Milton Friedman, lãnh chúa thập tự chinh của chủ nghĩa tự do
Trong suốt sự nghiệp của ông, Milton Friedman (1912-2006) đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa Keynes và sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế.
John Maynard Keynes (1883-1946) |
Trong số các nhà kinh tế học đương đại, Milton Friedman chắc chắn là một trong những người nổi tiếng nhất và được giới truyền thông chú ý đến nhiều nhất. Là tác giả của nhiều ấn phẩm hàn lâm, ông cũng sử dụng, để truyền bá các ý tưởng của mình, các bài viết phê bình, các tờ báo và tạp chí đại chúng, các đài phát thanh và truyền hình ... Dạy học và diễn thuyết hiệu quả, Friedman là một nhà luận chiến đáng gờm. Giống như nhiều nhà tư tưởng khác đã để lại dấu ấn trên bộ môn của họ, trước hết đó là cả một cuộc thập tự chinh về ý thức hệ và chính trị mà Friedman đã theo đuổi kể từ khi khởi nghiệp. Các mục tiêu chính là Keynes, học thuyết Keynes và sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Tin vào tính hiệu quả của cơ chế thị trường, Friedman đặt sự tự do kinh tế lên hàng đầu, mà theo ông là điều kiện của sự tự do chính trị.
Ông tiến hành không mệt mỏi cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức can thiệp của chính quyền, chống lại những thế lực của nghiệp đoàn và của các ban quản lí phường hội nghề nghiệp. Ông tin vào sự tác hại, nếu không muốn nói là sự thiếu hiệu quả, của các chính sách tài khóa và tiền tệ, và đặc biệt là mọi nỗ lực quản lý các tình huống kinh tế. Ông công kích mức lương tối thiểu, cũng như vấn đề kiểm soát giá thuê nhà. Ông đề xuất thay thế tất cả các biện pháp an sinh xã hội bằng một mức thuế bù trừ đánh trên thu nhập, hiệu quả hơn để duy trì động lực lao động. Ông thậm chí cũng đấu tranh chống lại lệnh cấm bán và sở hữu ma túy, một sự vi phạm khác luật chơi của thị trường tự do, làm trầm trọng thêm vấn đề tội phạm hơn là giải quyết chúng.
Từ phương pháp luận kinh tế đến lý thuyết thu nhập thường xuyên
Friedrich Hayek (1899-1992) |
Năm 1947, ông là một trong những thành viên sáng lập của hội Société du Mont-Pèlerin, được thành lập theo sáng kiến của Friedrich Hayek để thúc đẩy việc bảo vệ chủ nghĩa tự do, bị đe dọa bởi chủ nghĩa xã hội và cuộc cách mạng theo thuyết của Keynes. Ông là chủ tịch của Hội từ năm 1970 đến năm 1972. Ông có thể được coi là một trong những người truyền cảm hứng chính cho điều được gọi là chủ nghĩa tân tự do. Ông là cố vấn cho ứng cử viên siêu bảo thủ của đảng Cộng hòa Barry Goldwater vào năm 1964, rồi đến các ứng cử viên và tổng thống Richard Nixon và Ronald Reagan. Bị các nhà kinh tế học cô lập vào thời kỳ học thuyết Keynes ngự trị, thời hoàng kim của ông bắt đầu từ những năm 1970, với thắng lợi của chủ nghĩa trọng tiền, gắn với tên của ông. Việc được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, vào năm 1976, cũng là một biểu tượng của thời hoàng kim ấy. Chủ nghĩa Reagan và chủ nghĩa Thatcher, trong số các chủ nghĩa khác, mang dấu ấn các ý tưởng của Friedman, nhà lãnh đạo "trường phái Chicago", xuất hiện như là mũi xung kích của một chủ nghĩa tự do kinh tế triệt để.
Barry Goldwater (1909-1998) |
Nghịch lý thay, chính là trong một lĩnh vực tương đối trừu tượng và xa rời chính trị, một lĩnh vực của khoa học luận, mà Milton Friedman đã cống hiến một trong những đóng góp quan trọng đầu tiên, và là một trong những đóng góp đã làm tốn rất nhiều bút mực. Trong bài "The methodology of Positive Economics” (Phương pháp luận của kinh tế học thực chứng)", mở đầu một tuyển tập các bài báo được xuất bản vào năm 1953, ông phân biệt kinh tế học thực chứng, tìm cách để hiểu sự vận hành của nền kinh tế, và kinh tế học chuẩn tắc, phát sinh từ các giá trị của cá nhân và phản ánh cách thức mà con người muốn nền kinh tế được tổ chức. Ông cho rằng hai lĩnh vực trên độc lập với nhau. Nhưng trên tất cả, ông xem kinh tế học thực chứng như là một khoa học thực nghiệm, vận hành theo những quy tắc giống với các ngành khoa học tự nhiên.
Phương pháp khoa học cốt ở việc xây dựng một mô hình mà trong đó tính thực tế của các giả thuyết không phải là điều quan trọng. Trong cách tiếp cận trừu tượng này, vấn đề là đưa ra được những dự đoán mà giá trị sẽ được kiểm định bằng cách đối chiếu các dự đoán ấy với các dữ liệu thu được từ kinh nghiệm. Vì vậy, đối với Friedman, thật là sai lầm khi công kích lý thuyết tân cổ điển bằng cách phê phán tính phi thực tế của giả thuyết con người kinh tế (homo œconomicus), duy lý và toàn trí. Điều quan trọng duy nhất là biết được liệu các dự đoán được suy ra từ các giả thuyết có phù hợp với thực tế hay không.
Đó là cách tiếp cận mà Friedman ứng dụng vào các nghiên cứu kinh tế của ông. Và trước hết vào nghiên cứu của ông về hàm tiêu dùng, bắt đầu từ những năm 1940 và kết thúc trong cuốn sách của ông năm 1957, A Theory of the Consumption Function (Một lý thuyết về hàm tiêu dùng). Đối với Keynes, chi tiêu tiêu dùng gắn với thu nhập hiện hành, với một khuynh hướng tiêu dùng giảm dần khi thu nhập tăng lên. Đối với Friedman, tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập thường xuyên, vào những gì mà các tác nhân dự đoán có được trong một thời gian dài. Điều này đặt lại vấn đề các đề xuất theo thuyết của Keynes về vấn đề phân phối lại thu nhập để kích thích tiêu dùng. Thu nhập bổ sung được các chính sách ngắn hạn tạo ra, đối với người thụ hưởng, không xuất hiện như là một sự bổ sung cho thu nhập thường xuyên của họ, nhưng như là một thu nhập tạm thời và bất ngờ mà không nhất thiết phải chi tiêu. Vì vậy chính tính hiệu quả của các chính sách thuế khóa mới là vấn đề cần đặt lại ở đây.
Lạm phát như là tai họa quan trọng nhất cần khắc phục
Chính trên lĩnh vực lý thuyết tiền tệ mà Friedman đã tiến hành sự công kích chính của ông chống lại lý thuyết Keynesian. Trong General Theory (Lý thuyết tổng quát), Keynes công kích lý thuyết định lượng về tiền tệ, theo đó mọi sự điều chỉnh về cung tiền chỉ có tác dụng, ít nhất là trong dài hạn, đối với mức giá chung. Trong chương đầu tiên của cuốn sách mà ông biên soạn vào năm 1956, và một số bài viết được công bố khác, Friedman khôi phục lại lý thuyết đinh lượng bằng cách giới thiệu một phiên bản tinh vi hơn. Trong diễn văn nhận giải thưởng Nobel, ông khẳng định rằng quy luật, mà theo đó mọi biến động về cung tiền tệ sẽ được nối tiếp, sau một thời gian điều chỉnh, bằng một biến động theo cùng hướng với mức giá chung, có cùng một tính chất đều đặn và phổ quát của các quy luật thực nghiệm lớn trong các ngành khoa học tự nhiên.
