29.2.20

Virus Corona bắt đầu phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới + Sự kiện Thiên Nga đen này sẽ có những hậu quả kinh tế toàn cầu

VIRUS CORONA BẮT ĐẦU PHỦ BÓNG ĐEN LÊN NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI
Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đang gây lo ngại cho các thị trường toàn cầu, nhưng đặc biệt là ở châu Á
Huyndai của Hàn Quốc, sở hữu những nhà máy được chụp ở đây vào ngày 10 tháng Hai, và những nhà sản xuất ô tô khác trên thế giới đang phải ngừng sản xuất do dịch Corona làm đảo lộn các chuỗi cung ứng. YELIM LEE/AFP/GETTY IMAGES
Tác động kinh tế dây chuyền của đợt bùng phát virus Corona mới ở Trung Quốc đang trở nên rõ ràng hơn trên toàn thế giới, với sự cắt giảm bất ngờ của Apple trong dự báo doanh số vì những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đang gieo kinh hoàng cho các thị trường toàn cầu và các chính phủ châu Á về việc giảm kì vọng tăng trưởng. Trong lúc đó, tâm lý của các nhà đầu tư Đức đang sụp đổ trong bối cảnh lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh này sẽ làm què quặt sự phục hồi mới chớm của ngành sản xuất thế giới.
Tác dụng phụ từ đợt bùng phát virus và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn nó, với hơn 70.000 ca được cho là bị nhiễm và 1.800 ca tử vong cho đến nay, đến ngay thời điểm đặc biệt khó khăn của những nền kinh tế như Nhật Bản và Đức, những nơi chỉ vừa mới phục hồi sau một năm những căng thẳng thương mại toàn cầu đè nặng lên sản xuất và xuất khẩu của họ. Virus đã tấn công ngành sản xuất ô tô toàn cầu đặc biệt nặng nề, điều này gây hậu quả trực tiếp không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và có thể thậm chí là Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc kiên quyết khẳng định tỉ lệ nhiễm mới đang ổn định, cùng với lợi nhuận kinh doanh biểu kiến đầu tháng này, thiệt hại kinh tế đang rõ ràng nhất ở trong lòng Trung Quốc. Một số lĩnh vực như ô tô đóng cửa hoàn toàn khi các nhà máy phải đối mặt với việc công nhân vắng mặt, thiếu hụt trong chuỗi cung ứng, và hầu hết các đại lý xe hơi vẫn đóng cửa. Các lĩnh vực khác, bao gồm khai khoáng, du lịch, xây dựng, bán lẻ, cũng đang bị ảnh hưởng lớn khi người tiêu dùng và công nhân Trung Quốc, bị hạn chế bởi những giới hạn di chuyển và nỗi sợ bị lây nhiễm, đã tạm dừng hầu hết các hoạt động thông thường của họ.
“Có vẻ càng lúc càng có nhiều khả năng rằng tháng Hai sẽ trở thành một sự xóa sổ về mặt kinh tế với Trung Quốc”, theo nhà tư vấn hàng hóa Wood Mackenzie trong một bài viết của ông.
Đa số các nhà dự báo dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề về mặt tăng trưởng trong quý đầu tiên trước khi phục hồi vào giai đoạn sau của năm - nhờ vào những kích thích kinh tế của chính phủ. Nhưng tâm lý về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ: Những khảo sát mới đây của các quản lý quỹ của Bank of America chỉ ra rằng các nhà đầu tư hàng đầu kì vọng chỉ số tăng trường GDP của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức hơn 5% một chút mỗi năm trong ba năm tới, một mức giảm lớn so với mức 6% trì trệ vào năm ngoái và còn xa so với thời yên bình với mức tăng trưởng hai chữ số chỉ mới một thập niên trước.
Sự phục hồi của Trung Quốc có thể minh chứng cho sự khó nắm bắt bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh để tăng cường cho vay và giảm lãi suất, theo Wood Mackenzie. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã dự định tiếp tục trả lương cho những công nhân vắng mặt trong thời gian ngừng hoạt động, nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ không thể làm như vậy vì nguồn doanh thu của họ đã bị thắt chặt. Điều đó có nghĩa là thu nhập của những người tiêu dùng ít đi, biến thứ đáng lẽ chỉ là tạm gián đoạn trong cầu nội địa với hàng tiêu dùng thành sự phá hủy tiềm tàng đối với cầu dài hạn (permanent demand), theo các nhà tư vấn.
Và mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm virus và tử vong xảy ra chỉ trong lòng Trung Quốc, sự sụp đổ kinh tế đang trở nên ngày càng rõ ràng giữa các nước láng giềng châu Á của nó. Vào thứ Ba, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố [tình trạng] khẩn cấp về kinh tế, kêu gọi những biện pháp liều lĩnh để giảm thiểu những tổn thất đối với một nền kinh tế đã đan xen sâu sắc với Trung Quốc. Về phần Singapore, họ đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong năm nay và đang lên kế hoạch cho một gói kích thích hàng tỉ đô la để bù đắp cho những hoạt động kinh tế bị mất. Thái Lan và Malaysia cũng đã cắt giảm các dự báo tăng trưởng, và Malaysia đang lên kế hoạch cho một gói kích thích kinh tế riêng để ngăn chặn thiệt hại.
Nhưng Nhật Bản, nơi có nhiều trường hợp nhiễm virus nhất ngoài Trung Quốc, có thể đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất sau một quý IV đã rất ảm đạm cho thấy nền kinh tế của nước này đang thu hẹp, với sự thu hẹp lớn nhất trong hơn năm năm qua. Những nhà sản xuất ô tô như Toyota và Nissan đã chứng kiến sản lượng bị gián đoạn cả ở những nhà máy Trung Quốc và nội địa, trong khi lượng khách du lịch inbound từ Trung Quốc đang bị tê liệt trong giai đoạn này. Điều đó làm tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái thực sự dành cho Nhật Bản, vốn chỉ mới tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ vào cuối năm ngoái và có thể cần phải đẩy mạnh hơn nữa để tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Thậm chí ở những nơi xa hơn, thứ virus này vẫn đang gây nguy hiểm. Các công ty Trung Quốc đang làm việc trong các dự án liên quan cho Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường quanh Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ bị chậm trễ và gánh chi phí cao hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhân công đang lan ra khắp các dự án trong khu vực (on the ground). Brazil, đang dựa vào thị trường Trung Quốc với vai trò là đối tác thương mại lớn nhất, có vẻ sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn vào năm nay do sự sụp đổ từ vụ dịch. Và, dĩ nhiên, việc chậm lại này có vẻ sẽ làm hỏng kế hoạch của Mỹ nhằm xuất khẩu nông sản, năng lượng và hàng hóa đã được chế biến/sản xuất sang Trung Quốc, điều này có thể trì hoãn bất kì sự phục hồi thực tế nào trong Vành đai nông nghiệp (Farm Belt) và Vành đai công nghiệp (Rust Belt).
Và châu Âu cũng bắt đầu lo lắng. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen đã chứng kiến việc sản xuất bị ảnh hưởng tại các nhà máy ở Trung Quốc, và bắt đầu gia tăng mối lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tại các nhà máy châu Âu.
Các nhà đầu tư ở Đức lo sợ điều tồi tệ nhất, sau một năm ảm đạm đối với nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, bị sa lầy vào việc sụt giảm sản xuất do triển vọng khủng khiếp vào lĩnh vực ô tô trọng điểm của nó. Vào thứ ba, khảo sát ZEW về các nhà đầu tư Đức cho thấy một sự sụp đổ trong tâm lý của họ, với nỗi sợ rằng thứ virus này và tác động trực tiếp của nó lên Trung Quốc sẽ đảo lộn thương mại toàn cầu và làm què quặt sự phục hồi nền kinh tế hướng xuất khẩu của Đức.
Triển vọng ảm đạm này đã đưa đồng euro lên mức thấp kỉ lục trong ba năm vừa qua so với đô la, mặc cho những tràng tố cáo của tổng thống Mỹ Donald Trump về cạnh tranh không công bằng giữa các đồng tiền yếu hơn, chỉ có nguy cơ nhồi thêm một cú căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương nữa.
Keith Johnson là cây bút lâu năm tại  Foreign Policy. Twitter: @KFJ_FP
Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: Coronavirus Begins to Spread Economic Gloom Worldwide, ForeignPolicy, 18 tháng 2, 2020

* * *
SỰ KIỆN THIÊN NGA ĐEN NÀY SẼ CÓ NHỮNG HẬU QUẢ KINH TẾ TOÀN CẦU
Virus Corona đã đóng cửa hai phần ba nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Chỉ mới vài tuần trước, tôi vừa xem qua triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF cho năm 2020. Báo cáo này đưa ra một cách tiếp cận tích cực thận trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, có lưu ý đến những rủi ro chiến tranh thương mại, bất ổn Brexit, và sự kém hiệu quả của các nền kinh tế mới nổi có thể làm chậm quá trình phục hồi. Tuy nhiên, một vấn đề mà không ai có thể lường trước là sự xuất hiện của những sự kiện Thiên Nga Đen.
Trong khi một số sự kiện trên thu hẹp phạm vi sớm hơn một số sự kiện khác, sự bùng phát của virus Corona, thứ đã biến thành một đại dịch đã gây tổn hại cho hoạt động kinh tế của Trung Quốc rồi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã bị đợt bùng phát này bắt làm con tin theo đúng nghĩa đen vì nó không hề có dấu hiệu giảm đi.
Năm mới đã bắt đầu bằng một nét lạc quan với những thị trường hồi phục đáng kể từ đáy vực của mùa hè trước đó. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc trong tháng 1 hứa hẹn sẽ mang lại sự bình thường cho thị trường và tâm lý nhà đầu tư nói chung. Sau đó thông tin về sự lây lan của virus Corona từ tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc xuất hiện. Cho đến lúc này đã có 20.704 người bị nhiễm, 427 người tử vong và 727 người đã hồi phục.
Các biện pháp phi thường đã được chính quyền Trung Quốc tiến hành để kiểm soát tình hình - kéo dài kì nghỉ tết âm lịch, ngăn việc di chuyển ra vào những vùng đã bị nhiễm dịch và hủy tất cả các sự kiện công cộng. Tuy nhiên, việc này đã tác động ngược lên hoạt động kinh tế vì các tỉnh và thành phố đóng góp hai phần ba vào nên kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng ngừng hoạt động kinh doanh trong tuần này.
Thị trường tài chính Trung Quốc đã mở vào thứ Hai này với mức giảm mạnh đến 7,7% làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Để ổn định hệ thống tài chính, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp sau vào thứ Hai:
·         PBoC đã bơm thêm 500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 71,2 tỷ USD) thanh khoản thông qua các thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) vào hệ thống tài chính ngày hôm nay, thêm vào khoản bơm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (174 tỷ USD) vào thứ Hai, trong khi cắt giảm lãi suất trong hợp đồng mua lại 7 ngày và 14 ngày một khoản là 10 điểm cơ bản.
·         Theo Reuters, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc kêu gọi một số nhà quản lý quỹ tương hỗ không bán cổ phiếu trừ khi họ phải đối mặt với các khoản chuộc lại của nhà đầu tư.
·         Các công ty môi giới như Citic Securities và tập đoàn China International Capital đã bị cơ quan quản lý nước này cấm bán cổ phiếu vay.
·         Bloomberg xác nhận rằng các nhà giao dịch độc quyền sẽ không được phép trở thành bán cổ phiếu thuần (net sellers of equities) trong tuần này.
·         Việc giao dịch các hợp đồng giao sau (futures) đã bị đình lại cho đến khi có thông báo mới.
·         Các doanh nghiệp có thể hoãn việc báo cáo kết quả tài chính và các quy tắc quản lý tài sản mới cũng bị hoãn.
Tất cả những điều này được thực hiện để xoa dịu sự căng thẳng của các nhà đầu tư, cải thiện điều kiện thị trường và tránh hoảng loạn. Các kết quả hiện nay rất đáng khích lệ với sự phục hồi thị trường Trung Quốc khoảng 1,5% và chỉ số Dow tăng hơn 400 điểm. Thông tin về sự phục hồi hôm nay (5 tháng 2) trên Báo cáo của Reuters cho rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể cắt giảm lãi suất cho vay chính cũng như tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng (reserve requirement ratios (RRRs)) nhiều hơn nữa trong những tuần tới để ổn định nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Biểu đồ của Goldman Sachs
Vẫn cần phải xem điều này có chứng minh là đang có một sự từ bỏ tạm thời về mặt kĩ thuật hoặc thứ gì đó có ý nghĩa hơn. Tôi nghi ngờ bất kì sự phục hồi đáng kể nào thấy được ở những thị trường rộng lớn hơn trừ phi nỗi sợ về sức khỏe được ngăn chặn. Lúc này, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đối phó với nó. Các nhà phân tích đã đưa ra những con số về cách thức sự kiện thiên nga đen này sẽ tấn công Trung Quốc, các nước láng giềng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và toàn thế giới trên diện rộng.
Nền kinh tế Trung Quốc vốn tăng trưởng ở mức lành mạnh là 6% bất chấp cuộc chiến tranh thương mại rõ ràng sẽ bị tấn công nặng nề nhất. Tommy Wu tại Oxford Economics ước lượng đợt bùng phát này sẽ lấy đi 2% GDP của Trung Quốc trong quý này, nhưng đến cuối năm, nó sẽ chỉ thu lại còn 0,6% (theo biểu đồ trên). Nợ toàn cầu ở mức -0,5% vẫn bấp bênh nếu cân nhắc đến sự phục hồi mong manh mà chúng ta đã chứng kiến trong quý 4 năm 2018.
Lưu ý rằng điều này chỉ dựa trên việc virus chỉ giới hạn phạm vi trong quý đầu tiên - nếu không thì sẽ tệ hơn rất nhiều.

Tác giả
Chuyên gia nội dung về Tiền mật mã | Blockchain | Thị trường tài chính | Công nghệ | Tương lai | Khoa học | Không gian
Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Print Friendly and PDF