12.2.20

Virus Corona: quy luật của tin đồn, từ sự phản bác đến nạn phân biệt chủng tộc


VIRUS CORONA: QUY LUẬT CỦA TIN ĐỒN, TỪ SỰ PHẢN BÁC ĐẾN NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC
Hành khách đeo khẩu trang để tự bảo vệ khỏi virus Corona khi có một chuyến bay từ châu Á đến Sân bay Quốc tế Los Angeles, ngày 29 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: USA Today)
Liệu virus Corona có là một “đại dịch sợ hãi” mới hay không? Để hiểu rõ những gì đang diễn ra, từ Vũ Hán đến Paris, cần phải xem xét một tác nhân trung tâm trong cuộc khủng hoảng y tế quốc tế này: tin đồn. Ở Trung Quốc, tin đồn có thể đóng vai trò là vec-tơ giận dữ chống lại việc ngăn chặn nguồn thông tin chính thức tại những thành phố bị cách ly. Ở nước ngoài và đặc biệt ở Pháp, tin đồn cũng nuôi dưỡng một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á đã tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày.
Một trong những điểm chung giữa dịch bệnh và tin đồn là cả hai đều mang mầm virus. Trước đây, chúng chủ yếu được lan truyền qua tiếp xúc với con người: dịch bệnh qua đường tiếp xúc vật lý, tin đồn được truyền miệng. Ngày nay, phương thức lan truyền dịch bệnh không thay đổi, nhưng tin đồn có thể lan đến đầu bên kia địa cầu chỉ bằng một cú nhấp chuột nhờ vào các mạng xã hội: sự nguy hiểm của tin đồn, vì thế, càng trở nên khó đánh giá hơn.
Tin tức trên thế giới bị chi phối bởi diễn biến và sự lan truyền của virus Corona Vũ Hán (2019-nCoV). Liệu chúng ta đã từng đặt câu hỏi này chưa: tại sao con virus này, mà theo các chuyên gia, chỉ nghiêm trọng hơn một chút so với bệnh cúm theo mùa, lại khiến chúng ta lo lắng đến như vậy, thậm chí còn làm cho một số người hoảng loạn? Liệu đây có phải, một lần nữa, là một đại dịch sợ hãi hay không? Hay sự sợ hãi ngày càng tăng này, được biện minh bằng diễn biến của dịch bệnh bắt đầu từ Vũ Hán, tâm chấn của virus Corona, do một chế độ chính trị, phi dân chủ, nuôi dưỡng làm đậm nét hơn những thành tố gây lo lắng?
Dịch bệnh và tin đồn thường đi đôi với nhau, và sự mập mờ luôn đóng vai trò chi phối trong cả hai trường hợp. Trước khi các cơ quan y tế xác nhận một dịch bệnh, đôi khi phải chờ đợi rất lâu, thì tin đồn, giống như một tạp âm, là dấu mốc duy nhất để nắm bắt một cách không do dự. Trong ngôn ngữ hiện nay của Trung Quốc, tin đồn – 谣言 (yaoyan)có nghĩa là một thông tin sai lệch được truyền đi với mục đích gây rối trật tự đã được thiết lập. Do đó, chính quyền Bắc Kinh đã cảnh báo người dân Trung Quốc chống lại tất cả mọi thông tin không được các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc xác nhận, hoặc không được chính quyền địa phương hoặc trung ương phổ biến. Khẩu hiệu “Đừng tin vào tin đồn, cũng đừng truyền bá nó(不信谣,不传谣 – buxinyao, buchuanyao) đã ăn sâu trong tâm trí của người dân.
Thật vậy, ở một đất nước mà sữa dành cho trẻ em bị pha trộn, thực phẩm hàng ngày được chế biến từ sản phẩm độc hại và vắc-xin giả, khi nguồn vốn niềm tin xã hội sụp đổ, thì điều duy nhất mà người dân có thể tin được, với một sức thuyết phục không thể lay chuyển, đó chính là nguồn thông tin chính thức, nơi mà mọi điều mà tờ Nhân dân Nhật báo và đài truyền hình CCTV nói đều là sự thật.
TIN ĐỒN, HÀNH VI TRANH LUẬN
Ngày nay, nếu người ta có thể dễ dàng thay từ “tin đồnbằng “tin giả”, mặc cho có những sắc thái về khoa học luận, thì từ “tin đồnvà cách sử dụng nó, ngược lại, rất khó được xác định trong xã hội học. Ở Trung Quốc, rất khá dễ để nhận thấy rằng một thông tin, trong sự lẫn lộn lớn nhất, có thể là một tin đồn hoặc một tin giả, tạo ra một sự bóp méo và biến thành một thông tin có tính đầu độc. Từ thực tế đó, chính quyền Trung Quốc quyết định rằng người đưa tin đồn cũng như người truyền bá tin đồn đều có nguy cơ bị trừng phạt trước pháp luật. Một ví dụ rất gần đây minh họa khá rõ việc áp dụng chính sách kiểm soát này.
Hãy quay trở lại trình tự thời gian của dịch virus Corona này:
• Ngày 8 tháng 12 năm 2019, trường hợp đầu tiên được xác nhận là viêm phổi cấp tính do bị nhiễm một virus lạ ở Vũ Hán.
• Ngày 22 tháng 12, thành phố tổ chức một lễ hội lớn của quần chúng ở trung tâm thành phố với sự tham gia của hơn hai mươi ngàn người.
• Ngày 31 tháng 12, lần đầu tiên các cơ quan y tế ở thủ phủ Hồ Bắc xác nhận có 27 trường hợp nhiễm bệnh được cho là đã từng có tiếp xúc trực tiếp với ngôi chợ hải sản Huanan, trong đó có 7 trường hợp nghiêm trọng. Theo các phân tích sinh học, đó là một bệnh viêm phổi do virus.
• Ngày 1 tháng 1 năm 2020, ngôi chợ bị đóng cửa theo lệnh của thành phố.
• Cùng ngày, trên nền tảng tiểu blog Weibo, tài khoản chính thức của cảnh sát Vũ Hán loan tin việc bắt giữ 8 người bị nghi truyền bá thông tin sai lệch. Những người này, mà ngày nay chúng ta đã biết danh tính, đã trao đổi nhiều lời bình trong nhiều nhóm thảo luận khác nhau dành cho các nhà nghiên cứu và các bác sĩ: “Bệnh viện X đã cho nhập viện một gia đình gồm 3 người có cùng những triệu chứng giống như các triệu chứng bệnh SARS7 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm virus tương tự như virus SARS năm 2003 tại Bệnh viện YCó khả năng xảy ra một dịch bệnh SARS khác.
Tất cả 8 người này đều là bác sĩ. Một số người làm việc tại khoa bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện Vũ Hán. Những thông điệp cảnh báo đó có thể được diễn giải như là một phân tích đầu tiên về loại virus mới này, mà vào thời điểm đó, không ai dám tưởng tượng ra một sự lây nhiễm lớn như vậy: đã có ít nhất 37.198 người bị nhiễm và 811 người chết chỉ riêng ở Trung Quốc vào ngày 8 tháng 2 – so với 349 người chết và 5.900 trường hợp nhiễm virus SARS trong cả nước vào năm 2002-2003.
Thế nhưng, cảnh sát Vũ Hán đã cáo buộc 8 bác sĩ này và “những thông tin vu khống của họ được lan truyền trên các mạng có thể tạo ra một môi trường không lành mạnh. Sau một cuộc điều tra, 8 người này, được cho là vi phạm pháp luật, đã được triệu tập và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Một biện pháp được loan báo trên toàn đất nước Trung Quốc vào tối ngày 1 tháng 1 trong bản tin truyền hình của đài CCTV13. Một tháng sau, ngày 28 tháng 1, cũng đơn vị cảnh sát Vũ Hán đó đã công bố một văn bản khác trên tài khoản của cảnh sát, xác định 8 người này đã được thả vì sai phạm nhẹ của họ. Không có lời xin lỗi chính thức.
