về văn hóa của sự nghèo khổ đã đạt một tầm quan trọng như vậy. Khi mà các rào cản định chế như sự kỳ thị - tất nhiên là không ăn khớp với toàn bộ những ranh giới thực – bị áp đặt cho sự tham gia của những người Mỹ gốc Phi Châu được giảm xuống, cũng như những rào cản cấm phụ nữ tham gia thị trường lao động, sự lệ thuộc – ý tưởng sẽ trở thành trung tâm trong sự phân tích mang tính bảo thủ về sự nghèo khổ vốn đề cập đến văn hóa về sự phụ thuộc đối với cứu trợ xã hội – sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn cá nhân, tâm lý. Bắt đầu từ thời điểm đó, người ta chỉ có thể khẳng định rằng nay không còn sự lệ thuộc nào được xem như là tích cực nữa trong xã hội Mỹ[26], tức là một lập luận mang tính cấu trúc chính đáng để thuật lại sự thua thiệt xã hội.
Một khung phân tích như vậy cho thấy những điểm hội tụ giữa các nước khác nhau. Nếu, như các nghiên cứu so sánh của Lamont cho thấy, các biểu tượng mà người lao động ở Mỹ và ở Pháp có về người nghèo rất khác nhau, có những biểu tượng tương tự với những biểu tượng được tìm thấy ở Mỹ đang phát triển ở Pháp. Mặc dù ở một mức độ thấp hơn và với một sự bền lâu của các truyền thống xã hội chủ nghĩa, cộng hòa và công giáo bù trừ cho việc tạo khoảng cách này, khoảng cách giữa người lao động và người nghèo ngày càng rõ nét ở Pháp[27]. Sự tiến hóa này là nét đặc trưng của một sự biến đổi trong mối quan hệ với sự nghèo khổ ở các nước Âu Châu. Sự xích gần lại nhau khách quan giữa Châu Âu và Mỹ mở đường cho sự lưu thông các kiến thức theo cả hai chiều. Trước hết, các nhà xã hội học Âu Châu sẽ có nhiều lợi ích khi nắm bắt toàn bộ các nghiên cứu được sản xuất về mối quan hệ giữa văn hóa và sự nghèo khổ. Điều này sẽ giúp họ cảnh giác đối với xu hướng “khiển trách nạn nhân” càng phát triển khi mà sự bình đẳng về cơ hội càng phát triển trong các xã hội Châu Âu tuy không phải vì thế mà phải coi thường những chiều kích văn hóa của sự nghèo khổ. Bù lại, cấu hình xã hội tiến hóa của các nước Châu Âu có thể đóng góp cho chương trình nghiên cứu được các nhà xuất bản của tạp chí Annals khởi xướng. Thật vậy, mặc dù được đặt trong khuôn khổ của xã hội học lấy cảm hứng từ Durkheim, tức là ngần ngại đối với việc nắm bắt những chiều kích văn hóa của sự nghèo khổ trên mặt lý thuyết vì bắt rễ trên việc nghiên cứu các chuẩn mực của xã hội, ta có thể đóng góp cho việc cho thấy, trong vài hoàn cảnh, việc cổ vũ cho sự tự chủ của cá nhân có thể dẫn đến việc là, tùy vào cái khung và hành trình của họ, các cá nhân không chấp nhận loại chính sách xã hội mới (mà sự thiết kế, nếu không phải là sự thực thi gần với chế độ có làm có ăn (workfare)) vốn sẽ hỗ trợ cho họ, đến mức là họ không thèm dựa vào nó. Một cách cơ bản hơn, nếu ta muốn mô tả cách mà các cá nhân nhận thức về các quy chuẩn của xã hội, đặc biệt là các quy chuẩn về sự tự chủ cá nhân[28], ta có thể mô tả khoảng cách (hay đúng hơn một tổ hợp khoảng cách) giữa chính các người nghèo, dựa trên các tuyến mang tính chủng tộc. Để tóm tắt, những đóng góp của các nhà xã hội học Mỹ giúp gỡ rối mối tương quan giữa văn hóa và sự nghèo khổ mà vẫn cho thấy được vai trò mà văn hóa đã đóng. Sau cùng nó giúp hiểu được tại sao văn hóa là đối tượng của một tiến trình của xã hội để làm cho nó mang tính chủng tộc.
David Harding
Những lời nhận xét cuối cùng này hỗ trợ cho sự mở rộng chương trình nghiên cứu do Michèle Lamont và Mario Small khởi đầu, mà một tổ hợp các đóng góp do David Harding điều phối cung cấp một tổng hợp đầu tiên cùng với một lời mời để phát triển các nghiên cứu thực nghiệm về văn hóa của sự nghèo khổ. Chúng tôi hy vọng lời mời này sẽ được nhiều thiên hướng (vocation) ở Mỹ và ở nơi khác đáp ứng, khi nó cung cấp con đường để làm cho nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về vấn đề của sự nghèo khổ được phong phú hơn, tương ứng với những vấn đề chính trị hiện nay.
Trong một phiên bản trước đây của bài này, có câu sau đây: “Như vậy, William J. Wilson trong The Truly Disadvantaged (Những người thật sự bị thiệt thòi) cũng không trích dẫn Lewis trong khi sự mô tả và những phân tích của ông về lối sống của giai cấp thấp kém ở thành phố trùng khớp với một số yếu tố mà Lewis đã phát hiện.” William J. Wilson đã gởi cho tòa soạn của La Vie Des Idées một bức thư để xác định rằng, ngược lại, ông đã dành ba trang trong sách của ông cho công trình nghiên cứu của Oscar Lewis, và có năm cuốn sách của Lewis được nêu, đặc biệt ở trang 137 trong đó ông phân biệt khái niệm “tiểu văn hóa của ghetto” của ông với “văn hóa của sự nghèo khổ” do Lewis phát triển. Tác giả của bài này đã nhận lỗi của mình và đã chấp nhận xóa bỏ câu này.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Repenser la culture de la pauvreté”, La vie des idées, 5.10.2010




Chú thích:

[1] Nicolas Duvoux là giáo sư xã hội học ở đại học Paris VIII Vincennes và là tổng biên tập tạp chí La vie des idées. Những nghiên cứu của ông tập trung vào sự nghèo khổ và những thành phần xã hội bị đặt ngoài lề xã hội và các chính sách xã hội để hội nhập họ. Ông đã tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở khắp nơi (Mỹ, châu Âu, Nga).

[2] Oscar Lewis, La vida: A Puerto Rican Family in the Culture of Poverty (Cuộc sống: Một gia đình Puerto Rico trong văn hóa của sự nghèo khổ) - San Juan và New York, Random House, 1966

[3] Oscar Lewis, The Culture of Poverty (Văn hóa của sự nghèo khổ), Scientific American, 215, Tháng 10 năm 1966.

[4] William Ryan, Blaming the Victim (Khiển trách nạn nhân), Vintage Books, 1976.

[5] Sự rối loạn xã hội của các ghettos của người da đen đã gây nên sự hình thành của cả một trào lưu văn học. Ta có thể tham khảo những công trình nghiên cứu của William Julius Wilson, đặc biệt là cuốn When Work Disappears, The World of the New Urban Poor (Khi việc làm biến mất, Thế giới của những người nghèo mới ở thành thị) , Vintage Books 1997. Có những nghiên cứu nhân học cũng đã cung cấp tài liệu về cuộc sống trong các ghettos. Sudhir Venkatesh vừa đổi mới các cách tiếp cận này trong cuốn Off The Books. The Underground Economy of the Urban Poor (Bên ngoài các sách. Nền kinh tế ngầm của những người nghèo ở thành phố), Harvard University Press, 2006.

[6] Ta có thể tham khảo sách của Jean-Claude Barbier Pour un bilan du workfare (Bản tổng kết về chế độ có làm có ăn (workfare) và sự khởi động hoạt động) và của Isaac Martin “Où va l’État-providence americain?” (Nhà Nước Phúc Lợi Mỹ đi về đâu?)” để có một viễn tưởng của cuộc cải cách cơ bản này đã bãi bỏ quyền hưởng cứu trợ và thi hành chế độ có làm có ăn.

[7] Daniel Patrick Moynihan, The Negro Family: The Case for National Action (Gia đình người Mỹ Da đen: Trường hợp cho một chính sách quốc gia) . Washington DC: Office of Policy Planning and Research, U.S. Department of Labor, 1965. Cho việc bối cảnh hóa, ta có thể tham khảo bài
“The Moynihan Report and Researc on the Black Community” (Báo cáo Moynihan và nghiên cứu về Cộng Đồng người Mỹ Da đen) của William Julius Wilson, The Annals of the American Academy of Political and Social Science, 2009, 621 (1): 34-46.

