3.12.15

Douglass C. North, nhà kinh tế độc lập và được giải Nobel, qua đời ở tuổi 95



Douglass C. North, nhà kinh tế độc lập và được giải Nobel, qua đời ở tuổi 95
Douglass C. North trở nên nổi tiếng vì đã thách thức các phương pháp phân tích kinh tế truyền thống. Credit Washington University in St. Louis
Douglass C. North, người được trao giải Nobel vì công trình ứng dụng lý thuyết kinh tế vào lịch sử đã cung cấp một hiểu biết mới về cách thức các xã hội phối hợp hành vi của con người, đã qua đời hôm thứ Hai tại tư gia ở Benzonia, Mich. Ông thọ 95 tuổi.
Nguyên nhân là do ung thư thực quản, cháu gái ông Julie Case cho biết.
Là con trai của một ông bố bỏ học phổ thông giữa chừng, Giáo sư North vạch ra một con đường mơ hồ để đạt đến sự nổi tiếng về học thuật và ở các sảnh của các chính phủ ở Trung Quốc, Mỹ Latinh, Đông Âu và các nơi khác, nơi ông là một nhà tư vấn được săn đón.
Trong giới học thuật, nơi mà sự nghiệp giảng dạy của ông kéo dài bảy thập kỷ, và bằng nhiều cuốn sách và bài viết của ông với tư cách là một sử gia kinh tế, ông trở nên nổi tiếng vì đã thách thức các phương pháp phân tích kinh tế truyền thống, mà trong đó các thị trường thống trị, khi cho rằng chúng thường thất bại trong việc giải thích sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
John Joseph Wallis
Khi quăng mẻ lưới rộng hơn, ông xem xét, trong số những điều khác, tác động kinh tế của các thể chế xã hội và chính trị, của các luật và tập quán liên quan đến quyền sở hữu, và các niềm tin tôn giáo và nhận thức của con người.
Ông đưa ra giả thuyết, chẳng hạn như khi có nhiều nhóm kinh tế khác nhau — các nông dân hoặc các ngân hàng hay các công ty đường sắt — thấy rằng thể chế kiềm chế họ kiếm lời nhiều hơn, thì họ sẽ hợp lực với nhau để thay đổi thể chế.
"Thiên tài của North chính là tìm ra câu hỏi gì để hỏi tiếp, thường dưới dạng là một câu trả lời cho câu hỏi ‘Điều gì tôi không thể giải thích với khung khái niệm hiện tại của tôi?'" John Joseph Wallis, giáo sư kinh tế học tại Đại học Maryland và là người được North bảo hộ và cộng tác, đã viết trong một bài nhân kỷ niệm lần sinh nhật thứ 90 của giáo sư North. "Để làm được điều này đòi hỏi một sự kết hợp rất bất thường của sự khiêm tốn và sự tự tin."
Clio
Khi còn ở Đại học Washington, Seattle, nơi ông đã giảng dạy trong 33 năm, Giáo sư North đã giúp tìm ra một nhánh điều tra được gọi là sử trắc học, được đặt tên theo Clio, vị nữ thần của lịch sử, sau khi ông và những người khác kết luận rằng kinh tế học truyền thống định hướng theo thị trường thất bại trong việc đo lường một số khía cạnh của hoạt động kinh tế về mặt định lượng.
Giáo sư North quả quyết rằng kinh tế học truyền thống đã hoàn toàn không thừa nhận là các thị trường đã thấm sâu vào các thể chế, tiến hóa chậm và chỉ có thể hiểu được qua việc nghiên cứu các hiện tượng văn hóa đứng đằng sau chúng.
Ví dụ, khi ông xem xét tại sao chi phí vận tải đường biển đã giảm mạnh từ năm 1750 đến năm 1910, ông thấy rằng đó không phải là do công việc vận hành tàu bè đã trở nên rẻ hơn. Đúng hơn, nguyên nhân chính là sự gia tăng thương mại, sự giảm thiểu các vụ cướp biển và truy lùng (bằng tàu) và sự cải thiện hoạt động của các cảng biển. Dòng nghiên cứu này được gọi là "kinh tế học thể chế mới."
Robert Fogel (1926-2013)
Năm 1993, công trình của ông được ghi nhận với giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, cùng với Robert W. Fogel, người đã tiến hành công trình tương tự một cách độc lập. (Giáo sư Fogel qua đời năm 2013.) Khi trao giải thưởng, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã vinh danh cả hai người "vì những đóng góp cho nghiên cứu đổi mới trong lịch sử kinh tế qua việc ứng dụng lý thuyết kinh tế và các phương pháp định lượng để giải thích sự thay đổi về mặt kinh tế và thể chế."
Giáo sư North đi đến tiếp cận này sau khi ứng dụng thành công các công cụ kinh tế truyền thống vào việc phân tích lịch sử kinh tế Mỹ, dẫn đến một công trình có ảnh hưởng mạnh trên những phát triển về sau, "The Economic Growth of the United States 1790 to 1860 (Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ 1790 đến 1860)," được xuất bản vào năm 1961.
Nhưng khi quay sự chú ý sang châu Âu, như khi viết cùng với Robert Paul Thomas cuốn "The Rise of the Western World (Sự trỗi dậy của thế giới phương Tây)" (1973), ông thấy thách thức nghiêm trọng một cách bất ngờ và bắt đầu suy nghĩ lại phương pháp của mình.
"Việc trang bị lại công cụ hóa ra làm thay đổi hoàn toàn đời sống của tôi," ông viết trong một bản tự thuật phác thảo nhân buổi lễ trao giải Nobel, "kể từ khi tôi nhanh chóng tin chắc rằng các công cụ của lý thuyết kinh tế tân cổ điển không đủ sức để giải thích kiểu thay đổi mang tính xã hội cơ bản từng đặc trưng cho các nền kinh tế châu Âu từ thời trung cổ trở về trước.".
Ví dụ, ông nghiên cứu những hiệu ứng kinh tế của Cái chết đen tối (Black Death), có lẽ là đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử, một bệnh dịch diễn ra vào thế kỷ 14, làm chết hàng chục triệu người ở châu Âu và châu Á và làm cho lực lượng lao động sụt giảm và trở nên khan hiếm.
Giáo sư North thấy rằng lý thuyết cổ điển không thể giải thích thực tế là tiền lương ở Tây Âu tăng lên sau tai họa đó, nhưng không tăng lên ở Đông Âu, do nhiều nước ở đó vẫn còn theo chế độ nông nô. "Chúng ta cần các công cụ mới, nhưng đơn giản là chúng không tồn tại," ông viết.
Vì vậy, ông và các đồng nghiệp về sử trắc học bắt đầu tạo ra chúng, qua việc sử dụng một lượng lớn các dữ liệu định lượng.
Một trong những kết luận của Giáo sư North là nước Anh và Hà Lan tiến hành công nghiệp hóa nhanh hơn so với các nước khác bởi vì các phường hội, với những quy định nghiêm ngặt tại nơi làm việc và những hạn chế về tuyển dụng, ở hai nước trên yếu hơn so với các nước khác.
Bản thân công trình của giáo sư North dẫn đến một cấp độ điều tra khác — không được các nhà sử trắc khác tán thành — dẫn tới khoa học nhận thức để hiểu được tại sao con người đưa ra những lựa chọn của họ, thường trong hoàn cảnh của sự bất trắc và mơ hồ. Chẳng hạn như điều gì thúc đẩy con người hiến máu khi không hề có sự khích lệ tài chính để làm như vậy?
Phần lớn các nghiên cứu sau cùng này đã được tiến hành tại Đại học Washington ở St. Louis, nơi ông đã dành 28 năm trong sự nghiệp và là giai đoạn dài giảng dạy lần thứ hai.
"Doug North đã luôn thách thức tính thích đáng của sự đồng thuận trí thức hiện hành về cách thức lịch sử và khoa học xã hội giải thích sự thay đổi xã hội trong dài hạn," Giáo sư Wallis nói trong một cuộc phỏng vấn.
Barry R. Weingast
Barry R. Weingast, một đồng nghiệp cũ, nay là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford, cho biết Giáo sư North đã luôn "đi đầu trong rất nhiều cuộc cách mạng" trong lý thuyết kinh tế, liên quan đến việc ứng dụng kinh tế học và thống kê học truyền thống vào lịch sử, tầm quan trọng của việc xác định và thực thi các quyền sở hữu và, quan trọng nhất, vai trò then chốt của văn hóa của các thể chế trong hoạt động kinh tế.
Khi thực hiện công việc tư vấn ở nước ngoài, Giáo sư North nhấn mạnh đến việc sống tại một đất nước ít nhất là trong sáu tháng, tiếp thu các hệ thống niềm tin, tổ chức và khung thể chế của nước đó trước khi đưa ra lời tư vấn.
Ngoài các buổi lên lớp, Giáo sư North, một người nhỏ bé, nhưng luôn sôi nổi yêu đời, thỏa mãn sở thích của ông về ẩm thực thượng hạng, nhiếp ảnh, xe ô-tô tốc độ cao, tự mình lái máy bay, săn bắn, câu cá, chơi tennis, đi bộ đường dài và bơi lội, vẫn còn theo đuổi một số sở thích trên khi đã cao tuổi.
Vào nhiều thời điểm khác nhau, ông sở hữu hai trang trại. Một trang trại, với diện tích 160 mẫu Anh ở một vùng hẻo lánh, miền Bắc California, được mua với giá 10 đô-la một mẫu Anh. Ông cho biết, tiền mua trang trại ấy có được từ những trận thắng khi chơi bài poker.
Douglass Cecil North sinh ngày 5 tháng 11 năm 1920, tại Cambridge, Massachusetts, và mặc dù lớn lên dưới bóng của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, nhưng không có gì nhiều trong môi trường trưởng thành cho thấy ông sẽ trở thành một sử gia nổi tiếng về kinh tế học. Ông cho biết, bố ông đã bỏ học phổ thông giữa chừng để làm việc cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Metropolitan như là một nhóc chạy việc văn phòng, và Giáo sư North cũng không biết mẹ ông có tốt nghiệp trung học phổ thông chưa.
Bản thân ông cũng từng là một sinh viên hững hờ, chỉ đạt điểm "một chút tốt hơn so với điểm C trung bình", ông nói, khi là một sinh viên đại học tại Đại học California, Berkeley, nơi ông công khai trở thành người mác-xít và là một nhà hoạt động cấp tiến, người không mặn mà với bài vở. Có lần, ông đã từ chối tham gia cùng với các bạn Cộng sản trẻ, để chuyển sự ủng hộ của họ cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941.
Sau khi tốt nghiệp, Giáo sư North, người phản đối chiến tranh vì lí do đạo đức, gia nhập đội thương thuyền như một thuỷ thủ buộc dây tàu. Ông bị ép lái tàu khi chiếc tàu của ông, với những chỉ huy chỉ có trình độ học vấn thô sơ, lạc đường trong một chuyến đi đến Australia và thuyền trưởng đã triệu ông đến đài chỉ huy của ông ấy.
"Chúng ta đã bị lạc đường, và tôi cho cậu 24 giờ để học cách thức lái tàu," vị thuyền trưởng nói, khi Giáo sư North nhớ lại tình tiết trong một cuộc phỏng vấn về lời cáo phó cho thuyền trưởng này vào năm 2011 tại nhà của ông ở Benzonia, Bắc Michigan. Ông nhồi nhét thông tin lái tàu cả đêm, rồi hướng dẫn tàu đến Melbourne và trở thành hoa tiêu.
Hai năm ở Nam Thái Bình Dương và một năm giảng dạy lái tàu ở California cho phép ông tiếp tục đọc sách, điều đó khiến ông quyết định trở thành một nhà kinh tế.
Trong bài tiểu luận khi nhận giải Nobel, ông viết: "Tôi trở lại trường đại học với ý định rõ ràng rằng những gì tôi muốn làm với cuộc đời mình là cải thiện xã hội, và cách thức để làm được điều đó là tìm hiểu điều gì làm cho các nền kinh tế vận hành hiệu quả — hoặc không vận hành hiệu quả".
Ông nhanh chóng đạt được điểm A tại Đại học Berkeley và tìm được một việc làm tại Đại học Washington, nơi ông tạo được một tình bạn then chốt với Donald Gordon, vừa là đồng nghiệp vừa là một đối thủ cờ vua hàng ngày.
"Tôi đánh bại ông ấy ở môn cờ vua, và ông ấy dạy tôi lý thuyết," Giáo sư North cho biết trong cuộc phỏng vấn vào năm 2011. "Đó là nơi mà chúng tôi đã phát minh ra sử trắc học."
Năm 1944, Giáo sư North kết hôn với Lois Hiester, và có ba người con trai với bà. Bà trở thành một thành viên nổi bật của cơ quan lập pháp bang Washington. Cuộc hôn nhân kết thúc bằng một cuộc ly dị, và năm 1972 ông kết hôn với Elisabeth W. Case, người sống đến cuối đời với ông.
Ông để lại ba người con trai, Douglass, Christopher và Malcolm; một em gái cùng cha khác mẹ, Sheila; và bốn đứa cháu. Ông cũng có một căn nhà ở St. Louis.
Sau khi chính thức nghỉ hưu tại Đại học Washington, Giáo sư North tiếp tục giảng dạy tại đó và tại Đại học Stanford, cho đến khi ông 90 tuổi.
Giáo sư North dành cả đời nghiên cứu những gì ngăn cách các xã hội giàu với các xã hội nghèo, nhưng ông xa lánh chủ nghĩa giáo điều chính trị, đã từ lâu từ bỏ chủ nghĩa Mác, ông cho rằng mình không hoàn toàn là người tự do chủ nghĩa, cũng không phải hoàn toàn là người bảo thủ.
Ông cũng không có quan điểm đặc biệt về quy mô thích hợp của chính phủ.
"Lịch sử kinh tế đã dạy cho chúng ta rằng thế giới là một hệ thống tiến hóa phức tạp, luôn thay đổi," ông nói. "Đóng góp của tôi là làm cho mọi người nhận thức được quá trình năng động này."
Hiệu chỉnh: ngày 25 tháng 11 năm 2015
Do một lỗi biên tập, một phiên bản trước của cáo phó này đã ghi sai về địa điểm Đại học Washington, nơi Giáo sư North đã giảng dạy trong 33 năm. Nó ở Seattle, chớ không phải ở St. Louis.
Daniel E. Slotnik có đóng góp cho bài này.
ROBERT D. HERSHEY Jr.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Douglass C. North, Maverick Economist and Nobel Laureate, Dies at 95, The New York Times, Nov. 24, 2015.  
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF