28.12.15

15 lời nguyền của thị trường tự do phi điều tiết



 15 lời nguyền của thị trường tự do phi điều tiết

Vì sao các sinh viên tương lai nên bỏ lớp kinh tế học cơ bản (econ 101) 
Các thị trường không vận hành theo cách mà sách giáo khoa kinh tế học rao giảng. Trong khi tôi đặt niềm tin vào sức mạnh thị trường trong việc bồi đắp phẩm chất xã hội, thì thị trường vẫn có nhiều hạn chế thuộc về bản chất mà bất cứ phương pháp tiếp cận khoa học đáng tin cậy nào cũng phải công nhận để có thể hoạch định được các chính sách công hiệu quả. Dưới đây là danh sách 15 lời nguyền – vâng, tôi gọi chúng là lời nguyền – mà thị trường phải hóa giải để có thể vận hành tương thích với các nguyên lý trong sách giáo khoa.
Lời nguyền thứ 1: Thông tin không đầy đủ hay thông tin không đối xứng đặt ra một trở ngại đáng kể đối với sự vận hành hiệu quả của thị trường. Thực tế, hạn chế này khiến cho thị trường hiếm khi đạt được tính hiệu quả. Phải tốn chi phí để có được thông tin và thông tin lại được phân bổ không đồng đều, và do vậy mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được các thông tin như nhau trong điều kiện bất bình đẳng về phân phối thu nhập.
Lời nguyền thứ 2: Hành vi cơ hội có liên quan đến vấn đề thị trường tự do mở ra vô vàn khả năng cho người ta lợi dụng các tình huống bằng hành vi phi đạo đức, trái nguyên tắc, xảo quyệt, mánh khóe, bịp bợm, hay lừa gạt.
Daniel Kahneman (1934-)
Lời nguyền thứ 3: Theo nhà tâm lý học là khôi nguyên giải Nobel Daniel Kahneman thì giả định duy lí là một giả định “không được công nhận”. Trong thực tế, không một nhà tâm lý học hiện đại nào đồng ý rằng con người luôn hành động duy lí như những gì mà các kinh tế gia lý thuyết suông khẳng định.
Lời nguyền thứ 4: thiên tư về nhận thức của các đối tượng tham gia thị trường khá là dị biệt. Thực tế này đặt ra một thách thức nặng ký đối với kinh tế học tiêu chuẩn trong chừng mc mà sách giáo khoa ngầm giả định rằng các đối tượng tham gia thị trường có tính đồng nhất – nghĩa là, mọi người đều có khả năng tương đồng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế phức tạp mà hệ thống toàn cầu ngày nay đặt ra.
Lời nguyền thứ 5: Trẻ em hoàn toàn không được tính đến trong phần lớn kinh tế học. Có lẽ các kinh tế gia cần được nhắc nhở rằng chúng ta khi sinh ra không phải là người lớn và chúng ta không tham gia vào nền kinh tế với đầy đủ các thị hiếu trưởng thành như người lớn.
Lời nguyền thứ 6: Tính không nhất quán trong thời gian (tiền hậu bất nhất) có liên quan đến vấn đề quan trọng là hành động của chúng ta trong hiện tại sẽ tiếp tục để lại hậu quả lâu dài trong tương lai, và trong tương lai chúng ta có thể hối hận nhiều về những hành động trong quá khứ của mình. Nói tóm lại, chúng ta có thể đổi ý.
Lời nguyền thứ 7: Xã hội không tồn tại trong kinh tế học từ chương, mà chỉ tồn tại các cá nhân là những người hầu như không bao giờ tương tác với nhau. Nói theo cách khác, các nhà kinh tế hoàn toàn bỏ qua các nguyên lý xã hội học và tâm lý học xã hội.
Lời nguyền thứ 8: Sự mất cân bằng về quyền lực cũng bị kinh tế học dòng chính phớt lờ đi, mặc dù vấn đề này cực kỳ quan trọng, bởi vì nó bẻ cong các chính sách kinh tế theo hướng có lợi cho người giàu và sinh ra tình trạng thiên lệch về quyền lực chính trị vốn làm gia tăng thêm các đặc quyền của tầng lớp thượng lưu đồng thời đe dọa các tiêu chuẩn cơ bản của nền dân chủ.
Lời nguyền thứ 9: Sự bất trắc là một thách thức ghê gớm đối với thị trường. Bộ não của con người gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý thông tin trong điều kiện bất trắc có liên quan đến việc tính toán xác suất. Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn phô bày chính xác mức độ tàn phá có thể diễn ra khi người ta hiểu sai về rủi ro, định giá rủi ro không chính xác và không đánh giá rủi ro một cách xác đáng.
Lời nguyền thứ 10: Thị trường tài chính vốn dĩ không ổn định vì hệ thống ngân hàng dự trữ bán phần và vì tài sản của các ngân hàng là dài hạn trong khi các nghĩa vụ nợ của họ có tính ngắn hạn. Như chúng ta đã từng chứng kiến hàng trăm lần kể từ sau cuộc Cách Mạng Công Nghiệp, và sống động nhất là vào năm 2008, thị trường tài chính, một phát minh của nhân loại, có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Lời nguyền thứ 11: Chi phí giao dịch ngăn dòng phúc lợi và ngăn trở tính hiệu quả, vì chi phí giao dịch làm cạn kiệt nguồn lực nhưng không làm tăng phúc lợi. Tuy nhiên, chúng lại không được nhắc đến trong sách giáo khoa về Các Nguyên Lý Trong Kinh Tế Học. Thực tế tồn tại chi phí tìm kiếm, chi phí thu thập thông tin, chi phí hoạch định chính sách và chi phí đảm bảo thực thi.
Lời nguyền thứ 12: Thời gian và không gian không được tích hợp xuyên suốt vào lối tư duy của kinh tế học dòng chính. Đây là một hạn chế trầm trọng về mặt khái niệm bởi vì cả hai biến trên đều cần thiết giúp giải thích lý do tại sao các thị trường nhìn chung là không hiệu quả.
Lời nguyền thứ 13: Các thị trường không tồn tại đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với phúc lợi của chúng ta và phúc lợi của các thế hệ tương lai. Chính bản thân các thị trường tạo ra quá nhiều sự ô nhiễm bởi vì bầu khí quyển không thuộc về bất cứ ai. Hậu quả là tình trạng ô nhiễm đã trở thành hiểm họa toàn cầu lớn nhất của chúng ta.
Lời nguyền thứ 14: Việc các thị trường được giải điều tiết thiết lập ra các giới hạn và các tiêu chuẩn là điều cực kỳ khó khăn. Sự bất lực của thị trường trong việc đặt ra các giới hạn đẩy cho chúng ta quá nhiều các tiêu chuẩn không tương thích khác nhau và quá nhiều sự bất bình đẳng.
Lời nguyền thứ 15: Thị trường không dễ dàng cung cấp sự an toàn bởi vì an toàn là một thuộc tính vô hình khó mà đoán chắc và về mặt tâm lý thì cả người sản xuất và người tiêu dùng đều có phần thiên lệch nghiên về phía hiện tại.
John Komlos (1944-)
Dĩ nhiên, có nhiều kinh tế gia thực nghiệm không đồng tình với động cơ chính yếu được đề xuất bởi các kinh tế gia dòng chính thuộc chuyên ngành của họ và thậm chí họ còn trách mắng các đồng nghiệp của mình vì lý do không tự vấn sâu sắc hơn về các giả định của chính mình. Chắc chắn một điều là các kết luận được rút ra bởi sự suy diễn từ các giả định của dòng chính chỉ có lý trên giảng đường nhưng lại trở thành thứ chất độc hại khi áp dụng vào thực tế.
Những lời nguyền trên đối với “kinh tế học thuần túy” cần được xem xét đến nếu chúng ta muốn tạo ra các hệ thống thị trường vận hành một cách khỏe mạnh và hiệu quả trong khi vẫn đồng thời cải thiện được điều kiện an sinh xã hội cho con người và cho cả hành tinh.
John Komlos
Trần Thị Minh Ngọc dịch
John Komlos là Giáo sư danh dự về Kinh tế học và Lịch sử Kinh tế học tại trường Đại học Munich, ông từng tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục khác như Harvard, Duke, và Đại học Vienna.
Nguồn:15 Curses of Unregulated Markets", Evonomic.com.

Có thể tham khảo: J. Komlos, What Every Economics Student Needs to Know and Doesn’t Get in the Usual Principles Text (New York: Routledge, 2014).
Print Friendly and PDF