Các nhà kinh tế quên thấy điều gì trong hành vi tặng quà
Một nghiên cứu mới gợi ý lý do vì sao quà tặng ngày lễ — không như việc mua quà cho chính mình — có một giá trị cao hơn nhiều so với những gì một số nhà kinh tế đã suy nghĩ trước đây.
Một nghiên cứu mới gợi ý rằng không có gì để mất với một tinh thần tặng quà chân thật. ẢNH: GETTY IMAGES |
Quà tặng là trung tâm của các nền kinh tế "sơ khai". Người Bushmen ở Botswana, những người mà tôi đã từng sống chung, thường tặng cho người khác những món đồ họ mới tạo ra — ví dụ, các chuỗi hạt bằng vỏ trứng đà điểu hay dao. Ngay lập tức, người nhận trở thành người có ý nghĩa trong đời sống của người tặng, nếu người đó chưa sẵn sàng — người mà một ngày nào đó, bạn có thể tin rằng họ cho lại bạn một cái gì đó. Nếu điều đó không xảy ra, thì nó cũng không vi phạm quy tắc của thị trường trao đổi, mà chỉ là sự chia sẻ về những cảm xúc mong đợi.
Khi các sinh viên ngành nhân học của tôi bối rối trước một ví dụ như thế, tôi yêu cầu họ thử tưởng tượng về việc tặng quà Giáng sinh cho một người bạn trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ nhận được ngược lại thứ gì từ người ấy. Bạn không tính đến giá trị hiện vật hay cảm thấy bị lừa — bạn cảm thấy bị tổn thương. Những gì bạn tặng là biểu tượng của tình bằng hữu, nhưng lại phát hiện ra rằng bạn mình không có cảm nhận tương tự đối với mình. Đó là cách cảm nhận trong các nền kinh tế sơ khai.
Một kiểu hiểm họa khác đang tồn tại trong mùa tặng quà Giáng sinh hiện đại, ít nhất là trong con mắt của một số nhà kinh tế theo kiểu phá đám. Họ nói về "khoản mất trắng vô ích" của các mùa tặng quà Giáng sinh. Dưới đây là ý tưởng của họ. Bạn chi 100 đô-la cho một món quà, nhưng người được tặng không đánh giá món quà theo số tiền đó. Trong thực tế, nếu bạn tặng cho họ một tờ Ben Franklin hay một phiếu quà tặng trị giá 100 đô-la, thì họ có thể mua một cái gì với toàn bộ giá trị của số tiền đó theo ý của họ. Khoảng cách giữa những gì được chi cho món quà và cách thức người nhận đánh giá món quà là mất trắng (deadweight loss) — một khoản mất mát cho người được tặng và, theo một nghĩa nào đó, cho bạn và cho nền kinh tế.
Jeff Galak |
Yang Yang |
May mắn thay, một nghiên cứu mới gợi ý rằng không có gì để mất với một tinh thần tặng quà chân thật. Trong số phát hành tháng Chín của Tạp chí Tính cách và Tâm lý xã hội, các chuyên gia về tiếp thị, Yang Yang thuộc Đại học Florida và Jeff Galak thuộc Đại học Carnegie Mellon, tìm ra bằng chứng của giá trị sâu sắc của những món quà Giáng sinh. Họ khẳng định điều mà chúng ta đã biết theo bản năng: con người gắn cảm xúc vào các món quà.
Trong một loạt các nghiên cứu tài tình, các tác giả đã xem xét ý tưởng về giá trị tình cảm. Thử hình dung một cái gì đó vô giá trị về mặt khách quan mà bạn không nỡ vứt đi — một cây đánh trứng của mẹ, ví dụ, hay một con búp bê mà con gái bạn đã từng chơi qua. Hay thử nghĩ về cái thời bạn mang một cây đèn cũ đến một cửa hàng sửa điện, để rồi được cho biết "Nó không đáng để sửa" và lầm bầm một điều gì đó đại loại: "đối với tôi nó đáng để sửa chữa."
Các tiến sĩ Yang và Galak đo lường giá trị tình cảm bằng cách yêu cầu mọi người nhớ lại những cảm nhận của họ về những lần mua hàng và quà tặng cụ thể và lặp đi lặp lại các đánh giá qua thời gian, trong một số nghiên cứu trong vòng chín tháng. Trong nhiều bối cảnh, họ cho thấy rằng việc mua hàng và tiêu thụ hàng mang lại niềm vui, nhưng chỉ trong thoáng qua. Chẳng mấy chốc, tâm lý "thích nghi hưởng lạc" trở thành: chuyện cũ rích. Niềm vui của một đồ vật mờ dần ngay cả khi nó còn hữu ích.
Điều này không xảy ra đối với những đồ vật mà chúng ta gắn cho một giá trị tình cảm. Qua thời gian, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc ít hơn vào chức năng và nhiều hơn vào sự giao thiệp. Một trong hàng loạt nghiên cứu tập trung vào những món quà mà người ta nhận được so với những thứ mà họ mua cho chính mình trong mùa Giáng sinh năm 2012. Trong vòng 45 ngày, những thứ mua cho chính mình — những thứ được mua hoàn toàn bằng tiền của chúng ta — có cường độ giảm dần trong việc mang lại hạnh phúc.
Nhưng đối với quà tặng thì không. Đối tượng được tặng cho biết, nếu buộc phải bán chúng, thì họ sẽ yêu cầu một mức giá tỷ lệ cao hơn đối với món quà hơn là đối với món tự họ mua. Không những không có khoản mất trắng vô ích, mà ngược lại, nói một cách vừa phải, có một xu thế lên giá theo thời gian đối với món quà. Hãy tiếp tục tặng quà. Câu nói này mang tính chế giểu đối với những phát hiện trong các nghiên cứu khác của các tiến sĩ Yang và Galak.
Vì vậy, hãy tích cực và mua chiếc khăn quàng màu xanh cho người mà bạn yêu thương. Vâng, cô ấy có thể ôm bạn trong khi nghĩ rằng, "Màu xanh này còn hơn cả màu của tôi." Nếu cô ấy đã mua chiếc khăn quàng mà cố ấy thích, thì đúng là màu cô ấy thích, nhưng sẽ thiếu đi những ký ức và cảm xúc tương tự. Và chính ở đây ta tìm thấy ý nghĩa "sơ khai" của quà tặng.
Melvin KONNER
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch