3.2.20

Coronavirus nguy hiểm hơn SARS đối với TQ và thế giới + Coronavirus ở Trung Quốc: Chuỗi sai sót trong công tác quản lý cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán

KINH TẾ: CORONAVIRUS NGUY HIỂM HƠN SARS ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI
Nhà máy sản xuất khẩu trang ở Handan, miền bắc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, ngày 22 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: Lowy Institute)
Dịch coronavirus nghiêm trọng hơn dịch SARS vào năm 2003. Nếu còn quá sớm để đánh giá hậu quả của coronavirus lên nền kinh tế Trung Quốc, chúng ta sẽ ít gặp rủi ro hơn khi dự đoán tác động của nó lên nền kinh tế thế giới sẽ cao hơn rất nhiều so với dịch SARS.
NÓI LẠI VỀ DỊCH SARS
SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện vào tháng 11 năm 2002 tại tỉnh Quảng Đông, nơi mà lần đầu tiên, virus đã vượt qua rào cản giữa động vật và con người. Chính quyền tỉnh đã đợi đến tháng 2 năm 2003 để đưa ra một thông báo chính thức. Ở cấp độ quốc gia, cảnh báo chỉ được đưa ra vào tháng 4. Trong thời gian đó, đã có hàng tỷ tin nhắn SMS đề cập đến virus SARS được trao đổi với nhau. Lúc bấy giờ, phóng viên John Pomfret của tờ Washington Post đã tường thuật rằng, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 2, thông điệp “Có một bệnh cúm nguy hại ở Gu Shandong” đã được gửi đi 126 triệu lần tới Quảng Châu. Dịch SARS xuất hiện ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 và số trường hợp lây nhiễm đã tăng từ 339 vào tháng 4 lên 1.000 một tuần sau đó. Vào cuối tháng, đã có hơn một triệu cư dân (10% dân số) đến ga xe lửa ở phía Tây và rời khỏi thủ đô.
Khi cảnh báo được xác nhận ở cấp độ quốc tế, virus SARS đã được trình bày như là một siêu virus tương đương với đại dịch đã giết chết một nửa dân số châu Âu vào cuối thế kỷ 14. Những dự báo này đã không thành sự thật. Dịch bệnh diễn ra trong ba đợt: từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 6 năm 2003, tiếp theo đó là hai cơn dư chấn nhỏ từ tháng 12 năm 2003 đến tháng 1 năm 2004 và từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2004; sau đó virus đã biến mất. Con số tổng kết cuối cùng là 778 người chết và 8.000 trường hợp lây nhiễm trên toàn thế giới. Những ước tính ban đầu về hậu quả kinh tế là đáng báo động, và những phân tích được thực hiện sau đó chỉ cho thấy SARS có khả năng gây ra những tổn thất đáng kể (giảm 3 điểm tăng trưởng) trong quý hai năm 2003 khi dịch bệnh đang ở đỉnh điểm. Trong năm, chi phí [phòng chống SARS] sẽ chiếm 2% GDP. SARS đã khiến nền kinh tế tạm dừng tăng trưởng, sau đó hồi phục và tăng trưởng trở lại với mức cao hơn 10% cho đến năm 2008.
TÁC ĐỘNG CỦA CORONAVIRUS LÊN KINH TẾ TRUNG QUỐC
Dịch coronavirus, ngay từ bây giờ, đã cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn dịch SARS vì tốc độ lây nhiễm của nó nhanh hơn. Trung Quốc, với hàng ngàn km tàu điện cao tốc TGV, được kết nối nhiều hơn so với năm 2003, và cùng với các ngày nghỉ lễ, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả các tỉnh. Những biện pháp được thực hiện là chưa từng có trên thế giới với việc phong tỏa gần 60 triệu cư dân. Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc rất khác với dịch SARS: Trung Quốc giờ đang giàu hơn rất nhiều, nhưng mức độ tăng trưởng của Trung Quốc, do không còn những động cơ giống nhau, không còn mạnh bằng. Trung Quốc đang đối mặt với những cơn gió ngược: kìm hãm tín dụng để kiềm chế tình trạng nợ vốn đã tăng mạnh kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Nằm ở tâm điểm của đại dịch, Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hà Bắc (chiếm 4% GDP của Trung Quốc). “Detroit của Trung Quốc” chào đón những tập đoàn lớn như Renault, PSA, Nissan, Smart và Valéo. Ngành sản xuất ô tô của Vũ Hán bằng với ngành sản xuất ô tô của nước Pháp với 1,4 triệu chiếc. Trong ngắn hạn, tác động của cuộc khủng hoảng sẽ bị hạn chế, do doanh số bán ô tô đã giảm trong vài tháng qua. Mặt khác, việc đóng cửa các nhà thầu phụ tác động tiêu cực đến công việc tổ chức ngành nghề trong nước và hơn thế nữa.
