20.2.20

Virus Corona: Sợ hãi đại dịch, hay đại dịch sợ hãi?

VIRUS CORONA: SỢ HÃI ĐẠI DỊCH, HAY ĐẠI DỊCH SỢ HÃI?

31/01/2020
Arne Ruckert, Hélène Carabin, Ronald Labonte
Virus Corona bùng phát tại Trung Quốc đặt ra những câu hỏi quan trọng về việc chính phủ kiểm soát các mầm bệnh gần đây nhất như thế nào mà để chúng vượt qua rào cản chủng loài và lây nhiễm sang người.
Nhiều người ở nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc đã được chẩn đoán nhiễm virus Corona - với tên gọi 2019-nCoV. Người ta nghi ngờ nguồn phát tán virus là từ dơi.
Virus Corona có thể lây từ người sang người, làm dấy lên lo ngại về một trận đại dịch toàn cầu. Khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization - WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, virus Corona cũng thổi bùng lên một trận đại dịch của sự sợ hãi.
Tại một khu học chính ở Canada, phụ huynh làm đơn kiến nghị yêu cầu học sinh nào có người thân đã đi thăm Trung Quốc không được đến trường trong vòng 17 ngày. (Theo ước tính hiện tại thì thời gian ủ bệnh của virus Corona là từ hai ngày đến hai tuần.) Kiến nghị đó không được chấp thuận, và còn bị cảnh cáo rằng virus Corona không phải là người Trung Quốc (nó chỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc) và đơn kiến nghị mang màu sắc phân biệt đối xử.
Hình 1: Một người bộ hành ở Toronto đeo khẩu trang bảo vệ khi trường hợp nghi nhiễm đầu tiên ở Canada được chính thức xác nhận
Quyết định bất thường của chính quyền Trung Quốc cách ly hàng triệu người và ban bố lệnh cấm rời khỏi địa phương (sau đó một số nước khác cũng áp dụng biện pháp này) cũng khiến nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ngạc nhiên. Chưa thể kết luận liệu những hành động như vậy là những biện pháp ngăn dịch khôn ngoan hay là những phản ứng thái quá tốn kém vì chưa rõ mức độ lây nhiễm và gây chết người của virus Corona là như thế nào.
Virus Corona có thể đột biến hay trở thành một nguy cơ lớn ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình vốn thiếu khả năng theo dõi sức khỏe công cộng và kiểm soát sự lây nhiễm để khống chế các trận bùng phát. Tình trạng không rõ ràng này làm người ta sợ hãi và sự sợ hãi lại dễ dàng được hà hơi tiếp sức trên mạng xã hội, nơi mà tin giả và tin thật lẫn lộn và các thiên kiến rất dễ bị kích động.
Rủi ro đối với nền kinh tế
Tính xã hội học của các sự kiện diễn ra không hề thua kém tính sinh học, với các tác động về mặt chính trị lẫn kinh tế. Quyết định cách ly một phần của Trung Quốc rõ ràng đã tạo ra rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, rủi ro này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe nặng nề hơn so với tác động do chính virus Corona gây ra.
Dịch SARS và dịch Ebola đã khiến người ta lo ngại về khả năng của các chính quyền và sự dàn xếp quản trị toàn cầu của họ có thể ứng phó trước các trận đại dịch. Kể từ [hai trận dịch] đó tình hình đã thay đổi ở cấp độ toàn cầu (WHO đã thiết lập các quy định quốc tế mới về sức khỏe, hiện được viện dẫn khi virus Corona lan rộng) và ở Canada, Cơ Quan Sức Khỏe Công Cộng của Canada đã được hình thành từ năm 2004.
Phản ứng của quốc tế trước virus Corona cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể, các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhanh chóng cung cấp thông tin và báo cáo về những ca nhiễm. Nhưng vẫn tồn tại những thách thức về mặt quản trị công, song song đó là xu thế ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của giải pháp Sức Khỏe Muôn Loài (One Health) trước các trận bùng phát đại dịch.
Chiến lược Sức Khỏe Muôn Loài xem sức khỏe con người có liên hệ chặt chẽ với sức khỏe của muôn thú và môi trường sống của chúng. Trong thực tiễn, Sức Khỏe Muôn Loài thu hút sự tham gia của các chuyên gia về khoa học sức khỏe con người, thú vật và môi trường, cùng với các chuyên gia về khoa học xã hội và nhân văn, chung tay xây dựng một hạ tầng ứng phó [dịch bệnh] chú trọng hành động chia sẻ thông tin và phối hợp giữa nhiều thành phần.
Cải thiện quản trị công
Là các chuyên gia về sức khỏe công cộng, chúng tôi hiện đang hỗ trợ thiết lập một mạng lưới Sức Khỏe Muôn Loài xuyên ngành, với tên gọi Global 1HN, tập trung nâng cao chất lượng quản trị công đối với các bệnh truyền nhiễm và tình trạng kháng kháng sinh ở cấp độ địa phương, quốc gia, và toàn cầu.
Quản trị Sức Khỏe Muôn Loài hiệu quả căn cứ vào ba hành động có liên quan: cải thiện việc giám sát (phát hiện), ứng phó (phối hợp và hợp tác theo chiều ngang lẫn chiều dọc) và công bằng (tập trung vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất). Cả ba lĩnh vực đều cần được cải thiện.
Ngoại trừ việc giám sát dịch cúm, hiện có rất ít hệ thống theo dõi dịch bệnh đang tích hợp hiệu quả thông tin về các trường hợp nhiễm bệnh ở người và thú vật. Thực tế này khiến cho các hệ thống ít có khả năng phát hiện các bệnh mới truyền từ thú vật sang người - các bệnh truyền nhiễm lây tự nhiên giữa người và thú vật - và theo dõi sự tiến triển của chúng.
Các hệ thống giám sát tích hợp tốt hơn có thể giúp phát hiện sớm các mầm bệnh vượt qua được rào cản chủng loài. Ứng phó sớm có thể làm chậm tốc độ lây lan ban đầu của mầm bệnh và cung cấp thông tin cho công chúng để họ biết cách tự bảo vệ mình (và thú nuôi) tránh bị nhiễm bệnh. Cả nguy cơ đại dịch và sự sợ hãi đại dịch sẽ được giảm nhẹ.
Hình 2: Những nhà hoạt động vì quyền của thú vật ở Hàn Quốc biểu tình yêu cầu chính quyền Trung Quốc hạn chế dân Trung Quốc tiêu thụ thú hoang dã ở Seoul. Các biểu ngữ có nội dung ‘Nguyên nhân của virus Corona Vũ Hán, hãy ngưng ăn thú vật hoang dã.’
Nhìn chung, sự phối hợp theo chiều ngang và chiều dọc của chính quyền vẫn là vấn đề đối với các bệnh truyền từ thú vật sang người, và các bệnh truyền nhiễm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng hiếm khi được tham gia hoặc nếu có thì cũng không đầy đủ.
Trong trận dịch Ebola ở Tây Phi (2013-16), tình trạng thông tin kém hiệu quả giữa các cộng đồng làm cho người dân không tin vào các biện pháp can thiệp của các cơ quan chức năng. Sự thiếu hiểu biết về khác biệt văn hóa giữa các cộng đồng đã cản trở các nhân viên y tế phổ biến các biện pháp chôn cất an toàn. Nhân học, ngành học nghiên cứu tỉ mỉ các chuẩn mực văn hóa và tập quán, hiện được xem là có vai trò quan trọng trong việc chống dịch/đại dịch hiệu quả.
Các thách thức về mặt phối hợp cũng tồn tại ở cấp cao do thiếu các cơ chế về mặt thể chế. Vấn đề này bộc lộ rõ ràng trong cách Canada phản ứng trước dịch SARS năm 2002, khi đó việc phân mảng các nhiệm vụ chống dịch giữa các bộ ngành đã làm giảm tính hiệu quả của phản ứng chống dịch. Tình hình đã được cải thiện ở Canada kể từ dịch SARS.
Sức khỏe công cộng, sức khỏe thú vật, nông nghiệp
Cũng đã có nhiều tiến bộ trong việc tích hợp giám sát và quản trị công ở mức độ toàn cầu giữa ba cơ quan quốc tế phụ trách sức khỏe công cộng, sức khỏe thú vật và nông nghiệp.
Dù chưa có sự đồng thuận về làm thế nào để khống chế các trận bùng phát bệnh truyền từ thú vật sang người ở phương diện toàn cầu, nhưng vẫn còn nhiều không gian để cải thiện dựa trên các nguyên tắc Sức Khỏe Muôn Loài.
Hình 3: Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva sau khi tình trạng khẩn cấp toàn cầu về 2019-nCoV được công bố.
Cho đến bây giờ, không mấy ai quan tâm làm thế nào mà các trận dịch lại tấn công mạnh nhất vào các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Bất cứ chính sách ứng phó đại dịch nào cũng cần phải tăng cường sự công bằng về sức khỏe và kết hợp mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hệ thống các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững của Liên Hợp Quốc được quốc tế đồng thuận.
Việc này đòi hỏi phải hiểu biết các chỉ dấu mang tính chính trị xã hội và kinh tế báo trước nguy cơ dịch bệnh truyền từ thú vật sang người. Ví dụ, các công ty mỏ và khai thác gỗ của nước ngoài có can dự đến trận bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi do họ làm gia tăng sự tiếp xúc của con người với loài dơi ăn quả nhiễm bệnh và làm gia tăng xung đột dân sự trong khi làm giàu cho các công ty toàn cầu và các nhà đầu tư.
Việc tách biệt tác động của các yếu tố mang đậm tính lịch sử, chính trị và kinh tế lên bệnh truyền từ thú vật sang người cho thấy rõ tầm quan trọng của các khoa học xã hội đối với giải pháp Sức Khỏe Muôn Loài.
Tóm lại, bất cứ biện pháp ứng phó hiệu quả các trận bùng phát dịch như dịch 2019-nCoV cũng cần thực thi phương pháp Sức Khỏe Muôn Loài. Mạng lưới Global 1HN non trẻ đặt tại Canada của chúng tôi, bao gồm một lực lượng các chuyên gia có kiến thức chuyên môn xuyên ngành về Sức Khỏe Muôn Loài, đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hoạch định chính sách liên bang và các mạng lưới khác trên toàn cầu để tận dụng kinh nghiệm hiện tại và tạo ra kiến thức mới hỗ trợ việc ứng phó hiệu quả hơn nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.
Chúng ta chưa biết được mức độ lây lan cuối cùng và sự nguy hiểm của virus Corona, cũng như mức độ thành công của các sáng kiến như sáng kiến của chúng tôi. Nhưng mục tiêu là rất rõ ràng: chúng ta không phải lựa chọn giữa chiến thắng sự sợ hãi đại dịch, hoặc chiến thắng đại dịch sợ hãi. Cả hai đều có thể đạt được.
Về tác giả:
Arne Ruckert
Giáo sư bán thời gian tại L’Université d’Ottawa/University of Ottawa, nghiên cứu các nhân tố xã hội tác động đến sức khỏe
Hélène Carabin
Giám đốc nghiên cứu về Dịch Tễ Học và Sức Khỏe Muôn Loài (One Health) của Canada, Giáo sư tại Université de Montréal
Ronald Labonte
Giám đốc nghiên cứu ưu tú về Toàn Cầu Hóa và Công Bằng Sức Khỏe, Giáo sư tại L’Université d’Ottawa/University of Ottawa
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Coronavirus: Fear of a pandemic, or a pandemic of fear?”, The Conversation, 31/01/2020.
Print Friendly and PDF