DOMINATION [Sự thống trị]
Tác giả: François Denord
Nếu xã hội học của Pierre Bourdieu thường được coi là xã hội học về sự thống trị thì khái niệm này chỉ dần dần xuất hiện trong sự nghiệp của ông, mặc dù thuật ngữ này đã xuất hiện trong tác phẩm của ông về xã hội Algérie. Bourdieu sử dụng nó, không chỉ để xác định các mối quan hệ nam/nữ [Xã hội học về Algérie/Sociologie de l’Algérie], mà còn để mô tả tính đặc thù của hệ thống thuộc địa, cụ thể là cán cân quyền lực giữa một “xã hội Châu Âu thống trị” và “một xã hội Algérie bị thống trị” [PB 1961a]. Quá trình thuộc địa hóa “ép buộc người thuộc địa phải áp dụng luật pháp của người thực dân, trong các vấn đề kinh tế và thậm chí cả trong lối sống” [PB 1966i: 130]. Ngầm dựa đến Karl Marx, Bourdieu cũng đề cập đến giai cấp thống trị trong một số tác phẩm của ông về xã hội học giáo dục và văn hóa vào cuối những năm 1960 [PB 1967c; 1968a]. Nhưng chính việc đọc kỹ Max Weber, cũng như những bài giảng và buổi hội thảo mà ông dành cho Max Weber [Gemperle 2008], đã khiến ông hệ thống hóa việc sử dụng thuật ngữ thống trị vào đầu những năm 1970.
Tiếp sau Max Weber, sự thống trị có thể được định nghĩa là khả năng một mệnh lệnh được chấp hành mà người ra lệnh không nhất thiết phải sử dụng thể lực. Thật vậy, qua thuật ngữ “sự thống trị”, chúng tôi muốn nói đến một ý chí đã được khẳng định (một “mệnh lệnh”) của “(những) người thống trị” tìm cách gây ảnh hưởng đến hành động của những người khác (của những người “bị thống trị”) và thực sự ảnh hưởng đến hành động này, khi mà, ở một mức độ có ý nghĩa về mặt xã hội, hành động này diễn ra như thể kẻ bị thống trị đã biến nội dung của mệnh lệnh này thành châm ngôn cho hành động của họ (“sự phục tùng”).” [Weber 2013: 49] Sự thống trị đòi hỏi sự phục tùng nhanh chóng và tự động “nhờ một khuynh/thiên hướng sở đắc”, “ý chí tuân theo tối thiểu, tức là một lợi ích từ bên ngoài hoặc từ bên trong để tuân theo” [Weber 1995: 285]. Do đó, không có sự thống trị nào mà không có sự đồng lõa tích cực của kẻ bị thống trị.
Bourdieu và Jean-Claude Passeron sử dụng khái niệm thống trị trong La Reproduction/Sự tái sản sinh [1970] để chỉ ra, liên quan đến hệ thống giáo dục, một hình thức bạo lực mang tính biểu tượng đã che giấu và chính đáng hóa sự võ đoán xã hội như thế nào: sự đồng nhất giữa văn hóa học đường và văn hóa tư sản. Các tác giả mở rộng định nghĩa của Weber bằng cách huy động Émile Durkheim và Marx [LR: 18-19]. Một mặt, sự thống trị có thể không cần đến mối quan hệ liên cá nhân và việc ra lệnh. Như Durkheim [1999: 277] viết trong Tự tử, “tất cả mọi người, ít nhất là nói chung, […] hòa hợp với hoàn cảnh của mình và chỉ mong muốn những gì mình có thể trông đợi một cách chính đáng như cái giá bình thường cho hoạt động của mình.” Do đó, sự thống trị gợi lên cái mà Durkheim gọi là quy định xã hội. Mặt khác, hoàn toàn không bị giới hạn bởi quyền lực của một tác nhân này đối với một tác nhân khác, sự thống trị thể hiện mối quan hệ giai cấp trên bình diện vật chất và trí tuệ. Bourdieu thường xuyên trích dẫn Hệ tư tưởng Đức/L’Idéologie allemande, trong đó Marx và Friedrich Engels viết rằng “tư tưởng của giai cấp thống trị, trong mọi thời kỳ, đều là tư tưởng thống trị” [Marx và Engels 1966: 74]. Bằng cách kết hợp Weber, Durkheim và Marx, sự thống trị xuất hiện như khả năng của một giai cấp trong việc áp đặt văn hóa và lợi ích của mình là chính đáng và khiến sự áp đặt này được xem là không mang tính võ đoán. Chẳng hạn, Bourdieu và Passeron cho thấy rằng tại trường đại học, và rộng hơn là trong toàn xã hội, có sự phân công lao động về sự thống trị giữa giai cấp tiểu tư sản và giai cấp đại tư sản, được kết hợp bởi mối quan hệ phụ thuộc và bổ sung cho nhau để duy trì một trật tự đạo đức, văn hóa và chính trị phục vụ cho cả hai giai cấp [LR: 242].
Không có xã hội nào không có thứ bậc. Sự thống trị là một khái niệm trung tâm trong xã hội học của Bourdieu vì ông quan niệm thế giới xã hội như một không gian được cấu trúc bởi các mối quan hệ quyền lực thể hiện sự bất bình đẳng, đặc biệt là về giới tính [Sự thống trị của nam giới] và giai cấp. Sự thống trị có được sức mạnh từ mối quan hệ “mang tính doxa (tư tưởng hay ý kiến kiến chủ đạo)” mà các tác nhân duy trì với thế giới xã hội. Bourdieu thậm chí còn nói đến một “nghịch lý của doxa” để chỉ ra “thực tế là trật tự thế giới như nó vốn có, với những con đường một chiều và những con đường bị cấm, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, các nghĩa vụ và các biện pháp trừng phạt của nó đều được tôn trọng một cách đại khái” [DM: 11]. Theo ông, cần phân biệt hai hình thức thống trị chính [PB 1976d]. Trong các xã hội “tiền tư bản chủ nghĩa” hay xã hội truyền thống, sự thống trị trực tiếp, từ người đến người, hoạt động dưới hình thức quà tặng và nợ nần. Nó đòi hỏi kẻ thống trị phải hoạt động không ngừng nghỉ để tìm kiếm sự gắn bó của những người phục vụ hắn và kết hợp chặt chẽ mối đe dọa của bạo lực thể xác và bạo lực biểu tượng. Điều này không có nghĩa là trong những xã hội mà “logic danh dự” chiếm ưu thế, sự thống trị không có nền tảng kinh tế. Các trao đổi, bao gồm cả những trao đổi được xem là không vụ lợi, đều có mục đích tích lũy lợi nhuận vật chất hoặc biểu tượng. Tuy nhiên, “các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa sơ khai không đưa ra các điều kiện cho một sự thống trị phi cá nhân, và càng không tạo điều kiện cho sự tái sản sinh các mối quan hệ thống trị một cách phi cá nhân” [PB 1994g: 9]. Sự tái sản sinh này giả định rằng đã có một hình thức tự trị của các không gian xã hội khác nhau: hệ thống giáo dục, thị trường lao động, v.v.. Trong một xã hội đã phân hóa, nơi nhiều lĩnh vực xã hội cùng tồn tại, sự thống trị được vận hành từ xa và hiếm khi là trực tiếp. Nó thông qua các thể chế (Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, v.v.) và các cơ chế chung dựa vào các nguồn lực đặc thù (đặc biệt là vốn văn hóa và vốn kinh tế). Bourdieu giải thích: “Sự khách quan hóa trong các thể chế đảm bảo tính lũy tích và tính lâu dài của những gì đã được thụ đắc, cả về vật chất lẫn biểu tượng, có thể tồn tại mà không cần tác nhân phải tái tạo chúng một cách liên tục và đầy đủ thông qua hành động có chủ đích.” [Le Sens pratique: 225]/Cảm thức thực tiễn: 225] Đây là lý do tại sao các thành viên của các nhóm lãnh đạo của giai cấp thống trị lại có lợi khi đầu tư vào hệ thống trường học, và đặc biệt là vào các Trường Lớn (Grandes Écoles), bởi vì các trường này chính đáng hóa các vị trí mà nếu không thì sẽ không có lợi ích nào khác ngoài việc xác nhận tính võ đoán của dòng dõi [PB 1975f: 102]. Sự thống trị cần sức mạnh vật chất và biểu tượng của các thể chế. Đó chính là toàn bộ sức mạnh của Nhà nước khi nó chiếm lấy sự độc quyền về bạo lực thể chất và bạo lực biểu tượng chính đáng [Về Nhà nước], nghĩa là hai trong số những thuộc tính thiết yếu của sự thống trị trong các xã hội truyền thống.
Các chiến lược tái sản sinh được những kẻ thống trị sử dụng tùy thuộc vào phương thức thống trị [PB 1994g]. Trong khi ở các xã hội truyền thống, chiến lược hôn nhân có tầm quan trọng hàng đầu thì ở các xã hội bị phân hóa, việc đạt được bằng cấp hoặc sáp nhập vào các cơ quan trở thành yếu tố quyết định. Tất nhiên, sự thống trị không được thực hiện theo cách giống nhau ở mọi không gian xã hội nơi quyền lực là điều được hay mất. Các mối quan hệ thống trị không chỉ có tính chất thứ bậc trong không gian xã hội mà chúng còn có thể có thứ bậc tùy theo trường theo logic riêng của trường. Mỗi cơ cấu thống trị đều đi kèm với các hình thức chính đáng hóa huy động các nguồn lực kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc biểu tượng của những người nắm giữ chúng. Do đó, Bourdieu chỉ ra rằng giai cấp thống trị tự nó tạo thành một không gian đủ tự trị để được phân tích như một trường, trong đó sự cạnh tranh diễn ra có mục tiêu là xác định đâu là nguyên tắc thống trị của sự thống trị.
Tuy là đối thủ về mặt quyền lực, những kẻ thống trị vẫn tương đối đoàn kết. Khi các cơ chế khách quan để tái sản sinh các mối quan hệ thống trị phát triển – và do đó được những người bị thống trị nhận thức – những kẻ thống trị phải sử dụng các hình thức bạo lực mang tính biểu tượng rất nhẹ nhàng, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sụ truyền thông, cách thức quản lý, v.v.. Và như vậy các “kênh chính đáng hóa” của giai cấp thống trị được nối dài. Nếu tính đặc thù của lợi ích của các thành viên (thuộc giai cấp thống trị) trở nên quá rõ ràng và nếu sự gần gũi thực sự hoặc tiềm năng của họ được tất cả mọi người biết đến, thì các hình thức chính đáng hóa chéo mà họ tham gia trên sân khấu công cộng (bao gồm cả sự chống đối chính trị hoặc sự cạnh tranh kinh tế) sẽ mất đi phần lớn hiệu quả của chúng [La Noblesse d’État/Quý tộc Nhà nước: 548-559]. Và nếu những kênh chính đáng hóa này không xuất hiện rõ ràng hơn, thì đó cũng là do các tác nhân chiếm giữ trường quyền lực thường thường có nhiều vị trí. Do đó, chúng ta có nguy cơ quy lập trường của họ với những địa vị khó giải thích được những lập trường này và thậm chí, ngược lại, mang lại cho chúng vẻ bề ngoài của sự vô vụ lợi [Boltanski 1973].
Những chiến lược phức tạp này nhắc nhở chúng ta rằng sự thống trị sẽ hoạt động tốt hơn khi nó được xem là tự nhiên. Do đó, Bourdieu cho thấy những nguyên tắc phân chia nhất định có thể tồn tại như thế nào, từ xã hội truyền thống đến xã hội đương đại. Đặc biệt, đây là trường hợp về sự thống trị của nam giới. Trong xã hội Kabyle, sự thống trị của nam giới tạo thành nguyên tắc của một tổ chức vật chất và mang tính biểu tượng nhằm đề cao sự nam tính và che giấu sự nữ tính. Nếu ngày nay nó không còn có thể được áp đặt dưới hình thức tàn bạo này nữa, thì nó vẫn là một nguyên tắc cấu trúc hóa không gian xã hội: các kênh giáo dục cao quý nhất được dành riêng cho nam giới, cũng như việc tiếp cận các ngành nghề danh giá nhất hoặc sinh lợi nhiều nhất vẫn là vấn đề đối với phụ nữ. Sự thống trị của nam giới được sáp nhập. Nó áp đặt “một định nghĩa khác biệt về việc sử dụng chính đáng cơ thể, đặc biệt là tính dục, có xu hướng loại trừ khỏi vũ trụ những điều khả thi và có thể hình dung được, mọi thứ đánh dấu sự thuộc về giới tính kia” [DM: 40]. Sự thống trị của nam giới, được khách quan hóa trong trật tự của Nhà nước, trường học hoặc gia đình, làm thu hẹp không gian của những khả thi đối với phụ nữ, hạn chế những kỳ vọng chủ quan của họ vào những cơ hội khách quan của chúng. Do đó, nó cho thấy một cách phóng đại cơ chế của mọi sự thống trị.
François Denord
Nhà nghiên cứu CNRS (CESSP)
📖 BOLTANSKI L., 1973, “L’espace positionnel: multiplicité des positions institutionnelles et habitus de classe”, Revue française de sociologie, vol. 14, no 1, p. 3-26. – DURKHEIM É., 1999, Le Suicide, Paris, PUF (1897). – GEMPERLE M., 2008, “La fabrique d’un classique français: le cas de Weber”, Revue d’histoire des sciences humaines, no 18, p. 159-177. – MARX K. et F. ENGELS, 1966, L’Idéologie allemande. Première partie. Feuerbach, Paris, Éd. sociales. – WEBER M., 1995, Économie et société, Paris, Pocket (1971). – WEBER M., 2013, La Domination, trad. fr., Paris, La Découverte (1914).
☛ ACCUMULATION, ALGÉRIE, ARBITRAIRE, AUTONOMIE, BOURGEOISIE(S), CAPITAL CULTUREL, CAPITAL ÉCONOMIQUE, CHAMP, CHAMP DU POUVOIR, CLASSE(S) DOMINANTE(S), CLASSE(S) SOCIALE(S), COMMUNICATION, CORPS, CULTURE, DÉSINTÉRESSEMENT, DIFFÉRENCIATION, DISPOSITION(S), DIVISION DU TRAVAIL, DOMINATION MASCULINE (LA), DON, DOXA, DURKHEIM, ÉDUCATION, ENSEIGNEMENT, ESPACE SOCIAL, ESPÉRANCES, ÉTAT, FORCE, GENRE, GRANDES ÉCOLES, HIÉRARCHIE, HONNEUR, IMPOSITION, INCORPORATION, INSTITUTION(S), LÉGITIMATION, MANAGEMENT, MARXISME, MÉCONNAISSANCE, MÉDIAS, NATURALISATION, NOBLESSE D’ÉTAT (LA), ORDRE SOCIAL, PASSERON, POSITION(S), POSSIBLES, PRISE(S) DE POSITION, REPRODUCTION (LA), SEXUALITÉ, SOCIOLOGIE DE L’ALGÉRIE, STRATÉGIE(S), STYLE DE VIE, SUR L’ÉTAT, TRAVAIL, VIOLENCE SYMBOLIQUE, WEBER
Thư mục:
1958 [SA] Sociologie de l’Algérie, PUF, “Que sais-je”, rééd. 1960, 2001*.
[1970] [LR: 18-19] La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d’enseignement (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.
1980 [SP: 225] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.
1998 [DM: 11] La Domination masculine, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2002.
1989 [NÉ: 548-559] La Noblesse d’État. Grandes Écoles et esprit de corps, Paris, Minuit.
2012 [SÉ] Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.
[PB 1976d] “Les modes de domination”, ARSS, no 2-3, p. 122-132.
[PB 1994g: 9] “Stratégies de reproduction et modes de domination”, ARSS, no 105, p. 3-12.
[PB 1975f: 102] “Le titre et le poste. Rapports entre le système de production et le système de reproduction” (avec L. Boltanski), ARSS, no 2, p. 95-107.
[PB 1961a] “Révolution dans la révolution”, Esprit, no 1, p. 27-40.
[PB 1966i: 130] “Une sociologie de l’action est-elle possible?” (avec J.-D. Reynaud), Revue française de sociologie, vol. 7, no 4, p. 508-517
[PB 1967c] “Systèmes d’enseignement et systèmes de pensée”, Revue internationale des sciences sociales, vol. 19, no 3, p. 367-388.
[PB 1968a] “Éléments d’une théorie sociologique de la perception artistique”, Revue internationale des sciences sociales, vol. 20, no 4, p. 640-664.
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.
* * *
DOMINATION MASCULINE (LA) [Sự thống trị của nam giới]
Khi cuốn La Domination masculine/Sự thống trị của nam giới được NXB Seuil xuất bản năm 1998, trong tủ sách “Liber”, các cuộc tranh luận về sự bình đẳng giữa hai giới trong các hội đồng dân cử và về hợp đồng hôn nhân dân sự dành cho các cặp đồng tính luyến ái đang chiếm lĩnh lãnh vực thời sự chính trị Pháp và, ở trường đại học, các nghiên cứu nữ quyền đang trải qua sự tăng trưởng chưa từng thấy. Lịch sử phụ nữ, xã hội học lao động và xã hội học về các quan hệ xã hội giữa hai giới, các cuộc điều tra lớn về tình dục của Viện Nghiên cứu Dân số học Quốc gia và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia, các nghiên cứu khoa học chính trị về giới tính của quyền công dân và quyền lực, các công trình lý thuyết của các nhà nữ quyền duy vật hay thậm chí là nhân học tân cấu trúc về các mối quan hệ giữa hai giới tạo thành một số lãnh vực nổi bật của trường nghiên cứu này đang trong quá trình cấu trúc hóa. Bối cảnh chính trị và học thuật này đã khuyến khích Pierre Bourdieu hoàn thành một công trình đã bắt đầu khoảng mười năm trước [PB 1990g].
Thành công ngay lập tức của La Domination masculine/Sự thống trị của nam giới (70.000 bản được bán trong năm 1998, một trong những cuốn tiểu luận bán chạy nhất trong năm), ngoài sự cộng hưởng của nó với thời sự, còn do lượng độc giả của Bourdieu được nới rộng kể từ khi cuốn Sự khốn khổ của thế giới/La Misère du monde được xuất bản năm 1993, sự cam kết của ông với những người đình công vào năm 1995 và sự ra mắt NXB Liber-Raisons d'agir vào năm 1996. Mức độ tổng quát cao của tác phẩm – đề cập đến “sự thống trị của nam giới” trong 140 trang – và việc là đây là một người đàn ông viết trên chủ đề đó, một chủ đề “gần như là hoàn toàn độc quyền […] của phụ nữ” theo Bourdieu [DM: 156] hay nói cách khác, bị nam giới bỏ qua, cũng góp phần tạo nên sự đón nhận đặc biệt trong công chúng và giới truyền thông. Ngược lại, ý kiến của các chuyên gia về quan hệ giới tính rõ ràng mang tính phê phán quan trọng hơn.
Được chia thành ba chương có thêm lời bạt về “sự thống trị và tình yêu” và một phụ lục về “phong trào đồng tính nam và đồng tính nữ”, cuốn sách tập trung chủ yếu vào khía cạnh biểu tượng của sự thống trị của nam giới và việc phụ nữ sáp nhập khía cạnh này vào sự thống trị [DM: 12.]. Hai chương đầu tiên một mặt dựa trên nghiên cứu được thực hiện trước đây về văn hóa Kabyle ở Algérie [Sociologie de l’Algérie, Le Déracinement/Xã hội học Algérie, Sự bứng khỏi rễ] được coi là một “hình ảnh phóng đại” [DM: 17] về sự thống trị của nam giới trong các xã hội phương Tây, và mặt khác trên sự phân tích mối quan hệ giữa hai giới trong cuốn tiểu thuyết A Walk to the Lighthouse của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu trên tạp chí Liber [PB 1989f]. Từ các tài liệu này được nghiên cứu lại rất nhiều [Krais 1999], Bourdieu muốn chỉ ra rằng “cách mà [sự thống trị của nam giới] được áp đặt và bị chịu đựng” tạo thành “ví dụ điển hình” về cái mà ông gọi là “bạo lực biểu tượng”, một bạo lực nhẹ nhàng, không thể cảm nhận, vô hình đối với chính nạn nhân của nó, về cơ bản được thực hiện thông qua các kênh mang tính biểu tượng thuần túy của sự truyền thông và kiến thức hay chính xác hơn là sự thiếu hiểu biết” [DM: 12]. Các ví dụ liên quan đến cả thứ bậc biểu tượng giữa nam tính và nữ tính trong hệ thống “nghi lễ-thần thoại” lẫn các thực tiễn xã hội thông thường (khiêu dâm, hôn nhân, nghề nghiệp, v.v.) nhằm mục đích đặc biệt là minh họa việc phụ nữ sáp nhập sự thống trị và cách thức trong đó phụ nữ “có thể vui vẻ hoàn thành (theo cả hai nghĩa) những nhiệm vụ ở bậc thấp hoặc phụ thuộc được giao cho họ dựa trên đức tính phục tùng của họ” [DM: 83]. Trong chương thứ ba, suy nghĩ về chiều hướng cấu trúc và xuyên lịch sử của sự thống trị của nam giới, ông khẳng định rằng điều ưu tiên về mặt nhận thức luận về một “lịch sử của phụ nữ” là nghiên cứu về các thể chế (Trường học, Nhà nước, Nhà thờ) vốn góp phần nhằm tái sản sinh những bất đối xứng giữa hai giới và “vĩnh cửu hóa” chúng khi xóa mờ chiều kích lịch sử của chúng [DM: 55].
Tìm lại truyền thống nữ quyền phê phán tự nhiên luận, đồng thời huy động khung phân tích xã hội học của riêng ông, sự mô tả sự sáp nhập sự thống trị bởi phụ nữ đã tiết lộ cho một số nam nữ độc giả tính chất vừa mang tính cấu trúc vừa võ đoán của hệ thống thứ bậc giữa hai giới. Trong khi chia sẻ mục đích bộc lộ này, các nhà xã hội học, các nhà nhân học và các nữ sử gia về giới tính đã thảo luận về nhiều khía cạnh của công trình mà từ đó ta có thể xác định được hai trục chính. Trục thứ nhất đặt trọng tâm vào điều khi chỉ tập trung vào bạo lực biểu tượng được thực hiện “trên cơ thể, trực tiếp và như thể bằng phép thuật, bên ngoài bất kỳ ràng buộc thể chất nào” [DM: 59], sự phân tích đã che khuất một phần cơ bản trong trải nghiệm của những người bị thống trị. [Perrot et all. 1999; Thébaud 2006]: đó là sự cưỡng bức về mặt pháp lý và thể chế, cũng như về thể chất (dưới hình thức bạo lực thể chất và tình dục) cũng như trải nghiệm các cơ chế của “sự phản kháng của nam giới” trước sự phản kháng của phụ nữ đối với những sự cưỡng bức này [Mathieu 1999: 316]. Sự im lặng của La Domination masculine/Sự thống trị của nam giới đối với các quá trình xung đột này (cho dù chúng bén rễ trong các cuộc đấu tranh nữ quyền có tổ chức hay trong các sự lệch lạc của cá nhân đối với các vai trò được phân định cho phụ nữ) cũng liên quan đến cuộc điều tra ở Kabylie, cơ sở của phân tích của Bourdieu. Các cuộc đấu tranh của phụ nữ, xảy ra ở Kabylia trong suốt bốn mươi năm sau cuộc điều tra thực địa do Bourdieu thực hiện trong những năm 1950, đã không được đề cập đến và các mối quan hệ giới tính ở Kabylie được cho là bất biến [Louis 1999].
Loạt bài phê bình thứ hai liên quan đến cách Bourdieu dự định thúc đẩy thông qua cuốn sách này “một phân tích có khả năng tạo ra một định hướng khác” cho các “nghiên cứu về thân phận của phụ nữ” [DM: 156] mặc dù không hiểu biết về các vấn đề và tranh luận trong trường này [Lagrave 2003; Devreux và cộng sự. 2002], bắt đầu bằng sự phê phán chính thuật ngữ “thân phận của phụ nữ”, từ lâu đã được thay thế bằng các khái niệm mang tính quan hệ (“quan hệ”, “giới tính” [Mathieu 1999: 306]). Tương tự, Bourdieu dường như đối lập những sự lệch lạc của những kiến thức mang tính nữ quyền với các đặc quyền nhận thức của kiến thức của người đồng tính nam khi ông cảnh báo các nhà nữ quyền về nguy cơ “đưa sự bảo vệ chính trị cho các quyền lực cá biệt vào trường khoa học” [DM: 124], tuy vẫn cho rằng những người đồng tính luyến ái, ngược lại, “được trang bị đặc biệt để […] sử dụng những lợi thế liên quan đến chủ nghĩa đặc thù để phục vụ cho chủ nghĩa phổ quát, đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh lật đổ” [DM: 134]. Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, các nghiên cứu về nữ quyền đã định hình lại cuộc tranh luận này về các đặc quyền hoặc các sự lệch lạc về mặt nhận thức của những người nam nữ bị thống trị bằng cách chỉ ra sự định vị xã hội của bất kỳ tư thế trí thức nào, dù là “tư thế bị thống trị” hay “tư thế thống trị” [Bourcier 2003]. Bằng cách lảng tránh tư thế mà từ đó diễn ngôn của ông được phát triển “trong khi giản lược diễn ngôn nữ quyền thành diễn ngôn của chính mình” [Gaussot 2008: 191], Bourdieu dường như đã rơi vào một hình thức của một thứ nhận thức luận lấy nam giới làm trung tâm mà một số chiều kích đã bị chính ông giải ngộ trong tác phẩm của mình: cách thức mà hệ thống thứ bậc của nam tính và nữ tính đã cấu trúc các mô hình nhận thức, tư duy và hành động được phân tích thông qua một số ví dụ từ thực địa điều tra của ông ở Kabylie.
Hậu thế của Sự thống trị của nam giới lưu giữ dấu vết của sự tiếp nhận tương phản này: được các thế hệ mới liên tục phát hiện, tác phẩm, được dịch sang khoảng 20 ngôn ngữ, đã góp phần chính đáng hóa sự thống trị của nam giới như một đối tượng xã hội học. Tuy nhiên, quan điểm đứng trên của tác phẩm này đối với các nghiên cứu về giới và sự thiếu hiểu biết về các vấn đề được tranh luận, đã không tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại của Bourdieu với trường nghiên cứu này, trong đó việc bộc lộ tính võ đoán về thứ bậc giữa hai giới không có gì là mới lạ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục suy nghĩ về các mối quan hệ và chuẩn mực giới tính trong tư thế “với và chống lại Bourdieu” [Lovell 2000]: “vốn”, “sự sáp nhập” hoặc “tập tính chia rẽ” tiếp tục được huy động và chỉnh sữa không phải để nắm bắt “các hằng số ẩn” [DM: 61] về sự thống trị của nam giới mà để phân tích tính linh hoạt về mặt lịch sử xã hội của cả các phương thức của nó và các cuộc tranh cãi mà nó phải đối mặt.
Juliette Rennes
Phó giáo sư EHESS (CEMS)
📖 KRAIS B., 1999, “Autour du livre de Pierre Bourdieu, La Domination masculine”, Travail, genre et sociétés, no 1, p. 214-221. – LAGRAVE R.-M., 2003, “La lucidité des dominées”, in P. ENCREVÉ et R.-M. LAGRAVE, Travailler avec Bourdieu, Paris, Flammarion, rééd. “Champs”, p. 311-321. – THÉBAUD F., 2006, “Propos d’historienne sur la domination masculine”, in H. MÜLLER et Y. SINTOMER, Pierre Bourdieu, théorie et pratique, Paris, La Découverte, p. 175-189.
☛ ALGÉRIE, AMOUR, ARBITRAIRE, CAPITAL, CHAMP SCIENTIFIQUE, BONHEUR, COMMUNICATION, DÉRACINEMENT (LE), DOMINATION, GENRE, GRÈVES DE 1995, HABITUS CLIVÉ, HIÉRARCHIE, ILLUSIO, INCORPORATION, INSTITUTION(S), KABYLIE, “LIBER”, LIBER, LUTTE(S), MÉCONNAISSANCE, MISÈRE DU MONDE (LA), PERCEPTION, PRATIQUE, RAISONS D’AGIR (ÉDITIONS), SCHÈME(S), SEXUALITÉ, SEUIL, SOCIOLOGIE DE L’ALGÉRIE, STRUCTURE(S), SYSTÈME, UNIVERSEL, VIOLENCE SYMBOLIQUE, WOOLF
Chú thích:
1958 [SA] Sociologie de l’Algérie, PUF, “Que sais-je”, rééd. 1960, 2001*.
1964 [DÉ] Le Déracinement. La crise de l’agriculture traditionnelle en Algérie (avec A. Sayad), Paris, Minuit.
1993 [MM] La Misère du monde (et al.), Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1998.
1997 [MP: 251] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2003.
[PB 1990g] “La domination masculine”, ARSS, no 84, p. 2-31.
GAUSSOT L., 2008, “Position sociale, point de vue et connaissance sociologique: rapports sociaux de sexe et connaissance de ces rapports”, Sociologie et sociétés, no 40, p. 181-198.
MATHIEU N.-C., 1999, “Bourdieu ou le pouvoir auto-hypnotique de la domination masculine”, Les Temps Modernes, no 604, p. 286-324.
1999, [LOUIS M.-V.], “Bourdieu: défense et illustration de la domination masculine”, Les Temps Modernes, no 604, p. 325-358.
1999 [Perrot et all.], “Autour du livre de Pierre Bourdieu, La Domination masculine”, Travail, genre et sociétés, no 1, p. 201-234.
2002, [Devreux et al.] “La critique féministe et La Domination masculine”, Mouvements, no 24, p. 60-72.
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.
* * *
DOMINATION SYMBOLIQUE [Sự thống trị (có tính) biểu tượng]
☛ CAPITAL SYMBOLIQUE, DOMINATION, DOMINATION MASCULINE (LA), POUVOIR SYMBOLIQUE, VIOLENCE SYMBOLIQUE
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.