[8] Albert O. Hirschmann, The Rhetoric of Reaction. Perversity, Futility, Jeopardy (Tu từ học của sự phản ứng. Sự đồi bại, sự phù phiếm, sự nguy hiểm), Belknap Press of University Harvard, 1991.

[9] William Julius Wilson, The Truly Disadvantaged. The inner-city, the underclass, and public policy (Những người thật sự bị thua thiệt. Nội bộ thành phố, Giai cấp thấp kém và chính sách công), Chicago: University of Chicago Press, 1987.

[10] “Whether, when and how cultural tools and cultural constraints matter is ultimately an empirical, not a political question (Nếu, lúc nào và như thế nào, những vấn đề về công cụ văn hóa và sự gò bó văn hóa rốt cuộc là vấn đề mang tính thực nghiêm chớ không phải là chính trị), trg. 12.

[11] Michèle Lamont, “Responses to Racism, health, and social inclusion as dimension of successful societies (Chống lại kỳ thị chủng tộc, y tế và sự hội nhập xã hội như là chiều kích của những xã hội thành công)”, trong Successful Societies: How institutions and culture influence health (Những xã hội thành công: Các định chế và văn hóa tác động đến sức khỏe như thế nào) , NXB Peter A. Hall và Michele Lamont, New York, Cambridge University Press, 2009.

[12] Michèle Lamont et Mario Luis Small, “How Culture Matters: Enriching our Understanding of Poverty” (Văn hóa có ý nghĩa như thế nào: Làm cho sự hiểu biết về sự nghèo khổ phong phú hơn), trong The Colors of Poverty (Những sắc màu của sự nghèo khổ), Chủ biên Ann C. Lin và David R. Harris, 76-102, New York: Russell Sage Foundation, 2008.

[13] Xem bài của Sylvie Laurent

[14] Romain Huret, La fin de la pauvreté? Les experts sociaux en guere contre la pauvreté aux États-Unis (1945-1974 (Sự nghèo khổ đã kết thúc? Các chuyên gia xã hội chống lại sự nghèo khổ ở Mỹ (1945-1974)), NXB của EHESS, “En temps et lieux”, 2008, 240 trg., xem bài điểm sách trong La Vie des Idées.

[15] Để củng cố luận đề này, có sự việc, được tác giả ghi nhận, là thành phần ưu tú chính trị không bao giờ dùng từ này.

[16] William Julius Wilson & Robert Aponte. 1985. “Urban Poverty (Sự nghèo khổ ở thành thị)”, trg. 231-258 trong Annual Review of Sociology, tập 11.

[17] William Julius Wilson, More Than Just Race: Being Black and Poor in the Inner-city (Còn hơn là chủng tộc: người Da Đen ở trung tâm thành phố), New York, Norton, 2009.

[18] Những hành động xã hội và những tiến trình xã hội, trực tiếp hay gián tiếp, là những lực cấu trúc tác động, trg. 201.

[19] Trên những bình diện rất khác nhau, ta có thể ghi nhận cuốn sách của Jean-Claude Barbier, “La longue marche vers l’Europe sociale” (Con đường trường chinh để tiến tới một Châu Âu xã hội), Paris, PUF, “Le lien social”, 2008, và mới hơn là cuốn “Le déni des cultures” (Sự cự tuyệt các văn hóa), Paris, Seuil, 2010. La Vie des Idees sẽ sớm dành một mục quan trọng cho cuốn này. Để thế cho một sự phân tích sâu hơn, ta có thể đơn giản ghi nhận khoảng cách xuất hiện trong tư duy về văn hóa trong số đặc biệt của tạp chí Annals và trong cuốn Sự cự tuyệt văn hóa. Cho dù rằng, nó được định nghĩa như là sản phẩm của lịch sử của một nhóm trong cuốn sách cuối, Hugues Lagrange coi văn hóa như là một thực tại phong phú và thuần nhất hơn nhiều trong nhóm này so với các tác giả Mỹ trong sự đóng góp được nghiên cứu ở đây. Quan điểm của Hugues Lagrange mang tính văn hóa luận sâu hơn quan điểm của các tác giả trong tạp chí Annals mà trí tưởng tượng xã hội học bắt nguồn nhiều trong truyền thống tương tác và thực dụng hơn là trong nhân học. Tuy nhiên, nơi Hugues Lagrange, viễn tưởng theo thuyết văn hóa được cân bằng bởi một thuyết kiến tạo được khẳng định một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong những chương đầu của cuốn sách.