Hai lĩnh vực khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp quyết liệt của chính phủ là ngành vận tải (4% GDP) và thương mại bán lẻ (7%). Nếu không có giải pháp thay thế nào cho việc di chuyển của con người, thì thương mại điện tử là một giải pháp thay thế cho việc lui tới mua sắm ở các cửa hàng hoặc các trung tâm thương mại. Doanh số bán hàng của thương mại điện tử chiếm 36% các giao dịch bán lẻ, một tỷ lệ rất cao ở nhiều nước, trong đó có Pháp, với một tỷ lệ còn giới hạn ở mức 9%. Tuy nhiên, các sản phẩm mua trên mạng chưa được các máy bay không người lái giao hàng, công việc phân phối hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa đi lại [vì đại dịch]. Dù sao, việc sử dụng thương mại trực tuyến sẽ làm giảm tác động của đại dịch lên doanh số bán hàng.
Từ năm 2003 đến 2020, sự gia tăng mức tiêu dùng của các hộ gia đình là rất ngoạn mục. Tuy nhiên, mặc cho mục tiêu tái cân bằng mà Nhà nước đã theo đuổi trong mười lăm năm qua, tỷ lệ tiêu dùng trong GDP không những đã không tăng mà còn giảm từ 42 xuống 39% vào năm 2018. Ngược lại, mức đóng góp của tỷ lệ tiêu dùng vào sự tăng trưởng kinh tế đã tăng lên. Năm 2003, hai năm sau khi gia nhập WTO, ngành xuất khẩu đã bùng phát và cùng với hoạt động đầu tư, đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, được đo bằng hai con số. Trường hợp đó không còn nữa. Kể từ năm 2017, phanh tín dụng, cộng với cuộc chiến [thương mại] Trung-Mỹ, đã làm hạ mức tăng trưởng kinh tế xuống còn 6% trong quý 3 năm 2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua.
Từ nay, mức tăng trưởng kinh tế không còn dựa vào xuất khẩu, dựa ít hơn vào đầu tư và nhiều hơn vào tiêu dùng. Trong điều kiện đó, trong trường hợp coronavirus có tác động tương tự như dịch SARS, thì hậu quả của coronavirus lên mức tăng trưởng kinh tế có thể có tác động mạnh hơn gấp đôi: những ước tính ban đầu là kéo tỷ lệ tăng trưởng GDP xuống 2% trong quý đầu năm 2020. Một năm đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch mười năm, dự kiến làm tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người. Chính phủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đưa ra một gói kích thích để đạt được mục tiêu nói trên.
Nếu cuộc khủng hoảng y tế hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn so với dịch SARS, thì nó có nguy cơ điều chỉnh hành vi của các hộ gia đình, khiến họ tăng tiền tiết kiệm để phòng ngừa và đảm bảo tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn. Nếu điều đó xảy ra, thì sự thay đổi đó sẽ làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
TÁC ĐỘNG LÊN NAM Á VÀ XA hơn NỮA
Vào thời điểm xảy ra dịch SARS, GDP Trung Quốc đứng hàng thứ sáu trên thế giới sau GDP của Pháp. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 5% tổng kim ngạch của thế giới. Ngày nay, GDP của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai. Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu và là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới: Trung Quốc thu hút một phần tư kim ngạch xuất khẩu của hành tinh. Trung Quốc ngày càng có trọng lượng và tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua các hoạt động trao đổi dịch vụ và hàng hóa.
Ngành du lịch là chuỗi truyền bệnh đầu tiên ra bên ngoài. Năm 2003, đã có 20 triệu người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài. Năm 2019, có 150 triệu. Thái Lan là điểm đến được ưa thích và chính ở đó đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm coronavirus đầu tiên ở bên ngoài Trung Quốc vào ngày 13 tháng 1 – kể từ đó quốc gia này đã cho biết có 13 trường hợp lây nhiễm khác. Quá trình truyền bệnh diễn ra ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Châu Âu và đến tận Bờ Biển Ngà.
Chính thông qua ngành du lịch mà lan rộng ra những hậu quả kinh tế đầu tiên của cuộc khủng hoảng Trung Quốc. Năm 2019, đã có mười một triệu khách du lịch – một phần năm lượng người nhập cảnh – đã đến vương quốc Thái Lan. Tại Việt Nam, có 6 triệu khách du lịch Trung Quốc trong số 18 triệu khách du lịch. Tại Nhật Bản, nơi tổ chức Thế vận hội Olympic vào cuối tháng 7-đầu tháng 8, có 30% khách du lịch nước ngoài là người Trung Quốc trong số 7,4 triệu người. Tại Bắc Kinh, chính phủ đã cấm các tour du lịch theo nhóm khởi hành, và quyết định này là một đòn giáng mạnh vào Thái Lan, nơi ngành du lịch nuôi sống 6 triệu người. Lượng khách du lịch Trung Quốc giảm tác động đến ngành du lịch ở Pháp và doanh số bán các mặt hàng xa xỉ.
Các kỳ nghỉ Tết nguyên đán của Trung Quốc đã được kéo dài: đời sống ở Trung Quốc sẽ chậm lại cho đến ngày 10 tháng 2. Một tình huống tác động đến ngành công nghiệp thế giới: theo Bloomberg, Vũ Hán đứng hàng thứ 13 trong số những thành phố của Trung Quốc được phân loại theo vai trò của họ trong các chuỗi sản xuất toàn cầu. Trung Quốc là một mắc xích then chốt trong ngành công nghiệp điện tử, đồng thời với ngành dược với 80% các hoạt chất được “sản xuất tại Trung Quốc”. Tình trạng trầm trọng thêm [của dịch coronavirus] không chỉ tác động đến ngành công nghiệp thế giới, ngành sản xuất ô tô hoặc điện tử, mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu vốn đã tăng trưởng chậm lại trong vài tháng qua.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên của Asia Centre [Trung tâm châu Á] và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

* * *

CORONAVIRUS Ở TRUNG QUỐC: CHUỖI SAI SÓT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở VŨ HÁN
Các nhân viên y tế tập trung ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây ở miền trung Trung Quốc, trước khi khởi hành đến Vũ Hán vào ngày 26 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: Courrier international)
Với 9.818 người bị lây nhiễm virus vào ngày 31 tháng 1, coronavirus đã vượt quá số lượng người chính thức mắc bệnh SARS [Severe acute respiratory syndrome, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng] trên thế giới vào năm 2003. Coronavirus đang gieo rắc ngày càng nhiều sự hoảng sợ không chỉ ở lục địa Trung Quốc, mà còn ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Con virus mới, chưa từng được biết cho đến nay, xuất hiện vào đầu tháng 12 vừa qua ở Vũ Hán, ở “chợ hải sản truyền thống” Huanan. Nhưng cũng có khả năng rất cao là virus xuất phát từ một nơi khác và chỉ xuất hiện sau đó ở chợ Vũ Hán. Các trường hợp lây nhiễm có thể đã không được ghi nhận trong các báo cáo về bệnh truyền nhiễm vào tháng 11 năm ngoái. Theo tài liệu này, có 7% (177) trong số 2.531 trường hợp tử vong liên quan đến loại bệnh truyền nhiễm này có liên quan đến các trường hợp nhiễm virus loại C, trong đó có bệnh cúm. Phân tích công tác quản lý cuộc khủng hoảng y tế này của Bắc Kinh như thế nào đây? Đối với một số người, công tác quản lý này tốt hơn thời quản lý dịch SARS. Tuy nhiên, trên nhiều mặt, nhận định trên còn lâu mới hoàn toàn thỏa đáng: đã liên tục diễn ra nhiều bước đi sai lầm, khiến cho việc dự đoán và phân tích trở nên rất khó khăn.
LỊCH SỬ DỊCH BỆNH
Ban đầu, diễn ngôn chính thức muốn Vũ Hán là thành phố ngoài tâm dịch lây nhiễm. Phải mất khoảng hai tuần trước khi trường hợp lây nhiễm virus đầu tiên được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thế nên, chính quyền các địa phương bắt đầu thực thi những biện pháp phòng chống virus ở thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc – tạm thời đóng cửa các chợ truyền thống, cách ly các trường hợp bị phát hiện lây nhiễm virus – song không đi xa hơn nữa. Vào đầu tháng 1, đã có nhiều biện pháp kiểm soát hơn được triển khai trên các chuyến bay khởi hành từ Vũ Hán bằng máy quét thân nhiệt. Các báo cáo phân tích đã được công khai vào khoảng ngày 11 tháng 1 – ngày của trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến virus. Lúc bấy giờ, chính quyền mới nói về khoảng 41 trường hợp được xác nhận bị mắc một bệnh rất khó chẩn đoán khi nhìn bằng mắt thường, chia sẻ những triệu chứng tương tự với bệnh cúm, nhưng cũng tương tự với nhiều loại bệnh viêm phổi khác. Ca tử vong thứ hai (vẫn từ nguồn chính thức) được công bố vào ngày 17 tháng 1: đó là một người đàn ông trên 60 tuổi (giống như trong trường hợp đầu tiên). Chính quyền nói có khoảng năm mươi trường hợp lây nhiễm virus, một con số có vẻ thấp, một cách bất thường, so với hoàn cảnh và mật độ dân số. Một lần nữa, vẫn khó xác định được virus[1].
Các trường hợp lây nhiễm virus đầu tiên ở nước ngoài xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, trong khi Vũ Hán vẫn chưa bị “cấm cửa”. Vào ngày 20 tháng 1, đã có hơn 200 trường hợp lây nhiễm virus được xác định: nhà nước Trung Quốc có vẻ như muốn chứng minh khả năng minh bạch của mình. Ba ngày sau, người dân địa phương đã được thông báo trước rằng thành phố sẽ bị đóng cửa. Lúc bấy giờ có hơn 5 triệu người dân đang rời khỏi Vũ Hán* trong khi tổng số trường hợp lây nhiễm virus được ước tính vào khoảng 800 trường hợp. Các thành phố khác trong khu vực ít nhiều bị bỏ mặc, trước khi có một số thành phố như Erzhou và Hoàng Cương lần lượt bị đóng cửa. Chính phủ trung ương gửi tiền cứu trợ khẩn cấp đến tỉnh để kìm hãm ỗ lây nhiễm virus và tiến hành xây dựng một bệnh viện mới để có thể tiếp nhận những bệnh nhân mới.
Vào ngày 25 tháng 1, số trường hợp lây nhiễm virus đã tăng từ 830 lên hơn 1.297 tại Trung Quốc (1.320 trên thế giới). Lúc này, số trường hợp tử vong tăng lên 41 người. Ngày càng có nhiều biện pháp hạn chế đối với cư dân Hồ Bắc từ phía Hoa Kỳ, Hồng Kông hoặc Đài Loan. Tổ chức WHO tăng mức độ rủi ro từ “vừa phải” lên “cao”. Lúc bấy giờ, Tập Cận Bình quyết định cử một đội quân y gồm 450 y tá và bác sĩ đến khu vực Vũ Hán để hỗ trợ các nỗ lực điều trị dịch bệnh. Cần nhớ rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt kể từ khi có can thiệp của họ trong cuộc khủng hoảng virus SARS vào năm 2003.
Đã có những trường hợp lây nhiễm virus mới xuất hiện ở Sri Lanka, Singapore hoặc Malaysia. Ở lục địa Trung Quốc, số trường hợp lây nhiễm virus đã lên đến 2.744 trong khi số người chết đã lên tới 80. Vẫn còn nhiều ngàn bệnh nhân đang được theo dõi về mặt y tế. Tuy nhiên, trong số 2.744 trường hợp, hơn một nửa trong số đó là ở Hồ Bắc, 461 trường hợp phải nhập viện và 80 người chết vì coronavirus – tức tỷ lệ tử vong ở đây cao hơn 15% một chút. Công tác phân tích đã tăng lên 4.515 trường hợp cho 107 người chết ở Trung Quốc kể từ ngày 28 tháng 1, và các hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã bị đình chỉ. Đã có nhiều nước tiếp tục hồi hương công dân của mình khỏi Vũ Hán, như Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản[2]. Các hãng hàng không gần như trên khắp thế giới đang hủy nhiều chuyến bay đến Trung Quốc. Điều này dẫn chúng ta đến ngày 29 tháng 1. Vào cuối buổi sáng [hôm đó], Bắc Kinh xác nhận đã có hơn 5.974 trường hợp lây nhiễm virus và 132 người chết, chưa kể những trường hợp mới được phát hiện ở nước ngoài. Tuy các số liệu vẫn bị đánh giá là thấp, vẫn có gần 10.000 người đang được theo dõi, 1.239 người đang trong tình trạng nguy kịch – lúc bấy giờ, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống khoảng 10% đối với các trường hợp nhập viện – và hơn một trăm bệnh nhân đã hồi phục. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng khẳng định tiếp tục theo dõi khoảng 60.000 người khác từng có tiếp xúc với một người bị lây nhiễm virus. Đã có những nước khác công bố về sự xuất hiện của các trường hợp lây nhiễm coronavirus, như Pakistan, mà còn có tỉnh Tây Tạng, cho đến lúc đó vẫn chưa có trường hợp nào bị lây nhiễm virus (theo nguồn chính thức).
Hiện tại, nhiều người nghi ngờ về con số thực những người bị chết và các trường hợp bị lây nhiễm virus, vượt xa con số mà chính quyền Hồ Bắc và Bắc Kinh đã truyền thông. Đặc biệt kể từ khi sự truyền nhiễm giữa người với người đã được xác nhận vào ngày 20 tháng 1. Liệu có thấy được hay không ở đây sự giả dối với chính mình, ngay cả khi xem xét đến hành động muộn màng của chính quyền trong cuộc khủng hoảng này? Hay là một sự rối mù những vấn đề tái diễn ở Trung Quốc?
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRUYỀN THÔNG, phương TIỆN VÀ “TÍNH TOÁN THỜI GIAN”
Mảnh ghép đầu tiên của trò chơi ghép hình có lẽ là tình huống của các quan chức địa phương nói chung, kết hợp với hai yếu tố xem xét khác. Một mặt, hai hội đồng đại biểu địa phương của Vũ Hán và của tỉnh đã diễn ra lần lượt từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 1 và từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 1; mặt khác, Tết nguyên đán của Trung Quốc, năm nay diễn ra vào ngày 25 tháng 1, báo hiệu một sự di dân khổng lồ trong nước của người dân Trung Quốc trên khắp đất nước để đoàn tụ với gia đình họ.
Cần biết rằng hoàn cảnh của một quan chức địa phương, ở cấp bậc tỉnh (hoặc thấp hơn), không phải lúc nào cũng dễ dàng khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Do tính chất có vấn đề của một dịch bệnh như vậy, khó phát hiện và tương tự như bệnh cúm, các quan chức địa phương phải rất chú ý đến cách báo cáo thông tin. Nếu một quan chức cảnh báo [về dịch bệnh] và tổ chức chuẩn bị cho một cuộc chiến đối với một tình huống được cho là nhẹ một cách hậu nghiệm, thì phần chắc là họ có thể sẽ kết thúc sự nghiệp bằng cách nghỉ hưu sớm. Nếu cũng quan chức đó không báo cáo một tình huống được cho là nghiêm trọng, thì họ có thể sẽ bị điều tra về tội vi phạm nghiêm trọng[3]. Dạng tình huống này không phải lúc nào cũng dễ quản lý đối với bất kì quan chức bình thường nào. Hơn nữa, nghị trình chính trị của tỉnh không nhất thiết giúp lưu hành thông tin: các quan chức có thể không dám thêm bớt bất cứ yếu tố nhạy cảm nào vào một nghị trình đã được lên kế hoạch từ trước. Chưa kể, như đã thấy ở Bắc Kinh và ở nhiều tỉnh khác, chế độ hội đồng đại biểu hai cấp là một cơ hội kiểm soát rất nghiêm ngặt, đặc biệt về vấn đề truyền thông. Hệ thống chính trị Trung Quốc hoạt động theo chiều dọc, vì lẽ người ta đã chứng kiến một sự tập quyền gia tăng kể từ năm 2013, khiến cho luồng thông tin, từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, vừa mang tính quanh co vừa chậm chạp.
Rất khó để hiểu được bối cảnh cuộc khủng hoảng mà không đề cập đến hoàn cảnh. Việc cảnh báo [dịch bệnh] và thiết lập một hệ thống để kiềm chế dân chúng, một vài ngày trước Tết, không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Điều đó có thể gây ra tình trạng bất ổn cũng như sự không hài lòng. Thách thức là rất lớn và tỷ lệ thành công của một chiến dịch như vậy giảm từng ngày khi biết rằng một số cư dân đã đoàn tụ với gia đình họ trước ngày 25 tháng 1. Thông báo kiểm dịch vào ngày 23 tháng 1 đã đẩy hơn 5 triệu cư dân rời khỏi Vũ Hán. Cùng lúc đó, xuất hiện sự bất trắc: các “mô hình cách ly”, được sử dụng để tính toán các đỉnh lây nhiễm và ước tính số lượng lây nhiễm trong ngắn và trung hạn, không khớp với nhau về số lượng tối đa các trường hợp lây nhiễm được dự kiến[4].
Đối với vấn đề truyền thông và các phương tiện, tình hình có phần gần giống nhau: liệu chính quyền Trung Quốc có khả năng ngay từ đầu xác định chính xác các trường hợp lây nhiễm hay không? Và trong trường hợp những ca không có triệu chứng thì sao? Và trong trường hợp có nhiều người lựa chọn cách thức ở trong nhà để chờ “vượt qua bệnh cúm này” thì sao? Đưa ra một sự tính toán chính xác sẽ là điều khá khó, đặc biệt với “nhân tố Trung Quốc”: mật độ dân số, phạm vi giao thông công cộng và nhiều vấn đề khác từ quy mô của đất nước. Vì thế, khi các phương tiện truyền thông nói đến việc “tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc” trong cuộc khủng hoảng này, thì liệu có thực sự thích hợp hay không, trong chừng mực mà các ước lượng thấp không nhất thiết là kết quả của một sự ngại khó, mà là của một sự thiếu hụt phương tiện? Chính quyền địa phương – và ngay cả chính quyền trung ương – đã không có được sự chuẩn bị cần thiết, họ không biết mình có gì trong kho để có thể ứng phó với một sự lây nhiễm trên quy mô lớn. Họ dường như cũng không biết những gì họ cần sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng. Với sự tái diễn của dạng lây nhiễm này, người ta hy vọng vào một sự triển khai các nguồn lực mang tính đồng bộ hơn và phối hợp tốt hơn nhằm ngăn chặn một dịch bệnh như vậy.
SỰ TIẾP DIỄN LIÊN TỤC CÁC BƯỚC ĐI SAI LẦM
Cần phải thêm vào tất cả những điều nói trên là một loạt những bước đi sai lầm chỉ làm cho tình hình càng tồi tệ hơn. Bắt đầu là việc đóng cửa Vũ Hán được thông báo trước, cho phép 5 triệu cư dân rời khỏi thành phố. Đã có rất nhiều người dùng thuốc để làm giảm thân nhiệt hòng thoát khỏi sự kiểm soát ở các sân bay, nơi trở thành vectơ của virus gần như ở khắp mọi nơi. Vì lẽ đó vào ngày 23 tháng 1, đã có một chiếc máy bay của hãng hàng không Air China xuất phát từ Vũ Hán đã hạ cánh ở Hồng Kông.
Công tác quản lý cuộc khủng hoảng tại chính các bệnh viện cũng cho thấy có vấn đề. Trong một video, lần đầu tiên bị rò rỉ trên nền tảng các tiểu blog Weibo trước khi được đăng lại trên Twitter, người ta thấy một nữ y tá đi trong một hành lang bệnh viện cùng với hình ảnh những người đã chết bị bỏ rơi trên cáng thương. Đã có nhiều bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, rồi cho bệnh nhân về nhà điều trị. Chưa kể sự tức giận của những bệnh nhân khác, những người đôi khi nhổ nước bọt vào mặt bác sĩ hoặc ho về phía nhân viên y tế để mong được giúp đỡ. Đây chỉ là những ví dụ.
Wang Xiaodong (1960-)
Chính quyền cũng không làm gương trong tất cả các khía cạnh. Vào ngày 27 tháng 1, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Bắc, Wang Xiaodong, đã tổ chức một cuộc họp báo mà không đeo khẩu trang, như vậy là trái với quy định, trong khi chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Vũ Hán thì đeo khẩu trang ngược. Một sự vụng về khác: Wang Xiaodong được hỏi đến ba lần trước khi đưa ra một con số chính xác số lượng các khẩu trang được sản xuất và có sẵn. Từ đó mà có những hành vi có vấn đề ở những người công khai từ chối đeo khẩu trang ở thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Để ngăn chặn những chỉ trích chống lại mình, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Vũ Hán sau đó đã đá quả bóng về phía Bắc Kinh một cách vụng về. Mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đã bị thách thức một cách nghiêm trọng.
Lý Khắc Cường đến thăm thành phố vào ngày 26 tháng 1 để nắm bắt tình hình và giúp phối hợp các nỗ lực tại hiện trường. Như thế, ông đang chơi “lá bài Ôn Gia Bảo” trong thời kỳ khủng hoảng: chiến lược sử dụng tình thương của cựu Thủ tướng dưới thời Hồ Cẩm Đào. Lúc này chính phủ Bắc Kinh thành lập một “tiểu ban điều hành đại dịch coronavirus”[5], với người đứng đầu tiểu ban đó chính là Thủ tướng đương nhiệm. Sự lựa chọn này đã làm nhiều người cau mày khi trông đợi Tập Cận Bình phải là người điều hành tiểu ban đó. Một Lý Khắc Cường đang nỗ lực khẳng định bản thân như là “tiếng nói của sự cởi mở” – và đây không phải là lần đầu tiên – làm sống lại những căng thẳng với Tập Cận Bình – người có khuynh hướng phô trương sức mạnh và sự ổn định. Liệu đây có phải là một lĩnh vực đối lập mới hay không, giữa những người ủng hộ chính sách đóng cửa và mở cửa của Trung Quốc? Liệu chính sách tập quyền dưới thời Tập Cận Bình từ nay có là vấn đề hay không? Phải nghĩ như thế nào về những người đầu tiên cảnh báo dịch bệnh vào tháng 12 và đã bị “khiển trách”? Công tác quản trị này cuối cùng sẽ đè nặng lên các cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng.
Cuộc khủng hoảng cũng đã gây ra một làn sóng chấn động trong nước. Nhiều tỉnh khác đã hoãn các phiên họp của hội đồng đại biểu hai cấp tại địa phương, cũng như một số thành phố ở tỉnh Sơn Đông, ở miền đông bắc Trung Quốc. Nhiều tầng lớp của bộ máy quan liêu hiện liên quan đến cuộc khủng hoảng phải có khả năng đồng lòng làm việc, một điều không dễ khi các ngày nghĩ lễ Tết được Tập Cận Bình gia hạn sẽ kết thúc vào ngày Chủ nhật này, ngày 2 tháng 2. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát hàng chục triệu người đó, nếu phải gia hạn ngày nghỉ một cách vô thời hạn?
MỘT LỖ HỔNG TRÊN INTERNET
Kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, các nhà phê bình liên tục đăng lời bình trên các mạng xã hội Trung Quốc, cùng với những hình ảnh bị “rò rĩ” từ Vũ Hán và các bệnh viện của thành phố. Một thực tế đáng chú ý: chúng không bị kiểm duyệt. Chính quyền để người dân chỉ trích thẳng thừng các nhà lãnh đạo tỉnh, một điều khó mà xảy ra trong thời kỳ bình thường. Đảng có vẻ như hiểu được rằng không thể kiểm soát hoàn toàn thông tin: những lỗ hổng trong bức Trường thành kỹ thuật số đã xuất hiện từ giữa tháng Giêng. Một số lỗ hổng cho thấy một cách nhìn về “ngày tận thế” của Vũ Hán. Một số lỗ hổng khác gửi mọi thứ hình ảnh và thông tin, cuối cùng gieo rắc một tâm lý lộn xộn lớn hơn bất cứ thứ gì.