Anna Schwartz (1915-2012) |
Do đó lạm phát, đối với Friedman, là tai họa quan trọng nhất, hơn cả tình trạng thất nghiệp, cần khắc phục và có nguồn gốc hoàn toàn mang tính tiền tệ. Nó phát sinh từ các chính sách sai lầm và tùy nghi của các ngân hàng trung ương, quản lý cung tiền tệ theo ý của họ. Như Friedman cho rằng ông đã chứng minh điều ấy trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm mà ông đã tiến hành với Anna Schwartz, rằng những biến động mang tính chu kỳ của các nền kinh tế hiện đại, nếu không do những chính sách tiền tệ mang tính thất thường đó gây nên thì ít nhất cũng làm chúng thêm trầm trọng. Sau 12 đến 18 tháng, trước khi thể hiện bằng một sự chuyển động của mức giá chung, sự biến động về cung tiền tệ tác động trước tiên đến sản xuất và việc làm. Theo Friedman, Keynes đã nhầm lẫn khi cho rằng sự biến động đầu tư là nguyên nhân hàng đầu của các chu kỳ kinh tế và tình trạng thất nghiệp.
Các hậu quả chính trị như vậy là một điều tất yếu và tự nhiên. Cách duy nhất để khắc phục một cách hiệu quả lạm phát và các chu kỳ kinh tế là kiểm soát sự gia tăng cung tiền tệ. Phải tước đi quyền lực ra quyết định tùy nghi của các chính trị gia và các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương bằng cách ấn định trong hiến pháp một tỷ lệ gia tăng tiền tệ hàng năm tương ứng với mức tăng bình quân của sản lượng quốc gia, đâu đó vào khoảng giữa 3% và 5%. Đó là quy tắc tiền tệ được Friedman đề xuất vào năm 1960. Đó cũng là nguồn gốc của thuật ngữ "chủ nghĩa trọng tiền (monétarisme)", được tạo ra vào cuối những năm 1960 để đặc trưng hóa tầm nhìn về tiền tệ nói trên và các chính sách tiền tệ, nhưng ở cấp độ rộng hơn để mô tả toàn bộ các chính sách tự do được Friedman và các môn đồ của ông đưa ra.
Về lý thuyết tỷ suất thất nghiệp tự nhiên
Lý thuyết về tỷ suất thất nghiệp tự nhiên bổ sung cho kho vũ khí lý thuyết của học thuyết trọng tiền. Lần đầu tiên nó được phát biểu trong diễn văn nhậm chức chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ của Friedman vào năm 1967, “The Role of Monetary Policy (Vai trò của chính sách tiền tệ)". Friedman cho rằng mọi nền kinh tế đều có một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, hay cân bằng, được xác định bởi các cơ chế về thể chế chẳng hạn như cơ cấu của thị trường lao động, thế mạnh của nghiệp đoàn, sự vận hành của bảo hiểm thất nghiệp, sự không hoàn hảo của thị trường. Cần phân biệt thất nghiệp trên với thất nghiệp có tính tình thế, mà để chống lại các chính sách kinh tế theo thuyết Keynes có thể đạt được một số hiệu quả ngắn hạn. Mọi toan tính làm giảm tỷ suất thất nghiệp thấp hơn tỷ suất thất nghiệp tự nhiên sẽ khởi động một tỷ suất lạm phát luôn mãi tăng khi muốn duy trì việc làm ở mức giả tạo này. Điều này có nghĩa là sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, được minh họa bởi đường Phillips nổi tiếng, yếu tố trung tâm của bộ vũ khí của học thuyết Keynes thời hậu chiến, sẽ biến mất. Chỉ có một, và duy nhất một tỉ suất thất nghiệp tự nhiên mà chính sách tiền tệ truyền thống tỏ ra bất lực để làm giảm nó. Để giảm tỷ suất thất nghiệp tự nhiên, cần phải tác động đến các nhân tố mang tính cấu trúc, chẳng hạn như linh hoạt hóa thị trường lao động. Về điểm này, thông điệp của Milton Friedman đã được hầu hết các chính phủ đón nhận.
Milton Friedman qua vài năm tháng
1912: Sinh tại Brooklyn, trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Đế chế Áo-Hung.
1932: bắt đầu theo học Đại học Chicago, từ năm 1934 thì học tại Đại học Columbia.
1937: bắt đầu làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), nơi mà ông gắn bó đến năm 1981.
1945: Income from Independent Professional Practice (Thu nhập từ thực hành nghề nghiệp độc lập), đồng tác giả với Simon Kuznets.
1946: lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia. Khởi nghiệp tại Đại học Chicago.
1953: Essays in Positive Economics (Các tiểu luận về kinh tế học thực chứng).
1956: Studies in the Quantity Theory of Money (Các nghiên cứu về lý thuyết định lượng về tiền tệ).
1957: A Theory of the Consumption Function (Một lý thuyết về hàm tiêu dùng).
1960: A Program for Monetary Stability (Một chương trình bình ổn tiền tệ).
1962: Capitalism and Freedom; Price theory (Chủ nghĩa tư bản và Tự Do; Lý thuyết giá cả).
1963: A Monetary History of the United States, 1867-1960 (Lịch sử tiền tệ của Hoa Kỳ, 1867-1960), đồng tác giả với Anna J. Schwartz; Dollars and Deficits: Inflation, Monetary Policy and the Balance of Payments (Đồng đôla và thâm hụt: Lạm phát, chính sách tiền tệ và cán cân thanh toán).
1969: The Optimum Quantity of Money and Other Essays (Số lượng tối ưu về tiền tệ và các tiểu luận khác).
1970: The Counter-Revolution in Monetary Theory; Monetary Statistics of the United States (Cuộc phản cách mạng trong lý thuyết tiền tệ; Các thống kê tiền tệ của Hoa Kỳ), đồng tác giả với Anna J. Schwartz.
1971: A Theorical Framework for Monetary Analysis (Một khung lý thuyết về phân tích tiền tệ).
1976: được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1977: nghỉ hưu Đại học Chicago, trở thành nhà nghiên cứu tại học viện Hoover Institution ở Stanford, California.
1980: Free to Choose: A Personal Statement (Tự do lựa chọn: Một tuyên bố cá nhân), đồng tác giả với Rose Friedman.
1981: được bổ nhiệm là thành viên của Hội đồng cố vấn các chính sách kinh tế của Tổng thống Reagan.
1982: Monetary Trend in the United States and the United Kingdom, 1867-1975 (Xu hướng tiền tệ tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, 1867-1975), đồng tác giả với Anna J. Schwartz.
1983: Bright Promises, Dismal Performance (Những lời hứa sáng sủa, thành quả ảm đạm).
1984: Tyranny of Status Quo (Sự chuyên chế của hiện trạng), đồng tác giả với Rose Friedman.
1991: Monetarist Economics (Kinh tế học theo phái trong tiền).
1992: Money Mischief: Episodes in Money History (Tác hại của tiền tệ: Các giai đoạn về lịch sử tiền tệ).
1998: Two Lucky People: Memoirs (Hai người may mắn: Hồi ký), đồng tác giả với Rose Friedman.
2006: qua đời tại San Francisco.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Milton Friedman
• Essais d’économie positive, Litec, 1995.
• Capitalisme et liberté, Laffont, 1971.
• Prix et théorie économique, Economica, 1983.
• Inflation et systèmes monétaires, Calmann-Lévy, 1969.
• Contre Galbraith, Economica, 1977.
• La liberté du choix, đồng tác giả với Rose Friedman, Belfond, 1980.
• La tyrannie du statu quo, đồng tác giả với Rose Friedman, J.-C. Lattès, 1984.
• La monnaie et ses pièges, Dunod, 1993.
• Changes flexibles ou étalon international, Dunod, 2002.
Những tác phẩm viết về Milton Friedman
• Milton Friedman: vie, œuvres, concepts, của Gérard Cornier, Ellipses, 2002.
• Milton Friedman’s Monetary Framework: a Debate with his Critics, của Robert J. Gordon (chủ biên), University of Chicago Press, 1974.
• Theory and Measurement: Causality Issues in Milton Friedman’s Monetary Economics, của J. Daniel Hammond, Cambridge University Press, 1996.
• Milton Friedman: Economics in Theory and Practice, của Abraham Hirsch và Neil de Marchi, University of Michigan Press, 1990.
• Milton Friedman et son œuvre, của Marc Lavoie và Mario Seccareccia (chủ biên), Presse de l’université de Montréal, 1993.
• Milton Friedman: Critical Assessments, của John Cunningham Wood và Ronald N. Woods (chủ biên), 4 vol., Routledge, 1990.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Milton Friedman, croisé du libéralisme” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.