[20] Peter Wagner, “Liberté et discipline. Les deux crises de la modernité” (Tự do và kỷ luật. Hai cơn khủng hoảng của tính hiện đại) , Paris, Métaillié, 1996.

[21] Mặc dù có những sự khác biệt khổng lồ và dai dẳng về mức độ trong sư biểu hiện của sự rối loạn xã hội, xem cf. Wacquant, “Red Belt, Black Belt: Racial Division, Class Inequality, and the State in the French Urban Periphery and the American Ghetto (Vành đai Đỏ, Vành đai đen: Chia rẽ chủng tộc, Bất bình đẳng giai cấp, và Nhà nước trong Vùng Ngoại ô thành phố Pháp và các ghettos Mỹ) ”, tr. 234-274 trong Urban Poverty and the “Underclass”: A Reader (Sự nghèo khổ ở thành thị và Giai cấp thấp kém: tuyển tập). Chủ biên Enzo Mingione. Oxford and New York: Basil Blackwell, 1996. 1995. Tuy nhiên ở đây cũng vậy, cả sự giảm bớt của sự nghèo khổ ở các thành thị và của tình trạng tội phạm, sự phát triển của sự nghèo khổ ở các khu ngoại ô diễn ra ở Mỹ trong những năm 1990 và 2000, cũng như sự củng cố các ranh giới chủng tộc và sự kỳ thị ở các thành phố Âu Châu khiến cho ta nghĩ đến một sự xích lại gần nhau của các bối cảnh.

[22] Chiều kích này đã từng là đối tượng của một nghiên cứu so sánh của Sylvia Foll, “La mobilité des pauvres. Pratiques d’habitants et politiques publiques” (Sự di động của các người nghèo. Thực tiễn của người dân và chính sách công), Belin, “Mappemonde”, 2009. Cần phải thêm rằng sự tan vỡ về mặt không gian của bối cảnh sống của những người lao động có chuyên môn thấp nhất trong xã hội dựa trên dịch vụ được kèm theo với sự tan vỡ về mặt thời gian có nhiều hệ quả sâu sắc trên gia đình vì a/ những việc làm dịch vụ ở gần nơi cư trú và/hay nơi làm việc của những thành phần cao cấp và tiêu thụ và b/ giờ làm việc thường bị lệch so với giờ làm việc “bình thường”: của những thành phần này. Về những điểm sau cùng, xem nghiên cứu của Laurent Lesnard ở Pháp, Gia đình bị tan rã/La famille désarticulée. Paris, PUF, “Le Lien Social”, 2010.

[23] Elijah Anderson, Code of the Street. Decency, Violence and the Moral Life of the Inner-City (Luật đường phố, Sự Chỉnh tề, Bạo lực và đời sống ở các trung tâm thành phố), W.W Northon & Compagny, 1999.

[24] Olivier Schwartz, “La notion de “classes populaires (Khái niệm Giai cấp Bình dân)”, Habilitation à diriger des recherches en Sociologie, Đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines, 1997, trg. 77.

[25] Claude S. Fischer, Made in America. A Social History of American Culture and Character (Made in America. Lịch sử xã hội của Văn hóa và Bản sác Mỹ), University of Chicago Press, 2010, 528 tr.

[26] Nancy Fraser và Linda Gordon, “A Genealogy of Dependency. Tracing a Keyword of the US Welfare State (Phả hệ của sự lệ thuộc. Vạch ra chìa khóa của Nhà Nước Phúc Lợi Mỹ)”, Signs, vol. 19, n°2, 1994 (Winter), p. 309-336.

[27] Olivier Schwartz, “Vivons-nous encore dans une société de classes. Trois remarques sur la société française contemporaine (Chúng ta còn đang sống trong một xã hội giai cấp không? Ba nhận xét về xã hội Pháp hiện nay)”, La Vie des Idées, 22 septembre 2009.

[28] Nicolas Duvoux, L’autonomie des assistés. Sociologie des politiques d’insertion (Sự tự chủ của các người được cứu trợ. Xã hội học về các chính sách hòa nhập), Paris, PUF, “Le Lien social”, 2009.

Print Friendly and PDF