MỘT BỆNH CÚM “NGUY HIỂM” KHÁC?
Ta không thể phân tích cuộc khủng hoảng coronavirus này mà không so sánh nó với các bệnh lây nhiễm virus khác từng xảy ra ở Trung Quốc: SARS, H5N1 (cúm lợn) hoặc thậm chí MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Trên cơ sở các số liệu, các trường hợp lây nhiễm của ba dịch bệnh kia là ít quan trọng hơn. Nhưng cũng cần phải xem xét đến số lượng người chết cao hơn rất nhiều, căn cứ vào số lượng các trường hợp lây nhiễm được quan sát. Cũng cần phải nghĩ đến bệnh cúm theo mùa, mà chúng ta có vẻ như quên mất. Tất nhiên, ý tưởng ở đây không phải là giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của coronavirus, mà là làm giảm mức độ của tâm lý hoảng loạn và lộn xộn. Vấn đề cũng đặt ra về mức độ tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Kinh, trên cơ sở yếu tố “mới lạ” của sự lây nhiễm virus độc hại này. Đã có nhiều người thất vọng trước sự thiếu chuẩn bị: như thể chính quyền các địa phương Trung Quốc đã không học được bất cứ điều gì từ các dịch bệnh trước đây.
Cũng cần lưu ý rằng có rất ít các phương tiện truyền thông được tiếp xúc những người đã hồi phục sau khi bị lây nhiễm virus, một con số đối trọng với số lượng người chết vì bị lây nhiễm virus. Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn dịch bệnh, mà trong những giờ tới, sẽ vượt qua mốc 10.400 người bị lây nhiễm virus. Cuộc khủng hoảng về y tế này, có khả năng lặp lại trong tương lai, sẽ là một bài học cho Đảng. Các kho dự trữ khẩu trang, trong số những thứ khác, phải được cập nhật, đặc biệt ở những nơi được biết đến vì sự gần gũi giữa con người và động vật. Giờ đây, tất cả là vấn đề thận trọng. Đảng sẽ làm gì để chuẩn bị cho ngày nghỉ lễ sẽ kết thúc vào ngày 2 tháng 2 này? Liệu Đảng có phải đưa ra những quyết định một cách minh bạch hơn không, để có thể nhận được viện trợ của nước ngoài? Hay liệu Đảng sẽ làm điều đó một mình để quản lý một tình huống “trong nước”?
Giới thiệu tác giả
Alex Payette
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Ông là cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ chính trị học so sánh thuộc Đại học Ottawa (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược phục hồi của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình mới nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế, cũng như vào sự tuyển chọn và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), tạp chí International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế về Trung Quốc] (2015/2016), tạp chí Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á thời Đương đại] (2016), East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), Issues and Studies [Các vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã đăng một bản chú thích nghiên cứu về “ai là những ứng cử viên tiềm năng” cho Bộ Chính trị Trung Quốc vào năm 2017, bài dành cho IRIS [Institut de Relations Internationales et Stratégiques, Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược] – mục Asia Focus #3.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] Lúc bấy giờ, người ta nói đến một virus gắn với các loài dơi hoặc rắn. Sự gần gũi của các loài này với con người cho phép việc truyền nhiễm một cách trực tiếp.

[2] Theo sau là các nước Ấn Độ, Úc và New Zealand. Canada, vào ngày 31 tháng 1 này, vẫn đang chờ tín hiệu đèn xanh từ chính quyền Trung Quốc để tiến hành việc hồi hương công dân của mình.

[3] Chưa kể đến những cáo buộc “truyền bá tin đồn” (散布谣言者) có thể có. Kịch bản tồi tệ nhất đối với Đảng sẽ là biết tin tức thông qua tổ chức WHO hoặc các cơ quan quốc tế khác.

[4] Theo một số người, chỉ có 5% các trường hợp lây nhiễm virus được phát hiện và có thể còn có hàng chục ngàn trường hợp khác bị nhiễm virus.

[5] 新型冠状病毒感染肺炎疫情工作领导小组.

Print Friendly and PDF