16.2.20

Vũ Hán, tâm chấn của virus Corona, là một địa phương rất nhạy cảm về mặt chính trị


“VŨ HÁN, TÂM CHẤN CỦA VIRUS CORONA, LÀ MỘT ĐỊA PHƯƠNG RẤT NHẠY CẢM VỀ MẶT CHÍNH TRỊ”
Nhà nhân học Frederic Keck mô tả, trong một cuộc phỏng vấn với báo Le Monde”, tính đặc thù lịch sử và y tế của thành phố lớn thứ hai ở miền trung Trung Quốc, nơi virus Corona2019-nCoV xuất hiện.
Cuộc phỏng vấn của Catherine Vincent
09/02/2020
Frédéric Keck (1974-)

Là Giám đốc nghiên cứu của CNRS, Frédéric Keck điều hành, ở Paris, Phòng thí nghiệm nhân học xã hội (LAS). Các công trình của ông tập trung vào các chủ đề rủi ro thực phẩm và thảm họa y tế. Sau cuốn Un monde grippé [Một thế giới bị bệnh cúm] (Flammarion, 2010), vào tháng Tư tới, ông sẽ xuất bản cuốn Les Sentinelles des pandémies [Những lính canh đại dịch] (ed. Zones sensibles).
Thế giới đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về virus Corona 2019-nCoV. Liệu Trung Quốc có thua cược trong việc ngăn chặn dịch bệnh hay không?
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này, vào tháng 12, chính quyền đã muốn chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng đối mặt với một dịch bệnh mới, sau những chỉ trích trong cuộc khủng hoảng SARS [hội chứng hô hấp cấp tính nặng] năm 2003. Đây là lý do vì sao họ đã nhanh chóng thông tin chuỗi gen của con virus mới, ngăn chặn việc đi lại của người dân và xây những bệnh viện chuyên về các bệnh về đường hô hấp. Chúng ta không thể dự đoán được kết quả của cuộc khủng hoảng y tế này, nhưng Trung Quốc đã cho thấy một ý chí ấn tượng khi đứng ở tâm điểm của thế giới, và tính dễ tổn thương đáng kinh ngạc của nền kinh tế thế giới đối với những gì đang xảy ra ở đất nước này. Con virus đã làm cho hàng trăm người bị chết ở Trung Quốc và nền kinh tế thế giới đứng trên bờ sụp đổ.
Con virus này xuất hiện ở Vũ Hán, một thành phố với 11 triệu dân, có tiềm lực phát triển công nghiệp và công nghệ khá mạnh. Liệu điều đó có lý giải tốc độ mà chính quyền Trung Quốc đã nắm bắt vấn đề hay không?
Virus Corona 2019-nCoV xuất hiện ở Vũ Hán trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khi dòng lưu thông của người và hàng hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Sự kiện sinh học đặc thù này đan xen với một lịch sử văn hóa cụ thể, khơi dậy một sự kích động chính trị đặc biệt. Vũ Hán là thành phố lớn thứ hai ở miền trung Trung Quốc, sau Trùng Khánh, và cả hai thành phố này đều là thủ phủ của chế độ quốc gia trong Chiến tranh Trung-Nhật năm 1937-1945. Thành phố này là kết quả của việc sáp nhập, vào năm 1927, ba trung tâm thương mại được người phương Tây phát triển trên sông Dương Tử vào thế kỷ 19. Đây cũng là điểm khởi đầu cuộc cách mạng năm 1911, gây ra sự sụp đổ của đế chế sau khi một cuộc nổi dậy của quân đội chống lại việc chuyển giao tài chính của các tuyến đường sắt cho các ngân hàng nước ngoài. Vũ Hán là một nơi rất nhạy cảm trong lịch sử Trung Quốc gần đây: đó đồng thời là trung tâm của đế chế – tianxia [thiên hạ], “tất cả những gì dưới trời” – và là cái nôi cách mạng – geming, “thay trời hành đạo”.
Thành phố này, kể từ một vài năm qua, có phòng thí nghiệm P4, một phòng thí nghiệm bảo mật cao, nơi theo dõi các loại virus chết người, được thành lập với sự hợp tác của Pháp. Cấu trúc nghiên cứu này mang lại lợi thế gì cho thành phố về mặt giám sát y tế?
Như các nghiên cứu về virus học đã chỉ ra, virus Corona – từng là thủ phạm của cơn dịch SARS – có nguồn gốc từ các loài dơi ở miền trung Trung Quốc, các cơ quan y tế đã chuẩn bị nghiên cứu sự xuất hiện của một loại virus mới ở vùng này. Đó là lý do vì sao Viện Hàn lâm Khoa học nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phát triển, cùng với định chế tương đương của Pháp và Viện Pasteur, phòng thí nghiệm về an toàn sinh học cấp 4 – cấp cao nhất, cho phép xử lý các loại virus rất nguy hiểm như Ebola, SARS hoặc H5N1. Phòng thí nghiệm này là phòng thí nghiệm duy nhất được đặt tên là “P4” (Pathogène de classe 4 hay tiếng Anh là biosafety level 4, viết tắt là BSL-4 - ND) ở châu Á, đây là một nơi rất nhạy cảm về mặt chính trị. Vũ Hán được chọn làm nơi đặt trụ sở phòng thí nghiệm này là vì sự hợp tác kinh tế với Pháp, đặc biệt xung quanh nhà sản xuất xe hơi Peugeot-Citroën. Đã có những lý thuyết âm mưu được lưu hành trên Internet, theo đó phòng thí nghiệm này đã để rò rỉ con virus Corona mới, thậm chí đã sản xuất ra con virus đó để đòi hỏi các khoản đầu tư nhiều hơn. Chúng ta có thể giả định đúng hơn rằng phòng thí nghiệm này, kết hợp với các phòng thí nghiệm khác ở Trung Quốc, đóng một vai trò quan trọng trong việc nhanh chóng đưa ra thông tin di truyền về con virus mới này, có thể giúp theo dõi và kiểm soát sự lây lan của virus.
Trong một cuốn sách sẽ được xuất bản vào tháng 4, Les Sentinelles des pandémies [Những lính canh đại dịch], ông có nhắc đến việc Hồng Kông đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát các bệnh mới nổi ở Trung Quốc. Vì lý do gì? Liệu có thể tưởng tượng rằng Vũ Hán sẽ vượt Hồng Kông trong tương lai gần hay không?

Vào những năm 1970, các nhà vi trùng học người Úc đã xây một phòng thí nghiệm tại Đại học Hồng Kông để theo dõi những thay đổi của virus cúm ở miền nam Trung Quốc. Họ nghĩ rằng đại dịch cúm tiếp theo sẽ đến từ hệ sinh thái này, giống như những gì đã xảy ra vào năm 1957 và năm 1968. Kịch bản thảm khốc đó đã xảy ra vào năm 1997, khi thuộc địa của Anh được chuyển giao cho Trung Quốc, đã trùng với sự xuất hiện của virus cúm gia cầm H5N1, giết chết hai trên ba số người bị nhiễm virus. Hồng Kông sau đó đã có một bản sắc mới trong chế độ “Một quốc gia, hai chế độ”, đóng vai trò lính canh cảnh báo phần còn lại của thế giới về những dịch bệnh sẽ bùng phát ở Trung Quốc. SARS đã củng cố quan điểm đó – ngay cả khi họ virus Corona rất khác với họ các virus cúm khác, và ngay cả khi cuộc khủng hoảng đó suýt nữa đã tàn phá nền kinh tế Hồng Kông khi mọi hoạt động đều bị đình trệ trong sáu tháng. Ngày nay, tình hình đã khác, khi cuộc khủng hoảng y tế mà Trung Quốc phải đối mặt diễn ra sau mười tháng tranh cãi của người dân Hồng Kông chống lại chế độ của Tập Cận Bình. Vì vậy, Tập Cận Bình có thể đã cố thử thay thế Hồng Kông bằng Vũ Hán như là người lính canh y tế, giống như cách ông tìm cách thay thế Hồng Kông bằng Thượng Hải thành trung tâm tài chính. Chúng ta đang chứng kiến ​​mt sự lục địa hóa của Trung Quốc về chức năng theo dõi y tế, vốn được thực hiện ở biên giới cho đến giờ.
Một trong những giả thuyết là loại virus Corona mới này đã xuất hiện ở chợ đầu mối hải sản và bán sỉ của Vũ Hán. Thế các chợ động vật đó hoạt động như thế nào?
Các “chợ bán đồ tươi sống” của trung tâm thành phố (wetmarkets theo tiếng Anh, jieshi (nhai thị) theo tiếng Trung Quốc) gắn với một truyền thống của Trung Quốc là ăn động vật tươi sống vì đặc tính chữa bệnh của chúng. Truyền thống này đã làm kinh ngạc, từ hai thế kỷ qua, các du khách châu Âu, vì lẽ đó các chợ động vật phải được chuyển ra ngoại ô các thành phố hoặc ở trong các hộ gia đình. Các chợ này có thể bán đủ các loài “kỳ lạ”, chẳng hạn như cáo, rắn, bọ cạp và cá sấu, nhưng chủ yếu là gia cầm và cá, mà độ tươi sống của chúng được đặc biệt đánh giá cao trong các món súp. Như vậy để nói rằng không chắc là trường hợp đầu tiên (hoặc “bệnh nhân số 0”) bị nhiễm dịch do virus Corona ở Vũ Hán có nguồn gốc từ chợ động vật. Điều chắc chắn, theo phân tích phát sinh gen của virus, là virus có nguồn gốc từ loài dơi, ổ chứa virus Corona từ động vật, giống như virus SARS, MERS và nhiều loại virus mới khác, đặc biệt là Ebola. Thực vậy, dơi có một hệ thống miễn dịch cho phép chúng chứa một số lượng lớn virus mà không bị nhiễm, và chúng tiếp cận được gần các khu dân cư thành thị vì nạn phá rừng.
Ông là một nhà nghiên cứu về nhân học xã hội. Về mặt khủng hoảng y tế, bộ môn này có thể giúp ích được những gì?
Lévi-Strauss (1908-2009)
Đối với các cuộc khủng hoảng y tế và chính trị, nhân học xã hội có một cái nhìn so sánh, từ các xã hội xa xôi trong không gian hoặc thời gian, như nghiên cứu của Claude Lévi-Strauss với cuộc khủng hoảng bò điên ở châu Âu, vào năm 1996, từ kiến thức về những xã hội “ăn thịt” của Amazonia và Melanesia. Cái nhìn xa đó giúp làm tiết chế cảm giác cấp bách, thứ bao trùm các giới chức trách khi xảy ra khủng hoảng, trong khi làm nổi bật những kiến ​​thức tích luỹ được với thời gian ở cấp độ địa phương. Kể từ khi gia nhập CNRS vào năm 2005, năm xuất hiện cúm gia cầm ở Pháp, tôi đã nghiên cứu các cuộc khủng hoảng y tế ở châu Âu và Trung Quốc, bằng cách mô tả hiểu biết về những người chăn nuôi gia cầm trong nước và những người chơi chim hoang dã. Vào lúc mà giới lãnh đạo của chúng ta muốn phát triển một nghiên cứu định hướng theo các mệnh lệnh kinh tế ngắn hạn, thì dạng nghiên cứu vì lợi ích chung trong dài hạn này, trong tiếng Anh gọi là “blue sky research [nghiên cứu bầu trời màu xanh]”, phải được bảo vệ. Để chống lại sự hoảng loạn của toàn cầu hóa và hít thở một không khí tươi mát hơn.
Catherine Vincent
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF