5.7.25

Sự kiên trì của một cách đọc trí tuệ, Pierre Nora (1931-2025)

SỰ KIÊN TRÌ CỦA MỘT CÁCH ĐỌC TRÍ TUỆ, PIERRE NORA (1931- 2025)

Tác giả: Florian Louis

Hình ảnh: © Bernard Bisson/JDD/SIPA

Pierre Nora vừa qua đời.

Chúng tôi đề nghị các bạn đọc lại cuộc phỏng vấn quan trọng này trong đó ông đã gợi lại sự kiên trì đặc biệt đã dẫn dắt sự nghiệp của ông về xuất bản sách và tạp chí tại nhà xuất bản Gallimard – từ Foucault, qua Timothy Snyder cho đến Le Goff. 

Trong thời kỳ thay đổi đột ngột do kỹ thuật số và kỷ nguyên con người gây ra, ông kêu gọi một thế hệ trí thức trẻ nên suy nghĩ lại về các tạp chí.

Ông đã đặt tập hai của hồi ký của ông dưới dấu hiệu “sự kiên trì”. Sự kiên trì đầu tiên làm nên đặc điểm của hành trình sự nghiệp của ông là ông đã không chọn lựa giữa nghề sử gia và nghề xuất bản. Có phải điều đó xuất phát từ một sự lựa chọn có suy nghĩ và dứt khoát từ rất sớm về phía ông là tiến hành đồng thời hai hoạt động này, hay là do không thể chọn một trong hai?

Vào lúc tôi phải chọn đi theo con đường nào, tôi đã do dự rất nhiều về việc khởi đầu một luận án, biết rằng điều đó cần mười năm làm việc vất vả - đó là thời kỳ của các luận án lớn – và tôi sẽ đi theo sự nghiệp làm giáo sư. Có thể có một con đường khác đã gợi cảm hứng cho tôi qua quyển sách đầu tiên của tôi về người Pháp ở Algérie vốn đã được đón nhận nồng nhiệt và đã có thể dẫn dắt tôi chọn nghề nghiệp nhà văn viết tiểu luận. Cuối cùng cuộc đời đã quyết định một cách khác mà không do tôi quyết định, sau khi đã thực hiện tủ sách nhỏ Archives (Kho Sử liệu) ở nhà xuất bản Julliard, tôi đã nhận được một lời đề nghị hiếm hoi là phụ trách toàn bộ bộ phận tư tưởng và khoa học nhân văn trong một nhà xuất bản có uy tín nổi tiếng là Gallimard. Do đó, tôi đã quyết định thử nghề xuất bản này trong hai năm, và tôi đã nhanh chóng bị nghề này cuốn hút. Dù sao cũng lý thú hơn nhiều so với việc “sửa bài” về Foucault và Le Goff của sinh viên trường Khoa học Chính trị. Nhìn lại quá khứ, tôi nghĩ rằng tôi đã có một cuộc đời đầy đam mê, nó trùng hợp với một giai đoạn lịch sử hiếm có xét về phương diện trí thức, như một giai đoạn hạnh phúc ngắn ngủi. Do đó, tôi không hối tiếc đã không chọn lựa giữa hai con đường. Trong sự căng thẳng giữa việc giảng dạy tại trường Cao học các khoa học xã hội, việc viết lách của riêng tôi và hoạt động xuất bản, tôi đã có một cuộc đời viên mãn.

Dù sao cũng lý thú hơn nhiều so với việc “sửa bài” về Foucault và La Goff của sinh viên trường Khoa học chính trị.

PIERRE NORA

Nhìn lại quá khứ, ông có cho rằng làm một sử gia đã ích lợi cho ông trong việc thực hiện nghề xuất bản của ông và ngược lại, nghề xuất bản đã làm phong phú thêm công việc của một sử gia?

Đối với tôi, cả hai hoạt động này đã hoàn toàn bổ sung cho nhau: nếu tôi không làm việc ở nhà xuất bản Gallimard, tôi sẽ không trở thành sử gia như tôi đã là, và ngược lại. Hãy xem Les Lieux de mémoire - Những di chỉ của ký ức -. Nếu tôi đề xuất công trình này cho một nhà xuất bản, chắc chắn họ sẽ từ chối ngay lập tức. Và nếu tôi đơn thuần là một người xuất bản và đồng thời không phải là sử gia, thì tôi sẽ không bao giờ xây dựng một dự án điên rồ như vậy. Tôi nhớ là sau khi phát hành bốn tập đầu, vốn đã tỏ ra quá đáng đối với một số người trong nhà xuất bản, khi tôi nói với Antoine Gallimard còn có ba tập khác với khoảng 1000 trang mỗi tập và tôi muốn chúng được phát hành cùng lúc… Có lẽ một người xuất bản bình thường sẽ kinh hoảng, và Antoine Gallimard cũng hơi có phản ứng như vậy nhưng cuối cùng đã tin tưởng tôi.

Khi người ta nhìn vào hành trình của ông, với tư cách là người xuất bản cũng như sử gia, điều gây ấn tượng là vai trò quan trọng của tập thể trong hành trình đó. Ông là một người của công việc theo nhóm, trái ngược với hình ảnh mà người ta thường hình dung về nhà bác học đơn độc. Trong các hoạt động của ông với tư cách là sử gia cũng như người làm xuất bản, ông đã luôn luôn cùng làm với các đồng nghiệp, họ cũng thường là những người bạn. Ông giải thích thế nào tầm quan trọng của tập thể trong hành trình của ông?

Chính ông đã nêu ra điều đó cho tôi, vì tôi đã không thực sự nhận ra. Nhưng quả thật là nếu tôi đã không trở thành như tôi bây giờ, thì tôi thích trở thành nhạc trưởng, nếu tôi có khả năng. Khi còn trẻ hơn, tôi cũng đã mơ trở thành diễn viên, viết các vở kịch ngắn rồi dàn dựng chúng cùng tập thể. Đó là những nghề có các mối tương tác, tương tác với những người khác mà tôi yêu mến một cách tự nhiên, mà tôi không thể nói tại sao.

Lại nói về Les Lieux de mémoire, trước tiên tôi nghĩ sẽ thực hiện một mình. Tác phẩm đó sẽ được tóm tắt trong phần mở đầu chừng 50 trang giải thích một di chỉ ký ức là gì và tôi sẽ tiếp tục với vài nghiên cứu điển hình. Tôi đã định như thế rồi cuối cùng tôi đã chọn – tương tự như mẫu hình của cuộc diễu hành ngày 14 tháng 7 năm 1989 dưới sự điều khiển của Jean-Paul Goude – thực hiện một điều giống như một cuộc diễu hành của toàn bộ một thế hệ sử gia: cuối cùng tôi đã tập hợp được 130 bài viết của cả trăm sử gia. Có một điều gì đó rất phấn khích trong tác phẩm tập thể này. Cũng giống như vậy đối với tác phẩm Faire de l’histoire (Việc viết sử). Lúc đầu, dự định là một tập sách nhỏ tập hợp Foucault, Le Roy Ladurie, Furet, Le Goff và tôi phụ vào. Và rồi, một phần do lỗi của Le Goff, ông đã liên tục đề nghị các đồng nghiệp tham gia viết bài, dự án tập sách nhỏ đã trở thành một công trình to lớn hơn dự định rất nhiều. Và tôi tự nhủ “tại sao không?”: đó là chuyện khác nhưng nó sẽ để lại dấu ấn sâu sắc đối với thời kỳ này. Nếu tôi thực hiện Les Lieux de mémoire một cách đơn độc, nó có để lại dấu ấn mạnh như vậy không? Có lẽ là không. Và nếu tôi viết một tiểu luận 150 trang để nêu ra trong những năm 1970 rằng lịch sử đang thay đổi, nó có gây tiếng vang như bộ ba Faire de l’histoire đã có hay không? Cũng chắc chắn là không. Tôi đã bắt đầu yêu thích công việc tập thể này.

Nhưng quả thật là nếu tôi đã không trở thành như tôi bây giờ, thì tôi thích trở thành nhạc trưởng, nếu tôi có khả năng.

PIERRE NORA

Chắc rằng liên quan đến sự yêu thích công việc tập thể, và đối với các công trình nghiên cứu của riêng ông, ông chủ yếu là người viết bài báo nghiên cứu hơn là viết sách.

Hoàn toàn đúng như vậy vì ta thường nói lên nhiều điều trong chừng 30 trang hơn là trong một quyển sách. Tại sao? Bởi vì ta không thể viết một bài nghiên cứu mà không làm toát lên một ý tưởng chủ đạo. Trong khi đó, ta hoàn toàn có thể viết một quyển sách mà không có ý tưởng chủ đạo. Đối với tôi, bài báo là cách thực hiện những quyển sách chỉ 20 trang về những chủ đề rất khác nhau. Ông có thể nhận thấy tôi không phải là người duy nhất trong trường hợp này: thế hệ rất gần trước tôi, thế hệ của Furet, Le Goff, Le Roy Ladurie, họ đã tiến hành những bước đột phá bằng cách dùng bài báo là chủ yếu.

© Bernard Bisson/JDD/SIPA

Và cuối cùng, chính ông, thông qua hoạt động xuất bản của mình đã hướng họ đến sách bằng cách thúc đẩy họ tập hợp một số bài báo tản mác trong các tạp chí vào các tác phẩm được xuất bản trong các bộ sách mà ông điều hành ở Gallimard.

Vâng, đúng vậy, tôi đã làm điều đó cho Jean Bottéro với quyển sách Naissance de Dieu (Sự ra đời của Thượng Đế), Jacques Gernet với quyển sách L’intelligence de la Chine (Trí tuệ của Trung Quốc), Jacques Le Goff với Pour un autre Moyen Âge (Vì một thời kỳ Trung Cổ khác), François Furet với Penser la Révolution française (Nghĩ về Cách mạng Pháp). Cả thế hệ này đã tìm thấy trong bài báo một sự bổ sung cho luận án, một số có làm luận án và một số không làm, vì luận án có phần khổ hạnh, thậm chí như là một hình phạt.

Trong trường hợp của ông, bài báo là một giải pháp thay thế cái luận án mà cuối cùng ông đã không viết ra.

Vào thời đó, luận án là một sự hy sinh thật sự và có lẽ tôi đã được “lăng-xê” quá nhanh chóng, xin lỗi đã dùng từ này, đã được đẩy vào cuộc sống bởi gia đình rất đặc trưng Paris của tôi, bởi anh tôi Simon Nora là một công chức cao cấp. Do đó, nhờ anh tôi, tôi đã được nhanh chóng tham gia vào những môi trường thú vị, trong những mối bằng hữu phong phú và có lẽ tôi đã không thể tự giam mình trong sự khắc khổ cần thiết cho việc thực hiện một công việc như vậy. Hơn nữa, tính hiếu kỳ nói chung của tôi đã làm cho sự lựa chọn một đề tài trở nên phức tạp. Tôi đã tuần tự chọn ba hoặc bốn đề tài. Cứ mỗi lần tôi đến gặp Pierre Renouvin, tôi lại báo cho ông một đề tài mới. Một trong những đề tài ấy bàn về những trí thức và dân tộc từ 1905 đến 1914. Rồi tôi đọc được quyển sách của Eugen Weber, The Nationalist Revival (Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc), gần như cũng bàn về chủ đề này, và điều này đã làm tôi nản lòng. Tôi đã nghĩ đến những đề tài khác, về đảng thuộc địa chẳng hạn, vì tôi trở về từ Algérie. Nhưng viễn cảnh phải giam mình trong mười năm với Eugène Étienne và những bộ sậu của đảng thuộc địa trước năm 1914, khi ta có sở thích mở rộng hơn, tự nhiên hơn là điều không thể. Về phương diện này, xuất bản đã làm tôi thoả mãn vì đó thực sự là một loại đèn tín hiệu thường trực. Đề nghị mà Gallimard đưa ra hấp dẫn hơn nhiều, lúc đó tôi chưa đầy 35 tuổi và tôi còn loay hoay tìm đề tài luận án, và một cách tự nhiên tôi đã thực hiện rất thành công tủ sách Archives.

Tôi đã sai khi không nhấn mạnh đến khía cạnh vốn là quan trọng nhất của công việc của người làm xuất bản: đọc các bản thảo.

PIERRE NORA

Tuy vậy, khi đọc câu chuyện mà ông đưa ra, nghề xuất bản không chỉ có những điều hấp dẫn. Hình ảnh nổi lên đôi khi là ấn tượng của một hoạt động liên miên về giải quyết những vấn đề về cái tôi cá nhân và sự nhạy cảm giữa các tác giả hơn là làm chín muồi và phổ biến những ý tưởng của họ.

Tôi tiếc là tạo cho ông ấn tượng này và ông làm cho tôi nghĩ rằng tôi đã sai khi không nhấn mạnh đến một khía cạnh vốn là quan trọng nhất trong công việc của người làm xuất bản: đọc các bản thảo. Mỗi năm tôi đã nhận được 300 bản thảo hoặc sách được phát hành ở nước ngoài. Phải sàng lọc tất cả. Có những bản tự chúng đã bị loại, những bản khác phải nhờ đọc và do đó phải tìm được người đọc chúng, điều này không đơn giản vì ngay cả những người xuất sắc cũng có thể không biết thực hiện công việc rất đặc biệt này. Vả lại nhờ vậy mà tôi đã được biết Marcel Gaucher là một người xuất sắc trong công việc này. Và có những bản thảo tự người làm xuất bản phải đọc, hoặc vì người đọc nói rằng chính ông phải nhận định, hoặc vì chủ đề khiến ông nhận định mình là người tốt nhất để đánh giá bản thảo ấy. Đó chính là trọng tâm của nghề xuất bản: việc đọc bắt buộc và việc đọc trí tuệ, nếu tôi mạnh dạn nói như vậy, nghĩa là một sự đọc được đặt vào vị trí của tác giả. “Giới làm xuất bản” thường làm tôi khó chịu vì họ thường tỏ ra có phần coi thường các tác giả, vả lại có thể là vì họ không có khả năng được như tác giả. Có một kiểu mỉa mai đối với tác giả, người ta hơi chế nhạo tác giả. Có thể vì tôi cũng từng là một tác giả, tôi không bao giờ chia sẻ trò đùa này. Tôi tự đặt mình vào vị trí của các tác giả: đó là hàng trăm giờ làm việc ta phải thực hiện để xử lý một cách cẩn trọng và với một nỗ lực thấu hiểu. Và điều tôi nói với ông về sách lại còn đúng hơn nữa với bài báo: đó là khi ông đọc một bài báo không phải để biết nó là gì mà để biết điều mà bài báo có thể trở thành. Phải đồng cảm với tác giả để thấy ta có thể làm gì với bài báo, chẳng hạn như để đánh giá xem một bài báo đơn độc có thể được dùng làm điểm xuất phát cho một cuộc thảo luận, điều này thường giả định phải yêu cầu tác giả điều chỉnh bài báo của mình. Tôi tiếc là đã không nói nhiều hơn trong quyển sách này rằng điều chủ yếu của nghề xuất bản là đọc các bản thảo chứ không phải là điều hoà cái tôi của các tác giả.

Dù sao chúng ta cũng nên bàn một chút về vấn đề những cái tôi cá nhân. Khi nói đến một trong những mối bất đồng giữa ông và Michel Foucault, ông viết: “có lẽ những người làm xuất bản luôn là những người ít nhiều phản bội”. Ý ông là như thế nào?

Có một phần dí dỏm, khiêu khích trong lời nói đó của tôi. Hầu như là một sự thú nhận đã nảy sinh trong tôi khi tôi viết chương này. Tôi đã ở trong một tình huống rất kỳ quặc với Foucault, lúc tạp chí Le Débat (Tranh luận) được hình thành và là lúc Marcel Gauchet tiến đến gần tôi và tôi cũng xích lại gần anh ta. Trong tôi đã diễn ra một dạng thuyên chuyển từ quỹ đạo Foucault qua quỹ đạo Gauchet. Và Foucault đã cảm thấy bị phản bội bởi ông vốn là một người giàu cảm xúc và rất tình cảm, chắc là ông đã thực sự quyến luyến tôi. Ông đã đến dự buổi thảo luận của tôi vào một ngày Gauchet thuyết trình. Ông đã hiểu đó là một người vững vàng về mặt trí tuệ. Và ngay sau đó, cùng với lúc chúng tôi khởi xướng tạp chí Le Débat, Gauchet đã công bố một quyển sách như là một phản đề của cuốn Histoire de la folie (Lịch sử bệnh điên). Do đó, Foucault thấy Gauchet là một đối thủ cạnh tranh. Từ này có vẻ hơi quá khi mà Foucault đã ngự trị hầu như toàn thế giới và Gauchet là một người mới bắt đầu, nhưng Foucault đã cảm thấy có một sự cạnh tranh vì Gauchet đề cập đến chủ đề bệnh điên để phản bác nội dung viết về bệnh tâm thần mà Foucault đã thực hiện, đặc biệt là về vấn đề “grand renfermement” (Sự giam cầm vĩ đại). Vậy là tôi bị giằng xé giữa hai tác giả này. Một cách tự nhiên, đối với Foucault, tôi cảm thấy bị thu hút, quyến luyến, có tình bằng hữu. Ông đã đưa tôi đến với nghề xuất bản và chúng tôi đã rất gắn bó với nhau. Tuy nhiên tôi vẫn có những dè dặt sâu sắc về những điều chính yếu và ông cảm thấy điều đó. 

Tôi đã trải qua một cách khó khăn sự dịch chuyển này và về trí tuệ tôi cảm thấy gần với Gauchet hơn là với Foucault, ông là một người tung hứng tư tưởng tuyệt vời nhưng những xoay chuyển trí tuệ của ông duy trì một mối liên hệ mơ hồ với chân lý mặc dù chân lý là chủ đề suy tưởng chính của ông. Khi viết về sự giằng co này, tôi tự bảo có điều gì đó đúng với các tác giả khác mà ta thường cảm thấy đồng cảm với họ. Việc này nhắc tôi nhớ đến điều mà cha tôi, vốn là một bác sĩ giải phẫu, một hôm đã nói với tôi về các bệnh nhân của ông: phải luôn tạo cho người bệnh cảm tưởng rằng ta đã nghiên cứu nhiều và ta đã chỉ sống cho cái ngày mà người bệnh đến để được khám. Có điều gì tương tự như vậy trong công việc của người làm xuất bản, họ cũng phải tạo cho mỗi tác giả cảm tưởng rằng họ đã sống chỉ vì tác giả ấy và toàn tâm toàn ý với tác giả. Thế nhưng, điều đó là sai.

Vừa rồi ông có nói đến các sách nhận được từ nước ngoài phải được đánh giá có thích đáng cho việc dịch không. Người làm xuất bản quả thực là trung tâm của sự lưu chuyển tư tưởng trên trường quốc tế. Tôi hình dung là ông đã duy trì các mối quan hệ với các đồng nghiệp của ông ở nhiều nước khác?

Tôi đã có các mối quan hệ với nhiều nhân vật ở nước ngoài. Tôi đặc biệt gắn bó với Robert Silvers là giám đốc của New-York Review of Books. Ông ấy theo dõi tường tận những tác phẩm được xuất bản ở Mỹ và ông ấy rất thường gọi tôi để đề nghị tôi chú ý đến một tác giả hoặc một ấn phẩm. Chính nhờ đó mà tôi đã phát hiện les Terres de sang (Vùng đất máu) của Timothy Snyder chẳng hạn. Tôi cũng có mối quan hệ tương tự với George Weidenfeld ở Luân Đôn, bản thân ông ấy là một người đậm chất quốc tế, rất thâm nhập vào thế giới chính trị rộng lớn và là môt người làm xuất bản quan trọng. Tôi cũng có mối quan hệ rất mật thiết với Giulio Einaudi. Ông đã phát hiện ra tôi trong một lần ông lưu trú ở Paris và ông đã nhanh chóng mời tôi đến Turin để tham gia vào một trong những uỷ ban đọc của ông. Chúng tôi thân nhau đến độ ông muốn chúng tôi cùng nhau khởi xướng những dự án: chính như vậy mà chúng tôi đã bắt đầu xây dựng dự án Histoire des marxismes (Lịch sử các chủ nghĩa Marx) và Histoire des psychanalyses (Lịch sử các phân tâm học). Việc thực hiện Lịch sử các chủ nghĩa Marx đã tỏ ra phức tạp vì những người Ý muốn đưa các tác giả theo trường phái Stalin vào và cuối cùng tôi đã thuyết phục để được họ chấp nhận Eric Hobsbawm là trọng tài tối cao. Câu chuyện này đã kéo dài ít nhất là ba năm và cuối cùng vì Hobsbawm vẫn khăng khăng giữ lại các tác giả trường phái Stalin nên tôi đã rút lui khỏi dự án này. Ngược lại, tôi ít có quan hệ với người Đức, ngoại trừ thông qua Étienne François, bởi vì tôi không thạo ngôn ngữ Đức. Đó là một trở ngại hiển nhiên. Trong lĩnh vực này và đối với Đông Âu, Krzysztof Pomian, nói được tiếng Nga và tiếng Đức, đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Foucault và tôi đã thảo luận để biết ai trong chúng tôi, ông ấy hay tôi, có quyền lực. Tôi đã nghĩ là ông ấy và ông ấy lại nghĩ là tôi.

PIERRE NORA

Với vị trí nổi bật của ông trong một nhà xuất bản uy tín nổi tiếng là Gallimard, ông đã là một người quyền lực. Điều đó có gây ra thèm muốn, ganh tỵ, nịnh hót không? Ông đã xử lý khía cạnh này vốn gắn liền với công việc xuất bản của ông như thế nào?

Vấn đề quyền lực trí tuệ đã nằm trong chương trình nghị sự vào lúc chúng tôi khởi động tạp chí Le Débat. Régis Debray đã mở màn với quyển sách của ông về Le Pouvoir intellectuel en France (Quyền lực trí tuệ ở Pháp) năm 1979. Tiếp theo là một sự suy tưởng thường xuyên về quyền lực của trí tuệ và tôi nhớ là đã có những cuộc thảo luận với Foucault, người vốn dành một vị trí quan trọng cho vấn đề quyền lực này. Chúng tôi đã thảo luận để biết ai trong chúng tôi, ông ấy hay tôi, có quyền lực. Tôi đã nghĩ là ông ấy và ông ấy lại nghĩ là tôi. Tôi đã đề nghị với ông mở đầu tạp chí bằng một cuộc thảo luận giữa hai chúng tôi về chủ đề này, và cuối cùng ông đã né tránh. Vậy là tôi đã một mình viết cả một bài xã luận vể bản chất của quyền lực trí tuệ: “Những nhà trí thức có thể làm gì?”. Một bài báo quá dài, và Claude Gallimard cho là lố bịch nếu đưa lên đầu tạp chí này. Nhưng tôi rất tha thiết trình bày điều này để muốn nói một tạp chí làm điều gì, đó là đảm nhiệm một quyền lực trí tuệ. Điều này cũng đúng trong xuất bản nhưng không bằng trong một tạp chí: nếu quyển sách của ông bị một nhà xuất bản từ chối, ông có thể đề nghị nó cho nhiều nhà xuất bản khác, trong khi đối với tạp chí Le Débat, tất nhiên là có nhiều tạp chí khác, nhưng không có hơn ba tờ nếu xét về các tạp chí tổng hợp: Esprit, Commentaire và Les Temps modernes. Thế nhưng cả ba đều mang nặng dấu ấn của ý thức hệ trong khi chúng tôi là một tạp chí mở và thuần tuý trí tuệ trong một thời kỳ mà theo chúng tôi không còn là thay đổi thế giới nữa mà là hiểu biết thế giới. Do đó tôi đã nói nhiều về quyền lực trí tuệ này và đó là điều đã gây ra sự giận dữ của Foucault đối với bài xã luận của tôi, vì trong đó tôi biện hộ cho một mẫu người trí thức dân chủ, nghĩa là một người trí thức đặt mình dưới sự đánh giá của người khác và lắng nghe họ, cố gắng biểu thị một dạng trung thực đa chiều với chân lý. 

Chính vì vậy mà tôi đã đặt tên cho tạp chí là Le Débat (Tranh luận): điều đó có ý nói là tất cả đều được mở ra cho thảo luận. Chúng ta đã ra khỏi thời kỳ cấu trúc luận và chúng tôi mong muốn nói với đại bộ phận các công dân ở cơ sở. Qua chính từ “tranh luận” chúng tôi muốn thể hiện một tham vọng đa nguyên. Trong mục “Một quyển sách được thảo luận”, chúng tôi cung cấp cho tác giả ba hoặc bốn bài đọc về quyển sách của họ và tác giả trả lời các bài đọc ấy. Ở đó có một tiến trình không phải là một bài báo tấn công gay gắt và sát phạt chung cuộc quyển sách.

Đôi khi người ta nói rằng Le Débat là một cuộc đối thoại giữa các giáo sư của Collège de France, nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi đã để nhiều tác giả trẻ lên tiếng. Thế thì vâng, việc thực hành quyền lực này, tôi chịu trách nhiệm, nhưng là để thực hiện quyền ấy một cách rõ ràng nhất, thẳng thắn nhất, cởi mở nhất và dân chủ nhất.

© Bernard Bisson/JDD/SIPA

Với tư cách là một người làm xuất bản, ông đã hối tiếc nhất những điều gì, những quyển sách mà ông đã bỏ qua, mà ông tiếc đã từ chối hay còn là những dự án đã không đi đến cùng?

Có nhiều điều hối tiếc lắm, bắt đầu là với Histoire des marxismes mà tôi vừa nói với ông. Tôi đã đi Luân Đôn, Turin, đã trải qua nhiều tuần ở đó, và tôi tiếc là dự án đã không được thực hiện. Và một cách chính xác không thực hiện được là do tôi đã muốn trung thực chứ tôi không phải là người dấn thân tranh đấu, cũng như tôi đã muốn làm điều đó với tạp chí. Tôi cũng tiếc đã không xuất bản Philippe Ariès. Tôi đã rất thích tác phẩm Le temps de l’histoire (Thời gian của Lịch sử) Historien du dimanche (Sử gia ngày chủ nhật) của ông ấy, nó đã gợi cho tôi ý tưởng về cái tôi-lịch sử. Tôi đã biết ông sau đó, nhưng đã quá muộn. Ông đã nói với tôi: “Thưa ông, tôi sẽ sẵn sàng đến nhà xuất bản Gallimard, nhưng tôi có một bộ sách nhỏ tại nhà xuất bản Plon”. Ông ấy đã xuất bản Raoul Girardet và xuất bản lần đầu Histoire de la folie của Foucault. Và tất nhiên một sự hối tiếc khác liên quan đến sự kết thúc tạp chí Le Débat. Nếu lúc đó tôi trẻ hơn 15 tuổi, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến việc điều chỉnh Le Débat để tạp chí được tồn tại lâu hơn. Tất nhiên là sau bốn mươi năm mà không có gì thay đổi, thì đã đến lúc phải tiến hành những biến đổi về hình thức và nội dung và tôi tiếc đã không được thực hiện sự chuyển hướng cho tạp chí. Tuy nhiên, tôi đã không thể làm được điều mà le Grand Continent đã làm được từ khi tạp chí được khởi xướng rất gần đây vì tôi không quen với kỹ thuật số. Lúc bấy giờ tôi đã gần 90 tuổi rồi và tôi muốn viết hồi ký của tôi. Hơn nữa, việc ấy cho phép tôi trở lại với câu hỏi đầu tiên của ông về sự kiên trì của tôi đã không chọn một trong hai nghề của tôi. Khi tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về việc viết hồi ký này, trước tiên tôi đã cảm thấy không đủ khả năng để viết vì công việc này có vẻ quá lớn lao đối với tôi. Cuối cùng tôi đã thật sự kiên quyết và từ khi tôi có ý tưởng này, tôi đã hoàn toàn tập trung cho việc này.

Và những điều ông tự hào nhất về công việc xuất bản?

Để nói với ông về một điều khá riêng tư, tôi khá tự hào về bộ ba mà chúng tôi đã hợp thành cùng với Marcel Gauchet và Krzysztof Pomian. Một bộ ba tuyệt vời tràn trề trí tuệ và tương trợ lẫn nhau. Phải tham dự các buổi làm việc của chúng tôi tại tạp chí Le Débat mỗi tuần một lần: cả hai người họ ở đó và các ý tưởng tuôn trào ra. Có lần Pomian đã nói chắc là không có một hội thảo nào ở Collège de France có được mức độ phong phú này. Cả ba chúng tôi đã gắn tên của chúng tôi vào một công trình được cho là “đồ sộ”: đối với tôi, đó là một công trình tập thể, ông đã đúng, đó là Les lieux de mémoire (Những di chỉ của ký ức), nhưng dấu ấn của tôi không chỉ là của một người thu thập bài viết; Krzysztof Pomian vừa hoàn thành công trình đồ sộ của ông Le musée, une histoire mondiale (Viện bảo tàng, một lịch sử thế giới), một công trình tuyệt vời được hoàn thành trong những điều kiện rất khó khăn khi vợ ông vừa mới qua đời và ông vừa trải qua một cuộc phẫu thuật; Marcel Gauchet đã xuất bản bốn tập L’avènement de la démocratie (Sự ra đời của nền dân chủ), mà chỉ cần mở chương đầu ra thôi cũng đủ để đánh giá tầm vóc to lớn của tác phẩm. Bộ ba mà chúng tôi đã hợp thành còn hơn cả niềm tự hào, đó là niềm hạnh phúc. 

Ông đã trải qua một thời kỳ mà Paris là ngọn đèn pha hướng dẫn cuộc thảo luận trí tuệ trên toàn thế giới. Ngày nay, Paris có xu hướng trở thành địa phương nhỏ. Theo ông, bước ngoặt này đã diễn ra khi nào và ông giải thích như thế nào?

Bước ngoặt này đã xảy ra chung quanh những năm 2000. Vào thời gian đó, bài báo mà Jean-François Sirinelli đã công bố trong tạp chí Le Débat về sự sút giảm việc đón nhận quốc tế đối với công trình sử liệu của Pháp là một cột mốc rất thuyết phục của diễn biến này. Vào thời của tôi, trong những hội nghị quốc tế, các sử gia Pháp là những ông vua và các nhà xuất bản đã ký hợp đồng với họ ngay cả trước khi họ viết xong một quyển sách. Ngày nay, để đạt được việc dịch một quyển sách của một sử gia Pháp ở nước ngoài là vô cùng phức tạp. Giải thích sự sa sút này như thế nào? Hãy bỏ qua vẻ ngoài tự phụ, nhưng ông có biết một công trình sử liệu to lớn nào của Pháp không, kể từ Les Lieux de mémoire? Có điều gì mang một tầm nhìn đổi mới lịch sử không? Trong xã hội học cũng vậy. Sau Bourdieu, với sự nghiệp mang tầm vóc lớn cuối cùng, tất nhiên có những nhà xã hội học thực hiện những công trình thú vị, nhưng họ không đạt tới một tư tưởng mang tầm vóc của Bourdieu. Trong triết học, phải nói gì ngoài điều Onfray không phải là Foucault. Tất cả các khoa học xã hội và nhân văn này, mà người ta đã đặt hy vọng hão huyền rằng chúng có thể đóng góp vào việc thấu hiểu một cách thống nhất các hành vi nhân văn và của con người nói chung, mỗi ngành đã được trả lại vị trí của mình. 

Trong triết học, phải nói gì ngoài điều Onfray không phải là Foucault.

PIERRE NORA

Để kết thúc với một ghi nhận có phần tích cực hơn, trong quang cảnh xuất bản hiện nay, bất kể là nhà xuất bản hay các tạp chí, ông quan tâm tới điều gì, ông đọc những gì? Ông thấy những dự án án nào có vẻ thú vị, dù sao cũng có những điều mà ông cảm thấy đang đi theo những hướng tốt đẹp?

Tất nhiên rồi. Riêng chúng tôi, chúng tôi đã tương ứng với giai đoạn cuối thời kỳ cách mạng, đơn giản hoá và chiến đấu, và với sự ra đời của một thế giới mới, được đánh dấu bởi tính hiện đại, toàn cầu hoá, sự trỗi dậy của Hồi Giáo, chủ nghĩa cá nhân dân chủ, sự mở rộng của di sản, sự biến đổi của mối liên hệ với thời gian và lịch sử. Một thế giới cần được hiểu và khám phá.

Các điều kiện đã thay đổi với sự xuất hiện của kỹ thuật số trên toàn thế giới, ưu tiên được dành cho những vấn đề của trí tuệ nhân tạo, cho biến đổi khí hậu, những xáo trộn địa chính trị, những vấn đề của người đang sống, tất cả những gì mà ta tập hợp lại dưới cái tên kỷ nguyên con người. Cần có những hình thức trí tuệ khác để can thiệp và tìm ra các phương tiện để thực hiện. Le Grand Continent là một ví dụ tốt đẹp. 

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:L’obstination d’une lecture intelligente, Pierre Nora (1931-2025)”, Le grand continent, 1.12.2022.

Print Friendly and PDF