1.2.20

Khi triết học giúp suy nghĩ về tình trạng nóng lên toàn cầu và trách nhiệm của chúng ta


KHI TRIẾT HỌC GIÚP SUY NGHĨ VỀ TÌNH TRẠNG THỜI TIẾT NÓNG LÊN TOÀN CẦU VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA
Chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta hành tinh nào? Liệu chúng ta có trách nhiệm đạo đức với chúng hay không?
BURADAKI VIA GETTY IMAGES
Chúng ta, những người đang lớn lên, đang già đi, đang sinh sống vào thời điểm hiện nay, chúng ta sẽ truyền lại cho con cái chúng ta thế giới nào đây? Cho thế hệ cháu chắt chúng ta ư? Cho những người sẽ được sinh ra trong 100, 200, 1000 năm ư? Chúng ta há chẳng có nghĩa vụ phải để lại cho chúng một hành tinh có thể sống được hay sao?
TRIẾT HỌC – Hành tinh đang nóng lên, các sông băng đang tan chảy, các loài sinh vật đang biến mất. Chúng ta, những người đang tồn tại ngày nay, vẫn có cơ hội để sinh sống trên một Trái đất có thể sống được, dù cho tình trạng hiển nhiên của thời tiết nóng lên toàn cầu. Nhưng liệu các thế hệ tương lai có còn nói được như thế hay không?
Những kịch bản tưởng tượng ra thế giới trong những năm sắp tới đều gây bối rối. Những kịch bản đó đặt câu hỏi về hành tinh sẽ chào đón các thế hệ tiếp theo. Chúng ta, những người đang lớn lên, đang già đi, đang sinh sống vào thời điểm hiện nay, chúng ta sẽ truyền lại cho con cái chúng ta thế giới nào đây? Cho thế hệ cháu chắt chúng ta ư? Cho những người sẽ được sinh ra trong 100, 200, 1000 năm ư? Chúng ta há chẳng có nghĩa vụ phải để lại cho chúng một hành tinh có thể sống được hay sao?
39% những người được hỏi trong một cuộc khảo sát được Yougov thực hiện cho tạp chí The HuffPost tin rằng thế hệ chúng ta mang nợ đối với các thế hệ tương lai. 22% thậm chí khẳng định rằng trách nhiệm này đã thuộc về cha mẹ của chúng ta.
Chúng ta nợ các thế hệ tương lai, những người đang dõi theo chúng ta đang làm gì, hay đúng hơn là chưa làm gì đủ sức? Đây là một câu hỏi gợi lên nhiều câu hỏi khác, khi các thách thức càng phức tạp. Liệu đây là một vấn đề về đạo đức, pháp lý hay cả hai? Ai nợ ai? Chúng ta đang nói về cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hay Nhà nước? Đó là những hậu duệ trực tiếp của chúng ta, những con cái và cháu chắt của chúng ta, hay những người sẽ được sinh ra trong một nghìn, hai nghìn năm sau này? Liệu chúng ta có nên phóng chiếu đến tận thời kỳ xa xưa hay không?
“Nguyên lý trách nhiệm”
Hans Jonas (1903-1993)

Trong triết học, chính Hans Jonas, triết gia người Đức, đã đưa ra vấn đề các thế hệ tương lai trong tư tưởng của ông, được phát triển phần lớn trong cuốn “Le Principe responsabilité [Nguyên lý trách nhiệm]”, được xuất bản vào năm 1979. Nhận định của ông rất đơn giản: những nguy cơ đang lượn lờ trên Trái đất gây ra hiểm họa cho sự sinh tồn của nhân loại. Chúng ta cần phải tính đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, đó là sự biến mất của loài người. Từ đó, ông phát triển phương pháp phát hiện sự lo sợ; chính từ sự sợ hãi đó mà con người sẽ có những hành động có trách nhiệm, những hành động không gây hiểm họa cho sự sinh tồn của các thế hệ tương lai lẫn chất lượng cuộc sống của họ trên Trái đất.
Catherine Larrère (1944-)
Nếu đối với nhà triết học này, rõ ràng chúng ta là những người chịu trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai về hành tinh được để lại, thì ông không phải là người duy nhất. Catherine Larrère, nữ giáo sư danh dự [khi về hưu] tại Đại học Paris I-Panthéon-Sorbonne, chuyên gia về các vấn đề đạo đức và chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng môi trường và các công nghệ mới, khi được tạp chí The HuffPost tiếp xúc, đã có quan điểm rất dứt khoát: “từ lúc chúng ta thực hiện các hành động có những hậu quả diễn ra trong thời gian rất dài, vâng, thì chúng ta có nghĩa vụ đối với những người sẽ sinh sống sau này”. Nhưng bà thừa nhận rằng, một khi đã nói ra điều đó, thì khái niệm nghĩa vụ đối với các thế hệ tương lai không còn là một điều đơn giản. “Có phải là chúng ta đang nói về những thế hệ sẽ sinh sống trong 300, 500, hay 1000 năm sau? Liệu họ có còn tồn tại đến đó hay không? Nhìn vấn đề sẽ không giống nhau. Chúng ta chắc chắn có thể có cam kết đối với thế hệ sắp tới, nhưng đối với các thế hệ tiếp theo nữa thì sao?”, bà tự hỏi.
Greta Thunberg (2003-)
Tất nhiên rồi, Dominique Bourg, triết gia và giáo sư tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, cũng đồng quan điểm. Chúng ta lấy quyền gì để để lại cho họ một hành tinh có khả năng sinh sống thấp hơn? Chúng ta có khả năng nhìn thấy những gì đang xảy ra, vì vậy giới trẻ sẽ oán giận chúng ta.”
Greta Thunberg cũng không nói điều ngược lại, khi tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái, bà đã trút cơn giận và khẳng định rằng: “tất cả các thế hệ tương lai đang đổ dồn con mắt nhìn quý vị. Nếu bạn quyết định từ bỏ chúng tôi, thì tôi sẽ nói: chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho quý vị”.
Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể
Nhưng trách ai bây giờ? Trách chúng ta ư, những người bắt một chuyến bay để đi nghỉ mát, sử dụng xe ô-tô của mình để đi làm và ăn thịt hơi quá nhiều một chút? Hay là trách các doanh nghiệp và Nhà nước?
Dominique Bourg (1953-)

Đối với Dominique Bourg, trong số nhiều người khác, tác giả cuốn “Le marché contre l’humanité [Thị trường chống lại loài người]”, rõ ràng có một “trách nhiệm tối thiểu”, trách nhiệm của mỗi người, liên quan đến những hành vi ứng xử hàng ngày (vận chuyển, thực phẩm, v.v.). Nhưng theo ông, “không thể có trách nhiệm cá nhân mà không có trách nhiệm tập thể”. Nếu mỗi người cần có nhận thức, thì nhận thức đó phải đi kèm với nhận thức của Nhà nước. Về điểm này, ông đồng quan điểm với Catherine Larrère, người cũng tin rằng tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu sẽ không được chặn đứng “nếu không có một sự thay đổi sâu sắc về hành vi ứng xử…. Nhưng chỉ đổ lỗi cho cá nhân, những người ‘không làm điều gì to tát’ bên cạnh Nhà nước, những tác nhân gây ô nhiễm rất lớn, thì không giúp giải quyết được việc gì cả”, bà khẳng định.
Ở đây một lần nữa, vấn đề cần biết là cách thức tiến hành. Nếu cho rằng biện pháp cưỡng bức là câu trả lời thích hợp, thì “liệu những hành động cố ý có phải là những hành động duy nhất có thể bị lên án hay không? Hay là chỉ những hành động để lại hậu quả trên hành tinh? Giống như trường hợp đi xe ô-tô và gây ô nhiễm với CO2”, nhà triết học tự hỏi.
Hủy diệt sinh thái, quyền của thiên nhiên
Valérie Cabanes
Một số chuyên gia, như nữ luật gia Valérie Cabanes, cho rằng thiên nhiên nên được coi là một “chủ thể của luật pháp” và nạn hủy diệt sinh thái, có nghĩa là một tội ác chống lại môi trường, phải được công nhận. Theo bà, điều này sẽ cho phép “truy tố những thể nhân và pháp nhân bị tình nghi gây nguy hiểm đến sự an toàn của hành tinh”. Những tội ác này có thể thuộc thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhưng còn rất lâu chúng ta mới tiếp cận kịch bản này.
Một câu hỏi khác, về mặt đạo đức hơn là về mặt pháp lý: liệu có công bằng không khi “xử phạt” những thế hệ hiện hữu, đang sinh sống, vì lợi ích của những thế hệ tương lai, chưa sinh ra? Điều không nghi ngờ là đối với một số người, mục tiêu ưu tiên nên là, ví dụ, chống lại nạn nghèo đói hiện tại, thay vì đấu tranh vì điều kiện sống của các thế hệ tương lai trên Trái đất. Nếu như chúng ta có thể xếp thứ bậc những tệ nạn lớn nhất của thế giới này.
Việc viện đến tòa án đã từng diễn ra. Gần đây, Greta Thunberg và mười lăm người trẻ tuổi khác đã đệ đơn khiếu nại chống lại năm Nhà nước vì “không có hành động gì đối với tình trạng biến đổi khí hậu”. Hành động nói trên không dẫn đến các biện pháp trừng phạt đối với những nước bị buộc tội, nhưng một khiếu nại khác, được Urgenda – tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường – đệ trình vào năm 2015, chống lại Hà Lan, đã thành công hơn. Thật vậy, Tòa án ở The Hague đã ra lệnh cho nhà nước Hà Lan phải giảm phát thải ít nhất 25% khí nhà kính từ nay đến năm 2020.
Ngược lại, đối với Dominique Bourg, vấn đề không phải là việc cưỡng bức. “Chúng ta đang lấy đi những điều cần thiết đối với các thế hệ tiếp theo. Lấy đi của họ những gì cho phép Trái đất có thể là một hành tinh sinh sống được. Sự hủy diệt này đã có những hậu quả không thể đảo ngược và nghĩa vụ của mọi người chính là phải hành động. Điều quan trọng hơn cả là sự phối hợp giữa các Nhà nước, các Nhà nước phải kiểm soát sự gia tăng những hậu quả đó, từ bỏ sự tăng trưởng, và các cá nhân, với tư cách là người tiêu dùng, những người tuân thủ mô hình này”, theo lời của ông.
“Sự hư cấu hữu ích”
Một trong những ví dụ theo xu hướng trên, thay vì trừng phạt những thế hệ đang sinh sống vì lợi ích của những thế hệ tương lai, là trường hợp của Na Uy. Thật vậy, nước này đã thiết lập một quỹ công vì các thế hệ tương lai. Từ nhiều năm nay, số tiền thu được từ các hoạt động khai thác dầu khí đã được đầu tư vào quỹ này. Ví dụ, trong năm 2018, đã có 23 tỷ euro tiền cổ tức, tiền lãi và tiền thuê đã được đầu tư thêm vào quỹ này, theo nhật báo Libération. Na Uy sẽ làm gì với nguồn quỹ đó? “Đó là tiền tiết kiệm của người Na Uy. Chúng tôi đầu tư số tiền đó vì các thế hệ tương lai”, Marianne Groth, Bộ trưởng Tài chính cho biết. Theo trang mạng Usbek & Rica, thậm chí họ đã thành lập một hội đồng đạo đức để chỉ định những hoạt động không nên đầu tư, chẳng hạn như những hoạt động gây hại cho hành tinh.
Việc xác định những đường biên của khái niệm trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai còn lâu mới rõ ràng. Phải chăng ý niệm này chỉ là một “hư cấu hữu ích”, theo những từ ngữ được Hans Jonas sử dụng, nhằm mục đích làm cho chúng ta nhận thức được tính cấp bách của tình hình? Hay ý niệm được nên thành hình thông qua luật pháp? Bất luận câu trả lời là gì, có một điều chắc chắn: các thế hệ hiện tại, những thế hệ đang còn sống, ngày càng nhận thức rõ hơn về việc thiếu hành động có lợi cho hệ sinh thái. Và đồng thời với việc rũ bỏ thói quen và tin chắc, họ làm nổi bật sự tồn tại của một trách nhiệm tập thể, trách nhiệm của chúng ta.
[Sử dụng] máy bay, coi như đã hết. Chúng ta sẽ phải chịu nhịn và không ăn thịt nữa. Rồi còn phải ngừng mua đồ thời trang nhanh và không điều chỉnh quá cao độ nóng của máy sưởi trong mùa đông này.
Nhưng bất chấp tất cả những nỗ lực của bạn, sự lo lắng càng tăng lên. Liệu có quá muộn hay không? Giống như nhiều người khác, bạn đang chịu đựng sự lo âu về sinh thái, sự bồn chồn này gắn với viễn cảnh thời tiết nóng lên toàn cầu. Sự lo lắng này không nhất thiết là dấu hiệu của một sự tê liệt, vì nó cũng có thể có những hệ quả tích cực. Càng quan tâm hơn, càng tỏ thái độ rõ rệt hơn, càng bị tác động trước những diễn biến của hành tinh, chúng ta cuối cùng đã nhận ra rằng chúng ta cần phải thay đổi.
Nhân dịp ra mắt chuyên mục LIFE, HuffPost quan tâm đến các đường biên của sự lo âu về sinh thái này cũng như tất cả những gì có thể tạo ra điều tốt lành trong những năm tới. Làm thế nào để nói với con cái về tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu? Chúng ta nợ điều gì đối với các thế hệ tương lai? Ngày càng có nhiều nhóm hỗ trợ đang nổi lên, nhưng để làm gì? Làm thế nào để hành động, trên cơ sở hàng ngày, để đấu tranh chống lại những lo sợ gắn với tương lai không chắc chắn này?
Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi trên trong tập hồ sơ của chúng tôi (nhưng chúng tôi chỉ có thể đảm bảo là bạn sẽ có nhiều câu hỏi hơn nữa sau khi đọc xong hồ sơ này).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF