4.2.20

Làm thế nào để hưởng lợi từ tư duy huyền bí

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HƯỞNG LỢI TỪ TƯ DUY HUYỀN BÍ
Ảnh: Michael Byers
Chana R. Schoenberger
Tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA, ở Pasadena, California [Hoa Kỳ], nơi cơ quan vũ trụ quản lý nhiều vụ phóng tàu, trong phòng điều khiển có trưng bày đựng một hộp đậu phộng Planters, một minh chứng cho tư duy huyền bí (magical thinking) trong hành động. Đậu phộng xuất hiện lần đầu tiên trong phòng thí nghiệm như một món ăn nhẹ vào năm 1964, khi tàu vũ trụ Ranger 7 chuẩn bị phóng. Sau 6 lần phóng thất bại, Dick Wallace, một kỹ sư quỹ đạo nhiệm vụ, đã phát biểu trong báo cáo chính thức của NASA về truyền thống “đậu phộng may mắn” rằng “theo tôi, việc phân phát đậu phộng cho mọi người có thể giúp bớt đi sự lo lắng trong phòng điều hành nhiệm vụ”.
Ngày hôm đó diễn ra tốt đẹp, và đậu phộng đã trở thành vật cố định trong vài thập kỷ cho đến khi thế hệ kỹ sư tiếp theo quên đi ý nghĩa của truyền thống này. Năm 1997, nhiệm vụ Cassini tới Sao Thổ (Jupiter) dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 13 tháng 10, nhưng đã bị dời lại do điều kiện gió không thuận lợi. Sau đó, một người nào đó nhớ ra đậu phộng và nhận ra không có hạt nào trong phòng. Khi buổi đếm ngược cuối cùng cũng bắt đầu hai ngày sau, các kỹ sư trong phòng điều khiển lại ăn nhẹ bằng đậu phộng.
Các kỹ sư của NASA là những nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu, và dữ liệu sẽ bác bỏ mọi khả năng cho rằng việc phóng thành công liên quan đến món ăn vặt của các kỹ sư. Nhưng điều đó không ngăn nhân viên của NASA đưa đậu phộng đến buổi đếm ngược và thậm chí trân trọng cất giữ chúng trong hộp trưng bày. Khi làm như vậy, các nhà khoa học được đào tạo dựa trên bằng chứng-phân tích nền tảng tuân theo truyền thống đã ràng buộc họ với những lần phóng trước đó - và không dám đánh liều làm khác [truyền thống], dù là chút ít, để gây ảnh hưởng lên kết quả của một nhiệm vụ.
“Chúng tôi không mê tín”, một người đại diện cho NASA khẳng định như vậy, ông nói rằng các kỹ sư không thực sự tin vào bất kỳ sức mạnh nào của đậu phộng lên kết quả nhiệm vụ và thỉnh thoảng tránh xa truyền thống đậu phộng, chẳng hạn như nhiệm vụ Juno đến sao Thổ vào năm 2016 “đã hoàn thành mà không hề có đậu phộng trong phòng kiểm soát nhiệm vụ”. 
Jane L. Risen
Sự mê tín là việc tin tưởng một cách sai lạc rằng có một mối liên hệ nhân quả giữa hai thứ, ngay cả khi rõ ràng là chúng không liên quan đến nhau, theo Jane L. Risen của trường Chicago Booth [Hoa Kỳ], người nghiên cứu về nền tảng tâm lý của các hiện tượng như mê tín. “Còn hơn cả sai lầm khi tin vào cái gì đó mà về mặt khoa học là không thể xảy ra.” Mê tín, thứ có xu hướng gắn liền với việc tạo ra vận may hay vận rủi, có liên quan chặt chẽ với tư duy huyền bí (magical thinking), mà Risen mô tả là “niềm tin rằng những hành động nhất định có thể ảnh hưởng đến các đối tượng hoặc sự kiện khi không có mối liên hệ nhân quả về mặt thực nghiệm”. 
Thay vì tập trung vào những thiếu sót về nhận thức của con người, một số nội dung mê tín tập trung vào động lực của con người.
Tuy nhiều người có học có thể gọi tư duy như vậy là ngớ ngẩn và lạc hậu, nhưng họ cũng có tư tưởng dại gì không làm. Do đó mọi người lo lắng khi làm đổ lọ muối nhưng lại ném muối qua vai để cầu may. Họ đi bộ vòng qua thang, tránh mèo đen, nhặt đồng xu và cầm gương cẩn thận. Và các nhà nghiên cứu quan sát mọi người cũng đang tư duy một cách huyền bí về bất động sản, thị trường chứng khoán và các lĩnh vực kinh doanh khác.
Phát hiện của họ có thể hữu ích cho các nhà quản lý, nhà tiếp thị và nhà đầu tư … Gõ lên gỗ (knock on wood). [một hành động để cầu may – ND]
Sao mê tín thế?
Carey K. Morewedge
Ray Nagin (1956-)
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ thích hành động có chiến lược, hoặc giả định là như vậy. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, các quyết định của họ - cả công lẫn tư - bị sự mê tín dẫn dắt. Chẳng hạn, sau cơn bão Katrina [2005], thị trưởng New Orleans là Ray Nagin quy sự tàn phá của cơn bão cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ông đã có thể duy lý hơn khi quy cơn bão cho những người “đã không duy trì các biện pháp phòng vệ đúng đắn cho một thành phố có quy mô như vậy”, theo chuyên gia Carey K. Morewedge của Đại học Boston [Hoa Kỳ]. 
Người tiêu dùng cũng vậy, có thể bị những niềm tin mê tín dẫn dắt. Trong văn hóa Trung Quốc, số 4 [tứ], nghe giống như từ chết [tử], được tránh đi, trong khi 8 [bát – phát], 9 [cửu] và 6 [lục – lộc] được coi là may mắn. Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu từ Đại học Georgetown [Hoa Kỳ], Đại học Nankai [Đài Loan] và Đại học Quốc gia Singapore cho thấy cư dân người Singapore gốc Hoa ít khi mua căn hộ có số cuối là số 4 xui rủi, hoặc căn hộ ở tầng 4, trong khi họ có xu hướng mua căn hộ có số cuối của số nhà là số 8 may mắn nhiều hơn. Những người sống ở cả hai loại căn hộ đều gặp tai nạn xe hơi với tỷ lệ như nhau, một dấu hiệu cho thấy số nhà không mang lại may mắn mà chỉ đơn giản là mê tín. Những điều mê tín này đã có hậu quả thực sự. Giá của các căn hộ kết thúc bằng số 4 đã được chiết khấu 1,1%, trong khi các căn hộ có số kết thúc là 8 bị hét giá thêm 0,8%.
Những con số may mắn có thể ảnh hưởng đến giá nhà
Tận dụng sự đồng nhất về số nhà trong các tòa cao ốc của Singapore, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự cân nhắc của người mua nhà đối với con số 4 xui rủi và con số 8 may mắn xuất hiện trong giá bán.
Theo David Hirshleifer và Ming Jian của Đại học California tại Irvine [Hoa Kỳ] và Huai Zhang của Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, khi các công ty Trung Quốc chọn ngày phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO), họ chọn ngày có những con số may mắn thường xuyên hơn số liệu thống kê dự đoán. Theo Zhang, các công ty Trung Quốc cũng có xu hướng chọn số điện thoại có những con số may mắn.
David Hirshleifer
Huai Zhang
Các giải thích truyền thống về mê tín quy kết những niềm tin mê tín cho tư duy phi lý hoặc “nguyên thủy” (primitive), nhưng thực tế là rất nhiều người vẫn mê tín kể cả các kỹ sư của NASA cho thấy có nhiều điều hơn thế. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm tâm lý về niềm tin và óc phán đoán của trường Chicago Booth, trong số những nơi khác, đang xem xét một số hiện tượng tâm lý xung quanh những phán đoán huyền bí. Một số giải thích:
1 Đó là một cách để giành quyền kiểm soát thế giới.
Theo Morewedge của Đại học Boston, thay vì tập trung vào những thiếu sót về nhận thức, một số giải thích về mê tín tập trung vào động lực của con người. Con người tin tưởng và làm những điều đi ngược lại logic trong nỗ lực tìm hiểu và giành được quyền kiểm soát thế giới. Ông phát biểu: “Người ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác nhiều hơn khi mình có kết quả tiêu cực và vơ hết vào mình khi có kết quả tích cực”. Tư duy huyền bí có thể phát huy tác dụng nếu bạn không được thăng tiến tại nơi làm việc. Bạn có thể xác định rằng ai đó, có lẽ là một đồng nghiệp giận dữ, đang cản trở quan lộ của mình. 
Điều này liên quan đến một nhiệm vụ chung để giải thích môi trường xung quanh và điều chỉnh sự không chắc chắn trong cuộc sống của chúng ta. Tại sao cổ phiếu này tăng hoặc giảm? Tại sao máy tính của tôi không hoạt động? Người ta tin rằng mọi thứ xảy ra bởi vì có một số thiết kế cho cuộc đời mình, thứ thiết kế mà vượt xa những giải thích duy lý hơn như những trục trặc về mặt công nghệ. Ở một mức độ nào đó, chúng ta muốn nghĩ rằng các sự kiện hoặc kết quả có những nguyên nhân có chủ đích. “Việc thêm tính mục đích vào kết quả cho bạn cảm giác rằng bạn có quyền kiểm soát nó”, theo Morewedge.
Điều này áp dụng cho mọi sự vật và sự kiện. Ông thấy rằng mọi người có khuynh hướng nhân hóa một chiếc xe hơi hoặc máy tính nhiều hơn nếu nó hoạt động không đáng tin cậy. Chủ sở hữu có thể nghĩ rằng máy móc cũng có suy nghĩ riêng, hoặc nó đã bị hack. Mặt khác, thông qua các trò chơi ngẫu nhiên như Kéo, Búa, Bao [oẳn tù xì – ND], Morewedge nhận thấy mọi người nghĩ rằng họ có thể làm tốt nhất khi có sự hiện diện của một vật thể may mắn. Ông cho rằng “Khi sử dụng những vật này, họ có sự tự tin lớn hơn rằng họ có thể đạt được các mục tiêu dựa trên hiệu suất”.
Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng có những người không nhất thiết tin vào nghiệp cũng làm những việc thiện cho người khác để mang lại kết quả tốt cho chính bản thân.
Benjamin A. Converse
Travis J. Carter
Theo nghiên cứu Benjamin A. Converse, Risen của Đại học Virginia và Travis J. Carter của Cao đẳng Colby [Hoa Kỳ], người mà đang chờ đợi những tin tức quan trọng, như lời mời làm việc hoặc kết quả kiểm tra y tế, có thể nghĩ rằng thật khôn ngoan khi xây dựng kho nghiệp thiện (karma bank) của mình để trời đất sẽ thưởng cho họ kết quả mong muốn. Họ viết: “Khi sự mong muốn và sự không chắc chắn ở mức cao và cá nhân không thể kiểm soát được, người ta có thể sẽ giúp đỡ người khác nhiều hơn, như thể họ có thể khuyến khích sự ưu ái của số phận bằng cách làm những việc tốt một cách chủ động”.
Một loạt các thí nghiệm đã kiểm tra giả thuyết này, cả trong phòng thí nghiệm và tại hội chợ việc làm, nơi các nhà nghiên cứu quan sát để xem trong điều kiện nào mọi người có nhiều khả năng quyên góp cho từ thiện. Phát hiện của họ cho thấy rằng mọi người đầu tư vào nghiệp thiện khi họ muốn nhận lại một cái gì đó mà họ biết rằng họ không thể kiểm soát. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Con người có khuynh hướng chủ động đầu tư vào những hệ thống [huyền bí] với hy vọng cải thiện kết quả của mình”.
2 Chẳng mất mát gì
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có vẻ có hiểu biết tốt hơn lại không chống nổi sự mê tín “vì họ chẳng có gì để mất khi làm điều đó”, theo Thomas Kramer của đại học California, Riverside [Hoa Kỳ]. Ông nhận thấy tư duy huyền bí liên quan đến niềm tin tâm lý về sự lây nhiễm (contagion), khi các đối tượng trao đổi các thuộc tính với nhau qua sự tiếp xúc hoặc gần gũi. Ông cho rằng “[trong sự lây nhiễm,] nếu một người thông minh chạm vào cây bút, một chút thông minh sẽ truyền qua cây bút và truyền cho tôi.” Theo dòng suy nghĩ này, một số lĩnh vực về trị liệu vi lượng đồng căn (homeopathy) hoặc các phương pháp trị liệu thay thế khác suy tác động có chủ đích của chúng từ ý tưởng rằng những thứ giống nhau thì có đặc tính giống nhau, điều ông nói giải thích cho việc một số người thuộc văn hóa châu Á vẫn gắn chặt với niềm tin cổ xưa rằng uống máu rắn sẽ làm tăng sức mạnh và năng lực tình dục - với các những nhà trị liệu tin tưởng vào bất kì sự khó chịu ngắn hạn nào đó sẽ không có tác động tiêu cực lâu dài, và bị triệt tiêu bởi những thứ tích cực lâu dài.
Hệ thống kép về tư duy nhận thức
Tất cả mọi người đều dễ mê tín, theo Jane Risen của trường Chicago Booth. Không giống như những mô hình khác, lý thuyết của bà cho rằng người ta có thể duy trì những niềm tin mê tín mà họ nhận thức rõ ràng rằng chúng phi logic.
Trong một ví dụ ôn hòa hơn, nhiều khu vực công cộng và tư nhân gắn chặt với những quy tắc thiết kế phong thủy (feng shui), một hệ thống tín ngưỡng của Trung Quốc quy những dòng chảy năng lượng của một địa điểm cho việc tổ chức các tòa nhà và các yếu tố thiết kế. Các tín đồ tin rằng việc sắp xếp văn phòng theo các nguyên tắc phong thủy sẽ giúp đạt được những mục tiêu nhất định, kể cả việc giảm thiểu lo lắng và sự không chắc chắn. Nếu bạn đang điều hành một văn phòng, hay buôn bán bất động sản, tại sao lại không dùng đến nó, bằng cách chuyển cửa đi hay đặt một chiếc bàn theo hướng nhất định nào đó? “Nếu bạn tin vào điều đó, thì sẽ đạt được rất nhiều thứ; còn nếu nó không hiệu quả thì cũng chẳng mất gì nhiều”, theo Kramer.
3 Tâm trí chúng ta tự động thấy những mối liên hệ ngay cả khi chúng không tồn tại…
Loại tâm lý định hướng hành vi mê tín về cơ bản cũng giống như loại tâm lý đằng sau bất kì thứ trực giác sai lầm nào khác. “Chúng ta đang cố gắng hiểu thế giới và tìm hiểu nguyên nhân cái gì gây ra cái gì”, theo Risen. Rất dễ để một người bắt cặp hai sự kiện ngẫu nhiên và giả định rằng có một mối tương quan. Ví dụ, một người hâm mộ bóng chày có thể giả định một mối liên hệ giữa việc anh ta đi tất đỏ với việc đội bóng yêu thích của anh thắng một trận đấu. Đôi khi những mối liên hệ này có thể chính xác. Một số có lời giải thích có vẻ hợp lý nhưng lại sai lầm. Và một số không thể chối cãi được, chắn chắn là sai - những thứ có thể được mô tả là tư duy huyền bí.
Daniel Kahneman (1934-)
Thomas Gilovich (1954-)
Risen cho rằng có một mô hình hai quá trình căn bản về việc nhận thức có thể giúp giải thích tại sao tất cả mọi người đều dễ mê tín, dựa trên ý tưởng của Daniel Kahneman, khôi nguyên Nobel Kinh tế năm 2002. Kahneman mô tả hai cách phán đoán: một cách “nhanh” dựa trên những khuôn mẫu bạn đã thấy trước đây và những lối tắt nhận thức khác, hoặc các lối tắt tâm trí (heuristic); và một cách “chậm” cần đến cách tiếp cận về mặt lý trí, chỉnh sửa những lỗi “nhanh” nảy sinh. Cách tiếp cận nhanh để đưa ra phán đoán là thứ đặc biệt có khả năng dẫn đến trực giác mê tín. Nếu những quy trình chậm hơn không nhận diện được trực giác này là không thể xảy ra về mặt khoa học, thì nó sẽ dẫn dắt hành vi.
Ví dụ, Thomas Gilovich và Risen của đại học Cornell [Hoa Kỳ] ghi chép: “một niềm tin phổ biến rằng thật xui xẻo khi thử vận may, thậm chí với cả những người phủ nhận sự tồn tại của vận may”. Điều này thể hiện ở những người mang dù để tránh bão và những người ngại việc khoe khoang và đếm những con gà ẩn dụ trước khi chúng nở. [thành ngữ “don't count your chickens before they hatch” tương đương với “đừng đếm cua trong lỗ” trong tiếng Việt – ND] Các nhà nghiên cứu nhận diện những quá trình nhận thức “nhanh” cơ bản chịu trách nhiệm cho những niềm tin này - khuynh hướng cho phép những khả năng tiêu cực thu hút sự chú ý của chúng ta và dễ dàng để cho thứ gì đó nhảy vào tâm trí như một dấu hiệu xác định khả năng xảy ra của nó. Nhưng ngay cả những người né tránh những hành vi này cũng từng nghĩ đến việc thử vận may, họ có thể “lắc đầu và đảo mắt, biết rằng những hành vi và nỗi lo lắng của họ chẳng có căn cứ nào”, các nhà nghiên cứu viết.
4 … và thậm chí ngay cả khi ta biết chúng không tồn tại
Risen cho rằng mô hình cơ bản của Kahneman có tác dụng, nhưng nó không giải thích được tại sao những chủ thể dù biết thứ gì đó là phi lý nhưng vẫn bất chấp để làm điều đó. Tuy mô hình cơ bản giả định một cách khá hợp lý rằng con người sẽ sửa sai nếu họ nhận diện được chúng, nhưng Risen gợi ý rằng tư duy huyền bí là một lĩnh vực mà đôi khi con người sẽ duy trì những niềm tin trực giác mà họ biết là sai lầm. Do đó, mô hình của Risen tách biệt việc nhận diện sai lầm với việc liệu người ta có sửa nó hay không. Chẳng hạn, một người hâm mộ thể thao có thể biết rằng trang phục của mình không thể ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, nhưng anh vẫn cảm thấy buộc phải đi đôi tất may mắn của mình - và anh thấy tự tin hơn về trận đấu vì anh đang mang đôi tất đó. Risen đang tiếp tục kiểm định cách mà người ta có thể duy trì những niềm tin huyền bí (và phi huyền bí) mà họ biết là sai lầm, và cách người ta có thể thay đổi những niềm tin và hành vi khi họ nhận thức rằng những niềm tin này là không hợp lý.
Hưởng lợi từ tư duy huyền bí
Việc hiểu biết về cách những dạng thiên kiến nhận thức này hoạt động có thể giúp người ta hiểu được khi nào thì họ đang duy trì niềm tin sai lầm và làm thế nào để tận dụng chúng.
Giả sử bạn biết một giám đốc luôn mặc “bộ vét may mắn” của mình khi đi gặp các nhà đầu tư để gọi vốn. Anh ta có thể quy kết kĩ năng kiếm tiền của mình cho chính bộ đồ đó, và xem nhẹ hoặc không nhận thức được những yếu tố khác, chẳng hạn như sự chuẩn bị, vốn có ảnh hưởng lớn hơn đến sự thành công của phiên gọi vốn. Nếu anh ta hiểu được rằng anh ta đang tìm cách giành quyền kiểm soát thế giới, anh ta sẽ có thể sẵn lòng mặc một bộ vét khác đến buổi gọi vốn và xem thử nếu anh chỉ cố gắng thuyết phục thì sẽ như thế nào. Điều này nói cho cùng sẽ có ích vì anh ta sẽ thực sự có nhiều sự kiểm soát hơn trong những phiên gọi vốn.
Các công ty phát triển bất động sản ở thị trường Trung Quốc có thể kiếm tiền từ những khuôn mẫu niềm tin và hành vi này bằng cách thêm nhiều căn hộ có số may mắn và đánh số lại những căn có số không may mắn. Kramer gợi ý: các giám đốc sản phẩm có thể thử kết hợp những đặc điểm may mắn như đã được chỉ ra do sự mê tín vào sản phẩm - hoặc tránh ra mắt sản phẩm vào những ngày xấu. (Mặt khác, nghiên cứu của ông về màu sắc và số may mắn phát hiện ra rằng “chúng hiệu quả vì người ta đã đặt kì vọng”). Những niềm tin mê tín được phổ biến rộng rãi có thể tạo nên kì vọng trên thị trường, để những người mua nhà thoải mái chi thêm cho những bất động sản có số may mắn và cũng sẵn sàng bán chúng sau đó với giá cao hơn. 
Tìm kiếm sự may mắn ở thị trường chứng khoán
Nghiên cứu các chứng khoán được các nhà đầu tư Trung Quốc giao dịch, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng các công ty cố gắng bảo vệ vận may của mình bằng cách đảm bảo các mã số niêm yết may mắn trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Các nhà đầu tư có thể thu lợi bằng cách nhận diện các thiên kiến có thể gây ra những bóp méo thị trường như thế nào. Hirshleifer, Jian và Zhang xem xét cách các số may mắn ảnh hưởng đến cổ phiếu niêm yết ở các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến [Trung Quốc] trong giai đoạn 1990 đến 2013. Phân tích các con số niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, họ phát hiện những bằng chứng rằng khi mã niêm yết của công ty - kí hiệu dạng số của cổ phiếu trên sàn - chứa nhiều số may mắn hơn, lợi nhuận thu về cho cổ phiếu đó gần ngày IPO cao hơn. Nhưng khi người ta mua cổ phiếu của những công ty có vẻ may mắn mà ít quan tâm đến các yếu tố nền tảng, cổ phiếu tiếp tục giao dịch dưới giá trị (underperform). Trong ba năm đầu sau khi IPO, các nhà đầu tư đã thấy lợi nhuận của các công ty có số may mắn mỗi năm thấp hơn 11% so với các công ty không có số may mắn, theo như các nhà nghiên cứu đã phát hiện.
Thêm vào đó, họ phát hiện ra rằng một số công ty có vẻ đã nhận thức được và hưởng lợi từ sự thiên lệch [nhận thức] này. Tỉ lệ mã niêm yết của các công ty có chữ số may mắn cao hơn con số có thể được giải thích bằng phân phối chuẩn, và các công ty có IPO lớn hơn có khuynh hướng có mã chứa số may mắn (thị trường chứng khoán không có quy trình chính thức để gán các mã này). Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng các công ty lớn có sức mạnh chính trị để yêu cầu những mã niêm yết đẹp hơn.
Zhang khuyên các giám đốc điều hành nên chú ý đến văn hóa, bao gồm cả những niềm tin mê tín địa phương, khi ra các quyết định về tiếp thị. Kramer phát biểu: “Chúng tôi tin rằng sự mê tín chắc chắn sẽ có tác động lên hành vi của con người”. “Những sự mê tín cho phép bạn đối phó với những điều không chắc chắn và sự không chắc chắn là điều luôn tồn tại. Những sự mê tín luôn có vai trò của chúng”.
CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRÍCH DẪN
·         Sumit Agarwal, Jia He, Haoming Liu, I. P. L. Png, Tien-Foo Sing, and Wei-Kang Wong, “Superstition, Conspicuous Spending, and Housing Markets: Evidence from Singapore,” Working paper, March 2016.
·         Benjamin A. Converse, Jane L. Risen, and Travis J. Carter, “Investing in Karma: When Wanting Promotes Helping,” Psychological Science, October 2012.
·         Eric J. Hamerman and Carey K. Morewedge, “Reliance on Luck: Identifying Which Achievement Goals Elicit Superstitious Behavior,” Personality and Social Psychology Bulletin, November 2014.
·         David Hirshleifer, Ming Jian, and Huai Zhang, “Superstition and Financial Decision Making,” Management Science, forthcoming.

·         Daniel Kahneman, Thinking, Fast and Slow, New York: Farrar, Strauss, Giroux, 2011.
·         Thomas Kramer and Lauren G. Block, “Conscious and Nonconscious Components of Superstitious Beliefs in Judgment and Decision Making,” Journal of Consumer Research, April 2008.
·         ———, “Like Mike: Ability Contagion through Touched Objects Increases Confidence and Improves Performance,” Organizational Behavior and Human Decision Processes, March 2014.
·         Jane L. Risen, “Believing What We Don't Believe: Acquiescence to Superstitious Beliefs and Other Powerful Intuitions,” Psychological Review, August 2015.
·         Jane L. Risen and Thomas Gilovich, “Why People Are Reluctant to Tempt Fate,” Journal of Personality and Social Psychology, March 2008.
Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: How to profit from magical thinking, Chicago Booth Review, Summer 2017.
Print Friendly and PDF