6.2.20

Virus Corona là một căn bệnh của chế độ chuyên quyền Trung quốc


VIRUS CORONA LÀ MỘT CĂN BỆNH CỦA CHẾ ĐỘ CHUYÊN QUYỀN TRUNG QUỐC
Một khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tuyên bố chiến thắng sự bùng phát của virus Corona chủng mới gây chết người, họ chắc chắn sẽ nói nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản (ĐCS) Trung Quốc. Nhưng sự thật thì ngược lại, đảng một lần nữa phải chịu trách nhiệm cho tai ương này.
28/01/2020, Minxin Pei
CLAREMONT, CALIFORNIA – Sự bùng phát virus Corona chủng mới ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã khiến 4.000 người bị nhiễm - hầu hết ở Trung Quốc, nhưng cũng lây lan sang nhiều quốc gia khác, từ Thái Lan đến Pháp, Mỹ - và đã giết chết hơn 100 người. Với lịch sử các trận bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc - bao gồm dịch suy hô hấp cấp (SARS) và dịch tả lợn Châu Phi - và giới quan chức biết rõ cần phải tăng cường khả năng giải quyết “các rủi ro lớn”, trận dịch này diễn biến như thế nào?
Không phải là điều ngạc nhiên khi lịch sử lặp lại ở Trung Quốc. Để duy trì nền chuyên chế, ĐCS Trung Quốc phải làm cho dân chúng tin rằng mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Việc này có nghĩa là phải ém nhẹm một cách có hệ thống các vụ bê bối và khuyết điểm có thể bôi xấu sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, thay vì triển khai những việc cần thiết để ứng phó [các rủi ro lớn].
Chủ ý bệnh hoạn này hầu giấu giếm dịch khiến cho các cơ quan chức năng lúng túng trong việc phản ứng nhanh với các trận dịch. Đáng lẽ dịch SARS diễn ra vào những năm 2002-03 có thể được ngăn chặn sớm hơn nếu các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả bộ trưởng bộ y tế, không cố tình che giấu thông tin. Nếu các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thích hợp được thực hiện, thì dịch SARS đã được ngăn chặn chỉ trong vòng vài tháng.
Nhưng Trung Quốc dường như không rút ra được bài học cho mình. Mặc dù trận dịch virus Corona hiện tại có nhiều khác biệt quan trọng với trận dịch SARS - kể cả tiến bộ vượt bậc về năng lực công nghệ theo dõi dịch bệnh - ĐCS Trung Quốc vẫn giữ thói quen bưng bít thông tin như thường lệ.
Chắc chắn là thoạt nhìn sẽ thấy chính phủ Trung Quốc có vẻ sẵn sàng hơn trong trận bùng phát dịch gần nhất. Tuy nhiên, mặc dù trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 8 tháng 12, nhưng nhiều tuần sau đó thì sở y tế thành phố Vũ Hán mới có thông báo chính thức. Và kể từ đó, các quan chức Vũ Hán cố tình ém nhẹm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và tìm mọi cách đàn áp truyền thông về dịch bệnh.
Nội dung thông báo đó khẳng định là không có bằng chứng về căn bệnh mới lây từ người sang người, và xác nhận rằng không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Sở y tế vẫn lặp lại những điều này vào ngày 5 tháng 1, mặc dù đã có 59 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận vào thời điểm đó. Thậm chí sau khi có trường hợp tử vong đầu tiên vào ngày 11 tháng 1, sở y tế vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng về căn bệnh mới lây từ người sang người, và xác nhận rằng không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.
Trong suốt thời điểm quan trọng này, có rất ít tin tức về trận dịch. Các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã làm việc cật lực để gỡ bỏ các nội dung có liên quan đến trận dịch trong công chúng, việc kiểm duyệt ngày nay dễ dàng hơn rất nhiều so với thời diễn ra dịch SARS, do chính phủ kiểm soát gắt gao Internet, truyền thông và xã hội dân sự. Công an đã quấy rối những người “phát tán tin đồn” về dịch bệnh. 
Theo một nghiên cứu, các nội dung có liên quan đến trận dịch trên WeChat - một ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội, và thanh toán di động của Trung Quốc - tăng đột biến trong những ngày từ 30 tháng 12 đến 4 tháng 1, cùng lúc với sở y tế Vũ Hán thông báo lần đầu về trận dịch. Nhưng sau đó các nội dung đề cập đến dịch bệnh đã chìm nghỉm.
Các nội dung có liên quan đến virus Corona chủng mới tăng nhẹ vào ngày 11 tháng 1, khi ca tử vong đầu tiên được thông báo, nhưng sau đó lại nhanh chóng biến mất. Chỉ sau ngày 20 tháng 1 - khi có thông báo về 136 trường hợp nhiễm bệnh ở Vũ Hán, và những ca ở Bắc Kinh và Quảng Đông - thì chính phủ mới giảm bớt kiểm duyệt. Các nội dung đề cập đến virus Corona bùng nổ.
Lại một lần nữa, chính phủ Trung Quốc đã phải trả giá đắt khi tìm mọi cách bảo vệ hình ảnh của mình, vì họ đã ngăn chặn các nỗ lực chống dịch ban đầu. Kể từ lúc đó, các cơ quan chức năng đã đổi thái độ, và chiến lược ứng phó hiện tại của họ cho thấy chính phủ lo ngại mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh như thế nào khi thực hiện các biện pháp quyết liệt: ban bố lệnh cấm rời khỏi địa phương bao trùm Vũ Hán và các thành phố lân cận của tỉnh Hồ Bắc, với tổng dân số là 35 triệu người.
Hiện tại, không rõ những biện pháp này có cần thiết hoặc có hiệu quả hay không, nếu có thì mức độ như thế nào. Điều rõ ràng là việc ứng phó ban đầu sai lầm đối với trận bùng phát virus Corana khiến cho hàng ngàn người bị nhiễm, hàng trăm người có thể sẽ chết, và nền kinh tế, vốn đã suy yếu do nợ nần và chiến tranh thương mại, sẽ gánh thêm một đòn trời giáng.
Nhưng có lẽ màn bi thiết nhất của câu chuyện này là có rất ít lý do để hy vọng rằng lần sau mọi chuyện sẽ khác. Sự tồn tại của chính phủ độc đảng phụ thuộc vào sự bưng bít, kiểm duyệt truyền thông, và hạn chế các quyền tự do dân sự. Vì vậy, ngay cả khi Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu chính phủ tăng cường năng lực ứng phó “các rủi ro lớn,” Trung Quốc sẽ tiếp tục xem nhẹ sự an toàn của chính họ - và cả thế giới, để duy trì quyền lực của ĐCS Trung Quốc.
Bùi Mẫn Hân (1957-)
Một khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tuyên bố chiến thắng trận dịch hiện tại, họ chắc chắn sẽ nói nhờ sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc. Nhưng sự thật thì ngược lại: đảng một lần nữa phải chịu trách nhiệm cho tai ương này.
Về tác giả:
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là Giáo sư về Nhà Nước công tác tại trường Claremont McKenna College và là cộng tác viên cao cấp không cư trú của Quỹ German Marshall của Mỹ.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy”, www.project-syndicate.org, 28/01/2020.
Print Friendly and PDF