Cùng ngày, tòa cấp cao của Tòa án Nhân dân đã công bố một bài viết giáo dục và giải thích trên các mạng xã hội. Văn bản kết thúc như sau: “Trên thực tế, dịch bệnh này không hoàn toàn giống với dịch bệnh SARS, nhưng chúng tương tự nhau, do đó, chúng ta có thể kết luận rằng nội dung thảo luận của họ [của 8 người bị triệu tập này – BBT] không phải là không có cơ sở. Nếu chúng ta coi trọng những gì họ nói từ đầu, và nếu chúng ta biết tiến hành những biện pháp phòng ngừa tương tự như các biện pháp phòng ngừa SARS –tự bảo vệ bản thân, khử trùng tất cả mọi nơi và tránh xa các chợ bị nhiễm virus –, thì ngày hôm nay đó đã là một cơ may cho tất cả chúng ta trong cuộc chiến kiên trì chống lại dịch bệnh này. Thật vậy, khi mà thông tin dựa trên một cơ sở nào đó, khi mà ý định chủ quan của việc truyền bá thông tin không phải là để gây hại, và khi mà, về mặt khách quan, thông tin đó không gây ra bất cứ thiệt hại nghiêm trọng nào vào thời điểm đó, thì chúng ta nên có một thái độ dung thứ hơn đối với loại thông tin được cho là dối trá này.
Đây là một cách giải quyết khá ngoại giao để xử lí sự yếu kém trong công tác quản lý tin đồn này. Khi minh oan cho 8 bác sĩ bị cáo buộc sai này, tòa án cũng đưa ra một bài học về khả năng phân tích và phân cấp những thông tin chưa được xác minh trong những thời điểm khó khăn. Từ đó, kết cục vui vẻ của những “kẻ gây rối” nói trên đã được chuyển tiếp rộng rãi trên các mạng xã hội. Họ trở thành người hùng, có thể gọi là người cảnh báo, trong một thế giới mà tất cả các thông tin đều bị kiểm soát và khoá chặt. Hành động “anh hùng” của họ, theo sự cảm phục của nhiều người sử dụng Internet, đặc biệt làm xúc động người dân của Vũ Hán đang chịu tang tóc kể từ ngày 11 tháng 1, ngày thông báo ca chết đầu tiên [do virus Corona], và tình trạng cách ly kể từ ngày 23 tháng 1.
Vẫn còn quá sớm để có một cái nhìn có độ lùi và tinh tế về công tác quản lý dịch bệnh của địa phương và của quốc gia. Nhưng chúng ta có thể đọc những lời bình và tranh luận trên các mạng xã hội. Liệu cảnh sát có quá sốt sắng hay không? Hay họ chỉ làm theo chỉ thị để duy trì trật tự và sự ổn định? Các cuộc thảo luận trong một vòng tròn hạn chế trên các mạng xã hội có thể lan truyền và trở nên độc hại như virus. Cho nên tin đồn chỉ là một quá trình truyền bá thông tin, mà theo định nghĩa, có chứa một lượng thông tin không chắc chắn nào đó. Để một thông tin biến thành tin đồn, cần có sự tham gia của tập thể để giải thích một sự kiện bất ngờ và kịch tính, hoặc một sự kiện xảy ra trong một bối cảnh xung đột và lộn xộn. Tại thành phố Vũ Hán, việc các cuộc thảo luận riêng tư giữa các chuyên gia chuyển thành tin đồn là một hành động tập thể biểu lộ sự khước từ trước thái độ giữ im lặng của chính quyền và sự giận dữ trước hành động không can thiệp của chính quyền.
Li Wenliang (1986-2020)
Luồng hình ảnh từ các máy điện thoại di động cá nhân và từ các phóng sự chuyên nghiệp đang tràn ngập các mạng xã hội. Liệu có cần phát minh ra những từ nào khác để mô tả tình hình thực tế trong các bệnh viện ở Vũ Hán hay không? Theo một nguồn tin không chính thức, đã có hơn 30 bác sĩ và y tá bị nhiễm virus, trong đó có Li Wenliang (李文亮, Lý Văn Lượng), một trong 8 bác sĩ bị bắt giữ. Chúng ta biết được tin này từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc trước khi có xác nhận của tổ chức WHO, về cái chết của bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này, người đã qua đời vào lúc 2h58 sáng ngày 7 tháng 2.
DỊCH BỆNH ĐẨY LÙI NHỮNG GIỚI HẠN CỦA NẠN KỲ THỊ
Sự thiếu vắng sự thật tạo điều kiện tốt cho sự ra đời của tin đồn. Sự lan truyền tin đồn càng thuận buồm xuôi gió trong một bầu không khí bất định và hiểm nghèo. Sự ngờ vực, sợ hãi và thù hận từ đó biến thành những hành động cụ thể.
Tổ chức WHO đã đợi đến ngày 30 tháng 1 để thừa nhận tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế của dịch virus Corona. Nhưng rất lâu trước quyết định được người Trung Quốc chờ đợi đó, một quyết định khác, quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán từ ngày 23 tháng 1, đã làm dấy lên một sự ngờ vực đối với người dân hoặc những người xuất thân từ thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Người ta thậm chí còn nói đến hiện tượng ác quỷ hóa, một từ được sử dụng một cách rõ rệt trên các mạng xã hội. Người ta dễ tìm thấy những bức ảnh được người dân ở các thành phố hoặc làng mạc lân cận chụp được, cho thấy việc dựng lên những chướng ngại vật bằng đá hoặc thân cây lớn trên các tuyến đường chính, như thể việc gián đoạn giao thông có thể ngăn được sự lây nhiễm của virus. Hơn nữa, đã có nhiều bằng chứng cho thấy một sự ngờ vực ngày càng tăng ở các thành phố lớn khác ở Trung Quốc. Ví dụ ở Bắc Kinh, nơi mà một khách sạn đã từ chối tiếp đón một khách hàng có chứng minh nhân dân cho biết nguyên quán Hồ Bắc của mình. Cần lưu ý rằng người dùng internet Trung Quốc đang phẫn nộ trước những hành động phi lý này ở nước họ, và hơn thế nữa tình hình tương tự đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Hai tuần qua, người ta bắt đầu không chào đón khách du lịch Trung Quốc. Kể từ khi các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc bị đình chỉ, các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đã có thể đo lường được tác động. “Không chào đón khách du lịch Trung Quốc, người ta có thể đọc được câu đó dán ở cửa của nhiều nhà hàng ở Nhật Bản và ở nhiều nước châu Á khác: thông điệp cho thấy khá rõ sự sợ hãi đã thắng trong trận chiến.
Ở Pháp, cũng không thiếu những hành vi phân biệt đối xử. Điều đó được thể hiện từ một cử chỉ đơn giản là nhích khỏi chỗ ngồi trên tàu điện ngầm khi một người đẹp châu Á ngồi kế mình bắt đầu ho, cho đến việc thốt ra một câu nói làm tổn thương người khác một cách rõ ràng, hoặc bằng một hành động được tính toán kỹ: hành động dừng bước không vào một nhà hàng châu Á. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức ý định đằng sau các hành vi đó, cho dù việc này là khó khăn, để không lẫn lộn giữa cảm giác bị phân biệt đối xử và hành vi phân biệt chủng tộc cụ thể.
Trên tinh thần đó, các cộng đồng châu Á ở Pháp đã tố cáo một sự ngờ vực ngày càng tăng, trong thời gian gần đây, vì lý do dịch bệnh. Những nhân chứng đã nói gì trên báo chí và trên các mạng xã hội? Rằng có một số hành động không phù hợp và thô lỗ tất nhiên là phản xạ do nỗi sợ bị nhiễm virus gây ra. Nhưng người đối diện cũng có thể cảm thấy bị tổn thương, vì bị đánh giá qua vẻ bên ngoài của mình: một khuôn mặt châu Á tượng trưng cho một người mang mầm virus tiềm tàng. Phản xạ ngờ vực phổ biến tương tự như khi nhìn thấy một người đàn ông có râu quai nón trên đường sau một cuộc ám sát: anh ta có thể là một kẻ khủng bố…
Một ví dụ khác, một cô gái trẻ gốc Hoa phàn nàn trên WeChat: “Tôi muốn đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, nhưng tôi sợ những ánh mắt lo ngại của người khác. Khi đó cô đứng trước thế lưỡng nan là lựa chọn giữa việc tự bảo vệ bản thân và ánh mắt của người khác, cuối cùng cô chịu thua trước sự phán xét của người khác, và chịu thiệt về tình trạng sức khỏe của bản thân và của người khác. Nạn kỳ thị bao quanh đã đạt đến đỉnh điểm của nó.
Tin đồn làm cho chúng ta không còn duy lý, đến mức có những hành vi hèn mạt. Một người mẹ kể chuyện về con gái mình: trên xe buýt đi đến trường đại học, cô gái gốc Hoa, học năm thứ hai đại học, ngồi đối diện với một người đàn ông lớn tuổi. Bất ngờ, người đàn ông đó nói với cô gái: “Hãy tránh xa ra với con virus Corona Trung Quốc của cô đi. Thay vì trả lời, cô gái thở vào mặt ông ta, rồi nói: “Có tốt không? Dành cho ông đó.” Người đàn ông lớn tuổi quyết định tránh xa cô gái và xuống xe buýt.
Một người mẹ kể chuyện về cô con gái của mình trên xe buýt ở Paris. Là nạn nhân của một lời nói phân biệt chủng tộc gắn với virus Corona từ một hành khách, cô gái đã thở vào mặt của người đó và nói: “Có tốt không? Dành cho ông đó.” Người hành khách đó đã xuống xe buýt ở điểm dừng tiếp theo. (Ảnh chụp màn hình trên WeChat)
Các dân tộc thiểu số thường là mục tiêu của nạn phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc. Trong một vài năm qua, những người xuất thân từ châu Á sống ở Pháp đã tố cáo một sự phân biệt chủng tộc tiềm ẩn hàng ngày. Một số người đã xem thường điều đó. Trải nghiệm gần đây của những người nhập cư Pháp chỉ cho thấy rõ nạn phân biệt chủng tộc đã tìm thấy một lối thoát ở đó, và cuộc khủng hoảng y tế là một sự biện minh cho tệ nạn này.
Sợ hãi là một cái cớ tự nhiên để duy trì một khoảng cách lớn giữa nguồn gốc của nguy cơ và bản thân mỗi người. Tất cả các biện pháp phòng ngừa bất thường đều có thể làm tăng sự lo lắng tiềm ẩn và thậm chí còn làm cho sự lo lắng đó lộ ra mặt. Nếu vũ khí tốt nhất là phòng ngừa và bảo vệ chống lại dịch bệnh, thì thông tin và minh bạch là những điều kiện sống còn, khi thảm kịch tấn công toàn bộ người dân. Các mạng xã hội Trung Quốc đang bắt đầu lật đổ các phương tiện truyền thông chính thống, đến mức khi chính quyền chậm đưa ra thông tin, thì tin đồn đã chiếm ưu thế và tạo ra một cuộc phản bác sôi sục.
Tamara Lui
Tamara Lui, với sự trợ giúp của Patrick Cozette
Giới thiệu tác giả
Là người xuất thân từ Hồng Kông, cựu nhà báo của hai hãng truyền thông lớn của Hồng Kông, Tamara đã chuyển sang làm phim tài liệu. Chuyên nghiên cứu về vấn đề nhập cư của người Trung Quốc ở Pháp, cô đang tiến hành nghiên cứu các dự án về kinh tế xã hội và liên đới.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF