3.12.15

Douglass C. North, một cách tiếp cận lịch sử khác



Douglass North (1920-2015)

Douglass C. North, một cách tiếp cận lịch sử khác

Được đào tạo theo trường phái tân cổ điển, nhưng là nhà tư tưởng phi điển hình, Douglass North là một trong những người sáng lập sử học kinh trắc và kinh tế học thể chế. Cách tiếp cận của ông kết hợp các lý thuyết kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học nhận thức.
Douglass North mô tả hành trình trí tuệ của ông như là "một hành trình dài, chắc chắn không thể đoán trước, từ chủ nghĩa Marx đến các ngành khoa học nhận thức".
Clio là một trong chín nữ thần Muses, con của thần Zeus và thần Mnemosyne, nữ thần bảo vệ cho khoa học và thơ ca. Thường cầm trên tay một cuốn sách cổ (papyrus), bà là người bảo trợ của lịch sử, khoa học ứng dụng từ thời cổ đại xa xưa nhất. Bộ môn này được bàn luận, từ thời đó đến ngày nay, theo nhiều cách khác nhau, từ những bài tường thuật của Herodotus và Thucydides đến trường phái Annales, qua các biên niên sử thời Trung cổ, những bài giới thiệu tiểu sử và lịch sử dân gian. Trường phái Annales, được thành lập tại nước Pháp vào những năm 1930, đối lập lịch sử truyền thống, với những tường thuật thiếu sinh khí các sự kiện, một lịch sử toàn diện, tích hợp tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có kinh tế học, và ưu tiên cho thời kỳ dài hạn.
Clio
Trong khi một số nhà sử học tìm cách tích hợp kinh tế học, văn hóa, khoa học, công nghệ và hệ tư tưởng vào lịch sử, thì ngược lại một số nhà kinh tế khác lại tìm cách tích hợp lịch sử vào kinh tế học. Những nhà kinh tế này làm điều đó bằng cách ứng dụng các phương pháp định lượng và hình thức được phát triển vào thế kỷ XX trong khung của kinh tế học vi mô tân cổ điển, dựa trên tiên đề tính duy lý của homo economicus (con người kinh tế), bị sự khan hiếm không thể tránh được ràng buộc. Dự án này là một phần của một phong trào rộng lớn hơn được gán cho tên gọi là "chủ nghĩa đế quốc về kinh tế", nhằm áp dụng vào tất cả các lĩnh vực đời sống của con người – chính trị, gia đình, giới tính, tội phạm, pháp luật – những kỹ thuật phân tích của kinh tế học tân cổ điển.
Chính vì vậy mà một nhóm các nhà kinh tế, chủ yếu là người Mỹ, tự cho mình nhiệm vụ, trong những năm 1950 và 1960, tách lịch sử ra khỏi việc xử lí thuần túy mang tính mô tả về các thể chế và các hoạt động kinh tế, để từ đó tạo ra một khoa học được hình thức hóa và toán hóa, dựa trên các luận điểm của phân tích tân cổ điển. Một cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào năm 1957 tại Williamstown, Massachusetts, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Lịch sử kinh tế và Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, đã dẫn đến sự ra đời của "lịch sử kinh tế mới". Douglass North, người có luận án tiến sĩ về lịch sử bảo hiểm nhân thọ tại Hoa Kỳ, là một trong những người thúc đẩy chính của sự kiện này. Năm 1960, ông giành được quyền lãnh đạo Tạp chí Lịch sử kinh tế (Journal of Economic History), được xem là thắng lợi của điều mà người ta bắt đầu gọi là "sử trắc học (cliométrie)", với cuốn sách cổ của nữ thần Clio được thay thế bằng một máy tính. Người ta cũng đã đặt tên cho bộ môn mới này bằng những thuật ngữ như "sử học kinh trắc" hay "lịch sử định lượng". Một trong những kỹ thuật của bộ môn này là phân tích "phản sự kiện", nghĩa là việc tưởng tượng và đo lường những gì sẽ xảy ra nếu sự kiện này hay sự kiện khác, chẳng hạn như sự ra đời của đường sắt, không xảy ra.
Từ toán học đến các thể chế
Được đào tạo theo trường phái tân cổ điển, nhưng North là một thành viên phi điển hình. Lúc đầu, ông là một người marxist tâm phục khẩu phục và tỏ ra rất tôn kính với cách tiếp cận của Marx, ngay cả khi ông phê phán các luận điểm của cách tiếp cận này. Các nghiên cứu của ông, như ông cho biết, luôn hướng đến một câu hỏi duy nhất: vì sao một số nền kinh tế trở nên giàu có và một số nền kinh tế khác thì nghèo khó? Lời đáp cho câu hỏi này, đối với ông, là một điều kiện tiên quyết cho mọi nỗ lực nhằm cải thiện các xã hội. Trong cuốn sách đầu tiên của ông, xuất bản năm 1961, cũng là cuốn sách đầu tiên được đồng nhất với dòng sử trắc học, North cáo buộc lịch sử truyền thống đã bất lực trong việc nhận thức bản chất và nhịp độ phát triển kinh tế trong dài hạn. Chất vấn lại luận điểm cho rằng sự tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đã được kích hoạt chủ yếu sau và nhân cuộc nội chiến, ông khẳng định rằng ngược lại cuộc nội chiến đã làm gián đoạn một quá trình đã bắt đầu từ lâu trước đó, và gắn một cách cơ bản với sự tiến triển của nền kinh tế thị trường và gắn với những biến động giá cả các sản phẩm và các nhân tố. Ông cho thấy sự tiến triển này được kết hợp với những giao dịch phức tạp giữa ba nền kinh tế khu vực, các nền kinh tế của miền Nam, của miền Bắc và của miền Tây. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sản xuất và lưu thông nguyên liệu trong sự tăng trưởng kinh tế.
John R. Commons (1862-1945)
Trong hai cuốn sách đầu tiên, North ứng dụng các kỹ thuật phân tích tân cổ điển vào việc nghiên cứu sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Hoa Kỳ. Vào lúc cuốn sách thứ hai được xuất bản, ông bắt đầu đặt lại câu hỏi việc sử trắc học chỉ sử dụng duy nhất các công cụ này. Dù không loại bỏ các định đề tân cổ điển, North cũng phê phán bản chất tĩnh tại của chúng. Thực vậy, ông cho rằng, để hiểu được diễn tiến kinh tế, cần phải sử dụng các hiện tượng nằm ngoài lĩnh vực quan tâm bình thường của các nhà kinh tế: các quy tắc xã hội, các quá trình hoạch định chính sách, các tổ chức và các thể chế. Cơ cấu thể chế của một xã hội bao gồm những quy tắc phi chính thức, như các tập quán, các chuẩn mực ứng xử, các truyền thống, và các quy tắc chính thức như hiến pháp, pháp luật, các quy định pháp lý. Là người đọc các tác giả như Thorstein Veblen và John R. Commons, cũng như của Karl Marx và Joseph Schumpeter, North đã xác định mục tiêu là xây dựng một "kinh tế học thể chế mới", hợp nhất những điểm mạnh của các phương pháp tiếp cận thể chế, marxist và tân cổ điển trong một cấu trúc lý thuyết mới. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế phải dựa trên một lý thuyết về những thay đổi thể chế. Lịch sử kinh tế, lịch sử chính trị và lịch sử xã hội phải được tích hợp.
Những nghiên cứu được tiến hành theo cách nhìn mới này đã dẫn đến những cuốn sách được xuất bản vào năm 1971 và 1973. Cuốn sách thứ hai, mà ông giới thiệu là mang tính cách mạng, trình bày một bức tranh lịch sử của châu Âu từ năm 900 đến năm 1700. Trong cuốn sách đó, ông đã đưa vào các khái niệm về chi phí giao dịch và quyền sở hữu được Ronald Coase một người bạn của ông phát triển, và trao cho chúng vai trò trung tâm. Trong khi Ronald Coase ứng dụng chúng vào nghiên cứu các doanh nghiệp, thì North lại ứng dụng chúng vào nghiên cứu hiệu suất tổng thể của nền kinh tế. Những thành công trong quá trình tăng trưởng kinh tế, theo ông, gắn chặt với sự tồn tại của các thể chế đảm bảo quyền sở hữu, từ đó cho phép giảm chi phí giao dịch và kích hoạt nỗ lực kinh tế. Nhà nước đóng vai trò thiết yếu trong quá trình này. Trong một bài báo viết về các thể chế được đăng vào năm 1991 trên Journal of Economic Perspective (Tạp chí về viễn cảnh kinh tế học), ông mô tả dự án trí tuệ của ông: "Vấn đề trung tâm của lịch sử kinh tế và phát triển kinh tế là xem xét sự tiến triển của các thể chế chính trị và kinh tế, tạo ra một môi trường kinh tế dẫn đến một sự gia tăng năng suất" (trang 98). North cho rằng trong số những người đi trước, Adam SmithKarl Marx đã hoàn toàn hiểu rõ mối liên hệ giữa việc xác lập các quyền sở hữu hiệu quả và sự tăng trưởng kinh tế.
Từ thể chế đến hệ tư tưởng
Luôn đặt lại vấn đề về các kết quả nghiên cứu của mình, North đi đến việc nhận ra rằng các nghiên cứu ấy không tính đến một hiện tượng phổ biến, cụ thể là sự dai dẳng, thường trong một thời gian rất dài, của những thể chế không hiệu quả, làm chậm lại hoặc kìm hãm hoàn toàn sự phát triển kinh tế. Ở đây phải xuất hiện một chiều kích của nhân loại mà phân tích kinh tế truyền thống, với những ngoại lệ hiếm hoi – giống như trường hợp của Schumpeter – đã để qua một bên, vì cho rằng không thể xử lý nó "một cách khoa học", không thể mô hình hóa nó. Ông nhắm đến những ý tưởng, những định kiến, những giáo điều, những huyền thoại, những điều cấm kỵ, những hệ tư tưởng. Việc xét đến hệ tư tưởng đã dẫn North đến việc đặt lại vấn đề đối với một trong những định đề chính của phân tích tân cổ điển, định đề về tính duy lý của các tác nhân kinh tế khi đối mặt với những thông tin không đầy đủ và thường không chính xác.
Vào năm 1981 và 1990, sau khi xuất bản hai cuốn sách phát triển quan điểm này, North cho rằng một câu hỏi quan trọng đã bị làm lu mờ: ý tưởng từ đâu mà có? Như vậy, cần phải thoát khỏi hoàn toàn kinh tế học và thậm chí cả các ngành khoa học xã hội để tiếp cận các lãnh vực của tâm lý học. North bắt đầu nghiên cứu các quá trình nhận thức, chất vấn cách thức vận động của trí óc và não, và các mối liên kết giữa sự vận động ấy, giữa học tập, sự xuất hiện của niềm tin và sự hình thành các lựa chọn. Đó là những chủ đề được đề cập trong cuốn sách mà ông xuất bản vào năm 85 tuổi, tìm cách tích hợp các lý thuyết kinh tế, chính trị, xã hội và các khoa học nhận thức.
North đã mô tả hành trình trí tuệ của ông như là "một hành trình dài, chắc chắn không thể đoán trước, từ chủ nghĩa Marx đến các ngành khoa học nhận thức" (trong tác phẩm Lives of the LaureatesCuộc đời của những người đoạt giải thưởng, dưới sự chỉ đạo của William Breit và Roger W. Spencer, MIT Press, 1995, trang 251). Ngoài hành trình trí tuệ ấy, ông cũng làm nhiệm vụ là cố vấn kinh tế cho nhiều nước trên thế giới và là nhà tổ chức trong giới học thuật. Năm 1997, cùng với Ronald Coase và Oliver Williamson, ông thành lập Hiệp hội Quốc tế vì một Kinh tế học Thể chế Mới.
Douglass C. North qua vài năm tháng
1920: Sinh tại Cambridge, bang Massachusetts.
1942: đỗ cử nhân tại Đại học California, Berkeley.
1942-1946: học nghề lái tàu trong ngành hàng hải thương mại; đồng thời cũng học lái máy bay.
1952: đỗ tiến sĩ tại Đại học Berkeley.
1950-1983: Giáo sư tại Đại học Washington.
1960-1966: đồng giám đốc Tạp chí Lịch sử kinh tế.
1961: The Economic Growth of the United States, 1790-1860 (Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, 1790-1860).
1966: Growth and Welfare in the American Past. A New Economic History (Tăng trưởng và phúc lợi trong quá khứ nước Mỹ. Một lịch sử kinh tế mới).
1971: đồng tác giả với Lance E. Davis, Institutional Change and American Economic Growth (Thay đổi thể chế và tăng trưởng kinh tế Mỹ). Đồng tác giả với Roger Leroy Miller, The Economic of Public Issues (Khía cạnh kinh tế của các vấn đề công).
1972-1973: Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử kinh tế.
1973: đồng tác giả với Robert P. Thomas, The Rise of the Western World.  A New Economic History (Sự nổi lên của phương Tây. Một lịch sử kinh tế mới).
1981: Structure and Change in Economic History (Cơ cấu và thay đổi trong lịch sử kinh tế).
1983: được phong giáo sư tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri.
1985-1990: Giám đốc sáng lập Trung tâm kinh tế chính trị, thuộc Đại học Washington.
1990: Institutions, Institutional Change and Economic Performance (Thể chế, thay đổi thể chế và thành tựu kinh tế).
Robert Fogel (1926-2013)
1993: cùng với Robert Fogel, được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1996: chủ biên, đồng tác giả với Lee J. Alson và Thrain Eggertsson, Empirical Studies in Institutional Change (Các nghiên cứu thực nghiệm trong thay đổi thể chế).
2005: Understanding the Process of Economic Change (Tìm hiểu về quy trình thay đổi kinh tế).
2010: Violence and Social Orders (Bạo lực và trật tự xã hội).
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của North
La croissance économique des États-Unis, Institut pour le développement économique, Banque internationale pour la reconstruction et le développement, 1963.
Growth and Welfare in the American Past.  A New Economic History, Prentice-Hall, 1966.
Institutional Change and American Economic Growth, avec Lance E. Davis, Cambridge University Press, 1971.
The Economic of Public Issues, avec Roger Leroy Miller, Harper & Row, 1971.
L’essor du monde occidental. Une nouvelle histoire économique, avec Robert T. Thomas, Flammarion, 1980.
Structure and Change in Economic History, W. W. Norton, 1981.
Institutions, Institutional Change and Economic Performance, Cambridge University Press, 1990.
Empirical Studies in Institutional Change, avec Lee J. Alson et Thrain Eggertsson, Cambridge University Press, 1996.
Le processus de développement économique, Editions d’organisation, 2005.
Violence and Social Orders, avec John Joseph Wallis et Barry R. Weingast, Gallimard, 2010.
Những tác phẩm viết về North
Douglass C. North”, par Gary D. Libecap, dans New Horizons in Economic Thought, par Warren J. Samuels (dir.), Edward Elgar, 1992.
Présentation”, par Yves Ménard, dans Le processus de développement économique, de Douglas C. North, Editions d’organisation, 2005.
Douglass C. North’s Contributions to Economics and Economic History”, par Johan Myhrman et Barry R. Weingast, Scandinavan Journal of Economics, vol. 96, no 2, 1994.
Explorations in the New Economic History: Essays In Honor of Douglass C. North, par Roger L. Ransom, Richard Sutch et Gary M. Walton (dir.), Academic Press, 1982.
North and Thomas, The Rise of the Western World, par Robert Rollinat, Dictionnaire des grandes œuvres économiques, par Xavier Greffe, Jérôme Lallement et Michel De Vroey (dir.), Dalloz, 2002.
North trên mạng
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Douglass C. North, une autre approche de l'histoire” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF