30.12.15

Lịch sử kinh tế đã chết; lịch sử kinh tế sống mãi?



Lịch sử kinh tế đã chết; lịch sử kinh tế sống mãi?

Hai năm trước, trong một bài nghiên cứu rất thú vị, Peter Temin than tiếc về sự suy tàn của lịch sử kinh tế như là một đề tài nghiên cứu tại các trường đại học. Ông lấy ví dụ về những gì đã xảy ra tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để chứng minh cho quan điểm của mình. Tại đó, môn học này đạt tới đỉnh điểm vào những năm 1970, khi có ba thành viên của khoa giảng dạy về lịch sử kinh tế. Nhưng kể từ đó, nó suy tàn cho đến khi lịch sử kinh tế biến mất khỏi khoa và khỏi chương trình học đại học vào khoảng năm 2010.
Peter Temin (1937-)
Nhưng lịch sử kinh tế có thực sự đã chết chưa? Cuối tuần qua, Hiệp hội Lịch sử Kinh tế của Anh đã tổ chức hội nghị thường niên kéo dài trong ba ngày tại Telford, cố gắng cho thấy môn học vẫn tồn tại và còn thú vị nữa. Các nhà sử học kinh tế có mặt tại buổi họp rất lạc quan về tương lai. Mặc cho những tai ương của môn học tại MIT đã lặp lại trong khắp các trường đại học nghiên cứu ở cả châu Mỹ và châu Âu, thì kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, vẫn còn một chút gì đó hồi sinh. Một lý do giải thích cho điều này, như chúng tôi đã chỉ ra vào năm 2013, có thể là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và công chúng vẫn tin rằng việc có được một hiểu biết tốt hơn về lịch sử kinh tế có lẽ đã giúp tránh khỏi điều tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng gần đây.
Tuy nhiên, người ta có thể thấy rõ nhất sức sống mới trong các cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế hiện nay với nhau. Đặc biệt, có ba câu hỏi lớn về kinh tế học trong vài năm qua đã trở thành những cuộc tranh luận về lịch sử kinh tế, chứ không phải về lý thuyết theo đúng nghĩa của nó.
Carmen Reinhart (1955-)
Kenneth Rogoff (1953-)
Thứ nhất, điều này có thể được thấy trong các lập luận về công trình gần đây của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff về mối quan hệ giữa nợ và tăng trưởng. Vào năm 2010, sử dụng các dữ liệu kinh tế có giá trị trong hai thế kỷ qua trên toàn thế giới, hai nhà kinh tế trên thuộc Đại học Harvard cho rằng các nước trải qua một sự suy giảm tăng trưởng gay gắt khi tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng 90%. Các chính trị gia ngay lập tức bám vào các kết luận của họ để biện minh cho chính sách thắt lưng buộc bụng trong vài năm tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ nhất thiết có được một lý giải đúng về lịch sử. Vào năm 2013, ba nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst cho thấy các lỗi trong bảng tính toán đã làm lệch kết quả, mà trong thực tế không cho thấy một sự sụt giảm mạnh khi tỉ số nợ công trên GDP lên đến 90%. Và vào năm 2014, một nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ghi nhận rằng khi những thời kỳ bất thường, chẳng hạn như cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đã được loại trừ khỏi dữ liệu, người ta đã không thể tìm thấy mối quan hệ giữa nợ và tăng trưởng mà bà Reinhart và ông Rogoff đã nhận diện.
Thomas Piketty (1971-)
Matthew Rognlie (1989-)
Những cuộc tranh luận về sự tương quan và tính nhân quả liên quan đến các mô thức lịch sử mà họ đã nhận diện vẫn đang diễn ra giữa các nhà kinh tế. Đó không phải là lãnh vực duy nhất mà các cuộc tranh luận về lịch sử kinh tế đang thống trị kinh tế học. Cuộc tranh luận gần đây giữa Thomas Piketty và Matthew Rognlie về việc liệu sự gia tăng giàu có bất bình đẳng trong thế giới các nước giàu có phải là nhờ vào sự gia tăng lợi nhuận trên vốn đầu tư nói chung không, hoặc nhờ vào kinh doanh nhà ở nói riêng không, là một cuộc tranh luận về lịch sử kinh tế không kém gì một cuộc tranh luận về kinh tế học.
Xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy trong thực tế hoạch định chính sách ở châu Âu. Các cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách về cách thức phản ứng tốt nhất trước cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro cũng bị chi phối bởi hai cách diễn giải khác nhau về lịch sử. Một mặt, những người phản đối chính sách nới lỏng định lượng nhấn mạnh đến vai trò tiêu cực của lạm phát trong lịch sử, ví dụ như, nhấn mạnh đến nguy cơ siêu lạm phát đối với nền dân chủ và lợi ích của giá cả ổn định của nước Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mặt khác, những người ủng hộ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa viện đến cuộc Đại khủng hoảng, khi lập luận rằng tình trạng giảm phát, thất nghiệp hàng loạt và mức cầu thấp đặt ra một nguy cơ lớn hơn cho nền dân chủ hơn là tình trạng lạm phát trong những năm 1930. Trong ngắn hạn, gần như hơn bao giờ hết, các cuộc tranh luận kinh tế giữa các nhà hoạch định chính sách đều có màu sắc lịch sử.
Martin Daunton (1949-)
Và như bài giảng Tawney năm nay của Martin Daunton thuộc Đại học Cambridge đã chỉ ra tại hội nghị mới đây của Hiệp hội Lịch sử Kinh tế, các nhà lịch sử kinh tế cũng có vai trò trong việc định hình sự quản trị kinh tế toàn cầu ngày nay. Hiện nay các thể chế đối phó với hậu quả của cuộc Đại suy thoái như IMF, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới đều là sản phẩm của cuộc Đại suy thoái. Theo ông Daunton lập luận, một bài học có thể rút ra từ cuộc Đại suy thoái hiện đại là các thể chế quốc tế được thành lập vào những năm 1940 đã ngăn cản sự quay lại của chính sách lợi mình hại người và một sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới như những năm 1930 đã từng chứng kiến. Một trong những vấn đề chính của ngày nay là làm thế nào để đảm bảo những thể chế này có thể xử lí các chính sách mang tính tư lợi, chẳng hạn như chính sách bảo hộ thương mại hoặc tích trữ dự trữ ngoại tệ, vốn vẫn có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đã từng có rất nhiều lựa chọn gây tranh cãi được thiết kế để né tránh vấn đề trên nhưng bị gạt ra ngoài lề khi hệ thống được thiết lập vào những năm 1940. Mặc dù kể từ đó chúng bị lờ đi, nhưng giờ đây chúng có thể cần phải được xem xét lại.
Để điều tra vấn đề này, cũng như các yêu cầu lịch sử của các nhà kinh tế về nhiều vấn đề khác như tác động của nợ công cao và nguyên nhân của bất bình đẳng, sự đóng góp của các nhà sử học — những người mà hầu hết trong thực tế đều đứng bên ngoài các cuộc tranh luận trên — là điều hết sức cần thiết. Lịch sử kinh tế có thể bị chết đi như là một môn học được giảng dạy trong các khoa học thuật độc lập, như đã từng xảy ra tại các trường đại học trong những năm 1970. Nhưng là một môn học cần thiết như là một phần của nghiên cứu kinh tế học và triển khai các chính sách công, lịch sử kinh tế phải là — và nên là — một môn học sống động.
C.R.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Economic history is dead; long live economic history?, The Economist, Apr 7th 2015.
Print Friendly and PDF